Trí Thức là gì? Ai là Trí thức?

Trí Thức là gì?
Ai là Trí thức?
Phạm Hồng-Lam

Tài liệu Tập San Định Hướng

Có những từ ngữ, những khái niệm nhiều người dùng một cách đương nhiên. Chẳng ai cần quan tâm tới nội dung í nghĩa của chúng, vì xem ra đã quá rõ. Nhưng thực tế thì chẳng rõ gì cả.
„Trí thức“ là một trong những từ ngữ hay khái niệm đó.
Gần đây, từ „Trí thức“ được nói tới nhiều. Mà nội dung í nghĩa của nó thì lại rất tuỳ tiện. Sở dĩ như vậy là vì „Trí thức“ thật ra là một cái bình có hình tượng rất đẹp nhưng gần như rỗng ruột. Và mỗi người cứ tuỳ í đổ vào đó những gì mình thích, mình mong, mình nghĩ hay mình ngộ nhận. Thật ra Trí thức là một mẫu sống khó đạt được, nên hiếm có ai dám tự nhận mình là Trí thức. Trí thức thường chỉ là một sự nhìn nhận, nghĩa là một đặc tính do người khác gán cho.
Cuối tháng 11 năm 1989, tôi tình cờ gặp luật sư Nguyễn Mạnh Tường ở ngoại ô Paris. Hai bác cháu cùng trọ trong một cái nhà để xe (garage) được biến cải thành chỗ nghỉ chân cho khách phương xa. Đó là lần đầu tiên ông được những người bạn cũ ở Pháp can thiệp để trở lại thăm bạn bè ở Paris.

Chúng tôi tâm sự tương đắc suốt hai buổi tối. Tôi đã ghi lại cuộc hạnh ngộ hôm đó đăng trên nguyệt san Độc Lập số tháng 12.1989 tại Đức, về sau được trích in lại trong cuốn „Trăm Hoa Vẫn Nở Trên Quê Hương“ (Cali, 1990). Ông kể về cuộc đời hơn 40 năm bị bầm dập trong nước và nói nhiều về thái độ và tư cách sống của một người có học trong chế độ cộng sản. Hôm chia tay, ông tặng tôi một cuốn sách với mấy dòng chữ:

