TRANG PHỤC PHỤ NỮ MIỀN BẮC THỜI XƯA

Nguyên Phương

Vừa bằng cái thúng mà thủng hai đầu,
Bên ta thì có, bên Tàu thì không.

TRANG PHỤC PHỤ NỮ MIỀN BẮC THỜI XƯA
******

Vào thế kỷ thứ nhứt, loài người trên quả địa cầu, nam cũng như nữ hầu như đều mặc váy. Lý do là vì người ta chưa biết đến chiếc quần. Đến thế kỷ thứ ba, chiếc quần theo chân các sắc dân du mục sống trên lưng ngựa, rày đây mai đó, xuất hiện ở những vùng thảo nguyên mênh mông. Dòng họ nhà quần sanh sôi nẩy nở, đến Ba Tư thế kỷ thứ sáu rồi truyền qua Hy Lạp, La Mã, lan sang Trung Á rồi Mông Cổ, Mãn Châu. Đến Trung Hoa thế kỷ 17 và từ đó vào Việt Nam.

Theo truyền thuyết, tổ tiên ta từ thời vua Hùng Vương, đàn ông đóng khố, còn đàn bà mặc váy. Y phục ngoài công dụng che thân thể, nó còn phải đem lại sự tiện dụng cho người mặc. Nước ta có khí hậu nhiệt đới và đa số dân quê sống với ruộng đồng. Chàng khố và nàng váy quả là thỏa mãn hai nhu cầu nầy.
Chiếc khố: Người ta dùng một mảnh vải dài quấn xung quanh bụng rồi luồn xuống dưới từ trước ra sau. Đuôi khố thường được thả ở phía sau.
Giang sơn Việt Nam ta đến thời các chúa Nguyễn bờ cõi mới mở rộng từ Trung vào Nam. Do vậy mà khố chỉ hiện diện ở miền Bắc rất lâu trước đó. Đến đời các vua Nguyễn, người ta nhìn vào màu sắc thắt lưng hoặc xà cạp của quân phục để nhận ra binh chủng, nhưng dân chúng vẫn quen gọi là khố. Những người lính mang thắt lưng màu xanh được gọi là lính khố xanh, họ là quân ở địa phương. Ngoài ra còn có lính khố đỏ thuộc đội quân thường trực và lính khố vàng mang thắt lưng vàng phục vụ cho cung đình.
Chiếc váy: Tương ứng với chiếc khố của phái nam, váy là y phục dùng che phần dưới của người phụ nữ miền Bắc rất phổ biến. Mặc váy không những mát mẻ mà còn thích hợp với công việc đồng áng lội nước xuống bùn.
Váy còn gọi là xống. Thời Trịnh Nguyễn phân tranh, từ ngữ “áo xống” nói về y phục phụ nữ đàng Ngoài tức miền Bắc chúa Trịnh. “Áo quần”chỉ y phục đàng Trong miền Nam thời chúa Nguyễn Phúc Khoát.
Vừa bằng cái thúng mà thủng hai đầu,
Bên ta thì có, bên Tàu thì không.
Đó là câu ca dao mô tả cái váy còn được mệnh danh là cái quần không đáy.
Tổng quát có hai loại váy: “váy kín” là loại váy chui và “váy mở” là loại váy quấn. Chiếc váy người dân lao động luôn đậm màu và dài đến nửa bắp chân. Khi cần, như phải lội nước, váy được xắn lên hai bên hông theo lối “quay cồng”. Váy thành thị dài đến gót chân nên có câu: “Váy lĩnh cô kia quét sạch hè”.
Thứ váy cầu kỳ như váy kép may bằng hai lớp vải. Bên ngoài bằng vải mỏng và nhẹ để trang trí. Lớp trong bằng vải thô và dày, khó rách. Váy cạp điều lưng bằng loại hàng tơ màu đỏ. Váy cửa võng phía trước chùng xuống với các mép gấp cong cong. Trong bài thơ Lá Diêu Bông của Hoàng Cầm có câu: "Váy Đình Bảng buông chùng cửa võng". Đình Bảng là tên làng ở Bắc Ninh.
