Vi Anh
Biển Đông: Mỹ Không Cần CSVN
Biển Đông, quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa của VN, vào thời Tổng Bí Thư Đảng CSVN Nguyễn phú Trọng đã nằm trong tay TC. Và vào thời TT Trump, Mỹ cũng không cần CSVN như một tiền đồn Đông Nam Á quan sát con đường hàng hải quan trọng từ Eo Biển Mã Lai qua đây. Điều này có thể thấy qua tình hình mới:
(1) chánh quyền Mỹ thời tân TT Trump dù tăng cường quân lực ở Á châu Thái bình dương nhưng không động tịnh gì đến biển đảo của VN bị TC xâm chiếm; (2) Đảng Nhà Nước CSVN không hề vận dụng thời cơ mới tranh thủ giành lại biển đảo vì TC đã định hướng quân sự CSVN phải thoát Mỹ.
Người Việt có câu nhứt quá tam. Tình hình Mỹ cho CSVN ra rìa, chánh quyền Trump không đá động tới biển đảo của CSVN bị TC xâm chiếm và quân sự hoá, đã quá tứ, chớ không phải quá tam. Tức là, Bộ Trưởng Quốc phòng Mattis, Bộ Trưởng Ngoai giao Tillerson đã công du Á châu Thái bình dương, và Phó Tổng Thống Mỹ Pence sắp công du Á châu Thái bình dương tận Úc, ghé Nam dương dưới VN nữa mà không vị nào có chương trình đặt chân xuống VNCS.
Cả ba vị không ai ngó ngàng gì tới CSVN và đoái hoài gì tới tình hình quần đảo Hoàng sa và Trường sa bị TC xâm chiến và quân sự hoá. Hai bộ trưởng trụ cột của Mỹ cũng chỉ viếng thăm và làm việc với Nhựt, Nam Hàn, nâng cao tinh thần đoàn kết, cam kết gắn bó với hai đồng minh trụ cột này ở Á châu là không có gì lay chuyển được.
Riêng Bộ Trưởng Ngoại giao sau khi hội họp với các giới chức Nam Hàn, còn ra tận vùng phi quân sự Nam Bắc Hàn viếng thăm đơn vị tiền tuyến vùng trái độn nữa. Rồi sau đó Ông bay sang TQ là đối thủ đáng gờm của Mỹ, nhưng không thấy nói lời nào đối với CSVN.
Còn TT Trump hai ngày hội nghị với Chủ Tịch TC cũng không nói một tiếng nào đến tình hình biển đảo của CSVN bị TC chiếm cứ và quân sự hoá.
Và Phó TT Pence trong lịch trình bắt đầu ngày 18 tháng Tư công du toàn vùng Á châu Thái bình dương, ghé Nam Hàn, Nhựt, Úc, thăm đơn vị Mỹ đồn trú, và bay xuống Indonesia cùng bàn việc chống khủng bố Nhà Nước Hồi Giáo IS, sau đó bay về TB Hawaii gặp gỡ Bộ Tư Lịnh Thái bình dương của Mỹ. Không thấy mục nào của chương trình Phó TT Pence bàn đến Biển Đông của VN bị bản đồ lưỡi bò TC liếm mất 90%.
Không phải các giới chức thẩm quyền của Mỹ không đề cập tới tình hình biển đảo của CSVN ở Biển Đông của VN bị TC chiếm cứ và quân sự hoá là vì tin TC tuyên bố không có quân sự hoá ở Biển Đông. Và cũng không phải Mỹ không biết những biển đảo ấy thuộc chủ quyền bất khả tranh cãi của CSVN và không nghe các giới chức CSVN cứ lải nhải tuyên xưng, công bố bằng miệng chủ quyền. Mà Mỹ thấy rõ CSVN chẳng có một hành động cụ thể nào bảo vệ, kể cả việc khiếu kiện ra Toà Trọng tài về Luật biển như Phi đã làm, không tốn một viên đạn mà CSVN cũng không làm.
Mỹ cũng thừa biết trong thời kỳ TT Trump chờ TT Obama bàn giao, TC tăng cường quân lực và quân sự hoá. TC đã cho chiến đấu cơ J-11 của Trung Quốc tại đảo Phú Lâm, vệ tinh đã chụp hình vào ngày 29.3. TC luân phiên điều máy bay chiến đấu Trung Quốc tới đảo Phú Lâm là một phần trong xu hướng quân sự hoá rất đáng lo ngại, đặt ra những nghi vấn về ý đồ của Trung Quốc trên Biển Đông muốn kiểm tuyến hàng hải quốc tế quan trọng qua đây.
