„Hãy phân biệt và đồng hành với họ“

Người dịch: Phạm Hồng-Lam

Sau đây là bài nói chuyện của hồng i Schönborn OP, tổng giám mục giáo phận Wien nước Áo giới thiệu tông huấn „Amoris laetitia. Về tình yêu trong gia đình“ của giáo tông Phan-sinh trong cuộc họp báo tại Vatican  ngày 08.04.2016.



schonborn
Chiều tối ngày 13 tháng 3 năm 2013 những người trên công trường thánh Phê-rô và toàn thế giới nghe được lời chào đầu tiên của vị tân giáo tông Phan-sinh: „Buona sera. Cầu chúc mọi người một tối an lành“. Lời chào đơn sơ đó cũng là ngôn ngữ và lối viết của tông huấn mới đây của Giáo Tông. Bản văn không  ngắn gọn như lời chào đơn sơ đó, nhưng nó rất gần gũi với cuộc sống. Suốt 200 trang giấy giáo tông Phan-sinh nói „về tình yêu trong gia đình“, và ngài nói một cách rất cụ thể, đơn giản và đầy tâm huyết  như lời chào „Buona sera“ năm xưa. Đó là phong cách của ngài, và ngài muốn những gì trong cuộc sống phải được nói ra một cách thật gần gũi với cuộc sống, nhất là những gì liên quan tới gia đình vốn là một trong những thực tại căn bản nhất của cuộc sống.

Phải nói ngay: các tài liệu của Giáo Hội thường thuộc loại văn chương ít ai thích đọc. Nhưng tông thư này thuộc loại dễ đọc. Và những ai chịu khó đọc, họ tất sẽ nhận ra nét cụ thể và gần gũi với đời sống của nó. Giáo tông Phan-sinh nói về gia đình một cách thật dễ hiểu, một điều hiếm thấy trong các văn bản giáo huấn của Giáo Hội.
Trước khi đi sâu vào bản văn, tôi muốn nói lên cảm nhận rất riêng của tôi, tại sao mình lại thấy vui, đầy tri ân và luôn bị cảm xúc mạnh khi đọc nó. Khi nói về hôn nhân và gia đình, trong Giáo Hội thường có khuynh hướng, có lẽ một cách vô thức, trình bày những thực tại này bằng hai mặt song song. Một mặt là những hôn nhân và gia đình „ổn định“, sống đúng luật, trong đó mọi thứ đều „đúng“ và „hợp“; mặt khác là những trường hợp „bất thường“, có vấn đề. Riêng chữ „bất thường“ cũng đủ tạo cho ta có cảm giác, sự phân biệt này hẳn chẳng sai chạy vào đâu nữa.
Như vậy những ai ở về phía „bất thường“ buộc phải sống khác với kẻ „đúng đắn“ của phía bên kia. Thật đau khổ cho những ai xuất thân từ các gia đình có anh em khác cha khác mẹ, như hoàn cảnh của chính tôi. Lối nói của Giáo Hội trong trường hợp này có thể gây thương tổn, ngay cả tạo cho người ta có cảm giác bị loại trừ.
Giáo tông Phan-sinh đã viết tông thư của mình với phương châm: „Làm sao để hội nhập được tất cả mọi người“ (AL 297). Vì đó là một lối nhìn căn bản của Tin Mừng: Tất cả chúng ta đều cần tới lòng thương xót! „Ai trong các ngươi vô tội, hãy ném đá người này trước đi“ (Ga 8,7). Mọi người, dù đang ở trong hoàn cảnh hôn nhân và gia đình nào, đều đang trên đường. Cả một hôn nhân, trong đó mọi thứ đều „đúng“, cũng đang trên đường. Hôn nhân đó phải lớn lên, phải học hỏi, phải vượt qua nhiều chặng đường. Nó có thể kinh qua tội lỗi và thất bại, cần thứ tha và bắt đầu lại, và điều này tái diễn mãi cho tới lúc già (xem AL 134).
