Giới thiệu tác phẩm Việt Nam đi về đâu? của Lê Trọng Quát

Biên khảo
Việt Nam đi về đâu?
của 
Lê Trọng Quát

Hay là ký ức 70 năm lịch sử thăng trầm và tin tưởng của một cựu chính khách trong tương lai đất nước...
- Lê Mộng Nguyên –

Cách đây không lâu, trước Đại hội nghị Liên Hiệp Quốc mở đầu khóa hội thường kỳ tháng 09-2003 tại New York, Tồng thống Pháp Jacques Chirac nói lên sự bất đồng của ông với Tổng thống Bush về vấn đề Irak (sau chiến tranh), đã nhấn mạnh vào việc nhà cầm quyền Mỹ hiện đang chiếm đóng nước người, phải trả lại quyền tự chủ cho nhân dân sớm chừng nào hay chừng ấy. 
Tôi sực nhớ tới năm 1945, lúc nước Pháp vừa mới được giải phóng và tự do hồi phục sau thế chiến thứ 2 : Nếu lúc bấy giờ, thay vì quyết định phái quân đội viễn chinh Pháp trở lại Đông dương vào tháng 09-1945, Thủ tướng de Gaulle trả lại tự do độc lập cho đồng bào chúng ta (như Tổng thống Chirac đã bày tỏ ước vọng đối với Irak), nước VN hiện giờ sẽ như thế nào?
Câu hỏi thứ hai : Nếu Hoàng đế Bảo Đại không thoái vị ngày 25 th. 08-1945, nhất định từ chối trao ấn kiếm cho hai đại diện Việt Minh Trần Huy Liệu và Cù Huy Cận tại điện Kiến trung (Huế), Chính phủ Hồ Chí Minh thành lập ngày 29 th. 08 mặc dầu chính đáng (légitime) sẽ không hợp pháp (illégal), nước ta bây giờ sẽ như thế nào? Chính sự thoái vị này đã đưa đẩy Chính phủ Cách Mạng Lâm Thời của Hồ Chí Minh (với công dân Vĩnh Thụy làm Cố vấn tối cao) lên chính giới quốc tế, bắt buộc các lực lượng quốc gia trong nước hoặc phải qui phục Đảng Cộng sản hoặc phải tự giải tán, các cường quốc Đồng Minh phải thương nghị với Việt Minh là thành phần đối thoại duy nhất (sau khi Nhật bản đầu hàng ngày 15 th.8-1945), vân vân. Chúng ta có thể tăng gia nhiều câu hỏi dựa vào những giả thuyết như đã nói trên... Lịch sử VN từ 1930 (năm thành lập Đảng Cộng Sản Đông Dương do sáng kiến Nguyễn Ái Quốc) cho đến 2002 là một thảm kịch dài, vô tận, không ngừng...
Lẽ dĩ nhiên là chúng ta không thể làm lại một lịch sử rải rác thương đau của cựu Đông Pháp nói chung và của VN nói riêng, sau khi Phát xít vàng thuộc quân chủ thần quyền Nhật bản đầu hàng, nhưng viết lịch sử VN với nhiều tiếc nuối cũng không phải là phương pháp của ông Lê Trọng Quát, một sử gia thích đáng đã từng đóng một vai trò quan trọng trong diễn tiến chính trị của đất nước mình. Từ kinh nghiệm quá khứ, tác giả lấy bài học cho tương lai, đặt câu hỏi bao hàm ý nghĩa : Việt Nam Đi Về Đâu? Tâm tình với độc giả, cựu chính khách Lê Trọng Quát ... đã yên lặng thả hồn trôi về dĩ vãng để khai bút, khởi sự một cuộc du hành ngược giòng thời gian. Nối liền những ngày xa xưa với hiện tại, tôi mong ước tìm ra một lối thoát cho tương lai của đất nước thân yêu. Một niềm mong ước mà tôi biết hàng triệu người Việt ở trong và ngoài nước cũng đang ấp ủ như tôi, thôi thúc bởi nỗi lo sợ trước viễn ảnh một nước Việt nam càng ngày càng lún sâu trong một tình trạng băng hoại tinh thần và chậm tiến trầm trọng (Mấy Lời Tâm Sự).
