Cộng đồng Việt Nam tại Pháp : Từ di trú hội nhập đến tư cách công dân


Cộng đồng Việt Nam tại Pháp :
Từ di trú hội nhập đến tư cách công dân

_____________________GS_ Lê Mộng Nguyên *

Nói về cộng đồng Việt Nam tại Pháp dưới hình thức chung sống hòa hảo giữa các cộng đồng tôn giáo thuộc cộng đồng Việt Nam và giữa những tín đồ của mọi tôn giáo di trú tại Pháp, là cả một thử thách. Bởi vì gom góp tài liệu một cách chính xác về số người VN tại Pháp theo đạo Thiên chúa, Phật, Cao Đài, Hòa Hảo hay tôn giáo khác hoặc chỉ phụng thờ tổ tiên vân vân, là một chuyện rất khó, một việc không thể làm được. Bởi vì chúng ta sống tại Pháp và nước Pháp theo Hiến Pháp ngày 4 th. 10 năm 1958 ‘’ là một Cộng Hòa lãnh thổ bất khả phân, thế tục (phi tôn giáo), dân chủ và xã hội. Nước Cộng Hòa bảo đảm sự bình đẳng trước pháp luật giữa các công dân không phân biệt căn nguyên (xuất xứ), sắc tộc hay tôn giáo. Nước Cộng Hòa tôn trọng tất cả mọi tín ngưỡng’’ (Điều thứ Nhất). 
Vì vậy, Tổ quốc của Tuyên Ngôn Nhân Quyền và Dân Quyền 1789 chính thức công nhận tự do tôn giáo, nhưng không một tôn giáo nào được đề cao thành tôn giáo quốc gia, bởi vì sự hành đạo là một việc riêng tư, thuộc lương tâm của mỗi một cá nhân... Mọi ghi chép về tôn giáo hoặc tín ngưỡng trên Thẻ Căn Cước hay Thông Hành của một công dân đều cấm kỵ. Nhưng một cách tổng quát, chúng ta nhận thấy đa số người Pháp nghiêng về Thiên Chúa giáo cũng như chúng ta biết rằng đồng bào VN tại Pháp phần đông theo đạo Phật.
Đàm luận về quyền lợi và bổn phận của cộng đồng VN nói chung và của mỗi một cộng đồng người Việt theo đạo Thiên Chúa hay đạo Phật, Cao Đài, Hòa Hảo vân vân, thật là khó, nhất là khi chúng ta có một lập trường không chấp nhận chủ nghĩa cộng đồng trong áp dụng tuyệt đối những hội nhập của đồng bào VN vào xã hội Pháp.
Sự hội nhập của những người di cư - định cư, cũng như sự hội nhập của toàn thể dân chúng Pháp vào xã hội Pháp (mà chúng ta không thể chia cách), được thực hiện chung quanh một dự án chính trị làm sáng rõ những giá trị được hiện thân bởi Cách Mạng Pháp (valeurs incarnées par la Révolution française) chung quanh một quan niệm về tư cách công dân cá nhân, chống đối lại tất cả việc hội nhập của từng mỗi cộng đồng riêng biệt. Chính sách này gọi là chính sách đồng hóa (politique d’assimilation) trong thập niên 70, mà ngày nay người ta gọi là hội nhập (intégration) - danh từ có đổi thay với thời gian nhưng ý nghĩa vẫn còn tồn tại - nó không bao hàm rằng những đặc trưng (spécificités) của những dân chúng phải hủy bỏ để được hòa nhập dần dần vào quốc dân Pháp. Tiếng Pháp ‘’acculturation’’ ám chỉ sự thể một cá nhân (chẳng hạn một kiều dân) phải cố gắng làm cho tự mình được thích hợp với văn hóa của nước người là nơi mình nương náu.