Giáo tông Phan-sinh đã thành công tiếp cận được mọi hoàn cảnh thực sự, mà không lập danh mục và không xếp hạng chúng. Ngài đón nhận tất cả và trao tặng cho họ „niềm vui Tin Mừng“ với một tấm lòng đại độ, một cái gì đó như trái tim của Thiên Chúa, như đôi mắt của đức Giê-su, một trái tim và đôi mắt không loại trừ bất cứ ai (xem AL 291). Vì thế, đọc  Amoris Laetitia giúp mình thoải mái dễ chịu. Không ai phải tự lên án mình, không ai cảm thấy bị khinh rẻ. Trong không khí cảm thấy mình được chấp nhận đó, quan điểm ki-tô giáo về hôn nhân và gia đình trở thành lời mời gọi, sự khích lệ và niềm vui; đó là thứ tình yêu đáng cậy và nó thật tâm chẳng loại trừ một ai cả.
Vì thế đối với tôi AL trước hết và trên hết là một „biến cố ngôn ngữ“, cũng giống như tông thư „Evangelium Gaudium“ trước đây. Có một chút gì đã thay đổi trong lối nghị luận của Giáo Hội. Sự biến đổi ngôn ngữ này chúng ta đã cảm nhận được trong các cuộc họp thượng hội đồng vừa qua. Giữa hai cuộc họp hội đồng tháng 10 năm 2014 và tháng 10 năm 2015 ngôn từ đã trở nên tôn trọng nhau hơn, các hoàn cảnh sống khác nhau đã được chấp nhận với thái độ cởi mở hơn, không xét đoán và kết án ngay. Ngôn ngữ này trải dài trong suốt AL. Nó dĩ nhiên không chỉ mang tính chất ngữ học, mà còn nói lên một sự tôn kính sâu xa trước mỗi con người vốn là một nhân vị không thể nào nhầm lẫn được; con người này có một lịch sử và con đường đi cùng với Chúa và hướng tới Chúa riêng, chứ nó chẳng bao giờ tiên vàn là một „trường hợp có vấn đề“ trong một „hạng loại“ nào đó. Giáo tông Phan-sinh nói trong Evangelium Gaudium, chúng ta phải „cởi giày ra trước đất thánh của người khác“ (EG 36).
Thái độ đó toát ra trong suốt bản văn AL. Nó cũng là cái nền sâu xa của hai từ khoá: phân biệt và đồng hành. Nó không những áp dụng cho „những trường hợp gọi là bất thường“ (giáo tông Phan-sinh nhấn mạnh tới chữ „gọi là!“), nhưng cho mọi người, mọi hôn nhân, mọi gia đình. Bởi vì tất cả đều đang trên đường lữ hành và tất cả đều cần tới sự „phân biệt“ và „đồng hành“.
Tôi rất mừng, vì tài liệu này đã vượt qua được sự phân chia giả tạo, bề ngoài và chi li giữa cái „thường“ và „bất thường“ một cách dứt khoát và đưa tất cả vào trong cái yêu sách chung của Tin Mừng, dựa theo lời của thánh Phao-lô: „Thiên Chúa đã giam hãm mọi người trong tội không vâng phục, để thương xót mọi người“ (Rom 11,32).