Giai thoại về chiếc váy: Ông Lý trưởng làng bên, trên đường ra đình, tay cầm ô đen trịnh trọng. Khi đi ngang qua chỗ thợ gặt, một cô trong nhóm ngâm nga:
Hôm qua em mất xống thâm,
Hôm nay em gặp người cầm ô đen.
Ông Lý tự nhủ sáng nay ra ngõ không coi ngày, gặp đám con gái điêu ngoa. Tam thập lục kế, cụp ô, ngậm miệng, bước nhanh là thượng sách. Ai đời cô nàng vu oan cho ông là trộm đạo. Ác khẩu hơn nữa, cái xống là y phục dưới trôn của phụ nữ lại trùm lên đầu ông. Có phải nói ông Lý đội váy của cô ả hay không cơ chứ ?
Chiếc váy còn được gọi là mấn theo người Nghệ Tĩnh. Giai thoại về một bài thơ thất ngôn nói về chuyện mất váy mà có nơi cho là của thi hào Nguyễn Công Trứ.
Tương truyền ở Nghi Xuân có người đàn bà chua ngoa rất mực. Một hôm không tìm đâu ra chiếc váy, thế là bà nổi cơn thịnh nộ chửi đổng từ đầu làng đến cuối chợ. Lời chửi đâu mất tiền mua, tha hồ mà chửi cho chừa lòng tham. Thế nhưng quân trộm đạo ra tay xong thì dong. Chỉ tội cho chòm xóm phải chịu cảnh quít làm cam chịu. Giữa đường thấy chuyện bất bình chẳng tha. Chàng Nguyễn tình cờ đi ngang qua đó sau khi nghe mọi người thuật lại đầu đuôi tự sự bèn xuất khẩu thành thi
Thằng cha con bợm thật là ghê,
Cắp mấn nhà ai đã độc hề.
Bữa trước ra đi còn có bận,
Bây giờ ngồi ngó lấy gì che.
Thương thay lạnh lẽo ba mùa rét,
Tội nhỉ trần truồng một nố tê.
Của mất người còn, còn có của,
Thôi thôi đừng chưởi xóm giềng nghe.

Sông Gianh đôi bờ phân chia váy với quần. Trên đất Bắc, váy được vua yêu. Quảng Bình đèo Ngang trở vào, chúa hất hủi.
Thời gian trôi qua, vật đổi sao dời, lịch sử đổi thay. Số phận chiếc váy cũng nổi trôi theo vận nước. Vua Gia Long thống nhất sơn hà, Bắc Nam là một không thể luật pháp văn hóa khác nhau. Năm 1828, vua Minh Mạng hạ chiếu phụ nữ đất Bắc bỏ váy thay quần cho hợp nhất cả nước. Đến tháng 9 năm 1837, vua lại ra lịnh lần nữa. Người dân buộc phải xa rời vật “bất ly thân” nên bất bình phản ứng
Tháng chín có chiếu vua ra,
Cấm quần không đáy người ta hãi hùng.
Chiếc Yếm
Trong ca dao văn học Việt Nam, ta thấy nói nhiều đến cái yếm, trang phục thuần túy của người phụ nữ miền Bắc ngày xưa. Yếm vừa để che ngực, vừa làm tăng nét đẹp dịu dàng e ấp. Cũng như chiếc váy, người phụ nữ tự cắt may lấy bằng tay. Trời nóng không ra đường, các bà mặc yếm để lưng trần, hở hai cánh tay và đôi vai.
Chiếc yếm có nhiều kiểu nhiều màu làm bằng nhiều loại vải... rất phong phú tùy theo tuổi tác, cuộc sống của người mặc. Hằng ngày làm việc, phụ nữ nông thôn mặc yếm nâu bằng vải thô. Người lớn tuổi mặc yếm sậm màu. Nơi thành thị ít lam lũ, phụ nữ mặc yếm trắng. Những tiểu thơ đài các, hoặc ngày lễ hội, các cô mặc yếm đào, yếm thấm bằng lụa vóc ưa nhìn gợi cảm.
