Chủng viện Penang

348 năm Chủng viện Miền
VÌ VINH QUANG CHÚA VÀ ĐỂ XÂY DỰNG GIÁO HỘI”
Vương Đình Chữ
Poulo Penang là một địa danh khá quen thuộc với Công giáo Việt Nam vì nơi đó có Chủng viện Penang, nơi từng đào tạo nhiều linh mục và cả giám mục cho 13 Giáo hội tại Châu Á, trong đó có Giáo hội Việt Nam. Nhưng phải gọi nó một cách chính danh là Chủng viện Miền (Grand Collège) của Hội Truyền giáo Hải ngoại Paris và nó có một lịch sử lâu đời và đầy truân chuyên, khởi đầu từ năm 1665 tại Thái Lan, rồi lánh nạn một thời gian tại Việt Nam, sau đó chuyển sang Ấn Độ trong hơn một thập niên và cuối cùng mới định cư tại Penang, Malaixia.

Theo gợi ý và sự giúp đỡ của Đức Cha Phaolô Nguyễn Thái Hợp, Giám mục Giáo phận Vinh, chúng tôi có một chuyến thăm quan ngắn ngày đến Penang, có dịp tìm hiểu Chủng viện Miền của Hội Thừa sai Hải ngoại Paris, nơi từng là “lò đào tạo nhân sự” cho các Giáo phận ở Việt Nam, nhất là trong thời kỳ đầu và giữa thế kỷ XIX, khi các cuộc bách hại của vua chúa Nhà Nguyễn trở nên khốc liệt.
Nội dung bài viết này chủ yếu dựa trên cuốn “A history of the College General in Thailand and Penang (1665-2000) or the College of Martyrs” và các tài liệu do Chủng viện Miền cung cấp và một số tài liệu khác.


  1. Huấn thị của Bộ Truyền giáo


Đạo Công giáo được các thừa sai Dòng Tên loan truyền ở Việt Nam một cách chính thức và liên tục từ năm 1615 ở Đàng Trong và năm 1627 ở Đàng Ngoài nhưng mãi hơn nửa thế kỷ sau, Tòa Thánh mới thiết lập hai giáo phận tông tòa ở hai miền truyền giáo này :
Ngày 13-05-1658, Bộ Truyền giáo đề nghị bổ nhiệm hai cha Francois Pallu và Pierre Lambert de la Motte làm giám mục cho vùng Viễn Đông. Ngày 29-07-1658, Đức Giáo hoàng Alexandre VII ký Đoản sắc “Apostolatus Officium” bổ nhiệm Francois Pallu làm Giám mục hiệu tòa Héliopolis (nay la Baalbeck, thuộc Syri) và Pierre Lambert de la Motte làm Giám mục hiệu tòa Bérythe (nay la Beyrouth thuộc Liban). Hơn một năm sau, ngày 09-09-1659, Đức Giáo hoàng Alexandre VII ký Sắc chỉ “Super cathedram ptrincipis” thiết lập hai địa phận Đại diện Tông tòa ở Việt Nam và giao cho Đức Cha Pallu cai quản Đàng Ngoài, năm tỉnh của Trung Hoa (Vân Nam, Quí Châu, Hồ Nam, Hồ Bắc và Tứ Xuyên) và nước Lào; giao cho Đức cha Lambert cai quản Đàng Trong và một số vùng của Trung Hoa (Chiết Giang, Phúc Kiến, Quảng Đông, Quảng Tây và Đảo Hải Nam).
Kèm theo sắc chỉ phân vùng hoạt động, Bộ Truyền giáo còn gửi cho hai vị tân giám mục Bản Huấn thị khá chi tiết gồm ba phần về những việc phải làm trước khi lên đường, trong hành trình và tại miền truyền giáo, trong đó nhấn mạnh việc đào tạo và hình thành hàng giáo sĩ địa phương. Đây là một trong những nhiệm vụ hàng đầu, như Huấn thị viết : “Lý do chính yếu để Thánh bộ Truyền giáo gửi các vị, với tư cách là giám mục, đến trong các miền ấy là để các vị, bằng mọi cách và mọi phương pháp, nỗ lực giáo dục những người trẻ để họ có đủ điều kiện làm linh mục, rồi các vị truyền chức thánh cho họ; các vị sẽ giao cho họ những vùng rộng lớn để phục vụ Đạo Chúa, dưới quyền các vị. Vậy các vị hãy luôn nhớ tới mục đích này là chiêu mộ, huấn luyện và truyền chức thánh cho những người trẻ có điều kiện cần thiết, càng nhiều càng tốt”.
Đây cũng là một trong nhiệm vụ chính yếu của Hội Truyền giáo hải ngoại Paris, như được ghi trong khoản đầu tiên của Quy chế của Hội : “Thúc đẩy việc lương dân trở lại, không chỉ bằng rao giảng Tin Mừng, nhưng trên hết, bằng việc chuẩn bị, với mọi phương tiện có thể, và nâng lên hàng giáo sĩ những ai trong hàng ngũ các tân tòng hay con cái họ, những người phù hợp nhất với qui chế thánh thiện này, nhằm đào tạo tại mỗi quốc gia một hàng giáo sĩ và giáo phẩm, như Chúa Giêsu và các Tông đồ đã thiết lập trong Giáo hội” .
Để thực hiện huấn thị này của Bộ Truyền giáo, hai vị Đại diện Tông tòa (ĐDTT) cùng các thừa sai đã họp Công nghị ở Yuthia vào cuối tháng hai 1664, vạch ra những định hướng lớn của kế hoạch truyền giáo, trong đó, quyết định thành lập một chủng viện chung cho cả miền truyền giáo.


