Ellie Cobb
"Trên thế giới, có hàng trăm thành phố chìm dưới mặt nước. Chúng ta chỉ mới bắt đầu khám phá được một số những địa điểm, những nơi có thể cho chúng ta biết về quá khứ nhân loại."
Bí ẩn dưới đáy hồ
Tin tức lan truyền hồi cuối tháng 10/2015 rằng một nhà thờ vào thế kỷ 16 ở Mexico đột nhiên hiện lên một cách ma quái từ dưới làn nước sâu. Bị bỏ hoang hồi thế kỷ 18 sau một trận dịch quét qua vùng Chiapas, đền Santiago nằm ở độ sâu khoảng 30 mét dưới mặt nước. Khu vực xung quanh đã bị nước nhấn chìm khi hồ chứa Nezahualcoyotl được xây dựng vào năm 1966.
Nhưng vào những lúc hạn hán, bóng ma của nó lại trồi lên, khiến chúng ta muốn tìm hiểu hơn về thế giới này. “Có hàng trăm thành phố bị nhấn chìm trên khắp thế giới,” Tiến sỹ Jon Henderson, nhà khảo cổ các công trình dưới nước tại Đại học Nottingham, nói. “Chúng ta chỉ mới bắt đầu khám phá những câu chuyện mà chúng kể cho chúng ta nghe về quá khứ.”
Đời sống ngoại thành, 5.000 năm trước
Nằm cách mặt nước chỉ vài mét ở vùng Pelopon phía nam Hy Lạp, Pavlopetri được cho là thành phố bị nhấn chìm cổ xưa nhất trên thế giới. Nó từng phát triển hưng thịnh trong khoảng 2.000 năm, rồi bị nhấn chìm khoảng 1.000 năm trước Công nguyên.
“Chúng ta chỉ vừa bắt đầu hiểu ý nghĩa của việc vào khoảng 30.000 cho đến 5.000 năm trước đây, mực nước biển lúc đó thấp hơn nhiều so với bây giờ. Một vùng đất rộng lớn ven biển trên toàn thế giới – những khu vực quan trọng nơi con người sinh sống và định cư để khai thác tài nguyên – giờ đây đã bị nhấn chìm dưới nước,” Tiến sỹ Henderson, người đứng đầu dự án phim tài liệu 2011 của BBC về khu vực này, nói.
Điều đặc biệt khác thường về thành phố cảng thời đại đồ đồng này là nó được thiết kế rất tinh xảo. Không giống như nhiều cấu trúc khác bị chìm dưới nước, không ai nghi ngờ gì về việc có phải Pavlopetri là do bàn tay con người làm ra hay không. Có bằng chứng về những con đường và những ngôi nhà hai tầng bên cạnh sân và vườn cùng với một hệ thống xử lý nước phức tạp. Tìm kiếm những nền văn minh đã mất là “một phần quan trọng trong việc tìm ra chúng ta từ đâu đến,” Handerson nói. Nhưng dường như bất chấp các tiến bộ công nghệ thì vẫn không có nhiều sự khác biệt giữa các nền văn minh châu Âu đầu tiên với cuộc sống ngoại ô ngày nay.
Khi thần thoại trở thành hiện thực
Đền Shore đẹp mê hồn của Ấn Độ – được Unesco công nhận là Di sản Thế giới vào năm 1984 và vẫn trụ vững trong đợt sóng thần khủng khiếp hồi năm 2004 – nằm ngạo nghễ trên bờ biển Tamil Nadu từ thế kỷ thứ 8.
Nhưng truyền thuyết địa phương kể rằng có sáu ngôi đền khác xung quanh và nằm trong một thành cổ đẹp đến nỗi nó bị các vị thần ghen ghét nhấn chìm. Truyền thuyết gần trở thành hiện thực khi trận sóng thần năm 2004 càn quét bờ biển phía đông Ấn Độ và làm phát lộ những di tích do con người tạo dựng như một con sư tử bằng đá granite. Các cuộc thám sát dưới nước sau đó cho thấy có một khu phức hợp rộng lớn các đền đài đã từng tọa lạc ở đó và nhiều khả năng nó cũng bị tàn phá bởi một trận sóng thần.
Cung điện của nữ hoàng
Vào cuối những năm 1990, một nhóm các nhà khảo cổ Pháp-Ai Cập dường như đã khám phá ra cung điện nguy nga của Cleopatra, vị nữ hoàng uy quyền của Ai Cập cổ đại, vốn đã biến mất được 1.600 năm ngoài khơi bờ biển Alexandria dưới làn nước mờ đục của Vịnh Aboukir. Nhiều khả năng bị nhấn chìm do động đất và sóng thần – vốn cũng nhấn chìm ngọn hải đăng cổ của Alexandria – cung điện vẫn còn hàng ngàn những di chỉ, trong số đó có nhân sư, các bức tượng, tiền đồng và những lá bùa.
Người ta đang tiến hành các kế hoạch để mở cửa địa điểm khảo cổ này cho công chúng chiêm ngưỡng và có thể sẽ có bảo tàng dưới nước đầu tiên trên thế giới. Trong lúc này, nhiều hiện vật còn trong tình trạng tốt nhất đã được đưa các bảo tàng và các thợ lặn có thể khám phá những di vật còn lại nằm rải rác.
Truyền thuyết Trung Hoa cổ đại
Truyền thuyết Trung Hoa cổ đại từ lâu đã nói về một thành phố ma nằm trong lòng hồ Phủ Tiên ở tỉnh Vân Nam và cư dân địa phương nói họ đã nhìn thấy những phế tích giống như hồn ma dưới mặt nước vào những ngày tĩnh lặng. Vào năm 2001, một nhóm khảo cổ dưới nước đã bắt đầu khảo sát hồ và họ khám phá ra rất nhiều công trình trong số đó có tám cấu trúc hình tháp bên cạnh các đồ vật bằng đá do con người tạo tác. Nằm trải ra trên một diện tích 6,5 km vuông, các phế tích được tin là thuộc về Điền Vương quốc vốn đã chìm xuống đáy hồ một cách bí ẩn khoảng 2.000 năm trước.
Hòn đảo bị thủy triều đánh tan
Nằm dọc theo biên giới phía tây bắc của nước Đức là quần đảo North Frisian – một chuỗi các đảo nhỏ đang dần bị thủy triều Biển Bắc ăn mòn. Hòn đảo nổi tiếng nhất trong số này là đảo Sylt nơi có những bãi biển cát trắng dài, những đụn cát cỏ bao phủ và những tập tục kỳ lạ thu hút đông đảo khách du lịch đến từ Đức và châu Âu.
Những nằm phía dưới vùng biển này là một bí ẩn. Hòn đảo này từng lớn hơn rất nhiều nhưng trải qua hàng trăm năm thủy triều đã làm cho nó xói mòn. Và hiện nay cách bờ phí tây vài trăm mét dưới lòng biển là khu dân cư Eidum vốn chịu trận trước tác động xói mòn của Biển Bắc cho đến khi nó biến mất hoàn toàn sau một cơn sóng bão vào năm 1436.
Bản tiếng Anh bài này đã đăng trên BBC Travel.