Alexandre de Rhodes và Giáo Hội việt nam (Bài III)

PHẠM HỒNG-LAM

Alexandre de Rhodes và Giáo Hội việt nam (Bài III)


Về Âu Châu Vận Động Gởi Giám Mục Tới Việt Nam

Sau khi bị trục xuất vĩnh viễn khỏi Đàng Trong, và Đàng Ngoài cũng không muốn ông có mặt, de Rhodes được bề trên ở Ma-cao triệu về Âu Châu vào cuối năm 1645.

Nhiệm vụ của ông là báo cáo cho Tổng Quyền, Giáo Tông và các hoàng đế công giáo có liên quan biết về công cuộc truyền giáo ở Việt Nam và tầm quan trọng của nó, bên cạnh đó vận động Roma cho thiết lập hàng giáo sĩ bản xứ. Giáo Hội việt nam có một đội ngũ kẻ giảng với tinh thần sẵn sàng hi sinh và dấn thân không thua gì các thừa sai. Nhưng bao lâu chưa có giám mục ở đó, họ không thể được lãnh chức linh mục. Như vậy ông có ba nhiệm vụ: xin Tổng Quyền gởi thừa sai, xin Giáo Tông gởi giám mục, xin các vua chúa yểm trợ tiền bạc. Trên danh nghĩa chính thức, ông về Âu Châu như một vị được uỷ quyền bởi Tỉnh Dòng nhật-bản, đơn vị mà ông cũng như các đồng nghiệp khác tại Việt Nam là thành viên.
Để cuộc hành trình nhanh hơn, nhà dòng khuyên ông không nên theo tuyến đường thường đi của người Bồ có trạm dừng chân tại Goa kéo dài gần một năm, nhưng nên theo tuyến nhanh hơn của người Hoà-lan xuất bến từ Malakka. Nhưng số phận thật éo le khó ngờ: Điều mình muốn thì không được, điều không muốn thì lại được! De Rhodes coi việc chọn thuyền hoà-lan là một sự quan phòng của Thiên Chúa, vì chiếc thuyền của người Bồ mà ông dự tính lên đã bị nạn đắm. Song thay vì mất gần hai năm với tuyến đường qua Goa, lần này ông phải lênh đênh tới ba năm rưỡi, trong đó hơn hai năm (850 ngày) phải ăn chực nằm chờ ở các bến đợi. Đó là một chuyến đi đầy phiêu lưu, phải vòng đi vòng lại vì gặp lối cụt.
Ngày 20 tháng 12 năm 1645 ông rời Ma-cao trên chiếc thuyền bồ-đào-nha. Tới Roma vào ngày 27.07.1649, sau 31 năm xa cách.
„Tôi không nói một tí gì về nỗi hân hoan tràn ngập tâm hồn, khi tôi sung sướng về tới nơi chốn cao trọng nhất hoàn vũ; tới nơi sau một cuộc hành trình kéo dài ba năm rưỡi với biết bao gian nguy trên biển và trên đất liền, biết bao giông bão với bao nhiêu thuyền đắm, bao nhiêu nhà tù, bao nhiêu sa mạc, bao nhiêu dân tộc mọi rợ, bao nhiêu kẻ ngoại, bao nhiêu người lầm lạc và người Thổ-nhĩ-kì, nhưng luôn được đỡ nâng bởi đôi cánh tiền định, sự tiền định đã bảo vệ tôi, giữ gìn tôi với từ tâm đặc biệt, để cho tôi sau bao nỗi gian truân vẫn được khoẻ mạnh và hoạt bát như trước đây 31 năm, khi tôi giã từ Roma để đi Ấn-độ“.
Điều de Rhodes không viết mà cũng vượt ra ngoài tầm nhìn của ông, là ba mươi năm đó cũng là ba mươi năm chiến tranh ở Âu Châu, cuộc chiến tranh đã gây điêu tàn đặc biệt cho nước Đức với khoảng một phần ba dân số bị chết. Năm ông rời Roma 1618 cũng là năm khởi đầu cuộc chiến. Và khi ông trở lại vào năm 1649 thì trước đó một năm, Âu Châu đã kí hiệp ước đình chiến (Westfälischer Friede)…

Nỗ lực vận động xin giám mục ở Roma (1649 – 1652) không thành

De Rhodes ở Roma hơn ba năm.
