Văn hóa và đạo làm người


Văn hóa và đạo làm người

GS Nguyễn Đăng Trúc

I. Văn hóa và ý nghĩa nhân tính

Chúng ta chứng kiến vô số định nghĩa về văn hóa. Mỗi định nghĩa đều tiền kiến một nhận thức nào đó về nhân tính. Phát huy ý nghĩa nhân tính mà chúng ta tiền kiến như là một chân lý hiển nhiên, chúng ta gọi đó là sinh hoạt văn hóa trong nếp sinh hoạt ngày ngày của chúng ta.

Mỗi tác giả, mỗi thế hệ, mỗi truyền thống sinh hoạt văn hóa đông, tây, kim, cổ, cấp vùng, cấp quốc gia hay bộ lạc v.v. đều chiếu theo mẫu mực chân lý về nhân tính, mà người ta tiền kiếnđương nhiên phải là như thế, để định chuẩn thế nào là văn hóa và thế nào thế nào là phi văn hóa.




Xuyên qua những hình ảnh rất linh động, cuốn Tây Du Ký của Ngô Thừa Ân vào cuối thế kỷ16 phác họa những ý nghĩa nhân tính mà, trong mỗi gây phút, bất cứ nơi đâu, mỗi người trong chúng ta có thể tiền kiến và thực hiện ngay trong cuộc sống của mình.  Rồi từ tiền kiến mê lầm đó, mỗi người, mỗi nền văn hóa cứ nhắm mắt đi tới :

-   Chúng ta có một Tề Thiên, con khỉ dựa vào sự hiểu biết để tự định nghĩa mình ngang Chúa Tể Trời Đất, một Ađam và Evà muốn hiểu biết để bằng Thiên Chúa (theoThánh Kinh Do-thái giáo và Ki-tô giáo), một Prométhée con người làm ra Trời trong Bi kịch Prométhée bị trói của thi hào Eschyle, một Oedipe nắm ánh sáng chân lý trong tay trong Bi kịch Oedipe-Vua của Sophocle, Hy lạp, và đặc biệt hơn cả là con người lý trí(homo sapiens) của nền văn hóa truyền thống tây phương.
-   Một Trư Bát Giới, con lợn chỉ biết ăn ngũ, hình ảnh con người chỉ nhận ra mình nơi sinh lực vũ trụ, con người hưởng thụ và vui chơi, một homo ludens làm chuẩn mực cho nhiều trường phái lãng mạng đông tây; và cũng là hình ảnh của con người của văn minh và văn hóa tiêu thụ thời hậu kỹ nghệ chúng ta đang sống.
-   Một Sa Tăng, con dã tràng cần cù lao tác, tiền kiến ý nghĩa nhân tính nơi khả năng biến thiên nhiên thành thế giới văn minh, thành ‘Nhân Loại’ do bàn tay con người tác tạo, thành nếp văn hóa qua chính lao động của mình. Con người homo faber ấy một thời đã là mẫu mực cho nền văn hóa của thế giới cộng sản.
-   Nhưng chúng ta cũng có một Huyền Trang, con người khiêm tốn khao khát đón nhận một Ánh Sáng từ « bên kia bờ » (Huyền) đến cứu độ để « ngộ » được  nhân tính chân thật, - một Ánh sáng mà Tề Thiên, Trư Bát Giới, Sa Tăng… không hề biết đến-.

Ba hình ảnh Tề Thiên, Trư Bát Giới, Sa Tăng tiêu biểu cho vô số ý nghĩa nhân tính khác nhau mà, vì mang nghiệp[1] sai lầm gắn liền với số phận làm người, mỗi người chúng ta đều có thể « tự làm ra cho mình ». Ba hình ảnh tượng trưng cho vô số những nền văn hóa mà mỗi người, mỗi giai đoạn lịch sử, mỗi phương (đông cũng như tây), mỗi dân tộc … tự  xác quyết cho rằng truyền thống, nếp sinh hoạt của riêng mình là cho con đường chân lý duy nhất, cao cả và huy hoàng nhất.

Nhưng bên trên vô số[2] những con đường văn hóa do bàn tay con người làm ra xuyên qua lịch sử, còn có những trực giác ngược đời về ý nghĩa nhân tính, những trực giác đến với con người vượt lên trên những tiền kiến đang trói buộc con người và xã hội[3]. Còn có những Huyền Trang, những thánh hiền, những thi hào, những nhà tư tưởng có duyên tiếp nhận cảm hứng từ bên kia bờ ; họ nhắc chúng ta nên khiêm tốn và tỉnh thức nhận ra thân thế kỳ lạ của mình. Chúng ta hẳn là con người ; thế nhưng chúng ta đang nổi trôi giữa vô số những tiền kiến lạc lầm và mâu thuẩn về ý nghĩa nhân tính của chúng ta !

