GS Mai Thanh Truyết
Giáo dục Việt Nam là giáo dục Nhân bản, Dân tộc, Khai Phóng
Chỉ
một thời gian ngắn sau khi tiến chiếm miền Nam, Bắc Việt đã gửi Trần
Thanh Đạm (TTĐ), một cháu ngoan của “Bác Hồ vĩ đại” vào trường Đại học
Sư Phạm Sài Gòn, ngay khi trường còn nằm trong sự quản lý của chế độ
quân quản. Điều nầy nói lên mối quan tâm đặc biệt và vị trí quan yếu của
trường Sư phạm, một biểu tượng giáo dục và văn hóa của miềm Nam. Chính
vì mối quan tâm đặc biêt đó mà trường Sư phạm dưới chế độ mới sớm đi vào
nề nếp để thích ứng với chính sách giáo dục xã hội chủ nghĩa. Do đó,
vai trò của TTĐ rất quan trọng.
Trường Đại Học Sư Phạm thời Xã Hội Chủ Nghĩa
Ông
Trần Thanh Đạm, dáng dấp thư sinh, xuất thân từ Đại học Vinh, ăn nói
nhỏ nhẹ và dễ làm “bùi tai” người đối thoại. Ngay khi vào trường, ông
chiếm cứ văn phòng của GS Trần Văn Tấn, cựu Khoa trưởng, điều nầy chứng
tỏ vị trí lãnh đạo của ông.
Việc
đầu tiên ông áp dụng “chuyên chính vô sản” ngay và áp dụng cho cô “bí
thư” riêng tên Nguyễn Thị Minh của GS cựu Khoa trưởng đi học tập. Trong
miền Nam, danh từ bí thư riêng chỉ là một người thư ký để ông Khoa
trưởng xử dụng trong các dịch vụ tống thư văn hay liên lạc với với nhân
viên các cấp. Nhưng dưới chế độ XHCN, người Bí thư mới đích thực là
người thay mặt Đảng để lãnh đạo và điều hành cơ quan. Tôi nghiệp, một cô
gái vừa 24 tuổi (ở thời điểm 75) phải chịu hàm oan dưới gọng kềm của
đỉnh cao tri tuệ mà không biết khiếu nại vào đâu!
Quản lý nhân viên giảng huấn cũ
Sau
khi chiếm đóng văn phòng khoa trưởng cũ với đầy đủ phương tiện để chứng
minh quyền lực, TTĐ bắt đầu “viếng thăm” các giáo sư cũ của trường. Dĩ
nhiên, trước khi “mời” một nhân viên giảng huấn vào nói chuyện, ông
đã có sẳn một hồ sơ “lý lịch trích ngang” của người được mời cộng thêm
tất cả báo cáo” ngầm do đội quân 30/4 cung cấp cùng với quan điểm/ý kiến
của sinh viên mà ông/bà giảng dạy.
Nói
như vậy để chúng ta thấy rằng dưới chế độ CS, vấn đề lý lịch nhân sự đã
được nghiên cứu và cân nhắc rất kỹ lưỡng. Có thể nói, trong mỗi lần
tiếp xúc như thế, TTĐ đã dùng phương pháp “chận đầu” để trấn áp
người đối thoại nghĩa là ông đã biết hết mọi chuyện, mọi hành vi rồi.
Nếu người được mời không có một tinh thần vững chắc thì dễ bị chao đảo
và dễ bị khuyến dụ sau đó.
Một
số Giảng nghiêm viên trẻ và một vài Giảng sư (tuy chỉ đếm trên đầu ngón
tay) của trường đã vướng vào cái bẩy sập nầy…và đành cam tâm làm “chó
săn” cho chế độ. Dù sau nầy, một khi tỈnh ngộ lại thì…tay đã nhúng chàm rồi, phải chịu trả một giá rất đắt là sự khinh rẻ của đồng nghiệp cũ.
Sau khi tiếp xúc tất cả nhân viên qiảng huấn, TTĐ mới cho niêm yết danh sách “cán bộ lưu dung” của trường” và cũng từ danh sách trên mà những khuôn mặt 30 mới bắt đầu xuất hiện.
