Người dịch: Phạm Hồng-Lam
Hồng i Walter Kaspar, 83, cựu bộ trưởng Bộ Đại Kết Tôn Giáo, là một trong những nhà thần học nổi tiếng phóng khoáng tại Roma và là kẻ đứng mũi chịu sào cho giáo tông Phan-sinh trong cuộc tranh luận về đạo đức hôn nhân và tính dục. Nhiều giám mục và hồng i, đặc biệt từ Hoa-kì, đổ cho ngài tội mở đường cho hươu chạy. Các nhà sách công giáo tại Mĩ tẩy chay sách của giáo sư Kaspar. Dưới đây là cuộc trao đổi với ngài về tông huấn „Amoris Laetitia“ và về lí do tại sao giáo chủ Phan-sinh đặt nặng sự tự do lương tâm của tín hữu. Người phỏng vấn: Evelyn Finger, chủ biên mục „Đức Tin & Hoài Nghi“ trên tuần báo Die Zeit, Đức, số 17 tháng 4.2016.
Kaspar: Được chứ. Các hồng i chúng tôi không phải tự nhiên từ trời rơi xuống. Chúng tôi có cha mẹ, anh chị em, các cháu – và tự bản thân hiểu rằng: chẳng có gia đình nào gọi là lí tưởng cả. Gia đình nào cũng rơi vào tình trạng được giáo luật gọi là „những hoàn cảnh bất thường“. Gia đình tôi tương đối nhỏ, vì một cô em không lập gia đình và một bà chị cũng không có con. Lúc này tôi đang buồn vì cô em vừa mất. Đối với các linh mục chúng tôi thì gia đình có một vị trí đặc biệt quan trọng, nó là chỗ dựa cho chúng tôi.
Die Zeit: Từ 17 năm nay ngài sống tại Roma. Ngài liên lạc với gia đình thế nào?
Kaspar: Chúng tôi gọi điện thoại và gởi điện thư cho nhau. Trong các dịp hè tôi luôn luôn về nghỉ tại căn nhà của bố mẹ tôi ở Allgäu. Ở đó đượm cái không khí thân mật, mà ai cũng cần: đó là một gia đình tốt, nhưng không thánh thiện.
Die Zeit: Giáo Tông muốn đổi mới đạo đức hôn nhân và đạo đức tình dục trong đời sống giáo hội. Ngài được Giáo Tông giao nhiệm vụ đưa ra những đề nghị cải tiến – và cũng vì vậy mà bị đòn. Toàn bộ cuộc tranh cãi nổ ra cách đây hai năm với bài thuyết trình của ngài trước các hồng i.đang họp tại Roma. Chuyện ấy ra sao?
Kaspar: Giáo Tông gọi điện cho tôi: „Giáo tông Phan-sinh đây! Ông có thể tới gặp tôi không?“ Thế là tôi tới.
Die Zeit: Ngài ở bên ngoài thành Vatican, cách xa chỗ ở của Giáo Tông chỉ năm phút đi bộ.
Kaspar: Ngài muốn muốn tôi thuyết trình trước nghị hội các hồng i. Nhưng ngài không muốn tôi nói chuyện trừu tượng, không muốn nghe gì về chuyện giáo huấn, nhưng muốn có một bài nói về mục vụ, mà ngài gọi là về: Tin Mừng của gia đình. Giáo tông Phan-sinh cũng kể cho tôi nghe về gia đình ngài và về công tác linh hướng gia đình của ngài ở Á-căn-đình.
Die Zeit: Cả hai đồng í với nhau ngay về đề tài?
Kasper: Chúng tôi không chỉ muốn than vãn với nhau về sự thiếu ăn khớp giữa giáo huấn của Giáo Hội và cuộc sống đức tin của nhiều tín hữu, nhưng muốn nói: Giáo huấn đã trở nên xa lạ đối với cuộc sống thực tế của nhiều người. Chúng ta phải phản ứng trước sự kiện này. Chỉ biết ca ngợi mô hình lí tưởng của gia đình cũ thì không đủ. Sau đó tôi tới thăm Giáo Tông một lần nữa, để nói về những người li dị tái hôn.
Die Zeit: Ngài đã đưa ra những đề nghị cho phép họ được rước lễ. Điểm này sau đó trở thành nguyên nhân bất hòa trong cuộc thượng hội đồng giám mục. Í kiến của giáo tông Phan-sinh thế nào?
