Nguyễn Quang
Sống chung với tù Côn Đảo
Nói đến tù Côn Đảo là đề cập những nhục hình, theo những gì
cộng sản miền Bắc tuyên truyền thì quả là quái ác chứ không còn là sự ác bình
thường, sự tàn ác trong sự đọa đày con người của phe miền Nam khi bắt được những
người Cộng Sản miền Bắc thâm nhập và phá hoại miền Nam tự do hay những phần tử
miền Nam ‘ăn cơm quốc gia thờ ma cộng sản’.
Thế nhưng dù có khoa đại đến mấy lịch sử vẫn là lịch sử
‘không ai lừa dối được nhiều người mãi mãi’, với gần bốn chục tù nhân từng là
lãnh chúa, trưởng các phân trại, xếp các đội tù ở Côn Đảo và cũng từng là tù
nhân với mức án thấp nhất là chục năm, nghĩa là những tù nhân qua nhiều triều
đại: có người đã thụ án đến ba mươi hai năm với nhiều bản án chồng chất từ chế
độ nầy sang chế độ khác, phần lớn họ lập công trong tù bằng cách triệt hạ người
khác để lấy điểm với kẻ đương quyền, nên lúc chế độ nầy sụp đổ những kẻ bị trấn
áp ngày trước, nay lên cầm quyền và thế là họ bị kêu án tiếp...
Con đường cũ cứ lập lại vì trên đất nước nầy các thế lực
bao giờ cũng là các đối cực, nên kẻ lên ngựa người xuống xe là điều không tránh
khỏi, nhất là đối với những kẻ gây hận thù mà vốn hận thù chỉ thêm thù hận. Tù
nhân ba mươi hai năm nầy cướp ngân hàng từ năm mười tám tuổi, dưới thời Pháp
thuộc, gây án mạng trong tù bị kêu án tiếp, từng là trưởng ban trật tự khét
tiếng ở nhà tù Côn đảo, đàn áp tàn nhẫn dã man với các tù nhân cộng sản, nên
khi những người cộng sản chiến thắng, y nhận được một cái lệnh tập trung vô
thời hạn và đã mười lăm năm trôi qua trong tù dưới chế độ cộng sản... y tâm sự:
bây giờ thì tôi sợ rồi, ngày trước nhiều lắm chỉ đánh đá vài cái là xong, có
khi đánh trúng chỗ huyệt chết ngay, chứ không có sự trả thù dai dẳng như bây
giờ.
Người tù xấu số nầy chỉ tay về phía Nhà đỏ, nơi những con
người đang bị sấy khô trong các cái hộp và chết dần dần vì quá khát, quá đói
cùng những cú đấm đá vô chừng vào mỗi chiều trong giờ điểm danh. Nó không như
chuồng cọp còn cho ăn uống, còn bóng dáng con người, nghĩa là còn có lòng
thương hại, con người dù cho ác đến mấy vẫn là con người với lòng trắc ẩn… Ông
ta làm thợ hớt tóc trong trại giam, ánh mắt y luôn dáo dát, sợ hãi, đây cũng là
nét chung của các tù nhân thuộc nhóm tù từ Côn Đảo được đưa về đây một trại
được mang danh Thung Lũng Tử Thần, đó là Trại A20, Xuân Phước, nên làm gì
cũng cảnh giác, luôn luôn sợ các bạn tù cũng như công an theo dõi.
Và một người đồng bọn, cũng tù Côn đảo, anh ta cao to lớn,
do vậy các nhu cầu cơ thể có lẽ cũng nhiều, mỗi chiều sau giờ lao động tù nhân
nầy đi đánh bắt thằn lằn về kho như cá cơm. Nhưng đó cũng lại là cái cớ để gặp
gỡ với người nầy, người khác nhất là những người mới thăm gặp để vòi thức ăn,
nếu ai không cho y sẽ gây gổ...Trong tù dạng xin ăn này không thiếu. Y bị đi
Nhà Đỏ nhiều lần nhưng vì tính chất hình sự nên sớm được thả ra, và rồi vẫn
ngựa quen đường cũ. Trước con mắt hớt hãi của y như đi tìm mồi, ai thoáng thấy
cũng ái ngại lo tránh xa. Các tù nhân lương tâm nghĩ đến học thuyết ba thế giới
của Mao Trạch Đông: hình ảnh các nước thứ ba đến một lúc nào đó vì không kiềm
chế được nữa đối với các nước giàu.
