Hết 200.000 tỉ
sẽ thêm bao nhiêu triệu ‘tha phương cầu thực’?
Trần Văn
Tờ Tuổi Trẻ vừa đăng một bài viết của ông Nguyễn Minh Nhị, cựu Chủ tịch tỉnh An Giang. Trong bài “Để người dân đừng đi Bình Dương, hãy làm như Đồng Tháp!”,
ông Nhị - một viên chức cao cấp, tuy đã nghỉ hưu song vẫn trăn trở về
tương lai An Giang nói riêng và đồng bằng sông Cửu Long nói chung – kể
rằng, trong vài năm gần đây, “đi Bình Dương” trở thành chuyện cửa miệng
của nhiều cư dân An Giang.
Lúc đầu, cư dân An Giang phấn chấn vì “đi Bình Dương” hứa hẹn cơ hội
thoát nghèo, thế nhưng sau đó, thực tế cho thấy, “đi Bình Dương” là loại
cơ hội tưởng vậy mà không phải vậy, nhiều người “đi Bình Dương”, khi có
chuyện khẩn cấp, gia đình phải gửi tiền để người “đi Bình Dương” có lộ
phí cho chuyện quay về. Tuy nhiên theo lời ông Nhị, cư dân An Giang vẫn
lũ lượt bỏ nhà, bỏ ruộng, bỏ cha mẹ già, mồ mả ông bà, vợ chồng con cái
dắt díu nhau “đi Bình Dương”.
Ông Nhị nhận định, dù cuộc sống của những người chọn con đường “đi
Bình Dương” cực nhọc, bấp bênh nhưng xét cho đến cùng thì vẫn tốt hơn ở
lại quê nhà. Ông Nhị cay đắng lập lại điều mà nhiều chuyên gia đã đề cập
từ lâu, đó là dù luôn góp phần đáng kể cho kinh tế Việt Nam nhưng đầu
tư cho khu vực đồng bằng sông Cửu Long luôn ở mức thấp nhất. Giờ, khi
không thể sống nhờ ruộng vườn, cư dân An Giang nói riêng và cư dân đồng
bằng sông Cửu Long lũ lượt bỏ xứ, tha phương cầu thực…
Hồi trung tuần tháng này, tờ Tuổi Trẻ giới thiệu một nghiên cứu của
Alex Chapman – Đại học Southampton (Anh) và Văn Phạm Đăng Trí (Đại học
Cần Thơ), theo đó, đồng bằng sông Cửu Long có khoảng 18 triệu dân nhưng
trong mười năm vừa qua đã có khoảng 1,7 triệu người ở đó bỏ xứ ra đi.
Alex và Trí dẫn một nghiên cứu khác của Lê Thị Kim Oanh và Lê Minh
Trường thuộc Đại học Văn Lang, cho biết, gần đây, đã có 14,5% cư dân
đồng bằng sông Cửu Long “di cư”. Lê Thị Kim Oanh và Lê Minh Trường cho
rằng, mỗi năm, “biến đổi khí hậu” (hạn hán, nước mặn xâm nhập sâu vào
sông hồ, kênh rạch, ruộng đồng, sạt lở trên diện rộng,…) đẩy khoảng
24.000 cư dân đồng bằng sông Cửu Long tha phương cầu thực. Alex Chapman
và Văn Phạm Đăng Trí nhấn mạnh, khát vọng thoát nghèo là nguyên nhân
chính dẫn tới hiện tượng ồ ạt bỏ xứ tha phương cầu thực, do mối liên hệ
càng ngày càng phức tạp giữa nghèo đói với biến đổi khí hậu, tỉ lệ 14,5% có thể là “chưa đủ”.
***
Theo một thống kê được công bố hồi cuối năm ngoái, trong năm năm từ 2010 đến 2015, Việt Nam đã chi 850 tỉ để thực hiện chương trình “xây dựng nông thôn mới”. Tính đến cuối năm 2016, tại Việt Nam có 2.016 xã (23% tổng số xã) đạt “tiêu chuẩn nông thôn mới”. Cũng theo thống kê vừa kể thì song song với con số 2.016 xã tại Việt Nam đạt “tiêu chuẩn nông thôn mới” là 53/63 tỉnh, thành phố đang nợ 15.277 tỉ đồng do “xây dựng nông thôn mới” và hệ thống công quyền từ trung ương đến địa phương chưa biết xoay tiền từ đâu ra để trả.
Tại một cuộc họp của Quốc hội khóa 14 (2016 – 2021) diễn ra hồi cuối
năm ngoái, ông Nguyễn Ngọc Phương một đại biểu của tỉnh Quảng Bình bảo
rằng, nhiều tiêu chí đã được đề ra để xem xét – công nhận đạt “tiêu
chuẩn nông thôn mới” không hợp lý nên chương trình “xây dựng nông thôn
mới” trở thành lãng phí vì không hiệu quả. Ví dụ như tiêu chí về chợ, về
bưu điện trung tâm. Nhiều chợ xây theo “tiêu chuẩn nông thôn mới” đang
bị bỏ hoang và vì đã hết tiền nên không thể xây dựng các cơ sở thiết yếu
như trường học, trạm y tế. Ở cuộc họp vừa kể, những đại biểu khác nói
thêm rằng để đạt thành tích thực hiện thành công chương trình “xây dựng
nông thôn mới”, chính quyền nhiều xã đã ép dân đóng góp quá mức, kể cả
ép các gia đình nghèo, người già, trẻ con.