  1. Một lịch sử truân chuyên
2.1- Một trăm năm trên đất Thái (1665 – 1765) : Ngay sau khi tới Thái Lan, Đức Cha Lambert de la Motte đã tạo lập được một quan hệ hữu hảo với nhà vua Phra Narai nên khi biết được ý định xây dựng chủng viện, nhà vua Phra Narai chẳng những cấp đất ở Ban Plahet, cạnh sông Menam , gần trại những người Đàng Trong và cung cấp vật liệu mà còn gửi 10 người đến để học “các khoa học của Tây phương”. Năm 1665, thừa sai Louis Laneau (sau này là ĐDTT Thái Lan) điều hành việc xây dựng, lúc đầu chỉ là một công trình khiêm tốn với hai phòng, vách gỗ, mái ngói. Năm 1666, xây một dãy nhà lầu bằng gạch, tầng trệt gồm 6 phòng ngủ có thể chứa 20 người và một phòng chung. Tầng trên là nhà nguyện. Toàn bộ khu vực được gọi là “trại của các thừa sai” hay còn được gọi là “Trại Thánh Giuse”. Ngày 17-10-1666, Đức Cha Lambert đã viết cho Đức cha Pallu : “ở đây có một chủng viện, một trường thần học luân lý, có các sinh viên nhà vua gửi tới, có một ngôi trường nhỏ cho các Kitô hữu. Chúng tôi cũng đã gọi vào hàng giáo sĩ ba thanh niên và chúng tôi sẽ cho họ chịu phép cắt tóc vào ngày lễ Các Thánh. Một trong ba người này, 26 tuổi đã hứa và khấn dâng mình cho việc truyền giáo; ở đây, chúng tôi có một ứng sinh rất hứa hẹn, đó là Francois Perez”. Khi thừa sai Louis Laneau phụ trách chủng viện, ngài đã có 10 chủng sinh. Nhưng rồi khó khăn xảy tới khi người Bồ chống đối các Đại diện Tông tòa, tất cả các chủng sinh rời chủng viện, chỉ trừ một mình Francois Perez, người đã được đích thân Đức Cha Lambert hướng dẫn và đào tạo. Vào chiều lễ Phục sinh năm 1668, Francois Perez được phong chức linh mục, cùng với một thầy giảng người Đàng Trong là Giuse Trang được thừa sai Hainques gửi qua. Đó là hoa quả đầu mùa của chủng viện. Tháng 6-1668, có thêm một lễ phong chức linh mục cho hai thầy giảng từ Đàng Ngoài tới, đó là Biển Đức Hiền và Gioan Huệ. Năm 1670, chủng viện được tăng cường nhân sự với sự hiện diện của thừa sai Pierre Langlois. Lúc mới tới, ngài đã học tiếng Thái và chỉ sau ba tháng, ngài đã có thể nói, đọc và viết tiếng Thái . Nhưng khi được giao phụ trách chủng viện, từ 1672 đến1680, ngài lại thấy nhu cầu phải học tiếng Việt. Ngài là người có năng khiến về ngôn ngữ nên chỉ sau 6 tháng, ngài đã bắt đầu biên soạn một cuốn tự điển “có 1500 từ nhiều hơn tự điển của Cha Alexandre de Rhodes, kế đó, còn biên soạn một cuốn ngữ pháp”. Tháng 4-1675, Đức Cha Laneau đã phong chức linh mục cho một chủng sinh Philippin, người này đã học ở trường 5 năm và đồng thời ban phép cắt tóc cho 12 chủng sinh, trong đó một người đến từ Macao, một người khác đến từ Tenasserim còn 10 người từ Đàng Trong. Vì số người Đàng Trong chiếm đa số nên Cha Langlois đôi khi cũng được gọi là “Giám đốc chủng viện của người Đàng Trong”. Trong thời kỳ này, chủng viện có hai cấp : Đại chủng viện gồm một phụ phó tế và 5 thầy đã lãnh các chức nhỏ, 6 thầy đã cắt tóc, 11 thầy này đều là người Đàng Trong, cùng 21 thầy khác thuộc nhiều quốc tịch khác; Tiểu chủng viện gồm 3 lớp. Lớp thứ nhất gồm các chú người Đàng Ngoài và Đàng Trong, lớp thứ hai gồm khoảng 20 chú thuộc nhiều quốc tịch : Trung Hoa, Nhật Bản, Ấn độ, Bồ Đào Nha và vài quốc tịch khác, lớp thứ ba gốm các chú người Thái Lan, đông đúc hơn. Thấy chủng viện hoạt động hiệu quả nên Bộ Truyền giáo đã nhiều lần ủng hộ tài chính. Đức cha Pallu cũng vận động và quyên góp tài chính nhưng chủng viện luôn thiếu hụt tài chính, nhất là sau vụ hỏa hoạn năm 1675 do bọn trộm gây nên, làm cháy một dãy nhà mới xây cùng năm nhà khác, chỉ còn lại nhà nguyện và nhà ở của chủng sinh Đàng Trong. Vụ hỏa hoạn này bắt buộc phải phân tán chủng sinh ra nhiều khu vực riêng rẽ, gây ra nhiều bất tiện trong công việc huấn luyện. Đức Cha Laneau quyết định quy tụ tất cả chủng sinh về khuôn viên Tòa Giám mục nhưng nơi đây có quá nhiều người lui tới, ồn ào, lại có quá nhiều muỗi khiến chủng sinh không thể tập trung học tập được. Vì vậy, năm 1680, chủng viện được dời về Mahapram, cách Juthia 4 cây số. Các đại và tiểu chủng sinh vui vẻ về nơi mới được mang tên “Chủng việc các Thánh Thiên Thần” nhưng không có thừa sai Langlois tháp tùng vì ngài được cử sang Đàng Trong theo yêu cầu của ngài. Thừa sai Antoine Pascot được cử làm Giám đốc Chủng viện. Ngài qui định ngôn ngữ chính thức của chủng viện là tiếng la tinh. Nhưng vì lý do sức khỏe, ngài phải về lại Pháp năm 1684.
Thừa sai Jean Joret kế nhiệm và được chứng kiến một biến cố đáng ghi nhận tại chủng viện, đó là chuyến thăm của đại sứ Pháp De Chaumont, dẫn đầu phái bộ ngoại giao đầu tiên của Pháp đến Thái Lan, từ ngày 23-9-1685 đến 5-12-1685. Là một tín hữu công giáo nhiệt thành, Ông De Chaumont rất quan tâm đến chủng viện nên ngày 14-10-1685, ông đã đến thăm. Chủng viện khi đó có khoảng 40 người, từ 12 đến 20 tuổi. Đã có 22 chủng sinh đăng ký phát biểu chào mừng ngài đại sứ nhưng do không đủ thời gian nên chỉ có 4 đại diện lên chào mừng bằng tiếng Pháp, Latinh, Thái và Việt. Để chứng tỏ năng lực của các chủng sinh, Đức Cha Laneau yêu cầu Cha Jean Joiret cử hai chủng sinh trình hai luận án thần học trước vị Đại sứ. Antoine Pinto, người Thái và một Phụ Phó tế người Đàng Trong tên thánh là Maure được chọn. Chỉ sau gần hai tháng chuẩn bị, hai chủng sinh này đã xuất sắc trình bày luận án, tạo được sự khâm phục nơi mọi người hiện diện. Antoine Pinto còn được cử theo phái bộ ngoại giao này sang Pháp. Tại Paris, Pinto đã được các nhà thần học của Hội Thừa sau Paris kiểm tra tình độ và các vị này đã yêu cầu Pinto trình bày đề tài “Một Chúa và Ba Ngôi” tại Đại học Sorbonne và tại nhà thờ chính tòa Notre Dame. Cả hai cuộc trình bày này đã khiến nhiều người khâm phục. Mấy tháng sau, Antoine Pinto được gửi sang Roma để trình luận án trước Đức Thánh Cha Innocent XI và các hồng y tại Chủng viện của Bộ Truyền giáo. Vị giáo hoàng đã rất hài lòng trước sự hiểu biết sâu xa của Pinto và đã quyết định chước giảm tuổi tác cho chủng sinh này để có thể được phong chức linh mục trước khi về lại Pháp. Thậm chí Đức Thánh Cha đã nghĩ đến việc đặt Antoine Pinto làm Giám mục. Sự việc chưa tới đâu thì Pinto qua đời tại Juthia ngày 24-8-1696.
Do biến cố năm 1685 nói trên đây, đầu năm 1686, Tể tướng của nhà vua Phra Narai là Constance Phaulkon đến thăm chủng viện tại Mahapram. Ông này là người Hy Lạp, theo Công giáo. Ông phiêu dạt sang Thái Lan làm ăn, lúc đầu ở ngành thương mại, sau nhờ quen biết nên được đứng đầu ngành ngoại thương cho nhà vua và kế đó được nhà vua tin tưởng giao trọn quyền như Tể tướng. Ông muốn dời chủng viện vào kinh đô Juthia. Nhà vua chẳng những đồng ý mà còn cấp đất và nhân công để xây dựng chủng viện mới. Hằng ngày có khoảng 500 công nhân miệt mài làm việc, mọi chi phí đều do Constance Faulkon đài thọ. Ông này còn hứa chu cấp hằng năm 1.500 quan vàng để nuôi chủng sinh. Năm 1687, khi dời vào Mahapram, chủng viện có 22 đại chủng sinh và 47 tiểu chủng sinh. Nhưng cũng trong năm này, vua Louis XIV, theo đề nghị của Phaulkon, đã gửi một đoàn tàu chiến đến chiếm giữ cảng Bankok và Mergui. Sự việc này đã làm bùng phát sự tức giận của người Thái vốn âm ỉ lâu nay trước sự lộng quyền của Phaulkon: ngày 18-5-1688, nhà vua Phra Narai bị lật đổ và cả nhà vua lẫn Constance Phaulkon đều bị sát hại, còn các người Châu Âu bị trục xuất, các thừa sai và các Kitô hữu bị bắt bớ. Giám mục Laneau cũng bị bắt và nhốt tù. Hơn một nửa số chủng sinh cũng chung số phận. Số còn lại chạy trốn hoặc trở về gia đình. Chủng viện bị đốt phá.
