Nhớ Bạch Đằng Giang Oai Hùng

 Nhớ Bạch Đằng Giang Oai Hùng

“Đây Bạch Đằng Giang sông hùng dũng của nòi giống Tiên Rồng, Giống Lạc Hồng, giống anh hùng, Nam Bắc Trung…”
 LM. Giuse Nguyễn Văn Thư

Ngô Quyền chấm dứt thời kỳ bắc thuộc:


Bấy giờ là năm 938, toàn dân Việt đang rên xiết sau 1117 năm bị Tầu đô hộ, đã cùng Ngô Quyền vùng lên chống ngoại xâm tàn bạo. Ngô tướng quân đã khôn khéo dụ quân bắc phương (nam Hán) cùng ‘tỉ thí’ hải quân tại sông Bạch Đằng. Thế là địch quân đại bại, ta giết chết tướng Hoàng Tháo, chấm dứt những tháng năm tủi hờn, và dựng lại nền độc lập cho dân Việt. ( Ngô Quyền sai quân đóng cọc gỗ ở lòng sông, rồi đem quân khiêu chiến nhử quân giặc vào sâu trận địa đã bố trí lúc thủy triều cao, rồi tung quân đánh úp xua đuổi và phá tan mọi chiến thuyền giặc, khiến chúng không có lối chạy lúc thủy triều xuống thấp ). Chiến thắng Bạch Đằng diễn ra nhanh chóng khiến vua Nam Hán là Lưu Cung đang đóng quân ở sát biên giới mà không kịp tiếp ứng cho con. Sử chép: Vua Hán thương khóc, thu nhặt quân còn sót mà rút lui. Chiến thắng Bạch Đằng thời Ngô Quyền là một bước phát triển rực rỡ của nghệ thuật quân sự Việt Nam.

Ngô Quyền - người anh hùng của chiến thắng Bạch Đằng năm 938 - xứng đáng với danh hiệu là ‘vị tổ trung hưng’ của dân tộc, như lần đầu tiên đã được nêu lên trong sách ‘Việt Nam quốc sử khảo’. Lần đầu tiên đưa thủy triều vào thành một nhân tố, một lực lượng thủy chiến của trận đánh. Đây là sự sáng tạo đầu tiên mà lịch sử vàng son của dân
tộc đã ghi công lao cho Ngô Quyền. Vang vọng đến ngàn thu, không chỉ một thời mà mãi mãi chiến công và nhân thân của lịch sử đánh trận Bạch Đằng lần thứ nhất của tướng Ngô Quyền, về những sáng tạo thần kì đầu tiên, về hậu quả mở màn cho những chiến thắng lớn của hậu duệ. Tất cả đều từ trận đánh và trận thắng đầu tiên trên sông, từ đây trở thành dòng sông lịch sử. Từ đây trở thành dòng sông mà tất cả các con sông của nước Việt đều nhóm lại, hàng trăm và hàng ngàn năm sau, vẫn còn sống mãi bao thế hệ công dân nước Việt ở khắp mọi nơi.

Ca ngợi người anh hùng dân tộc Ngô Quyền, sử gia Lê Văn Hưu viết: "Tiền Ngô Vương có thể lấy quân ‘mới tập họp’ của đất Việt ta. mà phá được ngàn vạn quân của Lưu Hoằng Thao, mở nước xưng vương, làm cho người phương Bắc không dám lại sang nữa. Có thể nói một cơn giận mà yên dân được, mưu giỏi mà đánh cũng giỏi vậy". Sau chiến thắng Bạch Đằng, Việt Nam bước vào thời kỳ xây dựng đất nước trên quy mô lớn. Đó là kỷ nguyên của văn minh Đại Việt, của kỷ nguyên phá Tống, bình Nguyên, đuổi Minh, thật là một kỷ nguyên rực rỡ Lê. Một nhà sử học khác đã đánh giá thế này: "Trận thắng trên sông Bạch Đằng là cơ sở cho việc khôi phục quốc thống. Những chiến công đời Đinh, Lê, Lý, Trần sau này còn nhờ vào cái ‘uy danh lẫm liệt’ ấy để lại. Trận Bạch Đằng chính là võ công cao cả, vang dội đến nghìn thu, há phải chỉ lẫy lừng ở một thời bấy giờ mà thôi đâu !".

