Minh Giải
Truyện Đổng-Thiên-Vương Trong Cuốn Lĩnh Nam Chích Quái
Nguyễn Đăng Trúc, Reichstett, Pháp
Bản văn
Truyện Đổng-Thiên-Vương
Đời Hùng-Vương thứ ba, thiên-hạ
thái-bình, dân-vật đầy-đủ. Ân-Vương lấy sự thiếu lễ triều-cống, giả đi
tuần-thú để xâm-chiếm nước ta.
Hùng-Vương nghe được mới triệu
quần-thần hỏi về kế-hoạch đánh hay giữ. Có nhà phương-sĩ
dâng lời nói rằng:
- Không gì bằng cầu Long-quân để nhờ
âm-phù.
Hùng-Vương nghe theo mới đắp đàn
trai-giới, đặt vàng bạc lụa là ở trên bàn, đốt hương cầu tế ba ngày thì trời
cảm sấm mưa, thoắt thấy một ông già cao hơn sáu thước mặt vuông, bụng lớn, râu
mày bạc phơ, ngồi ở ngã ba mà nói cười ca múa; người ta trông thấy, ngờ là
người phi-thường mới tâu với vua. Vua thân-hành ra bái-yết, rước vào trong đàn;
ông già không ăn uống, không nói năng gì cả.
Hùng-Vương đến trước hỏi rằng :
- Nay binh nhà Ân sắp sang đánh, hơn
thua ra sao, nếu có kiến-thức gì xin bày-cáo cho.
Ông già giây lát mở thẻ ra bói, thưa
với vua rằng :
- Sau ba năm giặc mới qua đánh.
Vua lại hỏi kế-hoạch để đánh giặc,
ông già đáp rằng :
- Nếu có giặc đến thì phải
nghiêm-chỉnh khí-giới, tinh-luyện sĩ-tốt để cho nước có uy thế, rồi tìm khắp
thiên-hạ có ai dẹp được giặc thì phong cho tước-ấp, hễ được người ấy thì dẹp
được giặc ngay.
Nói đoạn, bay lên không mà đi, mới
biết đó là Long-Quân.
Vừa đúng ba năm, biên-binh cáo-cấp có
quân Ân sang, Hùng-Vương y theo lời nói của lão-nhân, sai sứ đi khắp thiên-hạ
để tìm người dẹp giặc.
Sứ-giả đến làng Phù-Đổng, quận
Vũ-Ninh, trong làng có một ông nhà giàu đã hơn sáu mươi tuổi mới sinh được một
người con trai ba tuổi không biết nói, chỉ nằm ngửa không ngồi dậy được. Bà mẹ
nghe sứ-giả đến, nói bỡn với con rằng :
- Sinh được thằng nầy thì chỉ biết ăn
uống chớ không biết đánh giặc để lĩnh thưởng của triều đình mà đền ơn bú mớm.
Đứa trẻ nghe mẹ, thình lình nói lên
rằng :
- Mẹ hãy gọi sứ-giả vào đây, con hỏi
thử xem là việc gì.
Bà mẹ cả kinh, mừng rỡ bảo với xóm
làng :
- Con tôi đã biết nói.
Xóm giềng cũng lấy làm lạ mới rước
sứ-giả về nhà; sứ-giả hỏi rằng:
- Mầy là đứa trẻ mới biết nói mà bảo
kêu ta đến làm gì?
Đứa trẻ mới ngồi dậy bảo sứ-giả rằng:
- Lập tức về tâu với vua đúc cho ta
một con ngựa sắt cao mười tám thước, một gươm sắt dài bảy thước, một cái nón
sắt, trẻ nầy cỡi ngựa, đội nón đi đánh giặc cho, giặc sẽ phải tan-tành, nhà vua
việc gì mà lo.
Sứ-giả chạy về tâu với vua. Vua mừng
bảo rằng:
- Thế thì ta không lo gì vậy.
Quần-thần đến tâu :
- Một người đánh giặc làm sao mà phá
nổi ?
Vua nói :
- Đó là Long-Quân giúp ta, lời
lão-nhân đã nói trước không phải là nói không, các ngươi không nên ngờ.
Rồi sai tìm sắt cho được mười cân
luyện thành ngựa sắt, gươm sắt và nón sắt; sứ-giả đem tất cả đến; bà mẹ thấy
thế cả kinh, sợ họa đến cho mình, lo-sợ hỏi con.
Đứa trẻ cả cười nói rằng:
- Mẹ đem cơm thật nhiều cho con ăn,
con đi đánh giặc, mẹ đừng lo sợ.
Rồi đứa trẻ lớn rất mau, áo cơm hằng
ngày bà mẹ cung-cấp không đủ; hàng xóm nấu thêm cơm, làm thịt trâu, rượu, bánh,
trái, thế mà đứa trẻ vẫn không no bụng; vải lụa gấm vóc mặc chẳng kín hình, đều
phải lấy thêm hoa cây lô mà che nữa.
Đến khi quân nhà Ân kéo đến Trâu-Sơn,
đứa trẻ mới duỗi chân đứng dậy, mình cao hơn mười trượng, nghểnh mũi mà nhẩy,
nhẩy mũi hơn mười tiếng rồi tuốt gươm nói lớn lên rằng: Ta là Thiên-tướng
đây !
Bèn đội nón nhảy lên ngựa, ngựa phi như
bay, múa gươm xông đến trước, quan quân theo sau đến sát lũy giặc, dàn trận
dưới núi Trâu-Sơn. Quân Ân cả vỡ, trở giáo chạy lùi. Ân-Vương chết ở Trâu-Sơn,
còn dư-đảng thì la-liệt sụp lạy và hô rằng:
- Thiên-tướng, chúng tôi hết thảy xin
đầu hàng.
Đứa trẻ đến núi Việt-Sóc mới
cởi áo mặc rồi cỡi ngựa bay lên trời, chỉ lưu dấu chân trên đá ở dưới núi mà
thôi.
Hùng-Vương nhớ đến công-lao, không
biết lấy gì đền-báo mới tôn làm Phù-Đổng Thiên-Vương, lập đền thờ ở vườn nhà
làng ấy, cho ruộng một trăm khoảnh để làm lễ hưởng-tế xuân-thu.
Đời nhà Ân hai mươi bảy vua, trải qua
sáu trăm bốn mươi năm, không dám đem binh sang đánh nữa.
Man-di bốn phương nghe được như vậy
cũng đều thần-phục, về phụ với Vương. Sau vua Lý-Thái-Tổ phong làm Xung-Thiên
Thần-Vương, lập miếu tại làng Phù-Đổng (nay ở huyện Tiên-Du) bên chùa
Kiến-Phúc, tạc tượng ở núi Vệ-Linh, xuân-thu đều có lễ tế vậy.
Có bài thơ rằng:
Vệ-Linh năm tháng đám mây nhàn.
Muôn tia nghìn hồng chói thế-gian.
Ngựa sắt ở trời, danh ở sử.
Uy-linh lừng-lẫy khắp giang-san.
*
Phần minh
giải
I - Hình thức văn chương
I. 1 - Vị trí của câu truyện
trong bố cục của Lĩnh Nam Chích Quái
Trong bản chính của Trần Thế
Pháp hoặc trong các bản đã lưu hành trước khi có sự sắp xếp của Vũ Quỳnh,
truyện nầy mang tên Phù Đổng và là chuyện thứ 9 trong toàn bộ 22 truyện.
Vũ Quỳnh cho tựa đề là Đổng
Thiên Vương và xếp vào truyện thứ 7 trong cuốn I.