Nguyên tắc ôm trọn tất cả này, dĩ nhiên, làm cho nhiều người âu lo. Phải chăng đây là ngôn ngữ của chủ nghĩa tương đối? Phải chăng lòng thương xót thường được nói tới kia hoá ra sự tuỳ tiện? Còn đâu sự sáng tỏ và lằn ranh không được phép vượt qua, còn đâu những hoàn cảnh rõ ràng bất thường và thậm chí sai trái? Phải chăng tông huấn mở đường cho hươu chạy, để rồi sao cũng được (everything goes)? Phải chăng lòng thương xót của đức Giê-su chẳng nghiêm khắc đòi hỏi  phải nỗ lực? Để làm sáng tỏ: Giáo tông Phan-sinh không dấu í định của ngài và trách nhiệm của chúng ta:
„Là Ki-tô hữu, chúng ta không được từ chối nói tốt cho hôn nhân, chỉ để tránh việc đi ngược lại với cảm nhận thời đại, để được sống đúng mốt hoặc vì mặc cảm tự ti trước sự suy vong của đạo đức và con người. Chúng ta cần giữ cho thế giới những giá trị mà chúng ta có thể và phải góp phần. Đúng, chỉ có lên án cái xấu hiện tại, mà ta tưởng như thế là có thể thay đổi được nó, thì chẳng ích gì. Cũng chẳng đi đến đâu, nếu chỉ muốn dùng quyền uy để bắt người ta giữ luật. Chúng ta cần sự dấn thân đầy trách nhiệm và độ lượng hơn, bằng cách chỉ ra những nguyên do và động cơ biện hộ cho hôn nhân và gia đình, để qua đó con người sẵn sàng chấp nhận ân sủng mà Thiên Chúa muốn ban cho họ“ (AL 35).
Giáo tông Phan-sinh xác tín rằng, ngày nay hôn nhân và gia đình theo quan niệm ki-tô giáo vẫn có hấp lực bất biến của nó. Nhưng ngài đòi hỏi một sự tự phê rõ ràng: „Đồng thời chúng ta phải khiêm tốn và thực tế công nhận rằng, cách chúng ta giới thiệu các giáo huấn ki-tô giáo và cách chúng ta đối xử với con người đôi khi đã góp phần tạo nên những khiêu khích, mà chúng ta ngày nay đang phải than phiền“ (AL 36). „Nhiều khi chúng ta đã trình bày một lí tưởng hôn nhân quá trừu tượng, được xây dựng gần như giả tạo và quá xa rời với hoàn cảnh cụ thể cũng như với những khả thể thực sự của các gia đình trong hiện thực. Việc lí tưởng hoá cường điệu đặc biệt xẩy ra, khi nó không đánh thức con người tin tưởng vào ân sủng; nó không làm cho hôn nhân trở nên lôi cuốn và đáng nỗ lực vươn tới, nhưng lại tạo ra điều hoàn toàn trái ngược“ (AL 36).
Tôi muốn kể ở đây một kinh nghiệm về lần họp thượng hội đồng trong tháng 10 vừa qua: Theo chỗ tôi biết, hai trong mười ba „tiểu tổ công tác“ (Circuli minores) đã bắt đầu sinh hoạt của mình bằng cách yêu cầu tất cả các thành viên trong tổ kể về hoàn cảnh gia đình họ. Qua đó cho thấy, là gần như tất cả các giám mục hoặc các thành viên khác trong nhóm đều đã phải đối diện với những đề tài, những âu lo và những „bất thường“ ngay trong gia đình mình, những thứ mà chúng tôi trong nghị hội đã thường đề cập tới một cách quá ư là trừu tượng. Giáo tông Phan-sinh mời gọi tất cả chúng ta nói về gia đình mình như nó „hiện đang là“. Và đây là thành tựu to lớn của con đường thượng hội đồng mà giáo tông Phan-sinh đang thực hiện: Cái hiện thực khô khan về gia đình như nó „hiện đang là“ hoàn toàn không khiến chúng ta ngảnh mặt lại với hôn nhân lí tưởng! Trái lại: Giáo tông Phan-sinh đã thành công cùng với việc làm của hai lần hội đồng giúp chúng ta có một cái nhìn tích cực, tràn đầy hi vọng về gia đình. Nhưng cái nhìn hi vọng về gia đình đó đòi hỏi phải có một định hướng mới về mục vụ, định hướng đó đã được trình bày thật ấn tượng trong Evangelium Gaudium. Đoạn sau đây của AL (số 37) cho thấy những đường nét chính của định hướng mục vụ mới đó (EG 25):  
 „Từ lâu chúng ta tin rằng, chỉ cần bám trụ vào những câu hỏi tín lí, đạo đức sinh học và luân lí mà chẳng kêu gọi tín hữu mở lòng ra cho ơn sủng, vốn là thứ có sức nâng đỡ đầy đủ các gia đình, thắt chặt các đôi vợ chồng và đổ đầy í nghĩa cho cuộc chung sống của họ. Chúng ta gặp khó khăn trong việc trình bày hôn nhân trước hết như là một con đường phát triển và hoàn thiện năng động, chớ không hẳn là một gánh nặng phải chịu đựng suốt đời. Chúng ta cũng gặp khó khăn trong việc mở rộng không gian cho lương tâm của người tín hữu; lương tâm này nhiều khi đã giúp họ trong chừng mực nào đó có thể sống xứng hợp với Tin Mừng giữa những hạn chế cuộc đời và giúp họ phát triển khả năng phân biệt của mình trước những hoàn cảnh, trong đó mọi khuôn mẫu sẵn có đã vỡ đổ. Chúng ta được kêu gọi đào tạo lương tâm, chứ không có quyền thay thế lương tâm của tín hữu“ (AL 37).