Sau 21 tháng tù đầy, ngày 15-8-1690, các thừa sai và chủng sinh được thả và bị chỉ định cư trú trên một cù lao nhỏ chỉ rộng 8 mét và dài 18 mét. Nhưng, sau một thời gian dài lao khổ trong tù đày, nay lại bị bệnh sốt rét hành hạ nên ba thừa sai lần lượt qua đời còn các chủng sinh đều đau yếu.
Ngày 25-4-1691, chủng viện Thánh Giuse được trả lại nhưng việc tái thiết gặp rất nhiều khó khăn nên sau nhiều cuộc tranh luận, các thừa sai quyết định dời chủng viện về lại Mahapram. Cùng với việc trùng tu lại cơ sở vật chất, cha Bề trên Pocquet còn chấn chỉnh lại lề luật với châm ngôn “Vì vinh quang cao cả của Chúa và để xây dựng Giáo hội” (Ad majorem Dei gloriam et ad aedificationem Ecclesiae). Năm 1698, thừa sai Pocquet trở lại Paris và người lãnh đạo chủng viện tiếp theo là thừa sai Gabriel Braud, người từng dạy tiếng latinh ở chủng viện từ năm 1693 và khi đó đang là Quyền Đại diện Tông Tòa Thái Lan, vì Đức Cha Louis Laneau đã mất ngày 16-3-1696.
Tháng 9-1702, Tân Đại diện Tông tòa Thái Lan là Louis de Cicé từ Pháp qua. Ngài chuyển thừa sai Gabriel Barud về phụ trách Giáo xứ Thánh Giuse và cử thừa sai Jacques Jarossier phụ trách chủng viện, nơi ngài từng hoàn tất môn thần học và được phong chức linh mục năm 1700. Nhưng nhiệm kỳ của ngài không kéo dài vì đến năm 1704, ngài được thay thế bằng thừa sai Francois Godefroy. Số chủng sinh không ngừng tăng : năm 1701 là 36 người, năm 1704 là 45 và năm 1706 là 48 người, nhưng việc tái thiết cơ sở đã đẩy chủng viện vào cảnh nợ nần nghiêm trọng nên không thể tiếp tục nuôi sống số chủng sinh này, năm 1707, Giám mục De Cicé buộc phải tạm đóng cửa chủng viện, chỉ giữ lại 12 chủng sinh, phần lớn là người Đàng Trong. Tháng 2-1710, chủng viện được mở lại, với 28 chủng sinh và năm 1713, Đức Cha Jacques De Bourges, Đại diện Tông tòa Tây Đàng Ngoài bị trục xuất, đã chạy sang Thái Lan, với một linh mục, 22 chủng sinh và sự hỗ trợ về tài chính: Chủng viện như được hồi sinh. Nhân sự được Hội Thừa sai Paris tăng cường qua việc gửi cha Andre Roost, xuất thân từ Đại học Sorbonne, sang dạy chủng viện. Đến năm 1717, vị Đại diện Tông tòa De Cicé đã có thể tự hào rằng “Chủng viện của chúng tôi có thể sánh bằng các trường của Đại học Paris”. Năm 1718, số chủng sinh là 50 người gồm 14 người Thái, 24 người Đàng Ngoài, 5 người Đàng Trong và 7 người Hoa. Ngoài việc chú trọng nâng cao chất lượng đào tạo, cơ sở vật chất cũng được nâng cấp: nhà lợp lá nay được thay bằng mái ngói vào năm 1723.
Năm 1727, Giám mục JJ Tessier de Queralay kế nhiệm Đức Cha De Cicé. Mặc dầu có nhiều ý kiến phản đối, vị tân giám mục quyết định dời chủng viện về lại Juthia để tiện bề chăm lo và dạy dỗ chủng sinh. Mới yên chỗ thì chủng viện lại bị một đợt sách nhiễu. Nguyên nhân là một chủng sinh người Hoa tên là Laurent Teng, con của một vị quan trong triều, đã được cha mẹ dâng cho Đức cha De Cicé, với sự ưng thuận của nhà vua. Sau khi học 10 năm ở chủng viện, Teng được chịu phép cắt tóc nhưng nay gia đình đến đòi lại và buộc phải bỏ đạo. Lúc đầu, Teng không chịu bỏ đạo nhưng sau đó, bị đánh quá đau, anh ta đã bỏ đạo và mặc áo nhà sư. Nhưng triều đình không dừng ở đây mà còn muốn tịch thu chủng viện vì trong đó có chứa một số sách đạo mà triều đình cho là chống lại Phật giáo. Tháng 10-1730, Giám mục Queralay và thừa sai Lemaire bị đưa ra tòa và bị cấm không được viết sách công giáo bằng tiếng Thái hay tiếng Pali, không được chống báng các tôn giáo của Thái, không được giảng đạo cho người Thái, Lào , Miến Điện và không được nhận họ vào đạo công giáo. Đợt sách nhiễu này kéo dài cho đến khi nhà vua qua đời năm 1733, nhưng sau khi Đức cha Queralay mất ngày 27-11-1736, chỉ còn mỗi một mình thừa sai Lemaire chèo chống đủ việc vì từ 15 năm qua, Paris không gửi thừa sai nào sang Thái.
Đến năm 1737, ba thừa sai được gửi sang Thái, sang năm 1738 thêm được một vị. Một trong bốn vị này là P. Lacere được cử phụ trách chủng viện. Nhờ vậy, chủng viện tại Mahapram được mở lại, 19 chủng sinh quay về đó, còn 8 người tiếp tục ở lại Juthia để học thần học với thừa sai Lefebvre.
Thừa sai Lolière vốn từng hoạt động ở Thái Lan, sau đó, làm quản lý ở Pondicherry, được phong giám mục tại Meliapour tháng 3-1740 nhưng đến tháng 5-1742 mới tới Thái Lan nhận nhiệm sở. Một trong những quyết định đầu tiên của vị tân Đại diện Tông tòa là chuyển chủng viện về lại Juthia; nhưng ngài sớm nhận ra những bất tiện của một môi trường không phù hợp với việc đào tạo chủng sinh nên đến tháng 6-1743, ngài cho chuyển chủng viện về Mahapram. Năm 1747, chủng viện có 47 chủng sinh.
Sau hơn một thập niên được yên ổn, sóng gió lại nổi lên. Đầu năm 1760, quân Miến Điện đã chiếm được Mergui và đến tháng 4, đã bao vây kinh đô Yuthia. Ngày 11-4, kinh đô bị tấn công dữ dội mấy ngày liền nhưng quân Miến bất ngờ rút lui. Lý do là họ phải rút quân về nước chịu tang nhà vua mới mất. Trước đường rút, họ đã đốt cháy chủng viện Mahapram để trả thù cho việc các tín hữu công giáo đã kiên cường chống trả họ ở Juthia. Năm 1762, một con đập được đắp dọc sông Menam và việc này đã bít luôn lối giao thương của chủng viện. Không thể sống cô lập, các chủng sinh phải quay về tá túc tại Juthia. Nhà vua ưu ái dành cho một khu đất mới nhưng các thừa sai không dám xây dựng vì ngại quân Miến đang lăm le quay lại. Quả vậy, giữa năm 1765, quân Miến quay lại, cuộc bao vây kinh đô kéo dài 22 tháng. Các chủng sinh may mắn chạy thoát về Chantaboun. Ngày 23-3-1767, khu vực trại Thánh Giuse bị tràn ngập : nhà thờ, chủng viện bị đốt cháy, Giám mục Đại diện Tông tòa bị bắt và giải về Rangoon. Ngày 8-4, Juthia bị san bằng và kinh đô này bị bỏ phế.
2.2- Một thời gian phiêu dạt ở Hà Tiên (1765- 1769). Cuộc sống ở Chantaboun cũng rất bấp bênh vì một đàng trộm cướp quá nhiều, đàng khác, quân Miến cũng đang lăm le tiến về phía đó. Chủng viện phải tính tới việc di tản. Địa điểm được chọn lựa là Cần Cao, vùng Hà Tiên của Việt Nam, không xa Thái Lan bao nhiêu. Một người Hoa đồng ý chở đoàn và cuộc hành trình kéo dài 15 ngày. Quan Trấn thủ Hà Tiên Mặc Thiên Tứ đón tiếp đoàn và cho chọn một trong ba địa điểm để lập chủng viện. Hòn Đất được chọn vì nơi đây có nước ngọt, môi trường tĩnh lặng, khí hậu trong lành và gần một cộng đoàn Kitô hữu, từ những nơi khác chạy về đó trốn tránh bách hại. Một căn nhà lá được dựng lên nhưng không có giường, không có ghế. Cuộc sống thiếu thốn mọi bề. Bữa ăn nào sang thì cũng chỉ có được một con gà chia cho hơn 25 người. Nhưng Hội Truyền giáo Hải ngoại Paris tiếp cứu kịp thời: cung cấp một ngân khoản để xây dựng một cơ sở chứa được 50 người.
Tháng 3-1776, chủng viện có một bề trên mới là thừa sai Pigneau de Béhaine (sau này là Giám mục Bá Đa Lộc nổi tiếng). Vị thừa sai trẻ này muốn đi giảng đạo, thu phục các linh hồn nhưng khi được giao phụ trách chủng viện thì lại khám phá ra rằng “ công việc tốt lành này chắc chắn là điều thú vị nhất trong miền truyền giáo của chúng ta và thật quan trọng là phải thuyết phục tất cả các thừa sai rằng đây là công việc hữu ích nhất mà chúng ta có thể làm” (College, 31).
Ngày 1-7-1776, cơ sở Hòn Đất đón tiếp 52 tín hữu chạy thoát từ Thái Lan sang, cùng với Quyền Đại diện Tông tòa Corre.