Die Zeit: Tôi đã không hỏi ngài phải giải quyết vấn đề như thế nào. Quả là bất kính, nếu ta đặt cho Giáo Tông những yêu sách. Và ngài để tôi tự do nói. Tôi chỉ muốn biết, ngài có muốn bàn tới đề tài gay go đó không, và ngài muốn.
Die Zeit: Ngài có sợ nói đề tài đó trước các hồng i không?
Kasper: Không. Tôi đã đọc nhiều, đã tham khảo nhiều đồng nghiệp trong các bộ, đã hỏi các linh mục linh hướng – và đã cầu nguyện. Tôi rất an tâm khi nói. Xem ra Giáo Tông hài lòng bài nói chuyện của tôi.
Die Zeit: Giáo tông Phan-sinh khen bài của ngài, dù Vatican muốn giữ kín, không cho phổ biến nó ra ngoài. (Bài này thật ra là bản tóm tắt của một cuốn sách mỏng nói về lòng thương xót của Chúa đã được Kaspar cho phát hành rộng rãi sau đó. Người dịch) – Phần ngài, ngài có hài lòng về tông huấn Amoris Laetitia không?
Kaspar: Tôi rất hài lòng. Bởi vì tài liệu này chẳng có chút gì mang tính giáo điều cả, song quả rất đầy tính tâm linh và hợp Kinh Thánh. Tôi thích nhất là phần quảng diễn về bài ca đức ái bằng một ngôn ngữ mà ai cũng hiểu. Bản văn thật hay.
Die Zeit: Có chút gì thay đổi không?
Kaspar: Giáo Tông chẳng thay đổi một giáo huấn nào cả, nhưng đồng thời ngài đã thay đổi mọi thứ. Giáo Hội không lên án con người. Giáo Hội nhìn từng trường hợp, dùng ánh sáng Tin Mừng để phân biệt chúng và rồi lấy xót thương để đồng hành với con người. Lòng thương xót không triệt tiêu giáo huấn; nó làm cho giáo huấn nên phù hợp với Tin Mừng. Như vậy, giáo tông Phan-sinh đã làm mới lại một truyền thống xưa cũ có nền tảng nơi thánh Tô-ma ở Aquino. Ngài muốn có lại được tính cách công giáo thực sự thay cho những diễn giải quá ư sít sao của Giáo Hội. Ở đây, tự do lương tâm cũng là một yếu tố. Giáo Hội không thể thay thế lương tâm con người, Giáo Hội phải khuyến khích nó.
Die Zeit: Những người chủ trương tự do cho rằng, tông huấn đã tiến không đủ xa. Phía bảo thủ thì nói, nó đã tháo gỡ hết mọi rào cản.
Kaspar: Nói bậy. Giáo tông Phan-sinh đã lấy lại những yếu tố rõ ràng từ Kinh Thánh, trong đó con người đã kinh qua đủ thứ thành công lẫn thất bại. Phan-sinh dạy, phải lấy lòng tư bi mà đối xử với các hoàn cảnh. Ngài đòi hỏi phải cần thêm hiểu biết và cảm thông trong lối giải quyết. Đó là một lối nhìn mới. Lối nhìn giải thoát.
Die Zeit: Một số nhà bình luận cho rằng, Phan-sinh phải sửa đổi giáo huấn. Ngài hẳn đã sửa đổi?
Kaspar: Không. Ngài không thể sửa đổi Tin Mừng. Giáo huấn phản ảnh những khía cạnh của Tin Mừng, nhưng mỗi giáo huấn có một mức độ chắc chắn khác nhau. Chẳng hạn giáo huấn về hôn nhân, nó mang tính trói buộc. Dù vậy, hôn nhân vẫn đổ vỡ. Chúng ta phải nâng đỡ những ai gặp đổ vỡ tính yêu và đang đau khổ vì nó.
Die Zeit: Giáo Tông nói gì về những người li dị?
Kasper: Giáo Hội cần phải cố vấn giúp đỡ họ trong những hoàn cảnh quá khó khăn. Nhưng có những trường hợp không thể nào giúp đỡ được nữa bằng lí lẽ. Giáo Tông nói rõ, những người li dị , kể cả những người li dị tái hôn, đều thuộc vào Giáo Hội và phải tìm mọi cách đưa họ vào trong cuộc sống của Giáo Hội. Ngài không nói, tất cả họ đều được phép rước lễ. Nhưng ngài cũng không loại trừ tất cả mọi trường hợp. Vấn đề là phải xét và phân biệt từng trường hợp. Ngài giải thích, bí tích Thánh Thể không phải là phần thưởng cho những người đặc biệt đạo đức, nhưng nó là của ăn đường cho những người tội lội, nghĩa là của tất cả chúng ta.