„ A l’ ami … avec mes meilleurs souhaits!
Puisse-t-il conserver toujours son respect de l’honeur de l’intellectuel, son amour de la patrie et son goût de recherches!“ (Tạm dịch : „Tặng anh bạn … với những lời chúc tốt đẹp nhất của tôi. Ước gì anh luôn giữ được lòng trọng danh dự của người trí thức, luôn giữ được lòng yêu tổ quốc và sở thích nghiên cứu“.
Luật sư Tường nói tới danh dự của người Trí thức. Theo ông, Trí thức là người có danh dự và biết bảo vệ danh dự của mình (danh dự đó từ đâu mà có, lại là một chuyện khác). Điều ông nói có dây mơ rễ má với mẫu người Quân tử của Nho học: Uy vũ bất năng khuất. Khi thanh bần không vơ vét tham nhũng như đồng chí „Pờ Mu“ Huỳnh Ngọc Sỹ, khi có tiền có quyền không đổ đốn như các bác khả kính Sầm Đức Xương và Nguyễn Trường Tô, trước cường quyền không thèm nghĩ tới chuyện quỳ hay đứng xin như Giám mục Đà Nẵng đề nghị.
Giáo sư Nguyễn Khắc Dương, trong một bài nói chuyện được giáo sư Trần Duy Nhiên ghi lại, nhận xét: Việt Nam, hay rộng ra, Á Đông chỉ có Kẻ sĩ với lí tưởng thành nhân, chứ không có Trí thức quan tâm tới việc tìm kiếm chân lí khoa học như ở Âu châu. Tắt lại, Kẻ sĩ là Hiền nhân (homme de bien), Trí thức là Bác học (homme de science). Luật sư Tường nói tới cái Đức, giáo sư Dương cái Tài của một loại người. Nhưng suy tư của hai người vẫn còn ở trong truyền thống Nho học.
Mới đây, 23 ông cộng sản già (còn gọi là „cán bộ lão thành“) bên Trung Quốc kí tên vào một lá thư yêu cầu Đảng cộng sản Tàu cho tự do báo chí. Cùng lúc, bên Việt Nam 13 vị có bằng cấp cao trên mạng „Bô-xít“ cùng kí vào một lá thư yêu cầu Đảng việt cộng ngừng khai thác Bô-xít. Truyền thông người Việt quốc gia tức tốc ban cho các vị trong hai nhóm đó danh hiệu „Trí thức“. Giám mục Nguyễn Thái Hợp mới đây cũng được gọi là „Trí thức“, nhân việc ông ra văn thư yêu cầu toà án Đà Nẵng hoãn xử vụ Cồn Dầu.
Mấy trường hợp trên đây cho thấy, hễ ai có chút bằng cấp hoặc có một chút chức vị mà nói được một câu hay làm được một việc gì hợp í mình, thì thiên hạ gán ngay cho nhãn Trí thức. Để rồi dựa vào cái nhãn đó mà thần phục, tung hê (Đấy mới là Trí thức!); hoặc ngược lại, để vin vào đó mà thoá mạ, nếu những vị kia nói năng hoặc hành động không đúng như mong chờ của họ (Trí thức con mẹ gì!).
Cũng vì cái quyến rũ và bở ăn của nhãn Trí thức, nên hiện nay các đồng chí có của có quyền ở Việt Nam trâng tráo đua nhau sắm bằng cấp. Khiêm tốn như đồng chí Thủ tướng thì chút cử nhân nội hoá, máu mặt như đồng chí trưởng Sở văn hoá Yên Bái (?) thì phải là tiến sĩ ngoại mới hài lòng! Nhạc sĩ Tô Hải báo động, chưa bao giờ giáo sư, tiến sĩ dẫy đầy trong các tổ chức nhà nước như hiện nay. Xưa ra ngõ gặp anh hùng, nay ra đường dẫm lên tiến sĩ!
Người ta sắm bằng cấp, ngoài việc để được mau mắn và dễ dàng thăng quan tiến chức, quan trọng hơn là để được ngồi vào bàn Trí thức. Là vì họ nghĩ rằng, Trí thức đơn giản là người có bằng cấp. Tiếc rằng, đây cũng là lối nghĩ của hầu hết người Việt hiện nay. Các kiểu nói phổ cập như: Thì cùng một đám Trí thức với nhau cả! Giới Trí thức trong nước...! Ông đó là một Đại Trí thức (vì ông có nhiều bằng cao)! V.v. cho thấy lối nghĩ phổ biến đó. Chỗ này, đúng ra phải dùng chữ „Thì cùng một đám học thức“ hay „Giới học thức trong nước“ hoặc nếu muốn nhấn mạnh đó là những người có bằng cấp cao thì „giới Khoa bảng trong nước“ thì đúng hơn.
Đó là một ngộ nhận hoặc hiểu sai quan trọng về khái niệm „Trí thức“.
Trí thức, như đã nói, là một mẫu sống, chứ không hẳn là người có bằng cấp. Yếu tố quyết định nơi mẫu sống Trí thức là thái độ dấn thân cho một mục tiêu (cao cả), chứ không phải miếng bằng.
Thế thì „Trí thức“ là gì? - Thưa là „Intellectuels“, chứ không là gì khác!
Mà „Intellectuels“ xuất phát từ đâu, với í nghĩa gì ?