Ngày 19-12-1776, một giáo dân đến báo cho các thừa sai là hoàng tử Chau-Si-Sang, một người đang chạy trốn và đang tìm cách chiếm lại vương quyền từ tay vua Phaja-Tak, muốn gặp các thừa sai. Chau-Si-Sang là con của vị Đại sứ Thái Lan từng đến Paris tiếp kiến Vua Louis XIV, rất có cảm tình với các thừa sai. Thừa sai Corre đánh giá rằng nếu vị hoàng tử này chiếm lại được ngai vàng thì Công giáo sẽ được thuận lợi và chủng viện có thể thu hồi lại những gì đã mất. Nhưng thừa sai Pigneau de Behaine sợ dính líu vào việc này sẽ sinh nhiều tai họa, trước mắt là sợ đụng chạm đến Mặc Thiên Tứ nên từ chối tiếp đón. Quả vậy, chỉ mấy ngày sau khi Chau-Si-Sang rời Hà Tiên, sứ giả của Phaja-Tak đền Hà Tiên, mang theo nhiều tặng phẩm giá trị và yêu cầu Mặc Thiên Tứ bắt nộp Chau-Si-Sang, sống hay chết. Quan Trấn thủ tổ chức truy tìm kẻ chạy trốn và ông nổi giận khi nghe báo cáo (sai) rằng các thừa sai đã đón tiếp Chau-Si-Sang ở chủng viện và đưa ông này qua Campuchia. Cả Pigneau de Behaine, cả thừa sai Artaud và linh mục người Hoa Jacques Chang đều bị bắt, tống giam và mang gông. Sau nhiều ngày tra khảo, Quan Trấn thủ thấy những người này vô can nên ông đề nghị thừa sai Artaud sang Campuchia tìm và dẫn độ Chau-Si-Sang. Artaud nhận lời nhưng với điều kiện là phải thả hai đồng sự của mình cũng như báo trước khả năng thất bại của kế hoạch này. Ngày 17-2-1777, Artaud quay lại Hà Tiên, không có Chau-Si-Sang. Mặc Thiên Tứ bắt cả ba người quay lại nhà tù, giam thêm hai tháng nữa rồi mới thả ra. Các thừa sai và các chủng sinh bắt tay nâng cấp cơ sở của chủng viện nhưng công việc đang dang dở thì lại xảy chuyện. Nguyên nhân là Mặc Thiên Tứ quay lại chống Phaja-Tak và dưới chiêu bài cung cấp gạo cho Bangkok, Mặc Thiên Tứ tổ chức một đoàn tàu chiến, với ý định bắt cóc nhà vua Thái nhưng âm mưu này bị thất bại. Người Thái tổ chức một nhóm quân, gồm cả người Hoa và người Campuchia xâm nhập Hà Tiên. Tháng 10-1769, họ đến trước nhà thừa sai Artaud, sát hại một số tín hữu, nhiều người khác bị bắt và bị đe dọa hành quyết hôm sau. Lợi dụng đêm tối, những người này chạy trốn được. Mặc Thiên Tứ bao vây khu vực quân xâm nhập và ra lệnh đốt cháy toàn bộ nhà thờ và các cơ sở khác của chủng viện.
Trước tình cảnh này, các thừa sai quyết định di dời chủng viện đến nơi an toàn hơn. Nhưng vấn đề là đi đâu ? Thái Lan đang còn chiến tranh, Đàng Trong đang cấm đạo, Campuchia thì vẫn bất an. Cuối cùng các thừa sai nghĩ đến đất nước Ấn Độ xa xôi nhưng thừa sai Artaud không theo chuyến đi vì ngày 28-11-1769, ngài qua đời. Ngày 11-12-1769, một chiếc thuyền rời Hà Tiên, mang theo 43 người của chủng viện, hướng về Ấn Độ.
2.3- Những năm tạm cư ở Ấn Độ (1770 – 1783)
Ngày 3-1-1770, chiếc thuyền ghé Malacca, Malaisia và lưu lại đây hai tháng. Cuối tháng 2, một chiếc tàu của người Bồ ghé qua Malacca trên đường đi Ấn Độ nhưng trên tàu đã gần đầy người. Sau nhiều thương lượng, tàu này đồng ý chở thừa sai Pigneau và 12 chủng sinh đi Pondicherry, những người còn lại được chia thành ba nhóm, đi trên ba chiếc thuyền của người Hồi giáo, miễn phí nhưng phải tự túc thức ăn và nước uống cho suốt cuộc hành trình. Ba chiếc thuyền này hẹn nhau ở Negapatam nhưng thực tế, chỉ có một thuyền cập bến mang theo thừa sai Morvan và 10 chủng sinh. Nhóm này được tàu Pháp chở tiếp đến Pondicherry, nơi thừa sai Pigneau đã đến từ cuối tháng 6-1770. Một thuyền khác ghé vào Madras còn chiếc thứ ba thì ghé vào Masulipatam. Nhưng cuối cùng , hai nhóm này cũng đến được Pondicherry. Chủng viện được mở lại, tạm thời cư trú tại nhà quản lý của Hội Thừa sai Paris tại Pondicherry.
Ngày 16-3-1771, cha quản lý Louis Mathon mua một khu đất rộng 7,5 sào tại Virampatnam, trên đó, có một khu nhà đang xây dang dở. Các chủng sinh được chuyển về đây, tổng số là 39 người. Nhờ sự vận động của Giám mục Davoust, Đức Giáo hoàng Clement XIV đồng ý cho chủng viện trực thuộc các Đại diện Tông tòa chứ không thuộc quyền Giám mục giáo phận San – Thome vốn cai quản Pondicherry. Tòa thánh cũng cấm các chủng sinh không được chuyển sang các dòng và cấm các dòng lôi kéo các chủng sinh, ai vi phạm sẽ bị phạt vạ. Năm 1775, Đức Giáo hoàng Pio VI đặt chủng viện dưới sự bảo trợ đặc biệt của Tòa Thánh và năm 1780 còn ban cho thêm nhiều ân huệ. Nhân sự cũng được MEP tăng cường. Tuy vậy, chiều hướng đi xuống của chủng viện xem ra không chặn lại được mà lý do chính yếu là sự giảm sút các chủng sinh.
Quả vậy, năm 1772, tám chủng sinh thần học về lại quê hương của mình để chuẩn bị nhận chức linh mục. Tiếp đó, khi thừa sai Pigneau de Behaine về Đàng Trong nhận chức Đại diện Tông tòa (tháng 7-1774), ngài mang theo 9 chủng sinh. Số chủng sinh mới không có vì Thái Lan đang chiến tranh, Đàng Trong và Đàng Ngoài thì quá xa nên tuy hoàn cảnh rất khó khăn, vẫn gắng mở các chủng viện của mình. Năm 1778, số chủng sinh chỉ còn 18 người, năm 1782, chỉ còn 4, 5 người nên MEP quyết định gửi số chủng sinh này sang Macao và năm 1783, tạm thời đóng cửa chủng viện.
2.4- Penang như miền đất hứa (từ 1808…)
Chủng viện Miền tại Ấn Độ chấm dứt hoạt động nhưng nhiệm vụ đào tạo hàng giáo sĩ địa phương mà Tòa Thánh mong muốn, cũng là ưu tiên hàng đầu của MEP, thì không thể chấm dứt.
Từ năm 1784, đã có nhiều ý kiến khác nhau được đưa ra : người thì đề nghị đặt chủng viện mới ở Manila, người thì yêu cầu đặt ở Malacca, người khác lại đề nghị chọn Penang; các địa danh khách như Queda (Kedah), Bangkok cũng được nêu lên. Các ý kiến khác nhau đến độ không thể đồng thuận được. Cuối cùng, năm 1807, đã có cuộc họp tại Macao, với sự hiện diện của thừa sai Claude Letondal, quản lý của MEP tại Macao, thừa sai Marchini, đại diện của Bộ Truyền giáo tại Macao, thừa sai Richenet, Dòng Lasaristes và thừa sai Michel Lolivier từng truyền giáo 15 năm tại Phúc Kiến và là người được đề cử phụ trách chủng viện sắp được tái lập, cùng một số thừa sai Pháp khác đang có mặt tại Macao. Mọi người quyết định chọn Penang.
Poulo Penang là một hoàn đảo bị Công ty Đông Ấn của Anh chiếm đóng ngày 11-8-1786. Năm 1788, đã có người đề nghị lập chủng viện ở trên đảo này. Năm 1802, thừa sai Escodeca ghé đảo này trên đường đi Sichuan và đề nghị với Công ty Đông Ấn cho lập chủng viện ở đây. Công ty này chẳng những đồng ý mà còn hứa giúp đỡ. Năm 1804, thừa sai Jean Descourvières nhận định Penang là nơi thích hợp nhất, một nhận định được Đức hồng y Borgia , Bộ trưởng Bộ Truyền giáo đồng tình. Có thể xem những điều trên đây là cơ sở để cuộc họp năm 1807 chọn Penang làm địa điểm tái lập Chủng viện Miền.
Tháng 12-1807, thừa sai Lolivier cùng 5 đại chủng sinh lên thuyền từ Macao hướng về Penang. Đầu năm 1809, thừa sai Letondal cũng tới đây để tiếp tay. Tháng 11-1809, họ mua một căn nhà tại làng Pulau Tikus mà dân địa phương gọi là “Làng chuột” vì ở đó đầy dẫy lài thú gậm nhấm này, còn dân cư thì rất nghèo nàn. Năm 1811, chủng viện có 20 chủng sinh, toàn người Hoa: 18 người đến từ Sichuan và 2 đến từ Quảng Đông, nên thời gian đó, được gọi là Chủng viện Trung Hoa.
Các khó khăn tiếp tục đeo bám chủng viện trong hơn 20 năm tiếp theo, từ bị cướp đột nhập năm 1811 và sau đó là trận hỏa hoạn đêm 29-6-1812, thiêu rụi hoàn toàn 4 dãy nhà của chủng viện, cho đến cuộc vay hãm Penang do quân Thái thực hiện năm 1826. Những biến cố này làm cho Chủng viện luôn ở trạng thái thiếu thốn về vật chất và rất ít thêm ơn gọi. Ngày 18-12-1833, thừa sai Lolivier qua đời, sau 25 năm phục vụ Chủng viện, để lại cho người kế nhiệm 22 chủng sinh.
Chỉ từ năm 1834, khi nhiều chủng sinh Việt Nam được gửi từ Đàng Trong và Đàng Ngoài sang Penang hầu chạy trốn cuộc bách hại của Vua Minh Mạng, chủng viện có thêm sinh khí và tạo nên thời hoàng kim kéo dài cho đến giữa thế kỷ XX, với nhiều vinh quang thập giá và với hàng ngũ lãnh đạo các Giáo hội Châu Á, trong đó có Việt Nam.
  1. Nơi đào tạo nhân sự cho các Giáo hội Châu Á.


