Khi ta 'bán linh hồn' cho máy tính

David Robson
Sophia Ben-Achour trông giống như một sinh viên London bình thường. Cô có mái tóc ngắn, màu nâu, ánh mắt và nụ cười rạng rỡ.
Chúng tôi ngồi tán chuyện về thời tiết, âm nhạc và thời gian cô dạy tiếng Anh cho học sinh nước ngoài.
Bạn sẽ không bao giờ tin rằng trí óc của cô đang bị điều khiển bởi hàng loạt bộ xử lý ở cách đó hơn 200 dặm.
Bị máy tính điều khiển không phải là điều quá đáng sợ, cô nói với tôi.
"Hôm nay là ngày đầu tiên tôi nghĩ rằng 'tôi chỉ là một cái xác, không gì hơn'."


Bị máy tính điều khiển

Về mặt kỹ thuật, Sophia là một 'echoborg', một người đang sống, nhưng tạm thời 'bán mình' để trở thành người nói năng, đối đáp theo sự điều khiển của một con robot.
Tất cả những gì cô nói đều bắt nguồn từ một robot trên internet, được gửi cho cô thông qua một tai nghe nhỏ.
Nghe qua thì giống như là một câu chuyện khoa học viễn tưởng. Thế nhưng trên thực tế, sự sắp đặt kỳ lạ này là nhằm phục vụ một mục đích nghiêm túc.
Các nhà nghiên cứu ở Đại học London School of Economics (LSE) muốn tìm hiểu cách mà cơ thể và hình dáng của trí thông minh nhân tạo có thể tác động đến cách nhìn nhận của chúng ta.
Điều này vô cùng quan trọng đối với sự hiểu biết của chúng ta về trí thông minh nhân tạo, vì trong tương lai chúng ta có thể sẽ được vây quanh bởi những cỗ máy trông không khác gì người thường, và chúng ta cần biết tới khi đó, con người sẽ phản ứng ra sao.
"Trí thông minh nhân tạo mà chúng ta bắt gặp hiện nay hầu hết đều có giao diện của những cỗ máy," Kevin Corti, một trong các nhà nghiên cứu, nói.
Giải pháp của ông là sử dụng cơ thể của con người để kết hợp với trí thông minh của robot.
"Bằng cách này, con người ta có thể thực sự tin rằng người ta đang gặp mặt người khác."
Corti và cấp trên của ông, Alex Gillespie, lấy nguồn cảm hứng từ 'cyranoids' - một thí nghiệm được phát minh bởi nhà tâm lý học gây tranh cãi Stanley Milgram, một người nổi tiếng nhờ thí nghiệm về sự phục tùng - bằng cách yêu cầu một người giật điện và tăng điện thế với người khác.
Image copyrightGetty
Ngay cả khi những cú giật điện trở nên mạnh gây đau đớn nguy hiểm, nhiều người vẫn tiếp tục thực hiện - điều này cho thấy chúng ta có thể dễ gây tổn hại cho người khác ra sao mà không buồn để ý xem liệu có cần phải phục tùng những mệnh lệnh mình nhận được hay không.
Tuy nhiên, về cuối đời, Milgram có vẻ như muốn hướng về chủ đề nhẹ nhàng hơn. Khi chúng ta nói chuyện với ai đó, liệu chúng ta có thực sự đang lắng nghe họ, hay những ý kiến của chúng ta là đã được định hình trước, dựa trên hình dáng của người đang đối thoại với mình?
Để tìm ra câu trả lời, ông đã mượn ý tưởng từ một vở kịch ở Thế kỷ 19, Cyrano de Bergerac. De Bergerac là một người lính từng trải, một thi sỹ và một nhạc công tài hoa, nhưng chàng tự cho mình là quá xấu nên không dám tán tỉnh người em họ xinh đẹp Roxane.
Thay vào đó, chàng đã tìm cách giúp Christian, một gã đẹp trai, thắng được trái tim cô, bằng cách chỉ cho anh này phải nói gì.
Trong cảnh nổi tiếng nhất của vở kịch, Cyrano trốn trong bụi cây, bí mật chỉ dẫn Christian những lời nói ngọt ngào. Christian thuật lại những lời này với Roxane, người đang đứng trên ban công nhìn xuống.
Migram nhận ra rằng cách sắp đặt tương tự có thể là cách hoàn hảo để thử nghiệm liệu hình dáng cơ thể tác động đến cách nhìn nhận của chúng ta như thế nào.
Vì vậy, ông đã sắp xếp một thử nghiệm, trong đó các 'cyranoid' được nghe thông điệp từ một người trong một căn phòng khác, truyền qua một tai nghe nhỏ bên trong tai. Giống như Roxane trong vở kịch, người đối diện với các 'cyranoid' không biết gì về sự sắp đặt kỳ lạ này.
Milgram rất ngạc nhiên khi phát hiện ra hầu hết mọi người đều có những cuộc đối thoại dài với các cyranoid mà không hề để ý điều gì khác thường.
"Không ai để ý rằng tất cả những gì người này nói đều bắt nguồn từ một bộ óc ở một nơi xa xôi khác," ông viết.
Ông sau đó bắt đầu thúc đẩy thí nghiệm này xa hơn, để xem, ví dụ như điều gì sẽ xảy ra khi một nhà khoa học lớn tuổi điều khiển một đứa bé.
Milgram qua đời vào năm 1984, trước khi hoàn thành nghiên cứu của mình, và thí nghiệm với các cyranoid của ông đã bị quên lãng trong suốt hai thập niên, trước khi Gillespie quyết định tái khám phá ý tưởng này.
Một trong những thử nghiệm đầu tiên của ông mô phỏng thí nghiệm của Milgram trong việc sử dụng một cyranoid là một đứa trẻ.
Image copyrightiStock
Trong trường hợp này, Gillespie đã truyền đạt các câu trả lời cho một đứa bé trai 11 tuổi đang được phỏng vấn bởi những người trưởng thành.
"Tôi được hỏi về Henry James, cái chết của Margaret Thatcher, khủng hoảng tài chính, và rồi họ nói, ồ, đứa bé này thật thông minh, nó có lẽ có trí óc của một người 15 tuổi," Gillespie thuật lại.

