Alexandre de Rhodes và Giáo Hội việt nam (Bài I)

Alexandre de Rhodes và Giáo Hội việt nam (Bài I)

Alexandre de Rhodes và Giáo Hội việt nam (Bài I)


PHẠM HỒNG-LAM


400 năm dòng Tên tại Việt Nam (1615-2015)

Năm 1615 giáo sĩ Franceso Buzomi và một số thừa sai dòng Tên khác đặt chân lên đất nước Việt Nam, mở đầu một cuộc truyền giáo, mà theo Alexandre de Rhodes nhận định,sẽ là một trong những cánh đồng nhiều hoa trái nhất trên toàn cõi Đông phương.

Nhân dịp kỉ niệm trọng đại này, một sử gia người Đức, giáo sư Klaus Schatz đã viết một biên khảo về Alexandre de Rhodes, để giới thiệu cho các dân tộc nói tiếng Đức về hành trạng và con người thừa sai lạ lùng đó. Cuốn sách „…Dass diese Mission eine der blühendsten des Ostens werde. Alexander de Rhodes und die frühe Jesuitenmission in Vietnam“ hiện đang in. Bản dịch tiếng Việt sẽ đựơc ra mắt trong thời gian tới. Đây là tài liệu tiếng Đức đầu tiên khá đầy đủ về vị thừa sai kiệt xuất này.
Giáo sư Klaus cũng là bạn của linh mục tuyên uý Lê Phan (Stefan Staeubner, tuyên uý người Việt tại vùng phía đông nước Đức). Ông sẽ nói chuyện về cuộc truyền giáo và về ý nghĩa lịch sử của de Rhodes trong dịp đại hội công giáo (từ 23 tới 25.05.2015) tại Haßfurt, CHLB Đức.
Chúng tôi trích dịch tóm tắt một vài phần trong chương cuối để giới thiệu tới độc giả đôi nét về hành trạng của nhà thừa sai de Rhodes đối với Giáo Hội việt nam. Đặc biệt để giúp các tham dự viên có thêm dữ kiện cho cuộc trao đổi với tác giả trong dịp Đại hội.

Đặc Điểm Cuộc Truyền Giáo Của Dòng Tên Tại Việt Nam: Cách Ngăn Và Hội Nhập

Cuộc truyền giáo của Dòng Tên tại Việt Nam và đặc biệt của Alexander de Rhodes diễn ra, một đàng, trong sự „thích ứng“ của các giáo sĩ đòng Tên vào những nền văn hoá cao tại Á Châu. Nghĩa là họ cố gắng không trình bày Đạo Chúa trong tấm áo tây phương, trái lại trong chân trời của một nền văn hoá xa lạ, nhưng không thua kém gì văn hoá tây phương.
Đàng khác, so với phương pháp thích ứng của Matteo Ricci và hầu hết các giáo sĩ dòng Tên ở Trung-hoa và của Roberto de Nobili ở miền nam Ấn-độ, cuộc truyền giáo này có hai điểm khác biệt, nhưng liên quan với nhau.
Khác biệt thứ nhất, ở Việt Nam không có nền văn hoá tự quy (autozentriert: cho mình là nhất) và không có một vũ trụ văn hoá khép kín như ở Trung-hoa. Ở đây, người ta không coi những gì xa lạ là „man di“. Khác biệt thứ hai, các giáo sĩ dòng Tên ở Việt Nam nói chung và Alexandre de Rhodes nói riêng không quan tâm lắm tới tầng lớp ưu tuyển (Elite) trong xã hội và cũng không dùng các quan điểm của tầng lớp này làm điểm xuất phát, như Ricci đã làm ở Trung-hoa. Các giáo sĩ ở Việt Nam cũng bắt liên lạc và trao đổi với thành phần xã hội ưu tuyển và trong số này đã có rất nhiều người vào đạo Công Giáo, kể các các sư sãi. Cả de Rhodes và đồng nghiệp của ông cũng đã dùng khoa thiên văn để đánh thức quan tâm của giới ưu tuyển tới sứ điệp ki-tô giáo, đặc biệt của các quan lại ở Huế và Hà Nội. Nhưng, qua cách chọn từ ngữ tôn giáo và qua việc rộng rãi cho phép lưu giữ các tục lệ truyền thống (chẳng hạn việc thờ cúng Tổ Tiên), các giáo sĩ ưu tiên tìm sự chấp nhận của quảng đại quần chúng, hơn là sự đồng lòng của tầng lớp ưu tuyển.

