SẮC LỆNH VỀ NHIỆM VỤ MỤC TỬ CỦA CÁC GIÁM MỤC TRONG GIÁO HỘI - CHRISTUS DOMINUS

LỜI MỞ ĐẦU
1. Chúa Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống, đã đến để giải cứu đoàn dân của Người khỏi tội lỗi và để thánh hóa mọi người, như Chúa Cha đã sai Người, Người cũng sai các Tông đồ, và thánh hóa các ngài khi trao ban Chúa Thánh Thần để các ngài tôn vinh Chúa Cha nơi trần gian và cứu độ loài người, khi “xây dựng Thân Thể Chúa Kitô” (Ep 4,12) là Giáo Hội.

2. Trong Giáo Hội của Chúa Kitô, vì là đấng kế vị thánh Phêrô, người được Chúa Kitô trao phó chiên mẹ và chiên con để chăn dắt, nên Đức Giáo Hoàng Rôma, do Thiên Chúa thiết lập, có quyền tối cao, toàn diện, trực tiếp và phổ quát trong việc chăm sóc các linh hồn. Bởi thế, với tư cách là chủ chăn của toàn thể tín hữu, ngài được uỷ thác sứ mạng chăm lo cho thiện ích chung của toàn thể Giáo Hội cũng như của từng Giáo Hội địa phương và nắm giữ thường quyền tối thượng trên tất cả các Giáo đoàn.
Phần các Giám mục, do Chúa Thánh Thần cắt cử, các ngài kế vị các Tông Đồ làm chủ chăn các linh hồn, đồng thời, trong sự hợp nhất với Đức Giáo Hoàng và dưới quyền ngài, các Giám mục được ủy thác sứ mạng duy trì mãi mãi công việc của Chúa Kitô, vị Mục tử vĩnh cửu. Thật vậy, Chúa Kitô đã trao cho các Tông Đồ và những đấng kế vị mệnh lệnh và quyền dạy dỗ muôn dân, thánh hóa mọi người trong chân lý và hướng dẫn họ. Do đó, nhờ Thánh Thần mà các ngài đã lãnh nhận, các Giám mục trở nên những thầy dạy đức tin, thượng tế, và những mục tử chân chính, đích thực.
3. Các Giám mục tham dự vào việc chăm lo cho tất cả các Giáo Hội, các ngài thi hành nhiệm vụ Giám mục mà các ngài đã nhận lãnh do việc tấn phong, trong sự hiệp thông và dưới quyền Đức Giáo Hoàng, đối với toàn bộ những gì thuộc quyền giáo huấn cũng như quyền cai quản mục vụ; tất cả các ngài họp thành cộng thể Giám mục hay Giám mục Đoàn đối với Giáo Hội phổ quát của Thiên Chúa.
Mỗi Giám mục thi hành chức vụ trên phần đoàn chiên đã được chỉ định, mỗi vị được ủy thác coi sóc một Giáo Hội địa phương, hoặc đôi khi một số vị cùng nhau lo cho các nhu cầu chung của nhiều Giáo Hội khác nhau.
Do đó, trong khi đặc biệt lưu tâm đến những hoàn cảnh của cộng đồng nhân loại đương thời đang tiến đến một trật tự mới, và cũng muốn xác định nhiệm vụ mục vụ của các Giám mục cách minh bạch hơn, Thánh Công Đồng đã xác lập những qui tắc sau đây.
CHƯƠNG I
CÁC GIÁM MỤC VỚI GIÁO HỘI PHỔ QUÁT
I. VAI TRÒ CỦA CÁC GIÁM MỤC
TRONG GIÁO HỘI PHỔ QUÁT
4. Do ơn thánh hiến nhờ bí tích và sự hiệp thông phẩm trật với vị Thủ Lãnh cũng như với các thành viên trong cộng đoàn, các Giám mục trở nên những thành viên của Giám mục Đoàn. “Giám mục Đoàn kế nhiệm Tông Đồ Đoàn trong việc giáo huấn và cai quản mục vụ, chính trong Giám mục Đoàn mà Tông Đồ Đoàn được trường tồn. Hợp nhất với Thủ Lãnh là Đức Giáo Hoàng Rôma, và không bao giờ tách rời khỏi Thủ Lãnh đó, Giám mục Đoàn cũng có quyền tối cao và trọn vẹn trong Giáo Hội phổ quá#t, nhưng chỉ có thể thi hành quyền này khi có sự ưng thuận của Đức Giáo Hoàng Rôma”. Tuy nhiên, quyền này “được thi hành cách long trọng trong Công Đồng Chung”: do đó, Thánh Công Đồng quyết định rằng tất cả các Giám mục, vì là thành viên của Giám mục Đoàn, đều có quyền tham dự Công Đồng Chung.