Truyện nầy kế tiếp phần khai
triển chiều kích tương giao giữa người với người, vị trí, vai trò của chiều
kích đó trong toàn bộ ba chiều kích Đất - Trời - Người qua hai câu truyện liên
tục Trầu Cau và Đầm Nhất Dạ. Nó sẽ diễn tả chiều kích Trời qua âm
hưởng của tựa đề Đổng Thiên Vương.
Một lần nữa, ta nhắc lại chủ
tâm của Vũ Quỳnh trong việc sắp đặt thứ tự của cuốn Lĩnh Nam Chích Quái. Cho đến nay
chúng ta thấy có một thứ tự trong việc sắp xếp từng mục chủ đề: Đất, Người,
Trời, từ truyện thứ 2 đến truyện thứ 7; từ một luận đề tổng quát trong
truyện 1 đến việc khai triển tuần tự các chủ đề liên hệ.
- Ở truyện Đổng Thiên Vương
nầy, cũng như ở truyện Đầm Nhất Dạ đi trước (truyện số 6) tác giả có dụng tâm nêu lên
yếu tố thời gian trước khi đi vào các câu truyện, nhưng không dựa vào yếu tố đó
để sắp xếp thứ tự:
- Ở truyện Đầm Nhất Dạ, khung
cảnh xảy ra vào thời Hùng Vương thứ IV. Về tượng trưng, đây là con số 4 gợi lên
thân phận con người trong trần thế, cuộc sống lữ hành.
- Ở truyện Đổng Thiên Vương
nầy được xếp theo vị trí đi sau, nhưng khung cảnh câu truyện là vào thời Hùng
Vương thứ 3. Số 3 là tượng trưng chiều kích Trời của nhân tính: Trong cuốn Từ
Điển các tượng trưng, Jean Chevalier và Alain Gheerbrant gợi lên ý nghĩa
hàm ngụ của số 3 trong các tâm thức văn hoá nhân loại như sau :
"Ba được hiểu một cách phổ quát là con số nền tảng. Nó diễn
ta một trật tự minh triết và siêu nhiên, nơi Thiên Chúa, trong vũ trụ hay trong
con người...nhưng thông thường hơn cả, ba như là con số lẻ căn nguyên (premier
impair), số
chỉ Trời..."
Nhưng thêm một lần nữa, chúng
ta thắc mắc tại sao thứ tự Đất - Trời - Người lại được tác giả Lĩnh
Nam Chích Quái xếp khác với thứ tự của truyền thống văn hoá Trung Hoa Trời
- Đất - Người (Phục Hy, Thần Nông, Hoàng Đế).
Thứ tự Đất - Người - Trời
trong Lĩnh Nam Chích Quái đặt nổi phần cảm nhận các chiều kích theo kinh
nghiệm của con người. Lối diễn tả của tác giả phản ảnh tiến trình của kinh
nghiệm cụ thể, thực tế của thân phận con người trong thời gian. Ta có thể gọi
đây là trật tự xếp theo kinh nghiệm thực tế, đi từ gần đến xa, từ cảm giác bên ngoài đến ý
nghĩa ẩn giấu bên trong.
Nhưng đàng sau thứ tự của tiến
trình kinh nghiệm ấy, còn có một thứ tự ưu tiên khác mà kinh nghiệm từng giai
đoạn sẽ khám phá ra dần hồi. Có thể gọi đây là trật tự hữu thể học (ordre
ontologique) : Trời
- Người - Đất.
Trong truyện Đầm Nhất Dạ trật
tự đó nêu lên rõ nét hơn cả trong sáng kiến chủ động, đi trước của Tiên Dung,
tiếp đó là sự tiếp nhận của Chử Đồng Tử, và Hà Loã là vùng đất cư ngụ của Trời
- Người.
Nhưng, Trời - Người - Đất
ở đây không phải là một cái gì theo quan niệm nhận thức của ta về sự vật bên
ngoài. Chúng ta dễ có tiền kiến cho rằng tất cả các chiều kích con người phát
xuất và xây dựng trên nền tảng của một nhận thức duy nhất và đồng bộ: thấy hòn
sỏi trước mắt và biết nó có đấy, cũng không khác gì thấy khuôn mặt của cha
mình, ánh mắt của người yêu mình. Thí dụ nhỏ đó giúp ta nhận ra một tiền kiến
chi phối lối nhận thức của ta; trong ngôn ngữ chuyên môn của triết học ta gọi
là tiền kiến hữu thể học: tiền kiến hữu thể học nầy là sự hiểu lầm cho rằng mọi
hiện hữu (Trời, Người, cây cỏ, sỏi đá) đều có một bản chất chung, mà ta có thể gọi tên
khi nêu lên câu hỏi: ‘cái gì?’. Nói rằng hữu thể học dựa trên câu hỏi cái
gì đi kèm với nhận thức của ta về sự vật bên ngoài, là mặc nhiên tiên liệu
mọi hiện hữu đều là những sự vật dầu ở cấp độ nào, đều nằm trong tầm tay với
của nhận thức con người, và con người sẽ thụ đắc, tập hợp dần hồi qua khả năng
hiểu biết của mình. Suốt hơn 20 thế kỷ qua, truyền thống triết học Tây phương
đã dựa vào nền tảng hữu thể học về "cái gì" nầy để thiết định
về số phận của tư tưởng và văn hoá. Nhưng nơi Lĩnh Nam Chích Quái, tiền
kiến về hữu thể học truy nguyên bản chất của vật thể như thế không thấy có dấu
vết nào xuất hiện. Ưu tư nền tảng của Minh triết không nằm trong thắc mắc về
sự hiểu biết về sự vật, nhưng nhằm giải đáp thắc mắc về thân phận của
cuộc sống con người. Có thể nói rằng đây không phải là cuộc đuổi bắt các ý
nghĩa của sự vật (signification des choses) nhưng là nỗi khắc khoải về sự sống trọn
vẹn của chính mình (sens ultime de l'être de l'homme). Nếu có tiền kiến hữu thể học
nơi đây thì có thể nêu lên một cách tiêu cực rằng: Con người không phải
là sự vật trước mắt, nghĩa là không chỉ như thế. Những gì ta gọi là "linh
ư vạn vật" đều hàm ngụ sự từ khước căn nguyên nầy. Và đây là một trong
những ngưỡng cửa để hiểu lối diễn tả tiêu cực về chữ không, chữ vô
trong các truyền thống văn hoá Lão, Phật. Nói đến Đất - Trời - Người,
không có nghĩa là gọi tên, chỉ một vật gì đó, nhưng là diễn tả những chiều kích
tương quan của hữu thể con người, những tương quan nầy chính là sự sống, ý
nghĩa cuả hữu thể của nó. Với tiền kiến hữu thể học về sự vật, hẳn nhiên
chúng ta sẽ thắc mắc rằng tương quan luôn giả thiết có hai sự vật. Nhưng trong
kinh nghiệm của đời sống con người, chúng ta thấy lối suy nghĩ đó giả tạo, đầy
tiền kiến và cố chấp: chúng ta không chỉ nhìn và thấy khuôn mặt con người, cha
mẹ, anh em mình để hỏi đó là cái gì như nhà bác học truy cứu một viên sỏi qua
kính hiển vi. Và chính cái khác trong hai cái nhìn nầy gợi lên phần nào những
khác biệt về ý nghĩa của các đối tương siêu hình học truyền thống Tây phương
(vũ trụ, Thượng Đế và con người) và các nội dung Đất - Trời - Người
trong Minh triết của Lĩnh Nam Chích Quái.
