Hình tượng người phụ nữ



Hình tượng người phụ nữ

trong văn chương Việt Nam

Gs. Nguyễn Thị Hoàng
Pháp
A-   Qua văn chương truyền khẩu

Từ khi chưa có chữ viết, tất cả các dân tộc đều có một nền văn chương truyền miệng. Từ thời kỳ hoang sơ của loài người những chuyện thần thoại, truyền thuyết, anh hùng ca, thơ ca truyền khẩu đã tồn tại một thời gian trong sinh hoạt văn hóa, văn học.... của loài người. Nền văn học ban đầu ấy nhằm thể hiện tư  tưởng, tình cảm của con người  thời xưa đối với tự nhiên, đối với sinh hoạt của cộng đồng thị tộc.

Thần thoại Hy lạp, La mã, truyện kể « Nghìn lẻ một đêm » của Ba tư, Thần thoại Ấn Độ...  đã là những thành phẩm của văn chương tuyệt tác đầu tiên của các dân tộc.

Ý thức tư tưởng, tình cảm của con người trong thời kỳ ban sơ này của loài người đã được trí tưởng tượng thể hiện một cách vô cùng phong phú, sinh động và đầy gía trị thẩm mỹ. Câu chuyện về các vị thần Hy lạp và sự giải thích của người Hy lạp thời xưa đối với thế giới không những mang gía trị hiện thực  rõ rệt mà còn bao hàm một ý nghĩa triết lý sâu xa và những giá trị tình cảm đẹp đẽ.[1]

Cho nên văn chương truyền miệng ra đời trước nền văn chương chữ  viết đã là tấm gương phản chiếu cuộc sống, con người với những ý tưởng tâm tư tình cảm của nó. Qua văn chương ta thấy hiển hiện hình tượng con người  với đời sống tâm linh phong phú cũng như đời sống vật chất cụ thể.
Văn chương Việt Nam cũng mang đặïc trưng ấy. Con người Việt Nam nói chung và hình tượng người phụ nữ nói riêng qua từng thời kỳ lịch sử được thể hiện qua văn học truyền miệng Việt Nam và văn học chữ viết một cách rõ nét.
Khác với thần thoại một số nước, các vị thần giữ vai trò quan trọng trong vũ trụ và trong sinh hoạt của xã hội con người là nam giới thì đối với Việt Nam đa số là các nữ thần.
Các thần nữ Việt Nam qua những thần thoại truyền thuyết, truyện kể đã chứng tỏ vai trò và vị trí rất quan trọng của người phụ nữ Việt Nam trong lịch sử và xã hội nước ta.
« Vũ trụ mênh mông huyền bí và sự vần xoay của Ngày và Đêm, Nắng, Mưa là do các thần nữ là Mặt Trời Mặt Trăng, con của ngọc Hoàng thượng đế lập ra và điều khiển . . . » (1)

1-           Từ thủa khai thiên lập địa

Hình tượng Nữ  Oa, thần nữ khổng lồ đội đá vá trời đã nói lên điều đó. Và khác với thần thoại Hy lạp, Prométheé là nam thần sáng tạo ra loài người, chính Nữ Oa là vị thần đã sáng tạo ra loài người trong thần thoại Việt Nam, cũng vậy ta còn có nữ thần lửa, mẹ Đất và ngay cả việc cai quản rừng xanh, suối sông biển cả, bầu trời cũng toàn là thần nữ: Thượng ngàn, Mẫu thoại, Quan Âm Nam Hải, Mẫu Thiện.

2-           Thời kỳ dựng nước

Với hình tượng Âu Cơ. Người mẹ tổ Việt Nam : « Trong ký ức sâu thẳm của nhân dân Việt Nam về cội nguồn dân tộc phản ánh trong câu chuyện về Âu Cơ Lạc Long Quân được ghi lại trong sách Lĩnh nam chích quái , với tên truyện Họ Hồng Bàng. Con cả của Âu Cơ lên làm vua hiệu là Hùng Vương, lấy tên nước là Văn lang. Chính Âu Cơ dậy dân đốn gỗ làm nhà, khơi ngòi, uốn sông, phạt núi, đắp gò trồng cây, cầy bừa gặt hái, dệt vải, chăn nuôi v.v.. Truyện kết luận « về già, mẹ Âu Cơ mất ở Hiền Lương. Để tưởng nhớ công lao vĩ đại ấy nhân dân ta lập đền thờ Bà và suy tôn là « Quốc Mẫu » mẹ của nước. (đền ở xã Hiền Lương huyện Sông thao Tỉnh Vĩnh Phu ù ) ». (tr.18-19 sđd):
« Trong đền có tượng mẹ Âu Cơ. Tượng cao 0, 93 m, ngồi trong cỗ ngai, hai tay đặt lên gối, chân đi hài cong (vân sảo) đầu đội mũ lấp lánh kim cương, nước da hồng, gương mặt đôn hậu. Pho tượng mẹ Âu Cơ toát lên một vẻ đẹp anh tú của phụ nữ Việt Nam » ( trang 19 sđd).

3-           Thời Kỳ giữ nước

a-           Hai Bà Trưng

Đất nước Việt Nam ta trải qua bao thời kỳ lịch sử luôn luôn phải đối đầu với những khó khăn, tai hoạ lớn lao. Một trong những tai hoạ cốt yếu đó là nạn ngoại xâm, đặc biệt là đến từ phương Bắc, nước Tàu. Người Việt Nam đầu tiên đứng lên khởi nghĩa đánh lại lực lượng xâm lược hùng mạnh đáng sợ này để tạo dựng nền độc lập cho dân tộc và «  xưng bá đồ vương «  sánh ngang với triều đình phương Bắc là một người phụ nữ, nói cho chính xác là hai người phụ nữ: Trưng Trắc và Trưng Nhị mà dân chúng thường gọi là Hai Bà Trưng, Trưng nữ Vương cuộc khởi nghĩa do hai bà lãnh đạo là cuộc khởi nghĩa đầu tiên trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc Việt Nam ta vào đầu thiên niên kỷ sau Thiên Chúa Giáng Sinh; Mùa xuân năm Canh Tý, năm thứ 40 sau công nguyên. Chiến tích lẫy lừng ấy của hai nữ anh hùng không bao giờ phai mờ trong tâm hồn dân tộc, vì nó là niềm tự hào tràn đầy của tinh thần bất khuất Việt Nam và ý thức tự cường dân tộc. Truyện về Hai Bà được chép lần đầu tiên trong « Việt điện u linh » (Lý Tế Xuyên, đầu thế kỷ XIV) với tiêu đề « Nhị Trưng phu nhân »,  sau đó được kể trong « Lĩnh Nam Chích quái » vào thế kỷ XV (Truyện hai bà trinh linh phu nhân họ Trương.)
Dưới lá cờ khởi nghĩa của hai bà có rất nhiều tướng giỏi, đặc biệt nhiều nữ tướng sau này được nhân dân lập đền thờ [2] :

Bà Trưng quê ở Châu Phong
Giận phường tham bạo, thù chồng chẳng quên
Chị em nặng một lời nguyền
Phất cờ  nương tử thay quyền tướng quân
Ngàn mây nổi áng phong trần
Ầm ầm binh mã xuống gần Long Biên 

Trong lễ tế cáo trời đất và lời hịch hiệu triệu quốc dân bốn lời thề trang trọng được Trưng Trắc tuyên đọc:

«Một xin rửa sạch quốc thù
Hai xin đem lại nghiệp xưa họ Hùng
Ba kẻo oan ức lòng chồng
Bốn xin vẹn vẹn thửa công lênh này.