“Hợp nhất với Giáo hoàng, các Giám mục cư ngụ trên khắp thế giới có thể thi hành quyền cộng đoàn ấy khi vị thủ lãnh mời gọi các ngài thực hiện một hành động tập thể, hay ít ra phê chuẩn hoặc sẵn lòng chấp nhận hành động mang tính liên kết của những Giám mục đang ở nhiều nơi khác nhau, xem đó thực sự là một hành động tập thể”.
5. Các Giám mục được tuyển chọn từ các miền khác nhau trên thế giới, theo cách thức và tiêu chuẩn đã hoặc sẽ được Giáo Hoàng Rôma ấn định, giúp đỡ vị Chủ Chăn Tối Cao của Giáo Hội cách đắc lực hơn qua một Hội Đồng có tên riêng là “Thượng Hội Đồng Giám mục”; Thượng Hội Đồng này hoạt động nhân danh toàn thể hàng Giám mục Công Giáo, đồng thời cho thấy tất cả các Giám mục, trong sự hiệp thông phẩm trật, cùng tham gia vào việc chăm lo cho Giáo Hội phổ quát.
6. Các Giám mục, là những người kế vị hợp pháp các Tông Đồ và là thành viên của Giám mục Đoàn, phải biết luôn liên kết với nhau và cùng nhau chăm lo cho tất cả các Giáo Hội địa phương, vì do Thiên Chúa thiết định và do đòi hỏi của tác vụ Tông đồ, mỗi vị, cùng với các Giám mục khác phải là người chịu trách nhiệm về Giáo Hội. Đặc biệt, các ngài phải chăm lo cho những miền trên thế giới chưa được rao giảng Lời Chúa, hay những miền do thiếu linh mục, các Kitô hữu có nguy cơ xa lìa các giới luật của đời sống Kitô giáo, thậm chí có thể mất đức tin.
Vì thế các Giám mục phải làm thế nào để các tín hữu nhiệt tình ủng hộ và phát huy công cuộc rao giảng Tin Mừng và hoạt động tông đồ. Hơn nữa, các ngài còn phải chú tâm lo lắng để có những thừa tác viên có chức thánh xứng hợp cũng như các phụ tá, là tu sĩ hoặc giáo dân, không chỉ cho những miền truyền giáo mà còn cho những nơi thiếu giáo sĩ. Và tùy theo khả năng, các ngài hãy quan tâm gửi một số linh mục của mình đến thi hành tác vụ tại những xứ truyền giáo và các giáo phận nói trên, trong thời gian lâu dài hay ít là trong một thời gian hạn định.
Ngoài ra, trong khi xử dụng tài sản của Giáo Hội, các Giám mục phải quan tâm đến những các nhu cầu không chỉ của giáo phận mình, mà còn của các Giáo Hội địa phương khác, vì tất cả đều thuộc về Giáo Hội duy nhất của Chúa Kitô. Sau cùng các ngài cũng phải tùy sức để quan tâm đến việc cứu trợ các giáo phận hay những nơi đang gặp phải thiên tai hoạn nạn.
7. Nhất là các ngài hãy lấy tình huynh đệ yêu thương những vị Giám mục, vì danh Chúa Kitô, đang phải đau khổ bởi vu khống và phiền muộn, đang bị giam cầm hay bị ngăn cấm không được thi hành tác vụ, hãy tích cực chăm sóc để xoa dịu và làm vơi đi nỗi khổ nhờ lời cầu nguyện và sự nâng đỡ thiết thực của những người anh em đồng sự.
II. CÁC GIÁM MỤC VÀ TÒA THÁNH
8. a) Trong giáo phận được uỷ thác cho các ngài, các Giám mục, với tư cách là những người kế vị các Tông Đồ, đương nhiên có mọi quyền thông thường, riêng biệt và trực tiếp theo như nhiệm vụ mục vụ đòi hỏi, tuy nhiên trong mọi trường hợp, Đức Giáo Hoàng Rôma, do nhiệm vụ của ngài, vẫn luôn có thể dành lại một số quyền hạn cho mình hay cho một Thẩm quyền khác.
b) Trong trường hợp đặc biệt, mỗi Giám mục giáo phận có năng quyền miễn chuẩn luật chung của Giáo Hội cho các tín hữu thuộc quyền theo luật định, khi xét thấy điều đó mang lại lợi ích thiêng liêng cho họ, trừ những trường hợp dành riêng cho Thẩm quyền tối cao của Giáo Hội.
9. Trong khi thi hành quyền tối cao, trọn vẹn và trực tiếp trên Giáo Hội phổ quát, Đức Giáo Hoàng Rôma có các Thánh Bộ thuộc Giáo Triều Rôma hỗ trợ, vì thế các Thánh Bộ nhân danh và lấy quyền ngài mà chu toàn phận vụ của mình để mưu ích chung cho các Giáo Hội và phục vụ các mục tử.
