Trần Đông Phong
Một Vài Kỷ Niệm Với
Đức Tổng Giám Mục Nguyễn Kim Điền
-Chào anh giáo sư. Đã hơn mười năm rồi mới được gặp lại anh!
Rồi ông quay sang ông Tỉnh Trưởng nói tiếp:
-Tôi quen với ông giáo sư này từ trước khi tôi làm Giám mục Điạ
phận Cần Thơ, cách đây mười mấy năm rồi. Hôm nay nhờ ông Tỉnh
Trưởng mà tôi lại được gặp lại một người bạn cũ, tôi cám ơn ông
Tỉnh nhiều lắm!
Đại Tá Lê Văn Thân cũng cười nói với Ngài:
-Thưa Đức Tổng, con quen biết ông này cũng lâu rồi, bây giờ nhờ
Đức Tổng mới biết ông ấy ngày xưa làm giáo sư.
Sau một hồi hàn huyên, Đức Cha hỏi tôi chừng nào trở về Sài Gòn
và sau khi tôi thưa rằng tôi còn ở lại Huế vài ba hôm nưã thì
Ngài hỏi tôi:
-Ngài mai anh đến thăm tôi nhé! Tôi muốn gặp riêng anh để hỏi
thăm chuyện cũ hồi ở Cần Thơ. À này, anh nhớ đến ăn cơm trưa với
tôi nghe!
Hồi cuối thập niên 1950, tôi dạy học tại trường Trung Học Phan
Thanh Giản, một trường công lập tại Tây Đô. Tiếng là thủ đô của
miền Tây nhưng Cần Thơ chỉ là một thành phố nhỏ bên dòng sông
Hậu Giang, không có nhiều môn giải trí cho nên bọn chúng tôi,
một nhóm độc thân đa số là luật sư, bác sĩ, kỹ sư, công chức và
giáo sư v.v. thường tụ họp với nhau ở qúan Ngọc Lợi tại sân
quần vợt sau giờ làm việc để đấu láo, ăn tục nói phét và nói
chuyện trên trời dưới đất...
Chuyện trên trời dưới đất đối với chúng tôi hồi đó, ngoài những
chuyện liên quan đến văn chương, lịch sử, kinh tế, xã hội và cả
những chuyện về chính trị bên Tây, bên Tàu, bên Nga, bên Mỹ và
dĩ nhiên là cũng còn có nhiều chuyện xảy ra ngay trong đất nước.
Đa số chúng tôi đều là những người trẻ tuổi, chẳng biết sợ trời
sợ đất gì cả cho nên chẳng cần phải giữ gìn lời ăn tiếng nói, ưa
thích ai thì khen người đó mà không thích ai thì chỉ trích thẳng
thừng chẳng nể nang gì, mỗi người một ý kiến và do đó mà những
buổi gặp gỡ hàng ngày đều vô cùng thú vị, nhất là những lần nói
chuyện về tình hình đất nước.
Có một buổi chiều, Luật sư Nguyễn Văn Anh đưa một người bạn của
anh đến chơi và giới thiệu với chúng tôi:
“Đây là anh Điền, ở bên Tây mới về!”
Khi được hỏi anh đang làm việc ở đâu thì anh Điền chỉ cho biết
anh đang làm cho một chương trình xã hội và lao động. Anh nói
với chúng tôi nưả đùa nửa thật:
-Sự thật thì tôi làm lao động nhưng mà
nói như vậy thì chắc rằng các anh không tin đâu!
Dĩ nhiên là chúng tôi không thể nào tin được chuyện đó vì một
người “ở bên Tây về” thì không thể nào lại đi làm công
việc lao động ở cái xứ Việt Nam vưà mới dành được độc lập cách
đấy chỉ có mới hơn ba năm. Về sau nhiều lần chúng tôi hỏi Luật
sư Anh về nghề nghiệp của anh Điền thì anh chàng này chỉ nói
quanh nói quất rằng anh Điền đang làm công việc có liên quan đến
ngành lao động. Tuy vậy bọn chúng tôi cũng không thể nào tin
rằng một người từng đi du học Pháp trở về, nhất làcó vóc dáng và
gương mặt trí thức như anh Điền mà lại làm nghề có liên quan đến
giới lao động.