Lối giảng của de Rhodes

„Tất cả mọi người say mê, khi nghe tôi chỉ ra sự đồng điệu giữa tôn giáo chúng ta với lí trí; họ ngưỡng mộ đặc biệt Mười Giới Răn của Thiên Chúa và cho rằng, chẳng có lời lẽ nào hợp lí hơn và cũng chẳng có gì xứng đáng hơn được trải lòng ra trước vị Thượng Đế vũ trụ“.
De Rhodes ghi lại sự thành công của lần giảng tại Hà Nội cuối năm 1627 như thế, đặc biệt trước những thính giả nhà sư. Dù lời lẽ của ông có thể được lí tưởng hoá, cuộc truyền giáo khởi đầu với những thành công lớn, ngay từ khi giáo sĩ dòng Tên có mặt tại Đàng Trong. Một mặt, họ giảng về một Ki-tô giáo độc thần và về tính hữu lí của nó, rồi tới sự bất tử của Hồn, cuối cùng dùng sứ điệp Toà Phán Xét để làm cầu cầu nối liền giữa hai thứ đó. Mặt khác, họ trình bày các giới răn đạo đức. Cả hai điểm trên đây chẳng phải là điều gì hoàn toàn mới, song chúng được các giáo sĩ đem nối vào với những nhận thức tôn giáo và đạo đức đã sẵn có. Dân Việt đã có quan niệm về „Ông Trời“, song vị này chưa được nhận thức là một cá vị rõ ràng. Họ cũng đã có Tam Cương của Khổng Giáo (trung tín và vâng lời vua, thầy và cha mẹ). Các giáo sĩ dòng Tên đã cố gắng dùng tam cương này để giảng giải mười giới răn. Điều mới ở đây là các giáo sĩ đã nhân cách hoá „Ông Trời“ thành một vị Thượng Đế tạo dựng trời đất đồng thời là một vị Quan Án phán xét.
Điểm tiêu cực là họ phê phán chống lại mọi hình thức đa thần hay bái vật (Animismus). Các nhà truyền giáo thường khởi đầu rao giảng với việc chống lại những lầm lạc ngoại giáo và chê bai việc thờ tà thần và ngẫu tượng. Nhưng theo de Rhodes, lối giảng tiêu cực này gây ác cảm và làm cho người nghe khiếp sợ. Vì thế, các bài giảng của ông thường bắt đầu với việc nói về những mặt hay của „các chân lí tự nhiên“. Với chúng ta ngày nay, việc khởi sự rao giảng bằng cách nêu lên yếu tố tích cực và đề cập tới tôn giáo của người nghe là chuyện đương nhiên, nhưng trước đây hoàn toàn không là chuyện đương nhiên. Khởi đầu với nguyện vọng và điều kiện của kẻ khác, đó là nét đặc trưng của nền văn hoá á đông vốn coi việc phản đối thẳng thừng người đối thoại là vô lễ và vốn không muốn có những đối nghịch và mâu thuẫn. Chính vị sáng lập dòng Tên cũng đã khuyên: Dùng cửa tha nhân để vào và ra bằng cửa của mình.
Điểm khác thứ hai là vị trí của giáo lí Thiên Chúa ba ngôi. De Rhodes cho rằng, nên giảng điều này ở giai đoạn cuối, lúc tân tòng sắp nhận phép Rửa, bởi vì thoạt nhìn nó xem ra ngược với lí trí, nếu giảng quá sớm, sợ người ta không hiểu và chẳng còn muốn vào Đạo. Lí luận này đã không được các đồng nghiệp của ông đồng tình. Theo kinh nghiệm riêng của ông, de Rhodes chẳng gặp khó khăn gì ở điểm này. Ông cho hay, người nghe chấp nhận Thiên Chúa là đấng không thể hiểu nổi và họ cũng không đòi hỏi phải hiểu cho ra lẽ, tại sao ba ngôi (de Rhodes dùng hình ảnh „ba cái ngai của Ông Trời“) mà lại chỉ là một Thiên Chúa. Trái lại, người ta gặp khó khăn về giáo huấn nhập thể và đặc biệt về sự thương khó của Chúa Con. De Rhodes dùng lối của Tin Mừng Gio-an để giải toả khó khăn này, bằng cách nhấn mạnh: Đức Giê-su không đơn giản là nạn nhân của các kẻ thù của Người, song Người đã tự nguyện hi sinh để cứu chúng ta. Những phép lạ xẩy ra trong và sau khi khi Chúa chịu nạn cũng đã giúp ông trong việc giải thích.
Tiếp đó, ông khôn khéo lồng vào bài giảng giáo lí các nghi thức phụng tự, trong đó thánh giá và cuộc khổ nạn của Chúa Ki-tô được đưa vào khung cảnh linh thiêng: chầu trước hình Chúa chịu nạn với nến sáng. Từ đó phát sinh ra truyền thống „ngắm đứng“ trong mùa chay thánh.

