Phóng sự điều tra về vụ khủng bố dịp tháng 12 vừa rồi tại Berlin (1)

Một Cuộc Khủng Bố Có Thể Xẩy Ra“ (I)
  
Các cơ quan chính quyền đức biết rất nhiều về Anis Amri. Hẳn là biết mọi chuyện. Dù vậy vẫn không ngăn được cuộc mưu sát ở Berlin. Một chiếc xe tải đâm vào chợ giáng sinh làm mười hai người chết. Bài viết cho thấy chính quyền nước Đức đã thất bại ra sao. Nó cũng cho thấy cái giá phải chấp nhận của một nhà nước pháp quyền và tôn trọng con người.
Phóng sự của Mohamed Amjahid, Daniel Müller, Yassin Musharbash, Holger Stark, Fritz Zimmermann cùng với cộng tác viên Sebastian Mondial. Tuần báo Die Zeit, số 15 (06.04.2017). Người dịch: Phạm Hồng-Lam.




Ngày 17.02.2016 mười bảy người đàn ông đàn bà họp kín tại Berlin-Treptow. Họ trao đổi về nguy cơ khủng bố ở Đức. Nếu như cuộc họp của họ đã diễn ra cách khác, thì mười hai mạng người có lẽ đã không chết.
Cuộc họp bắt đầu từ 10 giờ 30 sáng, trong một toà nhà trại lính cũ của nước Phổ trước đây, lầu hai, phòng A242, một phòng họp ẩn danh. Đây là trung tâm làm việc của cơ quan chống khủng bố của Đức, gọi tắt là GTAZ (Gemeinsames Terrorismusabwehrzentrum), hình thành sau biến cố 11.09.2001: một địa điểm chung cho mọi cơ quan săn đuổi khủng bố ở Cộng Hoà Lien Bang Đức. GTAZ là trái tim và bộ óc của Đức chuyên về chống khủng bố. Các công chức này có quyền ra những quyết định liên quan tới việc sống hay chết của một người nào đó. Họ đưa ra và xét duyệt danh sách những tay khủng bố tiềm ẩn. Một trong số những người được bàn tới sáng hôm đó có tên là Anis Amri.
Amri 24 tuổi, một người tị nạn từ Tunisie; các hình chụp trong các hồ sơ cho thấy đó là một thanh niên mới lớn có tóc đen và quăn. Amri đã cùng với hàng trăm ngàn người từ các nước ả-rập tới Âu châu xin tị nạn trong những năm qua, đa số họ đều là những người hiền hoà. Còn Amri thì không phải như vậy? một tay khủng bố? Đó là câu hỏi đặt ra cho phiên họp hôm nay.
Trước đó mấy ngày một liên lạc viên ở tiểu bang Nordrhein-Westfahlen (NW) cho hay, Amri đang rủ đồng đạo „cùng với nó tổ chức khủng bố“ và hắn đang tính chuyện mua „súng liên thanh nòng lớn“ ở Pháp; Amri nói: „Chúng giết người muslim hàng ngày, vậy ta cũng phải giết lại“.
Trong buổi họp hôm đó cũng có sự hiện diện của bốn cảnh sát hình sự của tiểu bang NW (LKA). Họ hoang mang. Họ tin vào lời của liên lạc viên. „Theo những hiểu biết hiện tại thì Amri sẽ kiên trì đeo đuổi các kế hoạch mưu sát về lâu về dài của nó“, các nhân viên cảnh sát đã ghi lại trong sổ riêng của mình như thế sau khi kết thúc họp.