Cuộc chạm trán bất đắc dĩ
Trường
hợp cá nhân tôi hết sức đặc biệt. Không biết vì các báo cáo ngầm của
đội quân 30/4, hay vì những ghét ghen của đồng nghiệp hay nhân viên cũ,
tôi đã được TTĐ “chiếu cố” kỹ lưỡng. Trong suốt hai giờ “trao đổi” căng
thẳng, xin liệt kê ra đây vài mẫu đối thoại có tính cách quyết định.
Sau
khi bắt đầu bằng luận điệu đầu môi chót lưỡi qua những câu mào đầu thăm
hỏi gia đình, vợ con, cuộc sống kinh tế và suy nghĩ dưới chế độ mới mà
tôi đã nghe nhàm chán…vì tất cả cán bộ miền Bắc vào Nam đều có những lập
luận “không chân thật”, một kiểu đạo đức giả như thế khi đối thọại với
người khác, TTĐ đưa ra kết luận về vị trí của tôi đối với trường Sư phạm
XHCN là:
· Vì
nhu cầu cách mạng, Đảng tạm ngưng “công tác giảng dạy” của anh cho đến
khi có lệnh mới. (Đây là câu nói nguyên văn của TTĐ, không sai sót một
chữ mà tôi vẫn nhớ tới ngày viết lên những dòng chữ nầy).
Tôi trả lời dứt khoát, không một chút ngập ngừng:
· Thưa anh Đạm, tuổi tôi còn trẻ (năm 1975), và tôi có thể chờ 20, hay 30 năm sau để phục vụ Đất Nước.
Sau một vài giây ngưng đọng, tôi tiếp:
· Dù không làm việc ở đây, tôi cũng còn nhiều cơ hội đóng góp cho xã hội ở khắp mọi miền đất nước.
Nói
xong, tôi không chờ TT Đạm trả lời, tôi bắt tay ông ta và bước ra khỏi
văn phòng lãnh đạo ngay. Về lại văn phòng cũ của mình, tôi vội lấy một
tờ giấy nháp (vì không muốn giữ lịch sự tối thiểu của một người “có học”
và văn minh trong thế giới văn minh) và thảo ngay lá thư viết tay để từ
nhiệm.
Qua
cô thư ký cũ, tôi đã nhờ chuyển giao thư trên cho TTĐ. Tôi chỉ báo tin
và vắn tắt gửi cho ông Đạm là kề từ giờ phút nầy, tôi “tự ý” chấm dứt làm việc ở trường Đại học Sư phạm.
Sau đó tôi vội vã lên Honda ra về. Bạn bè đồng nghiệp cũ tỏ vẻ ái ngại
về những chuyện không may có thể sẽ xảy ra cho tôi, cũng như những “đứa”
học trò lớp Lý Hóa 2 thân thương của tôi cũng bày lỏ sư lo sợ cho an
ninh của thầy mình. Nhưng họ có biết đâu là, sở dĩ tôi có quyết định
cứng rắn trên vì tôi đã được một cán bộ khoa học của Thành ủy lúc đó mời
tham gia vào việc thành lập một công ty sản xuất thí nghiệm, khởi đầu
cho sự ra đời của Ủy ban Khoa học thành phố hiện tại.
Tranh dành ảnh hưởng
Sau
khi thời gian thanh lọc các thành phần giáo chức và sinh viên hoàn tất,
một số cán bộ từ miền Bắc được bổ sung thêm, trong đó có Cao Minh Thì,
một tập kết miền Nam có bằng Phó Tiến sĩ vào phụ trách chức vụ Phó khoa
cùng với Nguyễn Văn Châu, người Huế giữ nhiệm vụ Phó Khoa trưởng thứ
hai.
Thế
là, một cuộc tranh dành ảnh hưởng và quyền lực bắt đầu từ đây. Dù đây
là một cuộc phân công dưới sự “chỉ đạo” của Đảng ùy, nhưng những người
trong cuộc và nhân viên của trường cũng thấy những rạn nứt trong thành
phần lãnh đạo.
Cảnh trống đánh xuôi, kèn thổi ngược thường xảy ra trong các quyết định hành chánh của trường.
