PHẠM HỒNG-LAM
Alexandre de Rhodes và Giáo Hội việt nam (Bài II)
Ba công trình sáng tạo của de Rhodes
Truyền giáo thành công ở Việt Nam không phải công lao của một mình Alexandre de Rhodes. Trên nhiều bình diện, ông chỉ tiếp tục các phương pháp của những vị tiền nhiệm. Tuy nhiên, ông là tác giả của ba công trình sáng tạo có ý nghĩa lớn cho việc „hội nhập“ trong công cuộc truyền giáo. Đó là cuốn sách Phép Giảng Tám Ngày, Hội Kẻ Giảng và chữ Quốc ngữ dùng vần la-tinh để viết tiếng Việt.
Sách Phép Giảng Tám Ngày
Sách „Phép giảng tám ngày cho những ai muốn chịu phép Rửa, chia ra 8 ngày in tại Bộ Truyền Giáo ở Roma năm 1651 bằng tiếng Việt và La-tinh. Đây là cuốn sách viết ra để dạy giáo lí tân tòng áp dụng cho 8 buổi học. Tác phẩm là một công trình sáng tạo trên nhiều mặt. Nó có những khác biệt nền tảng về hình thức, cách phân đoạn và nội dung so với các cuốn giáo lí ở Âu Châu được soạn ra để đối đầu với Tin Lành. Về hình thức, sách Phép Giảng không theo lối hỏi đáp, nhưng bằng lối giảng giải trình bày. Về phân đoạn, nó không theo cấu trúc 4 phần cổ điển: tín lí, bí tích, giới răn và kinh nguyện, nhưng có một nguyên tắc hoàn toàn riêng: kể chuyện lịch sử cứu rỗi. Cái đặc trưng trong Phép Giảng của de Rhodes là việc sử dụng các hình ảnh, tục ngữ và câu truyện thường ngày trong đời sống người Việt, và thường vận dụng hình ảnh để thuyết phục hơn là dùng các khái niệm trừu tượng và tam đoạn luận. Sách được viết trong khoảng từ 1636 tới 1649.
Ngay từ những câu đầu trong sách, de Rhodes đã dùng một khái niệm nền tảng của văn hoá á đông: ước vọng trường sinh nơi con người:
“Chúng ta hãy khiêm nhượng cầu xin Ông Trời cao cả giúp cho ta hiểu được con đường của Người. Muốn thế, ta phải cân nhắc việc chẳng có ai trong đời này có được cuộc sống lâu dài; bởi vì hiếm có ai sống đến 70 hoặc 80 tuổi. Vì vậy, ta phải tìm con đường nào giúp ta được sống lâu, nghĩa là được trường sinh. Đó là bổn phận của một người khôn ngoan. Mọi con đường khác trong thế gian này, cho dù chúng có giúp ta đạt được giàu sang và phú quý, đều không thể giữ ta khỏi trở nên một hình tượng thảm hại và bất xứng trong cuộc sống đời sau“.
Ngày thứ nhất dạy về một Thiên Chúa cá vị, đấng tạo thành và chủ tể trời đất. Ở đây, sách Phép Giảng liên hệ với mối tam cương (quân, sư, phụ) của Khổng Giáo: kính trọng và vâng lời vua, thầy dạy và cha đẻ, nhưng liên hệ này đã được de Rhodes sửa khác đi. Ông bỏ mối liên hệ với „thầy” và thay vào đó với „Trời”, và mối liên hệ này được đưa lên vị trị hàng đầu. Như vậy, tam cương biến thành „tam phụ” với thứ tự từ trên xuống: Trời – Vua – Cha. Ông trình bày cặn kẽ, là chỉ có „Trời” mới đáng được tôn thờ như một cá vị „Ông Trời”, có thể đối thoại được như ta đối thoại với vua hoặc cha đẻ.
Ngày thứ hai giảng tiếp về việc nhận diện Thiên Chúa.
Ngày thứ ba, lồng trong khung cảnh công trình tạo dựng trong 6 ngày của Thiên Chúa, giảng kĩ về Thiên Thần rồi tới cuộc nổi loạn của Lu-xi-phe. De Rhodes biện luận chống lại tục đa thê, khi nói về việc tạo dựng bà E-và. Tiếp đó ông đưa ra những cắt nghĩa vốn có thể chỉ được chấp nhận trong một xã hội phụ hệ mà thôi: Nếu như A-đam có mặt bên cạnh, thì hẳn E-và đã không phạm tội. Và lỗi của A-đam, theo ông, là vì mù loà yêu thương E-và nên đã không dám cảnh tỉnh bà.
