RIẾT LÝ TRI-HÀNH-SỐNG HỢP NHẤT

Chu Tấn

TRIẾT LÝ
 TRI-HÀNH-SỐNG HỢP NHẤT
của
Triết Gia Vương Dương Minh
 
CHƯƠNG DẪN NHẬP
 
Trong lịch sử triết học Trung Hoa, Việt Nam nói riêng và Đông Phương nói chung, vấn đề Tri và Hành  đã được nói đến nhiều và cũng tốn nhiều giấy mực tranh cãi.  Có 5 thuyết nổi bật nói về mối tương quan giữa tri và hành như sau đây:


1-    Thuyết Chủ Hành lấy Hành làm cơ sở cho Tri, của Mặc gia và của Vương Thuyền Sơn.
2-    Thuyết Chủ Tri lấy Tri làm cơ sở  cho Hành , của Trình Tử và Chu Tử.
3-    Thuyết “Tri Hành Hợp Nhất” quan niệm không có sự phân biệt giữa Tri và Hành hay Tri và Hành chỉ  là một  của Vương Dương Minh.
4-   Thuyết “Tri nan Hành dị” (biết khó làm dễ) của Tôn Trung Sơn.
5-     Thuyết “Biết làm, có chí làm còn làm thỉ dễ”của Nhất Linh, Nguyễn Tường Tam  (VN)

Đặc biệt đến cuối thế kỷ 20 và nhất là sang thế kỷ 21,có 2 vấn đề khá cấp thiết được đặt ra:

Một là: do sự tiến bộ của Khoa học, vấn đề NHỊP SỐNG, NHU CẦU SỐNG  đòi hỏi mọi người  chúng ta phải  xem xét lại các quan niệm về Tri và Hành của người xưa  đặt như thế đã đúng chưa ? Nếu sai phải đặt lại? Nếu đúng mà còn thiếu sót hay chưa thật hoàn hảo  thì phải bổ sung hoàn thiện  như thế nào?

Hai là; Do cự tiến hóa của nhân loại, không những về mặt Khoa học, mà ngay như về mặt Tôn Giáo,  Đạo Học hay Tâm linh, Cứu Cánh của Sự Sống con người  là gì ? Vũ trụ quan, Nhận thức quan, Nhân sinh quan, ,Văn Hóa quan, Chính Trị quan đều phải đặt lại theo cách nhìn mới, nền tảng mới như thế nào? Triết học đi về đâu? Tôn giáo đi về đâu?  Có hay không có một Tôn giáo toàn cầu? Do đâu có sự cần thiết của một nhân loại mới?  Thế nào là đưa Đạo vào Đời? Đạo, Đời và Sư Sống có khác nhau không? Từ nhu cầu Sống đến Bản Chất Sự Sống là gì? Dân tộc học, Việt học  cần phải xây đựng như thế nào? trên căn bản nền tảng nào? Do cơ duyên nào mà Dân tộc Việt Nam có hân hạnh hay có diễm phúc đứng ra làm cuộc Tập Đại Thành hay Đại Hòa Điệu giữa văn hóa Đông Phương và Tây Phương?  mà muốn Tập Đại Thành hay Đại Hòa Điệu Văn Hóa Đông Phương và Tây Phương lại đòi hỏi triết lý Việt, vượt thoát hay  vượt lên như thế nào? Văn Hóa Việt hay triết lý Việt muốn vượt thoát thì điều kiện đầu tiên là phải xét lại lịch sử 2000 Văn hóa Tây Phương và Đông Phương đã băng hoại như thế nào? Từ ngày tạo thiên lập địa nhân loại đã sống trải qua bao nhiêu niên kỷ , bao nhiêu thế hệ, song có ai đặt vấn đề bản chất SỰ SỐNG LÀ GÌ? Có hay không có một SUỐI NGUỒN CHÂN LÝ  SỰ SỐNG?  Có hay không một SỐNG HỌC HAY SỐNG TRIẾT  cho thế ký 21 và  hằng hằng các thế kỷ  về sau?

   Trong niềm thao thức trên, kẻ hậu học Chu Tấn  từ bao năm nay, rất tâm đắc Thhuyết TRI HÀNH HỢP NHẤT của thày Vương Dương Minh và tự hỏi tại sao các triết gia, sĩ phu. kẻ sĩ  Trung Hoa và Việt Nam lại không biết kế thừa Triết Lý Tri Hành Hợp Nhất  của Thày Vương Dương Minh và không biết áp dụng thuyết này vào việc xây dựng đất nước hùng mạnh và vinh quang như Dân Tộc Nhật Bản đã làm  ngay từ thời Minh Trị Thiên Hoàng? Phải chăng giới  sĩ phu, kẻ sĩ Trung Quốc thời mạt diệp nhà Thanh  chỉ vì thành kiến “Bụt chùa nhà không thiêng” ? hay các sĩ phu , kẻ sĩ Trung Quốc thời Thanh mạt nghĩ rằng, thuyết Tri Hành Hợp Nhất của Vương Dương Minh tuy có hay nhưng lại nằm trong Học  Thuyết TÂM HOC –có tính XA RỜI THỰC TẾ nên không cứu nổi xã hội Trung Quốc khi Trung Quốc tiếp xúc với nền Văn Minh Tây Phương đã đành, mà ngay Thịnh Thời của nhà Thanh LÝ  HỌC của Tống nho cũng như TÂM HỌC thời Minh nho của Vương Dương Minh cũng đã suy vi rồi? Tại sao lại suy vi, nếu không phải Thuyết Trri Hành Hợp Nhất, sau khi Vương Dương Minh qua dời  đã không được chân truyền hay không có những người tài nối nghiệp  phát huy rục rỡ hơn nũa? Và   Phải chăng giới sĩ phu, kẻ sĩ Việt Nam tuy có nghiên cứu thuyết Tri Hành Hợp Nhất của Vương Dương Minh và tuy công nhận là hay , nhưng lại không có mội trường hay hoàn cảnh áp dụng thuyết này vào việc cứu nước và dựng nước?? hay vì dân tộc ta vào cuối thời mạt diệp  nhà  Nguyễn  không có được một  vị vua nào sáng suốt và thức  thời  như  Minh Trị Thiên Hoàng ??

                                “Nhất thất túc thời thiên cổ lụy”   

như lời than của Nguyễn Trường Tộ ?! và niềm đau cho tới bây giờ !

   Với những triết gia, kẻ sĩ hay Sĩ phu Nhật Bản,  chúng tôi muốn đặt câu hỏi: Qúy ngài qúy vị đã có  may mắn tiếp thu, kế thừa và áp dụng thuyết Tri Hành Hợp Nhất của thày Vương Dương Minh vào việc xây dựng Nhật Bản  thành một cường quốc như hiện nay, nhất là qúy vị đã thành lập trường phái DƯƠNG MINH HỌC tại Nhật  từ gần 400 năm qua,- Qua quá trình học hỏi và thể nghiệm sâu dày này, qúy vị xét thấy Thuyết Tri Hành Hợp Nhất  phải chăng có một giá trị toàn hảo? hay có những khuyết điểm nào cần phải bổ sung và hoàn thiện cho thích hợp với thời đại? Sự học hỏi, áp dụng và góp phần sáng tạo  thuyết Tri Hành  Hợp Nhất tại Nhật Bản từ 400 năm, đúc kết  các bài học, rút ra từ Thuyết Tri Hành Hợp Nhất, qua  kinh nghiệm  quá khứ, áp dụng  vào hiện tại hay hướng đến tương lai như thế nào?

   Sau cùng, trong thiên biên khảo này, chúng tôi vì rất tâm đắc Thuyết Tri Hành Hợp Nhất của Thày Vương Dương Minh, nhưng đồng thời chúng tôi cũng nhận ra một số khuyết điểm hay bất toàn  ngay trong bản thân  lý thuyết Tri Hành Hợp Nhất cần được bổ sung cho hoàn thiện hơn.Chúng tôi xin mạnh dạn đưa  ra,  không phải chủ quan cho rằng những suy nghĩ của mình  hoàn toàn đúng, mà xuất phát điểm từ bản Tâm, bản ý  là RẤT THÀNH. . Chúng tôi  xin đặt ra trong ý thức giới hạn,  những  tư tưởng và nhận định của mình CÓ THỂ ĐÚNG, CÓ THỂ SAI, cùng mức độ  XÁC XUẤT  ĐÚNG VÀ XÁC XUẤT  SAI, đối chiếu với thực tế, thực tại và thực tiễn của đời Sống, và luôn luôn  trong  tinh thần VỪA HƯỚNG  VỀ NGUỒN, VỪA  ĐỐI  THOẠI , ĐỐI CHIẾU QUAN ĐIỂM  DÂN TỘC & THỜI ĐẠI ĐỂ CẦU HỌC VÀ CẦU TIẾN.

                                                            
                                                               
I-             TIỂU SỬ  VƯƠNG DƯƠNG MINH

Văn thành Vương Dương Minh  tiên sinh Thủ Nhân.