'Xác sống'

Yếu tố mang tính triết lý ở đây đó là người ta thường khó phán đoán nếu ai đó đang hành động một cách tự nguyện, hay là những 'xác sống' đang làm theo mệnh lệnh của người khác.
'Dù sự khác biệt giữa thể xác và trí tuệ lớn đến thế nào đi nữa, người ta cũng không để ý,' Corti nói.
Hay, nói một cách khác, chúng ta thường bị thuyết phục bởi vẻ ngoài hơn là đánh giá ai đó dựa trên suy nghĩ của họ.
Rất dễ để tỏ ra hoài nghi trước những điều này, nhưng tôi cũng bị thuyết phục khi đến thăm phòng thí nghiệm của nhóm nghiên cứu, và Gillespie đã giới thiệu tôi với Corti.
Cô gái trẻ ngồi trước mặt tôi không giống như hình ảnh mà tôi đã thấy của Kevin. Tôi tự nhủ có lẽ Kevin là người chuyển giới.
Trên thực tế, Kevin đang ngồi ở một căn phòng khác, và tôi đang nói chuyện với Sophia (người mà trên thực tế là một sinh viên ở LSE và cũng đã từng thực hiện một thí nghiệm tương tự của riêng cô).
Đối với tôi, điều này cho thấy chúng ta dễ bị lừa phỉnh đến thế nào, ngay cả khi đã được báo trước.
Rõ ràng là ảo ảnh mà cyranoid tạo ra không dễ để bị phá vỡ.
Trước những thành công này, Corti và Gillespie đã bắt đầu tìm cách đẩy các thí nghiệm đi xa hơn.
"Chúng tôi đã nghĩ rằng có lẽ chúng ta sẽ đẩy nó xa hơn, đến mức không cần một người khác để tạo ra từ ngữ."
Kết quả là một 'echoborg', một giống cyranoid mới, tức là một người thật lặp lại những từ ngữ do một trí thông minh nhân tạo truyền đạt, thay vì nhận thông tin từ một người thật khác.