Ngày thứ bốn, sau câu chuyện lụt hồng thuỷ và tháp Ba-ben, de Rhodes tranh luận với các tôn giáo địa phương. Hậu quả việc xây tháp là loạn ngôn ngữ, ngôn ngữ gốc Hi-lạp bị mất và lề luật của Thiên Chúa cũng mất luôn. Khi nói về đạo Phật, de Rhodes dùng lí lẽ của Ricci cho rằng, sở dĩ người Trung-hoa mang Phật Giáo từ Ấn-độ về (dân Ấn vốn được coi là kém văn minh hơn người Hoa), là vì Minh Hoàng Đế đã để ý tới sự mạc khải của Thiên Chúa về cuộc giáng trần của Đức Ki-tô, nên đã gởi một phái đoàn sang Tây phương để tìm hiểu. Song vì mệt mỏi đường dài, phái đoàn rốt cuộc đã dừng lại ở Ấn-độ và đã trở về mang theo Phật Giáo. Tục thờ kính người chết được dùng để biện minh cho sự bất tử của Hồn, là vì tục này, theo de Rhodes, không có nơi thế giới loài vật.
Ngày thứ năm giảng về các mầu nhiệm. Bài này không còn giảng chung cho mọi người, mà chỉ dành cho những ai giờ đây đã tin các lẽ đạo, quyết tâm từ bỏ tà thần và thật sự muốn nhận phép Rửa. Bắt đầu làm quen với kinh Lạy Cha, kinh Kính Mừng và kinh Tin Kính. Rồi tới các giáo huấn về Thiên Chúa ba ngôi („ba ngai”) và về nhập thể. De Rhodes dùng hình ảnh tấm gương soi để cắt nghĩa việc „thụ thai”:
“Khi nghe nói tới Con, đừng nghĩ phải cần có một người mẹ thụ thai như nơi người trần. Thiên Chúa Cha, với bản tính hoàn toàn thiêng liêng, Người tự mình có một hình ảnh toàn hảo về mình và dùng nhận thức của chính Người để tạo tác nên hình ảnh đó, mà chẳng cần gì tới bất cứ một thứ vật chất nào. Chúng ta có thể lấy hình ảnh tấm gương thật trong như một thí dụ không hoàn hảo lắm, qua đó ta tạo ra được hình ảnh đầy đủ khuôn mặt với tất cả mọi chi tiết của mình. Cũng vậy, Thiên Chúa Cha tự ngắm bản thể mình như trong một tấm gương, qua đó Người đưa ra một hình ảnh toàn hảo về Người và, nếu cần, trao cho nó mọi bản tính của Người”.
Chúa Thánh Thần không được dịch ra tiếng Việt, mà dùng phiên âm từ La-tinh hoặc từ các ngôn ngữ vần la-tinh (“su-phi-ri-tô), mặc dù tiếng Việt có sẵn từ tương ứng. Lí do có lẽ là vì de Rhodes sợ xẩy ra sự lẫn lộn nguy hiểm với đầy dẫy các thần thánh khác nơi tôn giáo dân gian của người Việt.
Ngày thứ sáu giảng về cuộc đời Đức Giê-su và các phép lạ Người làm, đặc biệt sau khi đã trình bày phần Tin Mừng của thánh Gio-an.
Ngày thứ bảy nói về những biến cố chịu nạn và về trời của Đức Giê-su. Dựa theo Tin Mừng Gio-an, trình bày cả những phép lạ trong cuộc khổ nạn và nhấn mạnh đặc biệt tới tính cách tự nguyện của khổ nạn: kẻ thù của Đức Giê-su đã chẳng làm gì được Người, nếu như Người không tự nguyện nộp mình. Bài giảng kết thúc với cuộc tàn phá Giê-ru-sa-lem năm 70 như một lời cảnh cáo cấp bách.