Vương Thủ Nhân tự là Bá An (1472-1528) người đất Dụ Diêu  tỉnh Triết Giang . Vì ông làm nhà  ở động Dương Minh gần Hàng Châu cho nên học giả  gọi ông là Dương Minh tiên sinh. ông là dòng dõi Nho gia danh tiếng đời nhà Minh . Thân phụ  là Long Sơn Công,  đỗ trạng nguyên làm quan trong triều.

Từ thuở nhỏ ông đã tỏ ra rất thông minh,có hoài bão. Năm 11 tuổi, đọc sách với thầy học, đã dám hỏi thày: “Ở đời việc gì là hơn cả”- Hà vi đệ nhất đẳng sự?

Sinh trưởng trong một gia đình phú qúy,thừa quyền thế  lẫn tài sản để cung cấp cho ông  điều kiện ôm ấp những cao vọng siêu phàm xuất chúng, cho nên ông sớm nuôi nhiều cuồng vọng , phóng túng, tự do của một đức con cưng  trong một gia đình thi lễ quyền qúi

Năm 15 tuổi, ông bỗng ôm cái chí kinh lược bốn phương . Một hôm đi chơi ra ngoài Vạn Lý trường thành , thấy người Hồ cỡi ngựa, rong ruổi tự nhiên có chí bốn phương ấy.

Năm 17 tuổi kết hôn ở Giang Tây . Chính vào ngày cưới, ông đi chơi vào trong động của một đạo sĩ, thấy đạo sĩ ngồi tham thiền,không cầm đặng lòng hiếu kỳ và thú lãng mạn, ông bèn ngồi đối diện đạo sĩ mà tham vấn  thuật dưỡng sinh .Rồi ông ham mê cũng ngồi tĩnh tọa  đến quên cả về cưới vợ, cho đến sáng hôm sau người nhà đi tìm mới bắt được ông về.

Năm 18 tuổi, cùng với vợ trở về đất Việt, trên đường có đến yết kiến học giả Lâu Nhất Trai mà ông từng hâm mộ là nhà đạo học. Rồi cũng lại cao hứng như đối với đạo sĩ ở Thiết Trụ động trên kia, mà ông nghe Nhất Trai giảng  cho cái học “cách vật” của Tống nho. Ông bèn nhận ra rằng làm Thánh nhân có thể học mà tới được.

Năm 21 tuổi ở kinh đô ông hăng hái muốn thực hiện công phu “cách vật” , cùng với một người bạn, tuân theo  phương pháp giáo lý của Chu Hy  trong sách Đại Học , cùng nhau đến trước khóm trúc . Cả hai miệt mài cách vật suốt 3 hôm  đến thành bệnh, còn ông cách suốt bảy bữa  cũng thành bệnh nốt , rút cục cái lý của khóm  trúc trước sân, một tơ hào cũng không cách thông. Ông thất vọng mà nghĩ để an uỉi rằng thánh hiền có phần  không phải ai cũng làm được. Ông bèn bỏ con đường học làm Thánh Hiền mà chuyển sang  đường từ chương  văn nghệ.

Năm 26 tuổi, cảm xúc về niên cảnh, mới lưu tâm để ý đến việc võ nghệ, đọc hết sách binh gia, binh thư.

Năm 27 tuổi, cảm thấy mệt mỏi, văn chương nghệ thuật không đủ  thỏa mãn khát vọng trong lòng, tâm hồn tha thiết, nồng nhiệt cảm thấy cô liêu buồn phiền đến thành bệnh . Ông mới đổi chí hướng sang đường tu tiên ,xuất thế .     
 
Năm 28 tuổi (1499) ông đỗ tiến sĩ. Rồi suốt hai năm trời , ông đi vào hoạn trường, rút cuộc không thấy quên  được sự u uất của tâm hồn.

Năm 31 tuồi, ông bèn cáo bệnh  trở về quê hương, thực hiện phép Đạo Dẫn, ngồi tĩnh toạ, lòng thanh tĩnh, ông nảy ý  nghĩ dốc lòng về đường xuất thế cầu Chân Bấy giờ trên ông còn có tổ mẫu và thân phụ, luôn luôn hình ảnh  vương tại tâm tư, không sao xóa nhòa đi được. Do đó ông giác ngô mà tự nhủ rằng:

“Cái ý niệm  này, sinh ra từ thuở ấu thơ, đem bỏ đi thì mất chủng tính vậy”

Sang năm sau, ông lại đổi chí hướng sang con đường hành động nhập thế, tinh thần ông từ cực đoan này sang cực đoan khác, không chịu nửa vời.

Năm 33 tuổi lại trở về chính giới.

Năm 34 tuổi  ông thành đạo, thu nhận đệ tử, giảng học. Cùng với Trạm Cam Tuyền lập thành môn phái khác nhau.Tuy bấy giờ đối với Thánh học, ông chưa có chi thâm thiết tự tin, bất quá chỉ là  ý chí cuồng phóng lãng mạn muốn làm bằng được “đệ nhất đảng nhân, cùng đệ nhất đẳng sự”- như ông đã hoài bão từ thuở còn niên thiếu.

Rồi xảy ra việc  ông bị lưu đầy đi trạm Long Trường. Nguyên do Dương Minh làm quan ở triều đã được bảy năm gặp khi nhà Vua dùng bọn quan mà cầm đầu là Yêm Hoạn Lưu Cẩn, khiến cho triều chính đổ nát. Các quan có người trung thực  dâng sớ can Vua. Vua sai đánh ông bốn mươi trượng, chết  đi sống lại, rồi đầy ra dịch thừa   coi  trạm Long Trường  ở đất Qúi Châu, nơi rừng rú hẻo lánh, lam sơn chướng khí  của dân Mường Mán chưa thấm nhuần văn hóa Trung Hoa.

Trên đường đi đầy, Lưu Cẩn còn cho người theo dõi để giết ông. Ông biết ý, cho nên đến sông Tiền Đường cho người nói phao lên rằng ông đã nhảy xuống sông tự vẫn. Rồi ông đáp thuyền đi ra đảo Chu Sơn thuộc tỉnh Triết Giang, trên đường gặp bão,thuyền dạt vào đát Mân  ở Phúc Kiến. Ông đi bộ, đi xuyên sơn , đêm tối gặp một ngôi chùa, ông gõ cửa xin vào, nhà sư sợ  cướp  không cho vào . Ông phải đi đến một cái miếu gần đấy tựa vào cái bệ mà ngủ. Nơi ấy rất nhiều hổ báo quấy nhiễu, và đêm ấy nhà sư nghe tiếng hổ gầm, tưởng rằng hổ ăn thit người gõ cửa đêm qua. Sáng dậy nhà sư ra xem thì thấy ông đang ngủ say,lấy làm lạ, mời về chùa. Vào chùa ông gặp lại người đạo sĩ đã gặp ở Thiết Trụ 20 năm về trước. Ông nhân nói ý muốn bỏ trốn đi xa, cho đạo sĩ hay, đạo sĩ khuyên rằng: “Anh còn cha đang ở trong triều, vạn nhất Lưu Cẩn giận, kiếm cách làm hại, vu cho anh đi theo giặc ở phiá Bắc hay phía Nam để làm tội cha  thì anh làm thế nào?” Ông nghe động lòng bèn quyết đi đến trạm Long Trường.    

Năm 37 tuổi ông đến Long Trường, ở với dân Mọi, dạy dân đốn gỗ làm nhà. Bấy giờ kẻ thù còn theo đuổi, ông còn phải đề phòng thích khách. Ông bèn nghĩ rằng  ở trên đời tất cả vinh nhục đến nơi này khó lòng nổi dậy, chỉ có một đường là giải thoát. Cái đất  hiểm độc ấy chính đã giúp cho ông giác ngộ về đạo lý rất nhiều. Nhưng còn một ý niệm ông chưa sao giải giải thoát được là ý niệm sống chết. Ông vẫn còn lo chết.. Vậy ông tự hỏi làm cách nào để  giải thoát được ý niệm ấy . Ông đeo cái quách bằng đá để chờ khi chết nằm vào và đêm ngày ông ngồi tĩnh tọa trên cái quách ấy, khiến cho cái tâm sợ chết hóa đi hết cả, để cho tâm hồn được yên tĩnh. Nhưng người đi theo ông không thể làm theo đúng như ông được. Họ bị bệnh vì lam chướng. Ông phải thân đi kiếm củi gánh nước, nấu cháo để nuôi họ và làm bài ca, bài thơ để ngậm vịnh cho họ vui quên.

“Hiểm di khôn  bận nơi lòng.
Bóng mây phất phới trên không nhẹ nhàng
Đêm thanh biển rộng mênh mang
Trăng thanh gío mát thiên đàng là đâu !”

