Nguyên Tắc Bổ Trợ

GM Nguyễn Thái Hợp

Nguyên Tắc Bổ Trợ 
           Trong bối cảnh toàn cầu hoá và kinh tế tự do hiện nay, nguyên tắc bổ trợ đang trở thành một quan niệm thời thượng và thực sự đã đóng góp tích cực trong những cuộc tranh luận về mô hình cộng đồng Châu Âu. Đây là một quan niệm hữu ích cho phép nghĩ đến một cơ cấu mạnh mang tính “toàn cầu hoá”, nhưng đồng thời lại được hỗ sung bởi yếu tố “địa phương” vững chắc. Có thể coi đây như mô hình tân thời để điều phối mối tương quan phức tạp giữa các tổ chức quốc tế với các quốc gia, giữa Nhà nước với xã hội dân sự, giữa cơ quan trung ương với các cộng đồng địa phương, cũng như giữa thế giới chính trị với các cơ chế khác. Chính hiệp ước Maastricht cũng nhìn thấy nơi nguyên tắc bổ trợ định hướng hữu ích cho việc hội nhập tương lai của cộng đồng Âu châu (art. 3b).

1-     Một cái nhìn lịch sử
Diễn ngữ “nguyên tắc bổ trợ” tương đối mới xuất hiện, nhưng đã được sử dụng nhiều trong triết lý xã hội Công giáo trong suốt một thế kỷ vừa qua. Hơn nữa, xét về nội dung, nguyên tắc này bắt nguồn từ kinh nghiệm ngàn đời của các hiền nhân và khá quen thuộc trong tư tưởng nhân loại[1].           
Theo nguyên ngữ, bổ trợ diễn tả ý tưởng trợ giúp, can thiệp của một tổ chức  cấp trên để yểm trợ, bổ túc cho các cơ cấu xã hội hay tổ chức thấp hơn, nhưng không bao giờ chủ trương làm suy giảm khả năng của các tổ chức này. Càng không bao giờ muốn thay thế chúng. Đây là hành động “can thiệp kỹ thuật” của thẩm quyền hay tổ chức cấp trên để yểm trợ các cấp dưới. Hành động bổ trợ này chỉ xảy ra khi cấp dưới không thể hay không đủ khả để năng tự mình thực hiện một công tác nào đó, hoặc thực hiện nó một cách kém hiệu quả.
Nguyên tắc bổ trợ đòi hỏi tôn trọng sự hiện hữu, tính tự lập và thẩm quyền của các tổ chức trung gian như hiệp hội, nhà trường, tôn giáo, nghiệp đoàn, khu xóm, nhóm, gia đình... Những cơ cấu trung gian này tạo nên nền tảng của một cộng đoàn nhân vị đích thực và cho phép hình các cấu trúc xã hội cao hơn. Do đó, Nhà nước nên cổ võ sự phát triển của “xã hội dân sự” và không được chủ trương làm thay cho các cấp dưới, khi chính họ có thể làm được[2].
          Đứng trên phương diện ngữ học, hạn từ bổ trợ, mà ngôn ngữ Tây phương hiện nay thường dịch là subsidiarité, subsidiarity, subsidiariedad, sussidiarietà ... bắt nguồn từ hạn từ Latin “subsidium”, có nghĩa là đội quân dự bị. Thật vậy, người Roma phân biệt giữa đạo quân đang chiến đấu tại mặt trận với đội quân dự bị, nhưng ở tiếp cận với tiền tuyến. Áp dụng vào môi trường xã hội, nguyên tắc bổ trợ diễn tả hành động can thiệp bổ túc và bù trừ của các cơ cấu xã hội lớn hơn để trợ giúp các cá nhân hay tổ chức xã hội nhỏ hơn, khi công ích đòi hỏi hay khi các cá nhân hoặc cơ quan trung gian không đủ khả năng chu toàn nhiệm vu.                   
