Tham Vọng Thống Trị Thế Giới của Bắc Kinh

 Phạm Gia Đại


Tham Vọng Thống Trị Thế Giới của Bắc Kinh
 

 Kể từ khi ông Tập Cận Bình được bầu lên làm Tổng Bí Thư Ban Chấp Hành Trung Ương Đảng Cộng Sản Trung Quốc trong Đại Hội lần thứ 18 vào tháng 11 năm 2012, nước Tầu với mộng bá vương đã trỗi dậy. Nắm trong tay những chức vụ cao nhất như  Tổng Bí Thư và Chủ Tịch Quân Ủy Trung Ương, sau 5 năm cầm quyền, Tập Cận Bình đã chỉ huy Đảng Cộng Sản Trung Quốc như con bạch tuộc vươn những vòi, không những xuống Biển Đông mà thâm nhập vào các nước ven biển Thái Bình Dương, vào các nước Á Châu, qua đến lục địa Châu Phi, vào Bắc Mỹ và cả Châu Âu. 
Ngày 20-10-2017, trong Đại Hội lần thứ 19 bầu lại các chức vụ quan trọng của Đảng, ông Tập Cận Bình đã tái đắc cử vào chức vụ Tổng Bí Thư, và ông Tập đã tỏa sáng như một lãnh đạo có đủ khả năng đưa nước Tầu thành đại cường quốc. Tư tưởng Mao sẽ bị lãng quên để người dân Hoa Lục từ nay sẽ học tập theo tư tưởng của Tập Cận Bình theo viễn ảnh mà ông Tập vẽ ra một nước Tầu vượt qua mặt Hoa kỳ để trở thành cường quốc số một thế giới về kinh tế và quân sự vào năm 2050, và có thể khuynh đảo cả thế giới. Nhiều chính trị gia tây phương nhận định nếu Mỹ và thế giới tự do không có những chiến lược ngăn chặn tham vọng bành trướng của Trung Cộng thì họa da vàng có nguy cơ xẩy ra - hiểm họa da vàng mà thế giới vẫn lo ngại từ thế kỷ trước, nay đang đe dọa hòa bình trên trái đất. Hiểm họa này sâu hiểm ở chỗ nó gậm nhấm dần theo chính sách “tầm ăn dâu”, thâm nhập qua đầu tư kinh tế để khai thác tài nguyên thiên nhiên và đá quý của các nước chậm phát triển như lục địa Châu Phi, và lợi dụng công nhân rẻ tiền để thu hút các công ty tây phương đến xây dựng các cơ sở kỹ nghệ tân tiến và đem các kỹ thuật tân kỳ vào Hoa Lục.


Từ một nước Tầu nghèo nàn, lạc hậu, đông dân nhất thế giới vào năm 1949 khi Mao Trạch Đông chiếm được lục địa, ngày nay Cộng Sản Trung Quốc đã trở thành cường quốc kinh tế thứ nhì, chỉ sau Hoa kỳ. Theo nhà sử học Hồng Kông Frank Dikotte  thuyết trình tại The Independent Woodstock Literary Festival, và sau nhiều năm nghiên cứu về nạn đói (1958-1962) tại Hoa Lục, ông cho biết đây là nạn đói lớn nhất trong lịch sử loài người vì chiến dịch Nhẩy Vọt (Great Leap Forward) do Mao đề xướng. Con số người chết đói vẫn còn là một ẩn số, nhiều nhà nghiên cứu ước lượng từ 18 triệu đến 55 triệu dân Tầu đã chết vì đói khát, vì bị tra tấn giết hại khi họ nổi dậy chống lại chiến dịch này. Theo ông Dikotte, số người chết đói này nằm ở khoảng chừng 45 triệu. Chủ Tịch Mao là người khởi xướng ra chiến dịch này, ông cũng là người phải chịu trách nhiệm về những thảm họa to lớn nhất mà thế giới đã chứng kiến vì Bước Nhẩy Vọt. Vì thiếu kiến thức về kinh tế, ngoan cố về chính trị, và muốn nhanh chóng muốn biến nước Tầu từ một nước nông nghiệp lạc hậu nhanh chóng trở thành xã hội xã hội chủ nghĩa, kinh qua kỹ nghệ hóa và tập thể hóa, ngõ hầu đuổi kịp sự phát triển vượt bực của phương Tây, Mao Trạch Đông đã làm cho 45 triệu dân lành chết oan. Gần như một phần ba nhà cửa của dân đã bị đốt trụi để làm phân bón trong thời kỳ này, vì vậy người dân quá uất ức vùng lên chống đối quyết liệt lại chính sách tàn bạo này của nhà nước. Đảng Cộng Sản Trung Quốc đã ra tay đàn áp đẫm máu, và những thảm sát lớn nhất mang tính diệt chủng đã xẩy ra với hàng triệu nông dân bị giết hại. Từ đó nền kinh tế tại Hoa Lục như con tầu lao xuống dốc. Thế nhưng dân chết thì mặc dân, đảng Cộng Sản Tầu vẫn vững tiến ... theo con đường xã hội chủ nghĩa của họ. Nhà sử học Dikotte tin rằng còn rất nhiều bí mật về Bước Nhẩy Vọt còn bị bưng bít. Nạn đói nước Tầu được liệt kê là một trong ba thảm họa của nhân loại làm chết người nhiều nhất: Đó là Thế Chiến Thứ Hai với 55 triệu người chết, thảm họa Hollocaust với hơn 6 triệu người Do Thái trong các lò hơi ngạt của Đức Quốc Xã, và Bước Nhẩy Vọt (1958-1962) cùng Cách Mạng Văn Hóa (1953-1976) tại Hoa Lục làm chết khoảng 50 triệu người.
 