( Hiểm di nguyên bất tại hung trung,
Hà di phù vân quá thái không
Dạ tĩnh hải đào tam vạn lý
Nguyệt minh phi tích hạ thiên phong )

Chính trong hoàn cảnh hoạn nạn, tật bệnh, di địch, lam chướng man mọi ấy, tuy ông cố tìm quên hết sự đời, nhưng rồi ông vẫn không quên nổi  cái hoài bão cố hữu xưa nay là làm nên “đệ nhất đẳng nhân, đệ nhất đẳng sự”. Rồi ông tự hỏi lại ông ,ví thử có một vị thánh nhân lâm vào hoàn cảnh này thì xử trí như thế nào? Một mình trầm ngâm ôm ấp câu hỏi khúc mắc ấy mãi, chợt một đêm ông bừng dậy đại ngộ. trong trạng thái nửa thức nủa ngủ  mơ mơ màng màng  như có người nói vào tai,gọi bật dây. Bọn theo ông hoảng sợ về cử chỉ như điên cuồng của ông bấy giờ, giũa đêm khuya khoắt . Ấy là ông đã phát minh ra một học thuyết mới  về “cách vật trí tri” vậy.

   Trên đây là cả một lịch trình kinh nghiệm bản thân của một tâm hồn tầm đạo, một tâm hồn sinh ra  với “thìa vàng trong miệng” như phương ngôn Âu tây thường nói, nghĩa là sinh ra trong hoàn cảnh đầy đủ hạnh phúc trần gian, thế lực có thừa, nhưng bản tính đam mê một chân lý trường cửu, một sự thỏa mãn chân chính toàn diện , cho nên hết cực đoan này đến cực đoan kia, nào nhập thế nào xuất thế, bất cứ đường nào hễ đã hướng vào là đem cả nhiệt thành của thân tâm để hướng , không tính toán, không dè sẻn,. Và đến lúc giác ngộ là lúc trải qua giai đoạn thừa sống thiếu chết, quên hết địa vị xã hội, hạnh phúc cá nhân,cho đến cả cha mẹ và chính tính mệnh của mình. Đến đây mới giác ngô, hiểu biết thể nghiệm bản thân, không phải trên suy luận lý thuyết . Hiểu qua sự sống, và sống cái điều mình khám phá phát minh, đấy là tinh thần triết học hay đạo học của họ Vương vậy..

   Bởi thế mà muốn hiểu thấu triết học của Vương Dương Minh, chúng ta phải xét nó mật thiết với đời sống của tác giả,vì chính nó là cái ý nghĩa, của sự sống ở đời  mà tác giả nỗ lực đi tìm kể từ lúc 11 tuổi, bước vào trường học bắt đầu hỏi thày học: “Ở đời việc gì là hơn cả” – (hà vi đệ nhất đảng sự” ?)…cho đến khi thấy được  nguồn lạc đạo vói vũ trụ thiên nhiên của tuổi già:

   Văn ngưỡng thiên địa gian
            Xúc mục câu hạo hạo
            Đàn hồ hữu dư lạc
            Thử ý lương phỉ kiêu
            U tai Dương Minh lộc
            Khả dĩ vong ngô lão.
                                                 (Đạo dịch toàn tập)
           Tạm dịch:
  
Ngẩng cúi trong trời đất
Trần lan khí hạo nhiên
Gỉo cơm bầu nước mà tiên
Chẳng kiêu ý ấy tính thiên vui lòng
 Dương Minh rừng núi linh lung
 Tuổi già quen với núi sông đạo già.

Song trước khi đến đước cái thú lạc đạo ấy, thì cuộc đời chìm nổi  của Dương Minh còn gặp nhiều thử thách. Ông bị đầy tại Long Trường, cho đến năm 1510, ông38 tuổi mới lại đuợc  phục chức  tri huyện ở Lư Lăng tỉnh Giang Tây và sau mấy tháng  được tirệu về kinh làm chủ sự Bộ Lại. Đến năm 1512 ông được thăng lên chức Thái Bộc tự thiếu khanh ở Nam Kinh. Năm 1514 thăng chức Hồng Lô Tự Khanh..

Bấy giờ nước Trung Hoa đang trải qua một thời buổi đen tối, trong triều thì gian thần siểm nịnh,  ngoài thì giặc cướp tứ tung , quan quân đi đánh mãi không hết. Năm 1516 người ta tiến cử Dương Minh làm chức Đô sát viện, tả đô ngự sử, coi việc đánh dẹp nội loạn. Trong khoảng hơn một năm rưỡi từ khi ông chịu mệnh Đô sát, xếp đặt lại việc quân ngũ, chỉnh đốn lại binh giáp, các đám giặc vùng Giang Tây , Phúc Kiến, Quảng Đông , Hồ Nam  đều dẹp được yên cả. Mỗi khi dẹp xong giặc nào, ông đều tổ chức lại việc cai trị, sửa chữa thuế khóa, tổ chức công việc giáo dục, nhân dân.. ngopài ra, ông vẫn tiếp tục trau dồi Đạo học, của mình, và giảng học cho môn đệ. trong đám giặc hùng mạnh bấy giờ có giặc Thân Hào là nguy hiểm hơn cả, vì Thần Hào là giòng dõi vua Thái Tổ nhà Minh, được tập tước  là Minh Vương  ở hạt  Nam Xương, thấy nhà vua, không có con, lại hay chơi bời, nghe siểm nịnh, nên Thần Hào bèn mưu toan cướp ngôi Thiên Tử. Nhưng việc nổi loạn của Thần Hào chỉ trong vòng hơn một tháng là  dẹp yên. Đây là nhờ cái tài của Vương Dương Minh  vận dụng,  khiến kẻ thư sinh thành danh sĩ, kẻ ti thuộc thành lương tướng. Ông có thủ đoạn hoá kẻ tầm thường  ra làm người lỗi lạc tài ba, đấy là thiên tài của ông vậy.

   Năm 1521, ông được thăng làm Nam Kinh  Binh Bộ Thượng Thư  được thăng chức Tân Kiến Bá . Ông bèn xin về nghỉ ở nhà để phụng dưỡng phụ mẫu. Nhưng rồi ở tỉnh Qaủng Tây lại có giặc nổi lên, quan quân đánh mãi không xong, phải nhờ đến tay ông mới dẹp nổi. Đánh xong  giặc Mọi này, thì DươngMinh  bị bệnh nặng, phải bỏ về, đến Nam An thì bệnh tình hết sức trầm trọng. Một môn nhân là Chu Tích  đến hỏi thăm bệnh, ông nói: “Bệnh  thế nguy  cấp, chỉ còn cái nguyên khí chưa chết mà thôi”. Cách mấy hôm sau, thì ông mất, thọ 57 tuổi (ngày 28 thàng 11 năm Gia Tĩnh thứ 7 tức dương lịch 1528)

   Các môn đệ dem công nghiệp, ngôn hành và giáo lý của ông  chép thành những sách Ngữ Lục ba quyển, Văn Lục năm quyển, Biệt Lục mười quyển, Ngoại Tập bảy quyển, Tục Biên sáu quyển, Phụ Lục bẩy quyển. Tất cả 38 quyển, thu vào một bộ là :Vương Văn Thành Công Toàn Thư Tam Thập Bát Quyển.
 (Trích Lịch Sử  Triết Học Đông Phương tập 5  của  Nguyễn Đăng Thục-  trang 280- 287) )

I I - BA GIAI ĐOẠN BIẾN CHUYỄN VÀ THÀNH TỰU CỦA VƯƠNG  HỌC:

   Triết học của Dương Minh đã mật thiết quan hệ với cuộc đời của ông, cho nên người ta theo dõi sự biến chuyển của tư tưởng triết học ấy với sự biến chuyển  quan trọng  của đời sống hiện thực đầy bài học  kinh nghiệm bản thân. Hoàng Lê Châu , một di Nho đời nhà Minh trứ danh về tác phẩm Minh Nho học án, có viết về lịch trình  “Tam Biến” ba lần biến chuyển trên đường tìm chân lý của họ Vương như sau:

   “Cái học của tiên sinh  bắt đầu phiếm lạm về từ chương , rồi sau đọc hết sách của Chu Tử, tuần tự cách vật. Nhưng thấy rằng vật lý  với tâm ta rút cục vẫn chia làm hai, không có lối nhập đạo. Tiên sinh bèn ra vào đạo Phật, đạo Lão khá lâu, kịp đến khi đi đầy ở nơi mường mán khốn cùng, tiên sinh mới động tâm nhân tính, nhân đấy nghĩ bụng thánh nhân ở vào cảnh ngộ ấy sẽ lấy đạo gì  để ứng phó, bỗng nhiên giác ngộ  được đường lối “cách vật trí tri”.Đạo của Thánh nhân  ở bản tính của ta tự đủ, không phải cầu ở ngoài. Cái học của tiên sinh  gồm ba lần biến  mới thấy được cửa vào đạo. Từ đấy về sau, ,bỏ hết cành lá rườm rà, tập trung chuyên nhất vào nguồn gốc, lấy phép ngồi yên lặng, để tâm lắng chìm làm mục đích của  sự học.Trong tâm phải có trạng thái chưa phát xuất  gọi là trung, thì mới có thể có sự phát xuất trúng điều tiết  gọi là hòa . Sự nghe, nhìn, ăn,  nói, cử động, hết thảy đều lấy cách thu liễm làm chủ đích, coi sự phát tán ra ngoài là bất đắc dĩ vậy. Sau khi ở Giang Hữu về, tiên sinh  chì chuyên đề xướng thuyết “Trí Lương Tri”. Yên lặng không phải ngồi, tâm không cần phải đợi lắng chìm, không tập luyện, không nghĩ ngợi, cứ tự nhiên đề xuất ra theo phép trời. Bởi vì lương tri là cái trung chưa phát  xuất, ấy là trước cái tri chứ không phải là cái chưa  phát xuất Lương tri  là cái hòa của sự trúng tiết , ấy là sau cái tri chứ không phải cái đã phát xuất.Cái tri ấy tự có thể thu liễm, không cần chủ vào sự thu liễm. Cái tri ấy, tự  có thể phát tán.Thu liễm là thể của sự cảm, tĩnh mà động vậy. Phát tán là cái dụng của sự yên lặng, động mà tĩnh vậy. Chỗ thân thiết đốc thực của tri tức hành, chỗ minh giác tỉnh sát của hành tức tri, không làm gì có hai vật  tri và hành khác nhau.

   “ Sau khi tiên sinh ở đất Việt (bên Trung Hoa) sự giữ gìn đức hạnh của tiên sinh lại càng tinh thục chín chắn, cái chỗ sở đắc càng tiến hoá, luôn luôn biết điều phải điều trái, điều không phải không trái, mở miệng là đạt tới  bản tâm chứ không phải mượn sự góp nhặt chắp nối  khác nào mặt trời ở không trung mà muôn  hình được soi sáng hết. Ấy là sau khi sự học đã thành tựu mà có ba biến chuyển như thế”  (Minh nho học án)

   Ba giai đoạn, biến chuyển trên đường  học hỏi ấy đại khái là:

1)    Từ thời còn phiếm lạm từ chương  ra vào Phật Lão đến năm 38 tuổi ở đất Quí Dương bắt đầu luận về “Tri Hành Hợp Nhất” đây là giai đoạn thứ nhất.
2)   Từ năm 38 tuổi đến năm 50 tuổi ở Gaing Tây  bắt đầu đề xướng  thuyết “ Trí Lương Tri” đây là giai đoạn thứ hai.
3)    Từ năm 50 tuổi trở đi trở về đất Việt cho chí lúc mất  là giai đoạn thứ ba giai đọạn thành Đạo vậy.

Trải qua ba giai đoạn trên đây, hệ thống tư tưởng triết học của họ Vương không phải kết quả của một sự ngồi trong tháp ngà, mà suy luận về thế giới .Triết học ấy thực là sản phẩm của một cuộc đời  thực nghiệm đầy gian truân “Tòng bách tử  thiên nan trung đắc tại” như ông nói: “ do trăm lần chết, ngàn khó khăn mà có được” ….thưc đáng cho chúng ta học hỏi và suy gẫm sâu xa . (Trích Lịch Sử Triết Học Đông Phương Quyển  5,  của Nguyễn Đăng Thục trang 287- 289)

I I I - NỘI DUNG THUYỆT TRI HÀNH HỢP NHẤT:

    A/ Mục Đích hay Tông Chỉ Lập Thuyết  của  Vương Dương Minh:

   Nhận  thấy người đời  thường phân chia Tri Hành làm hai, Vương Dương Minh cho đó là nghĩ sai nên làm sai. Không những thế còn làm những việc xấu ác, phản đạo đức . Để chữa căn bênh đó của thời đại, nên ông xướng ra thuyết “Tri Hành Hợp Nhất”  để  cứu vãn thời thế, đồng thời đưa con người  trở về với với bản thể của Đạo. Ông nói rằng: “Muốn hiểu cái thuyết tri hành hợp nhất, trước hết phải biết cái tông chỉ  sự lập ngôn của ta . Người đời nay học vấn, nhân vì đã phân tri hành làm hai việc, cho nên khi có một cái niệm phát động, tuy là bất thiện, nhưng bởi chưa thi hành, thì không tìm cách ngăn cấm. Ta nói cái thuyết tri hành hợp nhất, chính là để người ta hiểu được chỗ nhất niệm phát động tức là hành rồi. Hễ chỗ phát động  có điều bất thiện  thì đem điều bất thiện ấy trừ bỏ ngay đi, cốt bỏ đến chỗ căn để khiến cái bất thiện không tiềm phục ở trong bụng. Ấy là cái tông chỉ sự lập ngôn của ta” ( Ngữ Lục III)

     B/ Quan Niệm Tri Hành của Vương Dương Minh KhácVới Quan Niệm Thông Thường Của Nhiều Người:

Theo quan  niệm thông thường  nhiều người vẫn hiểu: Tri là tri thức =Hiểu Biết., còn Hành là Hành Động (thực hiện ) Do đó, chúng ta cần “hiểu biết trước” rồi “làm  sau”

Triết gia  Vương Dương Minh quan niệm “Tri và Hành theo nghĩa đặc biệt của ông: ông nêu rõ sự tương quan mật thiết giữa tri và hành  theo 3 cách hiểu, hay 3 nội dung như sau:

     C/ Nội Dung  Thuyết Tri Hành Hợp Nhất  Của Vương Dương Minh:

Thuyết “Tri Hành Hợp Nhất”  gồm có 3 phần, lấy 3 ý chính sau đây làm chủ chốt:

1-      “Chưa bao giờ có tri mà lại không có hành”: Tri (Biết) mà không Hành (Làm) thì chỉ là chưa tri. ( Vi hữu tri nhi bất hành giả;Tri nhi bất hành, chỉ thị vị tri- Tuyển Tập Lục, Từ Ái ký)
2-  " Tri là bước đầu của Hành, Hành là kết quả của tri”  (Tri thị hành chi thủy, hành thị tri chi thành- Như trên)
3-    “ Tri đến đứng đắn, cặn kẽ,  thiết thực là cái tri đạt được ở trong hành mà sáng suốt rạch ròi là hành nhờ cái tri” ( Tri chi chân thiết đốc thực xứ, tức thị hành, hành chi minh giác, tinh xác tức thị tri- Đáp Cổ Đông Kiều thư )

Dưới đây chúng tôi xin trình bầy từng điểm một:

Trong phần thứ Nhất, Chữ tri chuyên chỉ cái “minh giác” (biết sáng suốt)  của Tâm về lẽ phải trái, còn hành là nói sự phát động của tâm . Xin hãy nghe ông giảng:

   “Sách Đại Học chỉ cho thấy rõ đúng thế nào là tri và hành; sách ấy nói:” Như ưa sắc đẹp, như ghét mùi thối” Thấy sắc đẹp mà biết là đẹp, đó là thuộc về phần tri; ưa sắc đẹp là thuộc về phần hành. Ngay khi  thấy sắc đẹp, mới chỉ thấy thôi là đã ưa rồi, chứ không phải là thấy đẹp rồi mới lập tâm ưa. Ngửi
mùi thối mà biết là thối, đó là thuộc về phần tri; ghét mùi thối là thụộc về phần  hành; ngay khi ngửi, thấy thối là ghét rồi, chứ không phải thấy thối rồi mới lập tâm ghét !..“ (Đại học chỉ xuất cá chân tri hành dữ nhân khán thuyết “như hiếu sắc, như ố ác xú”. Kiến hảo sắc thuộc tri,, hiếu bảo sắc thuộc hành ; chỉ kiến ná hảo sắc dĩ tự hiếu liễu, bất tri kiến liễu hậu hựu lập cá tâm khứ hiếu. Văn ác xú thuộc tri, ố ác xú thuộc hành, chỉ văn ná ác xú thời dĩ tụ ố liễu, bất thị văn liễu hậu, hữu lập cá tâm khứ ố…456- Truyền tập lục,Từ Ái  ký )

        “ Lại như  biết đau, ắt là mình có đau, rồi mới biết đau; biết lạnh , ắt là mình có lạnh rồi mới biết lạnh; biết đói, ắt là mình  có đói rồi mới biết đói; tri với hành làm sao mà chia tách được! Bản thể của tri và hành là như thế” ( Hựu  như tri thống, tất dĩ tự thống liễu phương tri thống ; tri hàn, tất dĩ tự hàn liễu, phương tri hàn; tri cơ, tất dĩ tự cơ liễu phương tri cơ; tri hành như hà phân đắc khai? Thử tiện thị tri hành đích bản thể” 438- Như trên)

        Rõ ràng là tri hành hợp nhất: chưa bao giờ có tri mà không có hành.