Mùa xuân năm Kỷ Hợi (939), Ngô Quyền quyết định bỏ chức Tiết độ sứ, tự xưng vương, thành lập một vương quốc độc lập đàng hoàng. Chọn kinh đô cũ của Âu Lạc là Cổ Loa làm kinh đô nước Việt, Ngô Vương Quyền tỏ ý nối tiếp truyền thống của các vua Hùng, vua Thục.

Bạch Đằng giang ở đâu ? Thưa ở gần Hải Phòng. Chỉ là một giòng sông nhỏ (dài 32 km), nhưng thủy triều lên xuống rất khác biệt trong ngày. Tên chữ Nho là 白藤江; tên Nôm là sông Rừng), hiệu là sông Vân Cừ, là một con sông chảy giữa thị xã Quảng Yên (Quảng Ninh) và huyện Thủy Nguyên (Hải Phòng), cách vịnh Hạ Long, cửa Lục khoảng 40 km. Nó nằm trong hệ thống sông Thái Bình. Chỗ được du khách viếng thăm nhiều nhất là 3 ‘Bãi Cọc’, với di tích cũ vẫn còn, với hàng trăm cọc gỗ lim, gỗ sến và gỗ táu dài chừng 3 mét được cắm xuống lòng sông.

Lê Đại Hành phá quân Tống:



Thời điểm là vào năm 981. Vua nhà Tống khi đó là Tống Thái Tông xua quân xuống xâm chiếm nước ta. Đạo quân thủy do tướng địch Hầu Nhân Bảo thống lĩnh vào đến Lục Đầu Giang thì bị dụ đi vào sông Bạch Đằng. Lê Hoàn ( lên ngôi lấy hiệu là Lê đại Hành) theo vết cũ của Ngô Quyền để đập tan thủy quân bắc phương. Lần này Lê Hoàn thêm nhiếu sáng kiến: trận đánh trên sông Bạch Đằng lần này là thiên biến, vạn hóa. Từ mưu lược và cách đánh giặc của nước Việt nghìn xưa, một lần nữa được Lê Hoàn làm sôi động trên chiến trường Bạch Đằng giang thiêng liêng.

Trước tiên là những trận đánh cầm cự kéo dài để kìm giam chân giặc, vừa làm nản lòng chúng. Những chiếc cọc Bạch Đằng được dựng lại nhưng không phải để phá giặc mà là ngăn giặc. Như lời chép của sách Đại Nam nhất thống chí rằng “Lê Hoàn sai sĩ tốt đóng cọc ngăn sông”. Chỉ ngăn sông mà kết cục lại là phá tan giặc! Chiến thuyền Tống bị mai phục giữa giàn cọc ngăn sông và bị tấn công tứ bề. Hầu Nhân Bảo mất mạng trong đám loạn quân, Lưu Trừng dẫn toàn quân tháo lui ra biển. Nghe tin Hầu Nhân Bảo bị giết trên sông Bạch Đằng, cánh quân của các phó tướng là Tôn Toàn Hưng và Trần Khâm Tộ vội rút chạy, liền bị quân ta truy kích và diệt quá nửa, còn tướng Triệu Phục Huân bị bắt sống giữa trận. Sau đó, nhà Tống xuống nước xin hòa, và năm 986 đành công nhận Lê Hoàn là vua nước Nam.