Trong lời thề ấy quyền lợi đất nước và dân tộc rõ ràng được đặt lên trên thù nhà.

Kết qủa là: « Hai bà cùng nghĩa quân đã bình định được 65 thành, Thái Thú Tô Định phải cải trang thành đàn bà để chạy trốn. Hai bà đã bảo vệ đất nước, xây nền độc lập, lập ra vương triều mới.Đô kỳ đóng cõi Mê Linh, Lĩnh nam riêng một triều đình nước ta » (Quốc sử diễn ca) Tương truyền lúc đó hai bà mới 28 tuổiGương sáng của hai bà được nhân dân cảm kích truyền tụng nên đã có nhiều truyền thuyết về cái chết của Hai Bà: hóa thân làm mưa cứu dân thời Lý Anh Tông, hóa trên núi Hy Sơn, Thường Sơn, hóa thành hai tảng đá trắng phát sáng trôi về trên bãi Đồng nhân (Phường Đồng Nhân, quận Hai Bà Trưng Hà Nội) - Cây muỗm Hai Bà trước đền Hát môn (Phúc Thọ Hà Tây). Ngày 08 tháng 3 là ngày giỗ Vua Bà, ngày 04-09 là ngày hội Hội quân của Hai Bà, ngày hội 24 tháng chạp, ngày chiến thắng Mã Viện.

b- Bà Triệu (248)

Cuộc khởi nghĩa chống quân Ngô của Bà đã được ghi vào Nam Việt chí (TK.V): »Bà mặc áo giáp vàng, đi dép vàng, cưỡi đầu voi mà đánh giặc.E m gái Triệu Quốc Đạt ở vùng Sơn Trung đất Cửu Chân (Thánh Hóa), sinh năm 226, cao lớn, khoẻ mạnh tướng mạo lạ (vú dài 5 thước) Thụy kiều tướng quân xuất trận làm cho quân Ngô khiếp sợ. Tương truyền quân Ngô có câu:

Hoành qua đương hổ dị  (mua gươm chống cọp thì dễ)
Đối diện Bà Vương nan    ( giáp mặt với vua Bà thì thật khó)

Nhân dân rầm rộ hưởng ứng cuộc khởi nghĩa của Bà Triệu. Tương Truyền núi đá trong dẫy Quảng yên phát ra tiếng nói loan tin kêu gọi: (nói khoảng giờ tý đến giờ sửu là thời)

Có bà nữ tướng
Vâng lệnh đất trời ra
Trị voi một ngà
Dựng cờ mở nước
Lệnh truyền sau trước
Theo gót bà Vương.

Câu nói nổi tiếng của bà còn truyền sử xanh. Đó là tiếng nói đầy dũng khí, mạnh mẽ hào hùng của một nữ kiệt quyết tâm đứng lên cứu nước chứ không chịu cam sống một cuộc đời tầm thường của nữa giới nơi phòng the:

Tôi muốn cỡi cơn gió mạnh, đạp luồng sóng dữ, chém cá kình ở biển Đông, đánh đuổi quân Ngô, cứu mọi người khỏi cơn đắm đuối, chứ không cam chịu cúi đầu khom lưng làm tỳ thiếp người ta.

Dân chúng mến phục bà, phụ nữ Câm Châu thúc giục chồng con đầu quân Bà Vương đánh giặc Ngô, bởi vậy có câu ca:

Ru con con ngủ cho lành
Để mẹ gánh nước rửa bành cho voi
Muốn coi lên núi mà coi
Coi bà Triệu tướng cỡi voi đánh cồng
Túi gấm cho lẫn túi hồng
Têm trầu mũi mác cho chồng trẩy quân

Bà Triệu bị chiến thuật đê hèn của tướng Tàu Lục Dân làm cho bại trận, bà đã « sinh vi tướng tử vi thần » tuẫn tiết trên núi Tùng Sơn. Tục truyền rằng sau khi bà mất đêm đêm vùng Phú Điền, Bồ Điền vẫn văng vẳng tiếng cồng thúc quân trong không trung và khi Lý Bôn khởi nghiã ông nằm mộng thấy Bà hiện lên hẹn giúp sức và trong trận giao tranh với giặc Tôn Quýnh, Lý Tử Hùng, gió lốc nổi lên làm giặc tối tăm mặt mũi và Lý Bôn thưà thế đánh tan quân giặc. Lên làm vua, Lý Bôn đã cho xây lăng và đền thờ Bà, hiện ở xã Triệu Lộc, huyện Hậu Lộc Thanh Hóa.

4-                       Thời kỳ xây đựng đất, nước mở mang bờ cõi


·             Có Tuyên Phi Ỷ Lan (đền bà Tấm, đền bà Hoàng Thái Hậu ở vùng Ngọc Quỳnh (ghềnh) huyện Mỹ Văn Hải Hưng. Bà là nhiếp chính khi Lý Thánh Tông đi trận, nhiếp chính cho con trai là vua Nhân Tông.
·             Bà Chúa kho đời Lý
·             Huyền Trân Công Chúa và hai châu Ô, châu Rí làm sính lễ (1306 triều nhà Tống), Minh Tốn đã làm thơ về mối tình Khắc Chung-Huyền Trân.

Ca Huế có câu :

Nước non ngàn dặm ra đi
Mối tình chi ?
Mượn màu son phấn
Vì nợ ba sinh
Một chút tình.

Ngô Thì Nhậm (1746-1802) trong một lần trú mưa dưới ngôi miếu thờ Huyền Trân đã có thơ:

Công Chúa Huyền Trân tuôn lệ hận
Đêm xuân hóa nghiệp trận mưa sầu
Nước nhà tình nhạt thù son phấn
Chồng vợ duyên hèn tủi ngọc thân
Lễ sính hai châu ngàn thủa hưởng
Giai nhân muôn dặm một đời đau...

5-                 Ca dao dân ca và hình tượng người phụ nữ Việt Nam trong sinh hoạt xã hội.


a-           Trong lao động 

 Hình tượng người phụ nữ Việt Nam nơi đồng quê một nắng hai sương, làm việc cực nhọc được mô tả qua hai câu ca dao quen thuộc :

Trên đồng cạn, đưới đồng sâu
Chồng cày vợ cấy con trâu đi bừa
Nói chung người phụ nữ không đi cày, nhưng ở Thanh Hóa người phụ nữ đi cày , nghề nông vất vả, kiếm hạt gạo bằng mồ hôi nước mắt:

 Cấy đồng đang buổi ban trưa
Mồ hôi thánh thót như mưa ruộng cày
Ai ơi bưng bát cơm đầy
Dẻo thơm một hạt đắng cay muôn phần...

