Linh Tiến Khải
Đại hội tình bạn giữa các dân tộc lần thứ 37 tại Rimini
Trong các ngày từ 19 tới 25 tháng 8
Đại hội tình bạn giữa các dân tộc lần thứ 37 dã diễn ra tại Rimini,
trung Italia, về đề tài “Bạn là hạnh phúc của tôi.”Bà Emilia Guarnierri, chủ tịch ban tổ chức, cho biết đại hội cống hiến cho các tham dự viên đến từ nhiều nước trên thế giới 106 cuộc gặp gỡ, 18 cuộc triển lãm, 14 buổi hoà nhạc và văn nghệ, 22 cuộc tranh tài thể thao.
Có 271 thuyết trình viên thuộc nhiều nước khác nhau trình bầy về nhiều khiá cạnh của đề tài năm nay là “Bạn là hạnh phúc của tôi “. Mục đích là giúp các tham dự viên nhìn vào giá trị của mỗi người, và đối chiếu giữa các khác biệt trong một thời điểm lịch sử khủng hoảng và mất tin tưởng như hiện nay. Trong nhãn quan của Năm Thánh Lòng Thương Xót kết hiệp Thiên Chúa với con người Đại hội 2016 cống hiến cho các tham dự viên nhiều sinh hoạt khác nhau từ diễn thuyết, tới hội thảo bàn tròn, các chứng từ liên quan tới sự tha thứ, hội nhập, các vấn đề cấp thiết hiện nay, các cuộc triển lãm, các buổi ca vũ nhạc kịch, chiếu phim vv… Mọi người cùng nhau tự hỏi “Có thể nhìn người khác một cách mới mẻ như thế nào, chứ không chỉ khoan nhượng sự khác biệt mà thôi?”
ĐTC Phanxicô đã gửi sứ điệp khích lệ các tham dự viên Đại hội biết chú ý tới chứng tá cá nhân sáng tạo của con người, và luôn ý thức rằng điều thu hút, chinh phục và giải thoát khỏi các xiềng xích của cuộc sống là sự hiền dịu kiên trì của tình yêu thương xót của Thiên Chúa, chứ không phải sức mạnh của các phương tiện của loài người. Sứ điệp do ĐHY Pietro Parolini, Quốc Vụ Khanh Toà Thành ký gửi ĐC Francesco Lambiasi, GM Rimini, nơi diễn ra đại hội tình bạn giữa các dân tộc. Trong sứ điệp ĐTC ghi nhận rằng quá nhiều khi chúng ta nhượng bộ cám dỗ khép kín trong chân trời của các lợi lộc riêng tư, khiến cho người khác trở thành thừa thãi, hay tệ hơn bị coi nhu một quấy rầy, một chướng ngại đối với chúng ta. Kinh nghiệm ngày còn bé cho chúng ta thấy vẻ đẹp của tuơng quan giữa con người với nhau. Chúng ta học gặp gỡ, tôn trọng, thừa nhận nhau như anh em, con của cùng một Cha. Nhưng chủ nghĩa cá nhân làm cho chúng ta xa cách người khác, khiến cho chúng ta chỉ nhận ra các khuyêt điểm và hạn hẹp của họ, làm suy giảm uớc muốn và khả năng sống chung, trong đó mỗi người có thể tự do và hạnh phúc trong sự đồng hành của các người khác và với sự phong phủ của các khác biệt.