Thật vậy ! ông Lê Trọng Quát đã viết theo phương pháp nội quan (introspection) về những biến chuyển nước nhà từ 1930 đến 2002, cho nên sách của ông được giới thiệu là một hồi ký chứ không phải là một Việt Nam Sử Lược như ta thường thấy qua tuyệt tác của học giả mà cũng là một chính khách, cựu Thủ tướng Trần Trọng Kim. Trong phương pháp nội quan, người quan sát (tác giả) vừa là chủ thể (sujet) vừa là khách thể (objet). Tác giả hành trình qua một đoạn thời gian với tầm mắt của một quan sát viên nhưng tác giả cũng là một trong những phần tử của toàn thể được quan sát. Ai cũng biết rằng một phần lớn của những hiện tượng xã hộI (phénomènes sociaux) là những hiện tượng của lương tri (conscience); như vậy thì sự thường là người quan sát nhìn lịch sử qua sự phản chiếu của chính lương tâm mình.
Việt Nam đi về đâu? (QUYỂN I : Mấy lời tâm sự ; Chương 1 : Giã từ quê hương-Những chân trời mới; Chương 2 : Một thuở thanh bình nơi chân trời cũ : 1930-1945; Chương 3 : Thảm kịch Việt Nam mở màn-Cách mạng tháng tám 1945; Chương 4 : Cuộc chiến thứ nhất 1945-1954. Giải pháp Bảo Đại. Việt Nam phân chia thành hai miền Nam Bắc. QUYỂN II - Chương 5 : Cuộc chiến tranh xâm lăng Miền Nam dưới thời đệ I và đệ II Cộng Hòa Việt Nam; Chương 6 : Một cuộc đổi đời-Miền Nam sau bức màn sắt; Chương 7 : Con đường kiến quốc phục hưng) của Lê Trọng Quát là một dấu hỏi của ý thức tác giả về tương lai đất nước hiện đang quằn quại dưới một chế độ bạo tàn. Vấn đề chủ quan hay khách quan trong việc trình bày và dẫn chứng các hiện tượng của lịch sử hiện đại, sẽ không thành vấn đề. Tác giả cho ta biết đã ... cố gắng làm sống lại những biến cố và những sự việc có ý nghĩa, liên quan và ảnh hưởng nhiều đến thời cuộc đồng thời trình bày những nhận định của tôi với tư cách người quan sát tình thế hoặc đôi lúc với cương vị người trong cuộc. Hẳn nhiên khó mà giữ được một sự khách quan tuyệt đối... Tôi đã cân nhắc thận trọng trước mỗi lời bình luận để tránh cái bệnh chủ quan thông thường nhưng dưới con mắt của một số bạn đọc, căn bệnh tâm lý này chắc vẫn còn vương vấn phảng phất đâu đây trong những trang sách này... (Mấy Lời Tâm Sự)
Đi ngược lại thời gian trở về năm 1959, sau khi giã biệt Tòa Đại sứ VNCH-Paris mà tôi đã giữ chức Tham vụ Ngoại giao kinh tế và xã hội từ 1955 đến 1958, đặng ở lại đô thành Ánh Sáng tiếp tục làm luận án Tiến sĩ Quốc gia. Nhưng trước đó, tôi muốn đi sâu vào chủ nghĩa quốc gia VN bằng cách phân tích trong một luận văn (un mémoire) tất cả Chính sách nhân vị chủ nghĩa của Tổng thống Ngô Đình Diệm tại miền Nam Việt Nam (La politique personnaliste du Président Ngô Đình Diệm au Sud-Vietnam) và kế tiếp Luận án Tiến sĩ Quốc gia (Thèse de Doctorat dõEtat) với chủ đề rất khoa học chính trị : Giai cấp xã hội và Phong trào chính trị tại Việt Nam từ 1919 đến 1939 (Classes sociales et mouvements politiques au Vietnam de 1919 à 1939) được đề xuất trước Đại Học Luật Khoa và Kinh Tế Paris ngày 08 th.2-1962 và được Giải thưởng Luận án (Prix de Thèse) năm 1963.
