Sau Đinh La Thăng đến Nguyễn Tấn Dũng?

 Lữ Giang

Sau Đinh La Thăng đến Nguyễn Tấn Dũng?

Hiện nay có hai cuộc thanh toán nội bộ lớn đang xảy ra tại Trung Quốc và Việt Nam dưới danh nghĩa là “chiến dịch chống tham nhũng”.
Tại Trung Quốc, nhóm Tập Cận Bình đang mở chiến dịch thanh toán nhóm Giang Trạch Dân. Theo Wall Street Journal, thuật ngữ được Tập Cận Bình xử dụng là Pāi yíng dǎ hǔ được dịch ra tiếng Anh là “Hunt tigers and swat flies” (Săn hổ và đập ruồi), nhưng lại được các cơ quan truyền thông Việt ngữ dịch là “Đã hổ diệt ruồi”, khiến nhiều người lầm tưởng rằng đây chỉ là một chiến dịch giả, miệng hô to săn bắt các con hổ lớn, nhưng trong thực tế chỉ đập chết mấy con ruồi. Thực tế không phải như vậy.
Tại Việt Nam, nhóm Nguyễn Phú Trọng cũng đang tìm cách thanh toán nhóm Nguyễn Tấn Dũng, một nhóm được coi là có quyền lực và tham nhũng lớn nhất trong Đảng CSVN từ trước đến nay. Chiến dịch này cũng được các cơ quan truyền thông Việt ngữ gọi là “Đã hổ diệt ruồi”.
Thanh toán nội bộ để tranh giành quyền lực và quyền lợi là chuyện bình thường trong các đảng và chế độ cộng sản, đưa tới những biến động hay hậu quả rất phức tạp.
CHIẾN DỊCH CỦA TẬP CẬN BÌNH
Sau khi lên cầm quyền vào cuối năm 2012, Chủ tịch Tập Cận Bình đã phát động một chiến dịch chống tham nhũng sâu rộng, đụng chạm tới cả những nhân vật cấp cao trong đảng, trong quân đội và trong giới doanh nghiệp đầy quyền thế ở Trung Quốc. Đây là những nhân vật trước đây được coi là “không thể đụng chạm”. Cuộc thanh trừng ưu tiên nhắm vào phe nhóm của Giang Trạch Dân trong Quân Ủy Trung Ương.
 Image result for Pictures of Xi Jinping and Jiang Zemin
 Jiang Zemin and Xi Jinping
Giang Trạch Dân sinh năm 1926, là "hạt nhân của thế hệ lãnh đạo thứ 3" của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Lãnh đạo hạt nhân là thuật ngữ của Đảng CSTQ dùng để ám chỉ quyền lực tối cao của nhà lãnh đạo duy nhất, theo khuôn mẫu của Mao Trạch Đông.
Giang Trạch Dân giữ chức Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc từ 1989 tới 2002, Chủ tịch nước Cộng hoà Nhân dân Trung Quốc từ 1993 tới 2003 và là Chủ tịch Quân ủy Trung ương từ 1989 tới 2004. Đây là một cơ quan đầy quyền lực gồm đa số các thành viên là các sĩ quan quân đội chuyên nghiệp. Ngày 19.9.2004 do nhiều áp lực, ông đã từ chức nhưng vẫn hoạt động rất tích cực sau hậu trường. Tập Cận Bình đã kết hợp với tay chân của Hồ Cẩm Đào là Lý Khắc Cường tìm cách kiềm chế sự can thiệp quá mức của Giang Trạch Dân.
