Campuchea: Thiên Tử Hun Sen Vận Động Bầu Cử



 Campuchea:  

Thiên Tử Hun Sen Vận Động Bầu Cử
 
Erich Follath. Phạm Hồng Lam dịch

Thành phố Sihanoukville của Campuchea trong vịnh Thái-lan trước đây vốn là một địa chỉ tắm biển lí tưởng cho các cậu du khách ba-lô và các chú Hi-pi muộn màng. Những người bán rong chào mời du khách bia Angkor và nước dừa giá vài xu mỗi thứ suốt dọc dài bãi cát dài, phòng nghỉ thoải mái trong các nhà khách với giá chưa đầy 20 đô-la một đêm. Chiều tối nào cũng có liên hoan nhảy nhót trên bờ biển thanh tịnh.

Giờ đây nhìn đâu cũng thấy xe máy ũi và xúc đất. Những dãy nhà ở tráng lệ và những khách sạn mắc mỏ - và nhất là những sòng bạc – mọc lên khắp nơi. Oriental Pearl và New MGM là hai điểm mới nhất, chỉ riêng trong hai năm vừa rồi đã xuất hiện 20 sòng cho đủ loại cờ bạc. Từ một thành phố cảng ngủ yên nay thức dậy thành một thiên đàng cho những tay cờ bạc, người ta cũng gọi nó là Las Vegas của dân Khmer.
Những ông chủ mới của thành phố và khách của nó toàn là người Trung Quốc sang. Những người này không thích uống nước dừa, tránh ăn trong các quán rẻ tiền của người bản xứ và thích ngồi trong những chiếc xe thuê bóng lộn chứ không chịu ngồi xích-lô. Họ tới bằng máy bay thuê bao từ Peking hoặc Shanghai. Năm vừa qua có tất cả 200.000 người, nhiều hơn cả tổng số dân trong Sihanoukville.
Luật cấm dân Campuchea không được chơi cờ bạc. Vì thế họ trở thành kẻ xa lạ ngay trong đất nước của họ, khi đứng trước những toà nhà cao sang với ánh điện muôn màu. Sihanoukville không có Chinatown nào cả, Sihanoukvill là một Chinatown, một trong những người chủ quán giải khát cuối cùng tại đây đã nói như vậy. Chính anh cũng sẽ phải dẹp tiệm trong ít tháng nữa.
Những nhà cầm quyền ở Peking không những nắm quyền quyết định về số phận của cảng nước sâu duy nhất này của Campuchea. Họ còn xây những tuyến đường mới, chẳng hạn như tuyến xa lộ bốn làn xe từ bờ biển tới thủ đô Phnom Penh. Họ đặt đường xe lửa ở phía tây và lên kế hoạch nhà máy thuỷ điện ở phía đông cho quốc gia này. Họ mở rộng phi trường Xiem Riep, cửa ngõ đi vào các đền đài Angkor nổi tiếng thế giới. Đã có mười thành phố bên Trung Quốc được lãnh đạo đảng cộng sản tàu trợ giúp tiền để nối đường bay trực tiếp với Xiem Riep. Trung Quốc làm chủ ở Campuchea trên mọi mặt – cho tới lúc này hiện có hơn một phần ba trên tổng số các khoản đầu tư trực tiếp là của Trung Quốc. Peking thu mua những vùng đất trồng lúa mênh mông, đem người từ nước họ sang canh tác. Peking cũng là nguồn cung cấp súng đạn, chỉ riêng năm 2017 họ đã chuyển sang nơn một trăm xe tăng và xe chuyên chở tân tiến.
Campuchea trở thành một thứ thuộc địa thời mới của Trung Quốc. Sự lệ thuộc vào Trung Quốc cũng được thể hiện qua việc Campuchea ủng hộ Trung Quốc, khi nước này tuyên bố Hoàng Sa và Trường Sa là của họ, một yêu sách hoàn toàn thiếu căn bản công pháp quốc tế, và như thế họ đứng về phía chống lại các quốc gia láng giềng á châu, chống lại Liên Hiệp Âu Châu (EU) và Hoa-kì.