Giáo tông Phan-sinh tin tưởng nơi tâm hồn và ước vọng của con người. Điểm này tỏ hiện cách thật đẹp qua các trình bày của ngài về việc giáo dục. Nơi đây chúng ta nhận ra truyền thống dòng tên về việc giáo dục đào tạo tinh thần tự trách nhiệm. Ngài nói tới hai nguy cơ trái ngược nhau: thái độ thả mặc (Laissez-faire) và nỗi ám ảnh muốn kiểm soát và chế ngự mọi thứ. Một đàng: „Gia đình luôn phải là chỗ chở che, đồng hành và hướng dẫn… Luôn cần phải có sự giám sát. Thả mặc cho con cái là điều chẳng bao giờ tốt cả“ (AL 260).
Nhưng sự cảnh giác cũng có thể trở nên quá đáng: „Âu lo thái quá không có tác dụng giáo dục và người ta không thể kiểm soát được mọi hoàncảnh, trong đó đứa trẻ đang rơi vào… Khi một người cha lúc nào cũng muốn biết con trai mình đang ở đâu và muốn kiểm soát mọi cử động của nó, ông ta như vậy sẽ cố tìm cách chế ngự không gian của đứa con. Với cách này, ông không giáo dục con, không giúp nó lớn mạnh và không chuẩn bị cho nó khả năng đối phó lại với những thách đố. Điều cần nhất là ông dành cho con nhiều tình thương, để qua đó mở ra cho nó những cơ hội trưởng thành về tự do, khả năng, trí tuệ và về việc tự lập thực sự“ (AL 261). Tôi thấy những tư tưởng về giáo dục này rõ ràng có thể áp dụng cho đường lối mục vụ của Giáo Hội. Là vì chính trong í nghĩa này mà giáo tông Phan-sinh luôn nói tới việc tin tưởng vào lương tâm của tin hữu: „Chúng ta được mời gọi đào tạo lương tâm, chứ không có quyền thay thế nó“ (AL 37). Câu hỏi quan trọng là: Lương tâm sẽ được đào tạo nên như thế nào? Làm sao để đạt tới từ ngữ khoá của toàn bộ văn kiện quan trọng này, chìa khoá để hiểu đúng sự mong muốn của giáo tông Phan-sinh: „sự phân biệt cá nhân“, đặc biệt trong những hoàn cảnh khó khăn và phức tạp? Sự phân biệt là một khái niệm nền tảng trong linh thao của thánh I-nhã. Bởi vì nó giúp ta phân biệt được í muốn của Thiên Chúa trong những hoàn cảnh sống cụ thể. Khả năng phân biệt là một thành tố của nhân cách trưởng thành, và con đường ki-tô giáo hẳn giúp cho sự trưởng thành của nhân cách: Không trở thành những người máy được điều khiển từ xa, mà thành những con người trưởng thành trong tình bạn với đức Ki-tô. Chỉ ở đâu có được khả năng phân biệt cá nhân, ở đó cũng có thể nẩy sinh „sự phân biệt mục vụ“, một sự phân biệt đặc biệt quan trọng „trước những hoàn cảnh không hoàn toàn tương ứng với những gì Chúa Ki-tô uỷ thác cho chúng ta“ (AL 6). Chương 8 bàn về „sự phân biệt mục vụ“ này, chương có lẽ không những công luận trong Giáo Hội mà cả các phương tiện truyền thông cũng quan tâm nhất.