I. 2 - Các tên gọi và bố cục bản văn
I . 2 a - Các tên gọi
Khung cảnh câu truyện Đổng
Thiên Vương vừa có tính cách huyền thoại lại vừa có những yếu tố vay mượn trong
lịch sử địa lý như tên làng Phù Đổng, nêu tên vua Hùng Vương thứ 3, Ân Vương ở
phần đầu, núi Trâu Sơn, Việt Sóc ở phần giữa, vua Lý Thái Tổ phần cuối, bên
cạnh những nhân vật huyền thoại như Long Quân, Phù Đổng Thiên Vương.
Trước hết, chi tiết về sự có
mặt của tên Lý Thái Tổ cho ta một chỉ dẫn là câu truyện nầy, một phần nào đó,
đã được lưu truyền trong dân gian trước khi bản văn được sáng tác.
Yếu tố thứ hai liên quan đến
tên gọi Phù Đổng Thiên Vương: Hẳn nhiên, đây là một câu truyện giả tưởng, thần
thoại. Và tương quan giữa câu truyện nầy với các tên gọi địa lý như Phù Đổng,
Trâu Sơn, Việt Sóc có thể được hiểu là một nỗ lực sáng tác một câu truyện nhằm
giải thích ý nghĩa tên gọi của địa phương mình.
Phù là trợ giúp, cứu độ.
Đổng là chỉ dẫn, sắp đặt, lý
liệu công việc.
Câu truyện lúc ban đầu, nếu đã
tương truyền trước đời Lý, thì theo giả thiết của chúng tôi, nó không có phần
can thiệp của Lạc Long Quân trong đó. Câu truyện Lạc Long Quân chỉ xuất hiện
theo sự sáng tác riêng của tác giả Lĩnh Nam Chích Quái vào đời
Trần. Nối kết vai trò của Phù Đổng Thiên Vương vào Lạc Long Quân như thế là một
sự bổ sung vào khi viết thành văn. Đến khi Vũ Quỳnh hiệu đính, lại đổi tên đề
câu truyện Phù Đổng thành Đổng Thiên Vương; ở đây rõ
rệt Vũ Quỳnh muốn nêu rõ chiều kích Trời (Thiên Vương) trong trật tự các câu truyện
xếp lại theo một hệ thống tư tưởng mạch lạc.
Nêu lên sự kiện giặc Ân từ phương Bắc đến như
mối đe dọa trường kỳ, tiếp theo đó các ý nghĩa địa danh Việt Sóc (Việt là vượt
lên, Sóc là tượng trưng cho phương Bắc): những chi tiết đó gợi lại lối sử dụng những tâm tình dân tộc hết
sức phổ biến để làm hình ảnh biểu tượng tiêu cực trong cuộc sống con người (như lối dùng
hình ảnh Ai cập trong Thánh kinh Do Thái).
I.2b - Bố cục câu truyện
Mở đề
3 câu :
·
Đời Hùng Vương thứ 3 (Trời)
·
Thiên hạ thái bình (Người)
·
Dân vật đầy đủ (Đất)
nói lên sự hoà hợp của Tam Tài.
Ân Vương gian trá tìm cách xâm chiếm.
Phần 2
Vua quan họp nhau và nhận định
:
- Không gì bằng cầu Long Quân để
âm phù
- Hùng Vương - đắp đàn
trai giới.
- Xuất hiện của một ông già
phi thường : không ăn, không nói.
- Ông già bói quẻ tiên liệu
tình hình, khuyên vua nghiêm chỉnh lo liệu quốc phòng, tìm người tài ba dẹp
giặc.
- Người phi thường bay lên
trời, mới biết đó là Long Quân.
Phần 3
Ba năm sau, giặc Ân tới đúng theo tiên liệu của Long Quân.
- Vua làm theo ý Long Quân
dạy, sai sứ giả đến làng Phù Đổng : sự kiện có ông già hơn 60 sinh con. Người
con không biết nói, chỉ biết ăn như người khuyết tật.
- Bà mẹ (chứ không
phải ông lão)
nghe tin, nói đùa với con về sự việc
- Thình lình đứa trẻ lên tiếng
nói.
- Bà mẹ vui mừng báo tin con
mình nói được cho hàng xóm.
- Xóm giềng lại mời sứ giả về
nhà : đứa trẻ xin vua đúc con ngựa cao 8 thước , một gươm sắt dài 7 thước, một
cái nón sắt để đi đánh giặc.
- Quan quân nghe tin hoài
nghi, nhưng vua nói : Đó là Long Quân giúp ta và làm theo ý đứa trẻ.
· Đứa trẻ ăn nhiều, mẹ nó kêu
cầu đến sự giúp đỡ của hàng xóm.
Phần
4
Giặc Ân đến Trâu Sơn, đứa bé
vươn mình đứng lên nói lớn : "Ta là Thiên tướng đây!"
- Đứa trẻ ra trận, uy lực của
nó làm tan rã quân giặc Ân.
- Xong phận vụ, đứa trẻ đến
núi Việt Sóc bay lên trời, chỉ ghi dấu chân trên đá ở dưói núi.
Phần 5
Hùng Vương cho lập đền thờ ở
vườn nhà làng ấy.
- Giặc Ân sau đó không còn dám
đến phá.
- Man di bốn phương qui phục
Hùng Vương.
- Đến đời Lý Thái Tổ cho lập
miếu ở làng Phù Đổng bên chùa Kiến Phúc.
Phần thứ năm, tác giả
chuyển câu truyện vào lịch sử. Cũng có thể là phần phụ thêm của các tác giả về
sau. Câu truyện đã trọn vẹn ý nghĩa nơi phần bốn xét về về mặt văn hoá.
Tuy phần năm nầy không gượng gạo nối kết "đầu cua tai ếch" như
hai phần cuối của truyện Mộc Tinh và Đầm Nhất Dạ, chúng tôi cũng sẽ không nhắc
đến nữa trong phần phân tích ý nghĩa sau nầy.
Về mặt hình thức trong bốn
phần đầu liên tục, ta thấy bản văn phản ảnh tài năng văn chương nổi bật của tác
giả Lĩnh Nam Chính Quái : Câu truyện mạch lạc, các chi tiết rất cô đọng,
kỹ thuật trình bày hồn nhiên. Ta có cảm tưởng như đọc một tác phẩm của một tác
giả hiện kim, còn nhẹ nhàng tươi mát hơn cả những bản văn quốc ngữ vào đầu thế
kỷ 20.
Đặc điểm thứ hai là sự phối
trí tự nhiên giữa các sự kiện xảy ra trong câu truyện và nội dung liên tưởng :
người đọc không cần phải vận dụng quá nhiều suy tư để cảm nhận những giá trị
minh triết hàm ngụ trong toàn bộ câu truyện huyền thoại nầy.
II - Giải thích ý nghĩa câu truyện
II .1- Phần mở đầu
Phần mở đầu có hai vế :
Các tượng trưng ở vế đầu :
- Hùng Vương thứ ba (chiều kích
Trời)
- Thiên hạ thái bình
(chiều
kích Người)
- Dân vật đầy đủ
(chiều
kích Đất)
là hình ảnh thường hằng, từ uyên nguyên đến chung mãn của tính
người. Nhưng như đã trình bày ở phần trước, đây là hình ảnh sự hoàn mãn, một
dấu tích nơi Đại Ký Ức và cũng là dấu chỉ của thời chung mãn; ngôn ngữ vùng
Đông Nam Á chúng ta gọi là Nghĩa làm người. Nghĩa là vốn nó là
như thế, và phải trở thành như thế, nó là Mẫu mực (như đã có đó
rồi nếu lấy hình ảnh nhận thức của con người trong thời gian để gợi ý) và phải được hoàn thành. Sách
Trung Dung nói "Thiên mệnh chi vị tính" để nói lên phần tiên
thiên của tính người, nghĩa là vốn tự nó như thế, không lệ thuộc một sự tác tạo
nào của hành vi con người thêm vào. Cũng một nội dung đó Martin Heidegger nói
đến Thể tính như sau :
"Cái gọi là hữu thể trước hết là thể tính. Tư tưởng chu toàn
tương quan của thể tính với yếu tính con người. Tư tưởng không tự cấu tạo nên
cũng không sản xuất ra tương quan nầy. Tư tưởng chỉ làm cho tương quan đó hiện
thực nơi tính thể, như do bởi tính thể, tương quan đó được trả lại cho chính
mình".