Thậm chí, ngay khi có quyết định của Thành ủy qua nghị quyết 36 của Võ
Văn Kiệt đầu năm 1977, trong đó các cán bộ giảng dạy có thêm được “phụ
cấp ưu ái của Đảng” ngoài số lương bổng hàng tháng. Phụ cấp đảng căn cứ
vào trình độ, bằng cấp và chức vụ cũ của từng giáo sư như 50 Đồng VN cho
cấp Giảng nghiệm viên, 100 cho Giảng sư, và 150 Đồng cho ngạch Giáo sư.
Nhưng đó là trên nguyên tắc, dĩ nhiên là có những ngoại lệ, và những
ngoại lê trên chính là một cách mua chuộc người cũ để kết nạp vào phe
cánh của mình.
Đây
là một trong các rạn nứt ban đầu trong cuộc tranh dành quyền lợi. Về
phía nhân viên, công cuộc mua chuộc cũng không kém phần quan trọng vì
những quyền lợi vật chất như cung cấp nhu yêu phẩm trong giai đoạn giao
thời nầy.
Sống
với não trạng “tem phiếu” ăn sâu trong tiềm thức, do đó, một “lạng”
thịt, một gói thuốc, hay một lít xăng…dôi ra cũng là một thu hút không
nhỏ cho những người cán bộ từ Bắc vào Nam.
Cuộc
tranh dành quyền lực trong thời kỳ phôi thai nầy quanh đi quẩn lại các
loại quyền lợi vật chất nhỏ nhoi….cũng không khác gì những tranh chấp
ngầm trong các cuộc Đại hội Đảng xảy ra mỗi 5 năm của chế độ. Nhưng lần
nầy không phải là một lạng thịt mà là…hàng tỷ Mỹ kim…
Đất Nước đang đi vào bế tắc là ở “khâu” nầy.
Đại học Việt Nam qua nhận định của quốc tế
Chính
vì tầm quan trọng của giáo dục đại học, các chuyên gia quốc tế thường
khuyến cáo cán bộ giảng dạy và cán bộ sửa soạn chính sách giáo dục cho
cộng sản đều nhấn mạnh ảnh hưởng trực tiếp và dài hạn đến tương lai của
dân tộc. Do đó, thiết nghĩ các tác giả của những chương trình, dự án
quốc gia cần phải:
· 1- Thực tế,
· 2- Có tâm và tầm,
· 3- Có trình độ khoa học kỹ thuật đủ để lượng định tình hình,
· 4- Đừng “hoang tưởng” vẽ ra hình ảnh…thiên đàng xã hội chủ nghĩa, mà cần phải nhìn vào sự thực đến từ những nhà giáo dục thực sự trên thế giới.
Trong một báo cáo năm 2008 của Trường đại học Kennedy thuộc Đại học Harvard ghi nhận rằng:”Đại
học Việt Nam đã “khuấy động” ra một tầng lớp lao động trang bị một cách
“bịnh hoạn” để giải quyết những thách thức về kinh tế, xã hội của đất
nước trước tiến trình toàn cầu hóa”. (Vietnamese universities were
churning out a workforce ill-equipped to tackle the nation’s
socio-economic challenges in a globalizing world).
Phòng Thương mại Âu Châu (EuroCham) đã nêu ra trong cuốn Bạch Thư (White Book) ấn hành cuối năm 2012 nêu rõ:”Hệ
thống giáo dục Việt Nam đang đối mặt với cơn khủng hoảng trầm trọng ảnh
hưởng đến lực lượng lao động hiện có và các tài năng đang được đào tạo”. Thêm nữa, Bạch thư nhấn mạnh:”Học
trình và phương pháp giáo dục trong đại học hiện tại đã tạo ra một nhịp
tấu không hòa điệu (discord) giữa khả năng và kỷ năng mà các công ty
đòi hỏi trong hành trang của sinh viên khi bước vào thị trường lao
động”.