Vừa đỗ bằng Luật sư năm 1959, tôi đương làm thủ tục ghi tên hành nghề cạnh Tòa Thượng Thẩm Paris, thì tình cờ gặp lại một người bạn (vào khoảng đầu 1960) cùng học ngày xưa tại trường Trung học Khải Định Huế, trong một buổi họp chính trị của Cộng đồng VNHN... Hai chúng tôi (cùng đồng chí hướng quốc gia) đã tâm sự nhiều về tương lai đất nước. Luật sư Lê Trọng Quát hồi ấy tuy còn rất trẻ nhưng đã giữ nhiều trách nhiệm trong Quốc hội và phủ Tổng thống dưới thời chí sĩ Ngô Đình Diệm (Dân biểu Quốc hội, Trưởng Khối Liên Minh Xã Hội, Chủ tịch các Ủy Ban Nội Vụ, Quốc Phòng, Đại diện Tổng thống NĐD trong cuộc bầu cử 1961) :
Tôi nhớ rõ lần đầu tiên được diện kiến Tổng thống Diệm, một ngày đầu tháng 10, năm 1959, mườI ba năm sau khi thân phụ tôi tiên đoán với tôi là ông Ngô Đình Diệm sẽ lãnh đạo quốc gia như đã kể trước. Chưa được ba mươi tuổI, vừa đắc cử Dân biểu Quốc hội tại một đơn vị sát gần Cố đô Huế, nơi tôi hành nghề luật sư từ 1955, tôi được mời cùng các Dân biểu mới đắc cử pháp nhiệm 2 vào Dinh Độc Lập để Tổng thống tiếp kiến. Chúng tôi đang ngồi đợi trong phòng khách lớn, bỗng nhiên, ông giám đốc nghi lễ Hoàng Thúc Đàm tiến vào hô lớn : Xin mời luật sư Dân biểu Lê Trọng Quát và hướng dẫn tôi vào phòng khách kế cận, nơi Tổng thống đã ngồi sẵn. Tôi không bối rối vì được mời đầu tiên, không hiểu vì lý do nào. Khi đi sâu vào buổI nói chuyện tôi mớI hiểu sở dĩ Tổng thống Diệm muốn tiếp tôi trước nhất là vì ông muốn nhắc lại chuyện xưa, hỏi thăm tin tức gia đình tôi rồi đến tình hình các địa phương mà ông đã trị nhậm lúc mới ra làm quan ở tỉnh Quảng trị, gần Huế. Ông nội tôi là một y sĩ có tiếng đã chữa trị cho nhiều ngườI trong số có các quan chức trong Triều đình kể cả Thượng thư Ngô Đình Khả, thân phụ của Tổng thống Diệm. Tuy đã 58 tuổi, Tổng thống Diệm còn rất khỏe, lanh lẹ, cười tươi khi nói chuyện vui, mắt sáng lộ vẻ hiền từ, có khi mơ mộng khi ông nhớ đến một kỷ niệm xưa, một chuyện cũ mà ông ưa thích. Lúc ấy, nụ cười của ông rất hồn nhiên. Đấy là nhận xét của tôi qua cuộc diện kiến đầu tiên với Tổng thống Diệm. Hình ảnh này không thay đổi nhiều trong những lần sau tôi được gặp ông, cho đến lần cuối cùng vài tháng trước cuộc đảo chính tháng 11-1963. Ông dễ tin ngườI, trái ngược hoàn toàn với Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu, đa nghi như Tào Tháo, theo nhận xét giống nhau của những người đã biết ông Thiệu. Sự dễ tin của Tổng thống Diệm hẳn nhiên đã gây nên những hậu quả cho ông, cho nhiều người khác, hậu quả tốt hay xấu tùy theo người mà ông tin cậy có xứng đáng với sự tin tưởng của ông hay không. Chung cuộc, ông đã trả giá quá đắt cho sự dễ tin của ông như ta sẽ chứng kiến qua sự phản bội của một số quân nhân mà ông đã tin dùng và ban cho nhiều ân huệ, quyền chức, đưa họ từ những cấp bậc khiêm tốn, hạ sĩ quan... sĩ quan thuộc cấp (officiers subalternes) lên hàng tướng lãnh, Đại Tá... trong vòng năm, bảy năm mà chẳng trải qua chiến trận nào đáng kể (hai cuộc chiến tranh thực sự ở Việt Nam đã xảy ra trước tháng 07 năm 1954 và sau 1963)... Trang 685-686.