Về kinh tế thời Mao, nước Tầu vốn đã nghèo đói lại càng khốn khổ hơn sau những thảm bại của Bước Nhẩy Vọt và Cách Mạng Văn Hóa. Về chính trị, biến cố kinh hoàng năm 1989 tại quảng trường Thiên An Môn tại Bắc Kinh, khi quân đội đã được sử dụng để đàn áp và tàn sát hơn 10 ngàn người, đa số là sinh viên, chỉ vì họ đứng lên đòi tự do dân chủ, đã cho thế giới thấy một lần nữa, đối với người cộng sản chỉ có đảng của họ là trên hết. Để bảo vệ đảng, người cộng sản có thể làm bất cứ điều gì, bất kể thủ đoạn nào, kể cả giết dân của họ. Nước Tầu bước vào giai đoạn tăm tối nhất trong thời Mao Trạch Đông, cũng giống như nước Nga thời đó dưới bàn tay sắt của Stalin, hay chế độ cộng sản ở miền bắc Việt Nam sau năm 1954. Sau hàng loạt thất bại, hình ảnh của Mao thời cách mạng đã bị lu mờ, và Giang Trạch Dân rồi Đặng Tiểu Bình xuất hiện. Nước Tầu bắt đầu thấy được ánh sáng kể từ khi bắt tay với Mỹ thời Tổng Thống Richard Nixon và cố vấn Henry Kissinger, với các nhà máy tối tân cùng kỹ thuật tân tiến của Mỹ và phương Tây đầu tư ồ ạt vào Hoa Lục. Đảng Cộng Sản Trung Quốc mạnh lên từ đó, nhưng người dân Tầu vẫn sống trong nghèo nàn không tự do, dân chủ, và nhân quyền.
Qua thế kỷ 21, tham vọng bành trước của Tầu hiện rõ qua những đầu tư, bề ngoài là tài trợ giúp đỡ cho các nước tại lục địa đen, theo các hợp tác Trung-Phi, nhưng thực tế theo tạp chí Foreign Policy là lòng tham của người Tầu vơ vét tài nguyên, các mỏ vàng, kim cương, đá quý, và cả dầu hỏa tại Uganda, Guinea, Zimbadwe, Ethiopia, Nigeria, v.v... để đem về mẫu quốc. Cuối năm 2015, Chủ Tịch Tập Cận Bình đến thăm Zimbabwe và các nước Châu Phi, hứa hẹn cho vay $1 tỷ, nhưng thực tế sau đó Trung Cộng đã ký được các hợp đồng tại Châu Phi lên đến $70 tỷ.