Đến vế thứ hai "Ân Vương lấy sự thiếu lễ triều cống,
giả đi tuần thú để xâm chiếm nước ta".
Đến đây ta cũng chưa thấy có
một cái gì thêm vào, hay gọi là hậu thiên, từ nơi con người được biểu
thị là "nước ta".
Trong câu văn, ta thấy có ba
nội dung nổi bật:
Thiếu : như một sự kiện đã có đó
rồi từ nơi thân phận của "nước ta".
Giả... để xâm chiếm : là yếu tố
ngoại lai, không thật, thêm vào, để hủy hoại.
Các nội dung nầy là những nét
tiên thiên của thời gian - không gian vốn gắn liền với con người; Nguyễn Du
trong Đoạn Trường Tân Thanh gọi là"nghiệp mang vào thân".
Triết gia Kant gọi thời gian -
không gian là những hình thái tiên thiên (formes a priori), nghĩa là thân phận của con
người hữu hạn tự nhiên hướng đến vô hạn, là khả năng mở ra để thu nhận các hiện
tượng của sự vật bên ngoài bằng con đường nhận thức. Theo tư tưởng Phật, Lão,
Nho cũng như theo quan điểm của Lĩnh Nam Chính Quái trong truyện nầy,
thì xem ra Kant đã nhận ra được yếu tố thiếu, nhưng kèm theo đó có sự
lệch đường (giả) khi chuyển đổi đối tượng của ước muốn thâm sâu nơi con người bằng
việc tìm kiếm kiến thức toàn khối các sự vật. Vậy, ở đây Lĩnh Nam Chích Quái
hàm ngụ rằng thân phận con người trong thời gian - không gian thiếu cái gì? Câu
trả lời, như Martin Heidegger nêu lên, là thiếu sự hoàn thành của tính người
vốn là như thế, ở vế đầu.
Như vậy, thân phận của con
người trong thời gian - không gian cũng là tiên thiên và được trình bày ở đây
như một khả tính (possibilité) hay còn gọi là một khả năng (faculté) để cảm nghiệm tình trạng hữu
hạn đang hướng về vô hạn, chu toàn dần hồi nhân tính trọn vẹn trong ba chiều
kích. Nhưng con người cũng tiên thiên có khả năng "làm", hay
đúng hơn là "tự ta làm nên ta" chuyển đổi hướng đi, tức là khả
năng "giả", lạm dụng, xâm chiếm và hủy hoại nhân tính của
mình. Các khả thể đó cấu tạo nên phận con người "tự do", được
văn hào Dostoievski gọi là gánh nặng làm người. Người Việt chúng ta gọi
đó là "nợ" phải trả của kẻ đầu đội trời, chân đạp đất.
Hình ảnh đe dọa của giặc Ân,
sự thách đố của con người tự do, thân phận con người thấy cần, thiếu hay
gọi là "khổ", "khát" đã được tác giả đặt vào chiều
kích trời, tức là tiên thiên, trong phần mở đầu của truyện nầy. Lối
trình bày đó cho ta thấy rằng :
- Tình trạng con người hữu hạn
và tự do là một ân lộc, một sự kiện tiên thiên không lệ thuộc một lỗi nào từ
nơi hành vi trước đó của con người. Từ nhận thức nầy, ta hiểu rõ hơn về nội
dung tượng trưng của các mẫu huyền thoại văn hoá chung của nhân loại, dù Hy Lạp
hay Do Thái, Ấn Độ hay Trung Hoa về thân phận vừa tự do vừa hữu hạn, thiếu thốn
của con người trong thời gian; những lỗi nguyên sơ ( tội nguyên
tổ) đem lại
sự chết, những lối nói về con người bị phạt phải trả nợ hôm nay vì lỗi của mình
trong kiếp trước ... : tất cả những hình ảnh đó chỉ là những lối nói
tượng trưng về vinh dự và thách đố của kiếp làm người, của thân phận con người
tại thế; hoặc để gợi lên thực trạng ham muốn Tuyệt đối nơi con người, hoặc cảnh
giác khả năng của con người có nguy cơ tự hủy nhân tính mình.
· Trần thế, thời gian, thử thách
cam go của cuộc sống con người, khả năng có thể làm điều lành, điều ác...không
phải là những giá trị tiêu cực. Cái gọi là ác, xấu, giả là việc
làm con người, trong tự do, chuyển đổi hướng hoàn thành nhân tính, hoặc dừng
lại, tự mãn, không còn thấy thiếu các tương quan trọn vẹn nơi nhân tính
của mình.
II 2- Phần hai
Khi cảm nhận được nguy cơ từ ý
đồ xuyên tạc (giả) và biết được ý muốn xâm chiếm của Ân Vương, phản ứng
tự nhiên của Hùng Vương là nghĩ đến việc đánh hay giữ. Nhưng nhà
phương sĩ (như là người của nhà trời) lại gợi lên việc quay về cầu cứu Long Quân.
Trong ngôn ngữ văn chương hơn
người ta gọi phản ứng này cuả vua Hùng là phản ứng có tính cách con người (humain) hàm ngụ rằng thái độ đó tự
nhiên nhưng chưa đạt đến mức toàn hảo: Đói thì muốn ăn, khát thì thèm uống,
thấy nguy cơ thì chọn lựa hoặc tấn công hay thủ thế. Phần gọi là tự nhiên sơ
khởi đó là một chiều kích của nhân tính tiên thiên, chiều kích "Thần
Nông" nguyên khởi.
Nhưng ở đây ta thấy dường như
lối trình bày về nhân tính hữu hạn của con người trong thời gian, không gian
của truyện Đổng Thiên Vương khác với lối trình bày của một số các tác phẩm văn
hoá cao độ của nhân loại.
Trong sách Sáng Thế-ký
của Do Thái, con rắn đã dụ dỗ ông bà Adam và Evà ăn trái cấm nầy, cắt đứt
với Thiên Chúa; và hậu quả sau khi ăn trái cấm nầy, con người biết được sự lành
và sự ác. "...Ngày nào các người ăn nó, mắt các ngươi sẽ mở ra và các
ngươi sẽ như thần thánh biết được sự lành và sự ác" (St 3,5).
Oedipe trong bi kịch của Sophocle
người Hy Lạp là tượng trưng cho thân phận nhân loại tại thế, giết cha là Trời
mà không hay, nên lầm lạc trong vòng vi của sự hiểu biết giới hạn, chỉ biết đến
phân biệt ngày - đêm, phải - trái...
Nơi Phật và Lão, phán đoán
thuần nhân-vi được đánh giá là vô-minh, giả ảo Đạo Đức Kinh ghi rằng.
"Thiên
hạ giai tri mỹ chi vi mỹ, tư ác dĩ ;
Giai tri thiện chi vi thiện, tự bất
thiện dĩ".