Lí do thành công

Sự thành công của cuộc truyền giáo ở Việt Nam, so với những quốc gia á châu khác, cũng như lòng đạo hăng say của người Việt gây ngỡ ngàng nơi các nhà truyền giáo, khiến chúng ta phải tự hỏi, nhờ đâu, tại sao?
Điều cần nói ở đây là, không thể có một nguyên nhân lịch sử nào có thể cắt nghĩa cho toàn thể biến cố được. Ki-tô hữu tin rằng, đấy là sự tác động của bàn tay Thiên Chúa. Nhưng nhà sử học có thể nêu lên một số khung cảnh, tuy không giải thích được cho toàn cảnh, nhưng thiếu chúng cũng chẳng hiểu được biến cố.
Một hậu cảnh quan trọng mà thời đó các giáo sĩ dòng Tên cũng nhận ra là tính „hướng ngoại“ của văn hoá việt nam và tính khai phóng cũng như sự sẵn sàng đối thoại của người Việt. Văn hoá việt được kể là „vùng văn hoá biên“ của Trung-hoa, nhưng lại khác hẳn với văn hoá nước này vốn mang tính quy ngã. Giáo sĩ Borri tường thuật: người Việt không sợ và trốn tránh người ngoại quốc, như những dân tộc á đông khác, trái lại rất hiếu khách và thích thú gặp họ: „họ đứng tụ tập bên nhau, đặt cho chúng tôi hàng ngàn câu hỏi, mời chúng tôi ăn uống và tỏ ra rất lịch sự, thân mật và tinh tế. Vì thế ngay lần gặp đầu tiên, tôi và các đồng nghiệp có cảm tưởng là chúng tôi đã quen nhau và là bạn của nhau từ lâu rồi. Và đó là một yếu tố quan trọng giúp cho những kẻ phục vụ Đức Ki-tô dễ dàng rao giảng Tin Mừng thánh“.
Thêm vào đó, trên nhiều khía cạnh, cuộc truyền bá ki-tô giáo đã nối được vào với những giá trị truyền thống sẵn có, như tác giả Vũ Duy Từ nhấn mạnh: „Bỏ ra ngoài nhiều thói tục thờ thần linh vốn gây phật lòng nơi các giáo sĩ, song chẳng có gì xúc phạm về mặt luân lí, người dân ở đây đã sẵn một nền tảng tôn giáo và đạo đức dựa trên yếu tố căn bản Từ Bi của Phật giáo và các đức tính của Khổng giáo. Người tân tòng ki-tô giáo chẳng gặp khó khăn gì trước mười giới răn. Có lẽ không đúng, khi nói rằng, chẳng có gì khác biệt quan trọng gữa một người Việt theo và một người không theo Ki-tô giáo. Đúng hơn, có lẽ phải nói, sự tha hoá tôn giáo thời đó đã làm mất đi niềm tin tưởng và hứng thú nơi các tôn giáo truyền thống. Ki-tô giáo đã mang trả lại cho họ niềm hứng thú đó. Cả sự sinh động trong lối sống gắn bó và sẵn sàng giúp đỡ nhau của những cộng đoàn ki-tô giáo trẻ trung cũng xuất phát và phù hợp với truyền thống văn hoá và xã hội Việt Nam. Nhiều giáo sĩ dòng Tên đã có công trong nỗ lực làm sống lại các giá trị cũ. Thay vì vội vàng choàng lên đầu các tín hữu tân tòng những giáo huấn đạo đức và tín điều của đạo mới, họ thoạt tiên đã quan tâm tới việc tăng cường và củng cố niềm các tín có sẵn. Sự thành công minh chứng cho đường lối của họ là đúng“.
