Vi Anh
Biển Đông: Chiến Trường Mỹ-TC?
Hầu như hai phần ba năm 2017, Mỹ vốn trầm lặng, lại bận rộn giải quyết cuộc khủng hoảng hoả tiễn và nguyên tử của CS Bắc Hàn nên càng trầm lặng hơn trong vấn đề Biển Đông. Thêm vào đó TT Trump có nhờ Chủ Tịch TC Tập cận Bình áp lực CS Bắc Triều Tiên, nên Ô. Trump cũng ít lên tiếng về việc TC lợi dụng tình hình Mỹ bớt chú ý đến Biển Đông, TC tăng gia quân sự hoá, xâm lấn, xâm chiếm thêm trên Biển Đông.
Nhưng vào cuối năm, Mỹ chọn một diễn đàn quốc tế, có các nước Á châu Thái bình dương tham dự, TT Trump ra một đòn chiến lược. Tại hội nghị APEC ở Đà Nẵng, TT Trump tung ra chiến lược: Ấn độ dương-Thái binh dương Tự do, Mở rộng. Và tại Mỹ sau đó TT Trump công bố “Chiến Lược An Ninh Quốc gia” (NSS) 2017. Ông nói thẳng TC và Nga không còn là “đối tác” mà là “đối thủ” của Mỹ.
Chắc TC thừa biết quân đội Mỹ là một quân đội hùng mạnh và hiện đại, “quí hồ tinh, hơn quí hồ đa” so với của TC. Quân đội Mỹ được huấn luyện sẵn sàng chiến đấu hai ba mặt trận. Vũ khí, quân cụ Mỹ tinh nhuệ, hiện đại hơn của TC. Tình báo Mỹ trên trời, dưới đất và trên, dưới biển, thám sát, lúc nào cũng làm tai mắt cho quân đội Mỹ như thiên lý nhĩ, thiên lý nhãn trong truyện Tàu cổ đại của Trung Hoa.
Quân lực Mỹ đang bao vây CS Bắc Triều Tiên trên trời, ngoài biển Hoàng Hải, trên bộ ở Hàn Quốc. Một máy bay chiến đấu, một bãi đá được bồi, một tiền đồn được TC mới làm hay củng cố khó có thể qua mắt quân đội, CIA, và các tổ chức nghiên cứu của Mỹ.
Nên gần đây TC có ra một hư chiêu bằng Hoàn Cầu Thời Báo như một binh đoàn của TC. TC cho tờ báo của Đảng Nhà Nước TC với tinh thần thượng tôn Hán tộc tung ra một bài báo vừa tuyên truyền dân vận nói TQ đang lên, vừa địch vận nói Mỹ đang xuống ở Biển Đông. Báo này mô tả việc TQ tự ý bồi đắp, xây dựng, lập căn cứ quân sự tại Biển Đông như là một điều hiển nhiên và hợp pháp, chuyện đã rồi, vì đã làm trên biển đảo của TQ do tổ tiên người TQ để lại. Và không ai có quyền tố cáo TQ lấn chiếm, bồi đắp, xây dựng, lập căn cứ, quân sự hóa... gì nữa vì đó là chủ quyền bất khả tranh cãi của TQ. Báo này dẫn dụ cơ quan dữ liệu và thông tin hải dương của Trung Quốc thực hiện, "đơn giản" giải thích: "Trung Quốc đã tăng cường xây dựng và tăng cường sự hiện diện quân sự của mình trên các hòn đảo và bãi đá ở Nam Hải (tức khu vực Biển Đông của Việt Nam) trong năm qua khi căng thẳng lãnh thổ với các nước láng giềng đang giảm". Báo cũng công bố trước rằng "kích thước của một số đảo sẽ còn được tăng thêm nữa trong tương lai", và quả quyết rằng "Trung Quốc đã mở rộng một cách vừa phải khu vực quần đảo Nam Hải để tăng cường khả năng phòng thủ quân sự trong phạm vi có chủ quyền và cải thiện cuộc sống của người dân sống trên đảo".
Hoàn Cầu Thới Báo “nổ” lớn để khoe, "khả năng phòng vệ tại các đảo này đã được cải thiện với thêm nhiều binh sĩ chuyên nghiệp đồn trú ở đây" và rằng "từ cuối năm 2016 tới nay, đã có hơn 680 chuyến bay cất cánh từ phi trường Vĩnh Hưng (tức đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam)".