Năm 1665 thành lập và chỉ 3 năm sau, Chủng viện Miền đã có được lễ phong chức linh mục đầu tiên vào tháng 3 -1668, trong đó, có một người do mình đào tạo, còn người kia là thầy giảng từ Đàng Trong gửi qua (Giuse Trang). Như vậy, Chủng viện vừa là nơi đào tạo chính qui vừa là nơi đón tiếp và bồi dưỡng cấp tốc rồi phong chức linh mục cho các ứng viên từ các nơi khác gửi tới . Tháng 6-1668, có thêm một lễ phong chức nữa và lần này là hai thầy giảng Đàng Ngoài (Biển Đức Hiền và Gioan Huệ). Và từ đó, Chủng viện Miền, tại Yuthia cũng như tại Penang không ngừng cung cấp cho các Giáo hội tại Châu Á các thợ gặt trên các cánh đồng truyền giáo.
Thời kỳ Chủng viện tại Thái Lan (1665 -1765), chúng ta không có được con số thống kê nhưng từ khi Chủng viện Miền được dời về Penang, chúng ta có được các con số khá ấn tượng như sau:
  • Thời kỳ 1812 – 1852 : Theo thừa sai E.Wallays, Bề trên Chủng viện từ 1885-1916, ước tính rằng trong thời gian 1812 – 1852, có 296 chủng sinh, trong đó, có 126 người đã được phong chức linh mục, tỷ lệ 40%.
  • Thời kỳ 1860 – 1960 : Số chủng sinh là 1379 người, trong đó, 751 người đã trở thành linh mục, chiếm tỷ lệ 55%. Con số chủng sinh và linh mục thuộc các nước cụ thể như sau (theo thống kê của Le Du trong một bài viết đăng trên tập san ECHO, tháng 4-1974) :
. Trung Hoa : 368 chủng sinh 220 linh mục
. Miến Điện : 335 chủng sinh 166 linh mục
. Việt Nam : 309 chủng sinh 146 linh mục
.Thái Lan : 136 chủng sinh 90 linh mục
. Malaisia : 132 chủng sinh 73 linh mục
. 8 nước khác : 99 chủng sinh 53 linh mục.
  • Thời kỳ 1960 – 2000 : 350 chủng sinh, với 210 linh mục, tỷ lệ 60%