Sau khi nhận chức được vài tháng, Tập Cận Bình đã đưa ra một danh sách những “con báo” được coi là nổi bật mà ông săn được trong quân đội, đa số là tay chân bộ hạ của Giang Trạch Dân, đứng đầu là hai tướng Cốc Tuấn San (nguyên Tổng cục phó Hậu cần), và Từ Tài Hậu (cựu Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương). Khám xét nhà hai tướng này, các nhà điều tra phát hiện cả một kho báu Alibaba chứa hàng trăm ký lô vàng ròng, nhiều bức tượng Phật hay tượng Mao Trạch Đông được đúc bằng vàng khối hay bằng ngọc thạch, hàng chục chiếc ngà voi hay tấm da hổ quý vùng đông bắc Trung Quốc, đồ cổ, bức họa, bức thư pháp cổ thời Tần, Tống, Minh, hàng ngàn két rượu Mao đài và một tấn tiền mặt bằng USD, euro hay nhân dân tệ… Một cuộc điều tra khác cho thấy quân đội đã chiếm “một cách phi pháp” hơn 8100 căn nhà và 25000 phương tiện giao thông.
“Con hổ” lớn nhất bị vồ là Chu Vĩnh Khang, Giám đốc Cơ quan An ninh Nội bộ Trung Quốc, Ủy viên Thường trực Bộ Chính trị. Vài năm trước, Khang là người được coi là một trong số những quan chức quyền lực và đáng sợ nhất Trung Quốc. Khang có khả năng thao túng một nguồn tiền còn lớn hơn cả ngân sách dành cho quân đội.
Qua 4 năm, chiến dịch “Đả hỏ diệt ruồi” của Tập Cận Bình đã khiến cho hàng loạt quan chức cấp cao trong ngành An ninh và Quân đội liên tiếp bị “ngã ngựa”. Ngày 10.6.2016 báo Đại Kỷ Nguyên của Trung Quốc đưa tin: “Giang Trạch Dân đã bị một nhóm quân đội bán vũ trang đưa ra khỏi nhà riêng vào sáng ngày 10.6.2016. Giang được nhìn thấy lần cuối khi một sĩ quan quân đội cao cấp và những người mặc thường phục giải đi tại một khu phức hợp quân đội ở Bắc Kinh. Lệnh bắt giữ Giang Trạch Dân được ban hành từ Quân ủy Trung ương và được thực hiện vô cùng bí mật.”
Một nguồn tin cho biết hiện nay Giang Trạch Dân đã bị tê bại bán thân vì tai biến mạch máu não.
Về kết quả của chiến dịch thành trừng, bản báo cáo tổng kết trình Quốc Hội Trung Quốc hôm 13.3.2016 của Viện trưởng Viện Kiểm sát Tối cao Tào Kiến Minh cho biết đã có 22 cựu quan chức từ cấp Bộ trở lên cho đến Ủy viên Bộ Chính Trị đã bị truy tố trong năm 2015. Có 15 người đã bị kết án, trong đó có nhân vật nổi tiếng nhất là Chu Vĩnh Khang. Đã có hơn 50.000 cán bộ là đối tượng điều tra và 41.000 trường hợp tham nhũng được phát hiện.
CHIẾN DỊCH CỦA NGUYỄN PHÚ TRỌNG
Muốn nắm vững quyền hành, nếu Tập Cận Bình phải thanh toán nhóm Giang Trạch Dân thì Nguyễn Phú Trọng cũng phải thanh toán nhóm Nguyễn Tấn Dũng.
 Image result for Pictures of Nguyễn Phú Trọng và Nguyễn Tấn Dũng
1.- Nguyễn Tấn Dũng lên như diều gặp gió.
Sau Đại Hội Đảng khóa X, ngày 27.6.2006 Nguyễn Tấn Dũng được Quốc Hội bầu làm Thủ tướng Chính phủ. Trước đó, từ tháng 9-1997 đến tháng 6-2006, Dũng đã được cử làm Phó Thủ tướng, từng giữ các chức vụ liên quan đến kinh doanh và tài chánh như Chủ tịch Hội đồng Tài chính Tiền tệ Quốc gia; Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về Đổi mới Doanh nghiệp Nhà nước; Trưởng ban Chỉ đạo Nhà nước về Đầu tư Xây dựng Nhà máy Thủy điện Sơn La, Nhà máy lọc dầu Dung Quất, Cụm Khí – Điện – Đạm Cà Mau, Dự án Liên hợp hóa dầu Nghi Sơn… Từ năm 1998 -1999, Dũng lại được giao kiêm nhiệm vụ Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam – Bí thư Ban cán sự Đảng Ngân hàng Nhà nước. Do đó Dũng đã làm quen với các ngân hàng và các công ty quốc doanh cũng như các mánh lới làm ăn. Nguyễn Tấn Dũng lại lợi dụng vị thế và cơ hội có trong tay để mua chuộc các đảng viên cao cấp và hình thành một nhóm quyền lực lớn trong Đảng.