Qua hai nhận định xác đáng trên, chúng ta thấy ngay sự thất bại của những nhà làm giáo dục Việt Nam. Và
chính những thất bại căn bản nầy sẽ là một hậu quả tai hại không lường
vì tham vọng không tưởng quá lớn của Việt Nam trong việc “mưu sinh thoát
hiểm” để thoát khỏi cơn khủng hoảng kinh tế hiện đang xảy ra trong nước
cũng như việc mưu cầu cho một nền kinh tế phát triển phồn thịnh trong
tương lai!
Việt
Nam hiện có hai phần ba dân số sinh sau 1975 và 1/3 dân số nằm trong
khoảng tuổi từ 10 đến 25, và đa số ở lứa tuổi nầy đều thất nghiệp vì
không có đủ kỷ năng làm việc trong các hảng xưởng. 60% sinh viên tốt
nghiệp hiện tại không có việc làm và cần phải được đào tại lại về kiến
thức, kỷ năng và nhứt là thái độ (attitude) khi giao tiếp trong môi
trường làm việc!
Chính
vì lý do nầy mà các công ty ngoại quốc ngại việc đầu tư vào Việt Nam vì
mang nhân viên, chuyên viên từ hải ngoại về rất tốn kém, và việc “tái
huấn luyện” lao động tại chỗ càng tốn kém hơn và đôi khi không có hiệu
quả. Chúng ta còn nhớ, khi Công ty INTEL mở một chi nhánh ở Sài Gòn năm
2010, trong hơn 2.000 ứng viên đã tốt nghiệp đại học nộp đơn xin việc,
họ chỉ chọn được 50 người và cần phải gửi đi huấn luyện lại! Nicola Connolly, Phó Tổng Giám đốc EuroCham, nói việc huấn luyện nầy đòi hỏi phải huấn luyện các cô cậu Cử Việt Nam trên một năm mới có thể hội nhập vào dòng tiêu chuẩn quốc tế.
Đôi lời nhắn gửi
Làm một cán bộ giáo dục hay cán bộ giảng dạy cần phải dựa trên Đạo đức giáo dục làm căn bản.
Nếu không, người thầy giáo sẽ hướng dẫn và đào tạo sinh viên thành
những tầng lớp công dân không thích hợp với văn minh và đạo đức xã hội
trong giai đoạn toàn cầu hóa nầy.
Trong
suốt 40 năm qua, chính sách giáo dục hoàn toàn không thay đổi, chúng ta
vẫn còn thấy nhan nhản những Hiệu trưởng như Trần Thanh Đạm, thậm chí
những Bộ trưởng giáo dục hay Phó Thủ tướng phụ trách trong ngành giáo
dục vẫn tiếp tục đi theo vết xe cũ, nghĩa là chỉ chăm lo cũng cố quyền
lợi và quyền lực mà quên đi mục tiêu tối hậu của giáo dục là đào tạo một
tầng lớp công dân có đạo đức và hữu dụng cho công cuộc phát triển quốc
gia và tạo dựng thêm của cải vật chất cùng phúc lợi cho xã hội.
Và, sau khi nhận xét về xã hội, đạo đức và giáo dục Việt Nam hiện tại, Trần Việt Trinh, một nhà báo đã phải thốt lên:”Xét về mặt xã hội, xã hội Việt Nam bây giờ quá phức tạp, đầy rẫy lọc lừa và tranh ăn”.
Xét
về mặt đạo đức, xã hội Việt Nam hiện tại quá đỗi suy đồi, niềm tin
khủng hoảng. Đặc biệt, đó là sự suy đồi về đạo đức, nhân phẩm của những
thế hệ trẻ ngày nay, mà biểu hiện rõ nhất đó chính là thái độ thờ ơ, vô cảm đối với mọi sự vật, mọi sự việc diễn ra xung quanh.
Thái độ này đang dần lan tỏa trong xã hội, không chỉ trong giới trẻ mà
đã len lỏi vào khắp mọi giới, không chỉ địa phương hay vùng miền nào mà
lây lan khắp nước.