Thức khuyêa dậy sớm, chiụ thương chiụ khó, người phụ nữ Việt Nam đóng vai trò quan trọng trong việc nuôi sống gia đình, nhất là nếu ông chủ gia đình lại là « người trí thức », lớp người mà dân chúng Việt Nam hài hước chế diễu « dài lưng tốn vải ăn no lại nằm ». Trần Tế Xương, ông tú tài bất đắc chí vì không thể đỗ đạt cao hơn để có một cuộc sống khác hơn là nhờ vào người vợ đảm, đã mô tả sự đảm đang của bà Tú với những câu thơ sau này nổi tiếng ai cũng biết:

Quanh năm buôn bán ở mom sông
Nuôi đủ năm con với một chồng
Lặn lội thân cò khi quãng vắng
Eo xèo mặt nước buổi đò đông .

Hình ảnh người phụ nữa dân quê vì vậy đã hiện ra rất đẹp trong cao dao dân ca và văn chương chữ viết trong những thế kỷ trước . Cô thôn nữ chăm chỉ làm việc, dù đêm đã khuya, trăng đã lên cao:

 Hỡi cô tát nước bên đàng
Sao cô múc ánh trăng vàng đổ đi. 

Câu thơ với lời trách móc tình tứ ẩn náu một thái độ khâm phục và ngưỡng mộ đầy tính chất thẩm mỹ, những câu như vậy không thiếu trong ca dao, dân ca:

Cô kia cắt cỏ một mình
Cho anh cắt với chung tình làm đôi
Cô còn cắt nữa hay thôi
Cho anh cắt với làm đôi vợ chồng.

Đã chăm làm, mà lại đẹp nữa, người con gái Việt Nam ấy là hình ảnh của cái đẹp, cái đẹp ở bất cứ tư thế nào:

- Trức xinh trúc mọc đầu đình
Em xinh em đứng một mình cũng xinh

- Trúc xinh trúc mọc bờ ao
Em xinh em đứng chỗ nào cũng xinh

Cô gái Việt Nam ấy còn là sự biểu hiện cho đạo lý Việt Nam đời thời xưa:

 Sáng ngày em đi hái dâu
Gặp hai anh ấy ngồi câu thạch bàn
Hai anh đứng dậy hỏi han
Hỏi rằng cô ấy vội vàng đi đâu
Thưa rằng em đi hái dâu
Hai anh mở túi lấy trầu mời ăn
Thưa rằng bác mẹ em răn
Làm thân con gái chớ ăn trầu người .

b- Trong tình yêu

Tuy vậy cũng có lúc người con gái ấy phải lòng « người con trai yêu mình, cô gái yêu và đã yêu say đắm. Xa người yêu cô nhớ nhung bồi hồi:

- Nhới ai bổi hổi bồi hồi
Như đứng đống lửa, như ngồi đống rơm »

Khăn thương nhớ ai
 khăn rơi xuống đất
Khăn thương nhớ ai
 khăn vắt lên vai,
Đèn thương nhớ ai
 mà đèn không tắt
Mắt thương nhớ ai
 mà mắt không yên. 

Đến nỗi:

Đêm nằm lưng chẳng đến gường
Mong cho mau sáng ra đường gặp anh.

Và cô tỏ bày tình yêu đến nước cảm động:

 Qua cầu ngả nón trông cầu
Cầu bao nhiêu nhịp dạ sầu bấy nhiêu.

Qua đình ngả nón trông đình
Đình bao nhiêu ngói thương mình bấy nhiêu 

 Thương nhau cởi áo cho nhau
Về nhà mẹ hỏi qua cầu gió bay  .

c- Làm dâu

Người phụ nữ ấy nếu gặp may mắn trong tình yêu, thì « duyên ưa phận đẹp », lấy chồng và về làm dâu. Làm dâu, cảnh mẹ chồng nàng dâu biết bao đau khổ, và người con gái nhớ tới quê nhà, nhớ về quê mẹ, nhớ đời trinh nữ vô tư sung sướng:

Chiều chiều ra đứng ngõ sau
Ngó về quê mẹ ruột đau chín chiều. 

Và nếu người chồng tốt thì không sao, nếu anh ta có « năm bảy lá gan » để toan tính cùng người khác thì nàng chỉ còn biết:

 Chàng ơi phụ thiếp làm chi
Thiếp là cơm nguội để khi đói lòng. 

Nói chung, khi « ván đã đóng thuyền », thì người phụ nữ Việt Nam là người vợ thủy chung, một lòng một dạ với chồng. Điều đó thể hiện ở hình ảnh Hòn vọng phu » nơi xứ Lạng hay những câu hát ru con não lòng của người vợ chờ chồng như những câu hát ở miền Trung Việt Nam:

Mẹ bồng con ra ngồi cầu Ái tử
Gái trông chồng khác thể Vọng phu
Đêm năm canh nguyệt xế mây mù
Có con chim kêu mùa hạ,
Biết mấy thu cho gặp chàng

Và cả những câu hát ru Nam bộ thiết tha:

Gió mùa thu mẹ ru con ngủ
Năm canh chày thức đủ năm canh

d-           Tục tảo hôn 

Có những hoàn cảnh oan trái hơn, điều này thường xẩy ra ở miền Bắc Việt Nam, đó là tục lệ « tảo hôn ». Những nhà giầu cần nhân công, cho cưới những cô gái nhà nghèo làm vợ những đứa con trai còn rất ít tuổi của mình:
Mẹ em tham thúng xôi rền
Tham con lợn béo tham tiền Cảnh hưng
Em đã bảo mẹ rằng đừng
Mẹ hấm mẹ hứ mẹ bưng ngay vào
Bây giờ chồng thấp vợ cao
Như đôi đũa lệch so sao cho bằng

Trong khi đó nàng đã yêu một người xứng đôi vừa lứa

Đôi ta làm bạn thong dong
Như đôi đũa lệch nằm trong mâm vàng
Vì chưng bác mẹ nói ngang
Cho nên đũa ngọc mâm vàng xa nhau

Và vì « cha mẹ đặt đâu con ngồi đó » cho nên có hiện tượng vợ là cô gái thanh xuân, còn « ông chồng » lại là một chú bé con « vắt mũi chưa sạch » :

Bồng bồng cõng chồng đi chơi
Đi qua chỗ lội đánh rơi mất chồng

Nhưng có khi sự oan trái lại thể hiện ở một bộ mặt khác, cô gái phải lấy một ông già giầu có theo ý mẹ cha để đến nỗi:

Vô duyên vô phúc múc phải ông chồng già
Ra đường người hỏi là cha hay chồng
Nói ra chỉ xiết đau lòng
Đó là cái nợ truyền kiếp
Chứ có phải chồng em đâu

e-           Làm lẽ

Thường như vậy là lấy lẽ, vì chồng và người vợ cả giầu có cần nhân công, thật ra người vợ lẽ là người làm công không lương:

Tối tối chị giữ mất buồng
Chị cho manh chiếu nằm suông nhà ngoài
Sáng sáng chị gọi bớ hai
Mau mau trở dậy thái khoai đâm bèo
Vì chưng bác mẹ tôi nghèo
Nên chi tôi phải đâm bèo thái khoai.