Nguyễn Tấn Dũng được tái đắc cử Thủ Tướng nhiệm kỳ thứ 2 vào ngày 25.7. 2011. Lúc đó Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI (2011 – 2015) có 175 ghế Ủy viên Trung Ương Đảng chính thức thì phe Dũng chiếm đến 70%, còn 30% thuộc về các phe khác, nên Dũng làm mưa làm gió.
2.- Nguyễn Tấn Dũng tung hoành ngang dọc.
Trong thời gian cầm quyền, Nguyễn Tấn Dũng thực hiện kế hoạch tóm thâu tất cả các công ty quốc doanh, thu về một mối và đặt dưới quyền kiểm soát của Thủ tướng để dễ lộng hành và tham nhũng.
Trong chế độ cộng sản, lộng hành và tham nhũng ở chỗ nào cũng có và lúc nào cũng có. Nhưng những sự tham nhũng và lộng hành của Nguyễn Tấn Dũng đã đi đến múc nghiêm trọng. Vấn đề này đã được các cơ quan truyền thông viết quá nhiều, chúng tôi chỉ ghi lại những nét chính.
Vụ án điển hình nhất là vụ Vinashin. Vinashin đã hình thành công ty mẹ là Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam với 24 công ty con, 6 công ty liên kết và 10 liên doanh, nhưng thất bại thê thảm vì quản lý kém và lấy quyền lợi cá nhân và phe nhóm làm mục tiêu chính. Vụ án này là một trong các vụ án kinh tế lớn nhất từ trước tới nay tại Việt Nam, liên quan tới số tiền thất thoát hơn 4 tỷ USD. Có 9 bị cáo đã bị đưa ra xét xử với tội danh "cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng" trong phiên xử vào ngày 27.3.2014 tại Hải Phòng.
Trong bức thư đề ngày ngày 17.4.2011, ông Nguyễn Thứ Lữ, bí danh Hồng-Hà, nguyên chính trị viên Trung Đoàn Tây-Bắc, đã tố cáo công khai “Tập đoàn Nguyễn Tấn Dũng đang nắm giữ kinh tài của cả nước và điều khiển 20 doanh nghiệp quốc doanh quan trọng cốt lõi như Tập đoàn Điện Lực Việt Nam, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam, Tập đoàn Công nghiệp Than, v.v. Công nợ của quốc gia mà “Tập đoàn Nguyễn Tấn Dũng” đã gây ra trả đến đời cháu của chúng ta cũng chưa chắc hết…
Chuyện con gái của Nguyễn Tấn Dũng là Nguyễn Thanh Phượng năm 2008 đã lấy Việt kiều Henry Nguyễn, con của Nguyễn Bang, một viên chức của VNCH, về Việt Nam làm ăn với tư cách Tổng Giám Đốc IDG Venture VietNam, cũng được coi như là một “kiểu cách” làm ăn của Dũng.
Còn đảng viên Phan Văn Trung tố cáo Nguyễn Tấn Dũng tham nhũng, giàu nhất châu Á. Nhưng có lẽ kiến nghị của ông Trịnh Văn Lâu (Tư Cẩn), từng giữ chức Bí thư Tỉnh uỷ Tây Ninh và Vĩnh Long, Ủy viên Trung ương đảng 2 khoá liên tiếp, là có đầy đủ chi tiết nhất.