Cuộc sống tương lai giữa con người và robot

Bằng cách này, Corti hy vọng sẽ giúp chúng ta nhìn thấy một phần nào đó viễn cảnh tương lai, khi robot trở nên thật hơn.
"Chúng ta vẫn còn lâu mới đạt được giao diện giống người thật hoàn toàn, nhưng chúng ta có thể đặt một trí thông minh nhân tạo bên trong cơ thể con người, để xem điều gì sẽ xảy ra."
Image copyrightKevin Corti and Alex Gillespie
Trong một thí nghiệm, những người tham gia hoàn toàn không biết rằng họ sẽ nói chuyện với một robot.
Đúng như Milgram dự đoán, họ vẫn hoàn toàn không biết điều này, ngay cả sau một cuộc nói chuyện dài.
"Hầu hết những người tham gia đều không biết rằng họ đang đối thoại với một chương trình máy tính. Họ chỉ cho rằng người đối diện đang gặp một vấn đề nào đó," Corti nói.
Khoa học viễn tưởng, trong đó có một loạt phim truyền hình mới đây nhất với tên gọi Humans - đã từ lâu đặt ra câu hỏi rằng liệu robot có thể một ngày nào đó hội nhập vào xã hội của chúng ta sâu đến nỗi chúng ta không thể nhận ra ai là người thật và ai là robot hay không.
Thí nghiệm của Corti cho thấy ngay cả với trí thông minh nhân tạo còn hạn chế của ngày nay, chúng ta đã dễ bị lừa hơn là mình nghĩ.
Tuy nhiên, trong một thí nghiệm khác, những người tham gia được báo rằng họ có thể hoặc không phải đối thoại với một trí thông minh nhân tạo và họ phải đưa ra phán đoán.
Trong tình huống này, những trí thông minh nhân tạo cũng dễ bị phát hiện ra giống như lúc chúng xuất hiện trên giao diện máy tính.
"Sự kỳ vọng của con người trở nên cao hơn," Gillespie nói.
Nó như là một nghịch lý: Nếu không được cho biết rằng chúng ta đang nói chuyện với một trí thông minh nhân tạo, chúng ta ngay lập tức cho rằng cuộc đối thoại của chúng ta với người đối diện nằm trong một khía cạnh kỳ lạ của cử chỉ con người.
Tuy nhiên ngay khi chúng ta nhận thức được rằng đó có thể không phải là con người, chúng ta trở nên chú trọng hơn trước những sai sót của nó.
"Chúng ta có thể có được trí thông minh nhân tạo vượt lên trên sự tưởng tượng của chính mình, thế nhưng chỉ vì nghĩ rằng chúng không phải là con người, chúng ta sẽ ngại tương tác với chúng theo cách của con người," Corti nói.
Image copyrightGetty
Gillespie tỏ ra rất thích thú trước những sự khó xử trong các tình huống đối thoại mặt đối mặt này.
"Bạn không thể quay lưng bỏ đi khi một cặp mắt đang nhìn thẳng vào mình," Gillespie nói.
"Có một sự trói buộc nào đó - và đó là lý do vì sao người ta cảm thấy không thoải mái. Trong khi đó, bạn sẽ không bao giờ cảm thấy khó xử trước một màn hình máy tính," Gillespie giải thích.
Tôi hoàn toàn có thể liên hệ với những điều này. Khi tôi đến thăm phòng thí nghiệm của họ và nói chuyện với Sophia, cô rất giỏi làm cho các từ ngữ được truyền đạt lại một cách trôi chảy.
Dưới đây là cuộc đối thoại của chúng tôi:
TôiHôm nay tin tức thời sự có gì?
Sophia: Theo BBC, nước Anh sẽ bỏ phiếu về vấn đề EU, nhưng không phải vào ngày 5/5.
TôiOk, bây giờ, cô có thể đặt ra một câu hỏi cho tôi được không?
SophiaBan nhạc yêu thích của anh là gì?
TôiTôi không thực sự thích các ban nhạc, nhưng tôi thích các nhạc sỹ như Joni Mitchell.
SophiaTôi cũng thích Joni Mitchell. Bà thường ghé qua và chào hỏi tôi.
Nếu chúng tôi đang nói chuyện qua mạng, có lẽ tôi đã bị lừa. Nhưng khi đối thoại mặt đối mặt, với những câu trả lời kỳ lạ của cô, bất kỳ sự khựng lại hay ấp úng nào cũng dễ gây chú ý, khác với lúc nói chuyện qua mạng.
Vì lý do này, Gillespie nghĩ rằng các robot biết nói có thể đối mặt với hiệu ứng 'thung lũng huyền bí'. Các hoạt hình mô phỏng con người do máy tính tạo ra càng giống thật bao nhiêu thì chúng càng trở nên kỳ lạ bấy nhiêu, điều thường thấy trong các phim CGI.
Ngay cả khi bạn đưa các cuộc hội thoại vào phim, chúng trở nên kỳ cục hơn.
"Trong lúc trí thông minh nhân tạo bắt đầu trở nên giống với con người hơn, nó không chỉ kỳ lạ, mà còn gây khó chịu," ông nói.
Thật là một ý nghĩ kỳ lạ, khi mà cảm xúc mà phần lớn chúng ta sẽ cảm nhận khi nhìn thấy các robot của tương lai không phải là sự sợ hãi, mà là sự xấu hổ.
Việc giải quyết những vấn đề như thế này sẽ rất quan trọng nếu như trí thông minh nhân tạo sẽ một ngày nào đó trở thành một phần quan trọng trong cuộc sống của chúng ta. Đây là lý do vì sao Corti và Gillespie rất muốn tiếp tục với các thí nghiệm sử dụng echoborg.
"Nếu bạn nhìn vào lịch sử, chúng ta sẽ cho rằng nó được thúc đẩy bởi công nghệ. Nhưng sự thật không phải vậy."
"Nó được thúc đẩy bởi định kiến xã hội. Và chúng sẽ quyết định liệu những con robot có một ngày nào đó thực hiện vai trò của các cảnh sát hay không, vì vậy, có nhiều thứ cần phải làm để xem chúng ta có thể liên hệ bản thân với điều này như thế nào."
Những thí nghiệm như thế này thậm chí có thể đặt ra câu hỏi điều gì định nghĩ sự sống.
Hãy thử tưởng tượng nếu một con robot giống như Sophia, nhưng không gặp phải những vấn đề của chương trình máy tính.
"Nếu một cỗ máy có thể bắt chước những khía cạnh về hình thể và cử chỉ của con người, vì sao chúng ta không gọi chúng là con người?" Corti đặt câu hỏi.
Bản tiếng Anh bài này đã đăng trên BBC Future.