Người phụ nữ còn tuổi thanh xuân, còn duyên dáng đẹp đẽ làm sao không có người chú ý. Có người yêu nàng và tỏ bày tình yêu ấy. Nhưng là gái đã có chồng và dẫu nàng có tình cảm gì chăng nữa, nàng cũng không thể vượt ra khỏi vòng « đạo lý » nên chỉ còn biết than thở khi người con trai tỏ tình:

 Trèo lên cây bưởi hái hoa
Bước xuống vườn cà hái nụ tầm xuân
Nụ tầm xuân nở ra xanh biếc
Em có chồng rồi anh tiếc lắm thay.

Câu trả lời thật đau khổ:
 Ba đồng một mớ trầu cay
Sao anh không hỏi những ngày còn không
Bây giờ em đã có chồng
Như chim vào lồng như cá cắn câu
Cá cắn câu biết đâu mà gỡ
Chim vào lồng biết thủa nào ra.

Cho nên vẫn phải quay về với nhiệm vụ làm vợ và giữ gìn cho gia đình êm ấm dù gặp phải ông chồng trái tính trái nết:

Chồng giận thì vợ làm lành
Miệng cười hớn hở rằng anh giận gì?

Đạo lý Việt Nam là sống kính trên nhường dưới, là sống có nghiã có tình, cho nên dù hoàn cảnh xã hội xưa kia mang đầy thiên kiến  « nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô , người dân Việt Nam chân chính đã có câu trả lời xắc đáng:

Trai mà chi, gái mà chi
Sinh ra có ngãi, có nghì thì thôi.

Và hình ảnh người phụ nữ Việt Nam  xinh đẹp, nết na, tài hoa, đau khổ còn được thể hiện một cách sinh động trong văn chương chữ viết Việt Nam  qua các thời đại.

B- Hình ảnh người phụ nữ Việt Nam qua văn học chữ viết


Trong hoàn cảnh hạn hẹp của bài viết chúng tôi xin điểm qua một vài gương mặt văn chương nữ giới nổi danh:Những cây bút phụ nữ tài hoa cùng với những tác giả khác đã vẽ lên hình tượng người phụ nữ Việt Nam  có « ngải có nghì «  vô cùng sinh động.
Trong truyện nôm khuyết danh ta bắt gặp một Trần Kiều Liên (trong truyện Phan Trần) thủy chung tâm huyết, một Giáng Hương trong « Bích câu kỳ ngộ » thật hết lòng với người mình yêu. Và cảm động hơn nữa là một Thoại Khanh (trong Thoại Khanh Châu Tuấn) lóc thịt mình để nuôi mẹ chồng và một mực chung thuỷ với chồng dầu phải cực khổ gian lao trèo đèo lội suối băng qua rừng rậm núi cao.
Cảm động hơn nữa là chuyện « Phạm Tải Ngọc Hoa » hay  « Phạm Công Cúc Hoa ». Ngọc Hoa đặt tình cảm trên của cải sang giầu. Cúc Hoa, người vợ hiền, người mẹ mẫu mực hiện hồn lên ngồi  bắt chí cho con bên ngôi mộ của mình, người mẹ ấy chết rồi mà vẫn chưa yên lòng nơi suối vàng, hồn phách vẫn luẩn quẩn bên cạnh hai đứa con côi cút, xót xa đến nước nhất quyết nhập lại cõi trần để được săn sóc bao bọc con thơ. Truyện « Nữ tú tài » ca ngợi tài năng của người phụ nữ trong xã hội phong kiến  không cho phép người đàn bà được học hành thi cử. Vì vậy, truyện nôm khuyết danh đã là những bài học đạo lý cho độc giả bình dân và qua những bài học  ấy hình ảnh người phụ nữ hiện lên là những gương sáng của tài năng và đạo đức.
Nếu trong truyện nôm khuyết danh có tiếng kêu của một cô gái nghèo qua « Bần Nữ Phán » thì trong văn chương bác học cũng đã thể hiện nỗi đau khổ của số phận những cô gái nơi  « lầu vàng gác tiá ». Ôn như Hầu Nguyễn Gia Thiều đã giãi bày tâm tình của người cung nữ nơi cung cấm qua « Cung Oán Ngâm Khúc ».
Cô gái là giai nhân được tuyển vào cung ai cũng tưởng là số phận mỉm cười với người đẹp, người mà nhan sắc đến mức độ:

 Chìm đáy nước cá lờ đờ lặn

Lửng lưng trời nhạn ngẩn ngơ sa

Hương trời đắm nguyệt say hoa
Tây Thi mất viá, Hằng nga giật mình .

Nhưng hỡi ôi ! Vua có nhiều người đẹp qúa, nào « tam cung lục viện », nào hoàng hậu, nào bao nhiêu bà phi, và hàng ngàn cung nữ, làm sao mà « Vầu duyên cá nước «  với tất cả, ngay đến chuyện điểm mặt cũng không xuể « Xe dê kéo » đã chẳng minh chứng điều đó ư ? Đến ngay chúa Trịnh mà cung phi Ngọc Hoan còn phải lập mưu mới được một đêm hội ngộ nữa là. Cho nên phần lớn các người đẹp trong cung cấm phải sống một cuộc đời cô độc, không êm ái, không hạnh phúc, một mình một bóng, đau đớn, uất ức . Nguyễn Gia Thiều đã nói lên hoàn cảnh éo le và sự phản kháng mạnh liệt của những người bạc mệnh ấy:

Giang tay muốn dứt tơ hồng
Bực mình muốn đạp tiêu phòng mà ra

Nhưng thật là khiếm khuyết  nếu không đề cấp đến những tài hoa nữ giới khác trên văn đàn Việt Nam thời cổ điển. Đó là trường hợp Đoàn Thị Điểm và Hồ Xuân Hương.
Đoàn Thị Điểm đã sáng tác nhiều thơ văn, nhưng nhắc đến bà là các nhà nghiên cứu văn học nói về bản dịch  « Chinh Phụ Ngâm » . Dẫu vẫn còn nghi vấn về dịch giả có thể là Phan Huy Ích, Nguyễn Hữu Tiến (1126), H X Hãn (1952) Lại Ngọc Canh (1969), nhưng căn cứ vào sự thể hiện tâm trạng xa chồng của người chinh phụ một cách sâu sắc sinh động đến như vậy thì người ta không thể không nghĩ rằng nếu dịch giả là người phụ nữ thì có lẽ hợp lý hơn.
Chiến tranh trong « Chinh phụ ngâm » đã được giới thiệu ngay từ những lời thơ mở đầu. Nạn nhân đau khổ của chiến tranh trước hết là phụ nữ:

Thủa trời đất nổi cơn gió bụi
Khách má hồng nhiều nỗi truân chuyên
Xanh kia thăm thẳm từng trên
Vì ai gây dựng cho nên nỗi này . . .   