Sau lần đó, anh Điền trở lại tham dự vào những buổi chuyện phiếm
của chúng tôi nhiều lần và được chúng tôi qúy mến vô cùng.
Anh Điền là người khôi ngô, cao ráo, đẹp trai, mũi cao, đôi mắt
hiền hoà với nụ cười khả ái, tuy ăn mặc giàn dị và ít nói nhưng
không dấu được nét thông minh với vầng trán rộng. Anh vào trạc
trên ba mươi mấy tuổi, so với chúng tôi thì anh Điền lớn hơn
chúng tôi khoảng trên mười mấy tuổi, cho nên chúng tôi coi anh
như là một bậc đàn anh. Nếu chúng tôi ăn to nói lớn, ăn tục nói
phét thì anh Điền là người điềm đạm và ăn nói năng từ tốn, chững
chạc, nếu chúng tôi thường chỉ trích những người trong chính
quyền thì anh Điền thường chỉ ngồi nghe chứ ít khi phát biểu ý
kiến. Có nhiều khi chúng tôi yêu cầu anh phát biểu ý kiến thì
anh viện cớ là ở ngoại quốc mới về Việt Nam cho nên anh muốn
nghe để học hỏi thêm về chuyện quê hương đất nước chứ không dám
có ý kiến.
Anh Điền thường né tránh như vậy mỗi khi chúng tôi nói chuyện về
chính trị, tuy nhiên khi thảo luận về những vấn đề văn hoá và xã
hội thì anh cũng đóng góp nhiều ý kiến, nhất là nói về những
kinh nghiệm của anh ở Pháp và Bắc Phi. Khi nghe anh nói về Bắc
Phi, chúng tôi vô cùng thích thú vì đó là một vùng đất mà chúng
tôi chỉ nghe nói qua sách vở, qua những bài học về điạ lý đơn sơ,
về những con người mà chúng tôi không hề có cảm tình vì dưới
thời thực dân Pháp, không có một người Việt Nam nào mà lại không
sợ mấy ông Tây Ma-rốc, Sénégalais “rạch mặt”v.v. Anh kể
cho chúng tôi nghe về sa mạc Sahara mà anh đã có nhiều dịp du
hành vào vùng đó và nhất là nói về ý nghiã của danh từ “ốc
đảo” (oassis) mà chúng tôi chỉ nghe nói chứ không có một
khái niệm nào.
Tôi còn nhớ anh Điền nói với chúng tôi:
“Các anh không thể nào hiểu được “ốc đảo” nếu mà các anh chưa
vào sa mạc Sahara, chưa chịu đựng qua cái nóng cháy người của
ánh mặt trời và những cơn bão cát trong sa mạc, chưa chịu đựng
qua cái khát kinh người sau một ngày ngất ngư trong sa mạc...Chỉ
có sau những sự chịu đựng đó thì các anh mới hiểu được hai chữ
“ốc đảo” vì ốc đảo là tất cả những cái gì con người mơ ước trong
sa mạc, những cái gì trái ngược với những sự chịu đựng tột cùng
đó của thể xác con người...”
Có lẽ tôi là một trong những ngưòi lấy làm thích thú nhất về ốc
đảo do anh Điền mô tả cho nên khoảng hai mươi năm sau, trong
thời gian làm việc tại Bắc Phi, tôi đã lần mò đi vào sa mạc
Sahara tận vùng cực nam nước Tunisie và tôi đã biết ơn anh Điền,
vì nhờ anh tôi đã lãnh hội được ý nghiã của danh từ “ốc đảo”
mà anh đã nói với chúng tôi ở Cần Thơ hồi trước.