Ngày thứ tám trình bày về những sự sau cùng (Cánh Chung Luận) và về mười giới răn. Phần kết thúc có câu: Nếu ai ngờ vực hoặc có câu hỏi, có thể nói ra ngay lúc này, trước tập thể hoặc gặp riêng. Những trường hợp khó khăn vì hôn phối sẽ được giải toả qua những tiếp xúc riêng, sau đó mới quyết định có thể ban phép Rửa hay không. Phần cuối cũng cho hay, không ít trường hợp những người học đạo thề hứa đủ thứ, để được nhận phép Rửa, nhưng sau đó nuốt lời, nhất là chuyện đèo bòng vợ lẽ.
Phép Giảng không nói đến các bí tích. Chúng chỉ được giảng dạy cho những ai đã nhận phép Rửa. Ở đây, các bí tích, đặc biệt phép Thánh Thể, được coi là một “môn bí nhiệm”, còn hơn cả các mầu nhiệm ba ngôi, nhập thể, sống, chết của Đức Giê-su. Những đề tài này được giảng cho những ai đã tin và thật sự muốn vào Đạo, trong khi các bí tích chỉ được giảng dạy cho những ai đã nhận phép Rửa.
Rõ ràng, nhiều từ ngữ tôn giáo de Rhodes dùng ngày xưa nay đã được đổi. Không hiếm những bản dịch ban đầu cũng đã trải qua một số phận như vậy, vì làm sao người ta có thể tìm được ngay những từ ngữ tương ứng. Cần nhớ là de Rhodes đã phải chuyển những khái niệm tôn giáo đã phát triển lâu đời ở Âu Châu sang một nền văn hoá lạ chưa có những khái niệm tương ứng. Trước những bất cập đó, phải công nhận, Phép Giảng của de Rhodes là một công lao đáng nể về mặt hội nhập văn hoá. a
Hội Kẻ Giảng
Mặc dù cả các giáo sĩ khác tới sau de Rhodes cũng không được ở lại liên tục trong nước, mà cứ bị trục xuất hoài, cuộc truyền giáo không vì thế bị đổ vỡ, trái lại vẫn triển nở không ngừng. Đó là sự kiện lạ lùng mà các giáo sĩ dòng Tên đã gặp: mỗi lần trở lại sau một thời gian dài vắng linh mục, thâm tâm họ chỉ hy vọng may ra còn lại một chút gì đã gieo, nhưng lạ thay, số tín hữu lại gia tăng hơn nhiều. Đấy là do công lao đầu tiên của các kẻ giảng, kế tới của nhiều người (cả phụ nữ) có uy tín khác đã đứng ra lãnh đạo và giữ cho cộng đoàn tiếp tục phát triển.
Ngay từ đầu cuộc truyền giáo đã có những giáo lí viên người bản xứ. Công của de Rhodes là đã tổ chức họ lại thành một cộng đoàn giống như dòng tu bởi các lời khấn (trước khấn tạm, sau vĩnh viễn). Chính các giáo lí viên đã đưa ra sáng kiến sống cộng đoàn này. Vì nhu cầu thực tế của truyền giáo, de Rhodes đã lấy mẫu tổ chức của các cộng đoàn phật giáo, trong đó từng nhóm học trò quy tụ xung quanh một vị sư, để lập nên Hội Kẻ Giảng. Song ông chọn đưa vào hội chỉ những kẻ có một lực học vấn nào đó và có khả năng đối đáp với thành phần có học khác mà thôi. Những ai chưa biết chữ Hán, phải dành ra một năm để học nó. Nhiệm vụ của kẻ giảng là dạy giáo lí tân tòng, có khi hướng dẫn và lãnh đạo cộng đoàn hoặc trưởng các giáo điểm địa phương. Họ chỉ được phép rửa tội cho trẻ em và người bệnh. Đối với người lớn còn khoẻ mạnh phải đợi cho tới khi linh mục đến, vị này sẽ rà soát lại xem việc học giáo lí đã đầy đủ chưa. Sở dĩ không vội rửa tội người lớn, là vì người ta in rằng, nếu một người lớn đang mong ước được rửa tội mà bị đột tử, người đó hẳn sẽ được rỗi linh hồn.
