Hoàng Ngọc Diệp*
MỘT CÂU CHUYỆN VỀ LÒNG TRẮC ẨN
Vào các năm cuối thập niên 1990 và đầu thập niên 2000, bố có dịp cùng đi hoặc tổ chức đưa các phái đoàn cấp lãnh đạo nhà nước thăm và làm việc ở các nước trong khu vực. Có lần đến Hong Kong cùng một số vị bên Bộ Lao Động và Bộ Kế Hoạch Đầu Tư, bố cố tình sắp xếp để sáng Chủ Nhật, ngày cuối của chuyến đi, đưa họ đi ăn sáng; để đến nhà hàng, mọi người phải đi bộ qua hai công viên nhỏ từ khách sạn.
Khi đi ngang qua hai công viên này, phái đoàn thấy lạ vì sao có quá nhiều phụ nữ da ngâm đen, như họ đến từ Việt Nam hay Philippines, đang tụ tập tại đó với nhau. Phái đoàn dừng lại chụp hình với những người này, hỏi ra thì quả là họ đến từ Philippines để làm người ở đợ (còn gọi một cách nhẹ nhàng là người giúp việc nhà) cho các gia đình tại Hong Kong.
Trong khi ăn sáng, bố kể cho phái đoàn biết hoàn cảnh của những người đi làm người giúp việc nhà này, bố cho biết họ may mắn hơn những phụ nữ Việt Nam đi làm người ở đợ tại các nước khác, vì Hong Kong, qua gần một thế kỷ dưới sự quản lý của Anh Quốc, đã xây dựng được hệ thống theo dõi và quản lý những người giúp việc tại Hong Kong; tất nhiên vẫn xảy ra một số vụ hành hạ và xâm phạm tình dục, nhưng ít hơn rất nhiều so với các nước khác như Hàn Quốc hay Đài Loan. Bố còn cho họ biết, qua nghiên cứu của Hiệp Hội Bảo Vệ Phụ Nữ Thế Giới, thì hầu hết những phụ nữ này sẽ không thể tìm được một gia đình hạnh phúc nếu họ đi ra khỏi nước và trở về khi còn trẻ, và gia đình sẽ đổ vỡ chia ly, hoặc không thể lập gia đình nếu họ đi và về khi ở tuổi trên 30.
Sau đó bố hỏi họ một loạt câu hỏi như “Tại sao chúng ta xuất khẩu những người đi ở đợ mà báo chí ca ngợi các kỷ lục xuất khẩu lao động?, “Quý vị có sẵn sàng đưa chị em gái hay con gái của mình đi làm người giúp việc nhà tại Đài Loan không”, “Nhà nước và quý vị có thấy việc xuất khẩu phụ nữ Việt Nam đi ở đợ là một sự hổ thẹn của đất nước không?” v.v… mọi người đều tỏ ra rất buồn; vài người thì giận dữ với bố vì cho rằng bố không biết gì về hoàn cảnh đất nước và đã xúc phạm họ! Tất nhiên, bữa ăn sáng không còn vui, rồi mọi người ra về trong im lặng.
Mười mấy năm qua, số người đi xuất khẩu lao động theo diện này vẫn cứ tiếp tục, mặc dù những bài báo nói về chuyện này đã giảm, nhưng vẫn chưa có một kế hoạch gì để bảo vệ cho họ; mặc dù như vậy, bố vẫn hằng mong nhà nước sớm xây dựng được các kế hoạch đào tạo và tìm công việc làm cho họ tại chính đất nước Việt Nam mình.
Cho đến nay bố vẫn cứ lo lắng, băn khoăn, thỉnh thoảng mất ngủ về những số phận này! Bố tin chắc trong mấy trăm ngàn người đang đi ở đợ, hay lao động chân tay cấp thấp nhất, ở nước ngoài, phải có những người bà con của bố và của các con trong số này!