Hồi cuối thập niên 1950, năm sáu năm sau Hiệp định Genève, đất
nước đang được sống trong cảnh thanh bình thịnh trị và về chính
trị thì người dân nói chung và giới trí thức nói riêng đều được
hưởng một cuộc sống tự do và cởi mở rất nhiều so với thời đất
nước còn bị người Pháp cai trị. Chúng tôi biết ơn nền Đệ Nhất
Cộng Hoà, tuy nhiên không vì thế mà nhắm mắt ca ngợi chế độ vì
chế độ này vẫn còn non trẻ và do đó vẫn còn có rất nhiều sai lầm
cũng như là khuyết điểm. Những bậc lão thành thì dù có bất mãn
họ cũng không nói ra một cách công khai, tuy nhiên là những
người còn trẻ tuổi, mới ngoài đôi mươi, chúng tôi chẳng cần giữ
gìn, chẳng cần ý tứ dè dặt gì cả, hễ nghe hay thấy “chuyện
bất bình thì chẳng tha.” Chẳng tha đây là chẳng tha chỉ
trích những sai lầm của chế độ còn có ai nghe hay không thì
chuyện đó đối với chúng tôi cũng chẳng có gì quan trọng. Chúng
tôi chỉ trích từ “ông Cậu” tức là ông Ngô Đình Cẩn ở miền
Trung, chỉ trích “bà Cố” tức là bà Cố Vấn Ngô Đình Nhu ở
Sài Gòn và đặc biệt là chỉ trích “Đức Cha” tức là Giám
Mục Ngô Đình Thục, Giám mục điạ phận Vĩnh Long, chỉ cách Cần Thơ
có một dòng sông Hậu Giang.
Ông Cậu
thì ở tận ngoài Huế nên chúng tôi ít nói về ông, tuy nhiên Bà
Cố thì ngoài những chuyện đồn đại ở Sài Gòn liên quan đến bộ
Luật Gia Đình, mà chúng tôi không chống đối, bà lại bị chúng tôi
chỉ trích về việc ông Cố Vấn Chính Trị của Tổng Thống và Bà Đệ
Nhất Phu Nhân lại không cho con cái đi học trường của chính phủ
Việt Nam Cộng Hoà mà tất cả đều đi học trường ... Tây, và tệ hơn
nưã, ông bà cùng con cái luôn luôn chỉ nói tiếng ...Tây với nhau
trong gia đình.
Riêng về Đức Cha thì tôi là người thường chỉ trích ông nhiều
nhất vì chuyện ông chỉ là một vị giám mục mà gần như hầu hết các
nhân vật cao cấp trong chính quyền hồi đó đều phải về Vĩnh Long
“triều kiến” ông, còn đối với những cấp chỉ huy hành
chánh cũng như là quân sự ở miền Tây thì khỏi nói, người ta đồn
rằng nếu người nào làm điều gì ông không hài lòng thì thế nào
cũng bị mất chức. Về chuyện này, tôi còn nhớ trong giới trí thức
hồi đó, người ta đã sưả một câu vè nổi tiếng lại như sau: “Rồng
chầu ngoài Huế, ngựa tế ...Vĩnh Long!”
Dạo ấy, ông có làm một cái lễ kỷ niệm gì đó, hình như là kỷ
niệm mấy chục năm làm giám mục điạ phận Vĩnh Long chứ chưa phải
là lễ Ngân Khánh kỷ niệm 25 năm thụ phong giám mục vào năm 1963.
Cái việc làm lễ kỷ niệm đó chỉ là chuyện riêng của ông, gia đình
của ông và giáo dân của ông, vậy mà Bộ Giáo Dục lại ra lệnh trừ
một ngày lương của tất cả giáo sư, giáo viên và công chức trên
toàn quốc để đóng góp vào ngân qũy làm lễ này. Sở dĩ tôi bất mãn
như vậy không phải là bị trừ đi một ngày lương mà vì vấn đề
nguyên tắc: Đức Cha Ngô Đình Thục tuy là anh ruột của Tổng Thống
Ngô Đình Diệm nhưng có ăn nhằm gì đến đám giáo sư và giáo viên
trên toàn quốc mà ông Bộ Trưởng Quốc Gia Giáo Dục Trần Hữu Thế,
một đàn em thân tín của Đức Cha Thục, lại bắt chúng tôi phải góp
tiền để làm lễ kỷ niệm cho ông Giám Mục? Ông lấy tư cách gì mà
ra lệnh cho ông Bộ Trưởng Giáo Dục ký chỉ thị trừ một ngày lương
của tất cả nhân viên trong bộ trên toàn quốc? Chuyện này ông
Tổng Thống có biết hay không và nếu ông Tổng Thống có biết mà
không ra lệnh ngưng việc đó hay khiển trách ông Bộ Trưởng thì đó
là một sự vi phạm nghiêm trọng đến nguyên tắc “séparation de
l’état et de l’église” (phân quyền giưã nhà nước và giáo
hội), một nguyên tắc mà giới trí thức trẻ chúng tôi nhiệt thành
ủng hộ.