Chưa kể đóng góp của dân chúng, chỉ tính số mà công quỹ đã chi và
những khoản nợ dứt khoát phải trả, chương trình “xây dựng nông thôn mới”
đã nuốt của công khố 16.127 tỉ. Dẫu di họa của chương trình “xây dựng
nông thôn mới” (do Bộ Chính trị của Đảng CSVN đề ra, Quốc hội Việt Nam
phê chuẩn, chính phủ Việt Nam thực hiện) đã rất rõ ràng: Nông dân oán
thán vì bị vắt kiệt. Nợ nần của hệ thống công quyền tăng vọt. Chính
quyền nhiều địa phương phá sản, không còn tiền để chi cho các khoản
thiết yếu. Nhiều doanh nghiệp phá sản vì cung cấp vật tư, nguyên liệu,
nhận thầu các công trình trong chương trình “xây dựng nông thôn mới”
nhưng không được thanh toán, song cuối năm 2015, trước khi mãn nhiệm kỳ
2011 – 2016, 436/437 đại biểu Quốc hội Việt Nam khóa 13 vẫn tán thành
việc chi 193 ngàn tỉ đồng trong giai đoạn từ 2016 đến 2020 để… tiếp tục
thực hiện chương trình “xây dựng nông thôn mới”. Trong 193 ngàn tỉ đồng
đó, chính quyền trung ương sẽ chi 63.155 tỉ, chính quyền các địa phương
sẽ chi 130.000 tỉ và tất nhiên từ trẻ sơ sinh đến người già chưa kịp thở
hơi cuối cùng trên toàn quốc sẽ cùng nhau gánh vác khoản tiền khổng lồ
này.
Nuốt hết 16.127 tỉ, “nông thôn mới” đẩy 20% cư dân các tỉnh phía Bắc
miền Trung, 20% cư dân các tỉnh duyên hải miền Trung, 18,4% cư dân đồng
bằng sông Củu Long tha phương cầu thực. Trong hai thập niên vừa qua, khu
vực đồng bằng sông Cửu Long không những không tăng trưởng về dân số mà
tỉ lệ này còn âm (-0,13%). Nếu nuốt thêm 193.000 tỉ đồng nữa, “nông thôn
mới” sẽ đẩy thêm bao nhiêu triệu nông dân đến chỗ khốn cùng để phải
chọn kiếp tha phương cầu thực?
***
Trong bài “Để người dân đừng đi Bình Dương, hãy làm như Đồng Tháp!”, ông Nhị đề nghị phải bắt đầu từ giáo dục để nông dân có kiến thức, kỹ năng cơ bản trong chuyện làm ruộng, làm vườn, để dân chúng tự do tổ chức tiêu thụ nông sản, để việc chuyển dịch lao động trong nông nghiệp diễn ra một cách tự nhiên. Ông Nhị dẫn Đồng Tháp như một ví dụ mà chính quyền các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long nên tham khảo để cư dân đồng bằng sông Cửu Long thôi phải tính đến việc “đi Bình Dương”: Đào tạo nguồn nhân lực, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, thu hút giới đầu tư ngoại quốc vào các khu công nghiệp… Ông Nhị kể thêm về những nông dân thành đạt bởi được giáo dục tốt, có đủ kiến thức, kỹ năng làm chủ ruộng vườn và lưu ý chi tiết, tất cả đều được đào tạo “trước 1975”.
Chẳng ai nghi ngờ thành tâm và thiện ý của ông Nhị nhưng sau 1975,
tình hình trên toàn Việt Nam đã khác. Với một hệ thống chiêu nạp, dung
dưỡng các viên chức luôn tìm đủ mọi cách biến tất cả những mục tiêu tốt
đẹp thành cơ hội kiếm tiền, bỏ túi riêng thì không thể hi vọng nông dân
thôi dắt díu nhau “đi Bình Dương”.
Năm 2010, hệ thống công quyền Việt Nam bắt đầu “triển khai Chương
trình Đào tạo nghề cho lao động nông thôn”. Năm 2017, tại một hội nghị
về việc thực hiện chương trình này, các viên chức hữu trách thú nhận,
những nông dân đã được “đào tạo” không thể sống được với “nghề” mà hệ
thống công quyền từ trung ương đến địa phương dạy cho họ. Phó Chủ tịch
tỉnh Hà Giang thú thật, năm 2016, “Chương trình Đào tạo nghề cho lao
động nông thôn” ngốn hết 3,7 tỉ nhưng nông dân Hà Giang vẫn lũ lượt dắt
díu nhau sang Trung Quốc làm thuê. Mỗi năm, Hà Giang có 20.000 người
sang Trung Quốc tìm việc làm. Cũng ở hội nghị vừa kể, dù thừa nhận,
“Chương trình Đào tạo nghề cho lao động nông thôn” bị lạm dụng (có xã,
có tới 600 người học… thiến heo) nhưng hệ thống công quyền Việt Nam “nhất trí” sẽ chi 2.000 tỉ đồng nữa để “đào tạo nghề” cho 1,4 triệu nông dân từ 2016 đến 2020.
Tương tự, năm ngoái, Việt Nam công bố một thống kê, theo đó, sau khi
thi nhau thu hồi ruộng, vườn của nông dân để xây dựng 324 khu công
nghiệp, chỉ có 15% trong số 92.000 héc ta đất dành cho các khu công nghiệp được sử dụng.
Chẳng lẽ đã đến lúc, thay vì đặt một dấu hỏi sau “tương lai nông dân”, người ta phải dùng dấu chấm than?