Với bố, đây là một trong vô vàn điều trắc ẩn cần phải có trong mỗi công dân Việt Nam, từ cấp lãnh đạo cao nhất xuống tới ngay những người có số phận đen tối này! Các con có lòng trắc ẩn cho những số phận này hay những số phận khác còn đáng thương hơn nữa đang sống ngay tại đất nước mình không? Có đủ lòng trắc ẩn để chuyển nó thành năng lực để nhắc nhở, thúc đẩy các con phát triển và dấn thân mỗi ngày không? Các con phải luôn nhắc nhở bản thân mình nhé!
MỘT CÂU CHUYỆN VỀ SỰ HỔ THẸN
Tại các thành phố lớn trên khắp nước, giờ đây, nơi nào cũng nhiều nhà lầu, nhiều chung cư trung bình hay cao cấp; hầu hết các công chức nhà nước từ cấp trưởng phòng trở lên, nhất là các cấp phó giám đốc sở trở lên, đều có nhà riêng, cho con đi du học nước ngoài, có vài cái nhà hay miếng đất thêm để làm của cho con. Trên đường phố thì đầy xe hơi các loại, trong đó có khá nhiều xe vô cùng đắt tiền, nhất là ở Hà Nội, Sài Gòn, và vài thành phố lớn khác. Có luôn cả những chiếc xe mà chính các bạn nước ngoài của bố phải ngạc nhiên là người Việt Nam mình làm sao mua nổi, vì ngay cả chính họ, những doanh nhân triệu phú USD, cũng chưa dám nghĩ tới!
Mỗi ngày chi tiêu của rất nhiều “thiếu gia”, “trung gia” hay “đại gia” thường lên đến vài chục triệu đồng, nhưng hình như họ không phải làm gì vất vả hay nặng nhọc hết!
Quả thật đời sống của người dân nói chung ở chừng mức nào đó rất phát triển, nhất là so với thập niên 1980s hay đầu thập niên 1990s. Còn đời sống của các vị lãnh đạo cấp quốc gia thì khỏi phải bàn! Bố đã gặp nhiều trường hợp kinh lắm. Cái cách họ cho con đi học, cách mua sắm nhà cửa, xe hơi để phục vụ cho các con của họ ở nước ngoài, thì các gia đình trung lưu, và ngay cả thượng lưu từ các nước khác cũng gửi con đi du học cùng trường không thể nào sánh nổi!
Mặt khác, nhìn chung xã hội Việt Nam mình thì những người nghèo lại còn quá nhiều! Sự cách biệt giữa những gia đình giàu có, chức quyền và đại đa số người dân còn lại càng ngày càng xa! Chỉ cần một trong những chiếc xe hơi của một gia đình giàu có là dư sức để cho cả một đại gia đình nghèo đang sống trong cùng thành phố có thể có nhà ở và con cái được đi học cả đời! Các con có bao giờ thắc mắc về điều này không? Các con có nhìn thấy sự vô tâm hay vô tình và bất bình đẳng của tầng lớp cao, tầng lớp lãnh đạo, đối với đa số nhân dân không?
Điều làm cho bố hổ thẹn nhất, phẫn nộ nhất, đó là chuyện xảy ra cách đây vài ngày!
Khi có những dấu hiệu thế giới sẽ đưa Việt Nam mình ra khỏi danh sách các nước nghèo, thì ngay lập tức lãnh đạo nhà nước, ông Thủ tướng, đã phát biểu, giải thích với thế giới rằng “Việt Nam vẫn còn là nước nghèo”,[*] nhằm để thế giới tiếp tục giữ nước mình trong danh sách các nước nghèo.
Lý do là vì họ muốn vẫn tiếp tục được NHẬN VIỆN TRỢ !
Hình như họ cho rằng Việt Nam mình làm ăn mày thế giới là chuyện tốt chăng? Trời ạ, hay còn tệ hơn nữa, có khi họ cho việc cố gắng thuyết phục thế giới để Việt Nam mình nằm trong danh sách các nước ăn mày là một công lao lớn của họ đối với đất nước?