Các đổng nghiệp của họ thuộc cơ quan cảnh sát hình sự liên bang (BKA) thì điềm tĩnh hơn trước những thông tin đó. Cuộc họp kết luận với nhau, đây là „sự việc nghiêm trọng phải quan tâm“. Nhưng sau đó hình như BKA đã đưa ra lượng định như sau: „Việc xẩy ra một biến cố nguy hiểm theo kế hoạch mưu hại của Amri“ được coi là „ít có khả năng xẩy ra“. Nghĩa là sự việc không nguy hiểm. Lượng định này từ đây sẽ là quan điểm chính thức của GTAZ. Bản lượng định dài năm trang, ghi ngày 29.02.2016 và vẫn là một „tài liệu mật“ cho tới hôm nay. Hai cơ quan, hai lối nhìn khác nhau.
Bi kịch là ở chỗ, quan điểm sai này đã thắng thế – nó chẳng bao giờ được xét lại.
Nhưng lượng định của NW gần thực tế hơn. Mười tháng sau, ngày 19.12.2016, Amri đã bắn chết một anh tài xế xe tải người ba-lan, cướp xe, lái đâm vào chợ hài đồng ở Breitscheidplatz và gây nên một cuộc tắm máu. Mười hai người chết. Amri hành động nhân danh „Quốc Gia Hồi Giáo“ (IS).
Với cuộc khủng bố này, nước Đức chấm dứt một thời kì tương đối an lành. Trong lúc ở Anh, Tây-ban-nha, Pháp, Bỉ, bom khủng bố liên lục nổ và quân khủng bố bắn loạn xạ hoặc cho xe tông vào đám đông, thì ở nước Đức may mắn đã không xẩy ra những cảnh đó. Cũng đã có những kế hoạch mưu sát như của nhóm ở Sauerland, nhóm này dự tính cho nổ ở phi trường Frankfurt. Cũng có một tổ khủng bố dự định thẩy lựu đạn vào Bảo Tàng Viện của người do-thái ở Berlin. Và thành viên của Al-Kaida dự tính cho nổ bom ở Düsseldorf. Nhưng tất cả những dự tính đó đã được GTAZ, cũng những buổi họp trong phòng A242 này, kịp thời tháo kíp nổ.
Những cái chết ở công trường Breitscheidplatz đã lấy đi sự thoải mái của người dân (…) Niềm tin của họ vào khả năng chống khủng bố giờ đây bị rúng động. Hệ thống an ninh tinh vi với 36 cơ quan cảnh sát và mật vụ riêng rẽ đã không còn là giải pháp tối ưu nữa. Với hệ thống này nhà nước đã thất bại trước trường hợp Amri.
Tại sao cuộc khủng bố đó lại có thể xẩy ra? Và làm thế nào để ngăn ngừa chuyện như thế trong tương lai?
Suốt ba tháng trời một nhóm phóng viên của ZEIT đã bỏ công tìm hiểu sự việc. Họ sang Tunisie tìm tới gia đình của Amri, sang Ý tới nơi Amri đặt chân lên Âu châu lần đầu tiên, sang Ba-lan dự đám tang của anh tài xế Lukasz Urban. Họ đã đọc và thẩm định hàng ngàn trang biên bản điều tra, biên bản theo dõi và những nhận xét của các cơ quan mật vụ ở Đức cũng như ở Tunisie; chính quyền Tunisie tỏ ra âu lo vì họ biết Amri có liên lạc với IS. Ngoài ra các phóng viên cũng nói chuyện với Bộ Trưởng Nội Vụ Liên Bang Thomas de Maizière, với Bộ Trưởng Nội Vụ bang Nordrhein-Westfahlen là Ralf Jäger và với các nhân viên điều tra thuộc tiểu và liên bang, nhiều người trong số này đã có mặt trong những cuộc họp quyết định.
Việc tìm hiểu của các phóng viên cho thấy hình ảnh của một bộ máy an ninh vốn được tổ chức lại sau biến cố 11.09.2001, nhưng cấu trúc của nó chẳng còn hợp với ngày nay nữa.