Hỡi cô yếm trắng lòa xòa,
Yếm nhiễu, yếm vóc hay là chúc bâu.
Hay là lụa bạch bên Tàu,
Người cắt cũng khéo, người khâu cũng tài.
Vì chiếc yếm dùng để che ngực nên nó là biểu tượng cho nữ giới. Khi giặt xong, các cô phơi yếm vào nơi kín đáo.
Những câu ca dao nói về tình yêu nam nữ, về thân phận đàn bà, thường lãng đãng hình ảnh trầu cau hay chiếc yếm.
Thuyền anh ngược thác lên đây,
Mượn đôi dải yếm làm dây kéo thuyền.
Nét quyến rũ của chiếc yếm làm cho anh đồ phải lòng.
Yếm trắng mà vã nước hồ,
Vã đi vã lại anh đồ yêu thương.
Những câu ca dao trữ tình diễn tả tình yêu nam nữ và hạnh phúc hôn nhân bằng những ngôn từ bình dị, đơn sơ, mộc mạc dễ đi sâu vào lòng người.
Hỡi cô mặc áo yếm hồng,
Đi trong đám hội có chồng hay chưa?...
Cô kia yếm trắng lòa lòa,
Lại đây đập đất trồng cà với anh.
Bao giờ cà chín cà xanh,
Anh cho một quả để dành mớm con.
Nổi lòng luyến ái của hai kẻ bén duyên trước khi xa nhau.
Mình về mình có nhớ chăng?
Ta về như lạt buộc khăn nhớ mình.
Ta về ta cũng nhớ mình,
Nhớ yếm mình mặc, nhớ tình mình trao.
Thân phận người phụ nữ con nhà khá giả vì chữ tình mà gá nghĩa “thanh bần”.
Khi xưa ở với mẹ cha,
Một năm chín yếm xót xa trong lòng.
Từ khi em về nhà chồng,
Chín năm một yếm, em lật trong ra ngoài.
Chiếc yếm của các thiếu nữ ngày xưa có sức quyến rũ mảnh liệt đến cở nào mà làm cho người xa lánh trần tục còn phải chao đảo thần hồn.
Thấy cô yếm thắm răng đen,
Nam Vô Di Phật lại quên mất chùa.
Hơn thế nữa
Ba cô đội gạo lên chùa,
Một cô yếm thấm bỏ bùa cho sư.
Sư về sư ốm tương tư,
Ốm lăn ốm lóc cho sư trọc đầu..
Có phải yếm là bùa ám ảnh những đấng mày râu hay chăng?
Gặp cô gái dưới mưa, chàng “ân cần” khuyên nhủ
Trời mưa lấy yếm mà che,
Có anh đứng gác còn e nỗi gì?
Chiếc yếm là một vuông vải chéo hình thoi trước ngực. Góc trên khóet hình bán nguyệt làm cỗ yếm. Hai đầu cổ đính hai dải để khi mặc buộc vòng ra sau gáy. Hai đỉnh giữa của hình thoi cũng đính hai dải buộc ra sau lưng. Phần đỉnh hình thoi phía dưới khi mặc thì nhét vô cạp quần. Khi cần làm dáng, dải yếm dài ôm lấy lưng ong, quàng ra trước, thắt lại thả lững trước bụng. Đó là kiểu “thắt lưng con én” (làm đờ đẫn mấy con nhạn là đà).
Ước gì sông hẹp tày gang,
Bắc cầu dải yếm cho chàng sang chơi.
Sông chỉ rộng gang tay và cầu làm bằng dải yếm, lối nói chối từ khéo léo theo kiểu huề vốn của các nàng.