Các Nghị phụ tham dự Thánh Công Đồng mong ước rằng các Thánh Bộ này, tuy đã giúp đỡ rất đắc lực cho Đức Giáo Hoàng Rôma và các Chủ chăn của Giáo Hội, nhưng cũng cần cải tổ cho thích hợp hơn với các nhu cầu của thời đại, của các lãnh thổ và các Nghi chế, nhất là trong những vấn đề có liên quan đến số lượng, danh hiệu, thẩm quyền, đường hướng làm việc riêng biệt cũng như chương trình phối kết công tác của các Thánh Bộ. Các Nghị phụ cũng ước mong rằng, xét vì bản chất của hoạt động mục vụ đặc thù của các Giám mục, nên chức vụ các Đặc Sứ của Đức Giáo Hoàng Rôma cần phải được xác định cách rõ ràng hơn.
10. Ngoài ra, vì các Thánh Bộ được thành lập để mưu ích cho Giáo Hội phổ quát, nên Thánh Công Đồng ước mong các thành viên, viên chức và cố vấn cũng như các Đặc Sứ của Đức Giáo Hoàng, sẽ được thâu nhận từ những miền khác nhau trong Giáo Hội càng nhiều càng tốt , sao cho các văn phòng hay cơ quan trung ương của Giáo Hội Công Giáo thật sự có tính cách phổ quát.
Công Đồng cũng mong ước trong số thành viên các Thánh Bộ nên có một số Giám mục, nhất là các Giám mục giáo phận, những vị có thể giúp cho Đức Giáo Hoàng nhận biết cách đầy đủ hơn những cảm nghĩ, nguyện vọng và nhu cầu của tất cả các Giáo Hội.
Sau cùng các Nghị phụ nhận định rằng thật ích lợi nếu các Thánh Bộ biết lắng nghe nhiều hơn nữa ý kiến của những giáo dân trổi vượt về nhân đức, kiến thức và kinh nghiệm, sao cho chính giáo dân cũng góp phần thích hợp của mình vào các công việc của Giáo Hội.
CHƯƠNG II
CÁC GIÁM MỤC VÀ CÁC GIÁO HỘI
ĐỊA PHƯƠNG HAY GIÁO PHẬN
I. CÁC GIÁM MỤC GIÁO PHẬN
11. Giáo phận là một phần của đoàn Dân Thiên Chúa được giao phó cho một Giám mục chăn dắt, với sự trợ giúp của Linh mục đoàn, để khi liên kết với vị chủ chăn của mình và được chính ngài qui tụ trong Chúa Thánh Thần nhờ Tin Mừng và Thánh Thể, giáo phận lập thành một Giáo Hội địa phương, trong đó Giáo Hội Duy Nhất, Thánh Thiện, Công Giáo và Tông Truyền của Chúa Kitô thật sự hiện diện và hành động.
Được ủy thác chăm sóc một Giáo Hội địa phương, mỗi Giám mục dẫn dắt đoàn chiên của mình nhân danh Chúa, dưới quyền Đức Giáo Hoàng, với tư cách là mục tử riêng, thường xuyên và trực tiếp khi thi hành phận vụ giáo huấn, thánh hóa và lãnh đạo đoàn chiên. Tuy nhiên các ngài phải nhìn nhận năng quyền hợp pháp của các Thượng Phụ hay những Thẩm quyền phẩm trật khác.
Các Giám mục phải tận tâm thực thi nhiệm vụ Tông đồ của mình như những chứng nhân của Chúa Kitô trước mặt mọi người, không chỉ chăm sóc những kẻ đang bước theo vị Thủ Lãnh các chủ chăn, mà còn ân cần quan tâm đến những người vì bất cứ lý do nào đã đi lạc đường chân lý hay không biết đến Tin Mừng và lòng thương xót cứu độ của Chúa Kitô, cho đến khi mọi người sẽ tiến bước “trong tất cả những gì là thiện hảo, công chính và chân thật” (Ep 5,9).
12. Khi thi hành phận vụ giáo huấn, các Giám mục loan báo cho mọi người biết Tin Mừng Chúa Kitô, bằng cách mời gọi họ đón nhận đức tin hoặc củng cố họ trong đời sống đức tin nhờ sức mạnh của Chúa Thánh Thần, đây là công việc cao cả nhất trong các phận vụ chính yếu của các Giám mục; các ngài phải trình bày cho mọi người mầu nhiệm toàn vẹn của Chúa Kitô, nghĩa là những chân lý mà nếu không biết, là không biết Chúa Kitô, và cũng phải trình bày cho họ con đường đã được mạc khải để tôn vinh Thiên Chúa và nhờ đó đạt đến hạnh phúc muôn đời.
