100 Năm Biến Cố Fatima

Phạm Hồng Lam

100 Năm Biến Cố Fatima

Có chuyện bất thường giữa trưa ngày 12 tháng 9 năm 1935, khi mấy công nhân nghĩa trang của thị trấn nhỏ Ourem, miền trung tây Bồ-đào-nha, khiêng lên từ ngôi mộ tập thể một quan tài nhỏ, và mở nắp hòm. Lật tấm khăn liệm cũ lên, mọi người ngỡ ngàng: thi thể của cháu bé Jacinta Marto, nằm trong lòng đất từ 15 năm nay, vẫn nguyên vẹn hình hài, xác không rữa. Phóng viên, báo chí ùa nhau tới chứng kiến và thu nạp hình ảnh về một phép lạ.

 

Việc cải táng Jacinta là do yêu cầu của giám mục giáo phận Leiria-Fatima. Ngài muốn đưa xác em về nghĩa trang làng Fatima chôn cùng với người anh là Francesco Marto, chết trước Jacinta một năm vì bệnh cúm tây-ban-nha. Jacinta mất tháng 2 năm 1920 vì bệnh sưng màng bụng.
Hai anh em Jacinta (7 tuổi), Franceso (9) và người chị họ Lucia (10) đã được diễm phúc thấy và nói chuyện với Mẹ Maria hiện ra tại làng Fatima.
Jacinta sinh ngày 11 tháng 3 năm 1910, người anh ruột Francesco sinh ngày 11 tháng 6 năm 1908. Vùng quê của hai em thời đó chẳng có trường học. Vừa đến tuổi „khôn“ thì được cha mẹ giao cho công tác chăn cừu. Hai em dẫn đàn của mình nhập với đàn cừu của người chị họ Lucia de Jesus (sinh 22.03.1907). Trong ba em, Lucia lớn tuổi nhất, khôn hơn, biết nhiều lẽ đạo vì được mẹ dạy, được rước lễ lần đầu lúc 7 tuổi, tới năm 9 tuổi bước vào nghề chăn cừu. Thường ra cứ mỗi sáng, sau khi chuẩn bị của ăn và nước uống, ba chị em cùng nhau đọc một kinh Lạy Cha, một kinh Kính mừng và một kinh cầu Thiên thần bản mệnh, rồi theo đàn vật ra đồi cỏ. Buổi trưa, theo yêu cầu của bố mẹ mà cũng là truyền thống thời đó, ba em lần một chuỗi, trước khi ăn, sau đó bày trò chơi cho đến chiều tối mới dẫn cừu về. Nói là lần chuỗi, nhưng như Lucia kể lại, vì mải chơi và thích nhảy nên các em đã có một „sáng kiến“ để lần cho nhanh: Cứ mỗi hạt các em đọc một câu „Kính mừng Maria“ mà thôi; khi hết chục đó, nghỉ một lát rồi đọc câu „Lạy Cha chúng con“, rồi lần tiếp chục khác. Nhờ vậy, chỉ cần vài ba phút là xong bộ chuỗi!
Hôm đó, ngày 13 tháng 5 năm 1917, sau khi dự thánh lễ sáng, cả ba dẫn đàn thú ra đồng. Lần này các em quyết định đi tới „Cova da Iria“, một vùng trũng cách nhà quảng 3 cây số. Tới đó thì vừa trưa. „Lần chuỗi“ và ăn trưa xong, cả ba đang xếp đá làm nhà chơi (chính chỗ này hiện nay là Vương cung thánh đường Fatima), bỗng nhiên choé lên một làn ánh sáng như một tia chớp mạnh. Hoảng sợ, ba em quyết định bỏ về nhà. Đi được nửa đường thì một làn ánh sáng dữ dội nữa lại choá lên. Lần này tia sáng toả trên một cây sồi đá