Bên trên những lối mòn văn hóa mà xã hội cho rằng đương nhiên phải là như thế, còn có ánh sáng do Lửa từ Trời, còn có cảm hứng đến từ « bờ bên kia », cảm hứng mà Nguyễn Du gọi là  « giác duyên », hoặc là ơn lộc bất ngờ đến, có thể đưa con người trầm luân thoát ra cõi « bất nhân » và bước vào cửa của nhà nhân tính (Tiền Đường). Khi bước chân được vào Tiền Đường ấy, văn hóa hay tư tưởng sẽ không còn là nhắm mắt đi tới để phát huy một tiền kiến nào đó về ý nghĩa con người, nhưng là trực giác về ý nghĩa nhân tính như một vấn đề và mải mải sẽ như là vấn đề duy nhất.


2. Phương pháp tiếp cận bộ môn văn hóa

Nếu văn hóa, tư tưởng, đạo lý… có nội dung thiết yếu là trực giác về vấn đề nhân tính, và thể hiện cuộc sống con người dưới ánh sáng của trực giác ấy, thì việc tiếp cận bộ môn văn hóa lại cần đáp ứng ba điều kiện căn bản nầy :

-   Xác định nội dung văn hóa trong khuôn khổ của vấn đề ý nghĩa nhân tính : Một yếu tố hay sinh hoạt có tính cách văn hóa chỉ khi nó có tương quan trực tiếp đến nội dung thiết yếu nầy. Chẳng hạn khi muốn đề cập huyền thoại của dân tộc Việt Nam trong khuôn khổ văn hóa, thì huyền thoại đó phải được qui chiếu vào vấn đề khai triển ý nghĩa nhân tính; nếu không, thì việc làm nầy chỉ được xem là một đối tượng cho bất cứ một bộ môn nào khác mà thôi.

-   Trực giác về ý nghĩa nhân tính phải được thể hiện qua một công đồng con người trong lịch sử, và phải là cương thường hay còn gọi là Đại Ký Ức làm giềng mối hướng dẫn cuộc sống làm người của cộng đồng liên hệ. Chẳng hạn như huyền thoại dựng nước của cộng đồng người Việt (chuyện Hồng Bàng Thị, chuyện Bánh Dày Bánh Chưng, Chuyện Trầu Cau…ghi lại  trong tác phẩm Lĩnh Nam Chích Quái), chẳng hạn như truyện Kiều của Nguyễn Du…, những nội dung như thế đều được hầu hết người dân xem là những ký ức muôn thủa, những hứng khởi quen thuộc gây cảm hứng cho các tập tục, giao tế, sáng tác nghệ thuật .v.v. Nếu một cổ vật nào đó bất ngờ được đào bới lên, nhưng không một yếu tố nào của nó quen thuộc với tâm tư hay nếp sống người dân, thì đó chỉ là một món đồ cổ để trang trí cho vui, chứ không có chút hồn văn hóa nào.

-   Điều kiện thứ ba, và cũng là điều kiện rất quan trọng giúp chúng ta tránh được những suy đoán chủ quan, những giải thích tùy hứng, thường có tính cách chính trị nhất thời hay nặng về ý hệ hơn là một lối tiếp cận có tính cách văn hóa. Điều kiện đó là chứng cứ hay vết tích cụ thể còn lưu lại và có thể truy cứu được. Những chứng cứ cụ thể chẳng hạn như bản văn Truyện Kiều của Nguyễn Du, tác phẩm Lĩnh Nam Chích Quái do Vũ Quỳnh hiệu chính, các tập tục nghi lễ của người Việt trong năm… Về mặt tiêu cực liên quan đến điều kiện nầy, thế giới không quên được lối làm văn hóa của Đức Quốc Xã trong thế kỷ 20, khi chế độ nầy nêu lên giả thuyết về chủng tộc Nhật-nhĩ-man là chủng tộc tinh tuyền và cao cả của người Đức !

[1] Cf. NGUYỄN DU, Kiều : « Đã mang lấy nghiệp vào thân » câu 3249 ( theo bản văn được Nguyễn Văn Vĩnh chép lại, trong Kim Vân Kiều, Hà nội, NXB. Alexandre de Rhodes, 1943.)
[2] Chỉ cần lược kê những chủ thuyết tự xưng là nhân bản, những định nghĩa đa biệt và mâu thuẩn nhau về nhân tính do những triết gia đưa ra, thì chúng ta cũng ý thức được tình trạng u mê lạc lầm của thân phận con người chúng ta.
[3] Sách Đạo Đức Kinh, Ch. 2.  gọi nghiệp sai lầm căn nguyên nầy bằng thành ngữ  thiên hạ.