Nhưng tôi phải nhắc rằng, giáo tông Phan-sinh coi chương 4 và 5 là hai chương căn bản, không chỉ vì í nghĩa địa lí mà còn vì chính sự việc: „Là vì chúng ta không thể cổ võ tín hữu bước vào con đường chung thuỷ và hiến thân cho nhau, nếu chúng ta không khuyến khích họ trưởng thành, gắn bó và đào sâu tình yêu hôn nhân và gia đình“ (AL 89). Hai chương căn bản của AL này có thể nhiều người sẽ bỏ qua, để đi ngay vào cái gọi là „cục sắt nóng“, vào các điểm phê phán. Là nhà sư phạm có kinh nghiệm, giáo tông Phan-sinh biết rõ, là chẳng có gì lôi cuốn và thúc đẩy mạnh cho bằng kinh nghiệm tích cực về tình yêu. Giáo tông Phan-sinh rất thích „nói về tình yêu“ (AL 89), và ngài nói về nó cách thật sống động, rõ ràng, truyền cảm. Chương 4 là một bình luận đầy đủ về „Bài ca đức Ái“ trong 1 Cor 13. Theo ngài, tất cả mọi người đều quan tâm suy tư những trang này. Chúng khuyến khích ta tin vào tình yêu (xem 1 Ga 4,16) và tin tưởng vào sức mạnh của nó. Ở đây nổi lên một từ khoá nữa của AL: lớn lên: Không đâu rõ như trong tình yêu; đây là một diễn tiến năng động, trong đó tình yêu lớn lên, nhưng đồng thời nó cũng có thể chai cứng. Tôi chỉ muốn mời gọi mọi người hãy đọc và thưởng thức chương ngọt ngào này! Tôi muốn được nhắn riêng về một khía cạnh: Bằng một ngôn ngữ rõ ràng hiếm có, giáo tông Phan-sinh nói về phần passiones, về những đam mê, những xúc cảm, về ái tình xác thịt (Eros), về dục tính trong tình yêu gia đình. Chẳng phải là vô tình, khi giáo tông Phan-sinh liên hệ ở đây cách mật thiết với thánh Toma ở Aquino. Thánh nhân là người đặt cho các passiones một vai trò rất quan trọng, trong khi nền đạo đức tân thời vốn hay mang khuynh hướng thanh giáo (puritanisch) thường biến nó ra xấu và lơ là nó. Chương này mở ra í nghĩa trọn vẹn cho đề tựa của tông thư: Amoris laetitia! Nó cho ta biết làm sao có thể „khám phá được kho tàng hôn nhân“ (AL 205). Nhưng ở đây cũng cho thấy nỗi đau của một tình yêu bị thương tổn, của những kinh nghiệm thất bại trong các quan hệ. Vì thế chẳng lạ gì sự quyến rũ đặc biệt của chương VIII. Bởi vì đối với nhiều người, cách ứng xử của Giáo Hội trước những tổn thương và trước sự thất bại trong tình yêu trở thành câu hỏi thách đố: xem Giáo Hội có thật sự là nơi thể hiện lòng thương xót của Thiên Chúa không.
