Trần Văn Đoàn
Lời bạt
Việt Nam : môi trường
và con người
Vào mùa hè năm 1997, tôi may mắn được nghe
Giáo sư Thái Công Tụng giảng thuyết tại Đại Học Hè (Orsonnens, Thụy Sỹ) về môi
sinh và địa chất Việt Nam .
Từ đó, tôi mang một ấn tượng sâu đậm về con người cũng như học thuật của Giáo
sư họ Thái. Thái huynh, như tôi từng xưng hô với Giáo sư Tụng, đúng là một mẫu
hình của nhà nho chân chính: 'học không biết mệt, dậy không biết chán'. Ông
không bằng lòng với lối sống Tây phương 'tối sâm banh sáng sữa bò' hay kiều
hưởng lạc Đông phương 'nhâm nhi chè Tầu, thưởng thức hoa lan' mà ngược lại tiếp
tục cống hiến cho đất nước, cho thế hệ trẻ những tinh hoa mà ông thu thập trong
bao chục năm nghiên cứu.
Như con tầm, ông không ngừng nhả ra những tinh hoa kết
tụ trong cả cuộc đời học giả. Là một nhà ái quốc chân chính, ông cống hiến cả
cuộc đời còn lại nơi viễn xứ cho Việt học. Cùng với các bằng hữu như Giáo Sư Lê
Hữu Mục, một học giả chuyên gia về ngôn ngữ, đặc biệt chữ Nôm tại Đại Học Huế
trước năm 1975, Thái huynh đã xây dựng và vun xới Vietnamologica, một tập san
nghiên cứu rất nghiêm túc chuyên về Việt học.
Việt Nam : Môi Trường và Con Người là kết tinh của bao năm nghiên cứu, suy tư, và giảng dậy, từng được
công bố trên Vietnamologica. Tập sách không chỉ là một luận tập về địa lý hay
điạ chất Việt Nam
mà thôi. Nó còn mang tính chất lịch sử. Nó biểu tả mối liên kết mật thiết giữa
ngôn ngữ và cái đất nơi ta sống, ta yêu, ta sinh, ta chết; giữa ngôn ngữ và
những giọt nước ta uống, ta tắm, ta gội, ta tưới. Nó biểu hiện tâm lý người
Việt, giúp ta hiểu nỗi lòng nhớ quê, tưởng hương, yêu đất, thương nước. Nó khơi
động tiềm thức chung qua những địa danh như Hạ Long, Thăng Long, Vĩnh Long, Hà
Tiên, vân vân, làm ta nhớ lại tổ tiên ta vốn giòng Tiên, giống Rồng. Nói một
cách chung, tập sách nói về chính người Việt, cuộc sống Việt, tình cảm Việt,
lịch sử Việt và tâm linh Việt; nó nói lên sự gắn bó của họ với quê cha đất tổ.
Và lẽ dĩ nhiên, tập sách nói lên chính mối tình yêu mà Thái huynh dâng hiến cho
đất nước Việt.
Tại sao ta xưng hô quốc gia là đất nước, là
nước non, là nước nhà? Tại sao ta gọi chính phủ là nhà nước? Tại sao xóm, làng,
quê nhà, vườn, tược vẫn được thông dụng và yêu quý hơn những từ Hán như lý,
trấn, huyện, viên, vân vân, mặc cho cả hơn một ngàn năm dưới ách đô hộ toàn
diện của người phương Bắc? Khi đặt ra câu hỏi này, có lẽ ta đã thoáng nhìn ra
sự khác biệt giữa văn hóa Việt và văn hóa Hoa. Nhưng quan trọng hơn cả, đó
chính là ta nhận thấy được một sự gắn bó thân thiết không thể phân cách giữa
con người Việt và cái thế giới của họ; giữa cái môi sinh và con người họ, mà
không ai có thể tách biệt, mà không ai có thể phá bỏ. Như con cá không thể tách
rời nước, thì con người Việt không thể tách rời khỏi không khí, khỏi đất, khỏi
nước Việt. Ý thưc như vậy, người Việt đã không dùng những biểu tượng quốc, hay
theo lối kết cấu xã hội của gia, nhừng dùng tiếng đất nước và nhà nước. Chính
vì vậy, đối với người Việt, địa lý không chỉ mang nghĩa sự hiểu biết về trái
đất hay mảnh đất nơi chúng ta đương đứng ở trên kiểu 'đầu đội trời, chân đạp
đất' mà phải là cái nguyên lý của chính cuộc sống của họ. Do đó, địa lý không
chỉ mang nghĩa sự học hay môn học về đất đai - chú ý là, từ geography
vốn ghép từ hai từ Hy lạp geos (đất) và graphicos (vẽ hình), mang
nghĩa đo đạc, đo điền, vẽ bản đồ --, mà phải là cái đạo lý của đất, của nước.
Thầy 'địa lý' họ Thái (như tôi thường đùa với Thái huynh) không chỉ một ông
giáo sư địa lý mà thôi. Hơn cả thế, địa lý sư phải là người biết được vận mệnh,
thấy được luật tương quan giữa đất và người, đó là nhìn ra được cái đạo lý của
đất. Thầy Thái Công Tụng (hơn cả thầy Tả Ao, người chỉ thấy được vận mệnh của
một cá nhân) đã nhìn ra được cả sinh mệnh của những ai đương sống trên cái mảnh
đất này. Ông nhận ra gì?