Một yếu tố tích cực nữa là xung lực bác ái sẵn có trong các nhà chùa. Các nhà sư vốn quan tâm tới những việc phúc lợi chung, như dựng trạm nghỉ chân, sửa đường sá, cầu cống, bố thí. Nói chung, ở đây đã sẵn có một truyền thống bác ái tôn giáo. Cái mới do Ki-tô giáo mang vào ở đây là việc cưu mang những người cực nghèo, bị bỏ rơi, bị đẩy ra khỏi mạng lưới gia đình. Điều này thoạt tiên gây ngỡ ngàng, nhưng rồi vẫn được mở mang, vì nó được xây trên tập quán sẵn có. De Rhodes thuật lại trường hợp anh Vân No ở Đàng Ngoài, một người lính mang bệnh nan y, bị vứt ra đường và được Ki-tô hữu mang về đùm bọc; trước khi mất, anh đã học đạo và nhận phép Rửa. Cái đáng nói ở đây, là người ta đã chăm sóc anh, dù họ chẳng quen biết hay có chút liên hệ gia đình họ hàng gì với anh cả. Người ta đã chôn cất anh trong một chiếc áo quan mà người nghèo chẳng bao giờ mơ tưởng có được, với sự hiện diện của những người Bồ-đào-nha mang theo cờ xí, ảnh tượng họ có sẵn trên thuyền. Và đó cũng là một cơ hội để minh chứng, Ki-tô hữu hết lòng quan tâm đối với kẻ chết. Ông cho hay, sau đó được bà chị của nhà chúa cho gọi tới, được tiếp đón giữa những hàng quân, rồi bà chị hỏi, tại sao lại đối xử với người lính nghèo đó cách long trọng như thế và làm như vậy thì được gì? De Rhodes trả lời, họ chẳng quen biết gì anh lính, họ chẳng chờ đợi phần thưởng gì ở đời này; rồi ông nói cho bà chị nghe về giá trị vô cùng của hồn con người do Ông Trời tạo dựng để hưởng tới hạnh phúc đời đời nơi Người; còn riêng chuyện đã làm cho anh lính đáng thương kia thì, đối với ông, vẫn chưa có gì là nhiều nhặn cả.
Điều de Rhodes cũng như các giáo sĩ dòng Tên khác để ý, là sáng kiến kiến truyền giáo nơi các Ki-tô hữu địa phương, và sáng kiến này đã có từ lâu trước khi ông lập Hội Kẻ Giảng. Nhiều trường hợp cả làng vào Đạo, do ảnh hưởng của những người lãnh đạo. Giáo dân tụ họp bổn đạo và lãnh đạo cộng đoàn; họ thường đưa được nhiều người vào Đạo và lập được những cộng đoàn lớn, dù vắng bóng giáo sĩ. Trong nhiều trường hợp, phụ nữ nắm vai chính, những phụ nữ này thường xuất thân từ lớp quyền quý. Chính điểm này tạo nên sự khác biệt với Trung-hoa, nơi phụ nữ vốn không xuất hiện trước công chúng. Một yếu tố căn bản giúp giữ đức tin là những buổi chầu tại gia và thói quen giữ những dịp đọc kinh nhất định. Điểm này được de Rhodes cho biết như sau, trong toàn Đàng Ngoài, nơi nào không có cộng đoàn, thì người ta có lệ „giữ những buổi đọc kinh với người trong gia đình hay một mình; hay khi không ở nhà, người ta đọc ở bất cứ nơi đâu, trên thuyền hoặc nơi đồng ruộng; họ mang theo mình lịch ghi các ngày lễ và các ngày giữ chay“. Mặt khác, các tín hữu có một kỉ luật nhóm rất ngặt, sẵn sàng chấm dứt quan hệ hoặc loại ra ngoài cộng đoàn những ai có hành vi trái với tinh thần chung. De Rhodes kể lại trường hợp một người bỏ vợ bị đồng đạo khinh ghét bỏ rơi hoàn toàn; dù ông bệnh sắp chết và van nài cứu giúp, người ta cũng chẳng chịu đến thăm. De Rhodes một mặt khiển trách họ về thứ kỉ luật khắt khe đó, nhưng mặt khác ông coi đó là một thí dụ vể toà phán xét của Thiên Chúa.

