Trang Sử Việt: Nguyễn Quang Bích

Nguyễn Lộc Yên

NGUYỄN QUANG BÍCH
(1832 - 1890)
   
     Nguyễn Quang Bích, nguyên là Ngô Quang Bích tự Hàm Hy, hiệu Ngư Phong, quê Thái Bình. Ông là dòng dõi Ngô Quyền và khai quốc công thần Ngô Từ (ông ngoại vua Lê Thánh Tông). Họ Ngô đổi thành họ Nguyễn từ đời ông nội của ông đổi sang họ bên ngoại. Năm 1861, ông đỗ Cử nhân, năm 1869 đỗ Hoàng nguyên, được bổ nhiệm qua các chức vụ: Tri phủ Lâm Thao, Án sát Sơn Tây, Án sát Bình Định. 
 
     Năm 1875, vua Tự Đức cử ông duyệt lại bộ sách Khâm định Việt sử Thông giám cương mục. Khi triều đình mở doanh điền Hưng Hóa (nay Phú Thọ), ông làm Chánh sơn phòng sứ, đến năm 1876, kiêm chức tuần phủ Hưng Hóa. Nơi đây, ông đã phối hợp với Tôn Thất Thuyết, Hoàng Kế Viêm chống giặc, ông đã cảm hoá được “giặc khách” là nhóm giặc Tàu đi phá phách, có cả thủ lĩnh quân Cờ Đen Lưu Vĩnh Phúc. 
    
     Ngày 12-4-1884, thành Hưng Hóa bị quân Pháp đánh chiếm, ông thu tàn quân chạy về Tứ Mỹ, Áo Lộc, rồi lên Tiên Động (Hải Dương) lập căn cứ kháng Pháp. Năm 1885, vua Hàm Nghi xuất bôn, phong ông làm Lễ bộ Thượng thư, sung Hiệp thống Bắc Kỳ quân vụ, tước Thuần Trung hầu; nhiệm vụ tổ chức kháng chiến ở vùng Tây Bắc. Ông vừa phát triển lực lượng vừa phối hợp với các phong trào khác: Nguyễn Thiện Thuật, Đèo Văn Trì (thủ lĩnh người Thái), Nông Văn Quang, Cầm Văn Hoan... Ông đã mời được nhiều sĩ phu, tù trưởng và đông đảo các dân tộc Kinh, Thái, Mường... tham gia chiến đấu hay ủng hộ Nghĩa quân. Trong hai năm 1885-1886, ông đã hai lần sang Tàu cầu viện nhưng việc không thành.
   
     Cuối năm 1886, ông và Nguyễn Văn Giáp đem quân lên Nghĩa Lộ (thuộc Yên Bái) xây dựng căn cứ mới. Tháng 4-1888, quân Pháp chia làm hai đạo tiến lên Nghĩa Lộ. Đạo thứ nhất, thiếu tá Bose chỉ huy 400 quân đi từ Ngòi Hút (Đại Lịch). Đạo thứ hai, thiếu tá Berger chỉ huy 384 quân, tiến từ Ngòi Lao. Dọc đường cả hai đạo quân Pháp đều bị thiệt hại nặng bởi phục binh của ông. Sau đấy, mặc dù Nghĩa quân chiếm được một số nơi, nhưng ông phải triệt thoái vì không thể giữ lâu dài. Ông rời Nghĩa Lộ, đem quân đến Yên Lập (Phú Thọ) củng cố lực lượng rồi cử quân đi đánh Pháp các nơi. Công cuộc kháng chiến đang phát triển thì ông lâm bệnh và mất tại núi Tôn Sơn (thuộc xã Mộ Xuân, huyện Yên Lập, Phú Thọ) vào ngày rằm tháng chạp Kỷ Sửu (24-1-1890). Nghĩa quân chống Pháp ở vùng Tây Bắc tiếp tục chiến đấu đến năm 1893.
   
     Nguyễn Quang Bích đã để lại: Ngư phong thi tập gồm 97 bài thơ bằng chữ Nho đủ thể loại, thơ ông sáng tác trong thời gian lãnh đạo nghĩa quân chống Pháp. Ông còn có các bài văn, câu liễn đối dùng để điếu các đồng đội đã hy sinh. Sau đây là bài thơ “Hữu chinh mại chi cảm” Nghĩa là: “Cảm xúc tháng ngày qua”, ông cảm tác khi đang đi kháng chiến:
   
Nguyên văn: Kim triêu tiểu trú Quế Sơn bằng
Khứ tuế kim triêu tại Bản Tăng
Ưu phẫn nhất tâm đồng bộ uất
Sơn Nam đáo xứ cộng tằng lăng
Khởi ưng cử thế tư vi quỉ
Tố hữu ô nhân khả úy dăng
Cận nhật bất kham tần đối kính
Minh tu bạch đắc kỷ hành tăng
   
Nghĩa Nôm: Tạm trú nhà sàn đất Quế Sơn
Bản Tăng năm ngoái tái tê còn
Hai nơi rầu rĩ cùng tâm trạng
Một cảnh đá trơ với núi non
Chẳng lẽ thế gian đều quái quỉ
Không may kẻ xấu mãi chập chờn
            Gần đây ngán ngẩm nhìn trong kính
            Râu tóc do đâu sớm bạc hơn?!
  
Cảm mộ: Nguyễn Quang Bích
  
Nguyễn Quang Bích, mến nước lo dân! 
Đánh đuổi ngoại xâm, quyết dấn thân
Nhận chiếu Cần Vương, nung nấu chí   
Khởi binh kháng Pháp, vững vàng tâm!
  
Nguyễn Lộc Yên 

Nguồn: https://vietbao.com/p112a257164/trang-su-viet-nguyen-quang-bich