Sau thời de Rhodes, Hội Kẻ Giảng đã tiến thêm một bước. Năm 1637 Gaspar d’Amaral đã ra một quy chế huấn luyện kẻ giảng cho Vương Quốc Đàng Ngoài, sau đó năm 1647 cho cả hai miền. Nhưng cái khác căn bản là nơi chỗ, từ một hội „tông đồ lang thang”, các kẻ giảng luôn di chuyển rày đây mai đó theo chân các thừa sai dưới thời de Rhodes, nay trở thành một tổ chức chung sống cố định tại một chỗ. Sử liệu cho thấy tổ chức này được lập đầu tiên ở miền Bắc vào năm 1645. Qua tường thuật của Marini năm 1663, ta thấy tổ chức đã được định chế hoá với một quy chế rõ rệt. Lúc này, riêng ở miền Bắc có 70 nhà chia ra ba lớp: Tập Sinh, Trợ Giảng (mới khấn tạm) và Kẻ Giảng (khấn trọn). Ở de Rhodes, Thầy Giảng là một tước rất đặc biệt, cả miền Nam chỉ có hai người (I-nha-xi-ô và Đa-ma-sô) được tước nầy; về sau, nó trở thành một tước thông thường cho những ai đã khấn trọn. Họ sống chung với nhau trong một căn nhà ở gần vị truyền giáo. Họ bắt đầu cuộc sống thường ngày với nửa giờ chầu trước Thánh Thể, sau đó dự thánh lễ (một số được chịu lễ mỗi tuần, một số được chịu hai tuần một lần), rồi tới hát kinh cầu Đức Bà và nghe đọc hạnh các thánh. Ngày kết thúc bằng việc đọc sách thiêng liêng và xét mình. Tập sinh và Trợ Giảng cũng làm công việc trong nhà, Thầy Giảng chuyên lo việc đọc sách thiêng liêng và công tác mục vụ. Trong công tác mục vụ có cả việc chuẩn bị xét mình xưng tội cho bổn đạo khi có linh mục tới, việc xem xét ai đủ điều kiện rước lễ và đi thăm hỏi tín hữu tại các cộng đoàn nhỏ. Rất nhiều kẻ giảng cũng hành nghề chữa bệnh và trừ quỷ; dĩ nhiên họ chữa trị bằng những cách thông thường, song cũng thường nhờ vào những khả năng thiên bẩm hiếm có. Mỗi năm một lần các kẻ giảng về họp với nhau để tường trình công tác.
Hội Kẻ Giảng lại có thêm những đổi thay trong những thập niên kế tiếp với sự có mặt của các nhà truyền giáo dòng Đa-minh hoặc của Hội Thừa Sai Paris. Giờ đây, nó không còn là một tổ chức thống nhất của hai miền dưới sự điều khiển của một vị bề trên thuộc dòng Tên nữa, nhưng biến thành „Nhà Đức Chúa Trời” (Domus Dei), trong đó có sự chung sống của linh mục, chủng sinh và kẻ giảng, dưới sự lãnh đạo của giám mục giáo phận (Đại Diện Tông Toà).
Với định chế Hội Kẻ Giảng, các nhà truyền giáo dòng Tên đã mở ra một lãnh vực hoạt động dành cho nam giới, chứ không dám cho nữ giới. Dòng nữ đầu tiên (và hiện nay có sĩ số đông nhất) chỉ được thành lập vào năm 1670 do Đại Diện Tông Toà Lambert de la Motte: dòng „MếnThánh Giá”. Đã có nhiều thanh thiếu nữ ngay từ đầu muốn sống theo lời khuyên của Tin Mừng hiến cuộc đời độc thân cho Chúa, nhưng các giáo sĩ dòng Tên đã không dám hành động ngược lại với truyền thống xã hội thời đó. Trái lại, họ thúc dục các cha mẹ nên gả con thật sớm, để không bị bắt cóc hay rơi vào tay những kẻ quyền thế. Họ ngại lời đàm tiếu của những người ngoại và những biện pháp trả thù của quan lại. Đó là mặt trái của chủ trương thích ứng của dòng Tên. Giám mục de la Motte đã không có những quan ngại đó.
Chữ Quốc ngữ
Nổi tiếng nhất, không những cho cuộc truyền giáo mà cả cho nền văn hoá việt nam, là công lao sáng tạo chữ Quốc ngữ của de Rhodes.