Khi de Rhodes bước vào cuộc đời truyền giáo, cũng là lúc ở Roma có một thay đổi vô cùng quan trọng cho ông: Giáo Tông Grê-gô-ri-ô XV thành lập Bộ Truyền Bá Đức Tin vào năm 1622. Kể từ Công Đồng Trento giáo triều Roma không còn đóng vai trò thụ động, gần như chỉ ngồi đó chờ ai hỏi thì trả lời như trước đây nữa. Song giờ đây giáo triều đứng ra chủ động trong các chương trình cải tổ và giữ ổn định trong Giáo Hội. Và kể từ cuộc cải tổ giáo triều năm 1588 của Giáo Tông Xi-tô V, các lãnh vực công tác trong Giáo Hội được chia cho các „Bộ chuyên môn“ phụ trách. Về công tác truyền giáo dân ngoại, thoạt tiên Roma phải tế nhị. Là vì vai trò này đã được các giáo tông trước đây nhường quyền bảo hộ cho hai nước Tây-ban-nha và Bồ-đào-nha. Giáo Tông Pi-ô V (1566-1572) đã có ý giành lại sứ mạng nầy cho giáo triều, nhưng những nỗ lực e dè của ông không có kết quả. Phải chờ tới 59 năm sau quyết định của Công Đồng Trento, Bộ Truyền Bá Đức Tin mới được thành lập.
Việc thành lập Bộ này được coi là một „bước ngoặt của lịch sử truyền giáo“. Nhưng thật ra Bộ lúc đó đóng vai trò rất hạn chế và là nguyên cớ cho nhiều mâu thuẫn. Những sáng kiến quan trọng của nó chỉ mới thực hiện được trong thế kỉ 19 và ngay trong thế kỉ 20. Từ đây nó mới trở thành và có được vai trò chuyên biệt như ngày nay, đặc biệt là nhờ sự viễn kiến, thái độ cứng rắn không chịu thoả hiệp và thẳng thắn của vị bộ trưởng đầu tiên là Francesco Ingoli (1622-1649). Ingoli đã đưa ra hướng đi và tạo những xung lực quyết định cho tiến trình phát triển của Bộ Truyền Giáo.
Nhu cầu đầu tiên của một bộ như Bộ Truyền Giáo, vốn chưa có quy tắc làm việc và chưa rõ vai trò, là việc thu thập rộng rãi các tin tức và kiểm kê tình trạng từ khắp mọi nơi. Để có được tin tức và biết được hiện tình các mặt trận truyền giáo, thời đó đối với Roma là chuyện hoàn toàn không dễ như ngày nay. Nếu có những địa điểm tập trung thông tin, thì đó là Madrid và Lissabon, tiếp đó là các dòng tu lớn. Ingoli vì thế đã phải nhờ tới các dòng truyền giáo và các khâm sứ ở Madrid và Lissabon. Nhưng làm chuyện này quả không dễ, trước hết là vì sự cạnh tranh ráo riết giữa các dòng tu, giữa các dòng và triều, chưa nói tới giữa các quốc tịch, trong khi chẳng tổ chức nào đưa ra được một chương trình truyền giáo chung cho toàn Giáo Hội. Vì thế, thoạt tiên Ingoli đề nghị, mỗi dòng nên giữ một miền truyền giáo hoàn toàn riêng cho mình. Điểm này đã diễn ra trong thế kỉ 19. Nhưng rồi Ingoli lại bỏ đề nghị đó, vì nhận thấy rằng, sự ganh đua của nhiều dòng trong một vùng sẽ kích thích và đồng thời giám sát lẫn nhau trong việc truyền giáo. Ngoài ra, ông phàn nàn khả năng yếu kém ngôn ngữ địa phương của nhiều nhà truyền giáo cũng như phàn nàn chuyện có những dòng dùng truyền giáo làm nơi để đẩy các phần tử khó chịu hoặc không thích hợp đi cho khuất mắt. Nhưng càng ngày Ingoli càng nhận ra, chính quy chế bảo hộ của Tây-ban-nha và Bồ-đào-nha là nguyên nhân của mọi thứ bất cập và quy chế này là trở lực chính cho Bộ Truyền Giáo. Cơ quan bảo hộ truyền giáo của Tây-ban-nha hoàn toàn không có một liên lạc nào với Bộ Truyền Giáo, vì cơ quan này bị chính quyền chi phối về mặt chính trị. Dĩ nhiên không phải chỉ các thế lực bảo trợ là nguyên nhân của các khó khăn. Mà cả các dòng, kể cả dòng Tên, cũng muốn bằng mọi cách giữ độc lập và chẳng chịu để những đặc quyền của mình rơi vào tay kẻ khác. Chỉ có các dòng mới bước vào lãnh vực truyền giáo, như dòng Cát-minh và nhất là dòng Anh Em Hèn Mọn sẵn sàng hợp tác với Bộ.