Chúng ta nên biết rằng chế độ dân chủ đặt nền tảng trên sự phân biệt giữa riêng tư là lãnh vực của tự do cá nhân và công cọng là chỗ thống nhất (lieu d’unité) của toàn công dân. Trong đời sống tư, mỗi một chúng ta có thể dùng ngôn ngữ quê quán, trung thành đối với một văn hóa đặc biệt hay tu hành theo tín ngưỡng của mình, với điều kiện là các thích dụng này không làm nguy đến trật tự công cọng (ta nên nhớ rằng Cộng Hòa Pháp là một Quốc Gia phi tôn giáo ‘’un État laĩque’’ nghĩa là một Quốc gia trung lập về mặt tôn giáo nhưng có bổn phận tôn trọng và bảo đảm tự do tín ngưỡng cho mọi cá nhân và tự do tôn giáo cho mọi tôn giáo). Song chính sách này (phân biệt giữa riêng và công cọng) đưa đến xác nhận như sau : Nếu đặc tính của mỗi dân chúng định cư được giữ lại trong đời sống riêng tư... những cách cư xử của mỗi cá nhân phải phù hợp với trật tự của đời sống công cọng (nhập gia tùy tục). Thành thử (theo quan niệm này) và trên mặt định chế (cơ quan), sự thừa nhận những ‘’cộng đồng riêng biệt’’ (Việt Nam, Miên, Lào hay Trung Hoa vân vân tại Pháp) đã được thành lập bởi di dân định cư, là một vấn đề không thể có. Chính sách đồng hóa không bao giờ ngăn cấm tình trạng văn hóa đa dạng (multiculturalisme) trong phần sinh hoạt riêng tư và xã hội, nhưng chính sách này ngăn cấm sự biểu hiện văn hóa đa dạng trong đời sống công cọng. Chính sách này dựa trên sự phân biệt của triết gia Hegel giữa những đặc tính của con người sống riêng tư và tính cách đại đồng của người công dân. Về mặt này, đạo luật vừa mới được Quốc hội Cộng Hòa Pháp thông qua trong tháng 02-2004 : ra lệnh cấm học sinh các trường tiểu học, cao đẳng tiểu học và trung học (trong khung cảnh trường công), đeo những dấu hiệu hoặc với cách ăn mặc đã biểu lộ một cách rõ ràng sự phụ thuộc của mình vào một tôn giáo, là một bằng chứng minh mẫn của sự phân biệt nói trên. Nếu giữa các tín đồ VN của mọi tôn giáo trên đất Pháp có sự giao thiệp dễ dàng, hiện tình tốt đẹp này là do môt phần lớn trong tính cách khoan dung cổ truyền của Phật giáo có thể xem như một triết lý hơn là một tôn giáo. Người ta còn nhớ rằng vị Thủ tướng đầu tiên do ông Bảo Đaị bổ nhiệm năm 1954 (sau Hiệp định Genève tháng 7-1954) là một người công giáo (Ngô Đình Diệm), và ngay chính cựu hoàng (di trú tại Pháp) cũng đã vào đạo Thiên chúa năm 1988. Hơn nữa, người đàn bà đầu tiên (sau này trở thành Nam Phương Hoàng hậu) mà ông đã cưới hỏi năm 1934, sinh trưởng trong một gia đình công giáo rất giàu có. Băng hà ngày 31 tháng 07 năm 1997, cựu hoàng Bảo Đại đã được mai táng theo lễ tục của Thiên Chúa giáo tại Nhà thờ Saint Pierre de Chaillot. Sau đó, lễ cúng thất tuần ngày cựu hoàng tạ thế được tổ chức, với sự hiện diện của một số đồng bào VN ở Paris và lân cận, tại Chùa Phật Giáo nằm trong Bois de Vincennes. Trái lại, Nguyễn Ánh (vua Gia Long trong tương lai, người sáng lập nhà Nguyễn) từ chối không theo đạo Thiên Chúa ; ông đã nói như thế này với Mgr Pigneau de Béhaine : ‘’ Tôi muốn giữ vững sự thờ phụng tổ tiên, bởi vì tôi xem sự phụng thờ này như là nền tảng của giáo dục Việt Nam ‘’. Ta nên nhớ rằng năm 1704, Giáo Hoàng Clément XI cấm tín đồ công giáo tham dự vào những lễ nghi có tính cách thờ phụng tổ tiên... Ngày nay trái lại, đồng bào Phật tử (phụng thờ tổ tiên) lưu vong trên đất Pháp đã không ngần ngại tham dự lễ kỷ niệm ngày Tổng thống Ngô Đình Diệm cử hành mỗi năm ngày mồng 1 tháng 11 trong một nhà thờ Thiên Chúa giáo tại Paris.


Trong viễn thị này, việc hội nhập của người di trú được hoàn thành, không phải từ những nhu yếu (exigences) của một cộng đồng khép kín bắt buộc kẻ di dân phải suốt đời chịu đựng những giá trị, phong hóa và nguyên tắc, mà trái lại người di trú hội nhập phải có óc phán đoán về văn hóa của chính mình và văn hóa của nước bao dung, về lịch sử của tổ tiên nước mình và lịch sử của nước người, nơi mà đồng bào ta từ nay được ổn định và sinh sống. Như thế, kẻ di trú đã phải tự nêu nhiều câu hỏi, nhiều chất vấn trong tâm khảm giữa sự mê ảo (fascination) nước người và sự đoạn trường khi hướng về cố quận ...


Tư cách công dân nảy nở từ sự tham dự vào một toàn thể (un ensemble) và tinh thần ái quốc cho đến hy sinh tận cùng nhưng không loại trừ việc phê phán nghiêm khắc. Gia nhập vào một xã hội không có nghĩa là phải mất thái độ khoảng cách (distance). Không một lịch sử nào có thể xem là một toàn khối và văn hóa Pháp, phong tục Pháp không phải là một khối đá duy nhất. Cũng chính vì lý lẽ ấy mà mỗi kẻ di trú sống trên đất Pháp đều có ước vọng trở thành quốc dân Pháp (un national français). Nhưng có quốc tịch Pháp không phải là tự động (automatiquement) đi đến tư cách công dân.