Vấn đề gai góc: Thờ kính Tổ Tiên

Lễ Gia Tiên là một hành vi mang tính „tôn giáo” hay chỉ là một tục lệ „gia đình”, đó là tâm điểm của cuộc „tranh luận nghi lễ” tại Trung-hoa. Sự việc như thế nào?
Ở Trung-hoa và các nước trong vòng ảnh hưởng văn hoá của nó (Hàn Quốc, Việt Nam), tục thờ kính Tổ Tiên giữ vai trò quan trọng; nó là mối dây xã hội nối kết gia đình và rốt cuộc nối kết toàn xã hội. Mỗi gia đình đều có bàn thờ đặt bài vị gia tiên. Người ta thắp nhang cúi lạy tận đất trước bàn thờ, đặc biệt trong những ngày giỗ chạp. Người ta cúng tổ tiên thức ăn hoặc mời tổ tiên về cùng ăn. Với người công giáo ở Âu Châu, thoạt nhìn thì đây rõ ràng là một lễ nghi tôn giáo, nó mang tính chất „thờ bụt thần” hay „mê tín dị đoan”, không thể chấp nhận. Nhưng người Trung-hoa hiểu thế nào về tục lệ này?
Cuộc tranh luận về nghi lễ này lẽ ra đã chấm dứt sớm, nếu Roma đã có một câu trả lời rõ ràng. Trước hết, không thể chối cãi, việc thực hành tục lệ phổ biến nơi quảng đại quần chúng này mang tính chất „bái vật”. Người ta cho rằng, tổ tiên trong các bài vị vẫn sống, có sự hiện diện của các ngài trong các tiệc lễ, các ngài cùng ăn và nếu không có đồ cúng, các ngài không thể về dự: trong trường hợp này các ngài một thời gian dài phải lang thang như ma đói rồi biến mất. Ngoài ra, trong các cuộc lễ đó, người ta kêu cầu các tổ tiên phù hộ cho những công việc và dự tính ở trần gian. Mặt khác, nơi các thành phần lãnh đạo có học và quan lại vốn không tin vào sự hiện diện của hồn ma tổ tiên, việc thờ gia tiên mang một ý nghĩa khác. Đối với họ, nó từ lâu đã thành một tục thuần tuý mang tính „luân lí đạo đức”, chẳng còn chút gì ma thuật trong đó. Họ vẫn thực hành như ở quảng đại quần chúng, nhưng hiểu đó như là một tiệc giỗ gia đình và như một dịp cám ơn tổ tiên về những phúc lộc đã nhận được.
Các giáo sĩ dòng Tên, sau những cuộc tranh luận nội bộ, đã nghiêng về lối hiểu của các nhà nho trung-hoa, và tạm chấp nhận tục này trong dè dặt. Họ hiểu, nếu nhất quyết từ chối, Ki-tô hữu tại đây sẽ bị cô lập và sẽ chẳng còn hi vọng nào có được sự giúp đỡ của giới lãnh đạo xã hội là các quan lại và nhà nho trong việc phát triển Ki-tô giáo. Do đó, họ coi tục thờ kính Gia Tiên là một hành vi hiếu thảo gia đình, đồng thời cố gắng dạy bổn đạo hiểu theo lối đó, để đừng rơi trở lại vào tình trạng „mê tín”.
Cuộc „tranh luận nghi lễ” thật sự mở ra kể từ khi dòng Đa-minh tới vào năm 1631 và dòng Phan-sinh tới vào năm 1633. Hai dòng này không chấp nhận lối diễn dịch của các thừa sai dòng Tên. Đối với họ, tục này mang tính chất tôn giáo và không tương hợp với Ki-tô giáo. Lí do chính là vì họ truyền giáo nơi quảng đại quần chúng, vốn mang nặng thứ tín ngưỡng „bái vật” dân gian, không hiểu được lối diễn dịch „khai sáng” của tầng lớp có học. Thêm một lí do nữa, là vì giáo sĩ đa-minh Juan Bautista de Morales đã mang cuộc tranh luận này về Âu Châu. Sắc lệnh đầu tiên của Roma năm 1645 công nhận dòng Đa-minh có lí và kết án việc thờ kinh Gia Tiên và