Theo thời gian, chiếc yếm ngày càng cải tiến. Tùy theo cổ yếm mà người ta gọi tên. Chiếc yếm cổ tròn gọi là yếm cổ xây thông dụng hơn hết vì kiểu dáng đơn giản dễ làm. Yếm cổ hình chữ V gọi là yếm xẻ. Nếu chữ V được xẻ sâu xuống phía dưới gọi là yếm cổ cánh nhạn. Để tăng vẻ thẩm mỹ, các cô may thêm lằn viền hoặc thêu hoa quanh cổ. Những người thích mời gọi theo kiểu Thị Mầu thì mặc yếm cánh nhạn với lằn xẻ chữ V trễ quá bờ ngực. Miếng trầu là đầu câu chuyện và trầu cau là chuyện lứa đôi. Các cô gái chuẩn bị trầu trong thắt lưng hay yếm đào mời chàng khi thuận dịp gọi là “khẩu trầu dải yếm”
Trầu em têm tối hôm qua,
Cất trong dải yếm mở ra mời chàng.
Nhiều cô gái may thêm cái túi nhỏ đựng xạ hương (thay cho nước hoa) gọi là yếm đeo bùa. Trong bài ca dao Mười Thương có câu: “Năm thương cổ yếm đeo bùa”, đó là nói loại yếm “lợi hại”nầy.
Thành ngữ “váy vận, yếm mang”diễn tả trang phục phụ nữ miền Bắc khi xưa. Chiếc yếm là loại y phục đầy tính nghệ thuật vừa kín vừa ỡm ờ thật độc đáo.
“Đàn ông đóng khố đuôi lươn, đàn bà yếm thắm hở lườn mới xinh”.
Nhiều người cho rằng yếm dùng để tôn vinh cho cái eo lưng vốn là nét đẹp phụ nữ Việt Nam qua câu: Những người thắt đáy lưng ong, đã khéo chiều chồng lại khéo nuôi con. Chiếc áo dài hiện tại cũng xẻ lường là chung ý đó.
Áo Tứ Thân
Những chiếc áo tứ thân, ngũ thân là loại có vạt dài mà xưa nhất là chiếc áo giao lãnh. Áo tứ thân là thoái thân của áo giao lãnh và sau đó là áo ngũ thân. Sanh sau đẻ muộn là chiếc áo Cát Tường thướt tha hai vạt rồi cải tiến dần mà thành áo dài các cô mặc ngày nay.
Phụ nữ miền Bắc ngày xưa, chiếc yếm ôm lấy thân người. Bên ngoài yếm là áo cánh mỏng màu trắng hờ hững. Chiếc thắt lưng giữ áo cánh với cạp váy. Ngoài cùng là áo giao lãnh hay tứ thân. Vì phải làm việc đồng áng hoặc buôn bán, chiếc áo giao lãnh được thu gọn lại thành kiểu áo tứ thân để tiện việc gánh gồng. Áo tứ thân khi mặc xỏ hai tay vào, không có khuy cài, hai tà áo trước cột lại với nhau rồi thả xuống, khác với áo giao lãnh không cột.
Áo tứ thân xuất hiện từ thế kỷ 20 làm tăng vẻ yêu kiều duyên dáng của người phụ nữ miền Bắc. Trong sinh hoạt hàng ngày, áo tứ thân màu nâu hay đen đi với váy nơm may bằng vải sồi, vải thô vừa dầy vừa cứng, nhuộm bằng nhựa củ nâu rồi nhuộm thêm bùn sau đó vì dân nghèo làm gì có thuốc nhuộm. Khi đi hội hè đình đám, các cô mặc váy lụa, váy lĩnh hoa chanh với thắt lưng điều hay màu xanh hoa lý bay bay trong gió. Chiếc áo tứ thân may bằng vải the mỏng, nhiễu hay lụa, phủ bên ngoài yếm thắm hay hồng đào.