Người chịu trách nhiệm cho chính sách lệ thuộc này là thủ tướng Hun Sen, kẻ đã hằn học tuyên bố ở Stung Treng, một thành phố nhỏ mạn đông bắc Campuchea: „Tôi muốn nói cho những ai tố cáo tôi ngã quá nhiều vào Trung Quốc hay: Phương tây chẳng chào mời tôi chút gì cả! Các anh chỉ có thoá mạ tôi, chỉ đặt điều kiện cho tôi, chỉ doạ phạt tôi!“ Nhưng rồi mặt mày ông rạng rỡ lại ngay, vì không muốn làm hỏng buổi lễ trịnh trọng khánh thành cây cầu 57 triệu đô bắc qua sông Mekong tại thành phố nhỏ này. Dĩ nhiên, cầu do Trung Quốc tài trợ, và ông lại tay trong tay với vị đại sứ trung cộng dạo bước lên cầu. Đối với Trung Quốc, cầu này là một mảng trong kế hoạch 900 tỉ đô „Con Đường Tơ Lụa Mới“ của họ, nối từ Piräus tới Pakistan, từ Samarkand tới Somalia.
Đây là mùa vận động bầu cử. Ngày 29 tháng 7 tới đây dân Campuchea lại bầu cử quốc hội mới. Hun Sen tìm mọi cách làm sao để Đảng Nhân Dân của ông lại thắng vẻ vang. Ông đi hết tỉnh này tới làng nọ, nay khai trương ngôi trường mang tên ông này, mai tặng tiền cho chùa kia bệnh viện nọ: như một người cha già đại độ của dân tộc. Nhưng cha già này sẵn sàng ra tay trừng trị những ai mở miệng phê phán ông. Tháng 11 năm 2017 ông ra lệnh cấm đảng đối lập lớn nhất hoạt động, chủ tịch đảng này bị đẩy vào tù vì tội danh „phản quốc“. Những người biểu tình bị bắn ngay trên đường phố. Ai bắn, không biết. Và tờ báo độc lập Cambodia Daily cũng bị đóng cửa. Trên trang đầu số cuối cùng tờ báo này có tựa: „Đất Nước chúng ta đang trên đường từ chuyên chế tiến tới độc tài.“
Hun Sen, 65 tuổi với 33 năm nắm chính là người thủ tướng tại vị lâu nhất trên thế giới hiện nay. Ông cho hay, còn muốn nắm quyến thêm chục năm nữa. Nhà chính trị cơ hội này có quyền tự tin. Có lẽ trong Thời Mới này chưa có một chính trị gia nào xoay chiều í thức hệ nhiều lần như Hun Sen, một kẻ rất thính mũi về những chuyển biến tương quan quyền lực. Người con Phật, kẻ vô thần, người cộng sản, nhà tư bản, vị chỉ huy quân khmer đỏ, người cầm đầu kháng quân chống lại Khmer Đỏ… vai nào ông cũng đóng được – một con người của mọi thời tiết.
Là con của một gia đình nông dân ở miền đông Campuchea, Hun Sen lúc còn nhỏ đã chứng kiến nhiều trận mưa bom của Hoa-kì. Trong thời chiến tranh việt nam, Campuchea phải nhận một lượng bom nhiều hơn cả Âu châu phải nhận trong Thế Chiến II. Thời đó Washington nghi ngờ có những đoàn tiếp tế của Hà Nội đi qua ngã quốc gia này, và họ không tin vào lời tuyên bố „trung lập“ của vua Norodom Sihanouk. Năm 1970 CIA lật đổ nhà vua, đưa một người thân tín lên nắm quyền. Lúc đó cậu thiếu niên lắm năng khiếu đã vào ở trong thủ đô. Vì cuộc sống khó khăn thiếu thốn, cha mẹ đã đẩy cậu vào trong một ngôi chùa. Nhiều sư sãi có cảm tình với kháng chiến quân cộng sản; cậu tu sinh tập sự, lúc đó chưa đầy 18 tuổi, bỏ chùa đi bưng.
Trong bưng, Sen tiến nhanh trên đường binh nghiệp: năm 1975 cậu có dự phần trong cuộc lật đổ chính quyền lúc đó. Dưới sự lãnh đạo của „Anh Số Một“ Pol Pot, Khmer Đỏ đã dựng lên một chế độ tàn bạo chưa chế độ nào trước đó sánh bằng. Theo bản tiểu sử chính thức, Hun Sen lúc đó đã không hay biết gì về cuộc diệt chủng kéo dài ba năm trời với gần một phần tư dân Campuchea bị giết. Dù vậy, năm 1978, cậu đã bỏ Khmer Đỏ chạy sang đầu thú quân việt nam: Cậu biết, đây là lực lượng duy nhất có thể chận đứng cơn bão máu đang hoành hành trên đất nước và cậu hi vọng tìm được bước tiến thân mới nơi thế lực láng giềng này. Nhưng ngay trước ngày Khmer Đỏ bị đánh bại vào tháng Giêng 1979 cậu bị một mảnh đạn xuyên thủng con mắt trái.