Thực tế lịch sử của các thời đại và cho đến ngày nay cũng đã chứng minh điều đó; Đoàn Thị Điểm đã có những lời thơ thật đẹp để diễn tả cuộc chia tay bịn rịn xót xa:

Ngoài đầu cầu nước trong như lọc
Đường bên cầu cỏ mọc còn non
Đưa chàng lòng dặc dặc buồn
Bộ khôn bằng ngựa thuỷ khôn bằng  thuyền


 Bước đi một bước giây giây lại dừng .

Chia tay trở về từ nay là cuộc sống cô đơn chiếc bóng. Đoàn Thị Điểm đã mô tả một cách cụ thể nếp đạo đức cao quý của người đàn bà Việt Nam xa chồng trong chiến tranh. Nàng không chỉ « vắng chồng điểm phấn trong lòng với ai » mà còn

 Nay một thân nuôi già dậy trẻ
Nỗi quan hoài mang mẻ biết bao .

Và thương nhớ nối tiếp theo thương nhớ; thiếu hạnh phúc, sống đơn côi nhìn vào đâu cũng là sự tủi thương, đau khổ, ngay cả trong cảnh đêm trăng sáng lộng lẫy lan toả trên ngàn hoa:

Hoa giãi nguyệt nguyệt in một tấm
Nguyệt lồng hoa hoa thắm từng bông
Nguyệt hoa hoa nguyệt  trùng trùng
Trước hoa dưới nguyệt trong lòng xiết đau.

Riêng Hồ Xuân Hương là một cây bút tài hoa đặc sắc, nữ thi sĩ họ Hồ, cũng giống như bà Đoàn Thị Điểm, làm nhiều thơ văn bằng chữ Hán, chữ Nôm, nhưng thơ chữ Nôm của bà được truyền tụng nhiều. Cây bút trào lộng của Bà được người đời ca ngợi, nó gây cười và cái cười ấy thể hiện ở nhiều cung bậc khác nhau, thể hiện thái độ chua chát phê phán của Bà đối với cuộc sống xã hội thời phong kiến trọng nam khinh nữ.
Đề tài thơ nôm của Hồ Xuân Hương đề cập đến những vật bình thường ta thường gặp trong đời sống hàng ngày như: cái quạt, quả cam lá trầu, ngôi chùa, cái chuông, cây đa, cuộc cờ, khung cửi, con ốc nhồi, cô thiếu nữ ngủ ngày, người qua đèo, động hương tích v.v. và v.v....
Tác giả mô tả tất cả với những bài thơ trào phúng để cười cợt, phê phán, đả kích. Thơ Bà gây cười, cái cười rất trần tục, rất bình dân. Dạng vẻ thơ trào phúng của Hồ Xuân Hương thể hiện một cách sinh động. Bà vận dụng bút pháp tả thực, có thể nói là rất thực như :
Rất thực: « quả cau nho nhỏ, miếng trầu hôi «  « mười bảy hay là mười tám đây » (cái quạt)  « ... quả mít trên cây- Da nó xù xì múi nó dầy » . . .  .   Và cái tài tình là ở chỗ thông qua cái  « tả thực » gợi lên một sự liên tưởng rất vật chất, rất tình tứ, rất xác thịt (senouel) đầy sức luyến ái, đắm say, si mê, âu yếm đến tột cùng:

 Mười bảy hay là mười tám đây
Cho ta yêu dấu chẳng rời tay.... 

Những bài mô tả có khi rất thanh thoát:

Mát mặt anh hùng khi nắng hạ
Che đầu thục nữ lúc mưa bay. . .

để rồi chế nhạo sát sao :

 Chúa dấu Vua yêu một cái này.

Tuy nhiên, một giá trị lớn trong nghệ thuật trào lộng của thơ nôm của Hồ Xuân Hương mà ta cần chú ý là: Tính chất sinh động của nó. Tiếng cười mà thơ bà gợi lên mang nhiều cung bậc khác nhau: khi là tiếng cười sảng khoái vô tư, cười một sự bất bình thường  như:

 Một đàn thằng ngọng đứng xem chuông
Nó bảo nhau rằng « ấy ái uông.

Đó là mức độ thấp của sự trào lộng, cao hơn một mức, đó là cái cười phê bình, sự chế nhạo những thói đời  nhố nhăng, khoe khoang rởm như bài thơ mắng bọn đồ dốt mà ra vẻ phô bày, khoe khoang  chữ nghiã:

  Dắt diú nhau lên đến cửa thiền
Cũng đòi học nói, nói không nên
Ai về nhắn bảo phường lòi tói
Muốn sống đem vôi quét giả đền.  

Không những thế Hồ Xuân Hương cũng không dấu được sự miả mai đối với cái thói « đạo đức giả » của loại người tự cho mình là học thức, là cao sang, đáng kính trọng nhưng thực ra thì rất tầm thường, thậm chí bậy bạ vô đạo đức:

Anh đồ tỉnh, anh đồ say
Sao anh ghẹo nguyệt giữa ban ngày
Này này chị bảo cho mà biết
Chốn ấy hang hùm chớ mó tay

Cái mặt nạ « đạo đức «  ấy có kgi bị lột trần một cách thảm hại, phơi bày thực chất dâm bôn xấu xa:

 Một đèo, một đèo, lại một đèo
Khen ai khéo lạc cảnh cheo leo . 

Vừa tả thực mà lại vừa dùng lối ẩn dụ, cùng cách láy từ khiến nhịp thơ gợi nên một sự liên tưởng vật chất  cụ thể để thái độ đả kích thêm sâu sắc khi nói hụych toẹt:

Hiền nhân quân tử ai mà chẳng
Mỏi gối chồn chân vẫn muốn trèo 

Cũng ở mức độ trào lộng đả kích này bài thơ « Thiếu nữ ngủ ngày » là cả một sự đặc sắc
Bức tranh vẽ ra thật là đẹp, hấp dẫn, gợi cảm:

 Mùa hè hây hẩy gió nồm đông
Thiếu nữ nằm chơi quá giấc nồng
Lược trúc chải cài trên mái tóc
Yếm đào trễ xuống dưới nương long
Đôi gò bồng đảo sương còn ngậm
Một lạch đào nguyên suối chửa thông. 