Nhưng không cần phải chuyên viên, nhà quan sát, nhà phân tích, mà hầu hết nhân dân và chánh quyền chống TC như Nhựt, hay binh TC như Miên đều không tin những gì CS nói trên báo Hoàn Cầu. Chuyện cưỡng chiếm biển đảo của TC đã “đáo tụng đình” quốc tế, ra Toà Trọng Tài về Luật Biển đã phán quyết. Những tuyên bố chủ quyền trên bãi đá và đảo ở Biển Đông Toà phán quyết hoàn toàn phi pháp, không căn cứ lịch sử.
Và Mỹ cũng mặc thị phủ nhận tuyên bố chủ quyền đơn phương của TC. Mỹ tuyên bố có quyền cho máy bay và tàu biển đi đến bất cứ nơi nào Luật Biển cho phép. Thời TT Trump còn làm mạnh hơn nữa trước những hành động TC cưỡng chiếm biển đảo của các nước Á châu Thài bình dương và khống chế Á châu Thái bình dương. TT Trump cho tàu chiến Mỹ tuần tra sâu sát vào vùng 12 hải lý những bãi, đảo mà TC đã xâm lấn. Mỹ tập trận nhiều lần trên Biển Đông với các nước như Nhựt, Úc, và giúp cho một số nước trong việc tuần tra lãnh hải như VN.
Mỹ cũng công bố Chiến Lược An Ninh Quốc gia (NSS) 2017 và mở rộng tự do hai vùng biển Ấn độ dương và Thái Bình dương để liên kết cuộc chống TC giữa Mỹ với Ấn là hành động, chiến thuật, chiến lược quan trọng nhứt. Hai chiến lược này cho thấy Biển Đông nằm trong chiến lược an ninh quốc gia của Mỹ, một phân lớn của chiến lược toàn cầu của Mỹ.
Có thể nói Biển Đông là nguồn xung đột tiềm năng, đấu trường khả dĩ trong tương lai giữa Mỹ và Trung Quốc. Việt Nam dù là chế độ CS nhưng vì TC xâm chiếm Biển Đông, hai quần đảo Hoàng sa và Trường sa sẽ tiếp tục là một đối tác quan trọng, ngày càng phát triển an ninh và kinh tế với Mỹ.
Khi công bố Chiến Lược An Ninh Quốc gia, TT Trump 33 lần nhắc tới Trung Quốc theo hướng tiêu cực. Chiến lược ấy tái khẳng định lập trường của Mỹ không xem Trung Quốc là “đối tác” nữa mà là “đối thủ” trong tương lai. Mỹ cam kết sẽ "gia tăng sức ảnh hưởng của Mỹ" và "duy trì hòa bình thông qua sức mạnh" ở Ấn độ dương và Thái bình dương. Đồng thời TT Trump "điểm mặt - đặt tên" TC đã phi pháp xây dựng, bồi đắp và quân sự hóa của Trung Quốc tại các thực thể nước này tuyên bố chủ quyền phi pháp ở Biển Đông.
Giới quan sát nhận định năm 2017, khi Mỹ bận ở Biển Hoàng Hải, TC đã tận dụng năm 2017 để đẩy mạnh hoạt động phi pháp trên Biển Đông. Mỹ vì thế buộc phải ưu tiên giải quyết vấn đề Biển Đông những tháng ngày sắp tới.
Ở Á châu Thái bình dương Mỹ có hai đồng minh thân cận nhứt, có cả trăm ngàn quân Mỹ, rất cần con đường hàng hải huyết mạch qua Biển Đông là con đường giao thương cả 5.000 tỷ MK, và tiếp liệu nặng cho cả 100.000 quân Mỹ và hai đồng minh thân cận Nhựt và Nam Hàn. Không lý do gì Mỹ để TC kiểm soát Biển Đông. Không tổng thống Cộng hoà hay Dân Chủ, Bộ Trưởng Quốc Phòng dân sự hay quân sự nào lại để cho TC kiểm soát Biển Đông để ngăn đường, chận lối giao thương, tiếp vận, tiếp viện của Mỹ./. (VA)