Như vậy, chỉ tính trong hai thế kỷ (từ 1808 đến 2000), Chủng viện Penang đã cung cấp cho 13 Giáo hội tại Châu Á hơn một ngàn linh mục. Con số này có thể còn cao hơn vì nhiều chủng sinh trở về quê hương của mình, được phong chức linh mục nhưng không báo lại cho Chủng viện.
Cũng từ Chủng viện Miền này, đã xuất thân một số giám mục. Vị linh mục đầu tiên xuất thân từ Chủng viện tại Yuthia cũng là một giám mục, đó là Francois Perez, chịu chức linh mục tháng 3-1668 và được bổ nhiệm làm Giám mục Đại diện Tông tòa Đàng Trong (1691- 1728). Nhưng từ trường hợp đặc biệt này, phải đến giữa thế kỷ XX, mới có các linh mục Châu Á xuất thân từ Chủng viện Penang. Cụ thể, từ năm 1950 đến 1995, có 24 vị, gồm 12 vị của Malaisia, 8 vị của Myanmar (Miến Điện), 2 vị của Thái Lan và 2 vị của Việt Nam, đều thuộc Giáo phận Vinh, đó là các Đức Cha Trần Hữu Đức và Nguyễn Đình Nhiên.






  1. Chủng viện của các chứng nhân đức tin :


Ngoài niềm tự hào về việc đóng góp một số nhân sự đáng kể cho các Giáo hội tại Châu Á, Chủng viện Penang còn được vinh dự hơn nữa khi được mệnh danh là Chủng viện của các Thánh Tử đạo (Séminaire des Martyrs).
Quả vậy, đã có hai thừa sai Pháp từng giảng dạy ở đây và 5 linh mục Việt Nam xuất thân từ chủng viện này là các chứng nhân đức tin và đã được tôn phong hiển thánh.
  • Hai vị Tử đạo tại Đại Hàn là :
. Laurent Imbert : sinh ngày 23-3-1796 tại Marignane, gia nhập chủng viện thừa sai Paris năm 1818, chịu chức linh mục ngày 18-11-1819 và lên đường truyền giáo tháng 3-1820, ghé qua Penang và dạy ở chủng viện năm 1821. Tháng 2-1822, đến Macao và năm 1825 mới tới được nhiệm sở Se-tchoan, Trung Hoa, hoạt động ở đó 12 năm. Năm 1836, ngài được bổ nhiệm Giám mục Đại diện Tông tòa Đại Hàn, được phong chức ngày 13-5-1837 nhưng hơn một năm sau mới tới được nhiệm sở. Từ 20-12-1838 đến 30-1-1839, ngài đi thăm giáo hữu quanh vùng Seoul. Ngài bị tố giác và bị bắt và chịu tử đạo ngày 21-9-1839 tại Sai-nam-the. Ngài được tôn phong Chân phước ngày 5-7-1925 và tôn phong hiển thánh ngày 6-5-1984.
. Jacques Chastan, sinh ngày 7-10-1803 tại Marcoux, chịu chức linh mục ngay23-12-1826 và sau đó, xin gia nhập Hội Thừa sai Paris và lên đường truyền giáo năm 1827. Khi đến Macao, ngài được chỉ định về Chủng viện Penang và dạy học ở đây cho tới năm 1830. Sau đó, ngài tình nguyện đi Đại Hàn. Sau nhiều lần thất bại, cuối cùng ngài cũng đến được Seoul ngày 15-1-1837. Sang năm 1838, ngài xuống hoạt động ở miền Nam Đại Hàn. Năm 1839, các cuộc bách hại bùng phát, ngài tự nộp mình cho quan quân để tránh cho giáo dân khỏi bị bức hại. Ngài bị đưa về Seoul, giam chung với Giám mục Laurent Imbert, chịu tử đạo cùng ngày, cùng nơi với giám mục Imbert và cũng được tôn phong Chân phước và Hiển thánh cùng ngày với Giám mục Imbert.
  • Năm vị Tử đạo Việt Nam là :
. Philipphê Phan Văn Minh : sinh khoảng năm 1826 tại họ Búng (nay thuộc Giáo phận Phú Cường), bị bắt ngày 26-2-1853 và bị trảm quyết ngày 3-7-1853. Được phong Chân phước ngày 27-5-1900.
. Phaolô Lê Văn Lộc, sinh khoảng năm 1831 tại An Nhơn (Quận Gò Vấp, Sài Gòn),bị bắt ngày 21-12-1858 và bị trảm quyết ngày 13-2-1859. Được phong Chân phước ngày 2-5-1909
. Phêrô Đoàn Công Quý, sinh khoảng năm 1826 tại họ Búng, bị bắt ngày 7-1-1859 và bị trảm quyết ngày 31-7-1859. Được phong Chân phước ngày 2-5-1909.
. Phêrô Nguyễn Văn Lựu, sinh khoảng năm 1821 tại Gò Vấp, Sài Gòn, bị bắt tháng 4-1859 và bị trảm quyết ngày 7-4-1861. Được phong Chân phước ngày 2-5-1909.
.Gioan Đoàn Trinh Hoan, sinh năm 1789 tại Kim Long, Giáo phận Huế, bị bắt ngày 3-1-1861 và bị trảm quyết ngày 26-5-1861. Được phong Chân phước ngày 2-5-1909


Tất cả năm linh mục tử đạo này đều được tôn phong Hiển Thánh ngày 19-6-1988.
  • Ngoài ra, còn có 44 người Việt Nam từng tu học tại Penang đã trở thành những chứng nhân đức tin, trong số đó, có 24 linh mục, 8 đại chủng sinh (Phó tế, phụ phó tế và các chức nhỏ), 8 thầy giảng và 4 giáo dân.


Ngày nay, trong khuôn viên Chủng viện Penang, có hai tượng đài tôn vinh các Thánh nhân Tử đạo trên đây, cạnh đó là tấm bia đá khắc ghi tên 44 chứng nhân đức tin. Thầy Leo Elias, người hướng dẫn chúng tôi tham quan Chủng viện nói rằng các thánh nhân này là niềm tự hào và gương mẫu của tất cả các chủng sinh ở đây. Khi dẫn chúng tôi lên những bậc cấp để vào nhà nguyện, thầy còn khoe rằng Thánh Philipphê Minh từng bước đi trên các bậc cấp này. Sự ngưỡng mộ với Thánh Minh còn được thể hiện qua một chuyến đi của các chủng sinh Penang đến tận quê hương Cái Mơn của ngài vào năm 2012.