Tuổi trung bình của nhóm nầy từ bốn mươi đến năm mươi,
người nào cũng trông như khô đét lại, còn nếu trông như mập thì đó là bị sưng
phù, mỗi khi đội hình của họ ra khỏi trại, công việc đầu tiên của mỗi người là
nhắm vào những đám khoai mì, mặc cho quản giáo, quản chế có la réo, họ cải
thiện cho bằng được dù mỗi người chỉ cố vơ không hơn một nắm lá khoai mì để về
làm dưa. Người nào may mắn lắm mỗi năm gia đình đến thăm một lần, nhưng hầu như
rất ít, thời gian cách ly xã hội quá lâu khiến nhiều người không còn biết thân
nhân mình bây giờ ở đâu. Và về mặt xã hội, sự gánh chịu lâu năm đối với người
trong tù trở nên gánh nặng mà lâu dài các gia đình không thể chịu nổi, nhất là
tù hình sự thường gia đình bỏ cuộc rất sớm.
Khi đội hình kia trở về trại giam, họ chạy khắp các phòng
lục lạo trong các chỗ rác rưởi, thật đáng thương để tìm xem thức ăn có còn sót
chút nào hay không, một số khác tìm cách phục vụ các tù nhân có thăm gặp hầu
mong xin được một chút mắm muối gì còn sót lại... “Cuộc đời là một sự chuyển
tiếp và suy tàn” như triết gia Nietzche đã nói, nhưng nếu sự chuyển tiếp đã là
một sự suy tàn thì còn gì là phủ định của phủ định để gieo niềm tin nơi mai
hậu. Các tù nhân thuộc nhóm nầy khi được hỏi về đức tin tôn giáo họ rất thờ ơ: có
Chúa, có Phật cũng như không Phật - không Chúa. Nhưng họ không phải là kẻ vô
thần. Người nào cũng trong mệt mỏi, những bước chân còn lại trên trần gian nầy
dù có rán lê bước nhưng đã quá uể oải. Từ oải oải được nhắc đến nhiều bằng các
từ chia cơm, chia nước, cải thiện... trong cuộc sống hằng ngày. Hầu hết họ bị
sốt nhẹ vào buổi chiều và có khi sốt cao cả nguyên ngày, có một cái gì đó đang
chờ đợi họ. Nó không to lớn lắm và họ cũng không cầu nguyện. Nó là dấu chấm
hết. Phân trại nơi họ bị cách ly xa tít, hẻo lánh sát chân núi, dù không được
quan hệ giữa các tù nhân với nhau, nhưng những con người nầy cũng tìm cách tâm
sự và rồi tự hỏi không biết mình sinh ra để làm gì, để triệt hạ con người, để
giết người, sinh mâu thuẩn hận thù, lúc nào cũng phải nói láo với vợ con, bạn
hữu và cả chính mình vì chắc chắn không thể nói thật được, với họ thế gian nầy
có cái nói thật sẽ chết ngay. Giờ đây trước giờ có thể lâm tử bất cứ lúc nào
của mỗi người: cái thật hay không thật cũng chỉ là cái giới hạn, chết có dù cho
là hết, nhưng trong họ, thường có nỗi băn khoăn: giá như ta đã làm gì mang lại
một chút hữu ích cho đồng loại vẫn dễ nhắm mắt hơn lúc ra đi. Trong nhóm nầy có
cả các tướng cướp khét tiếng ở miền Trung và miền Nam như họ Mã, họ Điền, họ Lâm...
Họ lầm lì, lúc rảnh rỗi thì đi qua đi lại bên trong các hàng rào kẽm gai và như
hầm hừ không nói năng gì cả, theo cuộc sống có lúc họ cũng chạy, nhưng phần lớn
họ đều có đàn em và người phục vụ hay hoà đồng cùng chia cơm nước muối, lá
khoai mì muối dưa với anh em khác. Người nào cũng chung thân hoặc tử hình được
tha tội chết, và đố ai biết cọp khi thả về rừng…
Các tù nhân Côn Đảo này, người nào cũng đã thụ án trên hai
mươi năm, các hữu thể biến dạng về tâm lý thần kinh một cách rõ rệt, sự tiều
tụy hom hem về thân xác cũng không giống nhau, mỗi người như tự đi về cõi vĩnh
hằng một cách, nhưng có lẽ trong tâm tưởng mỗi người, đó cũng chỉ là một sự
trấn an với chính mình bởi vì cái có thực là sự hiện diện trong cuộc đời đã
không là gì hết, vậy không thể sẽ có cái từ không không, quả là vô thường.
Những con người trong tận cùng không phải họ sợ cái chết nhưng cứ ngắc ngoải
trước cái chết mà không chết được bởi vì sâu xa của con người qua các triều đại
mà họ là nạn nhân hay chứng kiến cũng như góp tay vào để được nhanh chóng giảm
án, đó là con người nhằm triệt hạ nhau chứ không nhằm cứu chữa con người.
Nguyễn Quang