Sau cơn ác mộng Killing Fields đất nước Campuchea bước vào một thời đại mới.
Trên thực tế Việt Nam là kẻ lãnh đạo Phnom Penh lúc này; họ cần gấp một lực lượng người địa phương đáng cậy. Hun Sen, 26 tuổi, trở thành Bộ Trưởng Ngoại Giao.
Tuy nhiên không lâu sau đó, Hun Sen thoát ra khỏi bóng phù trợ của ân nhân mình. Từ một tay du kích bưng biền cậu vùn vụt trở thành một nhà chính trị đầy mưu chước, biết đâm bì thóc các lực lượng hoàng gia chọc bị gạo các thế lực cộng sản và dân chủ, để chúng kình nhau mở lối cho cậu đi lên. Cậu quan sát miệng lưỡi hai mặt của phương tây đang tìm cách bắt tay với đám tàn quân khmer đỏ, để cản đường quân việt nam vốn là đồng minh của Liên-xô. Cậu nhìn ra cơn hấp  hối không thể đảo ngược của Liên-xô và sự xảo trá của các tay sai í hệ của nó. Sau một thời gian chuyển tiếp với bộ máy cai trị hỗn loạn và tham nhũng của Liên Hiệp Quốc, năm 1993 Hun Sen cuối cùng trở thành người quyền lực nhất trong nước. Càng ngày ông càng trở nên bất lương, coi quyền lợi riêng của mình với các quyền lợi quốc gia là một.
Trong một cuộc phỏng vấn năm 2000 ông tỏ ra kiêu căng đến dị hợm, hết điếu thuốc này tới điều khác không hở môi, mũ cát-kết kéo che tới mắt, ngồi duỗi chân trên ghế trường kỉ trong dinh của mình. Ông nói: „Từ lâu rồi tôi chẳng còn là một người chạy theo í hệ nữa, tôi là một người thực tế. Campuchea hết còn là trái banh của các thế lực khác, của thực dân Pháp, của quân đội Hoa-kì. Giờ đây mọi chuyện đã đổi. Tôi muốn đưa đất nước ra khỏi sự điều khiển của kẻ khác.
Thật ra ông ta chỉ chuyển đổi „kẻ thống trị“ này sang tay thống trị khác. EU và Hoa-kì bơm hàng trăm triệu đô-la cho nền kinh tế Campuchea; hầu hết các tổ chức ngoài chính phủ đầy nhiệt huyết và lắm tiền đều ra tay giúp đỡ người dân nước này. Hun Sen muốn lợi dụng họ. Nhưng khi những khoản tiền trợ giúp của tây phương gắn liền với đòi hõi tự do phát biểu và tự do hội họp, ông bỏ chạy theo Trung Quốc. Và Trung Quốc đã chụp ngay lấy cơ hội nhảy vào – chẳng phải thỏa mãn một điều kiện chính trị nào cả. Và họ cũng đã dựng lên một số công trình hạ tầng cơ sở có ích.
Nhưng giúp đỡ của Trung Quốc không phải là không vụ lợi. Chủ tịch Xi Jingping đã sang thăm Campuchea nhiều lần và cũng đã trải thảm đỏ đón Hun Sen; ông mong đợi sự ủng hộ của Sen tại diễn đàn Liên Hiệp Quốc cũng như tại các ủy ban khu vực đặc trách Á châu.
Cho tới nay Hun Sen chỉ mới một lần lâm nguy vì thiếu cảnh giác. Năm 2014 ông đã coi thường sự bất bình của dân. Các sư sãi, các nữ công nhân may mặc và sinh viên đã bất ngờ biểu tình, và lực lượng đối lập đã đạt được gần 40% số phiếu. Hun Sen phản ứng, vẫn như thường lệ, là gia tăng đàn áp.
Lần bỏ phiếu này ông tìm cách loại trừ mọi phiêu lưu. Ông dùng trực thăng đi tới các cuộc biểu tình của mình, hầu như lúc nào cũng xuất hiện với bộ quân phục. Loa trỗi nhạc quân hành vang trời, bài diễn văn ngắn nhưng đằng đằng sát khí, và kết thúc với cảnh trao chìa khóa cho một ngôi chùa hay một cơ sở hành chánh mới, mà ông „tặng“ cho địa phương.   