Die Zeit: Tông huấn còn có những đoạn nóng bỏng hơn. Chúng cũng nói đến chuyện nhiều tín hữu trẻ sống chung không cưới và họ chẳng màng gì tới các cuộc tranh luận về li hôn.
Kaspar: Cô muốn nói tới luật tiệm tiến, nhưng ở đây không được hiểu lầm là sự tiệm tiến của luật. Luật tiệm tiến bảo rằng, chúng ta chỉ có thể tuân giữ Lời Chúa từng bước một và mỗi bước lại đạt được một chút tích cực hơn. Cả ngoài hôn nhân cũng có thể có sự sống chung gắn bó, có tình yêu, có ân cần và chung thuỷ. Giáo Tông nói, chúng ta phải kính trọng những thực tế đó. Cần công nhận những gì tốt đẹp và tiếp tục hướng dẫn con người trên bước đường của họ.
Die Zeit: Nhưng chính Giáo Tông cũng phê bình nặng nề những linh mục chỉ biết có nguyên tắc mà thôi.
Kasper: Ngài cực lực chống lại chủ trương cứng nhắc, chỉ biết ngồi trên toà đạo đức mà phán xét và dùng phán xét này như là những tảng đá ném xuống người khác. Với Giáo Tông, sự khắt khe đó là dấu hiệu con tim đóng kín. Với Phan-sinh, và cả trước đây nơi thánh Tô-ma ở Aquino, nhân đức nằm ở chỗ trung dung. Cũng vì thế mà ngài bảo, không được biến toà giải tội thành nơi tra tấn. Nói như thế là quá nặng. Nhưng đúng như vậy. Trước kia, tôi đã thấy có những người khóc ròng khi rời toà giải tội, vì họ bị tra khảo về sự chung thuỷ của mình. Giáo Tông muốn các linh mục kính trọng các quyết định theo lương tâm của các tín hữu. Đức Giê-su là một quan toà đầy lòng thương xót, chứ không phải là người công tố quyết ăn thua đủ. Lòng thương xót của Người không phải là sự dễ dãi, nhưng nó hướng con người về đàng lành. Nhưng không với lối chỉ tay, mà bằng đôi tay mở rộng.
Die Zeit: Phải chăng điều đó mang tính cách mạng?
Kaspar: Ấy! Tôi chẳng thú vị gì dùng từ này. Cách mạng nghe ra sắt máu. Đập đổ tất cả rồi sau đó lại hỗn loạn hơn trước. Giáo tông Phan-sinh muốn đổi mới trên nền tảng Tin Mừng. Ngài là một người đổi mới.
Die Zeit: Giáo Tông có đưa ra những quy điều mới gì cho những người đồng tính?
Kaspar: Thượng hội đồng chỉ bàn chuyện gia đình. Việc sống chung đồng tính không thuộc đề tài đó nên đã không được hội nghị bàn đến. Nhưng Giáo Tông chống lại việc kì thị và chế tài họ. Ngài không đi vào những vấn nạn đạo đức riêng rẽ, nhưng cũng không kết án lương tâm của từng người trước mặt Thiên Chúa.
Die Zeit: Một sự tự do như thế có còn là công giáo nữa không?
Kaspar: Lạy Chúa tôi! Sự tự do của Ki-tô hữu bắt nguồn từ tông đồ Phao-lô và như vậy nó dĩ nhiên là công giáo. Cả Luther trước đây cũng không giảng về một sự tự chủ hoàn toàn của con người, mà giảng về sự tự do được gắn bó bởi Lời Chúa. Về điểm này chúng tôi và Tin Lành chẳng có gì khác nhau. Chúng tôi phải cùng nhau bảo vệ sự tự do này. Tự do lương tâm chẳng phải là con đường dễ dãi, nhưng nó đòi hỏi nhiếu hơn. Nhiều người cho rằng, họ có tự do, khi cuộc sống của họ không bị ràng buộc gì cả. Như thế là lầm. Tình yêu không thể thành tựu được bằng cách đó.
Die Zeit: Tôi muốn trở lại với đề tài khó chịu. Tông huấn có làm thay đổi chút gì cho các đôi đồng tính? Nó có làm thay đổi chút gì về việc ngừa thai và phá thai?