Bẵng đi một dạo (sau khi nước nhà thăng trầm biến chuyển), tôi được gặp lại ông Lê Trọng Quát trong dịp tôi làm thuyết trình ngày 05/11/2000 tại FIAP-Jean Monnet về sách LE VIETNAM CRUCIFIÉ 1945-1975 (Việt Nam Thống Khổ) của nhà văn Mạnh Bích, lần này ông là một người tị nạn tại Pháp sau biến cố 30 tháng tư 1975. Hai chúng tôi là những người phẫn uất trước việc Hà Nội xâm chiếm VNCH... đã - mỗi người một ngả - phụng sự tổ quốc bất hạnh bằng ngòi bút. Riêng tôi đã viết và đăng báo đến hằng trăm bài về chính trị và hiến pháp nước nhà, tóm tắt lại trong hai tác phẩm sẽ xuất bản : La Guerre Civile Vietnamienne (Chiến Tranh Cốt Nhục Tương Tàn) và Les Constitutions Vietnamiennes (Những Hiến Pháp Việt Nam), trong lúc cựu chính khách Lê Trọng Quát trình làng hôm nay tại Paris một tác phẩm mà ông đã dày công biên khảo trong 6 năm trời về lịch sử nước ta từ 1930 đến 2002 : việt nam đi về đâu? Với mục đích kêu gọi nhà cầm quyền Hà Nội phải ... thức thời và sáng suốt để hiểu rằng không có con đường nào khác hơn để góp công với lịch sử và đảm bảo sự an toàn của chính họ và tương lai của con cháu họ bằng con đường hội nhập vào toàn dân để lật qua một trang sử đã quá nặng mùi huyết lệ và mở ra một vận hội mới cho Tổ Quốc Việt Nam...
Tôi hoàn toàn đồng ý với tác giả VNĐVĐ? trong việc thay thế (với tinh thần chân chính hòa hợp dân tộc) nước CHXHCN hiện hữu bằng cách thiết lập một Nhà Nước Pháp Quyền và chế độ Dân Chủ Tự Do cho tổ quốc VN. Nhằm mục đích ấy, tôi đã cho đăng trên hai tạp chí Đối Lực và Khai Thác Thị Trường của TS Nguyễn Bá Long ở Toronto-Canada, cùng gần đây trên tam cá nguyệt Nhân Quyền-Droits de lõHomme của LM Trần Thanh Giản ở Paris và tập san Đông Á ở Vancouver-Canada (bộ mới số 3 tháng 6-2003) của Phong Trào Thống Nhất Dân Tộc & Xây Dựng Dân Chủ, những lời kêu gọi tha thiết của một luật gia trong việc làm một cuộc cách mạng không đổ máu, một cuộc cách mạng trong tiến hóa, một cuộc Cách Mạng Bằng Hiến Pháp... Trong một giai đoạn đầu, Quốc hội của CHXHCNVN có quyền sáng chế hiệu đính Hiến Pháp (Điều 84 của HP 15/04/1992 hiện hành), lấy quyết định cho Thủ tướng Chính phủ được sứ mệnh thiết lập một Ủy Ban Dự Thảo (UBDT) sửa đổi HP gồm có 27 phần tử chẳng hạn : 13 do Quốc hội lựa chọn, 14 do Thủ tướng tuyển nhiệm trong giới các nhân vật chuyên gia lỗi lạc về HP có tiếng tăm ở nước ngoài. Ủy Ban Dự Thảo tự bầu một nhân vật làm Chủ tịch, có trách nhiệm lãnh đạo những cuộc thảo luận đưa đến quyết nghị với sự chấp nhận của đa số tuyệt đối của Ủy Ban. Theo sắc lệnh Chính phủ, UB phải dự thảo một HP mới trong kỳ hạn không quá 3 tháng, rồi trình bày trước Quốc hội để bàn cãi, sửa đổi và