nhỏ (nơi hiện là nhà nguyện hiện ra). Và từ luồng sáng đó ba em thấy một Bà sáng láng như mặt trời, trên tay cầm bộ chuỗi màu trắng. Bà bảo các em đừng sợ, hãy cầu nguyện nhiều và hứa sẽ đưa cả ba về trời, hai anh em nhà Marto về trước, Lucia về sau. Bà cũng hứa rồi ra sẽ cho các em thấy những chuyện lạ và hẹn sẽ gặp lại các em vào ngày 13 của 5 tháng tiếp sau đó, cũng tại nơi địa điểm này.
Một sáng một chiều, câu chuyện đồn xa. Thiên hạ thoạt nghĩ ba trẻ ranh nói nhảm. Giáo quyền hoàn toàn ngờ vực, có lúc còn cấm các em không được nói ra những chuyện như thế.
Dù vậy, „Bà Mến Yêu“ của ba em vẫn xuất hiện đúng hẹn. Chỉ lần trong tháng 8, thay vì vào ngày 13 (vì ngày này các em bị ông quận trưởng bắt cóc) thì Bà hiện ra ngày 19 và cách xa xóm các em ở khoảng nửa cây số.
Lần hiện ra cuối cùng, ngày 13 tháng 10, lúc đó có khoảng 70 ngàn người hiếu kì cùng tụ tập, các em được biết tên bà sáng láng kia là „Bà Mến Yêu Của Chuỗi Mân Côi“. Lần này, như đã hứa, dân hiếu kì được chứng kiến một cảnh tượng lạ lùng: Trời đang mưa mưa âm u, bỗng nhiên màn mây như xé toang ra; không trung trở nên ráo hoảnh, chan hoà ánh sáng; mặt trời tiếp đó biến thành như một đĩa bạc, xoay tít như một bánh xe ngút lửa, dần dần như muốn đổ ập xuống trên đoàn người hoảng sợ kêu la thất thanh.
Hơn một năm sau biến cố Fatima, cậu bé Francesco mất, sau đó tới lượt em gái qua đời. Riêng Lucia sống sót, vào dòng (17.06.1921), cuối cùng trở thành nữ tu dòng kín và mất ngày 13 tháng 2 năm 2005, thọ 98 tuổi. Ngày đưa xác chị về Fatima để cùng táng chung với hai em trong Vương Cung Thánh Đường (mộ của Jacinta và Francesco đã được chuyển về đây năm 1951 và 1952), trời đang mưa vần vũ giáng xuống trên đầu 200 ngàn tín hữu tiễn đưa bỗng dưng phút chốc trở nên ráo hẳn, sáng choang. Cảnh tượng giống i như biến cố tháng 10 năm 1917.
Về sau, khi Lucia đã vào dòng, Mẹ còn hiện ra riêng với chị thêm 3 lần (ngày 10.12.25 tại Tây-ban-nha, 15.02.26 trong tu viện Pontevedra và đêm 13 rạng ngày 14.06.29 tại tu viện ở Puy). Ngoài ra, chị Lucia còn cho biết, trước khi đức Mẹ hiện ra, ba chị em từ tháng 4 tới tháng 10 năm 1916 cũng đã ba lần thấy thiên thần hiện ra mời gọi các em cầu nguyện sám hối.
Từ 1917 từng dòng người từ mọi miền thế giới không ngớt lũ lượt hành hương về „Cova da Iria“, ban đầu chỉ vào ngày 13 mỗi tháng, sau đó trong các dịp nghỉ, rồi tới các ngày cuối tuần và nay thì mỗi ngày. Trung bình trên dưới 4 triệu người mỗi năm. Tháng 5 năm nay, dịp kỉ niệm 100 năm Mẹ xuất hiện, lượng người hành hương đổ về cầu khẩn Mẹ chắc chắn sẽ đông.