Chương này hình thành nhờ sự làm việc cật lực của hai thượng hội đồng, nhờ sự thảo luận phong phú trong Giáo Hội và trong công luận thế giới. Chương này cho thấy sự thành công trong cách tiếp cận của giáo tông Phan-sinh. Ngài thực  sự muốn có một cuộc thảo luận mở về việc đồng hành mục vụ trong các hoàn cảnh phức tạp, và ngài đã có thể dựa nhiều trên các bản văn của hai đại hội, để chỉ ra, đâu là cách „Giáo Hội có thể lưu tâm và ân cần đồng hành với những đứa con yếu đuối nhất, những đứa con đang phải đau khổ vì thương tích và mất mát tình yêu“ (AL 291).
Giáo tông Phan-sinh không ngần ngại lấy những phát biểu của hai thượng hội đồng đưa vào thư của ngài: „…các nghị phụ đã đi đến một quan điểm chung, tôi tán đồng quan điểm này“. Liên quan tới những người li dị tái hôn phần đời, ngài nói: „Tôi chia sẻ những lo ngại của một số nghị phụ; các ngài muốn nhắc nhở rằng (…). Cái âu lo nhất của các ngài trong việc đồng hành mục vụ là sự hội nhập trong cộng đoàn… Cần phải làm sao để họ không chỉ cảm thấy mình bị loại trừ, song có thể sống và trưởng thành như những chi thể sống động trong Giáo Hội, khi họ cảm thấy Giáo Hội là người mẹ luôn luôn chấp nhận họ..“ (AL 299). 
Vậy cụ thể phải làm gì? Đó là câu hỏi hợp lí của nhiều người.
Những phát biểu quyết định về vấn đề này nằm nơi AL số 300. Chắc chắn đây là chất liệu cho những tranh luận tiếp. Nhưng chúng cũng là một giải thích và là bảng chỉ đường quan trọng dẫn vào con đường thứ hai. Trước hết là một giải thích: „Vì phải phân biệt vô số những hoàn cảnh cụ thể (…), nên ta có thể hiểu rằng, không thể nào chờ đợi nơi các thượng hội đồng hay nơi tông thư này một lời giải mới mang tính giáo luật chung có thể áp dụng cho mọi trường hợp“ (AL 300). Nhiều người chờ đợi một quy tắc mới như thế. Họ sẽ phải thất vọng. Vậy đâu là điều có thể làm? Giáo Tông nói rất rõ: „Chỉ có thể lại khuyến khích các chủ chăn trong khi làm mục vụ là hãy cố gắng tự mình phân biệt một cách có trách nhiệm từng trường hợp một.“
Việc phân biệt cá nhân và mục vụ này diễn ra như thế nào, đó là đề tài của AL từ  số 300 tới 312. Ngay từ thượng hội đồng 2015 nhóm làm việc tiếng Đức đã đề ra một lộ trình phân biệt dựa trên lương tâm, và giáo tông Phan-sinh đã lấy lại những đề nghị này. [Hồng i Baldisseri đã tóm tắt lộ trình đó lại thành sáu điểm]. „Đấy là lối đồng hành và phân biệt hướng các tín hữu này biết trải hoàn cảnh của mình ra trước mặt Thiên Chúa một cách có í thức.“ Nhưng giáo tông Phan-sinh cũng nhắc nhở: „…khi phân biệt, không bao giờ được bỏ qua những đòi hỏi của sự thật và bỏ qua tình yêu của Tin Mừng, những thứ vốn được Giáo Hội dạy bảo“ (AL 300).
Giáo tông Phan-sinh nói tới hai thái độ sai: Một là chủ trương khắt khe: „Vì thế, trước những tín hữu sống trong hoàn cảnh „bất thường“, người chủ chăn không được bằng lòng với việc chỉ biết có lề luật đạo đức mà thôi, cứ như đó là những tảng đá mà người ta ném xuống trên cuộc sống con người. Đấy là trường hợp của những trái tim khép kín, chúng còn tìm cách nấp vào sau những giáo huấn của Giáo Hội“ (AL 305). Mặt khác Giáo Hội nhất quyết cũng không được phép „từ chối nói ra lí tưởng trọn vẹn của hôn nhân, nói ra cái chương trình cao cả của Thiên Chúa“ (AL 307).