   Đến phần thứ hai. trong phần này, “tri trỏ cái ý định làm một công việc gì, còn hành là trỏ cái công việc thực hiện ý định đó” ( Tri thị hành đích chủ ý, hành thị tri đích công phu__ Truyền tập lục .Từ Ái ký ).
 
 Đây ông nói:
 
   “ Thực vậy, người ta tất có lòng muốn ăn rồi mới ăn, cái lòng muốn ăn tức là ý (chủ ý ) tức là bước đầu của hành vậy. Ăn miếng ngon, miếng dở, tất nhiên bỏ vào mồm rồi mới biết, chứ có khi nào chưa bỏ vào mồm mà đã biết miếng dở miếng ngon? Tất là phải có lòng muốn  đi, rồi sau mới biết đường; cái lòng muốn đi tức là ý (chủ ý) tức là bước đầu của hành vậy. Đường đi hiểm trở, tất phải đích thân trải qua mới biết, chứ có khi nào, chưa đích thân trải qua mà đã biết đường đi hiểm trở” ( Phù nhân tất hữu dục thực  chi tâm, nhiên hậu tri thực. Dục thực chi tâm tức thị ý, tức thị hành chi thủy hĩ. Thực vi mĩ ác, tất đãi nhập khẩu nhi tri, khởi hữu bất  đãi nhập khẩu nhi dĩ tri thực vị chi mĩ ác giả da? Tất hữu dục hành chi tâm, nhiên hậu tri lộ; dục hành chi tâm tức thị ý, tức  thị hành chi thủy hĩ. Lộ đồ chi hiểm di tất đãi thân thân lý lịch nhi hậu tri khởi hữu  bất đãi thân thân lý lịch nhi dĩ tri lộ đồ chi hiểm di giả da? 459__ Đáp Cố Đồng Kiều thư )

   Thật vậy, vấn (hỏi) tư (suy ngẫm) biện (phân tách) hành, ngần ấy điều đều là học cả. Chưa có chuyện học mà lại không hành bao giờ. Như học đạo Hiếu, thì trước tất phải  hầu hạ nuôi nấng, đích thân thực hành đạo hiếu  rồi mới gọi gọi là học được, chứ đâu có phải chỉ nghe nói suông nói hão, mà bảo  ngay như thế là học đạo hiếu ? Học bắn tất phải  giương cung lắp tên, bắn ra trúng đích; học viết tất phải  trải giấy, cầm bút,  cầm thẻ tre, chấm mực; hết thảy mọi sự  học trong thiên hạ, chưa bao giờ không hành mà lại nói là có học được, thế thì bắt đầu học vấn đã là hành rồi… Học không thể không có chỗ ngờ, vậy  thì phải hỏi, tức là học vậy, tức là hành rồi; lại vẫn không thể không có chỗ ngờ , vậy thì phải suy ngẫm , phân tách; suy ngẫm, phân tách , tức là học vậy, tức là hành rồi.__ Không phải là học hỏi, suy ngẫm, phân tách, rồi sau mới bắt đầu đem ra hành, Thế cho nên, xét theo khía cạnh cầu làm cho giỏi, cho nên, cầu được việc mà nói  thì gọi là học; xét theo khí cạnh cầu được vỡ nghĩa mà nói thì gọi là vấn (Hỏi) ; xét theo khía cạnh cầu cho suốt lẽ mà nói thì gọi là tư (suy ngẫm) ; xét theo khíc cạnh  cầu cho xem xét  được tinh tường  mà nói thì gọi là biện (phân tách) xét theo khía cạnh cầu cho đích thân thực thi mà nói  thì gọi là hành. Nghĩa là phân công ra tất có năm, nhưng hợp lại mà nói thì việc chỉ là một mà thôi” ( Phù vấn, tư biện hành giai sở dĩ vi học, vị hữu học nhi bất hành giả dã. Như học hiếu giả, tắc phục lao dưỡng, cung hành hiếu đạo, nhi hậu vi chi học, khởi đồ huyền không khẩu nhĩ giảng thuyết, nhi loại khả  dĩ vi chi học hiếu hồ ? Học sạ tắc tất trương cung, hiến thỉ, dẫn mãn trúng đích;  học thư, tắc tất thân chỉ, chấp bút, thao cô, nhiễm hàn. Tận thiên hạ chi học vi hữu bất hành nhi khả dĩ ngôn học giả; tắc học chi thủy cố dĩ tức hành hĩ… Học chi bất năng vô nghi tắc vấn, vấn tức học dã, tức hành dã, hựu bất năng vô nghi, tắc hữu tư hữu biện, tức học giã, tức hành dã… phi vi học tư biện chi hậu nhi thuỷ thố chi ư hành dã. Thị cố dĩ cầu năng kì sự chi ngôn, vị chi học, dĩ cầu biện kì nhi ngôn vị chi vấn; dĩ cầu thông kì lý chi ngôn,vị chi hành. Cái tích kì công nhi ngôn tắc hữu ngũ, hợp kì sự nhi ngôn tác nhất nhi dĩ 169__ Đáp Cố Đồng Kiều Thư )

Sau hết, xin nói đến phần thứ ba: “ tri (biết)  đến đúng đắn, cặn kẽ, thiết thực là cái tri đạt được ở trong hành (việc làm) ; hành (làm) mà sáng suốt  rạch ròi là hành (làm) nhờ có tri.

Trong phần này , họ Vương cho rằng “tri và hành tuy là hai chữ nhưng là nói chung một công việc”( tri hành nguyện thị lưỡng cá tự, thuyết nhất cá công phu__Như trên) Ông nói: “ Tri và hành vốn không thể lìa nhau được. Chỉ tại học giả đời sau đem chia ra mới thành hai việc riêng biệt, mất cả bản thể của tri và hành. Bởi vậy mới phải đề xướng hợp tri và hành lại làm một” ( tri hành bản bất khả li, chỉ vị hậu thế học giả phân tác lưỡng biệt công phu, thất khước  tri bản thể, cố hữu hợp nhất tinh tiến chi thuyết 461__Như trên)

“Nếu hành  (làm) mà không tri (biết) rõ ràng tỉ mỉ thì là hành (làm) mò, tức là (như sách luận ngữ nói) “học mà không nghĩ thì lờ mờ” vì thế mà tất phải nói đến tri (sự biết) .Tri (biết)  mà không tri (biết) đến đúng đắn, cặn kẽ,  thiết thực thì tri (biết ) lơ mơ hão huyền tức là (như sách luận ngữ  nói) nghĩ mà không học thì bập bỗng. Vì thế mà tất phải nói đến hành. nguyên lai, tri với hành chỉ là một công việc. Người xưa nói tri, hành là cốt để bổ cứu cái tệ tập thiên về một đằng (hoặc tri hoặc hành) trong khi thực thi một công việc, chứ có lẽ không phải để ngưới ta chia lìa một việc ra làm hai phần (tri và hành)” (Nhược hành nhi năng tỉnh sát minh giác, tiện thị minh hành, tiện thị “học nhi bất tư tắc võng”, sở dĩ tất tu thuyết cá tri; tri nhi bất năng chân thiết đốc thực tiện thị vọng tưởng, tiện thị “tư nhi bất học tất đãi”, sở dĩ tất tu thuyết cá hành. nguyên lai chỉ thị nhất cá công phu, cổ nhân thuyết tri hành, giai thị tựu nhất  cá công phu thượng, bổ thiên cứu  tệ thuyết, bất tự,  linh  nhân phân tác  lưỡng kiện sự cố  462__Đáp hữu nhân vấn).

 Như vậy, theo ông tri và hành, nguyên lai chỉ là một việc,sở dĩ người xưa nói riêng tri, nói riêng hành, là cốt để sửa đổi cái thói làm việc không được hoàn hảo của người đời: Chỉ vì thế gian có hai thứ người cần phải phân rõ tri và hành thì họ mới hiểu:

“ Một thứ thì mù mờ ù cạc, cứ làm bừa theo ý kiến riêng, tuyệt nhiên không chịu nghĩ ngợi, xem xét; như vậy chỉ là làm bậy, làm mò, cho nên đối với họ, tất phải nói đến tri (cho họ biết) có tri thì hành mới đúng được. Còn một thứ thì mơ mơ màng màng, chỉ suy nghĩ những chuyện vu vơ không đâu, tuyệt nhiên không chịu đích thân nhúng tay vào việc, như vậy thì chỉ là bắt bóng nghe hơi, cho nên đối với họ, tất phải nói đến hành (cho họ biết) phải hành thì tri mới thật là tri…” ( Nhất chủng nhân, mông mông, bỗng bỗng đích nhậm ý khứ tố toàn bất giải tư duy, tỉnh sát dã chỉ thị cá minh hành vọng tác; hựu hữu nhất chủng nhân mang mang đãng đãng, huyền không khứ tư sách, toàn bất khẳng trước thực cung hành, dã chỉ thị sủy  mô ảnh hưởng, sở dĩ tất thuyết cá hành, phương tài tri tri đắc chân …) 463.