Hơn nữa, các Giám mục phải làm cho mọi người hiểu rằng, theo kế hoạch của Thiên Chúa Tạo Hóa, chính các thực tại trần thế và các tổ chức nhân loại cũng được xếp đặt hướng đến sự cứu rỗi con người, và do đó chúng có thể góp phần không nhỏ trong việc kiến tạo Thân Thể Chúa Kitô.
Vì vậy, theo giáo huấn của Giáo Hội, các ngài phải dạy cho mọi người biết quý trọng những giá trị của nhân vị, tự do và sự sống thể xác; của gia đình cùng với đặc tính duy nhất và bền vững của hôn nhân cũng như việc sinh sản và giáo dục con cái; giá trị của cộng đồng dân sự với các luật lệ và ngành nghề; của lao động và nghỉ ngơi, của các loại hình nghệ thuật và những khám phá kỹ thuật; giá trị của sự nghèo khó cũng như sự sung túc; sau cùng các ngài phải trình bày những phương thế giải quyết các vấn đề hệ trọng liên quan đến việc sở hữu, gia tăng và phân phối hợp lý những của cải vật chất, vấn đề hòa bình và chiến tranh cũng như mối bang giao huynh đệ giữa các dân tộc.
13. Các ngài phải trình bày đạo lý Kitô giáo cách thích hợp với những nhu cầu của thời đại, nghĩa là giúp giải đáp những khó khăn và những vấn nạn đang đè nặng và gây nhiều bất an cho con người. Các ngài không chỉ bảo vệ nhưng còn dạy cho các tín hữu biết bênh vực và truyền bá đạo lý đó. Trong việc lưu truyền đạo lý, các ngài phải thể hiện tấm lòng từ mẫu đầy ân cần của Giáo Hội đối với tất cả mọi người, tín hữu cũng như lương dân, và phải đặc biệt lưu tâm đến những người nghèo khổ và hèn kém, chính vì những người đó mà Chúa đã sai các ngài đi rao giảng Tin Mừng.
Vì Giáo Hội phải gặp gỡ trao đổi với cộng đồng nhân loại trong đó Giáo Hội đang sống, nên bổn phận trước tiên của các Giám mục là đến với con người, kêu gọi và cổ võ các cuộc đối thoại với họ. Trong những cuộc đối thoại về ơn cứu độ này, để chân lý luôn gắn liền với bác ái, kiến thức được liên kết với tình yêu, cần phải lưu ý đến sự trong sáng của ngôn từ, thái độ khiêm tốn và tấm lòng nhân hậu, cũng như sự khôn ngoan cần thiết đi đôi với sự tín nhiệm, đó chính là yếu tố làm nảy sinh tình bạn đưa đến việc nối kết các tâm hồn.
Các ngài phải quan tâm đến những phương cách đa dạng hiện đang có thể sử dụng để loan báo đạo lý Kitô giáo, trước hết, việc giảng thuyết và dạy giáo lý luôn chiếm vị trí hàng đầu; tiếp đến là việc trình bày đạo lý trong các trường học, các học viện, các hội nghị và những cuộc hội họp dưới mọi hình thức; sau cùng là việc phổ biến đạo lý qua những bài phát biểu công khai nhân dịp một vài biến cố quan trọng, cũng như qua báo chí và các phương tiện truyền thông xã hội khác nhau, đây là những phương tiện cần biết tận dụng để loan báo Tin Mừng Chúa Kitô.
14. Các Giám mục phải quan tâm để việc dạy giáo lý được thực hiện cách chu đáo cho các thiếu nhi và thiếu niên, cho giới trẻ và cả những người đã trưởng thành, để giúp cho đức tin nơi mọi người, nhờ đạo lý soi dẫn, trở nên sống động, dứt khoát và tích cực. Các ngài phải quan tâm để việc dạy giáo lý được thực hiện theo một trình tự thích hợp và có phương pháp, không những phù hợp với môn đang học hỏi mà còn phù hợp với tâm tính, khả năng, tuổi tác và hoàn cảnh sống của các học viên, đồng thời việc giảng dạy giáo lý phải đặt nền tảng trên Thánh Kinh, Thánh Truyền, Phụng vụ, Huấn quyền và đời sống của Giáo Hội.
Hơn nữa, các ngài phải quan tâm chuẩn bị kỹ lưỡng cho các giáo lý viên trong nhiệm vụ dạy giáo lý, làm thế nào để họ hiểu rõ đạo lý của Giáo Hội, và thông thạo những định luật tâm lý và các khoa sư phạm, trên lý thuyết cũng như trong thực hành.
Các Giám mục cũng phải chăm lo để khôi phục hoặc thích nghi hữu hiệu hơn nữa việc dạy giáo lý cho những dự tòng lớn tuổi.