Thánh Tôma đề cập đến nguyên tắc bổ trợ này khi cho rằng cần phải tôn trọng tính tự lập và hình thức đa dạng. Ngài cho rằng sự nhất loạt hay đồng nhất thái quá đe doạ sự hiện hữu của nền cộng hoà kết tạo bởi nhiều thành phần, cũng như âm điệu và sự hoà hợp của các bè bị phá vỡ khi mọi người chỉ hát cùng một nốt nhạc[3]. Theo thi hào Dante, hoàng đế không nên trực tiếp nhúng tay vào những chuyện nhỏ nhặt của mỗi thành thị, bởi vì mỗi quốc gia, vương quốc và thành thị có những đặc tính và những sắc thái riêng. Do đó cần phải có những luật lệ riêng phù hợp với mỗi hoàn cảnh[4].
          Vào thế kỷ XIX, trước khi Giáo huấn xã hội của Giáo hội chính thức ra đời, giám mục Ketteler đã trình bày một cách rõ rệt mối tương quan giữa Nhà nước với các thành phần xã hội khác theo nguyên tắc bổ trợ. Lập luận của nhà tư tưởng xã hội nổi tiếng này dựa trên nguyên tắc đơn giản theo đó mỗi cá nhân có quyền quyết định về những quyền lợi riêng mà họ được phép hành xử. Nhà nước không phải là một cỗ máy vô hồn, mà là một cơ thể sống cấu tạo bởi những thành phần sống động, trong đó mỗi thành phần có quyền lợi, trách nhiệm, vận hành riêng và biểu lộ chính cuộc sống tự do. Các thành phần này có thể là cá nhân, gia đình, cộng đoàn hay những tổ chức trung gian. Bình thường, mỗi một thành phần cấp dưới này được tự do vận hành, chọn lựa, quyết định và tự trị trong lãnh vực riêng của mình. Chỉ khi nào các thành viên cấp dưới không đủ khả năng để tự mình đạt tới mục tiêu hoặc không thể đương đầu với những vấn đề quan trọng, và sự bất lực này có nguy cơ gây tổn thương đến sự phát triển hay sinh tồn của chính tổ chức, lúc đó thẩm quyền cấp cao mới can thiệp để bổ trợ[5].
2-      Quan điểm của Giáo hội
          Nguyên tắc bổ trợ là một trong những quan niệm bền vững và độc đáo của giáo huấn xã hội Công giáo. Vì nguyên tắc này hiện diện trong tất cả các văn kiện xã hội và hơn nữa nó trở thành một trong những đóng góp đặc sắc nhất của giáo huấn xã hội Công giáo cho lãnh vực đạo đức xã hội. Đức Leô XIII yêu cầu để cho gia đình quyền được quyết định độc lập trong phạm vi riêng và cho thợ thuyền quyền được tổ chức nghiệp đoàn[6]. Ngài  nhắc nhở các nhà cầm quyền nhiệm vụ bảo vệ các hiệp hội hợp pháp của các công dân, “tuy nhiên không nên nhúng tay vào lãnh vực quản trị và kỷ luật nội bộ; bởi vì một trào lưu sống động luôn phát sinh từ nguyên tắc nội tại, trong khi những áp lực bên ngoài thường bóp nghẹt nó”[7].
          Đức Piô XI tiếp tục khai triển và bảo vệ nguyên tắc này, bất chấp bối cảnh chính trị – xã hội khắc nghiệt của các chế độ độc tài và toàn trị ở giai đoạn đó. Thông điệp “Quadragesimo anno” chủ trương rằng Nhà Nước và thẩm quyền cấp cao không được vô hiệu hoá thẩm quyền cấp thấp. Trái lại, Nhà nước cần đề cao và bảo vệ tính tự lập của các hiệp hội và nhóm nhỏ hơn: “Nếu như việc tước đoạt khỏi các cá nhân điều mà họ có thể chu toàn với khả năng riêng để trao nó cho cộng đoàn là không hợp lý, thì cũng chẳng hợp lý việc trao phó cho một xã hội lớn và cao cấp hơn những gì mà những cộng đoàn nhỏ và thấp hơn có thể làm được. Điều đó gây ra một thiệt hại lớn và một sự đảo lộn trật tự hữu lý của xã hội; bởi vì mục đích tự nhiên của bất cứ sự can thiệp nào của chính xã hội là để giúp đỡ bằng cách bổ trợ các thành phần của cơ cấu xã hội, chứ không phải nhằm phá đổ và huỷ diệt chúng”[8].