Nguồn gốc và phát triển của Trí thức

„Trí thức“ là chữ người Việt dùng để chuyển nghĩa chữ „Intellectuels“ của Pháp. Nó không dùng để dịch từ „Académiques/Akademiker“ (người xuất thân đại học), „Cultivés/Gebildete“ (người có học, học thức), hay „hauts diplômés/hoch Diplomierte“ (người bằng cấp cao, khoa bảng). „Trí thức“ bước vào Việt Nam trong thời gian giữa hai thế chiến với việc Pháp thay thế nền Nho học bởi Tân học.
Tại Pháp trước năm 1894, là năm xẩy ra vụ án khiên cưỡng đối với đại uý Alfred Dreyfus gốc người Do-thái, từ ngữ Intellectuels cũng đã xuất hiện đây đó, nhưng chẳng mang nghĩa gì đặc biệt. Việc toà án Paris bất chấp luật pháp quy kết Dreyfus vào tội gián điệp đã tạo ra nhiều giao động trong dư luận Pháp. Cái án đó chỉ là giả tạo. Thật ra là vì Dreyfus và đồng bạn quảng bá và kêu gọi Dân chủ. Cũng giống i như bản án „trốn thuế“ của Điếu Cày Nguyễn Văn Hải hôm nay!
Đặc biệt sau khi nhà văn Émile Zola viết lên bản cáo trạng („J´ accuse“, 1898) về vụ xử án kia thì xã hội Pháp phân thành hai chiến tuyến. Phía theo và phía chống Dreyfus kịch liệt tấn công nhau. Những cuộc sát phạt sau đó không còn hạn chế trong vòng Paris nữa mà vượt cả biên giới Pháp ra các nước Âu châu. Phe theo Dreyfus từ đây dùng chữ „Intellectuels“ làm biểu tượng nhận diện phe mình. Họ tự gọi mình là „Intellectuels“. Họ tung lên khẩu hiệu đó trong mọi cuộc tranh luận, kẻ nó lên cờ, viết lên báo. Họ ra „Manifeste des intellectuels“ (Tuyên Ngôn Của Các Trí Thức) để cổ xuý cho các mục tiêu họ theo đuổi: „dân chủ“, nghe theo „lương tâm“, chỉ tuân phục thứ „chân lí“ có nền tảng „khoa học“. Họ còn tự nhận mình là đệ tử trung thành đấu tranh cho các „nhân quyền“ đã được xướng lên từ cuộc cách mạng 1789.
Tắt lại, „Trí thức“, thoạt kì thủy, đồng nghĩa với tiến bộ, biết điều, chân chính, dân chủ, tự do.

Đối lại, phe lề phải theo nhà nước lúc đó ra sức chửi đám „Trí thức“ là bọn „phản quốc“, bọn „do-thái“, vô tài bất tướng“, „đĩ điếm“, „không tim thiếu óc“, „vô bản năng“…
Như đã nói, cuộc tranh luận đã vượt ra ngoài biên giới Pháp. Ở Pháp, dù phe lề phải đa số không ngừng đập Trí thức, nhưng họ cũng không để „mất trí“ trong cuộc tranh luận. Nghĩa là họ vẫn công nhận nét đẹp đâu đó của „intellectuels“, khi họ vẫn tự nhận mình mới là Trí thức thứ thiệt, chứ không phải như kiểu của đám Dreyfus!
Đối lại, ở nước Đức bên cạnh, ít ra cho tới 1945, chữ Intellectuels không bao giờ mang nghĩa tích cực. „Trí thức“ ở đây mang nội dung hoàn toàn tiêu cực. Nó là quan điểm nối dài của cánh lề phải bên Pháp. Năm 1903, trong cuộc đại hội Đảng Xã Hội Đức (SPD), August Babel được cả hội trường hoan hô nhiệt liệt khi ông phát biểu: Phải xét cho kĩ những người xin gia nhập Đảng, „và nếu như đó là một tay có bằng cấp hay một Trí thức thì ta phải xét kĩ gấp đôi hoặc gấp ba"! Và để tránh khái niệm xấu đó, người Đức lúc đó đã tạo ra một từ thay thế: „Geistiger“ (người Trí tuệ, kẻ có đầu óc): Người Trí tuệ là kẻ làm cách mạng thực sự, còn Trí thức chỉ là những tay ba láp!
Những nét xấu đó của Trí thức dù sao dưới thời Cộng hoà Weimar ở Đức (1918-1933) cũng chỉ là những lập luận mang tính tuyên truyền. Sang thời Quốc Xã (1933-1945), ngôn ngữ tuyên truyền kia biến thành chính sách của đảng cầm quyền. Dưới con mắt và trong chủ trương của Quốc xã, Trí thức chỉ là bọn „vô cảm“, „do-thái“, „ảo tưởng“, „bất tài vô trí“, đầu óc bị nhiễm độc vì ăn phải bã dân chủ và chủ hoà của báo chí do-thái. Hitler than khóc: Rất tiếc là chúng ta phải cần Trí thức, chứ nếu không thì nay mai chúng có thể bị người ta diệt hết mất (còn đâu mà dùng)! Tắt lại, theo Quốc xã, Trí thức không phải là thứ người Đức (undeutsch). Quốc xã dùng khái niệm này như một dụng cụ để diệt đối thủ, diệt những ai mà chúng không thích.
Còn sau thế chiến? Các chính thể dân chủ tại Đức sau đó đã cố gắng tìm lại í nghĩa cho các khái niệm đã bị Quốc xã xuyên tạc. Nhưng số phận Intellectuels cũng không sáng hơn. Franz Joseph Strauß, thủ hiến tiểu bang và là con sư tử của Bayern, đã mỉa mai: Trí thức là đám chuột và ruồi nhặng (Ratten und Schmeißfliegen)!
Ngày nay, „Trí thức“ ở Đức tuy không còn tính chất tiêu cực, nhưng người ta cũng ít bàn tới một khái niệm được coi là „ngoại lai“ này.