Thuở ấy, khổ vải chỉ rộng từ 35cm đến 40cm nên phải dùng đến 4 khúc vải để may 1 chiếc áo. Áo dài từ cổ xuống tới gót. Vạt áo trước có hai tà xuôi theo chiều dài. Khi mặc buộc hai tà áo trước bụng thả xuống, tạo dáng thước tha. Bên trên để lộ chiếc yếm thấm gợi tình e ấp. Phía sau lưng, hai mảnh vải may liền với nhau gọi là can tà từ trên xuống thành một đường gọi là sống áo. Như vậy vạt áo sau chỉ có một tà.
Bốn mảnh vải tạo nên chiếc áo mang ý nghĩa tứ thân phụ mẫu luôn theo người phụ nữ trong các sinh hoạt như nhắc nhở công đức sinh thành.
Áo Ngũ Thân
Nét đẹp thời trang thay đổi theo thời gian. Từ áo tứ thân, người ta nghĩ ra kiểu áo ngũ thân có dáng vẻ đoan trang hơn. Áo ngũ thân xuất hiện thời vua Gia Long trở về sau vì khi mặc ngũ thân phải mặc quần chứ không mặc váy như áo tứ thân. Tà áo bên trái của vạt trước may to như vạt sau. Mỗi vạt áo trước sau đều can tà có đường sống áo. Như vậy chiếc áo nầy cần thêm khổ vải thứ năm nên gọi là ngũ thân. Khi mặc, để tà áo trái ra ngoài đè lên tà phải bên trong nên với ngũ thân, chỉ thấy hai mảnh trước sau. Áo ngũ thân có cổ và cài nút che kín áo lót bên trong đi chung với quần hai ống.
Chiếc áo ngũ thân nhắc nhở người mặc năm điều đạo nghĩa trong tương quan đối xử là: nhân, nghĩa, lễ, trí, tín.
Áo mớ ba mớ bảy là cách ăn mặc của những người “của ăn của để” muốn phô trương. Trong dịp hội hè đình đám, các bà các cô mặc những chiếc áo cánh vàng chanh, hồng đào, cánh sen, ba bảy lớp chồng lên nhau. Mùa đông miền Bắc lạnh, giới thượng lưu hay mặc lối áo mớ nầy.
Người thì mớ bảy mớ ba,
Người thì áo rách như là áo tơi.
Áo tơi làm bằng lá gồi của người bần nông dùng để che mưa chống lạnh. Khi rách quá người ta máng nó trên cọc biến thành người bù nhìn để đuổi chim muông.
Thắt lưng bao là ruột tượng may bằng miếng vải chéo thật dài rỗng ruột quấn xung quanh lưng rồi thắt múi trước bụng. Dùng vải chéo dể co dãn khó rách và bao mới phồng lên. Người mặc mang thắt lưng là dải rút để giữ cạp váy vào eo cho khỏi tuột. Ruột tượng quấn bên ngoài có tua hai đầu công dụng như túi đựng tiền, trầu cau… Những bạn hàng chợ búa không thể thiếu. Những dải yếm, thắt lưng, với nhiều màu sắc thắm tươi phất phơ theo từng nhịp bước, che kín “mật khu” và khoảng trống hai bên đùi cho khỏi lộ liễu.
Hỡi cô thắt bao lưng xanh,
Có về kẻ Bưởi với anh thì về.
Làng anh có ruộng tứ bề,
Có hồ tắm mát, có nghề quay tơ.
Xà-tích. Phụ nữ miền Bắc khá giả còn đeo chùm xà tích ở dây lưng. Xà-tích bằng bạc gồm bốn năm dây có vòng móc, mỗi dây mang một thứ vật dụng như chìa khóa, nhíp bạc, hộp đựng vôi trầu thuốc hình quả đào. Mỗi bước đi, các vật va chạm, xà-tích phát ra tiếng kêu rộn rả vui tai.
Khen ai nhuộm nhiễu Tam giang,
Đánh dây xà tích cho nàng chơi xuân.