Mới đây, ông Trịnh Xuân Thanh, cựu Tổng Giám đốc Tổng Công ty Cổ phần Xây lắp Dầu khí hiện đang tại đào, đã cho phổ biến trên Facebook một thư tố cáo các cán bộ bán dầu gồm Công an, Hải Quan, Dầu khí… đã ăn trộm dầu ở các mỏ dầu ngoài khơi Vũng Tàu và bán cho nước ngoài. Ví dụ xuất bán 100.000 tấn dầu thì tàu mua chỉ trả 70.000 tấn qua ngân hàng có hoá đơn, còn 30.000 tấn thì họ trả bằng tiền mặt ngay trên tàu với giá chỉ bằng 50% giá thị trường và khoản tiền này không được đưa vào sổ sách. Thư tố cáo nói rõ từ ngày Nguyễn Tấn Dũng lên làm Thủ tướng và Đinh La Thăng làm Chủ tịch Tập đoàn Dầu khí, thì khách hàng mua dầu khoảng 70% là Trung Quốc… Chỉ tính trong 10 năm Nguyễn Tấn Dũng làm Thủ tướng, mỗi năm Việt Nam xuất bán 20 triệu tấn dầu thô với lượng dầu thô ăn cắp khoảng 30% tức là khoảng 6 triệu tấn/năm. Mỗi tấn tính rẻ 600 đô, như vậy là băng đảng Nguyễn Tấn Dũng và Đinh La Thăng đã ăn gọn là 10 x 6 x 600 = 36 tỷ đô. Đó là chưa kể đến hàng trăm khoản tham nhũng khác từ ngành Dầu khí như mua sắm thiết bị, vật tư, chi phí khai thác, mua sắm tàu bè…
CHIẾN THUẬT CỦA NGUYỄN PHÚ TRỌNG
Nguyễn Phú Trọng không có phe cánh và quyền lực mạnh như Tập Cận Bình nên không thể thanh toán nhóm Nguyễn Tấn Dũng mạnh tay như Tập Cận Bình thanh toán nhóm Giang Trạch Dân. Do đó, nhóm Nguyễn Phủ Trọng phải tìm các chiêu khác.
1.- Ngăn chận Dũng ra tranh chức Tổng Bí Thư
Với khoảng 70% Ủy viên Trung Ương Đảng đứng về phe Dũng vì những quyền lợi được chia chác với nhau, nếu để Dũng ra tranh cử Tổng Bí Thư trong Đại Hội XII, chắc chắn Dũng sẽ thắng, nên nhóm Nguyễn Phú Trọng phải hạ độc chiêu.
Ngày 3.12.2015, Ủy ban Kiểm soát Trung ương đã gửi đến các Ủy Viên Trung Ương một Báo cáo mang số 9387, trong đó có "Thư phản ánh, kiến nghị về đồng chí Nguyễn Tấn Dũng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ". Đó là một thông điệp gởi cho Nguyễn Tấn Dũng: “Phải liệu hồn đi! Bị điểm trúng huyệt, ngày 10.12.2015 Nguyễn Tấn Dũng đã đưa ra một bản giải trình với kết luận TÔI XIN KHÔNG TÁI CỬ.
2.- Bẻ đũa từng chiếc
Mặc dầu đã hạ được Nguyễn Tấn Dũng rồi, còn rất nhiều đảng viên trong Ban Chấp Hành Trung Ương Đảng đang dính líu với các quyền lợi do Dũng ban cho, nên không thể thanh toán hết một lúc được, nhóm Nguyễn Phú Trọng đã thuyết phục một số đảng viên liên hệ tách dần ra, một số còn lại sẽ thanh toán. Trịnh Xuân Thanh, Phó Bí thư Tỉnh ủy kiêm Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, được coi là vật hy sinh đầu tiên. Thanh là Tổng Giám đốc Tổng Công ty Cổ phần Xây lắp Dầu Khí bị tố cáo làm ăn thua lỗ, làm thất thoát hơn 3.300 tỷ đồng. Thanh hiện đang trốn tại ngoại quốc.
Tiếp đến, hôm 23.1.2116 Ủy ban Thường vụ Quốc hội ra Nghị quyết về việc xử lý kỷ luật ông Vũ Huy Hoàng, nguyên Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa 10, 11, Đại biểu Quốc hội Khoá 13, Bộ trưởng Bộ Công Thương 2007-2016. Ông Hoàng bị xóa tư cách nguyên Bộ trưởng Công Thương do đã có những vi phạm về công tác cán bộ khi giữ chức vụ Bộ trưởng và Ban bí thư (nhiệm kỳ 2011-2016).