Theo nhà triết học Hy Lạp ARISTOTE (384-322 trước JC), muốn có tư cách công dân, điều kiện sinh sống trong một nước và biện hộ trước Tòa án để bảo vệ quyền lợi của mình, vẫn chưa đủ. Vì mọi người ngoại quốc cũng được quyền như thế. Người công dân chính thức (loại trừ đàn bà, trẻ con và nhửng kẻ bị tước đoạt tất cả hoặc một phần công quyền vì tội nặng) là người giữ một quan chức (fonction publique) : hoặc thống trị (gouverner) hoặc làm thành viên trong Tòa Án hoặc tham dự vào Hội đồng Nhân dân. Tư cách công dân có nghĩa là tham dự một cách tích cực vào công việc nhà nước. Người công dân không những bị cai trị mà còn nắm cả quyền cai trị. Trong bức thư ngỏ gửi giới truyền thông Việt ngữ tại Pháp ngày 24 th. 5-2003, BS Trần Quang Lộc, Bí thư Toàn quốc Trung ương Đảng UMP (là Đảng nắm chính quyền hiện nay tại Pháp) đã nhấn mạnh : Những cuộc biểu tình, hội thảo là cần thiết, nhưng chưa đủ. Những thành công cá nhân rất cần thiết, nhưng cũng chưa đủ. Chính sức mạnh của lá phiếu mới quyết định vị trí của cộng đồng. Đây là bổn phận và bổn phận sẽ tạo ra quyền lợi.
Nghe như thế tôi bồi hồi tưởng nhớ tới hơn hai triệu đồng bào rải rác khắp năm châu trên xứ người mà trong đó hơn hai trăm nghìn người Việt Nam đã di cư và định cư tại Pháp... nhất là từ ngày 30 tháng tư năm 1975 (biến cố dân tộc). Nhưng thật ra, muốn hiểu tường tận vấn đề này dính dáng mật thiết đến tương lai đất nước, ta phải cần theo dõi diễn tiến lịch sử và chính trị của di dân VN, truớc khi vạch lại hiện tượng định cư, từ di trú-hội nhập cho đến tư cách công dân (mà trong phần mở đầu ta đã cho nhiều định nghĩa) của một số đồng bào chúng ta trên đất Pháp dưới khía cạnh xã hội học và văn hóa.


I. Diễn tiến lịch sử và chính trị của định cư việt nam tại pháp


Nói một cách tổng quát và vì lý do những dây thắt chặt trong quá khứ giữa đế quốc thuộc địa Pháp và các nước trong cựu Đông Pháp, nước Pháp là một xứ sở rất tiện lợi cho di dân VN, Miên, Lào và Trung Hoa. Bởi vì các dân chủng Thái Lan, Mã Lai, Ấn Độ Dương, Phi Luật Tân hoặc Tân Gia Ba phần lớn thích chọn các nước Mỹ và Úc châu. Cộng đồng Việt Nam hải ngoại rải rác trên 70 nước của địa cầu có thể (theo Lâm Thanh Liêm và LM Jean Maĩs trong Le Médecin du Vietnam, số 35, tháng 5 & 6-1997) lên tới 2 300 000 người mà trong đó hơn 300 000 người Việt Nam chính tông, sinh sống tại các nước lân cận Á Châu.
Bắc Mỹ có nhiều dân Việt định cư nhất : 1 150 000 trong đó 1 triệu người ở Hoa Kỳ (là 1 cộng đồng VN vĩ đại ở hải ngoại, đông nhất, hoạt động tích cực nhất và hội nhập hoàn hảo nhất trong xã hội Mỹ) và 150 000 ở Gia Nã Đại. Trong vùng Đại Dương Châu, đồng bào ta được tổng số 272 000 người phân chia khắp các nước Úc (160 000), Nouvelle Zélande (8 000) và Nouvelle Calédonie (4 000). Theo BS Trần Quang Lộc ‘’... về phần hội nhập thì phải công nhận là cộng đồng VN tại Úc đã đi tiên phong và tạo thành quả rõ ràng hơn chúng ta (CĐVN tại Pháp) và ngang ngửa với cộng đồng VN tại Hoa Kỳ... Một tỉ dụ :’’... Người đắc cử Nghị viên Hội đồng thành phố gốc tỵ nạn đầu tiên cũng là một đồng bào ở Úc. Cộng đồng người VN tại Úc có tiếng nói trong những quyết định chính sách của chính phủ Úc... ‘’ (TQL)
Trong các nước Tây Âu, tương đối ít người Việt (400 000 thôi). Nên nhớ rằng trước khi Tường Bá Linh và chế độ Cộng Sản sụp đổ trong các nước thuộc về Trung và Đông Âu, chính phủ Hà Nội đã gửi 240 000 thanh niên lao động làm việc với mục đích củng cố tài sức công nhân và kỹ thuật của các quốc gia này thuộc gia đình chủ nghĩa xã hội trước cách mạng 1989-1991. Một số đông những thanh niên này đã từ chối không trở về VN , cho nên hiện nay có gần 100 000 muốn di chuyển qua Pháp quốc, lợi dụng cơ hội việc áp dụng hiệp định Schengen cho nhiều nươc trong Liên Hiệp Âu Châu (x. Lê Mộng Nguyên, ‘’L’espace Schengen et le droit d’asile des étrangers sur les territoires de la république Française ‘’, ‘’L’Appel de la nation’’ số 24, ngày 20-01-1994).
