PHẠM HỒNG-LAM
Alexandre de Rhodes và Giáo Hội việt nam (Bài IV)
Đi Pháp (1652-1654) Vận Động Gởi Giám Mục
Sau những nỗ lực không thành ở Roma, de Rhodes đi Pháp. Theo ông, Pháp là „vương quốc đạo đức nhất trần gian“ và ông hi vọng „ở đó tôi có cơ hội tìm được giám mục, họ sẽ là những người cha và thầy trong các giáo hội này“. Hơn nữa, lúc ở Roma, ông đã rõ, Roma chỉ có thể giúp ông được, khi ông đưa cho họ tên tuổi những ứng viên giám mục cụ thể cho Viễn Đông. Là vì ngoài những khúc mắc với Bồ-đào-nha liên quan tới chuyện bảo hộ, Roma rõ ràng không có nhân sự sẵn để cung ứng cho ông. Pháp là nơi có khả năng cung cấp nhân sự này nhất.
Ngày 11.09.1652 rời Roma. Ngày 28.01.1653 tới Paris.
Paris có nhiều thuận lợi hơn ở Roma. Nói chung, ở đây có rất nhiều người hăng hái trong việc truyền giáo, đặc biệt truyền giáo ở Việt Nam, kể cả trong các nhóm sinh hoạt tông đồ lẫn nơi các tu sĩ cùng dòng. Những gặp gỡ quan trọng và quyết định nhất là với linh mục Jean Bagot, một tu sĩ cùng dòng và gần ngang tuổi với ông, và với các nhóm trong Hội Đức Bà do Bagot hướng dẫn. Từ các nhóm này hình thành nên „Hội Những Người Bạn“ (Association d’Amis) năm 1650 và „Hội Thánh Tâm“ (Congrégation du Saint Sacrement). De Rhodes được Bagot đưa vào sinh hoạt trong các nhóm hội này và ông nhận được ở đây những đáp ứng tích cực cho nguyện vọng truyền giáo của mình. Từ các Hội trên, năm 1663 hình thành nên Chủng Viện truyền giáo Paris và „Hội Truyền Giáo Hải Ngoại Paris“ (Mission Étrangère de Paris), cũng gọi là „Hội Truyền Giáo Paris“. Hội là một cộng đoàn linh mục triều dấn thân cho việc truyền giáo dưới sự điều động của Bộ Truyền Giáo. Đại Diện Tông Toà François Pallu là người sáng lập Hội. De Rhodes không có vai trò trực tiếp nào trong việc lập này. Ông cũng không phải là người đưa ra sáng kiến về Hội. Song, nếu không có những xung lực tinh thần và truyền giáo của ông, chắc chắn đã không có Hội.
Nhưng quan tâm trước tiên của de Rhodes là tìm các ứng viên đại diện tông toà, để trình lên Bộ. Chưa đầy một tháng sau khi tới Paris, ông đã có thể trình về Bộ danh sách ba linh mục ứng viên: François Pallu, François de Montigny-Laval và Bernard Piques. Ba ứng viên cũng được sứ thần Noccolo de Bagni ở Paris báo tin cùng ngày cho Hồng Y Bộ Trưởng Pamphili. Chuyện chi phí tài chánh cũng được giải quyết: một nhóm người đứng đầu là nữ Quận Công d´Aiguillon, cháu của Richelieu, muốn tặng cho ba giám mục đầu tiên tại Đàng Trong và Đàng Ngoài một số tiền lớn.
Trong phiên họp ngày mùng 1 tháng 4, các hồng y của Bộ quyết định trình vấn đề cho Giáo Tông giải quyết.
Nhưng Bồ bằng mọi cách chống lại các thừa sai Pháp. Vua Bồ cho đại sứ tại Roma thông báo cho Giáo Tông biết, Bồ sẽ không bao giờ chấp nhận việc gởi giám mục vào vùng bảo hộ của họ, nhất là các giám mục đó lại là người Pháp. Như vậy đã rõ: không thể làm gì được trong thời Giáo Tông In-nô-xen-xô X; vị này mất ngày 7 tháng 1 năm sau đó.