Lối trình bày nơi các kinh,
sách của các nền văn hoá vừa kể mô tả thực trạng lỗi lầm đã thể hiện trong thực
tế xã hội rồi, giống như lối trình bày về Hùng Vương thứ 4 trong truyện Đầm
Nhất Dạ: Lỗi lầm khi con người tại thế dừng lại nơi sự hiểu biết hữu hạn, tự
nhiên của mình để thiết định bản chất nhân tính toàn diện. Đây là lối diễn tả
thường thấy trong sách của các tiên tri Do Thái, nêu lên bản chất và căn nguyên
của sự lầm lạc và kêu gọi phản tỉnh, quay về nẻo chính.
Lĩnh Nam Chích Quái có những phần như thế, chẳng
hạn nơi truyện Ngư Tinh, Hồ Tinh, Mộc Tinh, Đầm Nhất Dạ mà chúng ta đã phân
tích qua. Nhưng sách nầy lại còn có điểm độc đáo, rất gần với cái nhìn lạc quan
với Nho gia, khi dùng huyền thoại, lối nói thi ca để như thông dự với Trời
gợi lại những nét uyên nguyên còn ghi khắc trong Đại Ký Ức, phản ảnh niềm
tin tưởng và hy vọng vào yếu tố thiện căn ghi khắc trong lòng
người.
Khi con người còn thắc mắc,
nghi vấn chưa tự mình tác oai quyết định phải trái, tốt xấu và tự mãn dừng lại
nơi thân phận hữu hạn của mình, xem đó là tuyệt đối, khi con người còn khiêm tốn
và biết cầu khẩn Long Quân, thì Long Quân lại đến. Trong truyện Hồng Bàng Thị,
tác giả Lĩnh Nam Chích Quái đã nêu lên ba lần về lời kêu cứu của con
người với Long Quân. Và mỗi lần như thế Long Quân lại đến cứu độ. Ở đây cũng
như thế, nhưng tác giả còn thêm một yếu tố mới.
Hùng Vương nghe lời phương sĩ để kêu cầu Long Quân, nhưng đồng
thời vua cũng đăng đàn trai giới.
Việc trai giới hàm ngụ có tội
tình trước đó. Nhưng trong bối cảnh câu chuyện như ta đã từng bước ghi lại đến
lúc này, ta lại không thấy tác giả nêu lên một phần sai trái nào về phía Hùng
Vương. Như thế trai giới ở đây phải được hiểu như thế nào? Tuy không phạm lỗi
do tự mình ý thức hay làm ra, nhưng quay nhìn lại tiến trình cũ, từ khi nghe
tin quân thù có ý định xâm lược, ta thấy như có một sự thiếu vắng, đứt
đoạn với Long Quân ẩn giấu. Trai giới ở đây được xem là quên đi, bỏ đi tình
trạng cô độc này, để nhìn nhận có mối tương quan với Long Quân mà ban đầu mình
không hay biết. Những hình thức tế tự tiếp liền với trai giới cho thấy những nỗ
lực của con người muốn xác quyết niềm tin của mình vào sự hiện diện của thực
thể ẩn kín đó.
Ông già quái lạ không ăn, không nói, bấy giờ xuất hiện.
Và đến đây chúng ta có thắc
mắc: phải chăng vì hình thức trai giới, các hành vi tế tự, như một thứ ma thuật
tạo ra một sức mạnh thần kỳ vốn nằm trong bản tính con người tự nhiên rồi ?
Hoặc giả tác giả nêu sự kiện trai giới nơi con người như là điều kiện để thần
minh xuất hiện ?
Câu trả lời trước hết tìm thấy
nơi ông già không ăn, không nói. Chúng ta thường gọi tên Thần
Minh, và có một hình ảnh nào đó về Thần Minh như một người, một vật
gì đó cao cả theo sức tưởng tượng của ta, và từ đó nêu lên câu hỏi. Dù
hình ảnh tưởng tượng của ta có cao đẹp đến đâu, thì đó cũng nằm trong
khuôn khổ của ăn và nói, nghĩa là giới hạn trong tầm tay của con
người hữu hạn. Và chúng ta tự nhận mình là hữu thần, vô thần thông thường cũng
nằm trong vòng vi nhận thức nầy. Qua sự trình bày có tính cách tượng trưng
trong truyện nầy, Thần Minh là cái gì khác, cái bất ngờ đến, cái
mà không một điều gì trong khả năng con người thấy, biết, ước mơ có thể tương
hợp được. Nhưng con người tin rằng dù ẩn giấu, nghĩa là vượt qua khả năng hiểu
biết của con người, Thần Minh vẫn gần với cuộc sống con người. Gần nơi trai
giới và niềm tin của mình. Những cách nói như âm phù, Long Quân không hề
biết đến sự chết, tất cả đều nhằm gợi lên một cái gì khác với những gì đang nằm
trong qui luật của thời gian, không gian mở ra cho nhận thức con người mà thôi.
Đoạn tiếp, vua hỏi ông già về tình hình, ông già lại mò thẻ ra bói và
tiên liệu sự việc xảy ra.
Bói, cũng như những câu truyện
nằm mộng, thị kiến trong các bản văn cổ của các nền văn hoá, là biểu tượng sự
can thiệp của Thần Thánh một cách bất ngờ. Ông Lão không truy tìm theo
nguyên nhân hậu quả các sự việc trong khuôn khổ của nhận thức sự vật. Ông
bói, có nghĩa rằng ông ta nêu lên một sự hiểu biết khác với lối tính toán thông
thường. Biết tương lai mà không dựa theo suy luận nhân quả là tượng trưng cho
hiểu biết của chiều kích Trời hiện diện ẩn kín nơi lòng người. Pascal dùng hình
ảnh trái tim, cũng như Kinh Thư gợi lên lối nói "Tâm duy vi"
để nhắc nhở chiều kích Trời nầy: "Tâm có những lý mà trí không
biết".
Cũng với lối trình bày tương
tự, Nguyễn Du trong truyện Kiều đã dùng chữ Tài và Tâm.
" Có
tài mà cậy chi tài
Chữ tài liền với chữ tai một
vần.
Đã mang lấy nghiệp vào thân
Cũng đừng trách lẫn trời gần
trời xa
Thiện căn ở tại lòng ta
Chữ Tâm kia mới bằng ba chữ
Tài".
Chiều kích Trời, thường
được lấy hình ảnh không gian để nói đến cái gì cao mà đến, cái luôn gần gũi
nhưng ẩn giấu từ bên trong. Vì thế đạo Trời thường cũng được người Việt
Nam chúng ta nói một cách khác là Đạo Tâm.
Lời dạy của Long Quân tiếp
theo đó xem ra như đặt nổi chữ "tài", khả năng xoay xở, lý
liệu, theo nghĩa của nội dung ấy trong truyện Kiều:
Xây dựng cơ sở vật chất quốc phòng, huấn luyện binh mã tìm người
tài giúp.
Nhưng khung cảnh của câu
truyện cho chúng ta thấy hành động của con người nơi đây có hai yếu tố đáng lưu
ý:
- hành động theo lời dạy của
Long Quân.
-
hết sức mình và đồng thời tìm sự giúp đỡ của Ai đó, tiên liệu sự xuất hiện của
Phù Đổng Thiên Vương.
Nói đoạn, bay lên không mà đi, mới biết đó là Long Quân
Ta biết lạc Long Quân là biểu
tượng cái gần của Trời đối với con người hơn cả. Biểu tượng Kinh - Dương -
Vương còn là hình ảnh rất mơ hồ; ông chỉ là vua đẻ ra Sùng-Lãm, rồi không biết
đi đâu. Lạc Long Quân với tên Sùng-Lãm, như là một biểu tượng rõ nét hơn: Sùng
(cao
quý), Lãm (đẹp), Lạc (hạnh phúc,
vui), Long
(thần
thánh, siêu việt),
Quân (điều hành, cai quản, làm chủ...). Có thể nói đây là mẫu mực của sự Tuyệt Đối trong
mọi chiều kích sinh hoạt. Thế nhưng, mẫu mực tuyệt đối nầy không nằm trong tầm
tay sử dụng của con người; Âu Cơ phải kêu lên : "Bố ở phương nào làm
cho mẹ con ta thương nhớ " (xem Hồng Bàng Thị).