          Đức Gioan XXIII cho rằng sự can thiệp của Nhà nước vào sinh hoạt xã hội là hợp pháp và cần thiết để bảo đảm an ninh, bảo vệ công bằng xã hội, cổ võ sự phát triển và mưu cầu công ích. Tuy nhiên, trong thế giới hiện đại, sự can thiệp của Nhà nước để khuyến khích, thúc đẩy, phối hợp, bổ túc và hội nhập chỉ đem lại hiệu quả nếu tôn trọng sáng kiến, sự tự lập và thẩm quyền của các cá nhân, cũng như các tổ chức trung gian, theo định hướng của nguyên tắc bổ trợ[9].
          Trong thông điệp “Hoà bình trên thế giới”, đức Gioan XXIII tiếp tục khai triển quan điểm này và đề nghị nới rộng tầm ảnh hưởng của nó sang lãnh vực tương quan quốc tế. Ngài đề nghị nới rộng tầm ảnh hưởng của nguyên tắc bổ trợ như sau: “Trong mỗi nước, mối quan hệ giữa công quyền với công dân, với gia đình, cũng như với các đoàn thể trung gian phải được điều hành theo nguyên tắc bổ trợ. Cũng từ nguyên tắc này, nên điều hành mối quan hệ giữa quyền bính quốc tế với chính quyền các quốc gia. Quyền bính của các tổ chức quốc tế có nhiệm vụ cứu xét và giải quyết những gì mà công ích toàn cầu nêu ra trong lãnh vực kinh tế, xã hội, chính trị hay văn hoá. Vì đây là những vấn đề phức tạp, bao la và khẩn cấp, nên nhà cầm quyền các quốc gia không hy vọng một mình có thể giải quyết nổi. Tuy nhiên, quyền bính của cộng đồng quốc tế không được hạn chế phạm vi hoạt động của quyền bính các quốc gia và càng không nên thay thế họ. Trái lại, mục đích của cơ quan quốc tế là đóng góp vào việc kiến tạo, trên bình diện thế giới, một môi trường cho phép các chính quyền quốc gia, các công dân và các tổ chức trung gian có thể chu toàn trách nhiệm, thi hành nghĩa vụ và sử dụng quyền lợi của mình một cách an toàn hơn”[10].
Sách Giáo lý Hội Thánh Công giáo đã tóm lược một cách rõ ràng và giản dị nguyên tắc bổ trợ  như sau: “Giáo huấn xã hội của Giáo hội đã đưa ra nguyên tắc bổ trợ, theo đó “một tập thể cấp cao không được can thiệp vào nội bộ tập thể cấp thấp, làm mất thẩm quyền của nó, nhưng đúng hơn phải nâng đỡ nó khi cần thiết và giúp nó phối hợp hành động của mình với những hoạt động của tập thể khác, để mưu cầu công ích”[11]. Thiên Chúa không muốn dành cho riêng mình việc thi hành mọi quyền hành. Người trao lại cho mỗi thụ tạo những phận vụ có thể thi hành theo khả năng của bản tính riêng. Cách lãnh đạo này phải được noi theo trong đời sống xã hội. Đường lối hành động của Thiên Chúa khi cai trị thế giới cho thấy Ngài rất tôn trọng quyền tự do của con người. Đó phải làø đường hướng chỉ đạo cho những ai cầm quyền trong các cộng đồng nhân loại. Họ phải xử sự như những người thừa tác viên của Chúa quan phòng. Nguyên tắc bổ trợ nghịch với mọi hình thức duy tập thể, nêu lên những giới hạn cho hành động can thiệp của Nhà Nước, dung hoà mối tương quan giữa cá nhân với xã hội, và hướng tới việc thiết lập một trật tự quốc tế đích thực”[12].