  1. Chủng viện Penang với Công giáo Việt Nam




Không kể thời gian đầu ở Thái Lan, nơi Chủng viện Miền từng phong chức cho các linh mục Việt Nam đầu tiên (1668) và sau đó, đón nhận nhiều chủng sinh Đàng Trong và Đàng Ngoài sang tu học và ngoài con số 309 chủng sinh Việt Nam (của 5 giáo phận : Tây Đàng Trong, Đông Đàng Trong, Bắc Đàng Trong, Nam Đàng Ngoài và Đàng Ngoài Duyên hải (Phát Diệm) đã được gửi sang Penang trong một trăm năm, từ 1860 đến 1960, trong đó có 146 người đã được phong chức linh mục, chỉ tính riêng trong những thập niên bách hại khốc liệt dưới thời các vua Minh Mạng, Tự Đức và Thiệu Trị, đã có thêm hằng trăm chủng sinh Việt Nam đã được gửi sang Penang. Tuy tỷ lệ đạt đến chức linh mục không cao, chỉ khoảng 30%, nhưng có thể nói rằng Chủng viện này đã cung cấp một phần nhân sự khá quan trọng cho các giáo phận đang bị thử thách nghiêm trọng, nhất là các giáo phận ở Đàng Trong, khi đó gồm Đông Đàng Trong (Qui Nhon), Bắc Đàng Trong (Huế) và Tây Đàng Trong (Sài Gòn).
Ngay sau sắc chỉ cấm đạo năm 1833 của Minh Mạng, chủng viện Lái Thiêu bị đóng cửa, Đức Cha Taberd phải chạy trốn sang Thái Lan qua ngả Campuchia, đem theo khoảng 20 chủng sinh. Ngày 21-8-1834, ngài đến Penang cùng với 10 chủng sinh. Ngày 29-3-1835, một nhóm gồm 9 chủng sinh khác đến Penang. Sau khi được cử làm Đại diện Tông Tòa Đông Đàng Trong, Đức cha Cuénot trở thành người cung cấp chủng sinh nhiều nhất cho Chủng viện Penang. Nhóm đầu tiên (không rõ số lượng) được ngài gửi đi ngày 2-1-1836, kèm theo một lá thư hứa rằng sẽ gửi tiếp 8 hay 10 người nữa. Tháng 10-1839, thêm 14 chủng sinh Đông Đàng Trong được gửi sang Penang, hai năm sau đó, 23 người được gửi đi. Đức Cha Cuénot tiếp tục gửi các chủng sinh sang Penang: 18 người năm 1844, 14 người năm 1846, 16 người năm 1847 và 13 người năm 1848. Trong năm 1848 này, có tất cả 128 chủng sinh người Việt tại Penang thì có đến 78 người của Đông Đàng Trong, 44 người của Tây Đàng Trong và 6 người của Nam Đàng Ngoài (Vinh).
Hiện nay, Chủng viện Penang còn lưu giữ được bảng danh sách học viên từ năm 1840 đến năm 1960 (Alumni Collegii Generalis de Penang). Theo danh sách này, chúng tôi đã thống kê được số chủng sinh (CS) của các giáo phận Việt Nam được tu học tại Penang từ năm 1840 đến năm 1859 và số linh mục (LM) xuất thân từ đó như sau :
. Bắc Đàng Trong: 48 cs 31 lm
. Đông Đàng Trong: 135 cs 32 lm
. Tây Đàng Trong: 87 cs 19 lm
. Nam Đàng Ngoài: 33 cs 10 lm


Cộng 303 cs 92 lm


Như vậy, chỉ tính riêng từ năm 1840 đến năm 1960, bốn giáo phận của Việt Nam nêu trên đây đã gửi sang Penang 612 chủng sinh và nhận lại 238 linh mục. Số chủng sinh không làm linh mục phần lớn đã trở thành các giáo lý viên, một số khác đã được phong các chức nhỏ, đã bị bắt và chết vì đạo, như 8 đại chủng sinh trong danh sách 44 chứng nhân nêu trên.
Nhận định về vai trò của Chủng viện Penang, Đức Cha Cuenot (sau này là thánh nhân Tử đạo) năm 1841 khi gửi các chủng sinh sang đây tu học, đã viết cho Ban Giám đốc nơi đây rằng “ sự phong phú của giáo phận chúng tôi tùy thuộc nơi quý vị”. Cũng vị Đại diện Tông tòa này viết năm 1853: “Tôi cảm thấy có bổn phận, do công bằng, bày tỏ với quý vị và tất cả các linh mục tại Penang sự hài lòng và biết ơn về cách thức mà quý vị giáo dục những người trẻ chúng tôi gửi qua…”. Năm 1879, ĐDTT Đông Đàng Trong là Louis Galibert cho Ban Giám dốc Chủng viện Penang biết “ Tất cả các linh mục của giáo phận chúng tôi, trừ 4 người, đều xuất thân từ chỗ quý vị và chỉ trong vài năm nữa, tất cả các linh mục của chúng tôi đều từ Penang ra”. Năm 1884, khi giáo phận của mình đang bị bách hại, Đức Cha Marie Antoine Caspar, Đại diện Tông tòa Bắc Đàng Trong, gửi chủng sinh sang Penang với lời thư “ Chủng viện Penang thấy lại các gia đình trong cơn hoạn nạn. Chủng viện như một mẹ hiền đầy yêu thương, như một nơi trú ẩn sẵn sàng cho những ai cần đến”.


