Nguyễn Xuân Nghĩa - Thanh Hà
Hiệu Ứng Kinh Tế Donald Trump
Chưa có "cách mạng thuế khóa" cho Hoa Kỳ...
Gần đến ngưỡng 100 ngày lên cầm quyền, vào cuối Tháng Tư, Tổng thống Donald Trump thông báo kế hoạch cải tổ thuế khóa "lịch sử": Xóa 2.000 tỷ đô la thuế cho các hộ gia đình và doanh nghiệp trong 10 năm. Kế hoạch đó gồm những gì? Hiệu quả kinh tế đến đâu? Chính quyền Trump tính cách nào để tài trợ chương trình giảm thuế đó? Phân tích của chuyên gia kinh tế Nguyễn-Xuân Nghĩa.
Theo thông cáo ngày 26/04/2017, chính phủ Mỹ dự trù giảm thuế doanh nghiệp đang từ 35 % xuống còn 15 %, dẹp bớt 4 ngạch thuế đánh vào các hộ gia đình. Mục tiêu chính của chủ nhân Nhà Trắng nhằm tạo ra việc làm, thúc đẩy đà tăng trưởng và giúp cho thành phần trung lưu thấp có cơ hội thăng tiến, như điều ứng cử viên tổng thống Donald Trump từng hứa hẹn trong chiến dịch vận động tranh cử 2016.
Về phương diện chính trị, thông báo về kế hoạch giảm thuế quy mô nhất từ thời cố tổng thống Ronald Reagan tới nay không khiến công luận ngạc nhiên. Mọi người chờ đợi tổng thống Trump áp dụng những gì ứng cử viên Donald Trump đã hứa. Nhìn vấn đề dưới góc độ kinh tế, tất cả các nhà quan sát đều đưa ra cùng một quan điểm: nếu được thực hiện, đây sẽ là một cuộc "cách mạng thuế khóa" trên đất Hoa Kỳ, tổng sản phẩm nội địa của Mỹ sẽ tăng lên thành 3 % thay vì 1,8% như hiện tại. Chỉ trong trường hợp tăng trưởng của Mỹ được giữ ở mức 3 % như vậy, thâm hụt ngân sách Nhà nước mới không bị ảnh hưởng. Đây là một giả thuyết mà các nhà quan sát cho rằng "ít có thể xảy ra".
Lý do kinh tế Hoa Kỳ có thể bị những cuộc khủng hoảng "đến từ bên ngoài" chi phối. Đó có thể là khủng hoảng tài chính thế giới hay khủng hoảng xuất phát từ căng thẳng địa chính trị.
Có một điều chắc chắn: để được áp dụng, kế hoạch giảm thuế của tổng thống Trump còn phải vượt qua được cửa ải của Quốc Hội, nơi đảng Cộng Hòa chiếm đa số, nhưng không nhất thiết hậu thuẫn các chính sách của tổng thống Trump.
Theo đánh giá của chuyên gia kinh tế Nguyễn-Xuân Nghĩa, đây sẽ là một cuộc chiến kéo dài, không chỉ giữa hai phe Dân Chủ và Cộng Hòa, mà thực ra là "một sự phân rẽ giữa 6 phe nhóm chính trị khác nhau". Nhưng trước hết, ông Nguyễn-Xuân Nghĩa từ California nhắc lại những điểm chính trong sắc lệnh được tổng thống Trump ban hành, chỉ đạo giảm thuế:
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Tương đối có bài bản chứ không lụp chụp như trong nhiều hồ sơ trước, hôm 21/04/2017, Tổng thống Donald Trump ký một sắc lệnh chỉ thị cho các cơ quan hữu trách, chủ yếu là bộ Ngân Khố và cục Quản Trị và Ngân Sách OMB, nghiên cứu và đệ trình những đề nghị giản lược hóa hệ thống luật lệ liên quan đến chế độ thuế khóa cho người dân và các doanh nghiệp. Tùy theo tiết mục, thời hạn là 60 ngày và 150 ngày. Vì vậy, chúng ta chưa thấy hết những gì sẽ được đề nghị và lại càng khó thấy được kết quả hay hậu quả. Nôm na là chưa thể có cuộc cách mạng thuế khóa trong năm nay.
Sau đó 5 ngày, đến hôm 26/04/2017, Tổng thống Donald Trump mới ký sắc lệnh về tinh thần chỉ đạo việc cải cách thuế khóa. Cùng ngày, tổng trưởng Ngân Khố Steven Mnuchin và cố vấn Gary Cohn của Hội đồng Kinh tế Quốc gia Mỹ đã họp báo để trình bày nội dung sắc lệnh quan trọng đó. Thật ra nó chỉ có một trang với bốn phần gồm: 1/ Mục tiêu cải cách; 2/ Cải cách thuế cá nhân; 3/ Cải cách thuế Doanh nghiệp; và 4/ Tiến trình thực hiện qua phối hợp với Hạ Viện, Thượng Viện và các thành phần liên hệ.
Mục tiêu chính là tiến hành đợt giảm thuế quan trọng nhất kể từ năm 1986 nhằm tạo ra việc làm, thúc đẩy đà tăng trưởng và giúp cho thành phần trung lưu thấp có cơ hội thăng tiến.