Xét về mặt giáo dục, căn bệnh vô cảm này là sản phẩm của một nền giáo dục yếu kém, thất bại. Nền
giáo dục của người CS giáo điều với lý thuyết khô khan và nặng nề,
không chú trọng đến việc đào tạo nên “nhân cách” mà chỉ chú trọng đến
việc đào tạo ra “nhân lực”. Nó thể hiện qua các chính sách, pháp lệnh
cũng như chương trình học nặng nề của nhà nước. Các
môn quan trọng góp phần hình thành nên “nhân cách” con người là Giáo
dục công dân từ lâu đã trở thành những môn phụ không đáng quan tâm, thời
lượng tiết học vô cùng ít ỏi và nội dung học thì quá nặng nề, giáo điều
thì làm sao có thể đào tạo nên những nhân tố tốt được. Sự
sai lầm của giáo dục đã kéo theo một thế hệ không hoàn chỉnh, một thế hệ
không thể nào miễn nhiễm được với những căn bệnh như vô cảm.
Tựu
trung, căn bệnh vô cảm là kết quả của một lối sống chụp giựt, bon chen
và tranh giành ngày nay, ngày ngày ăn sâu vào tinh thần văn hóa của xã
hội Việt Nam khi mà các giá trị sống, giá trị đạo đức tinh thần, lòng
bao dung nhân ái, tình thương yêu đồng loại, và sự hy sinh đang dần bị
thế chỗ bởi chủ nghĩa vật chất và lợi ích cá nhân ... làm cho con người
không còn cảm giác trước nỗi đau của đồng loại, của người thân.
Người Việt mình xưa nay có truyền thống vô cùng tốt đẹp là “thương người như thể thương thân”,
ấy vậy mà ngày nay có những cách sống đang đạp đổ truyền thống tốt đẹp
này. Chữ “nghĩa” trong xã hội Việt Nam dường như đang dần mất đi nên con
người hiện chỉ biết sống vì mình, sống ích kỷ, không còn dám hy sinh và
sống không có trách nhiệm với đồng loại. Ngày xưa con người sống trọng
“nghĩa, luôn đề cao tinh thần trách nhiệm, sự hy sinh, sẵn sàng xả thân
vì cái thiện, cho gia đình, cho đồng loại và cho đất nước. Vì thế mà ở
thời ông cha ta những giá trị căn bản của tình nghĩa gia đình, thầy trò,
tình yêu quê hương đất nước luôn được đặt lên cái tôi cá nhân. Bức tranh xã hội đang có sự đảo lộn giá trị, cái ác lên ngôi, trong khi giá trị nhân bản đang bị chìm lấp. Ngày
nay, đang có sự thay đổi lớn trong hệ thống giá trị sống của con người.
Khi một xã hội, một đất nước mà những người sống trong đó vô cảm, không
hợp quần, không tương thân tương trợ lẫn nhau, không giúp đỡ nhau thì
tất yếu cái xã hội đó sẽ què quặt, đất nước đó sẽ sụp đổ và bị tiêu hủy.
Nước Việt Nam của tôi ngày nay là thế đó. Dân tình của nước Việt Nam của tôi ngày nay là thế đó. Đó
là kết quả của gần 60 năm xây dựng đất nước xã hội được mang danh là xã
hội xã hội chủ nghĩa của những người vô thần, vô trách nhiệm, vô tri và
vô giác đã đưa người dân cả nước đến chỗ vô tình, vô tâm và vô cảm ngày
nay. (12 tháng 9 năm 2012).
Và
thêm nữa, hiện trạng giáo dục Việt Nam được thể hiện bằng những con số
“thực mà ảo” như nhận định trích dẫn từ mạng dưới đây:” Theo
số liệu thống kê cho biết: Cả nước hiện có hơn 9.000 Giáo Sư, 24.000
tiến sĩ, 101.000 thạc sĩ và 2.700.000 cử nhân đại học [1]. Một con số lý
tưởng cho nền kinh tế tri thức. Việt Nam hiện nay có nhiều
điều kiện để trở thành nước có nền kinh tế phát triển như: nguồn lao
động trẻ, thuận tiện giao thông, có nhiều loại tài nguyên. Tuy vậy, nước
ta vẫn trong cái vòng luẩn quẩn của nghèo nàn, lạc hậu. Nguyên nhân
chính là ở yếu tố con người, do đất nước chúng ta không tôn trọng giá
trị con người, không tôn trọng trí thức đích thực. Yếu tố con người chưa
được quan tâm thích đáng trong khi nó mới là nhân tố chính cho sự hưng
thịnh/ suy yếu của một quốc gia.