Dù vậy, nhà dòng vẫn có chương trình gởi thêm thừa sai sang Việt Nam, và de Rhodes cũng hi vọng lại được sang đó. Nhưng mặt khác, ngay trước khi rời Roma, de Rhodes đã được Tổng Quyền cho biết, sau khi hoàn tất công tác tại Pháp, ông sẽ cầm đầu toán thừa sai mới sang Ba-tư, vì chuyện trở lại Việt Nam của ông giờ đây xem ra bế tắc. Một lí do bên ngoài của cuộc truyền giáo mới này là Maria Luisa de Gonzaga, nữ hoàng Ba-lan, đã tặng 20 000 đồng Gulden, để dòng Tên mở một sứ mạng mới tại Ba-tư. Dù vậy, trong thời gian ở Pháp de Rhodes vẫn nuôi hi vọng một ngày nào đó sẽ được trở lại Việt Nam. „Ngày đêm tâm trí tôi cứ than thở trông mong được trở lại đó, để gặp lại bao nhiêu Ki-tô hữu tốt, mà tôi đã bỏ họ ở lại“. Nhưng triều đình Bồ đã biết được các nỗ lực của de Rhodes tại Roma nên tìm cách loại bỏ ông. Vì thế, khi Vua João IV của Bồ yêu cầu Tổng Quyền dòng Tên gởi thêm thừa sai sang Ấn-độ, de Rhodes đã không có tên trong đoàn.
Đó là nỗi thất vọng kinh khiếp nhất trong cuộc đời của de Rhodes. Mà không chỉ thất vọng của riêng ông. Các bạn hữu và mạnh thường quân của ông cũng thất vọng không kém. Tissanier, cùng đoàn 25 tu sĩ dòng Tên trên thuyền từ Lissabon đi Viễn Đông ngày 23.03.1655, viết trong bản tường thuật của ông: „Nỗi đau duy nhất của chúng tôi là linh mục Alexandre de Rhodes không đi cùng; chúng tôi đã ước ao có ông như một người cha và người lãnh đạo trong cuộc hành trình quan trọng này“.
Những biến chuyển ở Việt Nam
Trong khi đó, cuộc truyền giáo ở Đàng Ngoài và Đàng nói chung vẫn tiếp tục phát triển với nhịp độ như trước. Các vua chúa vừa dung túng vừa bách hại tôn giáo mới này, nhưng không có đợt bách hại nào triệt để. Có sự khác biệt giữa Nam và Bắc: các đợt bách hại ở phía Nam rất nặng nề, trong khi phía Bắc khá êm dịu. Các thừa sai dòng Tên được phủ chúa có lúc biệt đãi, là vì không có họ thì không có giao thương với Bồ, có lúc họ bị kiểm soát và cách li, thỉnh thoảng cũng bị trục xuất. Trong lúc đó, các cộng đoàn ki-tô hữu không ngừng phát triển, đặc biệt nhờ nỗ lực hoạt động của các kẻ giảng.
Vương Quốc Đàng Ngoài ở phía bắc Việt Nam có nhiều Ki-tô hữu nhất. De Rhodes phải rời nước năm 1630. Nhưng chúa Trịnh Tráng đồng ý để cho các thừa sai khác tới. Ngày 7.3.1631 ba giáo sĩ người Bồ Gaspar do Amaral, Antonio de Fontes và Antonio Cardim cập bến Đàng Ngoài, cùng năm đó Maiorica người Ý cũng tới. Họ mang quà cho nhà chúa và tiếp tục truyền giáo. Trước khi tới, họ nghĩ rằng, sẽ phải đối diện với một tình trạng hoang tàn, sau thời gian vắng mặt các giáo sĩ. Nhưng tất cả đã ngỡ ngàng sung sướng, vì trong 10 tháng này các kẻ giảng đã rửa tội thêm 3340 người mới và dựng thêm 20 nhà nguyện. Như vậy, số tín hữu tăng lên từ 5600 đến 8940 người. Nhà chúa vui vẻ tiếp đón các giáo sĩ dòng Tên, cho phép họ ở lại trong Vương Quốc và giờ đây cả cho phép họ giảng đạo nữa. Nhà chúa chỉ cấm không được đập phá ảnh tượng cũ, điều mà các tín hữu đã làm vì quá nhiệt thành vì Đạo. Nhưng chẳng mấy chốc, chúa đâm ra nguội lạnh với các giáo sĩ, vì ông biết được, người Bồ cũng buôn bán với Đàng Trong. Ông gần như cho giam lỏng các giáo sĩ, họ không được rời khỏi Hà Nội. Từ đây, các linh mục không còn tập trung tín hữu lại chung quanh mình nữa, công việc mục vụ của họ phải di chuyển từ nhà này sang nhà khác.