Tổng số người Việt tại Pháp được bao nhiêu ? Rất khó trả lời câu hỏi này vì trên mặt thống kê chính thức, người ta chỉ nói một cách tổng quát về di dân Đông Dương chứ không kể riêng biệt các chủng tộc Lào, Miên hay Việt Nam. Hơn nữa, con số những người được vào quốc tịch Pháp bị xóa trên bản thống kê. Theo nhiều xã hội học gia (Lê Hữu Khóa, ‘’Les Vietnamiens en France, Insertion et Identité’’, L’Harmattan, Paris 1985 ; Christophe Longwiny et Christian Jelen, ‘’La famille, secret de l’intégration’’, Robert Laffont 1993), người Việt cư ngụ tại Pháp hiện giờ tính đến 200 000, trong lúc nhà kinh tế học Trần Văn Tòng đưa ra một số rất lớn : 250 000.
Ta có thể nói là trên mặt tiến triển lịch sử, trong một thời kỳ thứ nhất từ 1914-1918 tới 1954 và trong một đợt đầu, có 50 000 người Việt phần đông quê quán Bắc kỳ, đã được chiêu mộ làm‘’lính-thợ’’ (soldats-ouvriers) để tham gia vào sức gắng chiến tranh của ‘’Mẫu Quốc’’ , nhưng một khi hết chiến tranh, quyết định ở lại trên đất Pháp để làm việc trong công nghệ dệt (Lyon) hoặc kỹ nghệ xe hơi trong vùng ngoại ô Paris hoặc trong việc xây đắp đường tàu sắt ở miền Bắc nước Pháp. Đợt thứ hai (từ 1919 đến 1939) đặc biệt dành riêng cho khoảng 5 000 người trẻ tuổi muốn rèn luyện trí thức với trình độ đại học rất cao (tỉ dụ : Phan Châu Trinh, Nguyễn Mạnh Tường v.v.) và những người giữ một vai chính trị (như Hoàng đế Bảo Đại, khách uy thế của nước bảo hộ hơn là một kẻ di cư, Hồ Chí Minh, Nguyễn An Ninh là những nhà cách mạng chống Pháp trong tương lai). Hoàng Thái Tử và mấy năm sau trở thành Hoàng Đế Bảo Đại muốn học hỏi trong thời gian ông ở Pháp những nguyên tắc dân chủ chính thể với ý định thiết lập trong tương lai Việt Nam một chế độ quân chủ lập hiến. Trong lúc những người (thuộc về gia đình trưởng giả đại điền chủ Nam kỳ hoặc nho giáo An Nam và Bắc kỳ) được xuất ngoại qua Pháp huấn luyện với trình độ Đại học vào những năm 1926-1927 (khoảng chừng 200) rất tỏ lòng khâm phục nước Pháp của Thế Kỷ Ánh Sáng và tôn trọng Nhân Quyền. Những nhà trí thức này (trong thời gian du học trên đất khách) sẽ thấm nhuần tư tưởng quảng đại về tự do và quyền tự quyết tự chủ của các dân tộc trên hoàn cầu. Đợt thứ ba của phong trào di cư bắt đầu với thế chiến thứ hai (1939), là lúc chính phủ thuộc địa Đông Dương tống đạt qua ‘’Mẫu Quốc’’ chừng 20 000 người Việt (phần đông quê quán Bắc kỳ) đặng làm việc với tư cách nhân công bản quốc (main-d’oeuvre indigène) và 8 000 khác làm tán binh (tirailleurs). Ông Lê Hữu Tho, tác giả sách tự truyện ‘’Itinéraire d’un petit mandarin’’ (Cuộc hành trình của một ông quan bé, L’Harmattan 1997), sinh năm 1919 tại Bắc kỳ và con nhà quan, đã làm sống lại ít nhiều hoàn cảnh của thời ấy (tôi xin trích tr. 4 của bìa) giới thiệu ‘’... người trai trẻ nước Đông dương lúc 19 tuổi quyết định giã từ Việt Nam để qua Pháp. Nhưng khi vừa đặt chân trên đất người, thì chiến tranh thế giới thứ hai bùng nổ làm đảo lộn số phận của anh. Biến cố này sẽ bó buộc anh phải chung sống với 20 000 đồng bào, phần lớn thuộc gốc nhà quê, để làm thông ngôn. Ký sự này là một bằng chừng mới lạ về thân phận của những người nhà quê VN, phải bỏ làng bỏ nước, nay chứng kiến một Pháp quốc bị chiếm lãnh và mất thể diện. Tự truyện này cũng là một tán dương ca đầy hy vọng qua ý lực quyết thắng mạnh mẽ của Tho và cũng qua sự thương mến nước Pháp do cô gái Madeleine làm tiêu biểu ; năng lực và ái tình đã cho người thanh niên VN được thấm nhập dễ dàng vào xã hội Pháp.’’
