Xây Dựng
Quốc Gia Dân Tộc
(bài 1)
(Nation-State Building)
Lê Minh Nguyên
Xây dựng quốc gia dân tộc (QGDT) để Việt Nam trở thành cường quốc cần có bước khởi đầu là Cách Mạng Dân Chủ, bởi vì Diễn Biến Hòa Bình và Tự Diễn Biến không thể thực hiện được, và hai cách này cũng không thể thay đổi được bản chất độc tài độc đảng của chế độ CSVN hiện nay, nó có thể lâu vô tận, và nó có thể làm cho vi trùng CS quen thuốc để biến hoá thành một dạng độc tài nguy hiểm khác.
CSVN không có khả năng xây dựng QGDT do bởi (1)họ dựa vào công nhân và nông dân làm bạo lực cách mạng để cướp chính quyền nên khả năng tàn phá thì không ai bằng còn kiến thức xây dựng QGDT thì không bằng ai, (2)họ cương quyết không bỏ Mác-Lê, trong khi Mác-Lê là lý thuyết quốc tế chủ trương xoá bỏ biên cương quốc gia, phục vụ nghĩa vụ quốc tế, như thơ Tố Hữu diễn tả
“Bên ni biên giới là mình
Bên kia biên giới cũng tình quê hương”
hay như bài hát
“Việt Nam Trung-Hoa,
Núi liền núi, sông liền sông,
Chung một biển Đông, mối tình hữu nghị sớm như rạng đông.
Bên sông tắm cùng một dòng...”
nên việc nắm quyền bằng mọi giá mới là mục tiêu tối hậu chứ không phải việc xây dựng QGDT.
Quốc gia (state) dân tộc (nation) là ý niệm trừu tượng để chuyên chở những gì không trừu tượng như các sắc dân, lãnh thổ, chính quyền, văn hoá... Liên Hiệp Quốc định nghĩa QGDT là nơi đa số dân chúng có ý thức mạnh về cái căn cước chung của mình và chia sẻ chung một nền văn hoá (http://bit.ly/2IGs2Lt). Nhà nghiên cứu chính trị Nguyễn Gia Kiễng cho rằng nó vẫn còn chưa đủ để gắn bó mà cần có thêm một yếu tố nữa là cùng cam kết cho một vận mệnh tương lai chung, như nguời Do Thái hay nguời Nhựt chẳng hạn, nghĩa là không nhảy bỏ thuyền trong bất cứ hoàn cảnh nào (người Nga, nguời Trung Quốc, người Việt Nam... khi giàu thuờng hay bỏ nước ra đi).
Nếu quả địa cầu, nơi cho sự sống của mọi sinh vật, nằm trong Khu Khoá Vàng (Goldilocks) và có các đặc điểm lý tưởng như vừa không quá nhỏ vừa không quá lớn, vừa không quá gần vừa không quá xa (mặt trời), vừa không quá nóng vừa không quá lạnh, thì QGDT cũng tương tự như vậy, nó là một mô hình tổ chức xã hội đã được thử thách qua thời gian và được chứng minh là hữu hiệu nhất để duy trì và phát triển sự sinh tồn. Bởi vì nó không quá lớn ra phạm vi toàn cầu để các thành viên bị lạc lõng, chính quyền không chăm sóc nỗi, không quá nhỏ trong phạm vi bộ tộc để bản năng xã hội thiếu sức mạnh phát triển sự sinh tồn. Nó không quá cục bộ để cực đoan sắc tộc, không quá thế giới đại đồng để không tưởng và phủ nhận bản năng. Cho nên hợp quần trong phạm vi QGDT để tranh đấu vẫn là hợp quần vượt trội nhất trong các dạng hợp quần để duy trì và phát triển sự sinh tồn của con người.
Ngày nay nhân loại sống trong Thời Đại Thông Tin (Information Age) mà truyền thông và vận chuyển đã làm nhỏ lại quả địa cầu, biên cương quốc gia bị hạ thấp hơn, địa cầu trở thành một ngôi làng thế giới. Có người cho rằng đây là cơ hội cho chính quyền toàn cầu (world state) mà năm 1932, nhà văn Aldous Huxley trong tác phẩm “Brave New World” đã chủ trương.