15. Khi thi hành phận vụ thánh hoá, các Giám mục phải nhớ rằng mình đã được chọn từ muôn người và được đặt lên để phục vụ con người, trong những việc liên quan đến Thiên Chúa, để dâng lễ vật và hy tế đền tội. Thật vậy, các Giám mục lãnh nhận sự sung mãn của bí tích Truyền Chức Thánh, và các linh mục, những người được thánh hiến thành những tư tế đích thực của Tân Ước, khi thi hành chức năng của mình, vẫn luôn tuỳ thuộc vào các Giám mục để trở nên những cộng sự viên khôn ngoan của các ngài, còn các phó tế, những người được truyền chức để phục vụ, thì phục vụ dân Thiên Chúa trong sự hiệp thông với Giám mục và Linh mục đoàn của ngài. Vì vậy, các Giám mục là những người giữ vai trò chủ yếu trong việc phân phát các mầu nhiệm của Thiên Chúa và là những người điều hành, phát huy và bảo toàn tất cả đời sống phụng vụ trong Giáo Hội đã được trao phó cho các ngài.
Vậy các ngài phải liệu sao cho các Kitô hữu hiểu và sống mầu nhiệm Vượt Qua cách sâu xa hơn, để nhờ bí tích Thánh Thể, họ tạo thành một Thân Thể liên kết chặt chẽ trong sự hợp nhất của tình yêu Chúa Kitô. Trong khi “chuyên lo cầu nguyện và phục vụ lời Thiên Chúa” (Cv 6,4), các ngài hãy gắng sức để tất cả những ai đã được trao phó cho các ngài chăm sóc, được đồng tâm nhất trí trong kinh nguyện, được lớn lên trong ân sủng nhờ lãnh nhận các bí tích và trở nên những chứng nhân trung thành của Chúa.
Là những người dạy bảo sự trọn lành, các Giám mục hãy nhiệt thành thúc đẩy các giáo sĩ, tu sĩ và giáo dân đạt đến sự thánh thiện theo ơn gọi riêng của mỗi người. Tuy nhiên, các ngài hãy nhớ rằng chính mình cũng phải nêu gương thánh thiện trong đức ái, trong thái độ khiêm nhường và đời sống giản dị. Các ngài phải giúp các Giáo hội đã được trao phó cho mình đạt đến sự thánh thiện, để cảm thức về Giáo hội phổ quát của Chúa Kitô được biểu lộ cách tròn đầy nơi các cộng đoàn. Vì thế, các ngài luôn nỗ lực để làm gia tăng thật nhiều các ơn gọi linh mục, tu sĩ, đặc biệt là ơn gọi truyền giáo.
16. Khi thi hành phận vụ của một người cha cũng là mục tử, các Giám mục hãy sống giữa những người thuộc về mình, như những người phục vụ, nghĩa là như những mục tử tốt lành biết các con chiên của mình và được các con chiên của mình biết mình, đồng thời như những người cha đích thực đầy tình yêu thương chăm lo cho tất cả mọi người và được mọi người luôn quý mến cũng như tuân phục quyền bính Thiên Chúa đã ban cho các ngài. Các ngài quy tụ đoàn chiên của mình thành một gia đình trọn vẹn và đào tạo để tất cả mọi người, nhờ ý thức về nhiệm vụ của mình, luôn sống và hành động trong sự hiệp thông đức ái.
Để có thể thực hiện hữu hiệu những điều đó, các Giám mục, những người “sẵn sàng làm mọi việc lành” (2 Tm 2,21) và “cam chịu mọi sự, để mưu ích cho những người Thiên Chúa đã chọn” (2 Tm 2,10), phải sống cuộc đời của mình sao cho phù hợp với những đòi hỏi của thời đại.
Các Giám mục hãy luôn chăm sóc các linh mục bằng một tình yêu thương đặc biệt, vì họ là những người đang chia sẻ một phần nhiệm vụ và những mối bận tâm của các ngài, và hàng ngày vẫn đang thực thi điều đó cách nhiệt thành; với thái độ sẵn sàng lắng nghe và tin tưởng họ, các ngài hãy nỗ lực phát huy các công tác mục vụ trong toàn giáo phận cùng với họ như với những người con và người bạn.
Các ngài hãy quan tâm đến tình trạng thiêng liêng, trí thức và vật chất của các linh mục, để giúp họ luôn sống thánh thiện đạo đức và chu toàn thừa tác vụ của mình cách trung thành và hữu hiệu. Vì vậy, các Giám mục nên phát huy việc học hỏi và tổ chức các cuộc hội họp đặc biệt, trong đó các linh mục có dịp quy tụ lại với nhau, hoặc để dự những khoá linh thao dài ngày nhằm canh tân đời sống, hoặc để học hỏi chuyên sâu hơn về những môn học của Giáo Hội, đặc biệt là Thánh Kinh và thần học, về những vấn đề xã hội quan trọng và những phương pháp mới để hoạt động mục vụ. Các ngài hãy dành tình yêu thương cụ thể cho những linh mục đang ở trong tình trạng nguy hiểm hoặc đang gặp thất bại trong một lãnh vực nào đó.