         
3-    Trong lãnh vực kinh tế – chính trị
          Sau khi tìm hiểu sơ lược về ý nghĩa của nguyên tắc bổ trợ, bây giờ xin nói đôi lời về vai trò của nguyên tắc này trong lãnh vực kinh tế. Nhìn lại lịch sử thế giới trong hai thế kỷ vừa qua, chúng ta thấy rằng trong một thời gian khá dài, nhân loại phải hứng chịu hậu quả khốc hại của cuộc đối đầu gay gắt giữa mô hình kinh tế tự do và mô hình kinh tế chỉ huy. Tại một số nơi và vào một số giai đoạn, chủ trương bảo vệ mậu dịch, quốc hữu hoá và kế hoạch hoá kinh tế được đề cao như những biện pháp hữu hiệu để phát triển đất nước. Quyền tư hữu, sáng kiến cá nhân và tự do thị trường hoàn toàn bị phủ nhận. Từ khi chủ nghĩa xã hội ở Đông Âu sụp đổ do chính những mâu thuẫn và yếu kém nội tại, mọi người thấy rõ chính bao cấp đã dẫn đưa kinh tế đến chỗ bế tắc, lạc hậu và tốc độ tăng trưởng thấp. Kinh tế tự do trở thành mô hình kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên, thực tế đau thương đã cải chính quan niệm “lạc quan ngây thơ” coi thị trường tự do như thuốc thần trị bách bệnh, giải quyết được mọi khó khăn kinh tế và đem lại phúc lợi đồng đều cho mọi người, mọi nước và mọi nơi.
Chính trong bối cảnh đó, nguyên tắc bổ trợ đang cống hiến cho nhân loại một đóng góp thật ý nghĩa: cần nối kết hài hoà hành động hỗ tương giữa thị trường và Nhà nước. Để đạt tới một phát triển toàn diện và bền vững, cần khai thác những ưu điểm của thị trường và tránh những hình thức can thiệp vô ích của Nhà nước vào lãnh vực sản xuất. Nhưng để thị trường tiếp tục phát triển sở trường và giảm thiểu sở đoản của nó, rất cần đến “bàn tay pháp lý” của Nhà nước và “bàn tay liên đới” của xã hội dân sự. Đó là một trong những đề nghị nòng cốt của nguyên tắc bổ trợ.
Ngay trong thông điệp xã hội đầu tiên, đức Leô XIII đã đề cập đến vai trò phục vụ công ích của Nhà nước: khi các cá nhân hay các cơ chế trung gian không thể chu toàn nhiệm vụ của mình, hoặc không có phương tiện để phục vụ công ích thì Nhà nước cần mạnh dạn can thiệp vì thiện ích chung. “Đó là những biện pháp chính phủ dùng để mưu ích cho mọi giai cấp trong xã hội nói chung và cho giai cấp lao động nói riêng. Nhà nước sẽ can thiệp với tất cả quyền hạn và không sợ bị chỉ trích là đã quá bảo hộ, bởi vì nhiệm vụ của Nhà nước chính là phục vụ công ích”[13].
Tuy nhiên, theo đúng tinh thần của nguyên tắc bổ trợ, “ngay từ đầu cần khẳng định rằng trong lãnh vực kinh tế phải dành vai trò ưu tiên cho các sáng kiến cá nhân, dù họ hoạt động một mình hay liên kết với người khác dưới nhiều hình thức để cùng nhau theo đuổi lợi ích chung”[14]. Nói rõ hơn,  “các hoạt động phòng ngừa của Nhà nước trong lãnh vực kinh tế, dù rộng rãi và sâu sắc đến đâu chăng nữa, vẫn phải tránh việc hạn chế tự do sáng kiến của công dân. Trái lại phải gia tăng tự do này bao lâu quyền căn bản của mỗi người vẫn được bảo vệ hữu hiệu. Trong các quyền này, phải kể đến quyền và bổn phận của mỗi người là chu cấp cho các nhu cầu cuộc sống của mình và của gia đình mình. Điều này giả định rằng mỗi người phải được phép và được tạo cơ hội để dấn thân vào hoạt động sản xuất trong các hệ thống kinh tế”[15].
Thông điệp “Hoà bình trên thế giới” mở rộng nguyên tắc bổ trợ sang lãnh vực quốc tế. Tương tự như những gì đã trình bày trong phạm vi quốc gia, trên bình diện quốc tế “nhà cầm quyền của cộng đoàn quốc tế phải đối phó và giải quyết những vấn đề kinh tế, xã hội, chính trị, văn hoá do công ích toàn cầu đặt ra”. Dĩ nhiên, đây là “những vấn đề lớn lao, phức tạp và khẩn cấp mà nhà cầm quyền của mỗi cộng đoàn chính trị không đủ khả năng để giải quyết”[16], chính vì vậy cần đến sự bổ trợ của cộng đồng quốc tế.