Thời de Rhodes, Hán tự là chữ viết chính thức của quốc gia, đặc biệt của các kì thi cho những người muốn bước vào đường quan lại. Bên cạnh đó, người ta cũng sử dụng chữ Nôm, một thứ kết hợp giữa Hán tự và tiếng Việt. Chữ Nôm phát triển kể từ thế kỉ thứ 15, sau khi Việt Nam hoàn toàn thoát khỏi sự lệ thuộc Trung-hoa. Khởi đầu, các nhà truyền giáo cũng dùng chữ Nôm, cụ thể vào năm 1620 ở Hội An, để soạn sách giáo lí, nhưng sách này đã không được in và đã bị thất lạc.
Quốc ngữ, thứ tiếng Việt được kí âm bằng các mẫu tự la-tinh, vốn hình thành ngay từ khởi đầu cuộc truyền giáo. Các giáo sĩ thời đó dùng lối kí âm này trước hết để học tiếng Việt. Nhưng mẫu tự la-tinh đã không đủ để diễn tả sáu dấu giọng với ý nghĩa khác nhau nơi tiếng Việt. Ngay từ năm 1622, Francisco de Pina đã dùng mẫu tự la-tinh để phiên âm tiếng Việt. Các giáo sĩ khác, đặc biệt Gaspar d’Amaral và Antonio Barbosa, dần phát triển thêm trên căn bản đó. Tiếc rằng những bản viết tay của hai ông, mà de Rhodes đã dùng để soạn sách mình, hiện thất lạc. Các kẻ giảng đã giúp de Rhodes nhiều trong việc học và soạn sách Quốc Ngữ. Nhưng chính ông là người đã tổng hợp và hệ thống hoá công trình chung của những người đi trước. Có lẽ sai, nếu bảo rằng, de Rhodes là cha đẻ của chữ Quốc Ngữ… Nhưng không vì thế mà vai trò của ông nhỏ đi, cái lớn nơi ông là phương pháp làm việc khoa học. Ông là người có công trong việc tổng hợp và hệ thống hoá các công trình kí âm khác nhau. Và cuốn từ điển Việt-Bồ-La (Dictionarum anamiticum lusitanum et latinum) cũng như sách Phép Giảng của ông, cả hai đều ấn hành năm 1651 tại Roma, là những công trình „quốc ngữ” đầu tiên.
Mục đích việc kí âm chuyển ngữ này, trước hết, là do nhu cầu riêng của các giáo sĩ và Ki-tô hữu. Không ai thời đó dám mảy may nghĩ rằng, nó sẽ trở thành một thứ chữ riêng cho đất nước này. Ngoài ra vẫn có các giáo sĩ khác, như Maiorica chẳng hạn, dùng chữ Nôm để viết sách đạo. Thoạt tiên, Quốc Ngữ được dùng trong nhà, giữa các giáo sĩ và kẻ giảng. Chỉ sau khi Pháp đặt nền đô hộ và nhất là sau năm 1930, nó mới trở thành thông dụng. Ưu điểm của nó là dễ học, sau đó là một cầu nối với văn hoá và các ngôn ngữ âu châu (nhờ đó mà chủ nghĩa mác-xít mới vào được Việt Nam), đồng thời dần tạo nên nơi người Việt ý thức quốc gia cách ngăn với Trung-hoa trong thế kỉ 20. Cũng vì thế, chẳng có lí do gì để quả quyết rằng, de Rhodes đã tạo ra thứ chữ đó để làm cho dân Việt „mất gốc” văn hoá và bị „âu hoá”. Bởi vì một thiểu số Ki-tô hữu không thể nào làm nổi việc thay thế chữ Hán và chữ Nôm bằng Quốc Ngữ cũng như đó không phải là tầm ngắm đường dài của de Rhodes. Việc quốc gia hoá „Quốc Ngữ” là do sự quy hướng của tầng lớp ưu tú của đất nước này trong thế kỉ 20, xuyên qua nhiều phe phái ý thức hệ khác nhau. Nhưng với thành tựu xa vốn không do mình nhắm tới này, de Rhodes đã thực hiện được „một sáng tạo về mặt hội nhập văn hoá, ông đã kết hợp những yếu tố sẵn có với các yếu tố tây phương để tạo cho Việt Nam một thực tại văn hoá mới”.