Nhưng rồi tình thế yên ắng trở lại. Một thời kì yên tĩnh bắt đầu, kéo dài hơn một phần tư thế kỉ cho tới 1658. Lượng tín hữu vẫn gia tăng không ngừng. Năm 1639 có khoảng 82.500, năm 1640 tăng lên 100.000 người. Linh mục Tissanier còn khẳng định, khi ông tới vào năm 1658 thì đã có tới 300.000 Ki-tô hữu. Năm 1650 ở Roma, de Rhodes đã nói tới con số 300.000 trên hai miền Nam Bắc. Những con số này dĩ nhiên là quá đáng. Với dân số Đàng Ngoài thời đó vào khoảng hơn 4 triệu, thì tỉ lệ người công giáo như thế cũng bằng ngày nay, nghĩa là từ đó tới nay, lượng tín hữu công giáo chỉ tăng nhờ sự sinh đẻ tự nhiên mà thôi. Hơn nữa, một trăm năm sau, năm 1753, có số liệu cho thấy Đàng Ngoài chỉ có độ 200.000 Ki-tô hữu. Dù sao, thời kì đó vẫn được Tissanier, tới Việt Nam năm 1658, coi là giai đoạn hoàng kim:
„Giáo Hội Đàng Ngoài thời đó như một thiên đường, trong đó Ki-tô hữu sống hồn nhiên, đến nỗi chính những kẻ thờ tà thần phải thán phục và buộc phải công nhận điều các thừa sai giảng là lề luật rất thánh, không được phép coi thường. Chỉ cần nhìn vào cách sống của bổn đạo chúng tôi, những người ngoại cũng sẵn sàng bỏ tà thần của họ và nhận lấy đức tin, chẳng cần phải nói năng gì nhiều hoặc phải tin vào hiệu năng của phép lạ… Nhưng giai đoạn hoàng kim này không còn kéo dài sau ngày tôi đến…“.
Thời gian này có 6 tới 7 giáo sĩ dòng Tên cùng hoạt động ở Đàng Ngoài, cao điểm vào năm 1647 với 11 giáo sĩ cùng một lúc. Nhưng khi chúa Trịnh Tạc (1657-1682) lên, tình hình thay đổi. Năm 1658 chúa trục xuất tất cả các giáo sĩ ra khỏi vương quốc của ông. Chỉ còn lại vị bề trên người Thuỵ-sĩ Onufrius Bürgin (Borges). Ông này có mặt từ 1645, được ở lại trong phủ, nhưng không được đi đây đó ra ngoài và không được nhóm họp các bổn đạo. Để khỏi phải sống một mình, ông xin cho Tissanier, vừa tới trong năm này, cũng được ở lại. Cả hai ở lại trong kinh đô, nhưng âm thầm phái kẻ giảng, lúc này có 30 người, đi tới những nơi vẫn sinh hoạt. Tình hình khá lên dần. Nhưng năm 1663 cả Borges lẫn Tissanier phải rời nước, chỉ vì không có thuyền buôn Bồ nào cặp bến. Chỉ tới 1669, có ba giáo sĩ vào nước trở lại.