Như vậy, tương quan bi đát giữa dòng Tên và Bộ Truyền Giáo đã hiện diện ngay từ thời Ingoli rồi. Và de Rhodes đã không thể vượt qua được trở lực này. Lẽ ra hai bên phải cộng tác với nhau. Dòng Tên hứa trung thành và gắn bó với Giáo Tông. Lời hứa này đòi hỏi họ phải đứng về phía Bộ Truyền Giáo khi có tranh chấp giữa Bộ với các cơ quan bảo hộ. Cả về mặt nội dung, chủ trương liều lĩnh hội nhập vào văn hoá bản xứ của Dòng và sáng kiến thiết lập các giáo hội địa phương của Bộ lẽ ra phải là cơ hội cho hai bên hợp tác và bổ sung cho nhau. Song thực tế đã không có sự hợp tác. Dòng Tên đã hoà nhập quá mạnh vào quy chế bảo hộ của Bồ và Tây. Ở đó họ được hưởng nhiều tự do, cảm thấy được bảo vệ và an tâm. Francesco Ingoli càng ngày càng trở nên xa lạ và bực bội với dòng Tên. Những báo cáo của các đại diện tông toà khắp nơi gởi về lúc đầu còn phản ảnh tốt về dòng Tên. Nhưng các báo cáo về sau lại đầy dẫy những tố cáo cho rằng, dòng Tên thiếu tinh thần hợp tác.
Càng ngày càng cho thấy mục tiêu ưu tiên của Hồng Y Ingoli và Bộ Truyền Giáo là việc thành lập một hàng giáo sĩ bản xứ. Ở Mĩ Châu vùng nói tiếng Tây-ban-nha, mục tiêu này thất bại hoàn toàn. Mặc dù Ingoli biết, nếu không có linh mục bản xứ, Giáo Hội ở đó luôn vẫn ở trong tình trạng „trẻ con“, và dù Bộ đã quyết định phong chức linh mục cho dân bản xứ vào năm 1628, tình thế vẫn không chút thay đổi, vì Roma thiếu phương tiện quyền lực để thực hiện ý định. Tình trạng trong các giáo điểm truyền giáo ở Á Châu còn rắc rối hơn. Vị thanh tra dòng Tên Alessandro Valignano, nhân chuyến công tác ở Nhật năm 1580 đã quyết định phong chức linh mục cho người bản xứ. Nhưng đầu óc ông này cũng không kém kì thị: Một mặt, ông coi người Nhật và Trung-hoa có thể nhận chức linh mục; mặt khác, ông xếp người Ấn-độ và những người „da đen“ khác vào loại „thiếu tin tưởng“, ít ra quan điểm này được áp dụng cho những tu sĩ trong dòng của ông. Ở Goa, người ta sẵn sàng phong chức cho người Ấn, nhưng thường chỉ cho những người thuộc giai cấp tiện dân mà thôi, vì giới này dễ „bồ-đào-nha hoá“ và vì phong chức cho họ có nghĩa là nâng địa vị xã hội của họ lên, trong lúc đó từ chối phong chức cho người thuộc giới tăng lữ (Bramanen), vì họ „kiêu hãnh“.
Chính điểm cuối này là nguyên nhân của cuộc xung đột lớn đầu tiên giữa Bộ Truyền Giáo và chính quyền bảo hộ. Anh chủng sinh người Ấn Matheo de Castro, thuộc giới tăng lữ, bị từ chối chức linh mục ở Goa. Ông sang Roma chịu chức rồi được Bộ Truyền Giáo đặc phái trở lại Goa năm 1633. Ở Goa, người ta không công nhận ông, vì cho giấy tờ linh mục của ông là thứ giả mạo. Ông về lại Roma. Roma phong chức giám mục năm 1637 và cử làm Giám Quản Tông Toà tại Bijapur thuộc Idalkan, vương quốc do một triều đại người hồi giáo cai quản nằm bên ngoài lãnh địa người Bồ, phía đông Goa. Sứ mạng chính của ông là về để phong chức linh mục cho những người thuộc giới tăng lữ. Kết quả là những chuỗi tranh chấp không dứt với bản quyền giáo hội ở Goa, vì họ không công nhận bài sai của ông. De Castro lại cũng là người kém uyển chuyển, hách dịch, thiếu công bằng và coi thường tất cả. Trước những đối xử đó, de Castro đâm ra nổi cáu, trút mọi cơn giận lên đầu các giáo sĩ dòng Tên và trên những người Bồ. Nhưng Roma cũng như Bộ Truyền Giáo vẫn đứng sau lưng ông, bao lâu có thể. Đối với Ingoli, đây là một vấn đề nguyên tắc. Và ông coi những tố cáo chống lại de Castro là do thái độ kì thị vẫn có của người Bồ và người Âu đối với dân Ấn và những thành phần thuộc giới tăng lữ ở đó. Bao lâu còn sống, Ingoli vẫn đưa tay che chở de Castro. Nhưng sau khi ông mất, người ta đi tới nhận định mới, cho rằng giám mục de Castro không thích hợp cho sứ vụ, phần vì bản tánh khó khăn của ông, phần vì hoàn cảnh quá khó xử. Nhân chuyến về lại Roma năm 1658, người ta rút lại bài sai của ông.