„Bí mật“ Fatima

Trong lần hiện ra tháng 7.1917 Bà Mến Yêu cho các em thấy những điều lạ, về sau người ta gọi là 3 „bí mật“ Fatima. Lần hiện này, theo yêu cầu của các em, Bà hứa sẽ gởi tới một phép lạ vào lần gặp chót ngày 13.10.17, để cho thiên hạ tin. Theo yêu cầu của giáo quyền và „được phép của đức Mẹ“, chị Lucia đã viết ra tóm tắt nội dung 3 điều (bí mật) đó như sau:
Phần thứ nhất là cảnh hoả ngục. Bà Yêu Mến Của Chúng Con cho chúng con thấy một biển lửa lớn (…). Trong lửa đó chúng con thấy quỷ và các linh hồn, đó là những mảng than hồng có dạng người, mang màu đen hoặc xám trong vắt. Họ ngụp lặn trong lửa, bị lửa bắn toả khói tung lên. Rồi rơi xuống bung ra mọi phía, giống như tia lửa bắn ra từ một đám cháy kinh hoàng (…). với những tiếng kêu la đau đớn thất thanh và vô vọng (…)“
[Phần thứ hai]
„Cảnh tượng trên chỉ kéo dài trong giây lát. Nếu Mẹ thiên đình của chúng con (trong lần hiện ra trước) đã không hứa đưa chúng con về trời, thì chúng con đã chết khiếp khi thấy cảnh đó. Chúng con nhìn lên Bà Yêu Mến. Đầy nhân từ và buồn rầu Bà nói: – Các con đã thấy hoả ngục, nơi linh hồn của những người tội lỗi đáng thương sẽ phải tới. Để cứu họ, Thiên Chúa muốn thế giới thờ kính trái tim vô nhiễm của Ta. Nếu người ta thi hành những điều Ta nói, nhiều linh hồn sẽ được cứu vớt và thế giới sẽ có hoà bình. Chiến tranh sẽ chấm dứt. Nhưng nếu người ta cứ tiếp tục lăng mạ Thiên Chúa, thì một cuộc chiến khác khốc liệt hơn sẽ xẩy ra dưới thời giáo chủ Pi-ô 12 (…). Để cản ngăn điều đó xẩy ra, Ta sẽ đến để đòi dâng nước Nga cho trái tim vẹn sạch của Ta và đòi việc rước lễ ăn năn tội vào các thứ bảy đầu tháng. Nếu người ta làm theo nguyện vọng Ta, nước Nga sẽ trở lại và sẽ có hoà bình. Nếu không, họ sẽ gieo rắc học thuyết lầm lạc của họ ra khắp nơi, họ sẽ gây chiến tranh và mở ra những cuộc bách hại Giáo hội. Những người lương thiện sẽ bị giết, đức Thánh Cha sẽ đau khổ, nhiều dân tộc sẽ bị tiêu diệt, nhưng cuối cùng rồi thì trái tim vô nhiễm của Ta sẽ thắng. Đức Thánh Cha sẽ dâng nước Nga cho Ta, nước này sẽ trở lại, và thế giới sẽ được hưởng hoà bình một thời gian“.
Hai „bí mật“ trên đây được chị Lucia viết ra năm 1941 và đã được phổ biến từ lâu. „Bí mật“ đầu Mẹ cho các em thấy cảnh hoả ngục. „Bí mật“ sau nói về việc tôn sùng trái tim vô nhiễm của Mẹ, báo trước cuộc thế chiến thứ hai và báo trước tai họa cộng sản xuất phát từ nước Nga. Mà lạ, không hiểu sao ba đứa trẻ vô học, sống trong một vùng quê heo hút hoàn toàn biệt lập với bên ngoài mà lại biết được hoạ nọc độc cộng sản đang mở ra tại Nga sô. Cùng ngày hôm đó (13.05.1917), tại Moskau, cô giáo Maria Alexandrova đang dạy giáo lí cho 200 trẻ em trong một thánh đường. Bỗng một đoàn kị binh tung cửa nhà thờ ập vào, chúng phá bàn thờ, đập nát các ảnh tượng, giật sập một bên toà nhà, đoạn cho ngựa dày lên các trẻ và giết chết một số em. Cô giáo hốt hoảng thoát được ra ngoài, chạy tới kêu cứu với một anh cách mạng quân đang đứng gần đó – người này chính là Lenin – , tay này trả lời: „Tao biết, tao ra lệnh cho lính vào đó“! Đó là màn mở đầu cuộc cách mạng cộng sản tại Nga. Mở đầu cuộc khổ nạn của Giáo hội.