Rút lại, dù tri là “minh giác của tâm” hành là “phát động của tâm” dù tri là  ý định, hành là thực thi, dù tri và hành là hai tiếng chỉ cùng một việc, trong cả ba trường hợp tri hành vẫn là hợp nhất.

Cùng một tâm trạng  muốn bổ cứu thời tệ như người xưa, Vương Dương Minh sở dĩ đề xướng thuyết “tri hành hợp nhất”là cốt, như trên kia chúng tôi đã nói, trước hết thức tỉnh lòng người mà coi chừng những ý niệm xấu, hầu trừ tiệt nó ngay từ khi còn trong trứng. “Ngoài ra cũng để chữa cái  thông bệnh của người đương thời, chỉ vì tin rằng phải “tri” đã rồi mới “hành” được, thành thử suốt đời không dám làm việc gì, trọn đời không làm được việc gì . Cao đệ của ông là Từ Ái có ghi mấy lời này của ông  “Nay người ta lại đem tri hành chia làm hai việc mà làm, cho rằng cứ phải tri đã rồi mới hành được… cho nên suốt đời không hành mà cũng không tri. Đó hẳn không là một chứng bệnh nhỏ” (Kim nhân khước tương tri hành phân tác lưỡng kiện khứ tố, dĩ vi tất  tiên tri liễu nhiên hậu năng hành… cố loại chung thân bất hành, diệc toại chung thân bất tri. Thử bất thị tiểu bệnh thống 461.

   Thuyết tri hành  hợp nhất thịnh hành một thời. Đến đời Thanh thì bị Vương Thuyền Sơn công kích kịch liệt .Thuyền Sơn cho rằng Dương Minh đã lạm dụng danh từ tri và hành. Xin hãy nghe Thuyền Sơn nói  “Cái mà ông ta (Chỉ Vương Dương Minh) gọi là tri không phải là tri và cái mà ông gọi là hành  không phải là hành. Cái ông ta gọi là tri tuy không phải là tri, nhưng còn có phần nào của tri, thảng hoặc cũng còn có sở kiến. Còn khi nói rằng cái  ông ta gọi là hành không phải là hành thì đích xác cái đó không phải là hành mà chính là tri nhận làm hành” ( Kì sở vi tri giả phi tri nhi hành giả phi hành dã. Tri giả phi tri, nhiên nhi do hữu kì tri dã, diệc thảng nhiên nhược hữu sở kiến dã, hành giả phi hành,  tắc xác hồ kì phi hành, dĩ kì sở tri vi hành dã__ Thương Thư dẫn nghĩa).

   Lời Thuyền Sơn phê  bình trên đây về thuyết tri hành hợp nhất của Vương Dương Minh xét ra không vững mà rõ ràng khiên cưỡng. Thật vậy , khi lập thuyết, Vương Dương Minh đã định nghĩa hẳn hoi cho hai chữ tri hành rồi, nghĩa đó không phải nghĩa thông thường mà mọi người vẫn hiểu; hơn nữa nghĩa đó lại thay đổi trong  mỗi phần của thuyết như chúng tôi đã nói ở trên. Vậy mà khi phê bình, Thuyền Sơn lại hiểu hai chữa tri, hành của Vương Dương Minh theo nghĩa thông dụng , thì làm sao mà chẳng xảy ra cái trò “ông nói gà bà nói vịt” cái lối lập luận vin vào phép “duy danh định nghĩa” ?
( Trích Đại Cương Triết  Học Trung Quốc của Giản Chi & Nguyễn Hiến Lê trang 532- 540)

I V- GÍA TRỊ VÀ ÍCH LỢI CỦA THUYẾT TRI HÀNH HỢP NHẤT :

1-         Gía Trị kế thừa Đạo Thống Chân Chính  của  Khổng Mạnh:     
                                                         
           Thày Vương Dương Minh  tuy sinh ra ở thời nhà Minh, và là đồ đệ viễn phái của Đạo Khổng Mạnh. Thầy tinh thông cả tam giáo Nho Phật Lão, nên  đã thể nhận tinh hoa của 2 Đạo Phật và Lão, để phát huy Nho giáo một cách chính thống đồng thời đưa Nho giáo lên một bước tiến mới. .Học thuyết của Thày  từ “Tri Hành Hợp Nhất” đến “Trí Lương Tri”  và “Bản Thể Công Phu Nhất Thể” …đều khởi nguyên từ thuyết “Vạn Vật Đồng Nhất Thể, một thuyết đã được coi là nền tảng của nền Văn Hóa, Minh Triết Đông Phương, cũng như chủ trương “ Ngô Đạo Nhất Dĩ Quán Chỉ” ( Cái Đạo của ta, chỉ  một điều chính yếu quán thông xuyên suốt được tất cả ) của Đức Khổng Phu Tử  . Sau khi sáng minh ra thuyết “Tri Hành Hợp Nhất”, thày lại sáng minh ra thuyết “Trí Lương Tri” và công bố 4 câu cách ngôn về Tâm:

                        Vô thiện, vô ác là cái thể của tâm.
                        Có thiện, có ác là cái  động của  ý
      Biết thiện, biết ác là Lương Tri.
      Làm thiện , bỏ ác là cách vật                
                                   
Qua 4 câu cách ngôn trên, chúng ta thấy thầy Vương Dương Minh đã tiếp theo Đổng Trọng Thư (Đại nho Đời Hán)   tổng hợp  hai ý kiến  trái ngươc nhau của Mạnh  Tử (Tính Người Bản Thiện) và Tuân Tử ( Tính Người Bản Ác) mặc dầu cách tổng hợp của Đổng Trọng Thư và của Vương Dương Minh tuy có  chỗ giống nhau, nhưng  cách lý giải về thiện ác của thày Vương Dương Minh có tính chất thống quan từ Thiên Lý hay Đạo Thể. Mặt khác thày Vương Dương Minh khi “chưa biết vào cửa Đạo” đã áp dụng  thuyết “cách vật trí tri” theo cách lý giải của Chu Hy (Nho gia cự phách đởi Tống)  nhưng sau khi  thể nghiêm “cách vật” không thành công  (Xin xem lại mục tiểu sử) thày đã đưa ra  cách lý giải mới về “Cách Vật Trí Tri”  theo  lối lý giải mới của thày.. Đại cương  “cách vật” theo Chu Hy  là “cùng lý” (như vậy  Tâm với Lý vẫn là hai) còn “cách vật” theo thày Vương Dương Minh  là “chính tâm” (Lý và Tâm cũng chỉ là một . Lý ở ngay tại Tâm) . Như vậy thày vừa  theo đúng chân truyền của nền Đạo Thống  Khống Mạnh  vừa phát huy Tâm Đạo  trong Đạo Nho một cách rữ rỡ hơn cả  và đưa ra một xác thuyết ( Như thày  Vương đã làm trong cuộc đời tìm đạo và đắc đạo của mình )  là Tâm Đạo có khả năng giải thích tất cả và tổng hợp tất cả các mâu thuẫn trên thế gian.

   Trong cuốn Khổng Học Đăng, tác giả là cụ Phan Bội Châu cũng đã viết về thày Vương Dương Minh như sau:

“ Khổng học phái đời Minh, từ lúc có pho “Ngũ kinh  tứ thư đại truyện” ra đời, dùng bản sách  này thi tiến sĩ. Học giả trong thiên hạ chuyên đem “Trình, Chu  tập chú” làm mồi cân đai. Ngoài “Trình, Chu tập chú” họ chẳng biết một cái tý gì . Nhưng mà họ há phải say ở  Trình Chu đâu! Chỉ 4 chữ “ thăng quan phát tài”  là mục đích của họ. Khổng học đến bây giờ  thành ra đám đồng cỏ rậm. Ở trong đám đồng cỏ rậm ấy  mà mở ra một đường lối  quang minh, gieo vào một hạt mộng tốt đẹp, khiến cho Khổng học lại rực rỡ tinh thần  thiết phải qui công cho người khẩn hoang và gieo mộng .

Người  ấy là ai?

Tức là thầy Vương Dương Minh . Thầy chẳng những học lý đã tinh, mà võ công cũng giỏi. Kể học thuyết thì “tri hành nhất trí” Kể sự nghiệp thời văn võ  song tuyền. Thiệt là một người con đích phái  thừa tự ở trong Khổng Học” (Xem Khổng Học Đăng trang 727 )

2-        Giá trị khế  hợp với Thời Đại: (Tống, Nguyên  & Minh) :

     Khổng học phái thời Tống có  3 học phái lớn :

(1)    Tượng Số học mà đại biểu là Trần Đoàn và Thiệu Ung (tức Thiệu Khang Tiết )
(2)     Lý Học mà đại biểu là Chu Hy
(3)      Tâm Học  mà đại  biểu là Lục Cửu Uyên (hay Lục Tượng Sơn)

Thày Vương Dương Minh  là đệ tử của Thày Lục Cửu Uyên và đã phát huy Tâm Học  lên một bước tiến mới , đồng thời thày cũng chủ trương “Tâm” tức “Lý” , Tâm tức “Mệnh”, Tâm  tức “Tính” v.v… khế hợp với các triết gia Đời Tống , Đời Nguyên & Minh..
                