Những lần như vậy thì anh Điền chỉ lẳng lặng ngồi nghe, không hề
bày tỏ một ý kiến gì tuy nhiên khi nhìn vào khuôn mặt anh, tôi
thấy anh không dấu được nét đăm chiêu trong ánh mắt. Tuy không
biết rõ anh làm nghề gì nhưng chúng tôi, và riêng tôi, bao giờ
cũng bày tỏ sự kính mến đối với con người lớn tuổi đầy kinh
nghiệm, hiểu nhiều biết rộng nhưng lại vô cùng khiêm tốn này và
tất cả chúng tôi ai ai cũng đều dành cho anh Điền sự kính trọng
và cảm tình vô cùng nồng hậu. Có nhiều khi năm ba ngày không
thấy anh ghé đến chơi, chúng tôi hỏi Luật sư Anh thì anh chàng
này cho biết rằng anh Điền ở tận trong Bình Thủy, cách thành phố
Cần Thơ lối chừng chưa đến mười cây số, do đó chỉ khi nào anh
Điền nhắn thì anh ấy mới vô Bình Thủy đón anh ra Cần Thơ chơi.
Đến khoảng cuối năm 1960 thì anh Điền gần như không đến gặp
chúng tôi nưã và sau cuộc đảo chánh bất thành ngày 11 tháng 11
năm 1960 thì chúng tôi cũng trở nên dè dặt trong lời ăn tiếng
nói hơn trước. Riêng tôi thì lại càng dè dặt hơn sau khi bị Đoàn
Công Tác Đặc Biệt Miền Trung “hỏi thăm sức khoẻ,” do đó
những buổi nói chuyện trên trời dưới đất của bọn chúng tôi lại
quay sang đề tài vô thưởng vô phạt, chẳng hạn như là nói về ...
chuyện chưởng.
Chúng tôi gần như quên anh Điền thì vào khoảng tháng 3 năm 1961,
nhà trường chỉ thị cho một số giáo sư, trong đó có tôi, phải đến
tham dự buổi thánh lễ do vị tân Giám Mục Điạ phận Cần Thơ làm
chủ tế lần đầu tiên sau khi được thụ phong tại Sài Gòn cách đó
chừng hơn một tháng.
Tôi không phải là người theo Thiên Chúa giáo, lại không thiùch
lễ ở nhà thờ vì hồi mới vào trung học, tôi sống nội trú trong
một trường Thánh La Salle và ngày nào cũng phải dậy sớm để dự
thánh lễ từ năm giờ sáng. Do đó khi đến dự lễ tại nhà thờ chánh
toà Cần Thơ thì tôi tìm cách đứng sau tận cùng nhà thờ, thỉnh
thoảng lại còn lén ra ngoài hút thuốc lá, do đó cũng không để ý
gì nhiều đến vị tân giám mục. Tuy nhiên khi vị chủ tế đưa thánh
giá lên và nghe tiếng chuông leng keng thì tôi thật mừng vì biết
rằng buổi lễ sắp kết thúc, từ cuối nhà thờ, tôi nhìn lên phiá
bàn thờ và ngạc nhiên khi thấy vị tân giám mục trông có vài nét
quen thuộc, tuy nhiên sau buổi lễ, tôi ra về nhưng cũng không
còn để ý gì đến chuyện đó nưã vì tôi không hề quen biết với một
vị linh mục hay giám mục nào trong vùng Hậu Giang này cả.