Sau đó, Lê Hoàn cai trị ‘Đại Cồ Việt’. Vị chủ tướng của ‘trận Bạch Đằng lần thứ hai’ cũng hệt như chủ tướng trận Bạch Đằng lần thứ nhất, giương cao ngọn cờ chiến thắng, ca khúc khải hoàng trở về kinh đô Cổ Loa-Hoa Lư. Cởi tấm chiến bào, võ tướng khoát lại tấm hoàng bào, nhà vua ngồi vững trên ngai vàng quân chủ. Hoàng đế ‘Thiên Phúc’ Lê Hoàn ngời sáng tài năng thao lược với những chiến công trên sông Bạch Đằng lần thứ hai. Vì thế mà sống mãi trong bảng vàng bia đá, đền đài, lễ hội, sống mãi trong tâm trí nhân dân của bao thế hệ khắp nơi, mãi mãi được tôn vinh và kính thờ. Ngài cai trị nổi bật với việc phát triển nông nghiệp và còn có công đánh bại Chiêm Thành thường tới quấy nhiễu nước ta, đánh dẹp các tộc người ở biên giới, khiến họ phải quy phục triều đình. Sách Đại Việt sử ký toàn thư viết rằng: "Vua trừ nội gian mà lấy được nước, đuổi giặc ngoài để yên dân, trong nước thanh bình, Bắc Nam vô sự”..

Hưng Đạo Vương đánh tan quân Nguyên:



Vào giữa thế kỷ 13, quân ta phải chống giặc Nguyên (Mông Cổ) cả dưới nước lẫn trên bộ, 3 lần giao chiến là 3 lần đại thắng. Vào lần đầu, năm 1258, thì nhờ có thái sư Trần thủ Độ, mà quân dân đồng lòng chống giặc: nhà vua ra khẩu hiệu cho cả nước chuẩn bị vũ khí, chuẩn bị tinh thần sẵn sàng chiến đấu, tống giam sứ giả phương bắc, quyết tâm bảo vệ độc lập dân tộc. Khi được vua Trần Thái Tông hỏi ý kiến về kháng chiến chống giặc, lúc này quân Mông Nguyên đang mạnh như vũ bão, (đã chiếm được kinh thành Thăng Long), Thái sư Trần Thủ Độ hiên ngang trả lời: "Đầu thần chưa rơi xuống đất xin bệ hạ đừng lo". Câu nói ngắn gọn, dứt khoát ở tình thế nước sôi lửa bỏng giúp củng cố tinh thần chiến đấu anh dũng của nhà vua, quân và dân Đại Việt, góp phần vào chiến thắng vang dội, khiến giặc phải rút về nước. ( sau khi dùng chiến thuật tiêu thổ kháng chiến ). Nhưng chỉ huy quân đội thì luôn nhờ tay Hưng Đạo vương (Trần quốc Tuấn).

Vào năm 1285, quân Nguyên lại giở trò xâm lăng, với bộ binh từ phía bắc và thủy binh từ phía nam. Dĩ nhiên Thăng Long cũng bị chiếm rất sớm. Vua tôi Việt Nam cũng phải di tản, tiêu thổ kháng chiến và kiên trì đợi cơ hội phản công, dựa theo kinh nghiệm lần trước. Cứ tuần tự nhi tiến, quân Việt đã lại đuổi được giặc phải rút về phương bắc.

Năm 1288, giặc Nguyên lại trả thù, mang nhiều binh hùng tướng mạnh xuống miền nam. Với nhiều kinh nghiệm cũ, quân ta tìm cách cướp lương thực giặc khiến chúng rất lúng túng. Riêng với chiến trận Bạch Đằng Giang, theo kinh nghiệm đại thắng cũ khởi sự từ Ngô Quyền, Hưng Đạo Vương còn nâng cao tinh thần quân sĩ bằng việc chỉ gươm xuống lòng sông, thề rằng nếu không chiến thắng thì không trở về. Thế là giặc phải tan tành. (Người ta ghi nhận dịp này có võ tướng Yết Kiêu trổ tài lặn xuống sông đục đáy rất nhiều thuyền giặc.)