Để có thể mưu ích cho các tín hữu cách phù hợp hơn với hoàn cảnh của từng người, các Giám mục phải cố gắng hiểu biết rõ những nhu cầu của giáo dân trong môi trường xã hội họ đang sống, nhờ áp dụng những cách thế thích hợp, nhất là phương pháp điều tra xã hội học. Các ngài phải thể hiện mối quan tâm đến tất cả mọi người, bất luận tuổi tác, hoàn cảnh hay quốc tịch, người bản xứ, ngoại kiều hay lữ khách. Khi thực thi mối quan tâm mục vụ này, các Giám mục phải dành cho các tín hữu những phần việc thích hợp với họ trong các công cuộc chung của Giáo Hội, vì biết rằng họ có bổn phận và cũng có quyền cộng tác cách tích cực vào việc xây dựng Nhiệm Thể Chúa Kitô.
Các ngài phải thương mến các anh em ly khai, nhắn nhủ các tín hữu đối xử với họ bằng thái độ đầy tình người và tình bác ái, đồng thời cũng cổ võ phong trào đại kết đúng theo quan điểm của Giáo Hội. Các ngài hãy yêu thương cả những người ngoài Kitô giáo, để họ cũng được tiếp nhận tình yêu của Chúa Kitô Giêsu, Đấng mà các Giám mục phải làm chứng trước mặt mọi người.
17. Cần phát triển các hình thức khác nhau của việc tông đồ và đồng thời, trong toàn giáo phận hoặc trong từng vùng của giáo phận, nên phát huy tiến trình điều phối và kết hợp chặt chẽ các hoạt động tông đồ dưới sự hướng dẫn của Giám mục, nhờ đó, mọi sáng kiến và tổ chức như dạy giáo lý, truyền giáo, bác ái, xã hội, gia đình, học đường và bất cứ công việc nào khác nhằm mục đích mục vụ, đều hoạt động trong sự hài hòa, điều này làm cho sự hợp nhất của giáo phận càng được tỏa sáng hơn.
Phải mạnh mẽ thúc đẩy các tín hữu đảm nhận các công tác tông đồ tuỳ theo hoàn cảnh và khả năng của mỗi người, và cũng hãy nhắc nhở họ tham gia hoặc hỗ trợ các công việc tông đồ giáo dân khác nhau, nhất là hoạt động Công Giáo Tiến Hành. Hơn nữa cũng phải cổ võ hay củng cố những hiệp hội trực tiếp hoặc gián tiếp theo đuổi mục đích siêu nhiên, nghĩa là để đạt tới một nếp sống hoàn thiện hơn, hoặc để loan báo Tin Mừng Chúa Kitô cho mọi người, hoặc phát huy đạo lý Kitô giáo hay phát triển phụng tự công cộng, hoặc theo đuổi những mục đích xã hội hoặc thực thi những công việc đạo đức hay bác ái.
Các hình thức hoạt động tông đồ phải được thích nghi đúng mức với những nhu cầu hiện đại, luôn quan tâm đến các điều kiện sinh hoạt của con người, không những trong lãnh vực thiêng liêng và luân lý, mà cả trong lãnh vực xã hội, dân số và kinh tế. Để công việc đó trở nên hữu hiệu và mang lại nhiều kết quả, điều luôn được khuyến khích thực hiện đó là nhờ các tổ chức mục vụ xã hội tiến hành các cuộc điều tra xã hội và tôn giáo.
18. Cần quan tâm đặc biệt đến những tín hữu không được hưởng đầy đủ hoặc thậm chí thiếu hẳn sự chăm sóc mục vụ chung và thường xuyên của các cha xứ, chỉ vì lý do hoàn cảnh sinh sống, chẳng hạn đa số những người di cư, lưu đày, tị nạn, những người đi biển, các nhân viên phi hành, người phiêu cư và những trường hợp khác tương tự. Cũng nên cổ võ việc sử dụng những phương pháp mục vụ thích hợp để nâng đỡ đời sống thiêng liêng của những người phải đi tĩnh dưỡng trong một thời gian tại những nơi xa nhà.
Các Hội Đồng Giám mục, nhất là Hội Đồng Giám mục Quốc gia, cần phải nghiên cứu cẩn thận những vấn đề cấp bách liên hệ đến những người kể trên, đồng thời các ngài cũng hãy đồng tâm hiệp lực để quan tâm và hỗ trợ việc chăm sóc thiêng liêng cho họ, nhờ các phương tiện và các chỉ dẫn thích hợp, dĩ nhiên vẫn phải lưu ý đến những quy tắc đã hoặc sẽ được Tòa Thánh ban hành, và thích nghi thỏa đáng với các điều kiện về thời gian, nơi chốn và con người.