Ít lâu sau đó, một vài người trong đó có tôi nhận được thư mời
của Giám Mục Nguyễn Kim Điền đến dự một bưã cơm thân mật tại Toà
Giám Mục. Tôi rất ngạc nhiên vì tôi không hề quen biết với ông
tân giám mục này, khi tôi hỏi Luật sư Anh thì hắn ta chỉ cười
cười nói với tôi rằng: “Thì lát nưã toa gặp ông ấy rồi sẽ
biết!” Tuy hắn nói như vậy nhưng tôi bỗng chợt nghĩ ra: “Không
lẽ ông tân giám mục lại là... anh Điền?”
Khi Giám Mục Nguyễn Kim Điền ra tiếp đón chúng tôi thì tôi chưng
hửng, vưà ngạc nhiên vưà thích thú vì đúng như sự tiên đoán của
tôi, Đức Giám Mục chính là... anh Điền!
Ngay lúc đó, dù rằng có sự quen biết nhưng giưã vị tân giám mục
và chúng tôi thì đã có một khoảng cách thật xa vì đối với chúng
tôi thì ông không còn là anh Điền khi xưa nưã mà đã trở thành
người lãnh đạo tinh thần của một tôn giáo lớn tại miền Tây. Tuy
nhiên, khi gặp lại chúng tôi, Đức Cha Điền tiếp đãi chúng tôi vô
cùng cởi mở và thân thiện, từ cử chỉ đến lời ăn tiếng nói, ông
vẫn đối xử với chúng tôi như xưa.
Tôi vô cùng cảm động và nói với ông:
-Thưa Đức Cha, con xin thành thật xin
lỗi là trong thời gian qua, chúng con không hề được biết Đức Cha
là linh mục cho nên đôi khi đã có nhiều điều thất lễ đối với Đức
Cha. Kính xin Đức Cha niệm tình tha thứ cho tất cả chúng con.”
Đức Cha cười lớn rồi nói với chúng tôi:
-Thưa các anh, đáng lý ra thì tôi phải
mời các anh đến nói chuyện ở Qúan Ngọc Lợi như chúng ta vẫn
thường nói chuyện trước kia, tuy nhiên chuyện đó bây giờ không
thích hợp với điạ vị giám mục của tôi và tôi lấy làm tiếc là đã
không được cùng các anh ngồi nói chuyện trong khung cảnh thân
mật hơn đó.
Hôm nay tôi mời các anh đến đây, trước hết là xin
ngỏ lời cám ơn các anh đã dành cho tôi thật nhiều cảm tình trước
đây và nhất là cám ơn các anh đã cho tôi biết được nhiều chuyện
ở ngoài đời mà với cuộc sống của một người linh mục phục vụ
trong giới người lao động nghèo khó thì tôi khó mà biết được.
Chính vì lẽ đó mà tôi đã căn dặn anh Luật sư Anh nhiều lần là
không bao giờ cho các anh biết tôi là linh mục vì nếu các anh
biết tôi là linh mục thì các anh sẽ trở nên dè dặt với tôi và
những buổi nói chuyện của chúng ta sẽ mất đi phần hứng thú rất
nhiều.
Thú thật với các anh là từ ngày ở ngoại quốc trở
về Việt Nam, chưa bao giờ tôi được sống những giờ phút đầy thú
vị, cả về phương diện tinh thần lẫn dân tộc vì tôi được sống
giưã những người Việt Nam, được nghe thảo luận về những vấn đề
của Việt Nam và nhất là được biết những người Việt Nam có lòng
yêu quê hương, yêu đất nước, yêu đồng bào và yêu xã hội... của
giới trẻ như các anh. Tôi rất vui mừng vì các anh cũng có cùng
chí hướng như tôi, vì các anh cũng muốn cải thiện đời sống của
người dân, các anh cũng muốn nâng cao dân trí, cũng muốn sưả đổi
những sai lầm, những khuyết điểm trong xã hội để xây dựng một
cuộc sống tươi đẹp hơn cho người dân Miền Nam nói chung và vùng
Hậu Giang nói riêng.