 3- Giá Trị đề cao Đạo Lý, đồng thời đề cao sự thực dụng thực  tiễn vẫn là bó đước soi đường cho  mọi thời đại.

Thuyết “Tri hành hợp nhất” không chỉ đúng và có giá trị với các thời đại đã qua mà ngay thời đại của chúng ta, khi nhân loại bước sang đệ tam thiên niên kỷ, cũng như hằng hằng các thế kỷ về sau tính chất đề cao Đạo Lý đồng thời đề cao tính  thực tiễn thực dụng vẫn có giá trị vượt không gian và  và thời gian

               4-Minh Trị Thiên Hoàng đã áp dụng thuyết “Tri Hành hợp nhất” trong sư  nghiệp Canh Tân Nhật Bản theo sách lược “Phú Quốc Cường Binh”

   Trong bài “Từ Vương Dương Minh đến Minh Trị Duy Tân”  nhà sư  Triệt học  Trần Đức Giang ( hiện định cư tại Nhật Bản ) đã viết như sau :

   “ Học thuyết  của Thầy Vương Dương Minh  chú trọng thực tiễn, ban đầu chưa được phát huy nhiều  ở Trung Quốc, nhưng đã được giới trí thức Nhật  tức nho sĩ thời đó  tiếp nhận và truyền bá  trong khoảng 300 năm ở Nhật Bản.  Đó là nền tảng văn hóa và động lực chính  cho Nhật phát triển duy tân thời Minh Trị Thiên Hoàng ( 1852-1912) gọi là Minh Trị Duy Tân, bắt đầu từ 1867.

   Chính sự thành công của Nhật đã làm thức tỉnh các sĩ phu Trung Quốc, như các ông Đàm Từ Đồng, Khang Hữu Vi (1858-1927) Lương Khải Siêu (1873-1929)… và hơn 20.000 sinh viên Trung Quốc  qua Nhật du học cuối thời Minh Trị (cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20) mạnh dạn  mở lối dân quyền, trở thành động lực chính cho Cách Mạng Tân Hợi 1911 tại Trung Quốc  thành công.

   Gần  đây học thuyết của thầy lại được các nước Singapore (Tân Gia Ba ), Đài Loan, Hồng Kông đem ra phổ biến….

   Ở Nhật Bản, học thuyết của Thầy được các nhà sư Phật Giáo Nhật Bản truyền bá. Nguyên có người làm đại sứ Nhật Bản trong thời kỳ đi sứ sang nhà Minh, đã đích thân gặp thầy hỏi đạo, đem văn chương và sách của Thầy về dạy cho các nhà sư ở chùa. Các vị nho Nhật Bản đã có người học tập được cái thực tiễn trong sự giáo huấn của Thầy và lập ra một dòng mạch Vương Dương Minh Học ở Nhật Bản gọi là Yomeigaku (Dương Minh Học) thịnh truyền cho đến ngày nay.

   Từ thế kỷ 17 đã có các thầy Nakae Toju, Kumazawa Banzan, Miwa Jissai (1696-1744) , người cho in sách của Thầy Vương Dương Minh dịch ra tiếng Nhật ) và Sato  Issai (1771-1859) là một bậc thầy, theo Dương Minh Học, được Mạc Phủ mời dậy trong phủ Chúa, mặc dầu Mạc Phủ đã tuyên bố Nho học của Châu Hi làm chính để đào tạo quan lại. Từ Thầy Sato Issai, Vương Dương Minh Học tràn lan khắp nước Nhật, do gần 3.000 môn sinh của Thầy tin tưởng và tận tâm truyền bá. Từ đó mới sinh ra các Thầy Oshio Heihashiro, Yoshida Shoin, Saigo Takamori, Sakamoto Ryuma… là các thầy Nho kiêm võ tướng và chính trị gia đã trữc tiếp vận động Duy Tân Nhật Bản, Và họ đã thành công năm 1868, khi quy thuộc Minh Trị Thiên Hoàng. (Meji Tenno ) dẹp sứ quân, thống nhất đất nước, tiến hành cải cách Nhật Bản gọi là Minh Trị Duy Tân . Vương Dương Minh Học  ở Nhật Bản hoạt động không dừng lại ở chỗ Duy Tân Nhật Bản mà còn lèo lái Nhật Bản phục hưng sau Thế Chiến Thứ 2, từ 1945.

Dù ở trung Hoa  hay ở Nhật Bản, những người theo học Vương Dương Minh Học đều có những đặc tính sau:

1.    Tư Do không bị ràng buộc vào chủ thuyết này
2.    Tôn trọng chính nghĩa xã hội.
3.    Thân thiết kính mến, thương xót tới con người cô thế.
4.    Tính Tình tự chủ độc lập.
5.    Siêng năng cần cù .
6.    Có tinh thần sáng tạo.
7.    Tin tưởng tuyệt đối vào cái tâm của mình.
8.    Lạc quan.
9.    Khiêm Tốn.
10.  Quý Trọng thời giờ.

Họ có thể là nhà văn, là họa sĩ, là thi sĩ, là nhà làm luật pháp, chính trị gia,là kỹ sư, là kinh tế gia, là nhà buôn… thậm chí ở Nhật, họ có khi là nhà sư, là cha cố, là thầy dậy Tin Lành chứ không bắt buộc họ là nhà Nho theo cái nghĩa thường như chúng ta thường nghĩ là ông Đồ dậy học “ê a” ba chữ Nho.

   Ở Nhật Bản, Vương Dương Minh  Học đi vào dân chúng trong sinh hoạt hàng ngày, có thể tìm thấy ở cách chào hỏi hàng ngày, cách cư xử với người trong nhà, người ngoài luận bàn cho kỹ, có thể nói Vương Dương Minh Học là một  cái “Đạo” không chuông mõ, kèn trống, không giáo hội lễ đường mà nó âm ỉ bao trùm cả xã hội Nhật Bản. Muốn hiểu xã hội Nhật Bản, mà không hiểu Vương Dương Minh Học thì chỉ xem được mặt ngoài mà không thấy được bên trong của Nhật Bản….

   Tại sao người Nhật lại có người hoan nghênh cái học thuyết  của Thầy Vương Dương Minh? Có một lý do có thể thấy là vì ở Nhật có nhiều người thích Thích Thiền, tu Thiền  đã quen nhiều rồi.

   Đương nhiên, cái học của Tống nho tức  Châu Tử Học trong đó có thực học (trọng về toán học, y học, thiên văn học) và cái học làm quan (Nhưng không có khoa cử) cũng có đóng góp cho xã hội Nhật Bản để duy trì guống máy  quan lại, giữ sự hòa bình, trật tự cho xã hội cũ của Nhật Bản.

Cái đặc biệt của Vương Dương Minh Học ở Nhật bản đã được một nhà Nho Trung Quốc là Trương Quân Lê đánh giá:

   “ Người Nhật  thờ phụng, theo Vương Dưong Minh Học có mặt thực tiễn hơn người Hoa. Người Hoa  theo Vương Dương Học mà ưa lý luận để  bào chữa cho cái chủ ý của mình”

   Tỷ như Phong Trào Duy Tân của Nhật mà kể các nhà đại Nho theo Phái Vương Dương Minh Học có được trước sau 20 lò Nho, mỗi lò đào tạo ra cả  trăm , cả ngàn môn sinh, xét cho kỹ, Thầy nào cũng dậy môn sinh ở chỗ:

-     Trọng thực tiễn và hiện thực.
-     Tin  ở Lương Tri của mình.
-     Trau giồi, dùi mài cho Lương tri của mình thành tốt đẹp, trong sạch hơn.
-     Lương tri của mình cũng là lương  tri của vạn vật.
-     Lấy Tu thân làm gốc.
-     Triệt để tin vào Đạo Nho ở chỗ “Sĩ khả bách Vi” (làm nghề gì cũng được)

Từ đó họ có được tinh thần  tự tin, độc lập, dấn thân và hầu hết  họ đều thực tiễn trong việc tu hành  theo Đạo Nho . Cụ thể như  Thủ Tướng Nakasone, ngồi tĩnh toạ, còn đem phưong pháp này dạy cho  Thủ Tướng  Lý Quang Diệu  (Xem hồi ký  Lý Quang Diệu) -Thủ Tướng Singapore)

   Và đặc biệt họ rất linh mẫn, biết tùy cơ ứng biến. Thầy Kumagai Banzan (1619-1691) đã triển khai đạo Nho trong sách Tân Nghĩa Hoa Thư  “Shuai Washo” về phép đối xử với mọi sự phải theo:

1- Thời  tức là tình trạng
2- Xử  tức là thủ đoạn, phương pháp.
3- Vị  tức  là mục đích.

