KINH VÔ THƯỜNG

ÐỌC 

  KINH VÔ THƯỜNG
 
CỦA
  PHÙ HƯ DẬT SĨ  -  VÕ THẠNH VĂN

Thinh Quang


Ðọc tập Kinh Vô Thường với 10.000 câu thơ lục bát của Phù Hư Dật Sĩ ,tôi có cảm giác như mình đang lạc lõng trong một trạng thái vô thường nửa hư nửa thực.


Phù Hư Dật Sĩ. Phải chăng là một hình ảnh vô thường đang chập chờn giữa đêm trăng với vành khăn tang xoắn chặt lấy dấu hài… !
trong mơ cát bụi bàng hoàng
trong ta còn trắng vành tang tình dài
trong em mờ cuộc tình phai
trong tình còn đẹp dấu hài nghìn sau
Một mối tình trinh nguyên tuyệt vời gói ghém trọn vẹn trong bốn mươi tám chữ thơ mờ ảo!
Tản Ðà thời xa xưa ôm mối tình con với bầu rượu túi thơ từng mượn hơi men ví mình với đất trời:
Ðất say đất cũng lăn quay
Trời say mặt cũng đỏ gay ai cười
Còn người Dật Sĩ của thế kỷ 21 này thì ôm một mối tình dài bằng vuôn vải khăn tang không một tiếng kêu than và cũng không một dòng lệ chảy. Hãy nghe Phù Hư Dật Sĩ nói về số kiếp của mình đã từng trôi dạt giữa dòng đời của kiếp phù trầm, ly hợp:
người từ cát bụi đầu thai
nghe kinh hóa cội hoàng mai đền thần
ta từ sỏi vụn liều thân
ngẩn ngơ trôi dạt – phù trầm – hợp ly
Phù Hư Dật Sĩ đúng là một thiên tài. Mà, thiên tài nó không phải là một nguyên tắc. Tôi bâng khuâng suy nghĩ. Nó có cái gì đó trong nguyên tắc cho ta khám phá ra sự đột xuất phát ra từ những thiên tài. Những đột phá đó đến không báo trước mà bằng sự đột ngột rộ nở. Nó không phải xuất phát từ dòng suy tư trong tâm trí mà bằng cái “Ngộ” phát sinh ra từ một ngọn lửa nóng bỏng đầy sáng tạo. Nó là chất liệu của thiên tài. Nó đến và không đi. Nó đưa các tài ba lên tận đỉnh cao chưa ai có thể giải thích được. Nó bắt chợt nẩy sinh và đột ngột phát ra một ý tưởng cực kỳ huyền diệu, chẳng khác nào như các lượn sóng chập chùng chuyên chở những hạt cát vô thường, mà Phù Hư Dật Sĩ đang lặn ngụp giữa lòng bể khơi mênh mông hoa sóng:
tay vo hạt cát vô thường
mênh mông hoa sóng – vô thường bọt rong
Thật vô thường. Vô thường từ tiếng sóng vỗ ru hồn, từ cái vạt nắng hoàng hôn vàng vọt:
lao xao sóng vỗ ru hồn
tỉnh ra vạt nắng hoàng hôn chợt về
Tôi chợt nghĩ đến thiên tài Mozart trong hòa khúc ngũ âm , thổn thức với “Tiếng Sáo Thiên Cung” cũng như Berlioz ngâm mình dưới dòng sông Tibre bỗng dưng cất cao giọng hát mà bao nhiêu năm trường người nhạc sĩ lừng danh này tìm mãi không ra! Nhưng, giờ thì nó đã đến. Ðến trong bắt chợt.Ðúng là một thiên tài.
Lại sực nhớ Hydn – nhà nhạc sĩ đa tài – tác giả của 104 bản nhạc hợp tấu và cả hàng trăm ca khúc khác – đã từng lần tràng hạt đọc lên lời kinh Ave Maria đầy ơn phước để tìm lấy sự bằng an cho tâm hồn. Những lần như vậy các ý tưởng vụt đến, Hyd thản thốt kêu lên bằng những lời ca hoan lạc:”Bà có phước lạ hơn mọi người nữ”, và chàng nhạc sĩ tài ba này quì gối đón nhận lấy những dòng suy tư vô giá này vào trong tiềm thức.
Khi mà thiên tài đến thì thiên tài nào cũng như nhau, lĩnh vực nào cũng như nhau, không thiên tài nào khác với thiên tài nào. Nhà văn Walter Scott, người Anh cho biết:” Chiều hôm nay không có sự cảm hứng nào đến, tôi không cần. Tôi biết rằng nó sẽ đến vào buổi sáng ngàymai.” Quả như vậy. Những ý tưởng mà tôi không ngờ được, nó đã đến vào một buổi sáng tinh sương khi đất trời còn trinh nguyên trọn vẹn! Ý tưởng đó đã chui ngay vào tiềm thức của tôi. Và quả thực tôi đã “ngộ”!
Một thi nhân nổi tiếng của nước Anh – đã đưa ra một bài thơ thốt lên sự hào hứng tột bực của mình: “Các ngài hãy xem đây, tôi viết bài thơ này không hề nghĩ trước, như thể là một bài thơ bất đắc dĩ! Tôi bất cần nó đến và từ đâu đến, hoặc nó chẳng đến.. Ấy thế mà nó đã đến. Nó đến thật trong lòng bàn tay tôi không bao giờ biến mất. Nóvĩnh viễn ở mãi thế gian này,ở cùng với thơ,với rượu, với bức tranh hợp ly,phù trầm. Nó có thể đúng với Phù Hư Dật Sĩ – bến đậu của thiên tài,nhưng Võ Thạnh Văn thì mãi say với mối tình nguyên trinh không hề hay biết.
Hãy nghe chàng nói về thân phận hóa kiếp của mình:
*
đất trào phún thạch ra đi
người về hưng phế thị phi bụi tàn
ta hun củi mục non ngàn
tình trơ tro lạnh – đèn tàn rượu vơi
Thơ của Phù Hư Dật Sĩ chẳng khác nào như những bức tranh của Van Gogh. Chàng họa sĩ tài ba này từng tâm sự:” Ðôi lúc tôi cảm thấy mình vô cùng sáng suốt trước cảnh tượng của Tạo Hóa trong vinh quang tột độ. Những ngày ấy như thể không còn ý thức về mình, mà chỉ có cảm giác như tuồng đang đắm mình trong giấc mộng.
Nghệ thuật tạo hình trong thơ của Phù Hư Dật Sĩ, ta thường bắt gặp những ý tưởng mới mẻ hiện ra trước mặt của những bức tranh thơ ca ngợi các đấng tôn nghiêm huyền nhiệm …
Ðọc Kinh Vô Thường của Phù Hư Dật Sĩ Võ Thạnh Văn, nhiều lúc cảm thấy như có hình ảnh của mộtVương Duy thời đại.
Ðọc thơ ông Ma Cật,thì trong thơ có vẽ
Nhìn tranh ông Ma Cật,thì trong vẽ có thơ.
Võ Thạnh Văn – Người Phù Hư Dật Sĩ – Ðọc Kinh Vô Thường của anh là vậy đó. Hình ảnh của tranh,thơ và nhạc…
Anh quả là một thiên tài.
THINH QUANG