** Tiếp tục sứ điệp ĐTC khẳng đinh rẳng trước các đe dọa đối với nền hoà bình và an ninh của các dân tộc và các quốc gia cần ý thức rằng không ai có thể tự cứu rỗi một mình với sức lực riêng của mình. Chúng ta cần noi gương Chúa Giêsu, luôn luôn vun trồng một tư tưởng rộng mở đối với người khác, bất kỳ họ là ai, vì không ai là hoàn toàn hư mất cả. Chúa Giêsu đã nhìn ông thu thuế Giakêu, ông trộm lành như các thụ tạo cần tới vòng tay ôm cứu rỗi. Cả Giuđa nữa, chính trong lúc ông bán nộp Ngài cũng được Chúa Giêsu gọi là “bạn”. Có môt từ cần luôn luôn lập đi lập lại là từ đối thoại. Việc rộng mở cho tha nhân khiến cho chúng ta phong phú hơn, chứ không làm cho chúng ta trở thành nghèo nàn đi. Vì nó làm cho chúng ta hiểu biết sự thật về người khác, hiểu biết kinh nghiệm quan trọng của họ, cả khi chúng ta không chia sẻ các thái độ và các lựa chọn của họ. Tất cả các đảo lộn là một lời mời gọi nhiệm mầu tìm lại các nền tảng của sự hiệp thông giữa con người với nhau cho một khởi đầu mới.
ĐTC xin Chúa Thánh Thần soi sáng cho kinh nghiệm đức tin và hiệp thông huynh đệ sâu xa này của đại hội, và ngài ban phép lành toà thánh cho mọi người tham dự .
Tham dự đại hội tình bạn giữa các dân tộc tại Rimini có nhiều chính trị gia, giới trí thức văn hóa, các chuyên viên kinh tế, xã hội, các giáo sĩ tu sĩ và thành viên nhiều hiệp hội kitô, cũng như thành viên các tổ chức phi chính quyền, các tổ chức bác ái xã hội quốc tế, và các tổ chức thiện nguyện, bao gồm cả các bác sĩ y tá hoạt động tại nhiều nơi trên thế giới, đặc biệt trong vùng Trung Đông là vùng hiện đang bị tàn phá vì các cuộc nội chiến, điển hình như bên Siria và Iraq.
** Phóng viên Luca Collodi của chương trình Ý ngữ đài Vaticăng đã phỏng vấn một số tham dự viên đại hội. Trước hết là ông Alessadro Pirola, tổng giám đốc Hiệp hội Maddalena Grasi, chuyên hoạt động trong lãnh vực y tế với các bác sĩ, y tá, điều khiển các trung tâm săn sóc các bệnh nhân kinh niên. Ông cho biết các nhà do hiệp hội đảm trách là nơi săn sóc các bệnh nhân kinh niên và nan y ở giai đoạn cuối đời. Một trong các nỗ lực của các nhân viên tổ chức là đối thoại với các bệnh nhân, lắng nghe các câu chuyện của họ là những người đang sống các tật bệnh và khổ đau đó, và tìm cách trợ giúp họ trong tất cả những gì có thể, vật chất, thể lý cũng như tinh thần. Đó là cách thế đáp trả lại các nhu cầu của họ một cách thực tế nhất. Ông cũng cho biết tình hình chung của các trung tâm y tế không phải do chính quyền Italia đảm trách.
Ngưởi thứ hai đuợc anh Luca Collodi phỏng vấn là linh mục Federico Trinchero, thừa sai Cát Minh làm việc tại Cộng hoà Trung Phi. Cha cho biết chuyến công du mục vụ của ĐTC Phanxicô tại đây hồi cuối năm 2015 đã đem lại nhiều hoa trái rất tích cực tại Trung Phi. Tình hình được cải tiến, người ta bắn giết nhau ít hơn. Có các dấu hiệu của cuộc sống xã hội bắt đầu trở lại, nhưng ít hơn trên bình diện kinh tế. Người dân cũng hy vọng nơi thể chế dân chủ. Cha cũng cho biết một số lý do của cuộc nội chiến trại Trung phi, tình hình tương quan giữa các kitô hữu và các tín hữu hồi và sự hiện diện của các người tỵ nạn, cuộc sống khốn khổ của họ. Trong bối cảnh đó, đề tài của hội nghị “Bạn là hạnh phúc của tôi” thật thích hợp với thực tại của Trung Phi.