các tục lệ khác. Cái bất cập chính của quyết định này là coi việc thờ kính mang tính bái vật và cho rằng, lối hiểu nơi tầng lớp có học trung-hoa chỉ là một cách diễn dịch thêm vào của các Ki-tô hữu. Dĩ nhiên các tu sĩ dòng Tên đã không thể đồng ý với cách lập luận đó. Họ phái Martino Martini về Roma, để trình bày quan điểm của mình. Nhờ trình bày của Martini, Bộ Tín Lí ra một quyết định mới vào năm 1656, thiên về quan điểm dòng Tên, nhưng cũng chẳng cụ thể gì cả. Có thể tóm tắt sắc lệnh như sau: Nếu các nghi thức thờ kính là một nghi lễ tôn giáo hoặc mê tín, thì Ki-tô hữu không được thực hành; nếu đó là những hành vi hiếu thảo gia đình, thì được phép làm. Cho đến cuối thế kỉ 17, Roma vẫn dừng lại ở tình trạng thuần nguyên tắc này, chẳng làm được gì hơn, phần vì ở xa, phần vì chỉ được thông tin một chiều. Nhưng như thế không giải quyết được cuộc tranh luận, vì đây không phải là chuyện nguyên tắc, mà là một vấn nạn thực hành thiếu chỉ dẫn cụ thể.
Những vấn nạn đó cũng được đặt ra ở Việt Nam.
Ban đầu, de Rhodes kết án nghiêm khắc các tục lệ nơi lễ Gia Tiên. Nhưng về sau, ông ngã theo các đồng nghiệp trong dòng và đưa ra những nhận định rất mực thước về phong tục này. Nói chung, quan điểm của dòng Tên được phản ảnh qua nhận định sau đây của de Rhodes:
“Trong những tội ác mà người ta quy cho Ki-tô hữu, tội chính là người có đạo không quan tâm đến việc an ủi và thờ kính hồn những người thân đã chết, luật lệ của chúng tôi thật man rợ, vì nó giết chết cảm thức biết ơn đã được thiên nhiên ghi khắc trong lòng người đối với cha mẹ và người thân. Sỡ dĩ có có những lời lẽ tồi bại như thế, một phần là do sự hăng say mù quáng của một ai đó đã vì kém sáng suốt muốn dẹp bỏ mọi nghi lễ vẫn được thực hiện để an ủi người chết trên đất nước này; tôi đã tường thuật đầy đủ chuyện này trong sách viết về lịch sử Vương Quốc Đàng Ngoài. Và quả thực, dù có một vài điều người có đạo không thể làm theo mà không phạm tội, đa số nghi thức đều “vô tội”; và chúng tôi đã đi đến quyết định có thể lưu giữ những nghi thức đó, mà vẫn bảo toàn được sự thánh thiêng của đạo Chúa”.
Tiếc rằng, cả de Rhodes trong “Divers voyages” năm 1653 cũng như Bartoli trong tác phẩm năm 1663 đã không cho ta thấy được, đâu là những yếu tố “vô tội”, vốn diễn tả tình hiếu thảo gia đình và có thể giữ, và đâu là những yếu tố “mê tín” cần phải tránh. Có lẽ những điểm sau đây được chấp nhận: bái lạy, thắp nến và dâng hương trước bài vị tổ tiên. Còn việc cúng thức ăn, đọc lời khấn và mời tổ tiên về cùng ăn là bị cấm.
Kể tử 1704 các quyết định của Roma rõ ràng đứng về phía cấm kính Gia Tiên. Các kết án càng ngày càng thắt chặt hơn; và từ 1742 mọi nhà truyền giáo sang Viễn Đông đều phải thề tuân giữ lệnh của Roma về nghi lễ gia tiên. Chỉ hai trăm năm sau, lệnh này mới được Pi-ô XII rút lại vào năm 1939. Giờ đây ngưởi ta được phép thực hành lễ nghi kính Gia Tiên, vì theo lập luận của Roma, các nghi lễ này nay đã trải qua một tiến trình khử thiêng và tục hoá.