Sau thời Pháp quốc bị Đức Quốc Xã (phát xít) chiếm đóng (chỉ vài tháng thôi sau khi những người Việt này đặt chân trên đất khách và sau khi Thỏa Hiệp Đình Chiến được ký, 4 500 được trở về cố quận, chỉ còn 13 000 ‘’lính-thợ’’ ở lại Pháp sau kết thúc thế chiến thứ hai. Một phần lớn được trở về quê quán ngay từ năm 1946 và phong trào này tiếp tục cho đến năm 1951, là năm mà người ta đếm chỉ có vỏn vẹn 3 000 người Việt tại Pháp.
Theo thống kê của Sở An Ninh Đông Pháp vào tháng 7 năm 1945, người VN ở lại Pháp sau Đệ Nhị Thế Chiến, lên tới 27 350. Một khi những ‘’lính-thợ’’ đã trở về nước, số này còn lại khoảng 15 000 đầu năm 1950, trong đó có nhiều sinh viên (sinh trưởng gia đình giàu có) được phép xuất ngoại (tự túc tài chánh) trong thời gian Chiến Cuộc Việt Nam thứ nhất (1945-1954), để tránh khỏi tổng động viên do chính phủ ban hành. Họ trở về quê hương sau khi đậu bằng cấp Đại học Pháp. Một số ở lại, xin nhập quốc tịch Pháp và từ đó không còn tên trên thống kê biểu chính thức của Bộ Nội Vụ Pháp (vì vậy, tổng số người Việt ở Pháp năm 1962 chỉ có 6 853).
Trong thời kỳ thứ hai từ 1954 đến 1975, nghĩa là từ chiến tranh VN thứ hai (giữa miền Bắc cộng sản và Việt Nam Cộng Hòa miền Nam liên kết với Hoa Kỳ (Liên Bang Mỹ Quốc), mặc dầu tình trạng quốc tế tranh nghị, nước Pháp chấp nhận sự có mặt của sinh viên học bổng của VNCH hay của chính phủ Pháp và ngay cả những sinh viên không học bổng tự chi phí xuất dương, nhất là sau cuộc tiến công cộng sản nhân dịp Tết Mậu Thân (1968). Nếu năm 1962, có 6 853 người Việt (như đã nói trên), năm 1975 (trước Sài Gòn thất thủ), đồng bào chúng ta trú ngụ tại Pháp lên đến 14 196, theo Bộ Nội Vụ.
Thời kỳ thứ ba (mà cũng là thời kỳ cuối) bắt đầu ngày 30 tháng 4 năm 1975 (thất thủ Sài Gòn), mà cũng là thời kỳ trong đó Pháp quốc đã đón nhận hơn 200 000 dân di cư phần lớn từ những nước miền Đông Nam Á. Phần chủ yếu trong tổng số này gồm những tị nạn rời bỏ các nước Miên, Lào và Việt Nam sau khi Cộng sản đặt quyền lực thống trị trong ba nước thuộc cựu Đông Pháp. Nói riêng về đồng bào chúng ta : và theo bản thống kê của ‘’France-Terre d’asile’’ (Nước Pháp-Đất Nương Náu của Người Tị Nạn) : giữa 1975 và 1990 có đến 43 000 người Việt tị nạn (một phần ba của tổng số chung) phân phối trong thời gian qua nhiều giai đoạn : 7 600 giữa 1975 và 1977 ; 14 700 giữa 1978 và 1980 ; 23 000 người Việt di cư từ VN (trong đó có lẽ 20 700 được có tư cách tị nạn) giữa 1981 và 1990. Kể từ ngày Sài Gòn thất thủ cho đến năm 1983, phần lớn những người tị nạn này là những cựu thuyền nhân (boat people). Ngoài ra, những chuyến đi thực hiện theo ‘’Chương Trình Tổ Chức Xuất Hành’’ (ODP) được chính phủ Hà Nội chấp thuận (từ tháng 7-1978 đến cuối năm 1980 và từ 1980 việc xuất ngoại được thực hành theo chính sách đoàn tụ gia đình do chính phủ Pháp đề cao.
Từ 1991 đến 1994 : chỉ có 3 300 người Việt trên 3 700 tị nạn Đông Dương tại Pháp. Lý do ? Những chính sách hạn chế do cuộc thương nghị tại Genève 1989 quyết định với mục đích lựa chọn kỹ càng những kẻ đạt tới những trại tị nạn đặng biết họ có thật hay không là ‘’những người tị nạn chính xác’’. Vì thế cho nên chỉ 8 phần 100 những người thỉnh cầu mà thôi mới được công nhận được tư cách tị nạn. Hiện giờ (chúng ta đã nói trên), tổng số đồng bào di cư và định cư tại Pháp vào khoảng 200 000 mà trong đó 45 000 tại vùng ngoại ô lân cận thủ đô và 18 000 ngay trong nội thành Paris (tôi không gồm trong thống kê này những đồng bào đã được vào quốc tịch Pháp và Việt lai - Âu Á : Eurasiens). Nhưng vấn đề hội nhập xã hội Pháp có dính líu đến tất cả những người Việt di cư rồi định cư tại nước này và những người Việt có quốc tịch Pháp (Pháp gốc Việt) hiện sống trên đất người.