Như trong mọi việc cải cách, dĩ nhiên là có người ủng hộ và có người chống. Nhưng đây chưa là một đề nghị cụ thể khả dĩ ban hành như một đạo luật mà chỉ là một bước thăm dò mở đầu của Hành Pháp để mặc cả và thương thuyết mà thôi.
RFI: Về mặt kinh tế, đề nghị này tốt hay xấu? Đâu là những giới hạn?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Chính quyền Trump đề nghị giản lược hóa chế độ thuế khóa quá phức tạp và tốn kém của Mỹ qua việc ấn định ba ngạch thuế là 10%, 25% và 35% thay vì bảy ngạch thuế như trước. Thứ hai là cắt bớt các trường hợp giảm thuế để chỉ còn hai, trong mục tiêu hạn chế các kỹ thuật lách thuế của nhà giàu.
Riêng về thuế doanh nghiệp thì đề nghị của ông Trump là hạ thuế suất từ 35 xuống 15%, bỏ gần hết các trường hợp giảm thuế của các nhóm lợi ích và chỉ đánh thuế một lần lợi tức doanh nghiệp thu được ở nước ngoài, nhằm khuyến khích các doanh nghiệp hồi hương tư bản họ giữ ở ngoại quốc để đầu tư trong nước.
Về mặt kinh tế thì doanh nghiệp Mỹ bị quá nhiều loại thuế và quá nặng so với doanh nghiệp của các nước công nghiệp khác. Thứ hai, khi hạ thuế, người ta trả cho tư nhân và doanh nhân quyền sử dụng lợi tức thay vì để chính quyền tiểu bang hay liên bang được phân phối nguồn tài nguyên đó. Thứ nữa, việc giảm thuế cũng gián tiếp nâng cao mức lương cho người dân vì doanh nghiệp bị thuế mặc nhiên bắt công nhân viên và giới tiêu thụ san xẻ gánh nợ đó. Đấy là điều có lợi cho kinh tế, nhưng tác động đó không đến ngay lập tức và cần một thời khoảng khá dài.
Mặt khác, khi chính quyền liên bang bớt thu được thuế thì ngân sách càng bị thiếu hụt với mức bội chi ngày nay đã quá cao. Nếu kinh tế có tăng trưởng sau này nhờ giảm thuế thì nhà nước sẽ có căn bản thu thuế cao hơn, nhưng điều ấy chưa có ngay và chưa chắc cân bằng được mức hao hụt vì giảm thuế.
RFI: Ngoài yếu tố kinh tế như vừa nêu, kế hoạch giảm thuế tổng thống Trump đề xuất còn vấp phải nhiều trở ngại chính trị trước khi được ban hành. Trở ngại đó là gì?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Tất nhiên là đảng Dân Chủ mị dân sẽ đả kích kế hoạch Donald Trump là giảm thuế cho người giàu. Điều ấy không sai nhưng sự thật là 40% dân Mỹ không phải đóng thuế và 20% giầu nhất đang trả tới 86% tổng số thuế, trong khi lại nắm một số tài sản ít hơn 30 năm trước do tính chất lũy tiến của hệ thống thuế khóa Hoa Kỳ.
Nôm na là chỉ có người trả thuế thì mới được giảm thuế và trả thuế càng nhiều thì được giảm càng nhiều.
Nhưng thật ra trở ngại trước mắt của kế hoạch cải tổ thuế khóa lại xuất phát từ đảng Cộng Hòa vì Hạ Viện trong tay Cộng Hòa đang có một kế hoạch cải cách do chủ tịch Ủy Ban Chuẩn Chi là dân biểu Kevin Brady soạn thảo với khá nhiều khúc mắc phải dung hòa với đề nghị của Hành Pháp, đặc biệt là loại thuế gọi là “điều chỉnh mậu biên” trên các nghiệp vụ xuất nhập khẩu với nhiều hậu quả về ngoại thương.
Thứ ba nữa, là trở ngại chính trị còn đến từ kế hoạch thu hồi và thay thế đạo luật về chế độ bảo dưỡng y tế Obama Care với hiệu ứng rất cao đến thuế khóa và nguồn thu ngân sách.
Nói chung, nước Mỹ đang có sáu phe cãi nhau về thuế khóa: phe tả và cực tả trong đảng Dân Chủ; ba phe bảo thủ, ôn hòa và cấp tiến trong đảng Cộng Hòa và phe thứ sáu là chính quyền Donald Trump hay có phản ứng bất ngờ.
Sau cùng, căn bản nhất, Hoa Kỳ cần có kế hoạch thuế khóa gọi là quân bình, là không gây thêm bội chi ngân sách, nên nếu có giảm thu thì cũng phải giảm chi, nhưng các chính trị gia đều muốn tăng chi để mua phiếu. Vì vậy, kế hoạch cải cách tổng hợp giữa Hành Pháp và Lập Pháp khó kịp thảo luận trong tháng 8/2017 để sẽ ban hành năm nay hầu có kết quả tích cực trong năm tới, tức là sang năm 2018.
Từ nay đến đó thì ta chỉ nghe thấy nhiễu âm khá ồn ào của các chính khách và báo chí. Kết luận thì tôi không tin vào phép lạ kinh tế hay thuế khóa Donald Trump trong năm nay.
Nguon: https://vietbao.com/p112a268102/hieu-ung-kinh-te-donald-trump