TRÍ THỨC TRONG THẾ GIỚI CỘNG SẢN


Chuyện kể: Đảng (ta) chỉ thị cho nhà nước (ta) xây một trung tâm sinh hoạt. Căn lầu 4 tầng „hoành tráng“ không kém gì lâu đài „Con ngỗng trắng“ (Neuschwanstein, nơi mỗi năm có nhiều triệu du khách tới tham quan) do ông vua cuối cùng của bang Bayern xây trên đỉnh núi tại miền Nam Đức xây trong thế kỉ 19. Tầng dưới căn lầu được dành cho các cháu nhi đồng, tầng kế cho các cán bộ, tầng ba cho các trí thức văn nghệ sĩ nhà nước – dưới sự lãnh đạo của đồng chí Hữu Ước, và tầng trên cùng cho các lãnh đạo Đảng và nhà nước. Nhưng, cũng như lâu đài Ngỗng Trắng ở Đức, trung tâm sinh hoạt kia không có một cầu tiêu nào cả. Khi được Quốc hội (ta) chất vấn thì khâu thiết kế báo cáo như sau: Thưa các đồng chí, tầng trệt không cần cầu tiêu, vì các cháu đã có bô đựng; tầng của cán bộ cũng không cần, vì bọn này suốt ngày lo đi cải thiện ở đâu, chứ có bao giờ có mặt ở sở đâu; tầng cho trí thức văn nghệ sĩ cũng không cần, vì bọn này khi cần chúng ỉa lên mặt nhau chứ đâu vào nhà xí; và tầng lãnh đạo lại càng không cần, vì đã có đám bưng bô đứng chực sẵn.
Dành cho trí thức văn nghệ sĩ (dù là trí thức của Đảng) cả một lầu là chuyện rất mới, một xuyên tạc giáo lí chính thống. Biến cố này chỉ mới xẩy ra sau ngày Đảng (ta) „đổi mới“, nghĩa là sau khi chủ nghĩa cộng sản tự nguồn cội đã ngủm cù đeo.
Giáo lí cộng sản coi Trí thức là thành phần có học, thành phần „lao động trí óc“ (dĩ nhiên trong đó không có anh luật sư Lênin, kẻ được mệnh danh là „người lao động trí óc cho cách mạng“), thành phần không sản xuất, chây lười lao động, dễ chao đảo, quen thoả hiệp, chủ bại, tiểu tư sản phản động, nguỵ và đủ mọi thứ biếm ngữ đê tiện khác, tùy sáng kiến của các đảng cộng sản. Nói tóm lại Trí thức là một cái bãi – hay nói đúng bài bản theo Lênin, là một giai cấp „Giai cấp Trí thức“, nơi đó dùng để đổ tất cả những thứ rác rưởi bị xem là phản động chống lại Đảng, chống lại giai cấp vô sản, chống nhà nước của Đảng cộng sản!
Cái nhìn tiêu cực kia về Trí thức được khởi đi từ Lênin. Ông này học được luận điệu của đám lề phải khi đang phải lang thang tị nạn ở Âu châu. Và ông đã biến luận điệu đó thành giáo lí cho phù hợp với giáo thuyết đấu tranh giai cấp và chuyên chính vô sản. Thật ra đó cũng chỉ là một thứ bình phong lí luận. Cộng sản là một thứ tôn giáo với chủ trương cướp giữ quyền lực tuyệt đối. Họ cần tín đồ cuồng tín chứ không cần giáo sĩ (những người học thức, những người có chút suy nghĩ độc lập), đặc biệt là những giáo sĩ không xuất phát từ lò của họ. Đây là thành phần mà họ coi là lừng khừng, không dễ khuất phục trước những bạo hành tuỳ tiện của chúng; là thành phần mà họ đánh giá là vì khả năng hiểu biết dễ ảnh hưởng lên quần chúng, dễ chống lại chúng, cần phải đề phòng và ngăn diệt kịp thời.
Chính sách truy diệt kia được cụ thể hoá ở Việt Nam với khẩu hiệu „Trí, phú, địa hào, đào tận gốc trốc tận rễ“; ở Cam-bốt qua Pôn-pốt với trên dưới hai triệu nhân mạng, đặc biệt là những người biết chữ; ở Nga với 25 ngàn trí thức Ba-lan bị Stalin vùi chung ở cánh rừng Katyn; ở Tàu với hàng triệu nạn nhân đặc biệt trong cuộc „cách mạng văn hoá“, là vì theo Mao, Trí thức không bằng cục phân, phân còn dùng được để bón ruộng! Một vài thí du tiêu biểu.
Tóm lại, đối với thành phần được/bị gọi là Trí thức, Cộng sản và Quốc xã có cùng một chính sách như nhau, dù ngôn từ khẩu hiệu có hơi khác.