Tình trạng ở vương quốc phía nam ngặt nghèo hơn nhiều. Ở đây, ngay 1644 đã bắt đạo với án tử đầu tiên cho kẻ giảng An-rê. Năm 1645 có thêm hai vị tử đạo, và de Rhodes bị trục xuất với lời cảnh cáo, nếu trở lại sẽ bị giết tức khắc. Nhưng dòng Tên ở Ma-cao quyết định sẽ gởi tới các giáo sĩ mới. Tháng hai 1646 giáo sĩ Metello Saccano và Balthasar Caldeira tới. Họ mang theo quà cho chúa Nguyễn Phúc Lan và được ông cho phép ở lại. Nhưng phép này đã bị rút lại không lâu sau đó, với lí do, trước đó một năm chính quyền đã long trọng quyết định không để cho bất cứ một thầy đạo Hoa Lang nào được lưu lại trên đất nước. Chỉ có giáo sĩ Saccano được tạm dung ở lại, vì khả năng tiếng Việt của ông yếu. Còn Caldeira giỏi tiếng Việt thì phải rời nước. Trong lúc đó, các kẻ giảng đã rửa tội thêm được 200 người. Saccano trẩy đi Hội An, sống trên một con thuyền và gặp gỡ bổn đạo ngay trên sông nước. Hầu hết bổn đạo tới với ông vào ban đêm, ban ngày ông ẩn trốn trên thuyền. Cuối 1646 giáo sĩ Carlo della Rocca tới. Nhưng ông và Saccano lại bị trục xuất vào cuối năm 1647. Từ 1652 tới1654 Saccano lại xuất hiện trong nước cùng với Pedro Marques-Ogi, một người lai Nhật. Nhưng Saccano bị trục xuất năm 1654, còn Marques-Ogi lẫn tránh ở lại cho tới 1664. Năm 1654 số tín hữu được ghi nhận là 50 000. Năm 1657 có thêm Francisco Rivas là bề trên của nhóm. Nhờ khả năng toán học và thiên văn, ông được lòng chúa Nguyễn Phúc Tân (1648-1687). Rồi thêm hai giáo sĩ nữa tới. Nhưng những đợt bắt đạo vẫn tiếp tục và căng thẳng. Tình hình trở nên tồi tệ trong những năm 1662-1665 với 47 án tử. Cho tới đó, các án tử chỉ áp dụng cho kẻ giảng bản xứ, chứ chưa áp dụng cho các thừa sai, vì người ta còn kính nể khả năng chuyên môn của họ và đàng sau họ còn có thế lực của Bồ chống đỡ. Nhưng năm 1665, mọi giáo sĩ Đàng Trong đều bị đuổi, Đàng Ngoài đã thực hiện chuyện này trước đó hai năm.
Roma gởi giám mục và những tranh chấp với dòng Tên
Một biến cố quyết định: Giáo Tông A-lê-xăng-đrô VII (1655-1667) lên thay In-nô-xen-xô X vào năm 1655. Vị Giáo Tông mới yêu cầu Bộ Truyền Giáo tiếp xúc với „Hội Linh Mục Pháp“ ở Paris để tìm ứng viên giám mục cho Viễn Đông. Ngoài Pallu, người trước đây được các bạn bè trong „Hội Những Người Bạn“ tiến cử, người ta tìm thêm Lambert de la Motte; ông này nhận chức linh mục từ 1655 và được dự trù gởi đi truyền giáo tại Ca-na-đa. Ngày 29.07.1658 Pallu và de la Motte được cử làm đại diện tông toà (giám mục). Bài sai của họ như sau: Pallu đặc trách Đàng Ngoài, Lào và 5 tỉnh phía tây Trung-hoa; de la Motte đặc trách Đàng Trong, Hải Nam và vài tỉnh phía nam Trung-hoa. Bồ phản đối gay gắt sự đề cử.
Hai vị đại diện sang Viễn Đông với huấn thị nói lên chương trình và ý định của Bộ Truyền Giáo. Ngay từ thế kỉ 20, mấy câu sau đây của huấn thị luôn được trích dẫn như một đại hiến chương (Magna Charta) về chủ trương hội nhập trong truyền giáo:
„Đừng tìm mọi cách làm thay đổi văn hoá (phong tục tập quán) của các dân tộc đó, nếu như những thứ đó rõ ràng không mâu thuẫn với tôn giáo và đạo đức. Là vì không có gì phi lí hơn là đưa văn hoá của nước Pháp, Tây-ban-nha, Í-đại-lợi hay bất cứ của một nước âu châu nào sang cắm trên đất Trung-hoa! Ngài không phải là người chuyển mang văn hoá chúng ta, nhưng chuyển mang đức tin, nên không được phá hoại các truyền thống văn hoá của bất cứ một dân tộc nào, nếu đó không phải là những điều xấu, song trái lại phải gìn giữ chúng“.
Những câu này nằm trong một chương trình chung xoay quanh mấy điểm căn bản sau: Góp nhặt thông tin rộng rãi, thắt chặt các điểm truyền giáo và các tín hữu mới với Roma. Nhắm tới đào tạo hàng giáo sĩ bản xứ (và mục tiêu xa là tạo một hàng giáo phẩm bản xứ), cố gắng bằng mọi cách đứng xa chính trị và những kẻ quyền lực chính trị [1] và cố gắng tránh những xung đột không cần thiết [2]. Về lời cảnh cáo không nên gần gũi những kẻ quyền lực, bài sai ám chỉ các giáo sĩ dòng Tên, đặc biệt ở Trung-hoa. Nhưng đúng hơn, đây là lời cảnh tỉnh cho trường hợp ở Nhật. Còn lời khuyên nên có thái độ hoà dịu, khiêm tốn khi xuất hiện, tìm mọi cách tránh xung đột (trong khung cảnh này cũng là lời khuyên nên tôn trọng phong tục và văn hoá bản xứ), thì với những gì xẩy ra về sau này, ta phải tự hỏi, không hiểu các đại diện tông toà có đọc kĩ huấn thị không, dù rằng lỗi chẳng phải bao giờ cũng do một phía mà ra.