Riêng „bí mật thứ ba“, được chị Lucia viết ra vào đầu năm 1944, cũng theo yêu cầu của giám mục giáo phận và với sự đồng í của đức Mẹ, đã được giữ kín cho tới ngày 26.06.2000, ngày Bộ Tín Lí chính chức phổ biến tài liệu mang tên „Sứ điệp Fatima“ qua một cuộc họp báo. Việc giữ kín này đã là cớ cho nhiều phỏng đoán đầy tưởng tượng và đôi khi hài hước[1] từ nhiều chục năm nay. Người ta quả quyết về một cuộc thế chiến thứ ba, hoặc về một cuộc sụp đổ của Giáo hội! Lúc đầu, bản viết tay duy nhất của chị được niêm phong và lưu giữ tại toà giám mục địa phận. Ngoài phong bì, chị Lucia ghi chú: không được bạch hoá trước năm 1960. Để cho bảo đảm, tháng 4.1957 nó được chuyển về cất trong thư khố bí mật của Bộ Tín Lí tại Rôma. Ngày 17.08.1959 phong thư được mang tới cho giáo tông Gio-an 23, nhưng ngài quyết định không đọc và trả về thư khố. Giáo tông Phao-lô 6 đã cùng với phụ tá Bộ Tín Lí là giám mục Angello dell´Acqua đã đọc nó ngày 27.03.1965, nhưng quyết định không cho phổ biến. Sau ngày bị mưu sát (13.05. 1981 trùng với ngày Mẹ hiện ra lần đầu tiên), giáo tông Gio-an Phao-lô yêu cầu được đọc thư, và ngày 18.07.81 Bộ đã chuyển tới cho ngài. Và như ta biết, giáo tông Gio-an Phao-lô II đã coi nội dung „bí mật“ này có liên quan tới chính ngài, ngài tin rằng chính đức Mẹ đã cứu ngài, và đã quyết định cho phổ biến „bí mật“ vào năm 2000 để đánh dấu biến cố sang trang của một thiên niên kỉ mới.
Một đoạn của nội dung „bí mật“ thứ ba như sau (những chi tiết trên và toàn bộ bản văn có trong „Sứ điệp Fatima“ của Bộ Tín Lí, xuất bản bằng nhiều thứ tiếng):
„Và chúng con thấy trong một luồng ánh sáng kinh dị, ánh sáng đó là Thiên Chúa, „một thứ gì như là những bóng người đi qua, phản chiếu từ một tấm gương“ một giám mục bận áo trắng; „chúng con biết đó là đức Thánh Cha“. Nhiều giám mục, linh mục, tu sĩ nam nữ khác đang leo lên một ngọn núi dốc, trên đỉnh núi dựng một cây thánh giá bằng thân cây sồi còn cả vỏ thô.
Trước khi tới đỉnh, đức Thánh Cha băng qua một thành phố nửa đổ nát và vừa run rẩy vừa khập khễnh bước, lòng ngập đớn đau và âu lo ngài cầu nguyện cho những xác chết gặp trên đường đi. Tới đỉnh, ngài quỳ dưới chân thánh giá. Ở đó, ngài bị một nhóm quân lính bắn chết bằng đạn và mũi tên. Tiếp đó là các giám mục, linh mục, tu sĩ nam nữ, và nhiều người dân thường thuộc mọi thành phần và vị trí cũng bị giết như thế. Dưới hai cánh thánh giá có hai thiên thần tay cầm bình pha lê. Các ngài gom máu những vị tử đạo vào bình và cho các linh hồn tiến gần tới Chúa uống“.