TRÍ THỨC TRONG QUAN NIỆM CỦA J.P. SARTRE


Như đã nói, nước Pháp là nơi đẻ ra „Trí thức“, và trong cuộc tranh luận dai dẳng về từ ngữ này, người Pháp đã không nản chí như người Đức và đã không mất trí như Quốc xã và Cộng sản trong nỗ lực kiếm tìm nội dung cho khái niệm này.
Một người Pháp được biết nhiều trong nỗ lực này là triết gia Jean Paul Sartre.
Sartre bảo, Trí thức là „sản phẩm quái gỡ của những xã hội quái lạ“ (monstrueux produit des sociétés monstrueuses). Như vậy theo ông, Trí thức là những Quái vật (monstres), vì chúng chẳng giống ai. Trí thức có thể xuất hiện tuỳ vào hoàn cảnh đặc biệt của từng xã hội. Họ là con đẻ của từng xã hội, nhưng không nhất thiết là sản phẩm của xã hội đó. Tại sao? Vì họ vẫn là một thành phần của „quần chúng nhân dân“, nhưng đồng thời lại không là quần chúng nhân dân; họ có thể xuất thân từ đám „đại gia“ nhưng đồng thời tách khỏi đám đại gia thất đức. Họ là thành phần ngô chẳng ra ngô khoai chẳng ra khoai. Không ai yêu cầu hay ép họ ra nông nỗi như thế. Mà tự họ muốn thế, họ tự cảm thấy bị thôi thúc làm quái vật. Như vậy Quái vật, trước hết, trong hai tính cách: Trí thức là một người của quần chúng, ở giữa quần chúng, nhưng lại không giống quần chúng, vượt ra khỏi quần chúng; thứ đến, Trí thức là Quái vật, vì chẳng ai hiểu được họ: Trong lúc họ làm những điều mà họ cho là phải làm, thì vợ con đồng nghiệp lại chửi họ là thứ „ăn cơm nhà vác ngà voi“, thứ làm „chuyện ruồi bu“, là „những đứa ngu“ tự chuốc hoạ vào thân!
Việc lên tiếng bênh vực 6 tín hữu công giáo ở Cồn Dầu của luật gia Cù Huy Hà Vũ bị / được coi là hành động của một con quái vật. Trong lúc những vị lãnh đạo tinh thần trực tiếp của họ khôn ngoan im lặng hoặc khôn khéo bán cái (Giáo quyền nằm trong tay Chính quyền), thì ông luật gia kia là thằng ngu (!), chẳng mất ông mất cha gì lại tự chuốc hoạ vào thân, làm khổ cho Đảng và công an (ta) phải nhọc sức tốn của bày mưu tác kế để bắt ông. Ông nhà văn Trần Mạnh Hảo cũng là một quái vật, khi đang không ngớ ngẩn nói ra những sự thật giữa một đám kên kên đểu trá đang chờ lệnh để xé thịt.
Song nếu gặp may, những Quái vật kia sẽ được phong thánh, trở thành những Quái vật thánh (Sartre: monstres sacrés), không ai còn dám đụng đến, như kiểu tổng thống De Gaulle đã trả lời khi cơ quan an ninh xin phép bắt tên triết gia chuyên khuấy rối: Không thể bắt một người như Sartre được! Họ có thể lại được giải Nobel, như ông Lưu Hiểu Ba vừa rồi, để may ra thoát tù, thoát chết. (Trước đây Sartre cũng được trao giải, nhưng ông đã không nhận, với lập luận rằng, nếu nhận, ông sẽ được/bị đưa vào ngồi chiếu trên, không còn được ngồi bệt xuống đất với quần chúng nữa). Trái lại, nếu không may, những Quái vật đó sẽ bị bịt miệng, bị „quần chúng tự phát“ đánh gẫy xương vỡ đầu hay bị tù vì tội „lợi dụng dân chủ“, „âm mưu lật đổ chính quyền xã hội chủ nghĩa“ hoặc kẹt quá thì „tội trốn thuế“, „tội ở khách sạn … với bao cao su đã qua sử dụng (!)“, thậm chí có khi được xe mật vụ cộng sản tông đưa về gặp cụ Mác cụ Mao.
Trên đây là vài điểm khác người của Trí thức.
Nhưng Trí thức từ đâu ra và khi nào thì được gọi là Trí thức?