Hai đại diện tông toà tới Việt Nam vào một thời điểm, trong đó cuộc xung đột giữa hai vương quốc đạt tới cao điểm, và chẳng ai trong họ tới được Đàng Trong hoặc Đàng Ngoài. De la Motte lên thuyền khởi hành năm 1660. Thoạt tiên, ông chỉ tới được Ayuthia, thời đó là kinh đô của Xiêm (Thái-lan ngày nay). Ở đây có một cộng đoàn quốc tế có cả người Việt. Trong số người Việt có một nhóm khoảng 40 Ki-tô hữu. „Siam mở rộng cửa cho mọi người ngoại quốc. Ở đây có người Bồ, Anh, Hoà-lan, Hi-lạp, Armenien, Trung-hoa, Ấn-độ và vài trăm Ki-tô hữu người Việt và Nhật, đa số trong họ tới đây để tránh các cuộc bắt đạo ở bản quốc. Như vậy, Xiêm là chỗ dừng chân chờ đợi cho các nhà truyền giáo Pháp, khi họ đang bị cấm cửa rất kĩ ở Việt Nam. Hoàn cảnh chính trị trên cả hai miền nam bắc Việt Nam không thuận lợi tí nào: những cuộc bắt đạo vẫn tiếp diễn và cảnh nội chiến vẫn chưa dứt. Ở Ayuthia, năm 1663 xẩy ra cuộc đụng độ trầm trọng giữa de la Motte một bên và bên kia là dòng Tên và người Bồ. Một bên cố chiếm giữ quyền bảo hộ, và một bên là cá tính của de la Motte: vừa bước lên đất, ông nghĩ ngay, mình có thể giải quyết được những khó khăn truyền giáo và tỏ lộ quyền bính một cách thái quá. Về mặt đạo, ông không có quyền gì trên đất Xiêm, nhưng ông lại xuất hiện như kẻ quyền thế. Ngay 1663 ông xét lại khả năng hiểu biết của 40 bổn đạo việt và khẳng định, chẳng có ai trong họ đủ kiến thức giáo lí để được rỗi linh hồn cả. Ngày 11.07.1663 ông gởi thư yêu cầu Bộ thay thế tất cả các thừa sai bằng người của Bộ, để tránh những khó khăn mà ông đã và đang gặp với các dòng tại đây, đặc biệt là dòng Tên. Cuối cùng, ngày 13.10.1663 ông xin từ chức, vì không thể chịu nổi gánh nặng và các khó khăn chồng chất nữa. Rồi cộng đoàn ở Ayuthia bể ra làm hai; bổn đạo người Việt cưu mang de la Motte, dựng cho ông một nhà nguyện, trong lúc người Bồ và dòng Tên ở phía bên kia sông tìm cách chống lại ông. Năm 1664, ông gởi tổng đại diện của mình là Louis Chevreuil đến gặp các giáo sĩ dòng tên tại Hội An, để thúc đẩy họ và giáo hữu bản xứ công nhận quyền của ông và để chuẩn bị cho một số kẻ giảng nhận chức linh mục. De la Motte là người chật hẹp, thiếu tự tin và chỉ nghĩ tới quyền bính. Hơn nữa, ông không tán thành việc dòng Tên cho phép bái và đốt nến trước bài vị trong lễ gia tiên, việc dòng Tên rắc muối lên trán thay vì lên miệng, khi làm phép rửa cho phụ nữ, và việc chỉ xức dầu trên trán và tay người phụ nữ khi ban phép xức dầu. Nhưng đấy là những điểm lịch sự tế nhị ở Viễn Đông mà dòng Tên đã cẩn thận lưu giữ, trong khi các thừa sai của Bộ chỉ biết tuân theo „nghi lễ Roma“ mà thôi. Nguyên tắc ứng xử của Bộ cũng như huấn thị năm 1659 dạy cần thích ứng với các „phong tục“. Mà những phong tục này đâu có đi ngược lại đức tin, cũng chẳng làm biến cải giáo luật hay nghi lễ phụng vụ. Tháng 3.1665 Chevreuil bị trục xuất trong một đợt gia tăng bắt bớ. Trong cùng năm, một linh mục khác trong đoàn của de la Motte, Antoine Hainques, đã thuyết phục được các kẻ giảng ở Đàng Trong chấp nhận quyền bính của vị đại diện tông toà và đưa được vài kẻ giảng sang Ayuthia chuẩn bị phong linh mục, và họ đã được phong vào năm 1668. Còn Giáo Tông thì không chấp nhận đơn từ chức ngày 13.01.1665 của de la Motte; cũng không trao cho ông này quyền cai quản trên toàn cõi Xiêm, như de la Motte đề nghị – Xiêm lúc đó thuộc quyền Malacca – mà chỉ giao thêm cho ông quyền trên Chàm và Căm-bốt mà thôi.
