Nhạc sĩ và là Đại sứ Thiện chí của UNICEF
Angelique Kidjo đưa ra một phúc trình về giáo dục mới của UNICEF tại
Diễn đàn Kinh tế Thế giới 2015 ở Davos, Thụy Sĩ
UNICEF: Học sinh không học những kiến thức cơ bản
Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc UNICEF nói giáo dục toàn cầu đang lâm
vào thế khủng hoảng. Trong một báo cáo mới, UNICEF cảnh báo hàng triệu
trẻ em không học hỏi được kiến thức cơ bản. Báo cáo này được công bố ở
Diễn đàn Kinh tế Thế giới ở Davos, Thuỵ Sĩ. Thông tín viên Joe De Capua
tường trình.
Bà Brandt nói: “Giáo dục có thể đưa người ta vào một con đường hướng
tới sức khoẻ tốt, đem lại sức mạnh và công ăn việc làm và giúp tái thiết
các xã hội yên bình hơn. Giáo dục đem lại cho trẻ em trong hoàn cảnh
cấp bách một tương lai, một nơi an toàn và một cảm giác bình thường. Và
tất cả chúng ta đều biết rằng các lợi ích của giáo dục trẻ gái vượt xa
nền giáo dục dành cho chính họ, mà còn truyền sang con cháu họ nữa.”
Bà Brandt nói bất kể những lợi ích mà giáo dục đem lại, vẫn có một cuộc khủng hoảng giáo dục.
“58 triệu trẻ em và 63 triệu người lớn đang không có trường học. Và
tệ hơn nữa, chúng ta đang đối mặt với một cuộc khủng hoảng về học hỏi
bởi vì ước chừng 130 triêu trẻ em không biết đọc biết viết, mặc dù đã
lên đến lớp 4. Và chính 2 cuộc khủng hoảng song hành này đang được đề
cập đến trong bản phúc trình mới này của UNICEF mà chúng tôi rất vui
lòng được công bố ở đây.”
Bà nói tiến bộ sơ khởi trong việc đăng ký học sinh đã chậm lại. Có thể khó mà đảo ngược được chiều hướng.
“Con số trẻ em trong tuổi đi học, nhất là ở các nước nghèo nhất, đang
gia tăng. Và đang tăng hết sức nhanh. Chẳng hạn như ở châu Phi phía nam
sa mạc Sahara, trên 440 triệu trẻ em phải ghi danh đi học trước năm
2030 để đạt được giáo dục cơ bản cho tất cả, có nghĩa là cao gấp 2 lần
rưỡi so với số học sinh đang đăng ký hiện nay.”
Giới chức này của UNICEF nói các nước thu nhập thấp cần có thêm 26 tỷ
đôla để cung cấp giáo dục cơ bản. Bà nói con số tương đương với mức lời
hàng năm của 15 công ty có thu nhập cao nhất thế giới.
Cựu thủ tướng Anh Gordon Brown tham gia vào buổi công bố bản phúc
trình. Ông là chủ tịch của Sáng kiến Hạ tầng cơ sở Sách lược Toàn cầu
tại Diễn đàn Kinh tế.
Ông Brown nói: “Người ta đã từng nói rằng ngôn ngữ quốc tế duy nhất
mà thế giới hiểu được là tiếng khóc của một đứa trẻ. Nhưng đối với tôi
dường như trong năm ngoái, trong hết cuộc khủng hoảng này đến cuộc khủng
hoảng khác, chúng ta đã làm ngơ trẻ em ngay cả trong những tình huống
khó khăn, nguy hiểm và đáng buồn nhất.”
Chẳng hạn, theo ông, có 500 ngàn trẻ em Syria tỵ nạn ở Lebanon –
nhưng chỉ có 100 ngàn em được nhận vào nền giáo dục Lebanon. Ông Brown
nói số còn lại dễ trở thành nạn nhân của lao động hay hôn nhân trẻ em:
“Chúng ta có trường học. Chúng ta có giáo viên. Chúng ta có thoả
thuận của chính phủ. Chúng ta có kế hoạch. UNICEF đã phác thảo kế hoạch
đó. Nhưng chúng ta chưa có khả năng tìm ra thêm 136 triệu đôla tài trợ
quốc tế cần thiết.”
Ông Brown nói việc đáp lại vụ khủng hoảng nhân đạo phải bao gồm một quỹ khẩn cấp dành cho giáo dục:
"Một nửa số trẻ em không được đi học trên thế giới là ở các nước có
khủng hoảng nơi đang có xung đột. Và năm vừa qua đã là một năm mà chúng
ta ăn mừng 25 năm Công ước về Quyền Trẻ em, nhưng là một năm đã được
đánh dấu nhiều hơn bởi những vụ vi phạm quyền của hàng triệu trẻ em."
Nhạc sĩ Angelique Kidjo nói ở nhiều nước Phi châu giáo dục các em gái không được coi là quan trọng hay cần thiết.
“Để có thể thay đổi châu lục của tôi, chúng ta cần phải có những em
gái được giáo dục cao. Giáo dục cấp hai và cấp ba là chìa khoá để chuyển
biến toàn bộ xã hội chúng ta."
Kidjo là Đại sứ Thiên chí của UNICEF.
“Tôi không làm việc này để được nổi tiếng. Đó không phải là mục đích
của tôi trong đời. Đó là bởi vì tôi tin sâu xa vào người dân của châu
lục tôi. Ta cho họ cơ hội và đem lại sức mạnh cho họ. Ta không thương
hại họ. Ta không làm họ mất nhân tính. Ta chỉ ngồi xuống với họ và nói,
‘Quý vị cần gì?”
Bà nói với Diễn đàn Kinh tế Thế giới rằng không thể có hoà bình trên thế giới mà không giáo dục trẻ em.
“Ta hãy đầu tư vào giáo dục để sống trong một thế giới hoà bình và
tước đi nguồn dung dưỡng các nhóm khủng bố. Tất cả mọi người lấy làm
giận dữ bởi vì họ cảm thấy mình bị gạt ra ngoài hệ thống mà chúng ta có
hôm nay.”
Bà Kidjo nói giáo dục đem lại cho trẻ em niềm hy vọng, tầm nhìn xa, những thách thức và các cơ hội.
Nguồn: VOA