Trong lúc đó, các tương quan với Bảo Hộ lại càng phức tạp, vì khối liên minh nhân sự giữa Tây và Bồ đổ vỡ vào năm 1640. Vì Tây không công nhận triều đại mới Braganzas ở Bồ, nên Roma cũng không dám công nhận. Điều này có nghĩa, bao lâu Madrid không công nhận quyền chỉ định giám mục của những nhà cầm quyền mới ở Lissabon, bấy lâu Roma cũng không thừa nhận các giám mục mới do Bồ phong, và điều này kéo dài suốt gần 30 năm (cho tới 1669).
Không nắm được những mâu thuẫn đó, khó có thể hiểu được những khó khăn de Rhodes gặp phải trong những năm tiếp sau. Ingoli mất ngày 24.04.1649, hai tháng trước khi de Rhodes đặt chân về lại Roma. Nghiệt ngã thay, hai người đã không có dịp gặp nhau. Người kế vị Ingola là Dionisio Massari.
Dù sao, Bộ Truyền Giáo giờ đây là chỗ đối thoại của de Rhodes. Và mục tiêu thành lập hàng giáo sĩ bản xứ hiện vẫn còn là một ưu tiên của Bộ, nên de Rhodes hi vọng lời thỉnh cầu gởi giám mục sang truyền chức cho người Việt sẽ được Roma lắng nghe. Để thông tin và gây sự lưu tâm của Roma về cuộc truyền giáo ở Việt Nam, de Rhodes cho in thêm cuốn „Relazione felici successi…“ năm 1650 và cuốn nói về Đàng Ngoài, vốn là bản tường trình cho Tổng Quyền được ông viết năm 1636 tại Ma-cao, nay khai triển rộng thêm. Cũng trong mục tiêu đó, năm sau, ông trao cho nhà in của Bộ in cuốn Phép Giảng tám ngày và cuốn Tự Điển Việt-Bồ-La. Đặc biệt, ông thảo một giác thư trao cho Bộ ngày 02.08.1650.Trong đó ông trình bày cặn kẽ về nhu cầu thiết lập một hàng giáo sĩ bản xứ và một cơ cấu phẩm trật chặt chẽ. Ông cho hay, chỉ thừa sai âu châu mà thôi thì không đủ, vì (theo ước lượng của ông) hiện đã có vào khoảng 300 ngàn tín hữu và như vậy cần phải có ít nhất tới 300 linh mục; với lượng nhân sự đó, làm sao Âu Châu có thể cung ứng nổi vừa về nhân sự lẫn tiền bạc. Mà dù Âu Châu có thể cáng đáng nổi số đó, thì việc tràn ngập người Âu sẽ tạo cho dân bản xứ có cảm tưởng bị xâm thực văn hoá và sẽ bị thực dân tấn chiếm. Ông đưa trường hợp Nhật ra làm thí dụ để cảnh giác, vì ở đó chỉ có một số thừa sai rất ít mà nhà cầm quyền Nhật đã báo động lo sợ. Ngay ở Việt Nam, các thừa sai cũng không hoạt động được lâu, vì thường bị trục xuất, và trong thời gian vắng thừa sai đó, các tín hữu bản xứ không được lãnh các bí tích. Hơn nữa, trong số các kẻ giảng không thiếu người có khả năng làm linh mục. Khi các thừa sai âu châu bị bách hại hoặc trục xuất, những người bản xứ này sẽ dễ dàng ẩn trốn và tiếp tục hoạt động. Theo ông, các giám mục gởi sang đó phải độc lập với cơ quan bảo hộ của Bồ, phải đóng toà ở bên ngoài các phần đất của Bồ và không lãnh tiền của Bồ. Họ phải là những giám mục „hiệu toà“, ở trong một toà „tạm“. Như vậy sẽ tránh được đụng độ với yêu sách bảo hộ của Bồ.