Trong truyện Đổng Thiên Vương
nầy, Long Quân xuất hiện gần gủi trước mắt vua quan; nhưng đến khi xong việc,
Long Quân bay lên không, vua quan mới nhận ra lai lịch. Ý muốn, và hiểu biết
của Long Quân cũng không ăn khớp với suy luận của vua quan ngồi lại bàn bạc.
Như thế, chiều kích Trời là sự chân nhận có một Hiện Diện rất khác với các sự
hiện diện khác; sự hiện diện kỳ lạ mà sách Trung Dung gọi là :
"Mạc hiện hồ ẩn, mạc hiễn
hồ vi".
Trời gần mà thật xa đó, không
mở ra nơi nhận thức trong khuôn khổ của sự hiểu biết sự vật theo truyền thống
hữu thể học truyền thống, tiền kiến có sự đồng hoá đối tượng hiểu biết với tri
thức của mình trong điều mà Kant gọi là Ngã tiên nghiệm. Chiều kích Trời đó ta
thường gọi là lòng tin tưởng, hàm ngụ nhiều tâm tình như khiêm tốn, kính trọng,
hy vọng, chờ đợi, trông cậy và yêu thương. Những chữ nầy khó lòng thấy được nơi
các bản văn triết học của truyền thống Tây phương. Nhưng đối với Lĩnh Nam
Chích Quái đây là cảnh vực riêng của người được nối với trời và đó là khởi
nguồn của văn hoá và tư tưởng.
II .3- Phần ba
Đoạn đầu của phần nầy có hai
vế :
- Mô tả sự kiện xảy ra đúng
như lời của Long Quân
-
Hùng Vương tuân hành, thực hiện lời Long Quân đã dạy, sai sứ đi tìm người dẹp
giặc.
Phần mở đầu và phần 2 ta vừa
mới phân tích mô tả nguy cơ của giặc Ân và lời tiên đoán, lời dạy của Long
Quân. Trên bình diện văn chương, hai phần nầy là tiền đề chuẩn bị cho câu
chuyện chính sắp được diễn tả. Về nội dung, chiều kích trời được diễn tả ở đây
là cái vốn là như thế, chốn cư ngụ dọn sẵn cho nhân tính. Đối
chiếu với hình ảnh của thời gian, tiên thiên được biểu tượng như là một
cái gì quá khứ : một dấu vết sâu kín trong lòng, Đại Ký Ức, sách Sáng
Thế Do Thái gọi là ấn dấu Gia-vê đặt lên con người:"Gia-vê đã ghi
một ấn dấu trên Cain" (St. 4, 15). Nhưng tiên thiên cũng còn được mô tả ở đây như là một khả
tính, khả năng làm nên tương lai. Dấu tích bên trong đó còn được cảm
nhận như một lời hứa sẽ được hoàn thành trong đời sống của mình.
Qua đến phần ba nầy, tác giả
mở đầu bằng : "Vừa đúng ba năm" . Khả tính nay là hiện
thực; sự việc đang được hoàn thành đúng như lời đã hứa.
Trước hết các hành vi xâm
chiếm, hủy diệt nhân tính là hiện thực; nói cách khác sự ác đang hoành hành cụ
thể: Đã có xã hội giả tạo, đã có sự suy thoái, rã rời của các mối tương
giao...
Từ khả tính thiếu vắng đến
hành động sai trái qua hình ảnh Ân Vương lấy sự thiếu để giả đi tuần thú xâm
lược nước ta, ta có thể nêu lên thắc mắc : tại sao Long Quân không dùng uy
quyền của mình để cất khỏi khả tính nầy, diệt ngay căn nguyên sự ác lúc ban
đầu? Và nếu có khả tính nầy, tại sao Long Quân lại chấp nhận khả tính nầy trở
thành hiện thực? Trong truyện nầy cũng như trong toàn bộ Lĩnh Nam Chích
Quái, không có đoạn nào dấy lên các câu hỏi nầy cả. Sự kiện đó có thể giải
thích như sau: Dù toàn bộ câu truyện dựa vào các tượng trưng của huyền thoại và
thi ca để diễn đạt tư tưởng, nhưng đây là sự tiếp nhận và ghi lại những gì đã
chứng thực, chứ không phải nêu lên những giả thiết của tưởng tượng. Trong thân
phận hữu hạn, trong cuộc sống thực tế của mỗi người, mỗi xã hội, sự ác đã là
một sự kiện trước mắt. Thứ đến tự do chuyển đổi một tình trạng thiếu căn
nguyên thành một tư thế chủ động làm giả, tạo ra một cảnh vực rối
loạn theo ý mình, là một khả tính mà Long Quân sẽ không cất đi. Nhưng song
song, bên cạnh khả tính đó, còn có khả tính tìm về và trông đợi Long Quân sẽ
chiến thắng sự ác. Khả tính hai mặt nầy có thể gọi là cuộc chiến nguyên khởi
như Héraclite gợi lên :
"Cái gì đối nghịch là hữu ích và chính từ tình trạng tranh
chấp nầy mà cảnh thái hoà đẹp nhất phát sinh; mọi sự xảy ra đều do sự bất
hoà".
Câu nói nghịch thường nầy mô
tả sức năng động tiên thiên nơi nhân tính; với ngôn ngữ triết học ngày nay ta
có thể nói hữu thể con người là tự do. Và trước thực trạng của sự ác, tự do
phải gắn liền với giải thoát hay cứu độ.
Nhớ lại lời Long Quân, vua sai sứ giả đến làng Phù Đổng.
Câu truyện tiếp theo là những
hiện tượng ngược đời, bất ngờ trái với sự hiểu biết thông thường:
- Ông già hơn sáu mươi tuổi
có con
-
Người sẽ là anh hùng, lại là một đứa trẻ 3 tuổi chỉ biết ăn, bại xuội, không
biết nói.
- Gợi lên ý niệm đứa trẻ sao
không đi đánh giặc cứu đời, là lời nói đùa của một người phụ nữ.
- Đứa trẻ thình lình lại lên
tiếng nói.
Ở đây ta gặp lại những câu
truyện sinh con kỳ lạ trong Thánh Kinh Do Thái : Abraham và Sara
vào tuổi 90 đến 100; bà vợ của Mamoah vốn son sẻ lại sinh Samson,
và trong Tân Ước của Kitô giáo, bà Elisabeth tuổi già, son sẻ sinh được
Jean Baptiste , bà Maria đồng trinh lại thụ thai và sinh con là Đức Giê-su.
Những chi tiết dồn dập có tính
cách khác thường trong đoạn nầy một cách tiêu cực gợi lên chiều kích trời như
một trật tự khác, vượt lên khả năng con người. Một cách tích cực nó được diễn
tả ân lộc bất ngờ đến để phù giúp và hướng dẫn (=đổng) con người. Ở đây đã hàm ngụ
cuộc chiến nguyên thủy - giữa cái mới đến từ trời và cái cũ nơi xã hội.