Nhưng trong khi kinh tế có khuynh hướng toàn cầu hoá thì chính trị có khuynh hướng đi ngược chiều theo phong trào dân tuý (populism), và hai yếu tố luôn gây chia rẽ là tôn giáo và chủng tộc lại có môi trường thuận tiện để bùng phát mạnh lên (Kosovo, Trung Đông, Miến Điện...). Ngoài ra, các thực thể không QGDT (non-state actors) lại có cơ hội xuất hiện như nấm mọc sau cơn mưa. Cho nên dù chúng ta ở trong thời đại mới thì mô hình hợp quần QGDT vẫn là mô hình thích hợp nhất cho tranh đấu sinh tồn.
Bản năng sinh tồn là sự tương tác của ba bản năng vị kỷ, tình dục và xã hội trong từng hoàn cảnh của môi trường mà sinh vật phải sống ở trong đó. Trong môi trường nghèo đói thì bản năng vị kỷ sẽ vượt trội và biến con người thành ích kỷ, trong môi trường sung túc thì bản năng vị kỷ sẽ tương tác với bản năng xã hội để biến con người thành vị tha.
Cá nhân là sinh vật, tổ chức là sinh vật, gia đình là sinh vật, QGDT là sinh vật. Với gia đình thì sự tương tác giữa ba bản năng đi theo thứ tự Tình Dục để truyền tử lưu tôn, Vị Kỷ để nuôi dưỡng con cái và Xã Hội để có được sự hài hoà trong cuộc sống. Nhưng với QGDT thì sự tương tác lại đi theo thứ tự Xã Hội để QGDT tạo được sức mạnh trong sự cạnh tranh, Vị Kỷ để làm giàu cho đất nước mình, và Tình Dục để duy trì dân số (Nga là QGDT đang suy tàn vì dân số càng ngày càng suy giãm).
Vì QGDT là sinh vật cho nên nó cần được nuôi dưỡng, bảo vệ và phát triển. Bất cứ một sinh vật nào, muốn phát triển thì cần phải được nuôi dưỡng và xây dựng đúng cách, muốn đúng cách thì phải có kiến thức tốt về sinh vật đó, từ sự vận hành cho đến khả năng biến cải với môi trường chung quanh. THĂNG BẰNG là yếu tố quyết định trong sự phát triển lành mạnh của sinh vật. Nếu muốn chiến thắng bằng mọi giá trong cuộc chiến tranh huynh đệ tương tàn, thì cái giá phải trả là nhiều triệu sinh linh phải hy sinh và đất nước bị tàn phá. Nếu muốn nắm quyền bằng mọi giá thì cái giá phải trả là “một thời kỳ Bắc thuộc rất nguy hiểm đã bắt đầu!” như cựu bộ trưởng ngoại giao CSVN Nguyễn Cơ Thạch đã nhận định.
Người phương tây có những kinh nghiệm và kiến thức hữu ích trong việc xây dựng QGDT. Các nước đông phương nào biết sử dụng các kiến thức này để kiến quốc như Nhật, Hàn, Đài Loan, Singapore đều thành công. Họ tập chơi cái game của người phương tây để đánh bại phương tây trên chính cái game mà phuơng tây bày ra.
Việt Nam có lợi thế là có khoảng 4 triệu người sống ở các quốc gia phương tây, các túi sắc tộc (diasporas) này là kho tàng để xây dựng QGDT. Họ sống trong các đô thị đa sắc màu (cosmopolitans) có kiến thức khoa học kỹ thuật, có kinh nghiệm thương mãi cạnh tranh trong kinh tế thuần tuý thị trường, có tham gia chính trị chính dòng, và có lòng giúp đỡ để xây dựng QGDT.
Để làm được việc người dân bên trong và bên ngoài cùng nhau hợp lực để xây dựng QGDT, điều cần làm trước tiên là một cuộc cách mạng dân chủ ở Việt Nam. Để cách mạng xảy ra thì thanh gươm và lá chắn (công an và quân đội) phải là của QGDT chứ không phải là của Đảng CSVN.
(còn tiếp)
Lê Minh Nguyên