Kinh tế Campuchea không đến nỗi dở; năm 2017 tổng sản lượng tăng gần 6%. Nhưng rõ ràng sự tăng trưởng này chỉ làm lợi cho một nhóm nhỏ của Hun Sen và đám tay chân của ông. Một bản nhận định nội bộ của EU cho biết, nền kinh tế lạm quyền này đã „đạt tới mức độ quái dị“. Hun Sen không những chỉ lo cho tay chân mình về mặt tài chánh, ông còn đặt để họ vào những vị trí án ngữ tương lai: Các con trai ông cậu Man lãnh đạo Đảng Đoàn Thanh Niên, cậu Manet nắm một chức vụ quan trọng trong quân đội, cậu Manith nắm mật vụ. Tất cả các cậu đều có quan hệ chặt chẽ với Peking.
Nhưng lớp trẻ dân Khmer càng ngày càng ghét người Trung Quốc. Họ tức giận về sự hống hách của những thương gia tàu, về việc thu mua đất đai thả cửa của người tàu, về việc các công ti xí nghiệp tàu không mở ra cơ hội cho họ, mà trái lại chỉ toàn sử dụng người tàu vào những vai trò quan trọng. Cả Yun Min, tỉnh trưởng vùng Sihanoukville, cũng lên tiếng chống Trung Quốc. Trong một văn thư gởi Bộ Trưởng Bộ Nội Vụ ông đề cập đặc biệt tới sự gia tăng tỉ lệ phạm pháp trong thành phố cảng; việc đưa dân tàu ồ ạt sang là „những cơ hội cho Mafia trung quốc“, chúng làm gia tăng „bất ổn“ trong vùng. Hun Sen tức khắc bác bỏ những cáo buộc đó; ông không chấp nhận bất cứ một phê phán nào đối với các ân nhân của ông. Ông dọa sa thải vị tỉnh trưởng.
Hun Sen khôn khéo ra sao trong việc tránh né các áp lực chính trị? Điều này cũng được thể hiện qua chiến thuật của ông trong việc xét xử các tội phạm khmer đỏ do Liên Hiệp Quốc chủ trì. LHQ đòi buộc phải có một ủy ban điều tra độc lập về những tội phạm diệt chủng. Hun Sen lần lựa mãi, cuối cùng chấp nhận lập tòa án quốc tế vào năm 2004, nhưng với những điều kiện do ông đưa ra. Theo đó, tòa án phải được thành lập tại Campuchea, phải theo luật campuchea. Gần như mọi phí tổn LHQ phải chịu, trong lúc đó những nhân sự quan trọng nhất của tòa lại phải để cho người Campuchea nắm giữ. Hun Sen cũng đã thắng trong việc chỉ cho phép LHQ xét xử một số tội phạm rất ít. Vì thế cho tới nay chỉ có ba bản án được đưa ra – và vai trò của ông cũng như của những người thân tín của ông đã không được nhắc tới.
Nhiều thành công như thế đã làm cho vị thủ tướng muôn đời trở nên kiêu hãnh quá độ. Cái Tôi vốn có của ông trở thành dị hợm. Mấy tháng trước đây, khi được mời sang Úc tham dự cuộc họp của ASEAN và nghe biết sẽ có những cuộc biểu tình lớn chống ông, ông cho công luận biết, là „chính ông sẽ ra tay đập bọn biểu tình“. Hình như ông không còn biết trơ trẽn gì nữa trong việc tự xông hương mình. Lúc này ông chỉ còn muốn báo chí gọi mình là Samdech Akka Moha Sena Padei Techo, tạm dịch nghĩa: Thái Tử Vinh Quang, Người Bảo Vệ Tối Cao Của Nhân Dân và Tổng Tư Lệnh Quân Đội Lừng Danh.
Nhưng ai là tấm gương sáng tối hậu cho Hun Sen? Sự việc diễn ra đầu năm nay sẽ cho ta thấy. Hun Sen cùng với 5000 sư sãi cầu nguyện trong ngôi đền lớn của Angkor; tất cả đểu buộc phải tung hô ông. Ông bị ấn tượng bởi những người đã xây nên ngôi đền lớn và có lẽ kì vĩ nhất thế giới này. Ông muốn người ta coi mình là kẻ thừa tự của ngôi đền, muốn được đi vào lịch sử như là hậu duệ của họ - song hỡi ôi trước sau cũng chỉ là một ông vua trời con nhờ hồng ân của các lãnh tụ đảng ở Peking.

Erich Follath. PHLam dịch
Die Zeit, số 31, ngày 26.07.2018