Lời nói sẽ cứu độ và giải thoát khỏi nguy cơ giặc Ân phát xuất từ một đứa trẻ
là một biến cố bất ngờ và kỳ lạ, không phải lời diễn tả sự kiện thông thường
của người trần tục, cũng không phải là lời nói bỡn có tính cách ảo tưởng của
phụ nữ. Nói cách khác, Lĩnh Nam Chích Quái đánh giá Lời bất ngờ, ánh
sáng của niềm tin tưởng có giá trị chân thực không những vượt lên dư luận xã
hội, mà còn vượt xa các ước mơ rất thành thực, biểu lộ qua hình ảnh người mẹ.
Cuộc chiến nơi Héraclite được nhìn qua biểu tượng tranh chấp giữa hai yếu tố
đối nghịch; ở đây lại là một cuộc vượt qua, một sự phó thác để can cường nhảy
vào chiều kích Trời, một cảnh vực khác, xa lạ bên trên cả sự xung khắc của hai
thành tố nghịch nhau nhưng cùng một cấp độ.
Gặp được niềm vui, bà mẹ báo ngay tin nầy cho hàng xóm. Hàng xóm
đến phiên mình loan tin cho sứ giả, và sứ giả báo lại cho vua.
Ân lộc cuả trời gắn liền với
sự cứu thoát cộng đồng. Ân lộc nầy là tin mừng tạo nên tương quan mới trong xã
hội. Dấu chỉ của ân lộc hay chiều kích Trời là khả năng đập phá cô đơn của
cái tôi để mở ra với kẻ khác. Dồn dập trong biến chuyển linh động
của câu truyện, ta thấy các mối giây liên đới nhân tăng, tạo nên sự sống của cộng
đồng.
Đứa trẻ ngồi dậy bảo sứ giả phải đúc một con ngựa sắt to lớn, một
thanh gươm sắt dài khác thường...
Những chi tiết kỳ lạ nầy diễn
tả tính cách hầu như phi lý, kỳ quặc của lời từ trời. Niềm vui của tin
mừng từ trời đến thường đi kèm với những đòi hỏi phải thực hiện những điều hầu
như nghịch lý, làm cho ước muốn, suy luận của con người khó chịu. Quân thần của
vua Hùng Vương nêu lên phản ứng bất bình, khó chịu nầy:
- Một người đánh giặc
làm sao mà phá nổi?
Ta thường nghĩ rằng đạo trời
là đạo tự nhiên, là điều mà mọi người đều thích, đều đồng ý. Ngay trong Kinh
Thư, vua Thuấn đã cảnh giác ông Vũ rằng: "nhân tâm duy nguy; Đạo tâm
duy vi". Bên trên cái tự nhiên trong khung trời và khả năng của nhân
tâm, còn có tự nhiên của Đạo tâm. Và Vua Hùng Vương ở đây
là tượng trưng cho niềm tin vào Đạo tâm Duy vi lấy lời hứa của Long Quân
lúc trước làm tiêu chuẩn để phán đoán.
Chúng ta mở ngoặc đây để nói đến
khuynh hướng đánh giá chi tiết nầy như một biểu hiện của dấu tích phong kiến,
thái độ độc đoán, phi dân chủ của thể chế quân chủ. Phải chăng vua bất chấp ý
quân thần, để mù quáng làm theo một ý muốn cố chấp của riêng mình !
Từ bản văn Hồng Bàng Thị đến câu
truyện này, và cả trong các câu truyện tiếp theo của cuốn Lĩnh Nam Chính
Quái, nhìn từ sự liên tục và nhất quán của toàn các bản văn, chúng ta không
thấy một dấu hiệu nào cho thấy tác giả tìm cách mô tả các sự kiện xã hội
một cách khách quan, lại càng không thấy một cố gắng nào nhằm bênh vực cho một
thể chế chính trị.
Tác
giả đã mượn những mẩu chuyện dân gian, những hình ảnh xã hội, có khi là thực có
khi là giả tưởng để gợi lên những chiều kích kết dệt nên nhân tính phổ quát.
Vua Hùng, tuỳ truyện, mang nhiều
tượng trưng khác nhau: là tượng trưng hoàn toàn tiêu cực trong truyện Đầm Nhất
Dạ, ở trong truyện Đổng Thiên Vương lại hoàn toàn tích cực. Tóm lại, nội dung
chính của câu truyện không hề có một vương vấn nào về một sự biện minh
cho một thể chế chính trị nào bất kỳ. Hùng Vương trong câu truyện này chỉ là
tượng trưng của con người
mở ra với chiều kích trời trong mình. Và nếu có âm hưởng về chữ Vua, thì tác
giả mượn lấy vai trò tối thượng mà xã hội đã gán cho danh hiệu đó để nói đến
một giá trị tương đương của chiều kích trời trong nhân tính toàn diện mà thôi.
Đoạn tiếp, diễn tả nỗ lực của
con người trong việc cứu nguy. Hành động đó có những nét đặc biệt :
- Vua làm theo đúng lời của
đứa trẻ đòi hỏi.
- Người mẹ nấu cơm thật nhiều
cho đứa trẻ ăn.
- Hàng xóm tiếp tay nuôi ăn và
may áo mặc cho đứa trẻ.
Phù Đổng gợi lên việc trời chỉ
lối, hỗ trợ con người; nhưng để có thể cứu được con người, trời kia cần con
người phải hành động theo ý trời thì công việc mới được hoàn thành. Làm với
trời, đó là ý nghĩa câu nói của đạo Đức Kinh: làm mà như không làm, nghĩa
là không làm một mình. Và việc làm đó cũng cần đến sự nuôi dưỡng của đất, "ăn
cơm thật nhiều", và kẻ cho ăn đó là người mẹ. Mẹ là hình ảnh của phần "tự
nhiên" theo nghĩa thông thường của chúng ta. Tự nhiên như thân xác,
ước muốn, kiến thức tự nhiên, những gì trong tầm tay với của khả năng con
người. Phát huy khả năng tự nhiên, không phải là ngược lại với chiều kích trời;
nhưng ngược lại, thiếu nó thì ý trời không được hoàn thành nơi con người.
Yếu tố thứ ba gắn liền với hai
yếu tố Trời - Đất, đó là tương quan giữa người với người. Đứa trẻ lớn
lên còn có sự nuôi dưỡng của hàng xóm. Trước đây ân lộc trời cho phải được chia
sẻ qua hình ảnh bà mẹ báo tin mừng cho hàng xóm. Nay con người, trong nỗ
lực của mình, phải liên đới làm cho ân lộc đó sinh hoa kết trái và lớn lên.
Ba yếu tố bất phân ly Trời
- Đất - Người nơi hành động hoàn thành nhân tính trong thời gian đó là một đặc
trưng của nền văn hoá Việt Nam.
Thông thường, chúng ta có hai
lập trường trái nghịch nhau về điểm quan trọng nầy.
- Lập trường về nhân tính bất
biến qua thời gian,
- Lập trường gọi là tiến bộ
qua năng động của lịch sử, nói cách khác, con người tự làm nên mình, triển nở
và hoàn thành chính mình qua lịch sử luôn thăng tiến.
Nơi tượng trưng của đứa trẻ
làng Phù Đổng lớn lên đến mức cao lớn hơn cả con người thường để chiến thắng
quân thù, hoàn tất nghĩa vụ cứu đời, ta thấy các chiều kích Trời - Đất - Người
hoàn thành mỗi ngày một đầy đủ hơn, để đạt đến điểm viên mãn. Nhưng sự hoàn
thành đó không có nghĩa là tiến bộ trong lịch sử của con người tự làm nên mình
qua việc khai thác và làm chủ thiên nhiên mà thôi. Điểm khác biệt giữa
hoàn thành và tiến bộ là:
· Một bên nhân
loại hoàn thành là nhân loại lớn lên và trưởng thành theo ý của trời và
tiếp nhận sự sống của Trời - Đất - Người để triển nở.