Để trả lời, trước hết phải hiểu Sartre quan niệm về con người thế nào đã. Có thể tóm tắt tư tưởng của ông như sau: Con người là một „dự án“ sáng tạo luôn hướng tới một cái gì còn trong tương lai, chưa có. Chẳng hạn: Người thợ được trả lương và anh ta/ bà ta luôn tìm cách để làm sao có được lương cao hơn; người nông dân cố gắng lam lũ để tương lai đỡ cực; người khoa học luôn đi tìm những khám phá mới; người dân trong một chính quyền áp bức luôn tìm cách để có được tự do... Mà muốn đạt được cái chưa có đó, con người phải có khả năng vượt ra khỏi tình trạng hiện tại để dùng đầu óc đưa mình hướng tới những mục tiêu nhắm tới. Và, dưới ánh sáng của cái mục tiêu nhắm tới đó, họ „phủ định“ hiện tại (không thể sống mãi như thế này được!), họ đánh giá hiện tại (một xã hội bóc lột!), đồng thời nghĩ ra phương cách làm sao để thoát ra tình trạng đó. Theo Sartre, con người làm việc này (phủ định, đánh giá, tìm phương cách giải quyết) trong suốt mọi giây mọi phút cuộc đời mình, không ngưng nghỉ. Hành động liên tục phản kháng hiện tại và tìm cách đạt tới cái chưa có đó là minh chứng cụ thể nhất cho sự hiện hữu của con người. Ông nói: „Cách học hỏi duy nhất là thắc mắc, là đặt lại vấn đề. Đó cũng là cách duy nhất để người trở thành người“.
Trên nguyên tắc, theo Sartre, mọi người, bất luận ai, đều có khả năng nghi ngờ thực tại và tự đặt vấn đề để đi tới. Tuy nhiên, không phải ai cũng có khả năng nghĩ ra được phương cách để giúp mình thực hiện ước vọng. Ở đây, sự phân công xã hội đã tạo ra một nhóm người có khả năng nhìn ra được những phương cách để đạt mục tiêu, đó là thành phần mà ông gọi là những „Kĩ thuật gia về kiến thức thực tế“, mà nay ta có thể nói là thành phần tốt nghiệp đại học, gồm các kĩ sư, các nhà khoa học, bác sĩ, luật sư, nhà giáo… Cứ theo lập luận của Sartre thì sự phân công xã hội đã tạo ra ba hạng người: thành phần lãnh đạo, tầng lớp kĩ thuật gia và công nhân. Thành phần lãnh đạo đặt ra mục tiêu (chẳng hạn cần điện nguyên tử), các kĩ thuật gia nghĩ ra các kế hoạch xây dựng nhà máy và tầng lớp công nhân thực hiện các kế hoạch đó. Trí thức xuất thân từ thành phần Kĩ thuật gia, chứ không từ đâu khác. Ở điểm này, lí luận của Sartre hơi mâu thuẫn. Một mặt ông bảo Trí thức xuất thân từ thành phần Kĩ thuật gia – là thành phần có học, nhưng mặt khác, ông vẫn giữ quan điểm là ai ai cũng có thể trở thành Trí thức. Nhưng Kĩ thuật gia chưa hẳn là Trí thức. Trí thức chỉ xuất hiện, khi nhà kĩ thuật í thức được những mâu thuẫn (xã hội) và dám đứng dậy đặt vấn đề để thoát ra khỏi tình trạng mâu thuẫn đó, chứ không nhắm mắt làm ngơ, chấp nhận thoả hiệp hay nín thở qua sông.
Như vậy, theo Sartre, Trí thức là những tác nhân chính tạo biến chuyển, đưa xã hội và nhân quần đi tới; vai trò của họ là „chỉ ra, chứng minh, lột mặt nạ và dùng chất cường toan phê phán phá đổ đi những huyền thoại lẫn linh vật“. Tắt lại: „Trí thức là một số đông người nhờ công việc tri thức của mình mà đạt được một sự nổi tiếng nào đó, và họ đã lạm dụng sự nổi tiếng này để bước ra khỏi lãnh vực chuyên môn của mình để phê phán xã hội và trật tự đang có nhân danh một nhân sinh quan mang tính toàn cầu và giáo điều
“.
(Ở đây chỉ bàn tới lí luận của Sartre về Trí thức, không bàn đến con người với một số hành vi phản Trí thức cụ thể của Sartre)