Nay đến lượt Đinh La Thăng, Bí thư Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh: Hôm 7.5.2017, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã ra quyết định thi hành kỷ luật Đinh La Thăng bằng hình thức “cảnh cáo” và “cho thôi giữ chức” Uỷ viên Bộ Chính trị khoá 12.
Ủy ban Kiểm tra khẳng định Đinh La Thăng Thăng có những sai phạm gồm ký một nghị quyết của Đảng ủy Tập đoàn hồi năm 2009 không phù hợp với quy định pháp luật”, để tập đoàn và các đơn vị thành viên chỉ định thực hiện nhiều gói thầu “trái pháp luật”; hành động quá quyền hạn khi ký thỏa thuận góp vốn với Oceanbank vào năm 2008...
Báo Nhân Dân của Đảng CSVN đã dẫn lời của ông Phạm Thế Duyệt, nguyên Ủy viên Thường vụ Trường trực Bộ Chính Trị, nói vể vụ Đinh La Thăng như sau:
"Suy cho cùng, đó là vấn đề đạo dức, lối sống người đảng viên đã không giữ được; biết sai mà không lên tiếng, là tránh né, nể nang, sợ đụng chạm, sợ mất lòng nhau, tệ hơn là bỏ qua để nâng nhau lên."
Đây là những tội hình sự, phải bị truy tố theo hình luật, không thể nói lang mang như thế này được.
Thật ra, những thành phần tội phạm như Đinh La Thăng hiện đang tràn ngập trong Đảng, từ Bộ Chính Trị xuống đến các cấp xã ấp, nhưng Đinh La Thăng là cánh tay mặt của Nguyễn Tấn Dũng nên Nguyễn Phú Trọng định dùng Đinh La Thăng để mở đường hạ Nguyễn Tấn Dũng?
Nguyễn Phú Trọng nói: "Tham nhũng là ăn cắp của công, của Nhà nước còn lợi ích nhóm là câu kết, móc ngoặc với nhau để làm hại Nhà nước...” Nhiều người tiên đoán rằng trong vụ án này, số phận của Nguyễn Tấn Dũng rồi cũng sẽ gióng số phận của Giang Trạch Dân.
TIN VÀO CHUYỆN NHẢM NHÍ
Điều đáng buồn cười là nhiều người tự xưng là “đi guốc trong bụng cộng sản” lại “tôn sùng” Nguyễn Tấn Dũng. Họ cho rằng “Nguyễn Tấn Dũng là người cấp tiến và thân Mỹ”, còn Nguyễn Phú Trọng thân Trung Quốc! Nếu Nguyễn Tấn Dũng thoát ra được, Dũng có thể được mời làm Tổng Thống Bolsa thay thế Cung Củ Đậu.
Nhưng như chúng tôi đã nói nhiều lần, Đảng Cộng Sản đề cao nguyên tắc ĐẢNG LÃNH ĐẠO, CÁ NHÂN PHỤ TRÁCH”, và người Pháp có câu: Un communiste vaut l’autre”, tức tên cộng sản nào cũng gióng nhau. Người cộng sản có thể tranh chấp nhau về địa vị hay quyền lợi, còn ĐƯỜNG LỐI luôn phải thống nhất, do Ban Chấp Hành Trung Ương Đảng ấn định. Nguyễn Phú Trọng, Nguyễn Tấn Dũng hay bất cứ đảng viên nào cũng đều phải theo đường lối chung, ai làm khác là bị loại ngay. Võ Nguyên Giáp là một trường hợp điển hình.
Chỉ có những người chẳng hiểu gì về Cộng sản mới tin một cách nhảm nhí rằng Nguyễn Tấn Dũng thân Mỹ còn Nguyễn Phú Trọng thân Trung Quốc.
Ngày 11.5.2017
Lữ Giang