19. Khi thi hành phận vụ tông đồ để cứu rỗi các linh hồn, các Giám mục có quyền được tự do và độc lập trọn vẹn và hoàn toàn đối với bất cứ quyền hành dân sự nào. Vì thế, không ai được phép trực tiếp hay gián tiếp ngăn cản việc thi hành phận vụ thuộc phạm vi giáo quyền của các ngài, hoặc ngăn cấm các ngài tự do liên lạc với Tòa Thánh, với những Thẩm quyền khác trong Giáo Hội, và với những kẻ thuộc quyền các ngài.
Khi chuyên tâm chăm sóc tinh thần cho đoàn chiên của mình, chắc chắn các Mục tử cũng quan tâm đến sự phát triển và thịnh vượng trong lãnh vực xã hội cũng như dân sự, đó là điều các ngài nhắm tới khi hợp tác trong các hoạt động cùng với chính quyền dân sự, đúng theo bản chất nhiệm vụ của mình và phù hợp với tư cách Giám mục, đồng thời sẵn sàng tuân thủ các luật lệ chính đáng cũng như tôn trọng các quyền bính hợp pháp.
20. Vì phận vụ tông đồ của các Giám mục đã được Chúa Kitô thiết lập nhằm mục đích thiêng liêng và siêu nhiên, nên Thánh Công Đồng Chung tuyên bố rằng quyền chỉ định và bổ nhiệm các Giám mục là một quyền riêng thuộc về Thẩm quyền của Giáo Hội, mang tính cách đặc biệt và loại trừ mọi can thiệp bên ngoài.
Vì thế, để bảo vệ sự tự do của Giáo Hội cách chính đáng, và để mang lại lợi ích cho các Kitô hữu cách thuận lợi và hiệu quả hơn, Thánh Công Đồng ước mong rằng sau này Giáo Hội sẽ không còn dành cho các chính quyền dân sự bất cứ quyền hạn hoặc đặc ân nào về việc tuyển chọn, bổ nhiệm, đề cử hay chỉ định chức vụ Giám mục nữa; về phần các chính quyền dân sự, Thánh Công Đồng tri ân và đánh giá cao thịnh tình của họ đối với Giáo Hội, và chân thành đề nghị với họ, sau khi trao đổi với Toà Thánh, hãy tự nguyện từ bỏ các quyền hoặc đặc ân nói trên mà hiện tại họ vẫn hưởng do một hiệp ước hoặc một tập tục.
21. Vì công tác mục vụ của Giám mục rất quan trọng và nặng nề, nên các Giám mục giáo phận và những vị tương đương với Giám mục theo luật, nếu vì cao niên hay vì lý do quan trọng nào khác đưa đến tình trạng giảm sút khả năng chu toàn nhiệm vụ, đều được tha thiết kêu gọi từ nhiệm, hoặc tự ý, hoặc theo ý kiến của Thẩm quyền. Nếu Thẩm quyền chấp nhận sự từ nhiệm này, thì phải dự liệu phương cách nâng đỡ thích hợp và đáp ứng những quyền lợi đặc biệt dành cho các vị đã từ nhiệm.
II. RANH GIỚI CÁC GIÁO PHẬN
22. Để một giáo phận thực hiện được mục tiêu riêng của mình, trước hết, bản chất của Giáo Hội phải được biểu lộ cách rõ ràng nơi phần dân Thiên Chúa làm nên giáo phận đó; thứ đến, các Giám mục phải có thể chu toàn cách hữu hiệu những phận vụ mục vụ của mình trong giáo phận; và sau cùng, ơn phúc cứu độ của dân Thiên Chúa phải được phục vụ cách hoàn hảo tối đa.
Điều đó đòi hỏi hoặc phải phân chia cách thích hợp địa giới các giáo phận, hoặc phải phân phối cách hợp lý các giáo sĩ và các nguồn tài lực cho tương ứng với những đòi hỏi của việc tông đồ. Tất cả những điều đó không chỉ mang lại thiện ích cho hàng giáo sĩ và các Kitô hữu trực tiếp liên hệ, nhưng còn cho toàn thể Giáo Hội Công giáo.
Vì thế, Thánh Công Đồng quyết định rằng, tùy theo lợi ích các linh hồn đòi hỏi, phải nhanh chóng cẩn thận xem xét lại cách thoả đáng những gì liên quan đến ranh giới các giáo phận, hoặc bằng cách chia tách, cắt bớt hay sáp nhập các giáo phận, hoặc qua việc điều chỉnh địa giới và ấn định địa điểm thích hợp hơn cho các tòa Giám mục, hoặc sau cùng, bằng cách canh tân tổ chức nội bộ các giáo phận, nhất là đối với những giáo phận có nhiều thành phố lớn.