Một
xã hội bảo thủ, trọng thành tích, hám danh sĩ diện với bằng cấp thường
đi đôi với sự coi thường sự tiến bộ của khoa học, kỹ thuật đương nhiên
sẽ tụt hậu. Và Việt Nam đã và đang tụt hậu. Cũng theo số liệu thống kế
cho biết các chuyên gia World Bank tính toán “Việt Nam phải mất rất
lâu nữa mới đuổi kịp các nước trong khu vực Đông Nam Á: 158 năm hoặc
cũng có thể là 175 năm với Singapore, 95 năm với Thái Lan và 51 năm với
Indonesia.”
Vấn
đề đầu tư vào giáo dục luôn quyết định hưng, suy của một quốc gia. Nền
giáo dục của Việt Nam và cả xã hội Việt Nam làm nhân tài không có đất
dụng võ. Với bằng cấp tràn lan, làm người Việt ảo tưởng về mình. Mỗi năm
chúng ta có rất nhiều kỹ sư, cử nhân, tiến sĩ, giáo sư mới nhưng nền
kinh tế của chúng ta lẹt đẹt, èo uột, đất nước chúng ta lạc hậu. Nếu
tính từ hàm Thứ trưởng trở lên, số người có trình độ tiến sĩ ở Việt Nam
cao gấp 5 lần Nhật Bản. Và với số lượng hùng hậu Giáo sư, Tiến sĩ, Thạc
sĩ, Cử nhân đã nêu trên, Một con số lý tưởng cho nền kinh tế tri thức.
Nhưng hiện vẫn đốt đuốc tìm lao động chuyên gia, thiếu hẳn những công
trình khoa học - sáng tạo - sáng chế được ứng dụng vào thưc tiễn cuộc
sống... Trong khi nền kinh tế sản xuất vẫn là nhân công giá rẻ, miệt mài
với gia công phụ thuộc, công nghệ thì vẫn đang loay hoay ở trình độ"sản xuất mì tôm".
Chính sách Giáo dục của hai miền Nam và Bắc
.. "Giáo dục Việt Nam Cộng Hòa mang triết lý giáo dục nhân bản, dân tộc, và khai phóng. Hiến pháp Việt Nam Cộng Hòa nhấn mạnh quyền tự do giáo dục, và cho rằng “những người có khả năng mà không có phương tiện sẽ được nâng đỡ để theo đuổi học vấn”. Hệ
thống giáo dục Việt Nam Cộng Hòa gồm tiểu học, trung học và đại học,
cùng với một mạng lưới các cơ sở giáo dục công lập, dân lập, và tư thục ở
cả ba bậc học và hệ thống tổ chức quản trị từ trung ương cho tới địa
phương.
Điều
này đã được minh chứng bằng việc học sinh đi học dưới chế độ VNCH không
phải trả học phí. Năm học 1973-1974, Việt Nam Cộng hòa có một phần năm
(20%) dân số là học sinh và sinh viên đang đi học trong các cơ sở giáo
dục. Con số này bao gồm 3.101.560 học sinh tiểu học, 1.091.779 học
sinh trung học và 101.454 sinh viên đại học; số người biết đọc biết viết
ước tính khoảng 70% dân số. Đến năm 1975, tổng số sinh viên trong
các viện đại học ở miền Nam là khoảng 150.000 người (không tính các sinh
viên theo học ở Học viện Quốc gia Hành chính và ở các trường đại học
cộng đồng). Những con số nêu trên được lấy từ cuốn “Giáo dục Việt Nam” –
NXB Giáo dục năm 2001 – cuốn sách của đảng cộng sản Việt Nam.