Đó là trận thủy chiến lớn nhất lịch sử Việt Nam (khi Nguyên-Mông tấn công nước ta lần thứ ba, dưới quyền thống soái của ‘Trấn Nam Vương’ Thoát Hoan, con trai Thế Tổ Hốt Tất Liệt, người sáng lập nhà Nguyên). ‘Trận Bạch Đằng lần thứ ba’ đã được dựng lại sự hình thành trận Bạch Đằng giang oai hùng ngày nào, giờ đây đã rõ ra là một dòng sông chiến trường lịch sử sau Ngô Quyền và Lê Hoàn từng lập đại võ công. Cũng có nghĩa là giặc đã biết đến giòng sông ấy, đề phòng tối đa với sông ‘thiêng liêng’ ấy. Vì thế không còn con đường nào khác mà ta đành phải lại tìm chiến thắng qua giòng sông ‘định mệnh’ này khi tình thế đòi hỏi. Bây giờ là đầu tháng ba âm lịch năm 1288, toàn bộ cánh quân địch gồm 500 chiến thuyền, sau nhiều tháng trời cùng bộ binh tung hoành ngang dọc trên non sông đất nước ta (nhưng bị đánh úp tả tơi), lúc được tướng Ô Mã Nhi chỉ huy rút lui ra biển qua đường sông Bạch Đằng này, chính là thời điểm và đối tượng để quyết đánh một trận ‘nhớ đời’ của tướng Trần Hưng Đạo.

Lần này, toàn bộ chiến thuyền của giặc cũng lại tan tác trên cọc nhọn yểm dưới lòng sông. Sử viết rõ: 400 thuyền giặc bị tịch thu, các tướng giặc và tám vạn quân bị chết hay bị thương, làm nước sông đỏ ngầu. Viện binh của Thoát Hoan thất vọng nên cố rút lui (chui vào ống đồng) thì bị phục kích trên đất liền nên tổn thất nặng. Từ đó, Thoát Hoan bị phạt không được phép về kinh diện kiến vua cha! Cũng từ đó, nhà Nguyên Mông hết nhòm ngó nước Việt, và bỏ luôn cái mộng chinh phục Đông Nam Á. ( Thế giới đều hiểu chỉ có quân dân Việt Nam là chiến thắng nổi đạo quân hùng mạnh gốc Mông Cổ của nhà Nguyên.

Ngoài tài thao lược dẹp giặc trên chiến trường, Trần Hưng Đạo còn là nhà lý thuyết chiến lược quân sự. Ông đã soạn nhiều tác phẩm để lại cho đời sau học theo (Binh thư yếu lược), trong số đó gồm có: - Dụ Chư Tỳ Tướng Hịch Văn, thường gọi là Hịch Tướng Sĩ;- Binh Gia Diệu Lý Yếu Lược;- Vạn Kiếp Tông Bí Truyền Thư.

Với công lao rất lớn của vị chủ tướng ‘trân Bạch Đằng lần thứ ba’, cũng như cả sự nghiệp kháng chiến giữ nước thời Trần, đã vô cùng xứng đáng (ngay sau đại võ công sông Bạch Đằng) để được triều đình phong lên ‘Đại Vương’. Nhưng với lòng dân mọi thời đại, Trần Quốc Tuấn không chỉ là Hưng Đạo đại Vương, mà còn được dự vào hàng tiên thánh và trở thành ‘đức thánh Trần’. Cùng với Ngô Quyền, Lê Hoàn, Trần Hưng Đạo chính là hợp thành bộ ba chủ tướng của ba đại võ công lịch sử trên chỉ một dòng sông linh thiêng có tên ‘Bạch Đằng giang’.

Riêng với Hưng Đạo Vương, tài năng kiệt xuất của ngài chính là việc nhận thức rõ dân chúng mới là nguồn sức mạnh giữ nước, nguồn sức mạnh vô địch, nguồn sức mạnh mà không một kẻ thù tàn bạo nào có thể khuất phục. Ông luôn chăm lo ‘sức dân’ ngay từ thời bình cũng như trong thời chiến. Chủ trương sâu sắc và tư tưởng nòng cốt của ngài luôn là: “sức dân mới thực sự được coi như ‘rễ sâu và gốc bền’ làm nên thượng sách giữ nước”.

Xin vong linh của các ngài Ngô Quyền, Lê Hoàn và nhất là Trần hưng Đạo hộ phù cho giang sơn đất Việt.

Cũng xin 2 vị anh hùng nối gót các ngài là Lê Lợi và Nguyễn Huệ soi sáng cho đàn con lũ cháu.

Đặc biệt dẫn dắt các người lãnh đạo tại quê hương chúng ta biết đi theo vết bước của tổ tiên mà giữ nước.

LM. Giuse Nguyễn Văn Thư
http://vietcatholic.net/News/Html/245883.htm