thông qua. Quốc hội có thể, nếu cần, lấy quyết định tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý (Điều 84) nghĩa là một công quyết lập hiến (référendum constituant) đặt dưới sự giám sát của Liên Hiệp Quốc. Điều Thứ Nhất của Dự Án HP (sau Lời Mở Đầu ngắn ngủi với ý chí bãi bỏ tất cả lý lịch về chủ nghĩa Mác Lê Nin và đặt lòng tin tưởng nơi bản Tuyên Ngôn Nhân Quyền Thế Giới 1948 của Liên Hiệp Quốc và bản Tuyên Ngôn Pháp năm 1789) trang trọng tuyên bố việc xây dựng một Nhà Nước Pháp Quyền trong chế độ Cộng Hòa, Dân Chủ Tự Do... Như tác giả Việt Nam Về Đâu? đã kết cục trong Mấy Lời Tâm Sự : ... Một vận hội mới đầy triển vọng cho mỗi cá nhân, mỗi gia đình, không phân biệt chính kiến, không phân biệt tín ngưỡng, không phân biệt địa phương, không xét lại dĩ vãng mà tất cả quay lưng với quá khứ, tin tưởng vào tương lai và cùng nhau hồ hở tiến lên xây dựng lại Quê Hương... và đầu đề của Chương 7 (mà cũng là Chương cuối) của một cuốn sách dày 1070 trang : Kêu gọi đảng Cộng sản Việt nam thức tỉnh trước khi quá muộn để cùng toàn dân xây dựng một vận hội mới cho quốc gia, điều mong ước của hơn 80 triệu người Việt ở trong và ngoài nước.
Trong chiều ngày 20/10/2002 để dành cho chủ đề Vấn đề lịch sử Việt Nam tại FIAP Phòng Lisbonne, Cựu đại sứ CHVN, Luật sư Hoàng Cơ Thụy , sau khi trình làng bộ Việt Sử Khảo Luận (Từ Thượng Cổ đến tháng 04-1975) của ông, do Nam Á xuất bản, gồm 6 cuốn, 3960 trang khổ lớn, 1423 hình ảnh, tài liệu, ông cho cử tọa biết là ông ... đã để cả đời để sưu tầm, tìm đọc hơn 2000 tác phẩm, tạp chí Đông Tây, Quốc Cộng của mọi thời đại, rồi trong 17 năm liên tục dành toàn thời gian nghiên cứu, đúc kết, bình luận và biên soạn ra tác phẩm này. Theo nhà xuất bản : Bộ sách này được thực hiện dưới hình thức : bìa da mạ vàng, bao sách bốn màu, trang nhã gần như bộ Bách Khoa Tự Điển của Pháp. Học giả Hoàng Cơ Thụy cho biết một cách hóm hỉnh rằng muốn đọc hết Bộ Sử của ông, mỗi đồng bào phải mất ít nhất hai ba năm ... Việt Nam Đi Về Đâu? của Luật sư Lê Trọng Quát được viết theo lối tùy bút, bút ký hay hồi ký, vì vậy có thể xem như một tiểu thuyết với nhiều sức lôi cuốn độc giả chỉ cần... hai ba ngày (hoặc nhiều nhất một tuần) là đi tới chấm dứt... Đúng 1070 trang để tóm tắt 70 năm lịch sử nước nhà (huyền thoại và sự thật), đâu phải dễ ! Được sáng tạo theo một văn thể lưu loát và cao nhã, với một nội dung phong phú, sách của ông Lê Trọng Quát theo tôi là một trọng sự chính trị (un événement politique important). Đồng bào độc giả có thể tin tưởng nơi sự thành thật của tác giả cũng như tác giả đã đặt nhiều tin tưởng trong tương lai đất nước Việt Nam.


Lê Mộng Nguyên (Paris)