Liêm chính, một nhân đức quý hiếm trong xã hội tôn thờ tiền bạc

Linh Tiến Khải


Liêm chính, một nhân đức quý hiếm trong xã hội tôn thờ tiền bạc

Từ vài tuần qua đã xảy ra vụ động đất khiến cho nhiều giới chức chính trị, doanh thương và nam nữ nghệ sĩ cũng như các nhà thể thao quốc tế bắt đầu cảm thấy chao đảo.
Đó là vụ Panama papers, gồm 11, 5 triệu tin tức tài liệu liên quan tới việc trốn thuế của nhiều nhân vật quan trọng trên thế giới, đã bị đánh cắp hay do một tổ chức chuyển tới cơ quan báo chí điều tra gồm nhiều thành viên, trong đó có cả tuần san Expresso của Italia. Và thế là các nhật báo thế giới cho chạy các hàng tít nóng bỏng khiến cho Panama trở thành một trong các thiên đường trốn thuế nổi tiếng.
Đây là vụ tin tức trốn chạy lớn nhất trong lịch sử tài chánh thế giới. Chúng liên quan tới 200.000 tổ chức làm ăn ở hải ngoại do văn phòng Mossack Fonseca, có trụ sở tại thành phố Panama, tạo ra tại 21 thiên đàng trốn thuế: từ quần đảo Caraibi cho tới các nước nhỏ tại Thái Bình Dương, từ đảo Chypre cho tới sa mạc Nevada bên Hoa Kỳ. Chủ nhân của chúng là hàng chục ngàn khách hàng và công dân thuộc 200 quốc gia trên thế giới.
Cuộc điều tra đã bắt đầu từ một năm qua, từ khi 11,5 triệu tin tức điện tử được chuyển cho nhật báo Nam Đức Sudeutsche Zeitung, và được nhật báo này chia sẻ với các nhật báo khác, thành viên của tổ chức báo chí điều tra quốc tế. Các giới chức thuế vụ của nhiều quốc gia như Đức và Hoa Kỳ đã bắt đầu đưa ra các biện pháp đối phó.
Trong số ra ngày 8 tháng 4 tuần san Expresso đã công bố danh sách 100 trên 800 các nhà kinh doanh, thương mại, giới tài chánh, thể thao, nghệ sĩ và các chuyên viên làm ăn Italia dính líu trong vụ này, kể cả vài nhân vật chính trị như Luca Corderro di Montezemolo, Carlo Verdone chủ tịch hãng máy bay Alitalia, hay nhà vẽ kiểu thời trang Valentino.
Các tin tức liên quan tới các hoạt động trốn thuế từ năm 1977 tới 2015 cho thấy một bản tường trình chưa từng có về các dòng sông tiền bạc chảy qua hệ thống toàn cầu. Các ngân khoản khổng lồ hàng ngàn tỷ mỹ kim này là tiền trốn thuế, gian tham hối lộ, hay của cả các tổ chức tội phạm.
Các vụ xì căng đan này đã khiến cho một vài người phải từ chức như trường hợp của thủ tướng Islen. Trong khi thủ tướng Cameron của Anh quốc phải tường trình trước Quốc Hội, và trong các ngày qua đã xảy ra các cuộc xuống đường biểu tình của dân chúng đòi ông từ chức. Trong số các chính trị gia bị nghi ngờ mở các trương mục tại Panama hay một thiên đàng trốn thuế nào khác ở nước ngoài cũng có các chính khách cộng sự viên của tổng thống Nga Vladimir Putin,  tổng thống Ucraina Petro Poroschenko, gia đình của tổng thống Ilham Aliyev của Azerbaigian, con cả của tổng thống Pakistan Nawaz Sharif, và thân nhân của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, cũng như tân tổng thống Argentina Mauricio Macri, nguyên thị trưởng Buenos Aires, và là một doanh thương. Ông Macri là người quản trị và chủ tịch một công ty tại Bahamas do văn phòng Mossack Fonseca quản lý. Phát ngôn viên của tổng thống Argentina cho biết công ty ấy thuộc gia đình tồng thống và tổng thống không có cổ phần cá nhân trong đó. Lập trường tương tự cũng đã được phát ngôn viên của tổng thống Poroshenko công bố. Ông cho biết hai công ty tại British Virgin Islands  cũng như hai công ty khác trên đảo Chypre và Hoà Lan không liên quan gì tới hoạt động chính trị của tổng thống, là một doanh thương có một hãng sản xuất thực phẩm lớn.
Trong thế giới thể thao cũng có những thành viên của tổ chức túc cầu quốc tế FIFA. Chẳng hạn như văn phòng luật pháp của ông Juan Pedrro Damiani, thành viên của uỷ ban luân lý của tổ chức FIFA, có các tương quan thương mại với ông Eugenio Figueredo, phó chủ tịch của tổ chức. Cũng như ngôi sao túc cầu Lionel Messi có công ty Mega Star Enterprises Incorporation, tài tử Xinê Jackie Chan cũng dã nhờ văn phòng Fonseca mở cho 6 công ty ở nước ngoài. Văn phòng Fonseca cũng đứng ra mua chiếc tầu du lịch của vua Salman bin Adbulaziz Al Saud của A Rập Sauđi và của vua Mohammed VI của Marốc.
Trong số các nhà băng liên lụy trong vụ Panama Papers có các nhà băng UBI, Unicredit,  và các nhà băng lớn như UBS của Thuỵ Sĩ và HSBC của Anh quốc phục vụ các khách hàng của mình.
Ngày 12 tháng 4 vừa qua các văn phòng của tổ chức Mossack Fonseca đã bị cảnh sát Panama khám xét. Vụ khám xét bất thình lình này đã do ông chưởng lý ra lệnh để kiếm soát các hoạt động bất hợp pháp của văn phòng. Vụ khám xét này xảy ra một ngày trưóc phiên họp tại Paris của các điều tra viên thuộc 28 quốc gia nhằm phát động một hoạt động quốc tế điều tra dựa trên sự thúc đầy của các vén mở của vụ Panama Papers. Nó nhắm mục đích đề ra một chiến thuật toàn cầu chống lại việc trốn thuế trên các chiều kích rộng rãi.
Văn phòng Mossack Fonseca quả quyết mình đã không vi phạm luật lệ nào, vì chỉ tạo ra các trương mục ở nưóc ngoài cho các thân chủ và các sinh hoạt khác không dính líu tới các trương mục này. Tổng thống Juan Carloss Varela của Panama đã bầy tỏ sẵn sàng khiến cho lãnh vực tài chánh của đất nước được minh bạch hơn, và bênh vực tâm quan trọng sinh tử của nó đối với nền kinh tế quốc gia. Ông cũng yêu cầu nước Pháp xét lại việc đưa Panama vào trong danh sách các nước không cộng tác liên quan tới việc thông tin tức tài chánh.
Thật ra, không phải bây giờ người ta mới biết tới các vụ trốn thuế của hầu hết các nhân vật giầu trong xã hội. Sở dĩ Thuỵ Sĩ đã không bao giờ biết đến chiến tranh trong hơn 8 thế kỷ, vì nó là nơi cất giữ tiền bạc tài sàn của hàng lãnh đạo thế giới, của các nước dân chủ cũng như của các nước độc tài. Và nó chỉ là một trong các thiên đàng trốn thuế trên hành tinh này. Thế mới biết liêm chính là nhân đức hiếm hoi biết bao trong thế giới nằm dưới quyền thống trị và chỉ huy của Thần Tiền!
Linh Tiến Khải