Nhân dịp kỷ niệm bách chu niên thông điệp “Tân Sự”, đức Gioan Phaolô II mời gọi mọi người nhìn lại quá khứ và đọc lại bản văn của các thông điệp để tái khám phá các nguyên tắc nền tảng hàm chứa trong đó. Về vai trò của Nhà nước trong lãnh vực kinh tế, đức Gioan Phaolô II đề cao và tái xác định quan điểm của đức Leô XIII: “Thông điệp Tân Sự chống lại việc quốc hữu hoá các phương tiện sản xuất vì làm cho mọi công dân chỉ còn là một bộ phận trong guồng máy quốc doanh, thông điệp cũng dứt khoát phê phán quan niệm một Nhà nước chủ trương đặt lãnh vực kinh tế hoàn toàn ra ngoài phạm vi quan tâm và hoạt động của mình. Chắc chắn có một phạm vi hợp pháp để các hoạt động kinh tế có quyền tự trị, Nhà nước không nên can thiệp vào. Tuy nhiên, Nhà nước có bổn phận xác định khuôn khổ pháp luật giúp triển khai các tương giao kinh tế, và như thế bảo vệ được những điều kiện tiên quyết của nền kinh tế tự do, nền kinh tế gia đình và sự bình đẳng giữa các thành phần, làm sao để thành phần này không quá trổi vượt hơn thành phần kia đến độ trong thực tế biến nó thành nô lệ”[17].
Được công bố sau khi bức tường Bá Linh sụp đổ, thông điệp “Bách chu niên” nhìn nhận vai trò quan trọng của thị trường trong sinh hoạt kinh tế ở thời đại chúng ta. Thông điệp yêu cầu cổ võ tự do và sáng kiến cá nhân trong sinh hoạt kinh tế, nhưng cũng mạnh mẽ phản kháng quan điểm coi thị trường như “thuốc thần trị bách bệnh”, đồng thời kêu gọi Nhà Nước cũng như xã hội công dân tích cực bảo vệ quyền lợi của người lao động nói riêng và nhân quyền nói chung trong lãnh vực kinh tế. Đây là một công tác quan trọng, nhưng phức tạp và tế nhị. Cần tránh những bất cập và thái quá. Trong mọi trường hợp, “phải tôn trọng nguyên tắc bổ trợ: một xã hội cấp trên không được can thiệp vào sinh hoạt nội bộ của xã hội cấp dưới đến độ tước đoạt thẩm quyền riêng của xã hội này. Tốt hơn nên bổ trợ trong trường hợp cần thiết và giúp đỡ để nối kết hoạt động của tổ chức này với các tổ chức xã hội khác, trong viễn tượng phục vụ công ích”[18].
Ngài cũng sáng suốt cảnh giác những người nghĩ rằng, với sự thất bại của “xã hội chủ nghĩa hiện thực”, kinh tế thị trường sẽ là mô hình kinh tế duy nhất và lý tưởng nhất cho nhân loại. Bởi vì, “giải pháp Mác-xít thất bại, nhưng vẫn còn đó hiện tượng bị loại trừ và bóc lột trong thế giới, đặc biệt ở Thế giới thứ ba, cũng như tình trạng vong thân trong các nước phát triển (…). Hơn nữa, còn có nguy cơ bành trướng ý thức hệ quá khích mang màu sắc tư bản chủ nghĩa, triệt để tín nhiệm nơi giải pháp tự do phát triển những năng lực của thị trường”[19]. Vì vậy, cần cố gắng hơn nữa để kiếm tìm một mô hình kinh tế phù hợp hơn, trong đó thị trường “được giám sát bởi các lực lượng xã hội và Nhà nước, ngõ hầu thỏa mãn những đòi hỏi căn bản của tất cả xã hội”[20].