Hình ảnh mỹ lệ « đôi gò bồng đảo », « một lạch đào nguyên »,  từ dùng « còn ngậm » « chửa thông »  vừa nghịch ngợm vừa gợi cảm, để rồi đưa đến kết luận bất ngờ:

Quân tử dùng dằng đi chẳng dứt
Đi thì cũng dở, ở không xong.  

Anh đồ cũng thế, hiền nhân quân tử cũng thế, vua chúa cũng thế, Hồ Xuân Hương dùng phương pháp trào lộng để nhạo báng, miả mai đả kích cái bộ mặt đạo đức giả của xã hội phong kiến mà từ dưới lên trên chẳng thiếu gì bọn dâm ô.
Hồ Xuân Hương không phải là người không mộ đạo, phỉ báng thần thánh, nhưng bà không chịu nổi những kẻ làm ô uế nơi chùa chiền thiêng liêng, làm chuyện nhố nhăng trái mắt:

 Một thằng trọc tuếch ngồi khua mõ
Hai ả tròn xoe đứng múa bông. 

Chính những cảnh đó khiến bà không tin là có người chân tu khiến đôi khi bà nhạo báng thái quá, bà đáo để quá, cái cười vì vậy ở mức tàn nhẫn:

Nào nón tu lờ nào mũ thâm
Đi đâu chẳng đội để ong châm
Đầu sư há phải gì bà cốt
Bá ngọ con ong bế cái nhầm.

Cho nên cái cười có khi cay độc, phũ phàng như trong bài thơ vịnh quan thị:

 Mười hai bà mụ ghét chi nhau
Đem cái xuân tình vứt bỏ đâu
Rúc rích thấy cha con chuột nhắt
Vo ve mặc mẹ cái ong bầu
Đố ai biết được vông hay chóc
Nào kẻ nào hay cuống với đầu
Thôi thế thì thôi, thôi cũng được
Ngàn năm khỏi bị tiếng nương dâu. 

Cái cười cay độc, đả kích một cách tàn nhẫn đó thể hiện một thái độ coi thường loại người « bán thịt cầu vinh ». Và với những kẻ dốt nát mà làm ra vẻ khoe khoang, dâm bôn mà làm ra vẻ đạo đức v.v... ấy, Hồ Xuân Hương thể hiện một thái độ « kẻ cả » :

 Khéo khéo đi đâu lũ ngẩn ngơ
Lại đây cho chị dậy làm thơ
Ong non ngứa nọc châm hoa rữa
Dê cỏn buồn sừng húc dậu thưa

Và cao hơn, thể hiện một thái độ ngạo mạn, một ý thức bình đẳng rõ rệt về mối quan hệ giữa hai người nam và nữ trong xã hội:

  Ghé mắt trông sang thấy bảng treo
Kià đền Thái thú đứng cheo leo
Ví đây đổi phận làm trai được
Sự nghiệp anh hùng há bấy nhiêu. 

Từ đó bà phản kháng thái độ « trọng nam khinh nữ » của xã hội  lên án những hủ tục ( như lấy lẻ ....)  và bênh vực cho những người phụ nữ bị xã hội chà đạp; Chửa hoang thì phải  « gọt gáy bôi vôi » cả xóm làng khinh bỉ, nhưng có phải chỉ có người con gái có lỗi không ?

Cả nể cho nên sự dở dang
Nỗi niềm có thấu hỡi chăng chàng
Duyên thiên chưa thấy nhô đầu dọc
Phận liễu sao đà nẩy nét ngang
Cái nghiã trăm năm chàng nhớ chửa?
Mảnh tình một khối thiếp xin mang
Quản bao miệng thế lời chênh lệch
Không có chồng mà có mới ngoan. [3]
(Chửa hoang)
Và thân phận người đàn bà thời xã hội phong kiến được bà phơi bày một cách hài hước nhưng ở đây cái cười đã đạt đến mức của cái bi: cái cười ra nước mắt:

Hỡi chị em ơi có biết không?
Một bên con khóc một bên chồng
Bố cu lỏm ngỏm bò trên bụng
Thằng bé hu hơ khóc dưới hông
Tất cả những là thu với vén
Vội vàng nào những bống cùng bông,
Chồng con cái nợ là như thế,
Hỡi chị em ơi có biết không?
( Thân phận đàn bà)
Và với cũng cung bậc của cái hài đạt đến mức tột cùng của nó là cái bi hài ấy bài thơ trên là một bức tranh sống động giầu giá trị tố cáo, và là tiếng nói phản kháng của người phụ nữ đương thời. Tuy nhiên bên cạnh một Hồ Xuân Hương cười cợt nhạo báng, đả kích ấy còn có một Hồ Xuân Hương với những vần thơ nôm ngậm ngùi chua xót !  Người ta nói bà là người tài nữ đương thời: thơ hay tột bậc, nhan sắc một thời là người tình mơ ước của Chiêu Hổ, hơn nữa là của Nguyễn Du mười năm tình ái, bao năm chờ đợi, cuộc tình không thành, đau đớn xót xa, đã có khi phải lấy Tổng Cóc, đã có lần làm lẽ ông phủ Vĩnh Tường và đó là những cuộc tình ngắn ngủi:

  Trăm năm ông phủ Vĩnh Tường ơi
Cái nợ ba sinh đã hết rồi
Chôn chặt văn chương ba thước đất
Tung hô hồ thỉ bốn phương trời
(Khóc ông phủ Vĩnh Tường)
Chua chát lắm khi tiếng khóc câu cười là một, mỉa mai cho số phận của chính mình: (Khóc Tổng Cóc)

Chàng Cóc ôi, chàng Cóc ôi
Thiếp bén duyên chàng có thế thôi
Nòng nọc đứt đưôi từ đây nhé
Nghìn vàng khôn chuộc giống bôi vôi... 

Và số phận người đàn bà lấy lẽ, Hồ Xuân Hương đề cập đến một cách uất ức ; bà chửi thẳng:

Chém cha cái kiếp lấy chồng chung
Kẻ đắp chăn bông kẻ lạnh lùng
Cố đấm ăn xôi xôi lại hẩm
Cầm bằng làm mướn, mướn không công
Thân này ví biết đường này nhẻ
Thà trước thôi đành ở vậy xong. 
( Làm lẽ)
Đau đớn cho thân phận người đàn bà và thân phận mình, số kiếp mình, Hồ Xuân Hương có những bài thơ như một tiếng thở dài chua xót:

 Đêm khuya văng vẳng trống canh dồn
Trơ cái hồng nhan với nước non
Chen rượu hương đưa say lại tỉnh
Vầng trăng bóng xế khuyết chưa tròn. »
(Tự tình)
Tuy nhiên dẫu đau khổ, dẫu gian nan, người phụ nữ vẫn cố gắng vươn lên sống cho xứng đáng, vẹn toàn tài đức và là mẫu mực của cái đẹp toàn vẹn:

Hỡi bao nhiêu tuổi hở cô mình
Chị cũng xinh mà em cũng xinh
Đôi lứa như in tờ giấy trắng
Ngàn năm còn mãi cái xuân xanh ...
(Tranh Tố nữ)
Có lẽ có sự đồng điệu của những tâm hồn đa cảm, của những tài năng xuất chúng nên Nguyễn Du đã dựng lên hình ảnh một nàng Kiều tài sắc đức độ vẹn toàn khiến cho lòng người cảm động qua bao năm tháng. Hồ Xuân Hương bà Chúa thơ Nôm, vì vậy đã là bậc tài nữ trong lịch sử văn chương Việt Nam, người đã nói lên tiếng nói về thân phận người đàn bà trong xã hội phong kiến, tiếng nói phản kháng đối với xã hội nam quyền. Thơ nôm trào phúng của bà đã đạt đến đỉnh cao của loại hình này mà cho đến nay ít văn tài nào sánh kịp. Qua thời gian, những giá trị ấy của thơ bà vẫn còn sống mãi, đó là chưa kể đến phần giá trị của thơ chữ Hán của bà. Một cây bút nữ tài hoa nữa của thời bấy giờ trên văn đàn Việt Nam mà không ai không biết đến; đó là bà Huyện Thanh Quan. Cũng giống như Hồ Xuân Hương là bút hiệu của Hồ Như Mai, bà Huyện Thanh Quan là bút hiệu của bà Nguyễn Thị Hinh vợ ông Huyện Thanh Quan là Lưu Nguyên Ôn. Bà Huyện hay chữ, giỏi thơ văn đến mức nổi tiếng một thời. Bài thơ « Quan Đèo Ngang » của bà không ai mà không biết, tức cảnh sinh tình, cảnh đẹp nhưng nước mất  thì làm sao ngắm cảnh mà không khỏi ngậm ngùi. Nỗi xót xa ấy tiềm ẩn trong bài thơ được vận dụng theo luật bằng trắc của thờ Đường luật  một cách nhuần nhuyễn khiến thơ bà trang trọng, đẹp đẽ:

  Bước tới đèo ngang bóng xế tà
Cỏ cây chen lá đá chen hoa
Lom khom dưới núi tiều vài chú
Lác đác bên sống chợ mấy nhà
Nhớ nước đau lòng con quốc quốc
Thương nhà mỏi miệng cái gia gia
Dừng chân đứng lại trời non nước
Một mảnh tình riêng, ta với ta.

Nhớ nước, nhớ nhà, nỗi khắc khoải ấy trong lòng nữ sĩ đã thể hiện trong nhiều bài thơ, nhiều câu thơ giầu tính thẩm mỹ mang một tâm thức cao quý, tiềm ẩn một nỗi niềm man mác:

Ngàn dâu lác đác chim về tổ
Rặng liễu bâng khuâng khách nhớ nhà. « 
(Vịnh Tà dương)
Tài giỏi lịch lãm, đức độ, bà Nguyễn Thị Hinh (bà Huyện Thanh Quan) được Vua Minh mạng mời làm Cung Trung giáo tập, dậy các cung phi và công chuá. Thời ấy, tài năng một người đàn bà được chấp nhận đến mức ấy là tột cùng. Trang trọng, thanh tao, quí phái, đó là những đặc điểm của phong cách thơ của bà Huyện Thanh Quan, một phong cách khó mà lẫn lộn được. Tâm hồn thơ của bà mang nặng mối sầu  vong quốc, nỗi hoài cổ, thương tiếc một thời quá khứ vàng son. Điều đó không phải là bà muốn làm sống lại  thời đã qua mà là vọng về một thời đất nước không bị vòng kiềm toả của ngoại xâm, đất nước được độc lập, tự chủ. Qua chơi chùa Trấn Quốc  (năm 1844 vua Thiệu Trị đổi ra Trấn Bắc ) bà có bài thơ:

 Qua chơi Trấn Bắc cảnh buồn rầu,
Chạnh niềm cố quốc nghĩ mà đau.
Một toà sen lạt hơi hương ngự,
Năm thức mây phong điểm áo chầu.
Sóng lớp phế hưng coi vẫn rộn ,
Chuông hồi kim cổ lắng càng mau.
Người xưa, cảnh cũ còn đâu lá ?
Ngoài cửa hành cung cỏ dãi dầu.
(Trích theo Phạm Trọng Chánh- Khuê văn ,Paris 2001)

Đầu thế kỷ thứ XX với phong trào cải cách xã hội, cải cách văn hoá, văn chương, văn đàn Việt Nam với những tác phẩm của Tự Lực văn Đoàn và tên tuổi của Nhất Linh, Khái Hưng, Hoàng Đạo, Thạch Lam..., cùng với phong trào Thơ mới đã tạo nên một luồng sinh khí mới . Các nữ sĩ như Tương Phố, Mộng Tuyết, Ngân Giang, Anh Thơ, TTKH  v.v.... không ai không biết đến. Nếu Ngân Giang nữ sĩ than niềm  « Hưu quạnh » cô đơn:

Nhà tôi cách một con sông trắng
Đi qua đầu ghềnh đã thấy thôn.
Ngoài tiếng chim kêu, là vắng lặng,
Một vài thuyền ghé bến chiều hôm.
Đêm đêm cô lái ra khơi hát,
Tiếng vẳng sông xa, lặng lẽ chìm...
Tiếng vẳng sông xa, trời bát ngát...
Âm thầm tôi lại sống trong im...
(Tư Tân, số 9-1-8-1941)
Thì « Giọt lệ thu » 1932 của Tương Phố đã làm nức nở lòng người. Còn có một hiện tượng thơ đặc biệt làm chấn động văn đàn, không phải vì tài năng thơ xuất chúng của tác giả, mà vì tác giả tuy đề tên nhưng đó chỉ là các chữ cái của tên và họ. Bài thơ của nàng hay như những bài thơ hay khác của phong trào thơ mới, khác một chút là nàng chỉ gởi có bốn bài thơ thôi để thổ lộ một nỗi niềm tâm sự cá nhân, tình duyên trắc trở, yêu một người mà phải lấy một người : Đó là nữ sĩ TTKH:

Một mùa thu trước mỗi hoàng hôn
Nhặt cánh hoa rơi chảng thấy buồn
Nhuộm ánh nắng tà qua mái tóc
Tôi chờ người đến với yêu đương
Người ấy thường hay vuốt tóc tôi
Thở dài trong lúc thấy tôi vui
Bảo rằng: « Hoa dáng như tim vỡ
Anh sợ tình ta cũng vỡ thôi « .
.      .     .      .      .       .
Từ đấy thu rồi thu lại thu
Lòng tôi còn giá đến bao giờ
Chồng tôi vẫn biết tôi thương nhớ
Người ấy cho nên vẫn hững hờ
Tôi vẫn đi bên cạnh cuộc đời
Ái ân lạt lẽo của chồng tôi
Mà từng thu chết, từng thu chết
Vẫn giấu trong tim một bóng người .
.  .   .    .    .     .      .      .
Nếu biết rằng tôi đã lấy chồng
Trời ơi ! Người ấy có buồn không
Có thầm nghĩ đến loài hoa vỡ
Tựa trái tim phai, tựa máu hồng?
( Hai sắc hoa Tigôn TTKH-1937)