Nguyễn Bính
Tóc đuôi gà. Ông bà ta thường nói: “Cái răng cái tóc là góc con người”. Phụ nữ có thói quen búi chải gọn gàng khi ra khỏi giường đầu ngày, vừa bảo vệ mái tóc vừa làm tăng nét dịu dàng. Người Trung và Nam ưa để đầu trần búi tóc, các cô gái Bắc ngày xưa đa số vấn đầu. Họ buộc tóc thành cuộn rồi bọc bằng chiếc khăn dài hẹp quấn quanh đầu theo kiểu bánh rế. Đuôi tóc để chừa ra ngoài khăn vấn một ít gọi là tóc đuôi gà đong đưa theo nhịp bước thanh xuân.
Một thương tóc bỏ đuôi gà,
Hai thương ăn nói mặn mà có duyên.
Cái khăn vấn tóc dài hơn thước bằng vải, the, nhung, satin thường màu đen, nâu hay tím thẫm. Ai ít tóc thì dùng thêm chiếc độn để vấn đầu được tròn và đầy đặn. Trong bài thơ Chùa Hương, tác giả Nguyễn Nhược Pháp tả trang phục cô gái:
Khăn nhỏ, đuôi gà cao , Em đeo giải yếm đào.
Quần lĩnh, áo the mới. Tay cầm nón quai thao.
Khăn mỏ quạ cận kề che chở mái tóc các cô gái Bắc thân cò ngược xuôi trên đường quê vào những sáng tinh mơ dưới trời đông rét buốt. Một vuông vải nâu, hoặc nhung đen chừng một thước cạnh, gấp chéo thành hình tam giác, bên non bên già. Bên già hơn nửa để ra phía ngoài phủ lên cái khăn vấn tóc, túm chỗ vải trước trán nhọn ra như mỏ chim. Nhờ hai đầu khăn buộc chéo nhau dưới cằm nên hai tai được che kín chống lạnh.
Vì khăn đen màu quạ nên gọi là khăn mỏ quạ.
Thương ai mặc áo nâu sồng,
Chít khăn mỏ quạ lạnh lùng sớm trưa.
Mùa hè các cô bịt “khăn đồng tiền”, hai đầu buộc ra sau gáy. Lối chít như vậy làm hằn lên chiếc vấn tóc bên trong hình tròn như đồng tiền.
Khăn mỏ quạ phải chít sao cho ôm lấy khuôn mặt người con gái như búp sen hồng nổi bật trên nền đen của vải
Miệng cười như thể hoa ngâu,
Cái khăn đội đầu như thể hoa sen.
Ngoài công dụng giữ cho cái vấn tóc khỏi tuột, che chở nắng mưa, chống rét, khăn mỏ quạ còn là vật trang điểm làm tăng nét khả ái của người phụ nữ thời xưa.
Nhìn em khăn vuông mỏ quạ,
Để anh trong dạ tơ vương.
Nón quai thao là loại mắc tiền sang cả. Các cô gái Bắc thường chỉ đội làm duyên trong các dịp hội hè đình đám.
Ai làm chiếc nón quai thao,
Để cho anh thấy cô nào cũng xinh.
Người Việt mình ngày xửa ngày xưa có nhiều kiểu nón tạm kể ra như: nón chóp, nón thúng, nón ba tầm, nón gủ.
Nón chóp nhọn đầu, khung bằng tre lợp lá gồi. Nón có quai ngang cằm, dành cho đàn ông. Người có tiền, các quan lại tổng lý lắp cái chóp nhọn bằng bạc trên đỉnh.
Nón thúng là loại nón dành riêng cho phụ nữ, có hình dáng như cái nắp hộp tròn. Chiếc nón dẹp nên còn gọi là nón dẹt, rộng mặt, chung quanh có vành, ở giữa có khua. Khua nón đan bằng giang ( tre) tròn như nắp tráp, lòng sâu khoảng 3cm đến 5cm, đường kính lối 15cm hoặc hơn, rộng vừa đủ ôm cái đầu người đội.
Đường kính thân nón từ 70cm đến 80cm. Vành nón vuông góc với thân nón cao độ 10cm. Loại nón nầy chỉ thịnh hành ở miền Bắc từ Nghệ An trở ra nên còn có tên là nón Nghệ. Dưới triều nhà Trần, chiếc nón được đưa vào cung để cho các cung nữ dùng và được gọi là nón thượng.
