Vấn đề người trí thức Việt Nam

Nguyễn Vy Khanh


Về định nghĩa, tôi vẫn nghĩ gọi là người trí thức khi người đó ngoài phần bằng cấp hay chuyên môn bất kể cao thấp mà có ưu tư chuyện chung. Còn những người có bằng cấp mà chỉ lo làm việc chuyên môn hoặc chỉ nhắm "vinh thân phì gia" thì chỉ nên gọi là khoa bảng hay chuyên viên. Nghĩa là người trí thức hôm nay tuy thời đại nếp sống thay đổi vẫn có tâm hồn và chức năng của một "kẻ sĩ" của thời xưa! Nhà văn, giáo sư hay bác sĩ , kỹ sư, v.v. đều như nhau, đều có cùng bổn phận và trách nhiệm đối với xã hội, dân tộc! Người trí thức có hiểu biết và có lương tâm "kẻ sĩ", là những con người thức thời (chứ không phải lợi dụng thời cơ), biết đem cái Biết (tri) vào cái Hành và cái Hành là áp dụng cái Biết hữu dụng cho đời (ngay đến thất phu còn phải hữu trách, huống gì là trí thức!).
 Họ có vai trò phán xét lịch sử và tính độc lập mà từ thời Aristote đã nói đến! Là lương tâm, lúc nào cũng thức tỉnh và là ngọn đèn chỉ đường dù đôi khi leo lét. Trí phải đưa tới Hành, phải ra tay! Hành có suy nghĩ chứ không phải làm cho có, để ... lương tâm được yên ổn! Tức cái biết mà tiền bối Phan Bội Châu có lần nói đến sau khi đã trãi qua kinh nghiệm thất bại: "Khôn chết, dại chết, biết sống!". Làm gì và thế nào thì lại là một đề tài khác!
Thất bại hoặc bi quan, người ta sẽ nói đến Định Mệnh. Chúng tôi nghĩ số phận đất nước hôm nay có những nguyên do trong quá khứ xa gần, nhưng tôi không tin có một số phận đã được định sẵn cho người dân Việt Nam như hôm nay vì
định mệnh hiện tại là do tất cả mọi người Việt Nam làm nên dù lỗi phải vẫn là do các nhà gọi là lãnh đạo. Cái hành cần thiết cho hiện tại sẽ làm đảo lộn lịch sử và tự tạo một định mệnh khác cho đất nước tốt đẹp hơn sẽ là một trả lời thiết yếu cho lý trí và diễu cợt lại số phận. Vì thiển nghĩ không có số phận bất động hoặc tĩnh. Hành, hành và chỉ có hành mới làm nên số phận. Vả lại lịch sử có lý luận của nó mà con người không chắc biết được. Lịch sử là động, sẽ thay đổi khi có sự ứng hợp của Hành đến từ con người trong cuộc. Hành sẽ không đi đến đâu nếu không khởi từ lý trí và ý chí muốn đem sự thật cho lịch sử, muốn lịch sử đi trọn vòng vận chuyển. Lịch sử đã là lò thí nghiệm, chế độ ở Việt Nam chỉ là số thành của một bài toán hoặc hợp chất hóa học nhất thời.
Thành ra thiển nghĩ đề tài về vai trò người trí thức là bàn về những người có cùng bổn phận và trách nhiệm chung mà không chu toàn, có vai trò mà không đóng trọn vẹn, hoặc tiếm danh "trí thức" - những con người trí thức quen thói làm nô lệ, quen bị chia để trị đã đưa đến những thói chụp mũ, hai lòng, đi đêm và óc lãnh tụ, tự tôn vương phong tướng, phe đảng, gia đình trị, vv . Trí thức kiểu này có những căn bệnh quen đổ thừa, đổ cho những "thằng khách quan" nói như bà Phạm Thị Hoài; bệnh vọng ngoại mong ở sức người, không Pháp thì Mỹ, Trung-quốc thay vì tự sức đánh giặc hay phục quốc, v.v. Thêm cái bệnh ích kỷ, khi có biến không thấy đâu, cha con trốn ở ngước ngoài hết, nhưng khi có ăn thì ... hồi hương gọi là để "hy sinh", thời hòa bình thì ăn trên ngồi trước, bố mẹ "trí thức" thì nuôi con cũng khoa bảng để tiếp tục hưởng, theo chủ thuyết Cộng-sản hay chống Cộng thì cứ theo cứ chống, nếu tôi lầm thì thế hệ sau trả hoặc sẽ tính sau !