II . phương diện xã hội học và văn hóa của di cư và định cư việt nam tại phảp (Từ hội nhập đến tư cách công dân)


Trong cuộc thảo luận tiếp theo thuyết trình tại Hàn Lâm Viện Khoa Học Hải Ngoại Pháp (số 15, đường La Pérouse, Paris Quận 16) về ‘’Les naufragés de la liberté’’ (Những Kẻ Trầm Luân của Tự Do), diễn giả Michel Tauriac trả lời như sau về một câu hỏi đến vấn đề đồng bào định cư muốn hội nhập (intégration) xã hội Pháp : Sự hội nhập xã hội của di cư định cư Việt Nam trên đất Pháp là một thành công lớn. Đôi khi ta có thể nói là có sự đồng hóa (assimilation), và như ông Tổng trưởng đã nhấn mạnh trước đây, sự thật là người Việt bị cấu xé giữa hai nền văn hóa. Họ có một chân trong mỗi nền văn hóa. Dầu sao họ cũng cảm thấy sung sướng trên đất Pháp. Trong tôi cũng có một phần người Việt Nam như quí vị đã biết. Người Việt không ở trên đất Pháp như mọi người khác ở đất xa lạ, như mọi người khác ở Hoa Kỳ, hay Úc, vân vân. Pháp quốc, đối với họ, là một chút như sự tiếp nối của quê hương xa xăm, dưới một hình thức khác. Sự hội nhập này đã thành công mặc dầu cái sợ, cái lo âu của họ có thể bị mất gốc rễ và sự lo ngại thấy con cái ngày mai sẽ thoát khỏi gia đình. Đó là một chuyện rất thường bởi vì con cái sẽ tự lấy tự do, con cái họ được sinh ở Pháp, chúng lập gia đình đôi khi với người Pháp, dù muốn dù không, bởi vì những kết hôn cha mẹ định trước vẫn còn, ở đây cũng như ở Việt Nam... (x. Mondes et Cultures, Comptes Rendus Trimestriels des Séances de l’Académie des Sciences d’Outre-Mer, Tome LIX - 3 - 4 - 1999, Tome - 1 - 2000, p. 300).
Nhà thuyết trình ở Viện Hàn Lâm hôm ấy nói rất đúng khi ông nhắc nhở đến sự thành công của người Việt trong sinh sống hòa hợp với xã hội Pháp. Vì chuyện đồng bào chúng ta (thế hệ thứ hai) hòa hợp với xã hội Pháp (theo Michel Tauriac) là một chuyện tự nhiên ! Trong thực tế, ta nên lấy một thái độ dè dặt hơn...
Muốn hiểu rõ sự thật, trước hết ta phải lấy hết sức định nghĩa chữ ‘’hội nhập xã hội Pháp’’ một cách sáng suốt, nhưng chuyện đó không phải là dễ. Theo Hội Đồng Tối Cao về Hội Nhập (Haut Conseil à l’Intégration) : Việc hội nhập (intégration) có thể nói là một đường lối trung bình giữa sự đồng hóa (assimilation) và sự xen tháp (insertion). Như thế có nghĩa là trong hội nhập, ta phải làm thế nào để những thành phần muôn mặt và khác nhau phải gia nhập tích cực vào cuộc xây dựng xã hội nước Pháp, nhưng cùng một lúc ta phải thừa nhận tất cả sinh hoạt của những đặc tính văn hóa, xã hội và luân lý và công nhận là một lẽ dĩ nhiên rằng toàn thể (xã hội Pháp) được phong phú thêm nhờ những biến hóa, những tính tình phức tạp ấy.