Biết bao cô học trò thời đó đã cắm cúi chép bài thơ trên trang vở, rồi thổn thức mơ màng buồn man mác cho một tình duyên dở dang. Trong làng thơ thời ấy có một nữ sĩ nổi tiếng không kém. Đó là Anh Thơ, tác giả của « Bức Tranh Quê »  được giải thưởng văn chương thời đó. Nông thôn với lũy tre xanh bao bọc  xóm làng, với khói lam chiều cuộn trên mái rạ và những con đường làng ngan ngát hương hoa... như  nhà thơ Huy Cận đã từng say đắm:

. . . .    Đường trong làng hoa dại với mùi rơm
Người cùng tôi đi dạo giữa đường thơm
Lòng giắt sẵn ít hương hoa tưởng tượng.
Đất thêu nắng, bóng tre rồi bóng phượng
Lần lượt buông màn nhẹ vướng chân lâu....
(Đi giữa đường thơm - Huy Cận)
Thơ Anh Thơ có niềm đắm say ấy và thêm vào đó còn có cái giản dị, cái chân chất quyện trong chất thơ để tả  cảnh trí và sinh hoạt thôn quê. Ta hãy xem chiều nơi thôn dã mà bà tả:

Mưa đổ bụi êm đềm trên bến vắng
Đò biếng lười, nằm mặc nước sông trôi;
Quán tranh đứng im lìm trong vắng lặng
Bên chòm xoan tím rụng tơi bời.

Ngoài đường đê cỏ non, tràn biếc cỏ
Đàn sáo đen xà xuống mổ vu vơ
Mấy cánh bướm rập rờn trôi trước gió
Những trâu bò thong thả cúi ăn trưa . . .
(Chiều Xuân- Bức tranh quê)
Cái duyên dáng của cảnh quê ấy vào mùa xuân không hề giảm sút trong cái nắng của trưa hè đỏ thắm:

Trời trong biếc không qua mây gợn trắng,
Gió nồm nam lộng thổi cánh diều xa.
Hoa lựu nở đầy một vườn đỏ nắng,
Lũ bướm vàng lơ đãng lướt bay qua...
(Trưa hè- Bức tranh quê)
Và mùa thu tới, cảnh quê Việt Nam nhuộm vẻ u hoài :

Gío hiu hắt gieo vàng muôn cánh lá,
Trời âm u mây xám bóng sương chiều.... 
(Rằm tháng bảy - Bức tranh quê)
Anh Thơ dịu dàng, tế nhị, bà đưa vào cảnh quê cái hồn thơ đầy xúc cảm, khiến cho thiên nhiên bà mô tả sinh động đầy sức quyến rũ đối với những tâm hồn mơ mộng:

 Gió may nổi, bè tre buồn xao xác
Trên ao bèo tàn lụi nước trong may.
Hoa mướp rụng từng đoá vàng rải rác,
Lũ chuồn chuồn nhớ nắng ngẩn ngơ bay.... 
(Sang thu)
Gởi cho phong cảnh thiên nhiên một linh hồn, một cảm xúc, Anh Thơ vì vậy đã viết nên những dòng thơ tài tình rất có duyên:

Mây đi vắng trời xanh buồn rộng rãi
Sông im dòng đọng nắng đứng không trôi
Đa ngâm rễ buông mình chờ uể oải
Ngọn gió về, không một chút tăm hơi.... 
(Bến đò trưa hè)
Những câu thơ như vậy không hiếm, và phải nói rằng qua đó ta thấy Anh Thơ đã khám phá ra  cái hồn quê rất mơ mộng, rất đáng yêu, và thiên nhiên qua thơ bà là cả một bài thơ vô tận:

  Sương man mác buông rơi trong lặng lẽ
Mây mờ mờ trôi đến giữa trời sao.
Gió nhẹ thở từng hơi dài rất nhẹ,
Vì trăng buồn không biết náu nơi nao ? . . . .. »
(Đêm trăng mờ)
Sau năm 1955, đất nước chia đôi, văn đàn hai ngả, văn tài trong nữ giới của hai miền cũng vẫn không thiếu. Những bài thơ, những tiểu thuyết với những tên tuổi quen thuộc ở miền Nam như: Nhã Ca, Nguyễn Thị Thuỵ Vũ, Lệ Hằng, Nguyễn Thị Hoàng, Nguyễn Thị Ng.., Tuý Hồng. v.v...  Ngoài Bắc vẫn có Anh Thơ (nhưng sáng tác giảm sút nhiều) Vân Đài, thêm một thế hệ trẻ mới lên trong đó có Xuân Quỳnh, vợ của nhà thơ, nhà viết kịch Lưu Quang Vũ đã cùng chết với chồng trong một tai nạn đáng ngờ. Nhiều bài thơ của nữ thi sĩ đã được phổ nhạc, như bài Thuyền và Biển:

 Chỉ có thuyền mới biết
Biển mênh mông dường nào
Chỉ có biển mới biết
Thuyền đi đâu về đâu
Những ngày không gặp nhau
Biển bạc đầu thương nhớ
Những ngày không gặp nhau
Lòng thuyền đau rạn vỡ
Nếu từ giã thuyền rồi
Biển chỉ còn sóng gió
Nếu phải cách xa anh
Em chỉ còn bão tố.....

Và hiện nay biết bao cây bút nữ trong nước và ngoài nước với những tác phẩm được nhiều người biết đến:
Dương Thu Hương, Nguyễn Thị Thanh Nhàn..., trong nước. Vân nương, Dư Thị Diễm Buồn, Nguyễn Thị Ngọc Dung (Mỹ, Pháp ...). Phần này hiểu biết của tôi còn rất hạn hẹp. Nhưng dẫu qua bao thăng trầm của thời đại thì người phụ nữ Việt Nam vẫn như lời nữ sĩ Hồ Xuân Hương:

 Thân em thì trắng phận em tròn
Bảy nổi ba chìm với nước non
Rắn nát, mặc dầu tay kẻ nặn
Mà em vẫn giữ tấm lòng son.  
(Bánh trôi)
































[1] « Nhữ ng thần nữ danh tiếng trong văn hóa và tín ngưỡng Việt Nam » - Nguyễn Minh San, Nhà xb phụ nữ, Hàn nội, 1990


[2] Gần 70 vị, có vị được là Thành hoàng, 300 trăm làng quê Bắc bộ và Trung bộ, riêng tỉnh Hà Bắc có 50 tướng của Hai Bà

[3] Có bản để là «  Những kẻ không mà có mới ngoan »... Đứng vêé thanh đie-dụ và từ ngữ diễn đạt, câu na-dỳ hợp lý hơn.