Sáng ngày 18.02.2016, đúng hôm có buổi họp GTAZ, Anis Amri khoác lên vai hai túi xách đầy đồ đạc của mình, mua một vé xe bút rời Dormund đi Berlin. Khi xe rời Dormund, cảnh sát NW thông báo và yêu cầu đồng nghiệp mình ở Berlin kín đáo theo dõi tiếp. Nhưng Berlin có quyết định khác: Họ bắt Amri ngay tại bến xe bút trung ương, đưa vào cơ quan hình sự lăn tay và tịch thu điện thoại. Cảnh sát NW bực mình. Vì Amri giờ đây biết mình đã lộ.
Đối với những đối tượng được liệt vào danh sách „nguy hiểm“, nghĩa là những người có khả năng gây bạo động như Amri, thì trách nhiệm theo dõi là cảnh sát hình sự tiểu bang (LKA) nơi đương sự ở, chứ không phải cảnh sát liên bang (BKA), có nghĩa là lúc thì cảnh sát Nordrhein-Westfahlen lúc thì cảnh sát Berlin, tùy nơi có mặt của Amri.
Amri thay đổi chỗ ở luôn. Từ tỉnh nhỏ Emmerich bên sông Rhein cậu tới tỉnh Dormund, Oberhausen rồi Berlin rồi lại quay trở lại; cậu đi hết nhà nguyện hồi giáo này tới nhà nguyện khác. Tới bang nào thì cảnh sát bang đó nhận việc. Đọc hồ sơ, ta có cảm tưởng mỗi lần Amri thay đổi chỗ ở là một lần cảnh sát sở tại thở phào nhẹ nhõm, vì Amri đã rời địa phận mình.
Đầu tháng 3 năm 2016, sau khi kiểm soát máy điện thoại cầm tay của Amri, người ta biết được có một cuộc trao đổi bằng chương trình Telegram vào ngày mùng 2 tháng 2 giữa Amri với hai thành viên hồi giáo cực đoan. Hai người này đều dùng số điện thoại của nước Li-bi và ở gần thành phố Sirte bên Li-bi. Theo đó, Amri muốn gả chồng cho chị mình. Vì người đối thoại chưa hiểu ngay ra được ý, Amri nói khẽ: đó là chuyện dugma, dân trong nghề hiểu đó là „bấm cò“. Theo cảnh sát hình sự liên bang, khủng bố hồi giáo dùng từ này để chỉ một cuộc khủng bố tự sát.
Giờ thì người đối thoại đã hiểu. Người này nhắc Amri chớ bao giờ sử dụng lại từ này nữa. Cả hai thoả thuận với nhau về cách thông đạt, theo đó Amri muốn nhắn với một người giao liên ở Đức, „anh ta muốn phục vụ Thiên Chúa bằng mọi cách“, người này sẽ dẫn Amri tới một người anh em đồng đạo khác „để được điều khiển“. Người ở Li-bi còn dặn thêm, chớ có gọi về cho gia đình, bởi vì Amri đang bị chính quyền li-bi theo dõi. Khi câu chuyện điện thoại đang diễn ra, người ta có nghe tiếng súng nổ. Ước gì Thiên Chúa (Allah) kết hợp chúng lại với nhau, đó là câu cuối cùng của người bên Li-bi, được Amri ghi lại địa chỉ như sau: „MalekISIS“.
Sau khi theo dõi nội dung điện đàm, các nhà điều tra ghi chú như sau: Amri cho biết „ước nguyện của mình tới Đức là để thực hiện một cuộc khủng bố tự sát“.
Trễ lắm là tới lúc này, mọi phía theo dõi đều hiểu rằng, những thông tin của người liên lạc bí mật (thám tử) là thật, chứ không vô lí. Và lượng định của cảnh sát hình sự NW là đúng, còn của cảnh sát liên bang là sai. Amri không những là một thành viên của IS, mà còn có một mạng lưới liên lạc tốt. Đương sự còn dám làm mọi chuyện.