Anh Luca Collodi cũng phỏng vấn linh mục Firas Lufti, bề trên Trường Thánh Địa kiêm cha phó giáo xứ thánh Phanxicô tại Aleppo, là thành phố đang chìm ngâp trong cảnh chiến tranh bắn giết.
Cha cho biết lời ông Staffan de Mistura đặc sứ của Liên Hiệp Quốc, đề nghị ngưng chiến 48 giờ để có thể điều động các công tác cứu trợ và để cho các đoàn xe chở phẩm vật cứu trợ tới với dân chúng thành phố Aleppo, được mọi người hoan nghênh. Nhưng cuộc ngưng bắn cũng có nguy cơ bị lợi dụng cho việc cung cấp khí giới cho các phe lâm chiến. Phiá Nga đã chỉ đồng ý ngưng chiến mỗi ngày 3 giờ, nhưng thời gian như thế quá ít không kịp chuyên chở phẩm vật cứu trợ tới cho dân chúng. Xét vì các đường lộ đã bị bom làm hư hại rất nhiều, và cảnh đổ nát hoang tàn khắp nơi trong thành phố không cho phép các đoàn xe vận tại lưu thông dễ dàng. Sau cùng Nga đã chấp thuận ngưng chiến 48 giờ, để các đoàn xe chở phẩm vật cứu trợ có thể tiến vào thành phố cấp cứu dân chúng đang lâm cảnh đói khát trầm trọng.
** Ngoài ra cha cũng cho biết các miêu tả của báo chí thường không trung thực, vì họ miêu tả theo sự thích hợp chính trị giữa các phe phái lâm chiến. Cách đây hai tuần sự kiện các lực lượng thánh chiến hồi đánh chiếm con lộ chính dẫn vào Aleppo, nhưng sau đó bị lấy lại, suýt nữa gây ra thảm cảnh nhân đạo. Cuộc chiến tại Siria là cuộc chiến của các cường quốc với các mưu đồ địa lý chính trị. Chỉ có thường dân vô tội bị thiệt hại. Tại Aleppo chỉ còn lại người già và trẻ em trong cảnh đổ nát tan hoang, và họ là những người nghèo nhất trong những người nghèo. Sự lựa chọn của các linh mục tu sĩ ở lại với họ là chứng tá tình yêu thương liên đới vật chất và tinh thần và nhân đạo, ít nhất là để phân phát các trợ giúp. Cha cũng cho biết các lực lượng thánh chiến hồi qua lại biên giới Thổ Nhĩ Kỳ để tái vũ trang để tấn công Aleppo và Siria. Giờ đây với liên minh giữa Nga, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ người ta hy vọng chính quyền Thổ ngăn chặn các lực lượng này bằng cách đóng và kiểm soát biên giới để ngăn cản việc chuyển vận vũ khí.
Theo cha cần chiến đấu chống lại các khủng bố phá hoại do các lực lượng hồi chủ mưu, chứ không nên chống lại tổng thống Al-Assad đang cố gắng bảo vệ Siria chống lại phe đối lập đã trở thành các nhóm thánh chiến. Đây không phải là một cuộc chiến tôn giáo. Thế giới hồi giáo bị chia rẽ lớn, nhưng tôn giáo đã bị lợi dụng để che đậy các lợi lộc của quyền bính chịnh trị, kinh tế và tài chánh trong vùng. Chính vì thế mà người ta muốn loại trừ ông Al-Assad và khuynh đảo tình hình Siria. Cha Lufti còn cho biết là cách đây nhiều tháng các vũ khí hoá học đã được sử dụng, chứ không phải bây giờ, nhưng tin tức báo chí có mục đích tạo thuận tiện cho một can thiệp vũ trang dưới sự điều động của Liên Hiệp Quốc. Cha tha thiết kêu gọi mọi người thiện chí góp phần hoạt động đem lại hoà bình cho Siria và cách riêng thành phố Aleppo khốn khổ.
Linh Tiến Khải