Ngày 20 tháng 8 các hồng y thuộc Bộ Truyền Giáo chấp nhận các đề nghị của de Rhodes và quyết định chuyển tiếp lên Giáo Tông. Lúc này là Giáo Tông In-nô-xen-xô X (1644-1655), vốn là một người do dự và thiếu quyết đoán, nên đã tìm mọi cách tránh đụng độ với Bồ. Một năm sau, ngày 01.08.1651, Bộ trình lên Giáo Tông một dự án rõ ràng quá lớn, có lẽ đó là bằng chứng cho thấy tính liều lĩnh của de Rhodes: Yêu cầu gởi ít nhất một thượng phụ, ba tổng giám mục và 12 giám mục tới Đàng Trong và Đàng Ngoài. Vì dự án không được Giáo Tông chấp nhận, de Rhodes lại đưa trở lại đề nghị chỉ định ba đại diện tông toà trong tư cách giám mục hiệu toà. Nhưng Giáo Tông vẫn không quyết định.
Cuối cùng Giáo Tông và Bộ Trưởng Massari đề nghị phong giám mục cho chính de Rhodes, để ông trở lại Viễn Đông. Sở dĩ có đề nghị đó, quả thật là vì ở Roma lúc đó không có ai đủ khả năng và sẵn sàng nhận chức giám mục để sang truyền giáo ở Việt Nam. Bộ Truyền Giáo tuy đã có cơ cấu, nhưng chẳng nắm trong tay kho nhân sự nào cho việc truyền giáo, trước khi Hội Thừa Sai Paris được thành lập. Nhưng de Rhodes từ chối. Lí do chính được ông cho biết trong lá thư gởi Massari: Nếu nhận, người ta sẽ nghĩ rằng, tất cả những nỗ lực của ông ngay từ đầu là với mục đích tiến thân cho chính mình, và như thế, sẽ chẳng còn ai tin ông nữa; vả lại, một tu sĩ dòng Tên không được ôm ấp mộng làm giám mục.
Nhìn vào con người de Rhodes, ta có thể tin được điều ông nói. Nhưng, trước những rắc rối xẩy ra về sau này giữa các đại diện tông toà và nói chung giữa các giáo sĩ dòng Tên với Bộ Truyền Giáo, ta phải tự hỏi: Nếu như chính de Rhodes trở thành giám mục hoặc đại diện tông toà, thì sự việc phải chăng đã khác?
Ngày 06.05.1652 de Rhodes lại chuyển trực tiếp cho Giáo Tông In-nô-xen-xô X một thư thỉnh nguyện nữa. Ông viết: Đàng Trong và Đàng Ngoài cũng lớn như nước Ý. Ở đó đã có 300 ngàn tín hữu, nhưng nhiều người đã chết mà chẳng nhận được các phép, vì thiếu linh mục. Ông nhắc lại lập luận: Quá nhiều thừa sai ngoại quốc có mặt bên đó, ngay nếu điều này có thể thực hiện, sẽ có nguy cơ tạo nên phản ứng chống lại và chính quyền bản xứ sẽ trục xuất các thừa sai như đã xẩy ra ở Nhật-bản và Ethiopien. Và cũng có không ít người Việt đủ khả năng lãnh chức linh mục, cụ thể đã có 7 người trong họ đổ máu vì Đức Ki-tô. Chỉ cần chọn trong số các kẻ giảng của ông. Muốn thế, cần phải có giám mục; lúc này de Rhodes khiêm nhượng chỉ còn xin một giám mục mà thôi. Nhưng giờ đây cả Bộ cũng do dự. Trong phiên họp có sự hiện diện của Giáo Tông ngày 30 tháng 7 ở điện Quirinal, Bộ quyết định cần phải điều tra về tình hình tín hữu ở Việt Nam, trước khi phong chức giám mục cho một linh mục triều. Để làm được chuyện này, tính ra phải mất tối thiểu 5 hay 6 năm vừa đi vừa về. Như vậy có nghĩa là quyết định bị bỏ ngỏ, mà cũng có nghĩa là từ chối.
Sứ mạng của de Rhodes ở Roma thất bại…