Còn Mỹ cũng tăng cường quân lực ở Biển Đông. Tin RFI, “Trước lúc hai lãnh đạo Mỹ-Trung gặp nhau tại Florida, hai khu trục hạm thuộc Hạm Đội 3 của Hải Quân Mỹ đã rời cảng San Diego hôm 31/03/2017, trực chỉ khu vực Biển Đông. Hai chiến hạm này sẽ tăng cường cho nhóm tác chiến của tàu sân bay Carl Vinson, cũng thuộc Hạm Đội 3, đang hoạt động trong vùng.”
Từ ngày 18/02/2017, lần đầu tiên từ sau Đệ Nhị Thế Chiến đến nay, Hạm Đội 3 của Mỹ đã phái một hải đội đến tuần tra tại Biển Đông, một khu vực trên nguyên tắc thuộc thẩm quyền của Hạm Đội 7. Theo các nhà quan sát, động thái chưa từng thấy này là dấu hiệu phản ảnh một cách tiếp cận cứng rắn hơn của Washington trước các hành vi coi thường luật lệ quốc tế của Bắc Kinh trong vùng. Và sắp tới đây, sẽ có thêm nhiều động thái khác từ phía Mỹ.
Với hai Hạm Đội 3 và 7 cùng có mặt trên hiện trường, có thể nói là uy lực của Hải Quân Mỹ trong vùng Biển Đông đã được tăng cường đáng kể. Và đà tăng cường sẽ được tiếp tục.
Nhưng Mỹ không ngó ngàng gì tới CSVN dù sao cũng có một quân đội khá mạnh ở Đông Nam Á và một vị trí chiến lược trên hành lang con đường hàng hải huyết mạch từ Eo Biển Mã Lai vào Á châu Thái bình dương. CSVN lại là chế độ bị TC chiếm cứ biển đảo nhiều nhứt trong vùng. Không khó hiểu, CIA, DIA của Mỹ ở Hà nôi, Saigon biết quá rõ CSVN đã trở thành thái thú trá hình của TC rồi. Phát triển đối tác chiến lược, quân sự, chia xẻ tình báo chiến lược, chiến thuật với CSVN, nhứt định CSVN sẽ tuồn tin của Mỹ cho trung tâm tình báo Hoa Nam của TC biết. Mỹ thừa biết họp tác quân sự giữa CSTQ và VN sâu sắc trên bờ, trên biển và trên không.
Mỹ cần gì với CSVN, Mỹ chỉ nói với TC là “quan thầy” của CSVN và CSVN sẽ răm rắp tuân lịnh của Thiên Triều thôi.
Huống hồ Á châu Thái bình dương cái Mỹ cần nhứt là tự do hàng hải vì con đường hàng hải ngang qua Biển Đông là con đường hàng hoá của Mỹ và đồng minh qua đây tính ra cả 5.000 tỷ đô la, cũng là con đường tiếp vận, tiếp viện cho cả 100.000 quân Mỹ trú đóng ở phía bắc, tại Nam Hàn và Nhựt. TC biết thế nên có bao giờ ngăn cản Mỹ lưu thông trên Á châu Thái bình dương. Mỹ thời TT Obama cũng đáp lễ TC, tuyên bố Mỹ không đứng bên nào trong các cuộc tranh chấp biển đảo trong vùng Biển Đông.
Thêm vào đó, tinh lý hiến pháp, luật pháp và ngoại giao Mỹ, Mỹ chưa bao giờ là đối tác hay đồng minh quân sự với một chế độ CS.
Thế cho nên ai hy vọng Mỹ thời TT Trump hay thời TT A hay B nào đó sẽ tiếp CSVN đánh đuổi TC, giành lại biển đảo đã bị mất vào tay TC, là mơ giữa ban ngày.
Chuyện chiếm lại biển đảo có thể xảy ra cho quốc gia dân tộc VN khi nào nhân dân VN đứng lên giải trừ chế độ CSVN đã thông đồng với CSTQ. Rồi nhân dân VN lập ra một chánh quyền tự do, dân chủ, của dân, do dân, vì dân VN. Và chánh quyền dân chủ ấy huy động nội lực dân tộc trong ngoài nước để tái chiếm lại biển đảo và kêu gọi Mỹ viện trợ, thì Mỹ có thể giúp. Chớ như CSVN mất biển đảo mà không tự vệ chánh đáng, tỏ ra khôn vặt chờ thiên hạ Mỹ, Nhựt làm mình hưởng, đó là chuyện hoang đường./.(VA)