Câu hỏi quan trọng đã nêu lên : Đồng bào ta có cần phải dứt khoát với gốc rễ quê hương để hòa nhập xã hội nước người ? Như André Frossard đã viết : ‘’Câu trả lời rất đúng cho một câu hỏi rất đúng là một câu hỏi khác, và một vấn đề được giải quyết là một vấn đề đặt lên một cách sai lầm : điểm cuối của bất cứ bài diễn văn nào đáng chú ý là một chấm hỏi’’... Như vậy, câu trả lời khôn khéo cho câu hỏi này sẽ là một câu hỏi khác : Sự hội nhập của những kẻ tha hương nói chung và của người Việt nói riêng vào xã hội Pháp có cần đi đến sự công dân hóa bằng cách xin nhập quốc tịch Pháp ? Trong một bài xã thuyết đăng trong ‘’Le Viêt-Nam au Présent’’, tr. 194-207, th. 10-1992, nhà xã hội học Lê Hữu Khóa trích nhà văn Dương Thu Hương đã viết trong một tự bạch : ‘’Dân tộc ta đã chết hàng triệu lần trong cái chết’’, đã cho vài lời chú giải như sau : ‘’Theo Dương Thu Hương, dân tộc Việt Nam biết rằng thà chết còn hơn sống. Và ngày nay, để học lại cách sống, họ phải học cách trọng lẽ phải và sự công bằng’’... và tiếp tục : Với hai chữ Sự Thật , Công Bằng, phải thêm hai chữ khác nữa để dành đặc biệt cho cộng đồng người Việt : Trung Tín và Khoan Dung. Lê Hữu Khóa nhấn mạnh vào chữ TRUNG TÍN (Loyauté) bởi vì chúng ta, người Việt Nam, chúng ta phải trung tín với nước Pháp đã chiêu đãi, đã cho chúng ta một cơ hội may mắn để làm lại cuộc đời, trong khung cảnh một Quốc Gia kính trọng pháp quyền và tự do cá nhân. Nhà xã hội học kể lại chuyện ông Tố Hữu, Phó Thủ Tướng và phụ trách văn phòng Thư ký Đảng Cộng sản , đã nói một cách trắng trợn, trong cuộc đàm luận về vấn đề cộng đồng VN nhập quốc tịch Pháp : (xin trích) ‘’Chữ ‘’passeport’’ dịch ra tiếng Việt bằng Hộ Chiếu. Nếu chúng ta chỉ giữ lại chữ cuối cùng ‘’chiếu’’, chữ này có nghĩa là ‘’tấm chiếu’’, mà người ta có thể trải ra, cuốn lại, giữ gìn hoặc vứt bỏ’’. Tố Hữu muốn nói - từ cái tỉ dụ này và theo cách phỏng dịch nôm na của ông - rằng một khi người định cư được nhập quốc tịch của nước chiêu đãi, việc này chỉ tóm lại thành một tờ giấy. Đâu có gì quan trọng nếu sau này họ muốn thay đổi hay từ bỏ quốc tịch ? Và nhà xã hội học Pháp gốc Việt nổi giận : ‘’Chúng ta không chấp nhận cái thái độ gian lận này, chúng ta có bổn phận đối với quốc gia đã nồng hậu đón tiếp chúng ta, đã cho chúng ta đủ mọi cách để làm lại một cuộc đời mới. Chúng ta phải hãnh diện được nhập quốc tịch Pháp cũng như chúng ta hãnh diện là những công dân Việt Nam’’. Tôi xin sửa lại, vì thật ra ông muốn nói : ... cũng như chúng ta hãnh diện là những công dân Pháp gốc Việt !
Cùng theo một quan niệm và nhân dịp nói đến Pháp quốc là một nước đã nồng nhiệt tiếp đón (tôi đã nhấn mạnh chuyện này tại Viện Hàn Lâm trong buổi họp ngày 03-03-2000) hàng ngàn ‘’những kẻ trầm luân vì tự do’’, tôi xin nhắc lại rằng lúc bấy giờ, trong những năm 1976 và kế tiếp, duới thời các chính phủ Jacques Chirac và Raymond Barre, những kẻ tị nạn VN tại Pháp (sau khi Sài Gòn thất thủ) đã được chính quyền Pháp nâng đỡ tận cùng. Tôi còn nhớ hồi ấy, Tổng Thống Giscard d’Estaing đã ra chỉ thị cho công chức Hành Chánh phải làm cho thuận tiện (dễ dàng), đơn giản và mau chóng thủ tục gia nhập quốc tịch Pháp cho người tị nạn. Sau khi Bắc Việt thôn tính Nam Việt vào tháng tư 1975 và kế theo là thảm kịch của những người vượt biển (đi tìm tự do), đồng bào chúng ta có thể được quốc tịch Pháp trong một thời gian ngắn : 6 tháng, 9 tháng hoạc lâu nhất là một năm. Tôi đã giúp đỡ nhiều đồng bào trong việc làm thủ tục giấy tờ... và nhân dịp này muốn nói lên lòng biết ơn của người VN đối với chính quyền Pháp.