Thái 'địa lý sư' nhìn ra vận mệnh của dân
Việt đương đi vào cái con đường cụt. Chúng tạ đương phá vỡ một cách vô thức cái
mối tình tương thân giữa đất và người, giữa nước và người. Chính chúng ta đã
lạc đạo khi chấp nhận lối suy tư duy nhân, khống trị trái đất, biến nó thành
một đối tượng để vị lợi. Khi mà những khu rừng bát ngát bị tàn phá chỉ vì cái
mục đích nhỏ nhoi thiển cận, khi mà những dẫy đồi trùng điệp xanh biếc biến
thành những ngọn đồi trọc lóc, khô cằn vàng ố chỉ vì cái con mắt vị lợi nhỏ
nhặt của con người ích kỷ, khi mà những bờ biển mỹ lệ trắng ngà biến thành
những bãi rác khổng lồ đầy những phế thải độc địa, thì không phải chỉ có cái
mảnh đất chữ S đương hấp hối mà thôi. Không, cùng với đất, nước cũng đang chết
dần chết mòn. Không, cùng với nước, không khí mà ta thở, ta hít mỗi giây mỗi
lúc, đương biến thành những làn khí độc. Không, không phải chỉ có mảnh đất
đương chết một cách im lặng, một cách nhẫn nhục, một cách đau sót. Chính chúng
ta đương tự sát một cách vô ý thức, một cách khoái trá của bọn điên; chính
chúng ta đương nhúng bàn tay hưởng thụ tàn sát thế hệ tương lai một cách rất
văn minh, một cách rất 'hào hoa phong nhã'. Đàng sau những chiếc xe bóng lộn,
đàng sau những bữa yến tiệc linh đình, bên cạnh những ngôi biệt thự xa hoa,
những cao ốc ngất trời là gì, nếu không phải là những làn khói đen xịt, những
đống rác khổng lồ, những chất độc hóa học khủng khiếp?
Nếu không có một
biện pháp hữu hiệu, một ngày chắc hẳn không xa nào đó, đất nước Việt sẽ biến
dạng, và người Việt cũng tuyệt giống. Một cách im lặng. Một cách vô thức. Một cách thê thảm nhưng rất văn minh!
Những điều thầy 'địa lý' họ Thái phát hiện,
cảnh cáo và than vãn trong tập sách Việt Nam: Môi Trường và Con
Người không phải là những câu bói toán, mà là những
nhận định khoa học của một chuyên gia địa chất, một học gỉả từng nghiên cứu và
giảng dậy cả cuộc đời về đất, về nước. Muà Xuân năm 1997, lần đầu tiên trở lại
quê hương sau gần 30 năm phiêu bạt tha hương cầu thực, tôi quặn lòng khi thấy
những dẫy đồi trùng điệp bị khai quang trọc lóc; tôi nhức nhối khi thấy những
dòng nước phế thải đỏ ngầu hôi hám ngạo mạn đổ vào sông, lạch; tôi nhói tim
nhìn những dòng sông đen sệt hôi thối lượn lờ như những con rắn độc giữa lòng
thành phố, nơi con rồng Việt từng bay bổng vào bầu trời Đông Á (Thăng Long);
tôi nước mắt lưng tròng lê bước qua những khu xóm đầy rác rưởi mà đồng bào thân
yêu của tôi đương bám víu vào để sống; tôi cảm thấy bất lực khi thấy họ đương
hít thở những làn khí độc hưng hực bốc lên từ lòng sông lạch ô nhiễm, ngay giữa
lòng cái thành phố từng được ca tụng như hòn ngọc Viễn Đông (Sài Gòn).
Theo báo cáo của nhà nước, những căn bệnh
hiểm nghèo tương tự như bệnh 'da cam' các loại bệnh ung thư, những loại viêm
gan, viêm phổi, viêm ruột là những sát thủ hàng đầu, biến cả đất nước thành một
nhà thương khổng lồ, không thuốc, không men, không bác sỹ, trống rỗng. Làm sao
mà không chết khi mà cái hòn ngọc Viễn Đông bị chính chúng vùn dập trong đống
phân heo? Làm sao mà không chết khi không khí trong lành chỉ còn là những bụi
khói vẩn đục đục khoét buồng phổi mỗi người? Làm sao mà không chết khi mà những
dòng nước trong sạch đã biến thành những vũng lầy đen sệt hôi thối? Chúng ta
không cần phải xem cuốn phim The Day After Tomorrow mới biết được cái hiểm họa tự diệt. Chỉ cần nhìn ra cái đạo lý
tương thân giữa đất và người, cái nguyên lý bất khả phân ly giữa đất và nước,
giữa đất và khí, các bạn dễ dàng thấy ngay, một khi đạo lý, nguyên lý tương
quan này bị phá bỏ, thì vận mệnh của con người cũng đã tới đoạn đường tận cùng.
Hơn ai hết, thầy 'điạ lý' họ Thái giúp ta
nhận ra cái mỹ lệ của đất nuớc, nhìn thấy những hiểm họa, và ý thức được những
hậu qủa do chính bàn tay chúng ta đầu độc tàn phá một cách vô thức. Đọc Việt Nam: Môi
Trường và Con Người để hãnh diện với cái hay
cái đẹp đất nước, để biết được cái gốc, cái lõi của mình, và nhất là để ý thức
trách nhiệm trước hiểm họa tận diệt do chính chúng ta .
Trần Văn Đoàn
Chủ Tịch,
Hiệp Hội Triết Gia Á Châu
Thành Viên, Uủy Ban
Nghiên Cứu Đạo Đức Môi Sinh (Eco-Ethics), UNESCO.