Í nghĩa sứ điệp Fatima

Trên thực tế, sứ điệp Fatima rất đơn giản. Chị Lucia đã nói với hồng i Ratzinger, nay là giáo tông Biển-đức 16 : «Đừng để í đến những chuyện gì khác mà người ta đã tường thuật, tất cả chung quy lại chỉ là đức tin, hi vọng và tình yêu ».
Bộ Tín Lí đã có những diễn giải chi tiết về sứ điệp trong tài liệu thượng dẫn. Hồng i Ratzinger, lúc đó là Trưởng Bộ, đã tóm tắt nội dung diễn giải đó như sau, ghi lại trong cuốn «Thiên Chúa và Trần Thế» của ngài : «Nội dung của toàn bộ sứ điệp kia là chúng ta hãy học lấy các nhân đức tin, cậy, mến. Đó là những gì Mẹ Thiên Chúa tập cho ta, và nhờ đó giúp ta tinh luyện và trở về với Chúa. Sám hối chính là sự thay đổi cuộc sống, là việc bước ra khỏi khuynh hướng thời thượng, một khuynh hướng đẩy ta rời xa Thiên Chúa và chỉ biết nghĩ tới mình mà thôi. Sám hối là quay về, là đi ra khỏi mình, là cho mình đi; cho mình đi tức là tình yêu, và rồi tình yêu đòi buộc phải có đức tin như là điều kiện, và tình yêu làm nẩy mầm hi vọng (…)
Thị kiến cho thấy con đường gian nan của một giám mục bận áo trắng (mà chính ba trẻ nhận ra là giáo chủ Rô-ma) đang khó nhọc leo lên một ngọn núi; con đường dẫn xuyên qua một thành phố nửa đổ nát. Các giám mục, linh mục, giáo dân và cuối cùng cả giáo chủ cũng bị giết. Nhưng máu của những nạn nhân đã được thiên thần hứng lấy, và máu đó đã làm cho thế giới sinh hoa kết quả. Ta có thể xem đó là hình ảnh biểu trưng cho Giáo hội tử đạo trong thế kỉ 20; giáo sư Riccardo (chủ tịch Cộng đoàn Thánh Egidio) mới đây vừa cho ra một cuốn sách về các vị tử đạo dưới các chế độ độc tài trong thế kỉ chúng ta, cuốn sách đã cụ thể hoá một cách hùng hồn những hình ảnh thị kiến. Đọc qua ba phần của bí mật, ta thấy rõ tâm điểm của sứ điệp là lời kêu gọi sám hối, đồng thời sứ điệp còn nói lên tính tự do của lịch sử, nghĩa là lịch sử không hoàn toàn bất biến theo tiền định, mà có thể thay đổi đường đi nhờ vào việc sám hối.
Toàn bộ bí mật là lời thảm thiết kêu gọi tự do con người hãy sửa mình, và nhờ đó sửa lại vận hội thế giới; nội dung bản văn cũng giống như sách Khải-huyền. Sự kiện Giáo chủ thoát chết có thể được hiểu như là một dấu chỉ cho thấy lịch sử có thể diễn tiến khác đi nhờ lời cầu nguyện».