Sáu thương nón thượng quai tua dịu dàng.
Nón thúng có khung tre lợp lá cọ hay lá gồi, ba lớp kết lại như vậy. Lá cọ vàng hơn lá gồi. Ngoài Bắc không có lá gồi phải vào Quãng Trị mang ra. Mặt trong nón được trang trí bằng giấy ghép thành những hình hoa lá chim bướm gọi là hoa nón. Chiếc nón đặc biệt có cái gương nhỏ trong lòng nón để soi mặt hay lúc cần sửa lại vành khăn. Trước khi đến tay người tiêu thụ, chiếc nón được hơ qua hơi diêm sanh để tăng thêm sắc trắng và cần nhứt là không bị mốc hay thâm kim. Hoàn tất một chiếc nón thúng phải mất trung bình từ 4 ngày ngồi còm ròng rã công phu, đó là chưa kể thời gian chuẩn bị lá và vót nan tre. Nhưng bán giá xứng với thành phẩm không ai mua nên người thợ chỉ có lấy công rẻ làm lời. Nhiều người bỏ nghề. Làng Chuông còn gọi là làng Phương Trung là vùng đất khô cằn thuộc huyện Thanh Oai cách Hà Nội 40km nổi tiếng về nghề làm nón lâu nay. Người thợ làng Chuông với bàn tay tài hoa một thời đã cung cấp cho các giai nhân trong chốn cung đình những chiếc nón đầy nghệ thuật.
Nón này chính ở làng Chuông,
Làng Già lợp nón, Khương Thường bán khuôn.
Nón thúng có ba hạng gồm nón dấu thuộc loại nhỏ nhất. Nón ngang lớn hơn rồi đến nón ba tầm có vành rộng, giá trị cao hơn.
Nón này em sắm đáng trăm,
Ai trông cái nón ba tầm cũng ưa.
Nón này che nắng, che mưa,
Nón này để đội cho vừa đôi ta.
Quả thật chiếc nón ba tầm rộng đủ cho hai người. Nhìn xa, người và nón gợi hình dáng chiếc nấm khổng lồ làm khổ lòng các chàng trai. Các loại nón nầy có quai. Quai buộc hai bên vành nón. Người sang trọng dùng loại quai thao là loại quai tết bằng nhiều sợi tơ. Đó là nón quai thao.
Chiếc nón quai thao tương truyền xuất hiện vào thời vua Lê Hiển Tông, chúa Trịnh Doanh năm 1740 thời Lê Trung Hưng
Nói đến người phụ nữ Việt Nam là tôi nghĩ ngay đến lòng hy sinh, chịu đựng vô bờ bến cho gia đình. Họ chỉ biết lo cho chồng con mà thường quên đi bản thân. Đức hạnh vàng ngọc đó khó thể tìm thấy ở phụ nữ các sắc dân khác trên quả địa cầu.
Chưa chồng nón thúng quai thao,
Chồng rồi, nón rách, quai nào thì quai.
Đơ Thao là tên gọi nom na của làng Triều Khúc thuộc tỉnh Hà Đông, nơi sản xuất chiếc quai thao nổi tiếng. Tơ tầm tốt màu hồng gọi là mốt son dùng dệt biên (rìa) các tấm lụa. Những sợi tơ rối sần sùi nổi cục gọi là mốt cục bị thải ra. Người làng Đơ Thao mua về gỡ rối làm quai nón.
Mốt son đem dệt đầu hàng,
Mốt cục đem bán cho làng Đơ Thao.
Ba sợi dây dài gần hai thước bện vào nhau làm thành chiếc quai thao. Hai đầu quai nối vào nón buông thõng dài xuống đến thắt lưng như chiếc võng. Người đội nón lấy tay giữ cái quai ở trước ngực để có lúc cần nghiêng che nắng. Hai đầu quai đính hai quả cù bằng ngón tay đan thắt công phu rủ xuống bờ vai thành những tua tạo thêm vẻ trang nhã. Nón quai thao là vật không thể thiếu trong dịp hội hè của các bà các cô.