Và luôn luôn nhắn nhủ:

   “ Làm kẻ sĩ học học vấn chân thực là cố gắng vượt qua sự sốg, ,sự chết, nỗ lực rèn luyện cho thân tâm lương tri của mình”

   Lại nhắc nhở Thầy Vương Dương Minh  đã dậy là:

   “Tôn Đức Thánh làm Thầy , nhưng không phải cái gì cũng theo như cũ, mà phải tùy hoàn cảnh mà công phu sáng tạo”

   Sau Minh Trị Duy Tân, nhà Nho Hàn Quốc đã có những người bắt đầu nghiên cứu về phái Vương Dương Minh Học . Nhà Nho Phác Ẩn Thực ( Park In Shik ,1829-1925)  đã mở ra Hội Nghiên cứu Vương Dương Minh Học ở Hàn Quốc, lập ra tờ “Đại Hàn  Mỗi Nhật Thân Báo” (The han Mea il Shin Po ) chủ trương:

1- Ủng hộ quốc quyền
2- Mở mang dân quyền.
3- Tự Do ngôn luận.

Thầy Phác chủ trương  nên để cho những người đã sinh ra  những bậc kiện tướng  mà cụ Phan Bội Châu đã từng ca tụng trong cuốn “Khổng Học Đăng” như:

·    Thầy Hoàng Tông  Hi, hiệu Lê Châu (1580-1665) một nhà thạc học, bác học, Hồng Nho  biên soạn trên 1.000 bộ sách về Nho, toán, âm nhâc, cũng là người khởi xướng thuyết đại nghị và quân vương do dân bầu (quân chủ lập hiến ) trước  J. J Rousseau 100 năm.
·     Thầy Lưu Niệm Đài, Thầy Đàm Tự Đồng, Thầy Lương Khải Sdiêu (Bạn thiết của Cụ Phan Bội Châu) v.v…

Vào những năm Đảng Cộng Sản Trung Quốc thịnh quyền, trong quốc hội  vẫn có những  vị Đại Nho  bênh vực lập trường của dân chúng , đứng dậy phê bình trực tiếp  với cả Mao Trạch Đông. Cụ thể là Đại Nho Lương Thấu Minh (1893- 1988), một người đã viết tác phẩm “Văn Minh và Triết Học Đông Tây”
xuất bản năm 1922. Tác phẩm này được viết theo chủ nghĩa, tình cảm ý thức Thể Nhận, trong đó  Thầy Lương Thấu Minh có luận bàn đến xã hội ,lấy Đức trị, Nhân Trị và Tình người làm chủ nghĩa sau khi đã phân tích sự suy đồi mà xã hội chủ nghĩa tư bản  và xã hội chủ nghĩa Marx bắt buộc phải có , và sự trụy lạc  của các tôn giáo hiện  nay..

Hiện nay dân chúng Trung Quốc đang coi Thầy Lương Thấu Minh  như một vị triết gia, tiên tri lỗi lạc của thế kỷ 20 qua những hành động thực tiễn của Thầy trong  chính trường, văn trường, học giới.

Tại Tân Gia Ba  (Singapore) có phong trào Tân Nho Học, tại Đài Loan thì Phong trào Vương Dương Minh  Học tuy không  rầm rộ phô trương nhưng sức mạnh củaHọc Phái vẫn âm ỉ lan rộng và đang thực tiễn góp nhiều cống hiến cho xã hội lòai người trong lúc điên đảo này.

 -----------------------------------------------------------------------

Niên Biểu tóm tắt về sự hình thành và các sự kiện liên quan đến Vương Dương Minh Học ở Nhật Bản.

-     1513, Hòa Thượng Ryoan Keigo (1425-1514) là Chính sứ Nhật Bản sang Trung Quốc thời triều Minh đã gặp Thầy Vương Dương Minh và đem tác phẩm của Thầy về  Nhật.

-     1649, Thầy Nakae ToJu (1608-1648), một nhà Nho  bỏ quan chức võ sĩ về nuôi mẹ bằng nghề bán rượu , lấy sách của Thầy Vương Dương Minh  dậy cho các môn đệ … Thầy Nakae ToJu được coi là Thánh Tổ phái Vương Dương Minh Học ở Nhật.

-     1680, Thầy Đại Nho Kumazawa  Banzan (1619- 1691) một nhà kinh tế , văn quan, dùng văn chương bình dân giảng dạy học thuyết “Tri Hành Hợp Nhất”, môn đệ lên tới gần 3.000 người. Thầy nổi tiếng với chủ trương:

           “ Vì thiên địa lập thân,
              Vì vạn thế thái bình”

     Câu này đã được Thầy Yasuoka massatoshi viết vào bài chiếu đầu hàng  

     Đồng Minh để Thiên Hoàng Chiêu Hòa  Hito đọc vào ngày 15/8/ 1945.

-     1770, các Thầy Nho trong Dương Minh Học  bắt đầu thai nghén  việc Duy Tân Nhật Bản. Thầy Miwa Jikusai dịch “Truyền Tập Lục” ra văn chương bình dân.
-     1837, Thầy Đại Nho Oshio Oshio Heihiro (1793- 1837) là người đã khởi nghĩa  ở Osaka để bênh vực  nông dân nghèo.
-     1856, Thầy Đại Nho Yoshida Shoin (Cát Điền Tùng Âm, 1829-1859)  viết “ Ikkun Banmin Ron” (Nhất Quân Vạn Dân Luận)  nói về chuyện  mọi người  bình đẳng trước Thiên Hoàng và tận lực với Thiên Hoàng. Năm 1857, mở trường dạy học theo chủ trương của Vương Dương Minh, là bậc thày của nhiều nhân viên  cao cấp thời Minh Trị Duy Tân.
-     1864, Các võ sĩ theo Vương Dương Minh Học khởi Nghĩa  ở KozanJi
-     1867, Đại Nho Saigo Takamori (1827-1877)  Tổng Đại Tướng quân đội chống lại mạc Phủ, đã dùng ba tấc lưỡi thuyết phục Tướng và quân đội của Mạc Phủ đầu hàng phe Duy Tân mà không tốn một viên đạn.  (Trích đoạn trong  bài “Từ Vương Dương Minh đến Minh Trị Duy Tân” của Triệt  Học Trần Đức Giang )
 -----------------------
    
Để Qúy Độc Gỉa  hiểu rõ hơn  sự tương quan, giữa học thuyết  “Tri hành Hợp Nhất” của Thầy Vương Dương Minh với công cuộc Duy Tân của Nhât Bản- so sánh với hoàn cảnh của Việt Nam thời mạt diệp Nhà Nguyễn; người viết xin  ghi kèm theo đây: 

Ghi Chú Đặc biệt của Học Giả Đỗ Thông Minh:

“ Phần lớn người Nhật và Việt đều nghĩ : “ Minh Trị Thiên Hoàng một đấng Minh quân ai bì !”. Ông lên ngôi lúc 15 tuổi, lúc 15 tuổi đã lấy vợ và sau có thêm 4 bà Hoàng Phi… thì ít nhất trong giai đoạn đầu chưa thực sự hiểu việc triều chính, vận hành quốc gia triều đại phong kiến lúc đó, sau khi thu hồi quyền hành từ tay Sứ Quân cuối cùng của dòng họ Tokugawa .Đức Xuyên đã cố gắng đề cao Thiên Hoàng để phục hồi uy tín và tập trung lòng dân. Thực ra công lao trong cuộc Minh Trị Duy Tân chinh là các quần thần, mà đa số là đệ tử của ông Yoshida Shoin. Thêm nữa, tư tưởng Vương Dương Minh  đã vào và được  truyền bá  khá rộng rãi ở Nhật khoãng 400 năm, là nền tảng không thể thiếu cho cuộc cải cách.
   Thế nên, nếu người Việt trách triều đình nhà Nguyễn và quần thần thời  bấy giờ qúa  u mê  thì cũng không công bình lắm, vì  ở Việt Nam đã không có được yếu tố chuẩn bị  tư duy quan trọng và tối cần thiết cho một cuộc canh tân
   Và phải chăng, ngay cả bây giờ, đã cả trăm năm qua, đã bước vào đầu thế kỷ thứ 21 rồi mà tình hình cũng vẫn như vậy! ?

Câu hỏi và cũng là lời than của Học Giả Đỗ Thông Minh  ở cuối đoạn ghi chú kể trên, .mới nghe như cơn gío thoảng, nhưng nghĩ lại  là một mối ưu  tư vô cùng sâu sắc, khiến mọi người chúng ta phải  quan tâm  suy gẫm  về trách nhiệm của kẻ sĩ thời đại, cũng như sứ mệnh của văn hóa trước vận nước ngả nghiêng. Và chũng chính vỉ mối ưu tư này của Học Giả Đỗ Thông Minh đã là giọt nước tràn  ly khiến chúng tôi mạnh dạn viết thiên khảo luận này. /.