Năm 1664, sau một hành trình vô cùng vất vả và phiêu lưu, Pallu cũng tới được Ayuthia. Ông phải lưu lại mãi ở trạm cuối này, không tới được Đàng Ngoài là lãnh địa pháp lí của mình, vì ở đó đang có những đợt bắt đạo. Nhưng cuối 1664, hai đại diện tông toà cùng với bốn thừa sai Paris đã nhóm một „công nghị“ và cho ra đời „Những huấn thị cần thiết nhất để hành xử đúng những nhiệm vụ tông đồ“. Tài liệu này được in năm 1669 ở Paris dưới tên „Monita ad missionarios”. Nó sẽ là một tài liệu căn bản thêm cho các thừa sai của Bộ Truyền Giáo. Nhưng tài liệu này cho thấy, người ta không chấp nhận phương pháp do dòng Tên áp dụng, đặc biệt ở Trung-hoa. Nó không đồng ý việc nhà thừa sai dùng uy tín và khả năng riêng của mình, vì đó không phải là cung cách phù hợp để rao giảng Tin Mừng. Lí luận của Monita: khi sử dụng các từ ngữ „khôn ngoan của trần thế”, người ta sẽ biến thông điệp Thập Giá ra vô nghĩa. Monita còn nói rõ hơn về việc từ chối dùng khoa học thế gian làm trợ cụ rao giảng:
“Vì Đức Ki-tô và các tông đồ tuyệt đối không dùng tới những phương pháp đó, nên chúng ta cũng phải tránh hoàn toàn hoặc phải thật cẩn thận khi dùng chúng. Thiên văn học và các khoa học tự nhiên khác là những thứ thuộc loại đó. Hội họa cũng như các khả năng kĩ thuật-thủ công là những thứ thuộc loại đó. Những thứ đó chỉ làm mệt nhà truyền giáo chứ chẳng giúp gì họ. Bỏ công tìm hiểu những thứ đó làm mất hết thì giờ cầu nguyện và làm việc tông đồ… Đôi khi điểm này lại đưa tới tác dụng ngược: Các nhà thừa sai càng nỗ lực tỏ khả năng thần tình của mình trong các lãnh vực đó, để được chính quyền ngưỡng mộ mà cho phép giảng đạo, thì chính vì sự vượt trội đó, họ bị nghi ngờ và ngay cả hoàn toàn bị từ chối về mặt con người”.
Ở đây cho thấy có sự khác biệt trong quan niệm truyền giáo, mà cả de Rhodes có lẽ cũng không tán đồng. Nhưng nếu không nắm vững những điểm này, thì không thể hiểu được những đôi co tranh cãi; cũng như ngược lại, những tranh cãi pháp lí về Bảo Hộ lại càng làm nóng thêm các mâu thuẫn „ý hệ”. Cả hai yếu tố ảnh hưởng lên nhau. Thêm vào đó, dòng Tên đang ở trong một tình thế khó khăn, vì họ bị kẹt giữa một bên là Bảo Hộ và bên kia là Bộ Truyền Giáo.
Mâu thuẫn tranh chấp cứ thế tiếp tục. Giáo sĩ Tissanier, lúc này ở Ayuthia, viết ngày 07.11.1670 về de la Motte: Giám mục Beirut này (Beirut là tên hiệu toà giám mục của ông) xuất hiện ở đây như là một giám mục có quyền trên toàn miền, mà chẳng có được giấy tờ minh chứng nào của Giáo Tông; ông truyền chức linh mục mà chẳng xin phép ai; ông tuyên bố trong nhà thờ của ông rằng, việc giải tội của các linh mục dòng Tên và Đa-minh là bất thành.