Các con hãy cùng bố thử đánh giá đất nước mình vào thời điểm 2011 này nhé:
Việt Nam đã thống nhất hơn 36 năm, không còn phân tranh, chia rẽ, nội chiến hay bị xâm lược nữa nhé, ngoại trừ một cuộc chiến nhỏ ngắn ngày với Trung Quốc (cái đất nước láng giềng mà ngày nay người ta còn gọi một cách giễu cợt, để cười ra nước mắt, là Nước Lạ) vào năm 1979, nhưng cuộc chiến đó cũng đã 32 năm rồi. Như thế không thể lấy mãi lý do vì chiến tranh mà nước mình nghèo đói, phải không nào?
Việt Nam hiện là một trong vài nước xuất khẩu nông thuỷ sản dẫn đầu thế giới. Việt Nam còn có các nguồn tài nguyên quan trọng khác đang được khai thác. Như vậy, trên nguyên tắc Việt Nam không thể đói và nghèo được!
Ai cũng biết chúng ta có rất nhiều người tài giỏi trong gần 90 triệu người Việt ở trong nước và ở nước ngoài, từ chiến lược gia cho EU, các khoa học gia trong gần như mọi lĩnh vực làm việc tại các trung tâm khoa học thế giới, các nhà quản trị, kinh tế, giáo sư đại học, bác sĩ, luật sư… v.v…, nhiều vô số kể. Như vậy, trên nguyên tắc, không thể bảo Việt Nam không có nguồn nhân lực nòng cốt để tiếp tục nằm trong tình trạng lạc hậu và quản lý quốc gia yếu kém nữa.
Như vậy tại sao Việt Nam mình vẫn còn lạc hậu, vẫn còn có thể — theo lời ông Thủ tướng — được chứng minh là nghèo đói?
Vì tham nhũng chăng?
ĐÚNG!
Nhưng gốc của tham nhũng từ đâu ra?
Do trời sinh, do người dân thiếu lòng tự trọng và tham lam, hay do tính đặc quyền từ một lối “cơ cấu” và “cơ chế” bởi guồng máy quyền lực?
Đừng đổ cho ông Trời nhé! Cũng đừng đổ cho nhân dân, vì người dân của hầu hết mọi quốc gia đều rất đơn giản, họ chỉ làm theo những gì guồng máy lãnh đạo làm và chính quyền cho phép hay lỏng lẻo trong quản lý mà thôi!
Thế thì còn lại là vấn đề “cơ cấu” và “cơ chế” của guồng máy lãnh đạo!
Vì thiếu nhân tài chăng?
Sai, nhưng thực tế thì Đúng!
Sai là vì mình có rất nhiều nhân tài, nhưng Đúng trên thực tế vì guồng máy lãnh đạo chỉ sử dụng những người trong “cơ cấu” cho dù họ yếu kém, bất tài hơn những người bên ngoài cơ cấu!
Phải chăng guồng máy quyền lực hiện nay không có ý định thay đổi để tận dụng nguồn lực bên ngoài này cho dù họ đã cho thấy sự bất lực của “cơ cấu” mà họ tạo ra?
Vì thiếu sản phẩm sản xuất trong nước chăng?
Sai, nhưng thực tế thì có khác! Sai vì mình là một trong vài nước dẫn đầu sản xuất và xuất khẩu nông thuỷ sản và nhiều mặt hàng khác, nhưng trên thực tế hầu hết đều chỉ là cung cấp ở mức nguyên liệu thô hay gia công với giá thành thấp nhất!
Phải chăng là vì các công ty không có khả năng? Hay guồng máy nhà nước không biết quản lý để giúp họ khắc phục và nâng cao giá trị sản phẩm?
Như vậy, nếu ta nghiêm túc đặt Việt Nam mình là nước nghèo đói và lạc hậu, thì phải tự mình nghiêm túc tìm hiểu tạo sao và tự khắc phục nó!