Nón Gủ là loại nón thông dụng theo người dân quê khi ra khỏi nhà. Thân nón tuy không to bằng nón thúng nhưng thừa rộng cho một người. Nón không có chóp, không có vành, dáng khum như cái chảo nên còn gọi là nón lòng chảo. Nón gủ cũng có khung tre, lợp lá cọ, cũng có khua giữa nón và quai chỉ là miếng vải khi đội giữ vào cằm. Tuy là loại nón của phụ nữ nhưng đàn ông cũng dùng vì nón gủ rộng hơn nón chóp nên che mưa nắng lợi hơn.
Giày, Dép, Guốc. Ngày xưa, câu nói “chân giầy chân dép” chỉ người phong lưu nhàn hạ. Đa số những người dân quê thời đó đi chân không hầu như thường nhựt. Người nghèo chân đất không nói làm gì. Kẻ có của ở quê thường khi cũng phải chân trần. Lý do là vì đường xá lầy lội bùn sình trơn trợt. Có nơi nước lụt 3 tháng trong năm như vùng đồng chiêm. Mùa Hè đi xa đường nắng bỏng chân, người ta dùng dép quai ngang. Miếng da trâu với quai vòng ngang gần cổ chân và 1 quai nhỏ cho ngón chân trỏ. Đàn bà phong lưu đi hài thêu hoặc giày nhọn mũi. Người thường đi dép cong sơn đen quai nhung.
Me cười: Thầy nó trông ! Chân đi đôi dép cong,
Con tôi xinh xinh qua ! ( thơ Nguyễn nhược Pháp)
Những khi trời mưa, người ta mang guốc làm bằng gốc tre, quai bằng mây, không ai bán.
Tổ quốc Việt Nam thân yêu chúng ta từ Ải Nam Quan đến mũi Cà Mau dài mà hẹp nên phong thổ khí hậu có chỗ khác nhau. Tổ tiên ta với tinh thần thiết thực “ăn chắc mặc bền” thể hiện qua y phục phù hợp với mọi địa phương.
Cơm ba bát, áo ba manh, Đói không kinh, rét không sợ”
Người Việt ăn mặc sao cho thích ứng với điều kiện sinh hoạt nhưng cũng không quên giữ mực thước trang nghiêm. Quần áo làm việc khác với y phục khi giao tế. Người Bắc ưa dùng màu nâu là màu của đất. Trong Nam dùng màu đen là màu của bùn.
Rõ ràng là dân tộc Lạc Hồng với tinh thần dân tộc bất khuất cho nên dù phải bao phen chịu cảnh áp bức đồng hóa thâm độc của giặc Tàu mà vẫn giữ vững bản sắc người Việt. Nhiều nhà văn hóa Tây phương cho rằng văn hóa Việt Nam có tánh tiếp nhận nhưng chọn lọc. Dân tộc ta không hẹp hòi, sẵn sàng học hỏi cái hay để rồi dung hòa cải đổi sao cho phù hợp với tinh hoa của dân tộc. Cây đờn tây ban cầm khóet phím thành cây đờn vọng cổ không cần phải có cần nhúng. Phụ nữ Tàu từ thời Võ Vương nhà Thanh mặc áo xường xám không có quần. Con cháu hai bà trong chiếc áo dài thướt tha được thế giới tôn vinh là y phục tiêu biểu dành cho phụ nữ Á đông.

Los Angeles ngày 5 tháng 10 năm 2013
Nguyên Phương

.
Tài liệu tham khảo
Phong tục Việt Nam của Toan Ánh
Đất lề quê thói của Nhất Thanh
Việt Nam phong tục của Phan kế Bính
Tìm hiểu những tục lệ Việt Nam của Phúc gia Ninh
Việt Nam sử lược của Trần trọng Kim
Hình trên net