Đôi cảm nghĩ

Biến cố vật lí nào đã thật sự xẩy ra hay đã không xẩy ra từ tháng 5 tới tháng 10 năm 1917 tại Cova da Iria? Ta không biết. Nhưng quan trọng là đã có một sự kiện xẩy ra. Và sự kiện đó đã làm biến đổi toàn bộ cuộc đời của ba em nhỏ quê mùa, vô học. Với tôi, phép lạ trước hết là đó.
Không lâu sau khi được diễm phúc trò chuyện với «Bà Mến Yêu», Francisco bị nhiễm dịch cúm thế kỉ. Ngày 03.04.1919, trên giường bịnh tại nhà, sau khi được rước lễ lần đầu, em quay sang mẹ, nhỏ nhẹ: «Mẹ ơi, mẹ có thấy làn ánh sáng đẹp ở cánh cửa không »? Rồi một thoáng sau: « Mẹ ơi, con không thấy ánh sáng đó nữa ». Và với một nụ cười trên môi, em thanh thản bỏ mẹ thế trần để trở về với Mẹ Mến Yêu của em. Jacinta cũng bị cúm dịp đó, em may mắn thoát nhưng thân thể cứ yếu dần đi và cuối cùng bị chứng sưng màng bụng. Em tâm sự với chị Lucia: Bà Mến Yêu bảo người ta sẽ mang em vào bệnh viện Lissabon và em sẽ chết một mình ở đó, nhưng em không buồn, không sợ đâu, vì Bà đã hứa đưa em về trời. Và quả đúng vậy, người ta đã chở em về thủ đô để rút mủ trong màng bụng, và em đã mất cô đơn nhưng một cách thánh thiện ở đó. Cả hai anh em, suốt trong thời gian trên giường bịnh, chỉ biết có lần chuỗi và lần chuỗi, để cầu cho «những người tội lỗi sám hối, cho hoà bình thế giới và cho đức Thánh Cha». Những cái chết đẹp, cảm động và thánh thiện quá. Tôi đã không cầm được nước mắt khi đọc những lời đối thoại cũng như tâm tình của hai em trong những giờ phút cuối cuộc đời.
Có thể chúng ta đã không sám hối đủ, nên đã không tránh được cuộc thế chiến thứ hai thảm khốc và thảm nạn cộng sản man rợ. Nhưng, thực thi lời Mẹ yêu cầu, ngày 25.03.1984 đức Thánh Cha Gio-an Phao-lô II đã chính thức long trọng dâng thế giới và đặc biệt Nga-sô cho trái tim vô nhiễm Mẹ (lẽ ra nghi thức đã diễn ra vào năm 1981). Một năm sau ngày dâng, Gorbachov mở ra tiến trình tái cấu trúc và mười năm sau đó Liên Bang Sô-viết tan rã, mở đường chấm dứt thảm nạn đỏ cho thế giới. Để ghi nhớ biến cố được cứu thoát, ngài tặng Mẹ viên đạn đồng gắn lên triều thiên của Mẹ. Và cũng để cảm tạ Mẹ, ngài cho mang một mảng bức tường Bá-linh về dựng trong khuôn viên của Mẹ.
Thế giới nói chung đã thoát được nạn máu lửa cộng sản. Nhưng còn đất nước Việt Nam? Sao chúng ta vẫn còn bị đày đoạ bởi tai ách đó? Thiên Chúa còn muốn trừng phạt đất nước này, vì dân tộc này chưa đáng được hưởng một cuộc sống xứng đáng làm người? Hay còn tại sao khác?

Augsburg, 08.05.17
(ghi chú hai bức hình : Vương cung thánh đường Fatima hiện nay ; Gc. Gio-an Phao-lô gặp chị Lucia)

[1] Trong một buổi họp mặt nhỏ, cố tổng giám mục Thuận kể cho chúng tôi câu chuyện sau. Nhiều hồng i, giám mục gặp đức thánh cha Gio-an Phao-lô II cứ nài ngài cho biết bí mật thứ ba của Fatima (vì biết ngài đã đọc). Và cuối cùng đức Thánh Cha đã bật mí ra như sau: „Đức Mẹ Fatima bảo mọi người đừng nên hành hương đức Mẹ Lộ-đức nữa“! Không hiểu câu chuyện hài hước này là của cụ Gio-an Phao-lô hay của chính cụ Thuận ?