Dĩ nhiên cũng sẽ có câu hỏi: Giáo Tông nói gì về việc những người sống trong hoàn cảnh „bất thường“ có được phép nhận các bí tích không? Trước đây giáo tông Biển-đức đã nói, chẳng có „toa thuốc đơn giản“ nào cả (AL 298, chú thích 333). Và giáo tông Phan-sinh nhắc lại việc cần thiết phải phân biệt từng hoàn cảnh dựa theo những tiêu chí trong tông huấn Familiaris Consortio (84) của giáo tông Gio-an Phao-lô II (AL 298). „Mục đích của sự phân biệt là giúp cho con người tìm ra câu trả lời thích hợp trước mặt Chúa và tìm ra con đường thích hợp để lớn lên trong những hạn chế của họ. Nếu chỉ biết có trắng hoặc đen mà thôi, thì đôi khi chúng ta đã chận nguồn ân huệ, cản lối trưởng thành và làm cho người ta nhụt chí tiến lên con đường thánh hoá ngợi khen Thiên Chúa“ (AL 305).  Và giáo tông Phan-sinh nhắc lại một câu rất quan trọng ngài đã viết trong Evangelii Gaudium 44: „Một bước tiến nhỏ giữa những hạn chế to lớn của con người có thể làm hài lòng Thiên Chúa hơn một cuộc sống bề ngoài đúng đắn với những ngày tháng chẳng gặp một chút khó khăn đáng kể nào.“ Trong í nghĩa của „con đường bác ái“ („via caritatis“  AL 306) này, giáo tông Phan-sinh đơn giản cho biết „trong một ghi chú“ (351), là có thể ban các bí tích cho „một số trường hợp nào đó“. Ở đây ngài không đưa ra một trường hợp cụ thể nào, không đưa ra một toa thuốc nào, mà chỉ đơn giản nhắc lại hai câu nổi tiếng của ngài: „Tôi nhắc nhở các linh mục không được biến toà giải tội thành một nơi tra tấn, mà phải biến nó thành chỗ thể hiện lòng thương xót của Chúa“ (EG 44) và: „Phép Thánh Thể, dù đó là đỉnh điểm của đời sống bí tích, không  phải là phần thưởng cho những ai toàn hảo, mà nó là phương tiện cứu rỗi độ lượng và là của ăn nuôi sống những ai yếu đuối“ (EG 47).
Phải chăng đó là một đòi hỏi quá đáng cho các vị chủ chăn, các linh hướng, cho cộng đoàn, khi „việc phân biệt các hoàn cảnh“ không được xác định rõ ràng hơn? Giáo tông Phan-sinh hiểu rõ nỗi âu lo đó: „Tôi hiểu những ai cần một mục vụ khắt khe, không để chỗ cho bất cứ một lầm lẫn nào“ (AL 308). Nhưng ngài không tán thành điều đó: „Chúng ta đặt ra cho lòng thương xót quá nhiều điều kiện, khiến chúng ta vừa làm nó rỗng ruột vừa muốn mang lại cho nó một í nghĩa cụ thể và thực tế, và đó là cách tồi nhất, để làm cho Tin Mừng bốc hơi“ (AL 311).
Giáo tông Phan-sinh tin tưởng vào „niềm vui tình yêu“. Niềm vui này biết tìm ra đâu là con đường phải đi. Nó là cái la-bàn chỉ cho ta hướng phải tới. Nó vừa là mục tiêu vừa là con đường, vì Thiên Chúa là tình yêu, và vì tình yêu xuất phát từ Thiên Chúa. Chẳng có gì đòi hỏi hơn tình yêu. Giá mua tình yêu không rẻ. Vì thế chẳng ai phải sợ giáo tông Phan-sinh với Amoris Laetitia sẽ dẫn mình vào một con đường quá đơn giản. Con đường đó không dễ. Nhưng tràn đầy niềm vui“.

Đăng trên Zenit ngày 8. April 2016
Người dịch: Phạm Hồng-Lam