Hai người ở Li-bi là dân gốc Tunisie, có lẽ Amri đã quen họ khi còn ở quê hương. Ở Emmerich, Amri trưng cho nhiều người tị nạn trong trại thấy hình những tay súng bận đồ đen bịt mặt. Cậu bảo, đó là những người thân; cậu / chú và anh em họ của mình, tất cả phục vụ cho IS.
Gia đình Amri như thế nào? Cậu trở thành quá khích chỉ từ khi ở Ý và Đức hay đã từ ở quê hương rồi?

Đã là một tội phạm ở Tunesie và ở Ý.

Walid Amri kể, „trong gia đình chúng tôi Anis là đứa con trai cưng của mẹ“. Walid 30 tuổi, một trong các anh trai của Anis, lớn hơn Anis 6 tuổi. Gia đình có 4 trai và 5 gái. Gia đình không dư giả, nhưng Anis muốn gì đều được nấy (…)
Walid Amri kể tiếp, các anh theo yêu cầu của mẹ thỉnh thoảng cứ đút tiền cho Anis. Anis chơi với nhiều bạn xấu, hút ma tuý, ăn cắp xe hơi bị cảnh sát chụp được và đang đợi ngày vào tù.
Năm 2011 Anis Amri vừa đúng 18 tuổi; nó lợi dụng tình trạng hỗn mang cách mạng ở Tunisie để trốn tránh án phạt. Nó bấu vá đây đó đủ tiền trả cho tổ chức chuyển người lậu đưa sang đảo Lampedusa thuộc Ý. Từ một cột điện thoại trong trại tị nạn ở Ý nó gọi về cho gia đình. Chẳng lâu sau đó một toà án ở Tunisie ra án phạt tù 4 năm cho Anis.
Cứ như lời kể của Walid, Anis là một cậu bé lạc đường, được quá cưng chiều và không biết tính trước tính sau gì cả – nhưng chưa phải là một tên đang trên đường trở thành khủng bố. Chỉ sau khi tới Âu châu Anis mới có dịp biết thêm: bạch phiến, thuốc kích thích, hận thù.
Theo Walid, Anis biết rõ, là nó sẽ chẳng có hi vọng gì được công nhận tị nạn ở Âu châu cả. „Kế hoạch của nó là gom cho được thật nhiều tiền rồi trở về lại Tunisie.“ Gia đình cũng đã tìm một luật sư để xin giảm án cho nó, để nó có được một khởi đầu mới tại quê nhà.
Nhưng xem ra Anis đã rơi vào quá khích ngay tại quê hương rồi, cho dù người anh và gia đình không muốn nghe điều này. Điểm này thấy được qua mối dây gắn bó của Anis với người cháu Fadi; Fadi giờ đang bị giam trong nhà tù kiên cố của Tunis, vì bị nghi có dây dưa với vụ khủng bố ở Berlin. Cho tới trước khi gây chết chóc ở Breitscheidplatz, hai chú cháu có trao đổi tin tức với nhau. Theo tài liệu của tình báo tunisie, Anis đã tìm cách gia nhập IS khi còn ở Tunisie và an ninh nước này đã có lệnh truy nã.
Ngày 04.04.2011 Anis tới đảo Lampedusa. Hôm sau cậu được cảnh sát ghi danh làm thủ tục xin tị nạn. Nhìn hình chụp, ta thấy một trang thanh niên tươi cười nhìn thẳng vào máy ảnh, lạc quan, sẵn sàng bước vào một cuộc đời mới. Nhưng cậu đã bắt đầu ngay với sự dối trá.
Anis nghe đâu đó rằng, nếu khai nhỏ tuổi lại thì dễ được chấp nhận tị nạn. Cậu khai với cảnh sát, mình 16 tuổi. Từ Lampedusa cậu được chuyển cùng sáu bạn vị thành niên người tunisie khác về Sizilien, vào ở trong một nhà trại dành cho trẻ vị thành niên của Giáo Hội công giáo ở Belpasso nằm gần dưới chân ngọn núi lửa Ätna. Đây là nhóm tị nạn đầu tiên được chuyển về nơi này.