Năm 1671 de la Motte tới được Hội An. Các giáo sĩ dòng Tên coi ông là người đột nhập bất chính, nên tẩy chay công nghị do ông triệu tập năm 1672. Rồi ông lại rời Hội An, để lại vị Tổng Đại Diện (Claude Guiart) của mình. Mâu thuẫn tiếp tục. Hai phía gởi ra những lá thư chung cho tín hữu bản xứ để xác định quyền bính của mình và phủ nhận các bí tích do phía bên kia trao ban. Năm 1675 hai bên dứt phép thông công nhau, và án này chỉ được chấm dứt, sau khi Roma thúc ép dòng Tên phải công nhận quyền bính của Đại Diện Tông Toà vào năm 1677.
Năm 1666 de la Motte thành công gởi được đại diện mình là François Deydier tới Đàng Ngoài. Ông này chẳng gặp một giáo sĩ dòng Tên nào ở đây, vì tất cả đã bị trục xuất. Nhưng ông đã gặp tín hữu bản xứ; họ mừng rỡ vì được gặp lại một linh mục, và có kẻ đã mất 15 ngày đường để về nhận các phép bí tích. Deydier đã gặt hái ở đây được nhiều thành công hơn ở Đàng Trong. Các kẻ giảng tuân phục quyền của Đại Diện Tông Toà. Deydier mang theo nhiều ứng viên linh mục về lại Ayuthia.
Nhưng năm 1669 ba vị dòng Tên trở lại. Họ nhân danh quyền bảo hộ của Bồ để phủ nhận quyền bính của Đại Diện Tông Toà. Fuciti, bề trên của nhóm mới tới lúc đó cho hay, sẵn sàng làm việc ngang hàng với các thừa sai Paris, nhưng không chấp nhận vai trò tổng đại diện của Deydier, vì chính ông đã được giám mục Ma-cao cử sang đây với tư cách là một tổng đại diện. Thoạt tiên, ông phủ nhận tính xác thực của các tài liệu của Giáo Tông (bài sai của de la Motte), nhưng sau khi không phủ nhận được nữa, ông quay ra phủ nhận quyền của Giáo Tông, vì các giáo tông trước đây đã trao cho Bồ-đào-nha quyền bảo hộ trên toàn Á Đông và hơn nữa theo pháp lí Đàng Ngoài thuộc giáo phận Ma-cao. Năm 1670 giám mục de la Motte đã có thể phong chức linh cho 7 kẻ giảng; sau đó ông cùng với 7 tân linh mục và 3 thừa sai người Pháp khác tổ chức một công nghị. Họ đi tới những quyết định chính như sau: mọi quy định của giáo luật phải được thi hành đầy đủ, phải dạy cho bổn đạo nắm vững các giới răn của Giáo Hội và khi làm phép rửa phải xức dầu đầy đủ.
Cùng năm đó, de la Motte lập dòng Mến Thánh Giá như một hội đoàn tông đồ trực thuộc các giám mục. Sáng kiến này có tầm quan trọng lớn, có thể sánh được với việc lập Hội Kẻ Giảng của dòng Tên.
Nhưng ngay trong năm 1670, de la Motte lại rời Việt Nam, trong lúc đó Deydier bị giam giữ suốt hai năm. Năm 1671 Marini tới Đàng Ngoài, giờ đây với tư cách giám tỉnh miền Nhật-bản. Ông mang theo một sắc chỉ của Giáo Tông A-lê-xăng-đrô VII viết năm 1665 công nhận quyền của dòng Tên. Dựa vào văn bản này, dòng Tên biện minh cho sự độc lập của mình đối với Đại Diện Tông Toà (lối hiểu này đã bị Clê-men-tô X rút lại vào năm 1673). Như vậy cũng có nghĩa là đã xẩy ra li giáo. „Nếu quan tâm tới những buộc tội của cả hai phía, người ta phải nhìn nhận rằng, không những các bí tích do bên này ban đối với bên kia là bất thành, mà ngay cả những người đã chịu phép rửa cũng phải rửa lại”. Cảnh phân li đã chấm dứt năm 1677, khi dòng Tên được Roma ra tín hiệu buộc phải công nhận quyền bính của Đại Diện Tông Toà.