Kaspar: Một lần nữa: Đồng tính không phải là đề tải của thượng hội đồng. Nhưng Giáo Tông đòi hỏi rõ ràng: phải tôn trọng họ. Đó là một tiến bộ lớn. Phá thai là giết chết sự sống con người. Giới răn của Chúa không cho phép chúng ta chấp nhận điều đó. Tuy nhiên tội chủ quan ta có thể thẩm xét tùy từng trường hợp khác nhau. Thường thì những bà mẹ này đã gặp những hoàn cảnh khó xử, họ gần như suốt đời bị dằn vặt khi làm chuyện đó, vì thế họ cần sự hướng dẫn đầy cảm thông. Nếu hối cải, tội của họ có thể được tha. Còn việc ngừa thai: Giáo Tông nói rất rõ về việc mang thai có trách nhiệm. Nhưng ngài không đề cập gì tới các phương pháp ngừa thai. Đó cũng là điểm mới.
Die Zeit: Tại sao phía bảo thủ đòi phải có những điều lệ rõ ràng?
Kasper: Vì tự do làm cho người ta sợ. Việc tự quyết định trong vấn đề yêu đương không phải là chuyện dễ dàng nhất.
Die Zeit: Vì những đề nghị cởi mở của ngài về gia đình mà ngài đã bị báo chí và các hồng i khác tấn công. Ngài có buồn chuyện đó không?
Kaspar: Tôi hơi khó chịu, khi có những phản ứng thật sự chướng tai trên các hệ thống truyền thông. Và tôi đã nói với Giáo Tông: Thưa đức Thánh Cha, lúc này có quá nhiều chỉ trích. Ngài trả lời: Vâng, vâng, tôi biết. Tôi hỏi ngài: Tôi phải làm sao bây giờ? Câu trả lời của ngài: Ông là một người chủ trương phân biệt, ông có tự do. Sau đó tôi hoàn toàn an tâm trở lại. Ngài muốn Parrhesia, nghĩa là sự thẳng thắn. Tâm tôi lại thanh thản.
Die Zeit: Ngài có nghĩ là có những hồng i sẽ viết bài hoặc sách để chống lại các quan điểm của ngài không?
Kasper: Ước chi trước khi viết hoặc phổ biến, các tác giả nên trao đổi với tôi trước, để xem những gì tôi viết có hợp với Kinh Thánh không đã. Là một giáo sư, tôi vẫn quen tranh luận. Chỉ qua tranh luận người ta mới làm sáng tỏ được những vấn đề khó khăn. Tôi cũng không có í đưa quan điểm riêng của mình thành quan điểm chung của Giáo Hội. Không phải tôi, mà thượng hội đồng là kẻ quyết định.
Die Zeit: Và từ đó ngài không cho ai phỏng vấn mình nữa.
Kaspar: Tôi không muốn gây khó chịu thêm cho người khác. Thượng hội đồng không phải là một quốc hội, mà với một đa số nhỏ họ cũng có thể quyết định. Về những vấn đề liên quan tới đức tin trong Giáo Hội chúng ta cần có một sự đồng thuận lớn. Các giám mục có trách nhiệm tạo thống nhất. Vì thế tôi cố gắng làm sao cho có được sự đồng thuận trên nền tảng của Tô-ma ở Aquino, nhà thần học được mọi người trong Giáo Hội công nhận. Nhóm làm việc tiếng Đức trong hội đồng cũng đồng í như vậy – với những nhân nhượng và bổ sung từ mọi phía. Và chúng tôi đã đưa đề nghị của mình vào khoáng đại hội nghị.
Die Zeit: Báo chí í-đại-lợi coi đây là một „thắng lợi của Đức“. Rồi Giáo Tông viết Amoris Laetitia như thế nào?
Kaspar: Giáo Tông kể cho tôi, ngài đã bắt đầu viết sau kì thường hội đồng thứ nhất vào mùa thu năm 2014 và đã tiếp tục viết sau kì hội đồng 2015. Ngài đã giữ đúng quan điểm trong bản tuyên bố kết thúc của thượng hội đồng – nhưng đã làm cho nó phong phú và sâu sắc thêm. Tôi không biết có ai cố vấn cho ngài không. Nhưng đọc Amoris Laetitia thì đúng là văn phong và suy nghĩ của ngài.
Người dịch: Phạm Hồng-Lam