Người trí thức khác người khoa bảng ở chổ nhập cuộc, nhưng lại phải đương đầu với song niệm (dilemme) khó khăn : nếu sự nhập cuộc của họ thành công, họ phải tự kiềm chế để khỏi trở nên tàn ác như bản chất của quyền bính. Nhưng nếu họ thất bại hoặc kẻ họ theo phò tỏ ra ác vương hoặc tàn bạo, toàn trị, họ sẽ bị lịch sử phê phán nặng nề. Tuy nhiên người trí thức làm chính trị có trách nhiệm là người biết đảm đương sự thay đổi của con người qua trung gian quyền hành. Một khi tới gần quyền bính, họ phải đối đầu với lẽ sống còn của con người trí thức trong họ!
Phải chăng đời sống kỹ thuật, văn minh dẫn đến những đổ vở, về văn hóa và những giá trị nhân bản? Từ khi con người tìm ra công thức bom nguyên tử, từ những chế độ phát xít, ... nhân danh con người để tàn diệt đồng loại. Nhưng rồi chiến tranh lạnh có lúc cũng hết lý do và những chế độ cộng sản nhân danh những mục tiêu mỹ từ như chống phong kiến, thực dân, tư bản, ... hóa trang che giấu tham vọng, nay càng lộ rõ chỉ là cái vỏ che giấu một loại chế độ bè đảng, mafia. Sau những kinh nghiệm bạo động và chua cay của lịch sử ở những thập niên cuối thế kỷ XX, con người đặt nghi vấn người trí thức có còn chức năng gì trong cuộc đời, cho con người hôm nay? Cuộc chiến tâm linh, siêu hình cũng ác ôn không thua gì cuộc chiến với bom đạn, đưa đến ảo tưởng trí thức về văn hóa là trung lập, là ngoại cuộc, vì con người trí thức không thể đứng ngoài, hắn còn phải tỉnh thức cơ mà, còn phải tránh những cạm bẫy của thỏa hiệp, đầu hàng. Nhưng cũng vì thế mà trí thức trở thành một hiện tượng văn hóa, hay quá độ thành "trí thức khủng bố" của những Lukács, Sartre, Aragon, Mao,... những kẻ quen "nhân danh". Tư tưởng duy nhất, một chiều, khủng bố, ... từng sống mạnh ở thế kỷ qua, người ta lôi kéo quá khứ và lịch sử lại, cắt mảnh nào coi được, đánh lừa được, rồi chắp nối, hiện đại hóa, rồi công bố cho bá tánh hình ảnh một anh hùng, trí thức hay tư tưởng lớn, theo hình ảnh Jésus, Phật, ...

Mặt khác, tôi nghĩ hoàn cảnh, thời đại sống rất quan trọng trong việc phê phán người trí thức. Chúng ta sống ở ngoài nước vì chúng ta dù thế nào cũng đã được chấp nhận sinh sống ở xứ người, chúng ta dễ phê phán người trong nước không cùng điều hiện sinh sống và hoạt động, nhưng nếu thử đặt trong cùng hoàn cảnh, chúng ta làm được gì hơn? Chúng ta phê phán người trước, nhưng nếu chúng ta sinh sống vào thời Tự-đùc, chúng ta hành xử được như Phan Thanh Giản hay Nguyễn Trường Tộ ? Như những vị Văn Thân? Hoặc nếu chúng ta sống thời 1946-54 theo toàn dân kháng chiến hay về thành thuộc Pháp? Hoặc thời Nhân Văn Giai phẩm ? Phải chăng Nguyễn Du, Nguyễn Tuân cũng "phò chính thống" ?

Trong nước đã có những tiếng nói trí thức đòi hỏi dân chủ, tự do hoặc thay đổi chính trị, v.v. Nhiều trí thức Trung quốc đang có khuynh hướng tìm hiểu tại sao Âu Mỹ tiến bộ giàu có, họ tìm hiểu cả đạo Ki-Tô mà họ nghĩ là nền tảng cho văn minh đó, nhưng vẫn chưa dám cởi mở chính trị, xã hội là những điều kiện thiết yếu, thì "thức tỉnh" đó đi đến đâu? Tôi nghĩ trí thức VN vẫn đang bị bế tắc vì nhiều trở ngại hãy còn đó : hãi sợ, có cái tinh thần mà bà Phạm Thị Hoài gọi là "quan văn, phò chính thống" Ngay cả vị tối cao như ngài họ Nông vừa được bầu làm tổng bí thư đảng duy nhất trong nước, có người đã nhận xét là : "ông ấy cởi mở, thẳng thắn nhưng không phải can trường" (Dow Jones Newswires 23-4-2001). Tôi nhắc đến vì báo chí nói nhiều rằng bây giờ VN được cai trị bởi ... trí thức trẻ! Không hiểu bên trên ngài còn ai khác mà ngài vẫn có tư cách "phò chính thống" đó? Tôi thấy đấy vẫn là những người sẵn sàng lợi dụng tên tuổi đàn anh, đòng chí, người hùng,.. để đòi hỏi quyền lợi và hưởng thụ ... xứng đáng ! Chuyện bản lĩnh, tư cách chắc còn phải đợi!