Ngay sau khi chiến tranh, thế giới cho nước mình là nghèo đói thì có thể chấp nhận được. Nhưng sau mấy chục năm thống nhất, khi thế giới dự tính đưa nước mình ra khỏi danh sách các nước nghèo đói, thì lãnh đạo nước lại đại diện cho đất nước tự biện giải để tiếp tục nằm trong danh sách các nước nghèo đói, hầu tiếp tục làm một đất nước ăn mày!
Như vậy thì làm sao công dân Việt Nam mình có thể có một niềm tự tin, niềm hãnh diện để góp sức và tận lực phát triển?
Đúng ra, khi nhận được dự tính đưa nước mình ra khỏi danh sách các nước nghèo đói, chúng ta nên xem nó là một tin vui; mọi người dân Việt Nam mình phải hoan nghênh và hãnh diện về khả năng tự phát triển thoát nghèo để tiếp tục thay đổi, tiếp tục chuyển mình! Như vậy mới là một quốc gia có danh dự, có lòng tự trọng và có khả năng tự lực phát triển, phải không nào?
Trong lịch sử nước Việt Nam mình đã có nhiều lần chịu nhục! Nhưng những lần đó đều là vì sự áp chế của bọn xâm lăng nước ngoài.
Nhưng lần này thì khác, các con nhớ dùm bố, đây sẽ là lần nhục nhã nhất trong lịch sử của Việt Nam!
Vì lãnh đạo nước mình tự nguyện chịu nhục với thế giới bằng cách tự nguyện xin làm một đất nước ăn mày, một dân tộc ăn mày, chứ không chịu chấp nhận sự kiện Việt Nam đã có khả năng thoát nghèo đói, hay chấp nhận sự kiện guồng máy lãnh đạo yếu kém trong khả năng lãnh đạo đất nước!
Họ đã chứng tỏ rằng họ không còn lòng tự trọng để là những đại diện và lãnh đạo đất nước Việt Nam mình!
Và bố, thế nào đi nữa, bố vẫn xem mình là một người Việt Nam, một con dân của dân tộc Việt Nam trong huyết thống, thì bố đau khổ và nhục nhã quá!
Nay bố già rồi, không còn nhiều sức lực và thời gian nữa; bố cũng không còn là công dân Việt Nam về mặt pháp lý, để đóng góp nhiều như mong muốn và khả năng cho phép, nhưng các con là công dân Việt Nam, các con còn cả một tương lai lâu dài, các con phải hứa với bố là khi trưởng thành các con sẽ luôn có lòng trắc ẩn cho những người dân đen, và đóng góp hết sức mình làm thay đổi guồng máy đần độn, thối nát và vô liêm sỉ này, để Việt Nam mình không còn là dân tộc ăn mày thế giới nữa nhé!
Bố thương các con lắm!
Hoàng Ngọc Diệp
*Hoàng Ngọc Diệp sinh ở Nha Trang, trong một gia đình đông anh chị em, trưởng thành ở Úc, từng làm việc, và lang thang trên 28 nước. Năm 1991 về Việt Nam và ở luôn tại đây. Ông làm giám đốc và Trưởng đại diện của khá nhiều công ty nước ngoài. Giúp thành lập 7 công ty tại Việt Nam có 5 công ty khá thành công, nhất là ở lĩnh vực viễn thông và công nghệ thông tin. Nguyên là GĐ Cao cấp của Qualcomm (Mỹ) tại Việt Nam.
"Lòng trắc ẩn và sự hổ thẹn" là bài viết cho các con của ông, được đăng trên facebook cá nhân vào năm 2011, đã được chia sẻ trên nhiều website cũng như các blog cá nhân khác. Tuy thời gian cũng khá lâu kể từ ngày được viết, nhưng nó vẫn còn nguyên tính thời sự, và cũng là đôi lời tâm sự của một lớp người thành công đi trước, gửi đến thế hệ trẻ của Việt Nam. Wegreen xin được trân trọng giới thiệu cùng quí bạn đọc.