Năm
1958, dưới thời Bộ trưởng Bộ Quốc gia Giáo dục Trần Hữu Thế, Việt Nam
Cộng Hòa nhóm họp Đại hội Giáo dục Quốc gia (lần I) tại Sài Gòn. Đại hội
này quy tụ nhiều phụ huynh học sinh, thân hào nhân sĩ, học giả, đại
diện của quân đội, chính quyền và các tổ chức quần chúng, đại diện ngành
văn hóa và giáo dục các cấp từ tiểu học đến đại học, từ phổ thông đến
kỹ thuật… Ba nguyên tắc “nhân bản” (humanistic), “dân tộc” (nationalistic), và “khai phóng” (liberal) được chính thức hóa ở hội nghị này. Đây
là những nguyên tắc làm nền tảng cho triết lý giáo dục của Việt Nam
Cộng Hòa, được ghi cụ thể trong tài liệu Những nguyên tắc căn bản do Bộ
Quốc gia Giáo dục ấn hành năm 1959 và sau đó trong Hiến pháp Việt Nam
Cộng Hòa (1967). Theo văn bản phụ lục của hiến pháp VNCH ghi rõ:
“Giáo dục Việt Nam là giáo dục nhân bản. Triết
lý nhân bản chủ trương con người có địa vị quan trọng trong thế gian
này, lấy con người làm gốc, lấy cuộc sống của con người trong cuộc đời
này làm căn bản, xem con người như một cứu cánh chứ không phải như một
phương tiện hay công cụ phục vụ cho mục tiêu của bất cứ cá nhân, đảng
phái, hay tổ chức nào khác. Triết lý nhân bản chấp nhận có sự khác biệt
giữa các cá nhân, nhưng không chấp nhận việc sử dụng sự khác biệt đó để
đánh giá con người, và không chấp nhận sự kỳ thị hay phân biệt giàu
nghèo, địa phương, tôn giáo, chủng tộc… Với triết lý nhân bản, mọi người
có giá trị như nhau và đều có quyền được hưởng những cơ hội đồng đều về
giáo dục.
Giáo dục Việt Nam là giáo dục dân tộc. Giáo
dục tôn trọng giá trị truyền thống của dân tộc trong mọi sinh hoạt liên
hệ tới gia đình, nghề nghiệp, và quốc gia. Giáo dục phải bảo tồn và
phát huy được những tinh hoa hay những truyền thống tốt đẹp của văn hóa
dân tộc. Dân tộc tính trong văn hóa cần phải được các thế hệ biết đến,
bảo tồn và phát huy, để không bị mất đi hay tan biến trong những nền văn
hóa khác.
Giáo dục Việt Nam là giáo dục khai phóng. Tinh
thần dân tộc không nhất thiết phải bảo thủ, không nhất thiết phải đóng
cửa. Ngược lại, giáo dục phải mở rộng, tiếp nhận những kiến thức khoa
học kỹ thuật tân tiến trên thế giới, tiếp nhận tinh thần dân chủ, phát
triển xã hội, giá trị văn hóa nhân loại để góp phần vào việc hiện đại
hóa quốc gia và xã hội, làm cho xã hội tiến bộ tiếp cận với văn minh thế
giới.”
Trong khi đó thì ở VNDCCH, học sinh bị nhồi nhét tư tưởng Mỹ “xâm lược” mà thực chất không phải vậy, “bác Hồ yêu nước, cả đời vì nước vì non” mà thực tế ngược lại khi bạn đọc 15 bài “Những sự thật không thể chối bỏ”và hàng trăm ngàn tư liệu, bằng chứng sống lại chứng minh được điều ngược lại. Hay là “yêu nước là phải yêu đảng cộng sản “, một định nghĩa dốt nát và ấu trĩ.
Những bài thơ như của ông Tố Hữu với những câu như “Giết, giết nữa…” lại
được nhà trường VNDCCH gieo vào đầu con trẻ ý tưởng giết người ngược
hẳn với chiều hướng nhân bản của thế giới nói chung và Việt Nam Cộng Hòa
nói riêng.
Đừng đổ lỗi cho CƠ CHẾ, mà hãy nhìn SỰ THẬT.
Mai Thanh Truyết
Người Thầy “mất dạy” và “bất lương” XHCN
Nhuận sắc bài trích dẫn trong sách “Tâm Tình Người Con Việt”
Kỷ niệm 40 Trường Đại học Sư Phạm Sài Gòn