Mâu thuẫn vẫn tiếp tục. Rốt cuộc, năm 1680 Bộ Truyền Giáo phải ra lệnh rút hết mọi giáo sĩ dòng Tên ra khỏi cả hai miền Việt Nam. Trong lúc đó dòng Tên vẫn tuân thủ quyết định của các cơ quan công quyền Bồ. Rồi Giáo Tông In-nô-xen-xô XI (1676-1689) lại rút lại lệnh trên, do đó năm 1692 dòng Tên lại có mặt ở Đàng Trong và Đàng Ngoài. Suốt thế kỉ 18 mâu thuẫn giữa các đại diện tông toà và các dòng (giờ đây không chỉ với dòng Tên, mà cả với dòng Đa-minh nữa) vẫn tiếp tục kéo dài.
Bỏ ra ngoài các mâu thuẫn thuộc nguyên tắc và các khó khăn thông tin vì đường xa cách trở, ta cũng phải kể đến những lỗi vi phạm nguyên tắc thông tin. Lẽ ra người ta phải hiểu, đối với dòng Tên, ngoài quyền bảo hộ của Bồ ra, chỉ cần vị Tổng Quyền nói một tiếng là mọi chuyện được giải quyết; và lẽ ra người ta phải liên hệ với vị này sớm, để buộc các giáo sĩ của họ tuân phục các đại diện tông toà hoặc để giải toả cho họ những khúc mắc về mặt pháp lí.
[1] „Hãy đứng thật xa chính trị và những công việc của chính quyền, để đừng vì những yêu cầu tha thiết mà mềm lòng nhận cho mình những chức vụ công… Ngài phải biết rằng, khi dây dưa hoặc để dây dưa vào những chuyện đó, dù với hi vọng qua đó chắc chắn được dễ dàng mở rộng đạo Chúa và đức tin hay cũng vì vậy mà Đạo bị tổn hại và các thừa sai bị trục xuất, là ngài đã đẩy Bộ Truyền Giáo vào cái thế vô cùng khó khăn. Cũng đừng vì thấy các dòng khác làm mà mình phải theo. Trái lại, ngài phải làm gương cho họ, để họ và các dân tộc qua ngài mà hiểu được quan điểm của Toà Thánh về chuyện này: là vì Lời Chúa không được gieo vãi bằng những phương tiện giả tạo đó, nhưng bằng tình yêu, coi thường việc thế gian, bằng cuộc sống khiêm nhu và chừng mực, bằng kiên nhẫn, cầu nguyện và bằng các đức tính khác của người tông đồ… Khi các vua chúa cần lời khuyên của ngài, ngài chỉ trả lời sau khi được họ hỏi đi hỏi lại nhiều lần và sau khi nói cho họ biết về sự cấm đoán của Toà Thánh và chỉ trả lời về những gì liên quan tới chuyện công bằnh và chuyện đời đời mà thôi; và rồi phải tìm cách rời khỏi cung đường ngay… Mà nếu như phải tiếp tục ở lại đó, thì phải nói ngay là ngài không hiểu gì chuyện chính trị và chẳng thích hợp một tí nào cho những chức vụ công, để nhờ đó có thể mau chóng thoát ra khỏi vùng nguy hiểm“.
[2] „Khi thi hành những công tác được giao phó của Bộ, nếu gặp những trường hợp quá rắc rối có thể gây phẫn nộ, thì bằng mọi cách phải tránh sử dụng vũ lực, tránh đe doạ hình phạt của Giáo Hội, tránh tạo phân rẽ, làm cho người ta bực bội và xa lánh; ngài nên chờ, nên thông cảm với những yếu đuối của các bổn đạo mới và hãy tạm đình chỉ công việc, báo cho Bộ biết thật chi tiết chuyện liên quan và đợi Bộ trả lời nên làm gì…Đừng bao giờ ngã theo phe nào, dù là phe Tây-ban-nha, Pháp, Thổ-nhĩ-kì, Ba-tư hay bất cứ một phe nào khác; trái lại nên tìm cách thắng vượt mọi phân rẽ… Nếu có bất đồng giữa quý ngài hoặc giữa những người của ngài, thì đừng tranh cãi lớn tiếng hoặc gây gương xấu, nhất là trước mặt dân chúng; nếu tự mình ngài không giải quyết được xung đột, hãy báo về cho Bộ hay; và quan điểm của Bộ luôn như sau: những ai không có khả năng đối thoại và làm việc chung, cứ nằng nặc đòi quyền cho mình, thì đó là những người sai; còn những ai chấp nhận mình thua thiệt để khỏi làm tổn thương kẻ khác là những người đúng“.