Đi tìm một nội dung thích hợp

Sartre vừa đưa ra mẫu Trí thức như thế thì đùng một cái xẩy ra biến cố 68 ở Pháp. Và biến cố này đã làm đảo lộn nhận thức của ông. Ông hiểu ra, loại Trí thức kiểu tổng quát, toàn diện – mà ông gọi là „Trí thức cũ“ - như ông nghĩ khó mà có. Cuộc biến động 68 tại Pháp đã như cơn sóng thần làm thay đổi tận căn xã hội Pháp trên nhiều lãnh vực, nhưng biến động đó lại không do một ông bà được gọi là Trí thức (nhà văn, nhà thơ, triết gia, khoa học gia...) nào tạo ra cả. Sartre hiểu ra, không thể có loại Trí thức „cũ“, nghĩa là không thể có được hạng người thông suốt được mọi mặt của xã hội và cuộc sống, để từ đó phê phán, đưa ra lời giải đúng đắn cho mọi vấn đề. Vì thế, giờ đây ông nói tới một loại Trí thức „mới“. Theo ông, đây là những chuyên viên, những người có thẩm quyền trong những lãnh vực chuyên môn. Xã hội hiện đại và hậu hiện đại ngày nay càng ngày càng chuyên môn hoá rất cao, không thể có được loại người thông biết mọi chuyện được. Mà đã là chuyên viên thì không thể ai ai cũng là Trí thức được. Một thay đổi nữa nơi Sartre do ảnh hưởng biến cố 68 là quan niệm Trí thức phải gần dân, luôn phải trong dân, theo dân. Trí thức „cũ“ có thể gần dân hoặc xa dân, có thể ngồi trong tháp ngà mà lên tiếng. Nhưng Trí thức „mới“ thì phải dứt khoát đội nón xuống đường cùng với dân oan đòi lại đất đai nhà cửa, cùng với sinh viên hô lên Hoàng sa Trường Sa là của Việt Nam!
Hẳn nhiên, cả hai quan niệm Trí thức „cũ“ và „mới“ của Sartre đều bất cập. Không thể có một hạng người có tri thức toàn diện, mà cũng chẳng có hạng Trí thức luôn phải ở trong dân, luôn phải bám sát theo dân thì mới có thể đạt đích được.
Nhưng, dựa trên quan điểm của Sartre và quan điểm chung, có hai yếu tố nổi bật nơi người Trí thức: Tri thức (Connaissance/Wissen) và Đức hạnh (Vertu/Tugend). Ở Á Đông còn gọi là Tài và Đức. Tri thức /Tài trước đây gần như chỉ có được thông qua trường lớp. Nó dính dáng nhiều với tầng lớp xuất thân đại học và khoa bảng, nhưng hẳn nhiên không chỉ hạn chế trong hạng người đó.
Xã hội hậu hiện đại hiện nay với cuộc cách mạng truyền thông và sự phổ cập nền giáo dục đang dần dần lấy đi nền tảng bằng cấp của loại Trí thức cổ điển. Trước đây chỉ có thứ truyền thông chữ viết, nên các cuộc tranh luận chỉ giới hạn trong một thành phần ưu tuyển và có học nào đó, và xem ra chì có giới học cao hiểu rộng mới là tác viên tạo ra những thay đổi xã hội qua việc lên tiếng phản bác thực tại và mở lối tương lai. Nay tác viên tạo chuyển động xã hội có thể là các tổ chức dân sự (Nhân quyền quốc tế, Attack, Tổ chứ Xanh...) hoặc màn ảnh truyền hình, đặc biệt mạng lưới vi tính (Internet). Chữ viết chuyển sang hình ảnh. Độc quyền của một nhóm chuyển sang tập thể mọi giới. Chỉ cần tung lên tấm ảnh linh mục Lý bị bịt miệng cũng đủ làm chùn tay cả một chế độ. Một vài tin tức hay tấm hình về sóng thần hoặc lũ lụt đủ làm thức tỉnh lương tâm nhân loại. Chỉ cần một nhấn nút trên mạng Facebook là hàng ngàn sinh viên học sinh Iran xuống đường chống lại gian lận bầu cử. Sự phổ thông hoá nền giáo dục đại học (ở phương Tây) làm cho yếu tố bằng cấp nơi Trí thức càng thêm mờ nhạt. Kiến thức ngày nay không còn là độc quyền của trường ốc nữa. Internet cũng có thể cung cấp cho một người những kiến thức tổng quát và chuyên môn không thua gì nơi đại học.