Nội quy trong nhà nghiêm khắc. Đúng tám giờ sáng thức dậy, tám giờ tối phải có mặt lại trong nhà, mười giờ rưỡi đi ngủ. Theo vị trưởng trại trước đây, Anis ít nói, suốt ngày ra giúp việc tại một xưởng thay lốp xe gần đó, chiều về chơi trò chơi máy điện tử, đôi khi cầu nguyện.
Cuối tuần Anis cùng với mấy bạn hút thuốc và uống rượu, mặc dù thuốc và rượu là những thứ trong nhà cấm. Đám thiếu niên tìm cách gây gỗ trưởng trại, gỡ thánh giá treo trên tường xuống. Một lần Anis nạp vào máy điện tử trong nhà hình một lá cờ đen với hàng chữ ả-rập làm hình nền trên màn ảnh, dấu hiệu của các tay súng của IS.
Được nửa năm, ngày 23.10.2011, Anis nổi điên. Cậu lại uống rượu. Sau một cuộc cãi vã, cậu cùng với các bạn khác hùa đánh một nhân viên xã hội trong nhà và đốt nệm giường. Một toà án ở Ý phạt cậu bốn năm tù.
Pierelisa Rizzo quen biết Anis vào năm 2013 trong tỉnh nhỏ Enna. Cô là một thiện nguyện viên giúp trong tù; cô tập cho các tù nhân một vở nhạc kịch nói về tình yêu mang tên Rinaldo in Campo. Họ tập với nhau trong vòng bốn tháng, Anis đánh trống; một vài em kể cho Rizzo nghe chuyện quê hương mình; Anis chẳng chuyện trò gì cả.
Anis trải qua bốn năm trong sáu nhà tù khác nhau. Cậu cứ đánh đập đồng tù và cai tù hoài, nên luôn phải bị chuyển trại. Nhiều người bảo, Anis không những là một thanh niên ít nói, mà cũng là một tay đánh lộn. Ngay trong ba tuần đầu tạm giam truy cứu vào mùa thu 2011, cậu đã đánh lộn bốn lần.
Theo bà luật sư trước đây, Anis đã hoàn toàn sáng mắt, khi ở tù. Cậu hiểu rằng, với án này, cậu chẳng còn chút hi vọng nào nữa được công nhận ti nạn. Nhưng „lỗi luôn luôn là do người khác“, chứ chẳng bao giờ là do mình cả.
Sau khi được thả, ngày 18.05.2015, Anis bị chuyển tới một trại chờ trục xuất ở Caltanisetta. Ý yêu cầu Tunisie xác nhận và nhận Anis về. Nhưng chính quyền tunisie im lặng – cũng y như thái độ sau này trước yêu cầu của Đức. Sau 30 ngày, chiếu theo luật, Ý phải thả Anis ra khỏi trại tạm giữ trục xuất, vì không có trả lời của Tunesie.
Ngày 17.06.2015 Anis được trả tự do. Cùng với một nhóm người tunisie cậu lên đường đi Đức.
Âu châu có một ngân hàng dữ kiện chung cho những người xin tịu nạn gọi là Eurodac, nhưng chỉ có dấu lăn tay mà thôi, không có hình ảnh lẫn chi tiết nào khác. Cũng có một hệ thống trao đổi thông tin chung giữa các nước âu châu (các nước trong quy chế Schengen), nhưng ở đây lại không chứa dấu tay. Và cũng có những nước chẳng hạn như Ý chẳng muốn nạp dấu tay như trường hợp của Anis vào Eurodac, mà chỉ muốn bằng mọi cách đẩy tội phạm ra khỏi nước mình càng nhanh càng tốt.
(còn tiếp)