Bài nói chuyện của bà Phạm Thị Hoài phê phán nặng nề người trí thức VN nhất là giới văn hóa mà bà biết rõ vì từng đụng chạm tiếp xúc. Từ Man Nương đến Marie Sến bà đã linh hoạt vẽ lại bức tranh vân cẩu của xã hội VN ngày nay. Tay bút sỗ sàng, tàn nhẫn và khinh bạc nhắm giới lãnh đạo và "trí thức" độc tôn, tự cao tự đại, duy trì một chế độ bao che, những con người mất "nết", mất cả cái gọi là "đạo đức cách mạng" do chính họ bày ra! Dù biện luận của bà đôi chỗ sai hay quá đáng, như khi nói đến chuyện Chiêm thành, có ảnh hưởng đến dân tộc VN chứ - ngoài âm nhạc, điêu khắc, yếu tố mẫu hệ đã làm dịu bớt cái khắt khe của Nho giáo đói với phụ nữ VN (nghĩa là rất khác phụ nữ Tàu), nhưng bà đã nói đến một vấn đề hệ trọng. Bà nói đến tư cách quan văn đã bành trướng từ nhiều thế kỷ, từ khi cái Nho học đã trở thành Tóng Nho với những khuôn mẫu, mô hình cần thiết có, mà bày đặt để một giai cấp tự bao che bảo vệ nhau cũng có. Những cái tưởng là tuyệt vời, nhưng tôn thờ quá không suy nghĩ và cập nhật đã biến thành tự mãn, lỗi thời. Do đó mà khi thương thuyền Tây phương đến cửa cảng, thay vì mở mắt tìm kiếm giải pháp thì lại tự cao vô lối xem họ là "bạch quỉ " như đàn anh Trung-Hoa, cứ tự nhủ ... chiến thắng tinh thần - kiểu AQ của Lỗ Tấn, rồi tiếp tục thi văn xướng họa! Ai khác thức thời thì bè cánh làm nản lòng, như triều đình Tự Đức đối xử với những bản điều trần của Nguyễn Trường Tộ, như quần thần của vua Đồng Khánh đã ly gián làm nản lòng Trương Vînh Ký,. . Đạo Chúa, chữ quốc ngữ, chữ Pháp,.. phải chắng là hiểm họa cho nhà Nho chỉ biết chữ Hán, chữ Nôm, lại có nhiều vợ nếu muốn,.. Cứ đổ lỗi cho mấy "thằng khách quan" là tiện việc! Bà PTH nói đến tư cách học trò dù nặng lời nhưng đã nói lên được một sự thực mấy ai dám nhìn nhận. Ta quen làm học trò hết người Trung-Hoa đến Tây, Liên Xô, Mỹ,.. học rất giỏi (Truyện Kiều của Nguyễn Du hay hơn bản Thanh tâm tài nhân gốc,.. ) nhưng giỏi từ chương hơn là sáng tạo (những Trần đức Thảo, Trịnh Xuân Thuấn,.. là những ngoại lệ) !
Chúng ta thắc mắc vì đất nước có nguy cơ, tài nguyên, nhân tài thất thoát. Khi mà trong nước muốn đi học hay vào nhà thương phải trả tiền trước mà nếu không có thì phải thất học và cứ mang bệnh chờ chết ! Thay vì cứ cố tật đổ lỗi cho những "thằng khách quan", người tự nghĩ là trí thức nên nhìn thẳng vấn đề, thực tại. Người trí thức dù ở trong nước hay ở ngoài vẫn còn vai trò và trách nhiệm đối với tương lai tổ quốc, vẫn còn ở cái thế phải Hành động. Người trí thức dù muốn dù không, dù già dù trẻ, luôn là chứng nhân của chính trị và lịch sử. Để thực sự là chứng nhân, người trí thức phải kiên nhẫn và bền chí. Văn Thiên Tường thời Thành Cát Tư Hãn xâm lăng Trung quốc đã dám đương đầu dầu chỉ với một đám tân binh vừa tập luyện. Có người can ngăn việc châu chấu đá voi đó, ông đã khẳng khái đáp : "Tôi biết mình tài hèn sức mọn không đủ sức chống chọi với quân Nguyên, nhưng tôi xả thân vì nước để các bậc trung thần nghĩa sĩ theo đà đó mà liều thân cứu nhà Tống" !