Sự hội nhập xã hội nước người của đồng bào VN là một thành công, bởi vì những kẻ cựu tị nạn đặt chân trên đất Pháp vào những năm giữa 1954 và 1975, toàn là sinh viên, trí thức hay làm thương mại, đã không ngần ngại sấn vào những địa hạt chuyên môn và khoa học, cũng như những ngành y khoa - dược khoa, và yêu chuộng học thức trước tất cả, thế hệ này qua thế hệ khác. Trả lời một câu hỏi của tôi trong buổi đàm luận tại Hàn Lâm Viện Khoa Học Hải Ngoại chiều ngày 03-03-2000 về tổng số người Việt tại Pháp, nhà văn và ký giả Michel Tauriac cho biết : ‘’... Tôi có thể nói : vào khoảng 1 triệu người. Tại sao ? Hãy mở Minitel và tìm kiếm họ ‘’Nguyễn’’ - xem như một thứ ‘’Dupont’’ của Việt Nam - thì quí vị sẽ thấy họ này khắp mọi nơi ở Pháp, trong tất cả những thành thị, trong tất cả những quận huyện. Quí vị sẽ biết tại Pháp có c hừng 4 000 bác sĩ y khoa Việt Nam và hơn 2 000 xỉ khoa y sĩ và dược sĩ, nhưng đối với dân Pháp, tất cả người Việt là người Tàu và tất cả đều là chủ cao lâu... ‘’ Sử học gia Philippe Devillers hiện diện hôm ấy có thêm vào danh sách này những chuyên nghiệp điện tử, hoặc trong ngành ‘’informatique’’ (có nhiều người Việt rất tài giỏi) và các nhà khảo cứu khoa học lừng danh... Tôi tin chắc là nhờ giáo lý của Khổng tử, hơn là Phật giáo và Đạo giáo, những cựu tị nạn nay định cư tại Pháp đã theo đuổi học hỏi và rèn luyện trí thức đến tận cùng... Phần đông đã thành công (nhất là trên mặt kinh tế) và đó là một cách trả ơn xứng đáng của người Việt cho Pháp quốc đã đón tiếp nồng hậu những kẻ ‘’trầm luân của tự do’’. Hơn nữa, tinh thần hỗ trợ gia đình đã thoa dịu những vết thương của đồng bào trú ngụ tại Pháp bị thất nghiệp trong những năm 1980. Thành thử, mặc dầu đời sống khó khăn, trong cộng đồng Việt Nam tại Pháp, không có người nào bị thân thuộc ruồng bỏ phải sống sót bên lề đường... Trong những giai đoạn khủng hoảng, tất cả thị tộc thiết lập lại dưới mái nhà cùng dòng họ : thanh niên Việt thất nghiệp được cho ở trong nhà của cha mẹ, đến lượt cha mẹ già được sống êm dịu những ngày hưu trí trong nhà con cái, cháu chắt chứ không phải nương náu cô quạnh trong nhà dưỡng lão. Sự phụng thờ tổ tiên trên đất khách luôn đi đôi với sự tôn kính và biết ơn người lớn tuổi. Trong giao dịch, nếu (đôi lúc) có sự chống đối giữa những người định cư thuộc thế hệ thứ nhất thấm nhuần Nho giáo và những thanh thiếu niên thuộc thế hệ thứ hai (sinh tại Pháp) tôn trọng nhân quyền và thấm nhuần chủ nghĩa cá nhân Âu Tây, sự tương phản về tư tưởng này không bao giờ đưa đến đoạn tuyệt. Bởi vì các bô lão Việt Nam cũng không quên bài học ‘’Trung Dung’’ của Đạo Khổng, cho nên không phản đối trước thái độ rất tự do cá nhân của những người trẻ tuổi thuộc thế hệ thứ hai.
Trong bài diễn văn tiếp đón hân hoan nhà văn Hector Bianciotti vào Hàn Lâm Viện Pháp ngày 23-07-1997..., bà Jacqueline de Romilly đã nói với ông Hàn lâm mới được bầu : Một ngày nào đó, đến trú ngụ tại Paris để phục vụ văn chương, ông đã không do dự sinh sống theo Pháp ngữ, suy tưởng và nằm mơ trong ngôn ngữ này. Ông có thể mượn câu sau của Supervielle áp dụng cho mình : Tôi làm thinh bằng tiếng Pháp. Nota : Jules SUPERVIELLE : Poète et romancier français (Montevideo 1884-1960 Paris) né en URUGUAY de parents d’origine basque... Đó là một tỉ dụ rất đẹp của hội nhập của kiều dân vào xã hội Pháp : Hector Bianciotti là một nhà văn gốc Argentine, di dân định cư tại Pháp từ hơn ba thậpniên và được nhập quốc tịch Pháp năm 1981 ! Tác giả nhiều sách bằng Y Pha Nho, ông đã lựa chọn sáng tác bằng Pháp ngữ từ 1985 et được bầu vào Hàn Lâm Viện Pháp (ghế của André Frossard) năm 1997 : Đó là một danh dự tối cao của một kiều dân ở Pháp !
Đồng bào chúng ta có cần phải cắt đứt với nguồn gốc quê hương để hoàn toàn hội nhập xã hội nuớc người ? Tôi không trả lời được cho câu hỏi này (như đã nói trên). Nhưng để tưởng nhớ tới nghìn vạn người vượt biển đã bỏ mình cho Tự Do, tôi xin trích mấy dòng sau này của Siegfried, với mục đích dâng tặng đồng bào định cư khắp năm châu, trong dịp đầu Xuân Nhâm Ngọ 2002 : ‘’Le premier immigré demeure, sa vie durant, un homme de son pays d’origine’’ (Người kiều dân đầu tiên vẫn suốt đời là một người của quê hương xứ sở mình). Ghi chú.- André SIEDFRIED (1875-1959) : Economiste et sociologue français, Professeur à SC.PO (1911) et au Collège de France (1933) - Académie Française en 1944.


Lê Mộng Nguyên
___________________________________________________________________
* Nhạc sĩ, GS Hàn Lâm Tiến sĩ Quốc Gia Khoa Học Chính Trị, nguyên Luật sư

Tòa Thượng Thẩm Paris.