· Và bên kia nhân
loại tiến bộ là nhân loại tiến lên trong việc làm chủ và khai thác thiên
nhiên, lấy việc thủ đắc kiến thức về thiên nhiên và hưởng dụng các tài vật làm
cứu cánh và định chuẩn để định nghĩa nhân tính của mình.
II 4 - Phần bốn
Mở đầu phần nầy tác giả ghi lại : Quân nhà Ân đến Trâu Sơn.
Trong truyện Đầm Nhất Dạ phần
cuối có ghi địa danh nầy và chỉ rõ đây là kinh đô của Việt Nam vào thời Triệu
Quang Phục. Giặc đến ngay kinh đô đúng là cảnh nguy ngập đến mức có thể tiêu
vong. Theo như lời dặn của Lạc Long Quân, hẳn vua Hùng đã nghiêm chỉnh khí giới
và đã chiến đấu từ khi giặc còn ở biên cương. Nhưng sức chống trả của khả năng
tự nhiên nơi con người cũng không chống nổi quân giặc.
Đến lúc nguy nan tối hậu nầy, đứa trẻ đứng lên, xưng mình là Thiên
tướng và xông ra trận dẹp được giặc.
Trước hết, lối diễn tả nầy nhằm
xác tín vai trò tối hậu để cứu độ con người là việc của Trời (hay từ nơi
chiều kích Trời) là niềm tin son sắt của mình. Thứ đến trên bình diện thực tế lịch
sử của con người, cũng như cuộc sống tâm linh của mỗi cá nhân, những thăng trầm
của tâm lý, những hiện tượng xem ra là thất bại theo sự nhận xét phần lịch sử,
không phải là những tiêu chuẩn đầy đủ để đánh giá sự chiến thắng của nhân tính.
Trời có thể chuyển những điều gọi là thất bại, như nghèo khổ, bất cập trước
sinh hoạt bình thường của xã hội...thành chiến thắng tối hậu và toàn mãn cho
những tâm hồn khiêm tốn và trung tín như biểu tượng của Hùng Vương trong truyện
nầy.
Xong công việc, đứa trẻ đến núi Việt Sóc, cởi áo mặc cỡi ngựa bay
lên trời, chỉ ghi dấu chân trên đá ở dưới núi mà thôi.
Đứa trẻ ở đây là hiện thân cho
câu nói của Đạo Đức Kinh :
"Công thành như phất cư
Phù duy phất cư thị dĩ bất
khứ"
Nội dung chính là nói đến thái
độ vô cầu, tức là không tìm cái gì cho mình, nên khi xong việc không tìm công
trạng nào cho riêng mình. Nhà Nho đề cao mẫu người quân tử qua hình ảnh
"Tiết trực tâm hư" (làm việc ngay chính theo đạo của
trời, lòng trống rỗng không vướng bận một chủ định riêng). Nhà Phật cũng gợi lên con
người giải thoát qua hình ảnh" Vô chấp, vô ngã".
Thái độ tiêu biểu nầy là dấu
chỉ của kẻ hoàn thành chiều kích Trời nơi mình.
Đứa trẻ sau khi xong việc, đến
núi Việt Sóc: Việt là vượt lên, vượt qua. Sóc có hai nghĩa, một
chỉ thời gian tức là ngày đầu trong tháng, và nghĩa thứ hai là phương Bắc.
Phương Bắc trước hết nói đến
sự đe dọa bên ngoài, phương Bắc còn tiêu biểu cho sức mạnh của tài trí.
Ý nghĩa của chữ Việt Sóc
tiếp theo những chi tiết việc cởi áo và bay lên trời, biểu tượng thời chung mãn
theo hai nghĩa:
· Đạt đến chân tính toàn vẹn của
mình, đạt Đạo (ý nghĩa có tính cách siêu hình học).
· Hoàn tất trọn vẹn thân phận
hữu hạn nơi dương thế, hay là vượt qua cảnh vực này để về trời.
Nơi tâm tư người Việt hai nội
dung này đều được cảm nghiệm. Nghĩa đầu thường được hiểu qua lối nói : Thoát
tục; nghĩa sau qua lối nói Qui thiên.
Cũng lưu ý là thoát tục không
có nghĩa là trốn đời, nhưng nghĩa là không còn mặc cái áo của ngã chấp, thoát
cái giả để đi vào chốn cư ngụ của Đất - Trời - Người nơi nhân
tính.
Một chi tiết đặc biệt trong
câu kết nầy là dấu chân ghi lại trên đá.
Con người sống với chiều kích trời,
không thể chỉ tìm mình, nhưng mở ra với Đất - Trời - Người.
Sự giải thoát thật sự phải
được xây dựng trong tương quan nầy. Triết gia Max Scheler nói rằng:
Không ai được giải thoát cho riêng phần mình, hay nói cách khác là không ai lên
trời một mình. Đi tìm ơn cứu độ, sự giải thoát cho riêng mình, tự nó là một sự
mâu thuẫn cùng cực. Dấu tích trên đá là nét Trời ghi khắc nơi Đất, là ân lộc
Trời luôn thấm nhuần cuộc sống mọi người qua mỗi một việc làm của mỗi một
người, mỗi lúc. Và ngược lại, mỗi sự giả trá nào bất kỳ của bất cứ ai, bất cứ
lúc nào cũng là một vết hằn ghi lại nơi thời gian, lịch sử và cỏ cây muôn vật,
cũng như làm thương tổn đến cuộc sống của nhân loại.
Qua phần trình bày về chiều
kích Trời được khai triển trong truyện Phù Đổng Thiên Vương, có lẽ ta
lại hỏi : thế thì kỳ cùng Trời là gì theo cảm thức của văn hoá Việt
Nam? Với tiền kiến hữu thể học Tây phương, có thể bản văn nầy làm ta thất
vọng, vì không thấy có câu nào, đoạn nào chỉ cho ta thấy cái gì là Trời, nhưng
ta có thể lấy hình ảnh tượng trưng của đoạn kết để gợi lên niềm tin hay chiều
kích Trời nơi nhân tính, vốn là ưu tư nền tảng của Lĩnh Nam Chích
Quái. Trời được gợi lên như một dấu chân trên đá còn lưu lại. Con người xác
nhận có thao thức, thiếu vắng một nguồn sống; nhưng không có một khả năng, một
tiêu mốc nào trong tầm tay với của mình để xác định được nguồn sống đó là gì?
Cảm nhận có được nỗi thiếu
vắng nầy được xem là một ân lộc từ nguồn suối ẩn kín đó ban cho, để con người
mở ra, tiếp nhận và sống chân trời nầy. Nhà Phật gọi ân lộc nầy là duyên, ngộ;
trong truyện nầy bản chất linh ư vạn vật của nhân tính gắn liền với niềm tin
vào Trời, sẵn sàng đón nhận những gì là siêu nhiên, bất ngờ, ngoài suy luận và
lý luận tự nhiên. Nhưng mở ra với Trời cũng là mở ra với sự chân nhận một điểm
tựa, một nền tảng, mà lạ thay nền tảng đó lại không biết tựa vào nơi đâu theo
bất cứ tiêu chuẩn nào mà con người có thể nghĩ ra. Và đó là một trong những lý
do không thể có một sự mô tả nào về Trời như cái nầy hay cái khác nào
cả. Những từ ngữ con người thường dùng như Tuyệt Đối, Lạc Long Quân, Phù Đổng,
ngay cả Trời cũng chỉ là dấu chân trên đá, một vết tích con người đã có
duyên tiếp nhận nguồn suối ẩn kín ghi lại mà thôi.