23. Trong khi duyệt xét lại ranh giới các giáo phận, trước hết cần phải bảo đảm tính duy nhất cơ hữu của mỗi giáo phận về nhân sự, chức vụ và tổ chức, giống như một thân thể thật sự sống động. Trong từng trường hợp, sau khi cẩn thận cân nhắc mọi hoàn cảnh liên hệ, cần phải lưu ý đến những tiêu chuẩn tổng quát sau đây:
1) Trong việc ấn định ranh giới giáo phận, phải hết sức lưu tâm đến sự khác biệt của các thành phần Dân Chúa, đây là điều có thể giúp ích nhiều để thực thi cách thích hợp việc chăm sóc mục vụ; đồng thời phải làm sao để có thể qui tụ các địa bàn dân cư, duy trì những mối liên kết với các cơ sở dân sự và các tổ chức xã hội, làm thành một cấu trúc có tổ chức chặt chẽ. Vì thế, lãnh thổ của mỗi giáo phận phải luôn là một vùng đất liền lạc không cách quãng.
Nếu cần, cũng phải để ý đến ranh giới hành chánh và những đặc tính riêng biệt về tâm lý, kinh tế, địa dư, lịch sử của từng địa phương và từng nhóm cư dân.
2) Phạm vi lãnh thổ và dân số của giáo phận nói chung cần được sắp xếp cách nào để Đức Giám mục, dù đã có các vị phụ tá, vẫn có thể đích thân cử hành những nghi lễ đại triều và kinh lý mục vụ cách thuận lợi, cũng như điều hành và phối hợp tốt đẹp mọi hoạt động tông đồ trong giáo phận, nhất là có thể biết rõ các linh mục của mình, cũng như các tu sĩ và giáo dân đang góp phần tham gia các công tác trong giáo phận; đàng khác, phạm vi hoạt động của giáo phận cũng phải ở tầm mức tương xứng và đủ điều kiện để Giám mục cũng như các giáo sĩ có thể cống hiến cách hữu ích mọi năng lực của mình cho thừa tác vụ trong khi vẫn lưu tâm tới những nhu cầu của Giáo Hội phổ quát.
3) Sau cùng, để việc phục vụ ơn cứu độ có thể được thực thi trong giáo phận cách thích hợp hơn, phải thực hiện qui định này là mỗi giáo phận phải có các giáo sĩ, ít là tạm đủ về số lượng và phẩm chất, để chăn dắt dân Thiên Chúa cách đúng mức; cũng phải có đầy đủ các cơ quan, tổ chức và các hoạt động riêng biệt của Giáo Hội địa phương, mà kinh nghiệm cho thấy là cần thiết để việc điều hành và hoạt động tông đồ được hữu hiệu; sau cùng, giáo phận phải có sẵn hoặc ít ra phải khôn ngoan dự liệu không để thiếu nguồn tài lực cần thiết cho việc duy trì khối nhân sự và các tổ chức trong giáo phận,
Cũng nhằm mục đích đó, nơi nào có những tín hữu thuộc một Nghi chế khác, Giám mục giáo phận phải đáp ứng các nhu cầu thiêng liêng của họ, hoặc nhờ những linh mục hay những giáo xứ thuộc Nghi chế đó, hoặc nhờ một vị Đại diện Giám mục được ban những năng quyền thích hợp, và nếu cần, vị này có thể là một Giám mục, hoặc chính Giám mục giáo phận đảm nhận nhiệm vụ là Đấng bản quyền của nhiều Nghi chế khác nhau. Nếu tất cả những điều trên không thể thực hiện được vì những lý do đặc biệt theo sự phán định của Tòa Thánh, cần phải thiết lập một Phẩm Trật riêng cho các Nghi chế khác biệt này.
Cũng vậy, trong những hoàn cảnh tương tự, phải dự liệu việc giúp đỡ cho các tín hữu thuộc nhiều ngôn ngữ khác nhau, nhờ những linh mục hay những giáo xứ thuộc cùng ngôn ngữ, hoặc nhờ một vị Đại diện Giám mục và nếu cần, cũng có thể là một Giám mục thông thạo ngôn ngữ đó, hoặc nhờ một phương thế nào khác thích hợp hơn.
24. Khi sửa đổi hoặc canh tân các giáo phận theo tiêu chuẩn liên quan đến các số 22-23, ngoại trừ việc phải giữ theo kỷ luật của các Giáo Hội Đông phương, các Hội Đồng Giám mục có thẩm quyền nên cứu xét những vấn đề nói trên cho từng khu vực – và nếu thấy là thích hợp, có thể nhờ đến một Uỷ Ban Giám mục đặc biệt, nhưng phải luôn lắng nghe các Giám mục trong giáo tỉnh hay giáo miền liên hệ – rồi đệ trình những ý kiến và nguyện vọng lên Tòa Thánh.

Còn tiếp