Nhưng Chủng viện Penang không chỉ đào tạo nhân sự cho các hoạt động truyền giáo vì nơi đây còn là chỗ xuất thân của một số nhà văn hóa Công giáo, trong đó, nổi bật nhất là Paulus Huỳnh Tịnh Của và Petrus Trương Vĩnh Ký. Trong bảng danh sách chủng sinh nói trên , chúng tôi thấy tên của Paulus Của ở số thứ tự 161, đến Penang học từ năm 1847 đến năm 1854; còn Petrus Ký mang số thứ tự 261, đến Penang lúc 16 tuổi và học ở đó từ năm 1852 đến năm 1858.
Ông Paulus Huỳnh Tịnh Của sinh năm 1834 tại Đất Dỏ, Bà Rịa. Sau khi tu học ở Penang trở về, năm 1861 ông được bổ nhiệm làm Đốc phủ sứ, làm Giám đốc Ty Phiên dịch văn án ở Soái phủ Sài Gòn. Năm 1865, ông thay Trương Vĩnh Ký làm chủ bút tờ Gia Định báo một thời gian. Ông có 17 tác phẩm, trong đó, đáng kể nhất là bộ Đại Nam Quốc âm tự vị. Đây là cuốn tự vị đầu tiên của Việt Nam, do người Việt biên soạn, gồm hai tập : Tập I, từ vần A đến hết vần L, in năm 1895, tập II từ vần M đến hết vần X, in năm 1896. Với các công trình này, ông Paulus Huỳnh Tịnh Của là một nhà văn hóa, một nhà ngôn ngữ học có những đóng góp quan trọng trong việc phát triển và truyền bá chữ quốc ngữ. Ông mất năm 1907. Bộ Đại Nam Quốc âm tự vị đã được Nhà xuất bản Trẻ in lại năm 1998.
Ông Petrus Trương Vĩnh Ký sinh ngày 6-12-1837 tại Cái Mơn, huyện Tân Minh, Vĩnh Long (nay thuộc huyện Chợ Lách, Bến Tre). Ông từng học ở chủng viện Cái Nhum và khi chủng viện này đời sang Pinalu , Campuchia, đầu năm 1851, ông cũng đi theo và năm sau, ông được gửi sang Chủng viện Penang. Năm 1860, ông làm thông ngôn cho Pháp, sau đó dạy học ở trường Thông ngôn. Năm 1863, ông theo sứ bộ Phan Thanh Giản sang Pháp để xin chuộc lại ba tỉnh miền Tây. Trong cuộc đời kéo dài cho tới khi mất ngày 1-9-1898, Trương Vĩnh Ký đã để lại một gia tài văn hóa đồ sộ, với hàng trăm tác phẩm về đủ chủng loại, từ khoa học, ngôn ngữ, địa lý, lịch sử, văn học. Ngoài ra, ông từng là chủ bút tờ Gia Định báo và viết trên nhiều tờ báo khác. Người Pháp xếp ông vào hàng “thế giới thập bát văn hào”, con học giả Nguyễn Văn Tố đánh giá ông là người “không những Hán học uyên thâm, Pháp học uyên bác, ông lại còn tinh thông các thứ chữ ở Viễn Đông như chữ Cao Miên, chữ Xiêm, chữ Lào, chữ Ấn Độ: thật là một nhà bác ngữ uẩn súc, nước ta chưa từng có bao giờ”. Nhiều sách vở đã viết về Trương Vĩnh Ký, nhiều hội thảo đã được tổ chức để đánh gia thân thế và sự nghiệp của ông và Nguyệt san Công giáo và Dân tộc cũng đã dành một số chuyên đề về nhân vật này, số 48, tháng 12-1998, nhân giỗ 100 năm của ông.
Một danh nhân công giáo khác có thể liên quan đến Chủng viện Penang là ông Nguyễn Trường Tộ. Theo Linh mục Trương Bá Cần, trong tác phẩm “ Nguyễn Trường Tộ, con người và di thảo” (NXB Tp. Hồ Chí Minh, 2002) thì giữa thế kỷ XIX, “các giáo sĩ người nước ngoài ở Việt Nam thường dùng thuyền buồm để đi lại hoặc cho người qua lại Hongkong, Singapore, Mã Lai (chủ yếu là Poulo Pinang, nơi có chủng viện miền Đông Nam Á). Do đó, việc Nguyễn Trường Tộ được các giáo sĩ người Pháp, đặc biệt là Giám mục Gauthier (về Xã Đoài nhận nhiệm vụ từ năm 1846), tạo điều kiện cho qua Hongkong, Singapore, Poulo Pinang… là điều có thể có” (sđd, trang 22). Tuy không thấy tên Nguyễn Trường Tộ trong danh sách nêu trên, chúng tôi đưa lại như một tồn nghi.


  1. Từ Chủng viện Miền đến Chủng viện giáo phận:


Trong hơn ba trăm năm tồn tại, Chủng viện này mang nhiều tên gọi. Về mặt đạo, tên gọi ban đầu là Chủng viện Thánh Giuse, sau được đổi thành Chủng viện Các Thiên Thần và sau năm 1988, khi 7 chứng nhân đức tin từng dạy và học ở Chủng viên được tôn phong Hiển thánh Tử đạo, Chủng viện được mang danh là Chủng viện Các Thánh Tử đạo. Nhưng mặt khác, Chủng viện này còn được gọi bằng các danh xưng bình dân khác như Chủng viện Đàng Trong (thời kỳ đầu ở Thái Lan, khi đa phần chủng sinh là người Đàng Trong), Chủng viện Constantin (gọi theo tên Constance Faulkon, người tài trợ cho chủng viện khi dời về Mahapram) hay Chủng viện Trung Hoa (thời kỳ đầu ở Penang khi toàn bộ chủng sinh là người Hoa). Nhưng mang bất cứ tên gọi nào, bản chất của chủng viện này vẫn là Chủng viện Miền, dành cho toàn vùng truyền giáo Châu Á do Hội Thừa sai Hải ngoại Paris đảm trách.
Từ đầu, chủng viện này nhận cả tiểu chủng sinh. Đến năm 1874, Hội thừa sai Paris đề nghị chuyển thành Đại chủng viện nhưng mãi đến năm 1920, điều này mới bắt đầu thực hiện và đến năm 1926, hoàn toàn chỉ có các đại chủng sinh.
Tháng 1-1942, Nhật chiếm Penang, Chủng viện phải tản cư lên địa sở mang tên Mariophile, cạnh làngTanjong – Tokong, cách Chủng viện chính 3 cây. Đây vốn là nơi nghỉ ngơi, tỉnh dưỡng ,tĩnh tâm và ôn học dành cho các Chủng sinh, được mua từ năm 1848. Tháng 2-1945, Nhật chiếm luôn chỗ này vì có địa thế cao, nhìn thẳng ra biển. Vết tích chòn lại của vụ chiếm đóng này là một súng đại bác đã rỉ sét, nằm trước sân, nòng hướng ra biển. Toàn thể chủng sinh lại phải di tản về ngôi nhà ban đầu tại Pulau Tikus. Cuối những năm 1930, số Chủng sinh là 130, trong thế chiến, có lúc chỉ con 6 người. Đến tháng 8-1945, khi hết chiến tranh, tất cả lại tề tựu về Chủng viện Miền (cơ sở chính). Con số tăng trở lại: Năm 1950 là 80 người, năm 1970 là 110 người. Đây cũng là thời điểm cuối cùng CV nằm dưới sự lãnh đạo của các thừa sai người Pháp. Tháng 7-1971, vị Bề trên người bản địa đầu tiên là Lm Achilles Choong. Ban giảng huấn cũng từ từ được thay thế bằng các giáo sư người Châu Á. Năm 1984, Chủng viện quyết định bán cơ sở chính ở trung tâm thành phố vì không đủ tiền sửa chữa. Nơi này biến thành Tổ hợp thương mại Gurney Plaza. Số tiến bán cơ sở này đươc dành cho việc xây ba chủng viện tại Malaisia, Singapore và Brunei. Công trình nâng cấp và mở rộng Chủng viện tại Mariophile hoàn thành cơ bản năm 1989 để đón nhận chủng sinh. Đợt xây dựng thứ hai được hoàn thành năm 1994 và được khánh thành ngày 4-10-1995, nhân kỷ niệm 330 năm thành lập Chủng viện Miền. Cũng từ đây, Chủng viện Penang trở thành Chủng viện của ba giáo phận của Malaisia (Kuala Lampur. Penang, Mel-Joh), có nhận thêm một số tu sĩ các Dòng.
Đây là một kết cục tất yếu vì các Giáo hội địa phương đã trở nên các Giáo hội độc lập và hầu như mỗi giáo phận đều có chủng viện riêng. Hơn nữa, khi các cơ hội giao thương mở ra, các chủng sinh được gửi tới đào tạo tại những chủng viện truyền thống và chất lượng cao hơn, như tại Roma, Paris…


Giữa tháng 12-2012, khi chúng tôi tới Penang, chủng viện chỉ còn 13 đại chủng sinh. Con số thật khiêm tốn, nhưng họ vẫn lạc quan. Tâm niệm của Chủng viện Penang hiện nay là “Trân trọng quá khứ, sống ngày hôm nay, hướng tới tương lai”.