blank  
Eo Biển Malacca: Ảnh trên  Net
Tại Á Châu, cũng qua thế kỷ 21, Biển Đông đã trở thành con đường chiến lược. Năm 2009, Trung Cộng vẽ lại Đường Lưỡi Bò để nuốt trọn 95% Biển Đông và hầu chiếm đoạt 80% các nguồn tài nguyên dầu khí dưới lòng biển. Trung Cộng đã chiếm Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam, và điều nguy hiểm cho hòa bình trong khu vực các nước Ven Thái Bình Dương là Trung Cộng đã cho bồi đắp các đảo san hô, các đảo đá ngầm thành các hòn đảo nhân tạo với một tổng diện tích lên đến 1,300 hectares. Các sân bay lớn nhỏ và các cơ sở quân sự được thiết lập trên các hòn đảo này cho phép máy bay các loại có thể hạ cánh, và các thành phố nổi đã được xây dựng trên Hoàng Sa và Trường Sa. Từ Hoa Lục bước xuống đảo Hải Nam, qua Hoàng Sa đến Trường Sa, với các căn cứ quân sự đã thiết lập trên những đảo này, Trung Cộng có thể khống chế các nước trong khu vực. Một khi Trung Cộng kiểm soát được giòng hải lưu và không lưu tại Biển Đông, họ sẽ kiểm soát được 1/3 lượng tầu bè trên thế giới từ Ấn Độ Dương đổ vào Biển Đông qua eo biển Malacca. Eo biển Malacca là con đường hàng hải chính nối liền các nền kinh tế Á Châu với nhau như Ấn Độ, Indonesia, Mã Lai, Singapore, Nhật Bản, Đài Loan, và Nam Hàn. Hơn 94,000  tầu bè đủ loại kể cả các tầu chở 25% lưu lượng dầu của thế giới, chủ yếu từ Vịnh Ba Tư đến các thị trường Á Châu, qua eo biển này mỗi năm. Eo biển này là đường huyết mạch nối Ấn Độ Dương với Biển Đông, và ngược lại. Biển Đông vẫn là vùng lãnh hải nmằ trong sự tranh chấp của năm quốc gia Phi Luật Tân, Mã Lai, Brunei, Indonesia và Việt Nam với Trung Cộng. Trong suốt tám năm qua, Hoa Kỳ, một cường quốc đứng đầu thế giới tự do, chỉ lên tiếng nhắc nhở Trung Cộng về tự do hàng hải và không lưu trong vùng theo Luật Công Ước Hàng Hải của Liên Hiệp Quốc (UNCLOS). Ngoài việc đưa các hạm đội, các hàng không mẫu hạm tối tân nhất, các chiến đấu oanh tạc cơ hiện đại nhất vào tuần tra trên Biển Đông, Hoa Kỳ chưa có một chiến lược hay một biện pháp nào để ngăn chặn sự bành trướng nhanh chóng của Trung Cộng tại Biển Đông. Vì vậy, tình hình trong khu vực vẫn luôn căng thẳng, và trong tương lai vì sự yếu thế của các nước đang có tranh chấp trong vùng, có nguy cơ Biển Đông sẽ nằm gọn trong tay Trung Cộng.
Năm 2013, Chủ Tịch họ Tập đã đưa ra một sáng kiến về xây dựng một hạ tầng khổng lồ gọi là một vành đai hay một Con Đường Tơ Lụa Mới (Silk Road), và qua năm 2018 sáng kiến này đã được nhấn mạnh. Con đường này có hai ngã theo lộ trình đường bộ và đường thủy. Theo đường bộ, nó sẽ  nối liền Hoa Lục, xuyên qua Nga, đến Trung Á, các nước Ả Rập, để vào Châu Âu. Theo đường thủy, nó sẽ từ Hoa Lục xuống Biển Đông, qua Eo Biển Malacca vào Ấn Độ Dương, đến Ấn Độ, vào Vịnh Ba Tư đến các nước Trung Đông và xuống Bắc Phi, rồi qua Biển Đen và Địa Trung Hải để vào Châu Âu. Chủ tịch Tập Cận Bình hứa sẽ đầu tư $124 tỷ vào con đường tơ lụa mới này trong kế hoạch phát triển thương mại với Trung Đông và Âu Châu, để đem lại sự thịnh vượng chung cho các nước như Con Đường Tơ Lụa ngày xưa đã một thời vang bóng (triều đại nhà Hán từ năm 207 trước Công Nguyên đến năm 220 sau Công Nguyên). Theo AFP, dự án khổng lồ này tốn kém $1,000 tỷ, liên quan đến 65 quốc gia, và sẽ là hồ sơ quan trọng nhất của thế giới trong những năm tới.
blank
Con Đường Tơ Lụa Mới: Ảnh trên Net
Tổng Thống Pháp Emmanuel Macron đã đến thăm Bắc Kinh trong chuyến công du ba ngày từ ngày 8 tháng Giêng năm 2018 và hội đàm với Chủ Tịch Tập Cận Bình trên căn bản làm sao cho Con Đường Tơ Lụa này phải là lợi ích cho cả hai bên. Tuy nhiên nhiều nhà phân tích cho rằng Trung Cộng sẽ là nước có lợi nhất, và sáng kiến con đường này đang gây nhiều tranh cãi và chia rẽ trong cộng đồng Châu Âu về sự trỗi dậy của Trung Quốc. Cựu Thủ Tướng Đan Mạch Anders Fogh Rasmussen lo ngại rằng Châu Âu sẽ tỉnh mộng “khi quá trễ để thấy rằng toàn bộ cơ sở hạ tầng ở Trung và Đông Âu sẽ phụ thuộc vào Trung Quốc”. Một quan chức cao cấp của Tây Âu nghi ngại: “Phải chăng con đường tơ lụa mới chỉ là khẩu hiệu gây cảm hứng để che dấu tham vọng thống trị thế giới”của Trung Quốc? (Tin Tổng Hợp).
PGĐ
- Nguồn: https://vietbao.com/p112a276738/tham-vong-thong-tri-the-gioi-cua-bac-kinh