Vì thế giới hàn lâm hiện nay có khuynh hướng nhấn mạnh tới Đức hạnh, không còn chú í nhiều tới Tri thức. Nhưng dấn thân vì lí do gì và ở lãnh lực nào, thì lại là chuyện không đơn giản. Ở Đức, người ta nói đến hai mẫu Trí thức: Lí thuyết (Theoretiker) và Đức hạnh (Tugend). Người Lí thuyết nhìn thấy sự kiện; người Đức hạnh nhìn thấy con người. Qua vụ Cồn Dầu, Trí thức lí thuyết thấy „một cuộc đấu tranh chống lại cướp đất, chống lại bạo quyền, thấy sự sai trái của luật đất đai“; Trí thức đức hạnh trái lại thấy „nỗi khổ nhục và đau thương của những người dân bị đàn áp, bị cướp mất nhà cửa ruộng vườn“.
Làm sao để nối hai cái nhìn đó lại? Làm sao để có được một lí do và lãnh vực dấn thân phổ quát mà không sợ sai, sợ lầm do ảnh hưởng bởi hoàn cảnh, thời đại hay í thức hệ? Và suy tư đã đưa người ta đến niềm tin vào í niệm Nhân phẩm. Theo đó, người Trí thức, bất luận với tên gọi nào, là kẻ sẵn sàng bất chấp nguy hiểm bản thân dám dấn thân lên tiếng, khi thấy phẩm giá con người - bất luận hạng người nào - bị xúc phạm, chà đạp, khinh rẻ. Bởi vì chung quy lại, mọi chế độ chính trị chân chính, mọi luật pháp chân chính, mọi tôn giáo chân chính, kì cùng ra, đều hướng tới một mục tiêu bản lề: Bảo vệ và phát huy nhân phẩm, thăng hoa con người.
Như vậy, chúng ta có thể kết luận với những vế như sau. Được gọi là Trí thức, khi người đó:

1) nhờ sinh hoạt tri thức của mình mà đạt được một nổi tiếng nào đó
2) sẵn sàng chấp nhận nguy hiểm bản thân để lên tiếng phê bình, phản kháng lại thực tại mâu thuẫn xã hội mà mình nhận ra, nhưng
3) tiếng nói của họ phải vượt lên trên ảnh hưởng phe phái chính trị, cũng như
4) vượt lên trên tầm nhìn hạn chế của một chuyên viên, và
5) luôn với một mục tiêu rõ rệt trước mắt: đấu tranh cho phẩm giá con người.


Tham khảo:
- Károly Méhes, Die Intellektuellen und Europa – ein intelligentes Europa.
- Dietz Bering, „Intellektueller“: Schimpfwort – Diskursbegriff – Grabmal?
- Barbara Winken, Die Intellektuelle: gestern, heute, morgen.
- Dorothea Wildenburg, Sartres „heilige Monster“.