          Trong một cuộc phỏng vấn dành riêng cho nhật báo “La Stampa” (1993) ở Torino, Italia, đức Gioan Phaolo II đã diễn tả, một cách thẳng thắn hiếm có, quan điểm của ngài trước những diễn biến của lịch sử và mối quan tâm đối với tương lai của nhân loại. Theo ngài, “cuộc chiến chống lại các chế độ bất công và toàn trị rất chính đáng (...). Tuy nhiên, nhận định của đức Leô XIII cũng rất đúng khi cho rằng trong hệ thống xã hội cũng có “một số mầm chân lý”. Chúng ta không thể để những mầm chân lý này “bị phá huỷ hoặc cuốn theo chiều gió”. Đã hẳn, “chủ nghĩa tư bản hiện tại không còn là thứ tư bản chủ nghĩa ở thời đức Leo XIII”. Nhưng bất chấp những biến đổi quan trọng trong các nước phát triển, “tại một số nước trên trái đất, tư bản chủ nghĩa vẫn xuất hiện ở dạng thức hoang dã, y nguyên như trong các thế kỷ đã qua”.
          Nhìn lại những đau thương, sóng gió và xung đột trong quá khứ, chúng ta có thể coi nguyên tắc bổ trợ như một mô hình vừa hiện đại, vừa hài hòa trong tương quan giữa Nhà nước và xã hội công dân, cũng như giữa cộng đồng quốc tế và cộng đồng địa phương. Nguyên tắc này không hề phủ nhận quyền và bổn phận can thiệp của thẩm quyền cấp trên, nhưng đề nghị một “hình thức can thiệp tích cực” trong đó luôn luôn nhìn nhận giá trị của thẩm quyền cấp dưới, cũng như tính tự lập và sáng kiến của mỗi tổ chức. Đây là một mô hình quân bình và hài hoà, nằm giữa mô hình “Nhà Nước bao cấp” với thứ mô hình “Nhà Nước từ nhiệm” hay “thị trường hoang dã”, phó mặc cho các cá nhân tự do chọn lựa và quyết định hoàn toàn theo tiêu chuẩn của xã hội tiêu thụ.


[1] A.F. Utz nhìn thấy nơi sách Xuất Hành một vài hình ảnh của nguyên tắc bổ trợ này. Khi ông Jetro quan sát cảnh ông Môsê ngồi xử kiện từ sáng đến chiều, liền góp ý ới con rể: “Tại sao chỉ một mình anh ngồi xử kiện, trong khi cả dân đứng chầu chực anh từ sáng đến chiều? (...). Anh làm như thế không tốt đâu!  Chắc chắn anh sẽ kiệt sức, và cả dân đang ở đây với anh cũng vậy; vì công việc qúa nặng đối với anh, anh không thể làm nổi một mình. Bây giờ anh hãy nghe lời tôi khuyên: (...) Anh hãy xem trong toàn dân những ai là người có tài, biết kính sợ Thiên Chúa, đáng tin cậy, không ham của bất chính, thì đặt họ làm người chỉ huy: điều khiển một ngàn hay một trăm, năm mươi hay mười người. Họ sẽ thường trực xử kiện cho dân; việc nào lớn thì họ trình lên anh, còn việc nhỏ thì chính họ xử lấy” (Xh 18,14-22).
[2] Xem Hội đồng Tòa Thánh “Công lý & Hòa bình”, Compendium …, số 185-186.
[3]  Xem Thánh Tôma, In Pol., II, 5.
[4] Dante, De Monarchia, I, 14.
[5] Xem J. Hưffner, La dottrina sociale cristiana, Milano, 1986, tr. 39-43; A. Cuadron (Coord.), Manual de doctrina social de la Iglesia, Madrid, 1993.
[6]  Leo XIII, Tân Sự, 19 & 33.
[7]  Ibidem, 32.
[8] Pio XI, Tứ Thập niên, 80.
ơ Xem Gioan XXIII, Mẹ và Thầy, số 47-55.
[10] Gioan XXIII, Hoà bình trên thế giới, số 74.
[11]Bách Chu niên, số 48; Xc. Thập Tứ niên, số 184-186.
[12] Giáo lý Hội Thánh Công giáo, số 1883-1885.
[13] Leô XIII, Tân Sự, số 26.
[14] Gioan XXIII, Mẹ và Thầy, 39.
[15] Ibidem, số 42.
[16] Gioan XXIII, Pacem in terris, 74.
[17] Gioan Phaolô II, B\ách Chu niên, số 15.
[18] Ibidem, số  48.
[19] Ibidem, số 42.
[20] Ibidem, số 35.