Thú thật với các anh là cũng chính vì chí hướng
đó mà tôi đã xin tình nguyện gia nhập Dòng Tiểu Đệ, một dòng
“hèn mọn”với lý tưởng phục vụ cho dân lao động, đã sang phục vụ
tại Phi Châu và khi về Việt Nam, tôi cũng đã làm những công việc
lao động để phục vụ cho người dân nghèo từ Sài Gòn và sau này về
Cần Thơ và được gặp các anh...
Tôi xin cám ơn các anh rất nhiều...”
Trong buổi gặp gỡ đó, Đức Cha Điền cho chúng tôi biết một vài
chi tiết về cuộc đời củaNgài: vào chủng viện năm 1930, thụ phong
linh mục năm 1947, sau đó làm giáo sư tại chủng viện Sài Gòn và
trở thành giám đốc chủng viện vào năm 1949. Năm 1955, Đức Cha
xin tình nguyện gia nhập Dòng Tiểu Đệ tức là dòng
Little Brothers of Jesus hay là dòng Foucauld do Linh mục
Charles de Foucauld khai sáng.
Tử Tước Vicomte Charles Eugène de Foucauld (1858-1916) là
con nhà thế gia vọng tộc, tốt nghiệp trường Võ Bị Saint Cyr của
Pháp vào năm 1876 rồi phục vụ trong quân đội Pháp tại Algérie.
Khi còn trẻ ông sống một cuộc đời ăn chơi phóng đãng, nhưng đến
năm 1882 thì ông rời khỏi quân đội sang khảo cứu tại nước Maroc
(Morocco). Năm 1890, ông vào tu theo dòng Trappist (một
dòng tu theo khổ hạnh) nhưng 7 năm sau thì bỏ dòng tu này, sang
Algérie sống như một nhà ẩn sĩ tại vùng Tamanghasset thuộc miền
Nam nước Algérie, trong vùng sa mạc Sahara. Ông được thụ phong
linh mục vào năm 1901, lúc bấy giờ đã 43 tuổi. Charles de
Foucauld xem tất cả mọi người không phân biệt tôn giáo, chủng
tộc và giai cấp đều là anh em (brothers), chị em
(sisters). Foucauld đưa ra những tư tưởng căn bản để thành lập
một dòng tu mới nhằm mục đích phục vụ cho người nghèo khổ, tuy
nhiên ước vọng này của ông bất thành vì vào năm 1916 thì ông lại
bị người Ả Rập Hồi giáo giết chết.
Tư tưởng của ông về sau được Louis Massignon thu thập lại và in
thành cuốn sách “Directory” và đến năm 1933 thì một dòng
tu mới dựa vào đường lối và tư tưởng của Linh Mục Foucauld được
5 vị chủng sinh thành lập tại Giáo đường Thánh Tâm (Sacre-Coeurs)
ở Montmartre, Paris. Dòng tu mới này mang tên là Little
Brothers of Jesus (Tiểu Đệ) dành cho phái nam và Little
Sisters of Jesus (Tiểu Muội) dành cho phái nữ, tuy nhiên
nhiều người đã gọi là Dòng Foucauld.
Ba quy luật căn bản của dòng tu này là sự nghèo khổ
(poverty), sự thanh khiết (chastity) và sự vâng lời
(obedience) màø tất cả mọi người gia nhập dòng này đều phải
tuyệt đối tuân phục.
Gần một thế kỷ sau khi ông bị người Ả Rập giết chết, Linh mục
Charles de Foucauld đã được Toà Thánh Vatican xem như là một vị
tử đạo và ông đã được Đức Giáo Hoàng Benedict XVI phong thánh
vào ngày 13 tháng 11 năm 2005.
Đức Cha Nguyễn Kim Điền đã là một linh mục từ năm 1947 nhưng đến
năm 1955 thì ông lại xin gia nhập vào Dòng Tiểu Đệ. Ông đã sang
tu học tại Bắc Phi, sống tập thể cùng với các tu sĩ dòng Tiểu Đệ
ở El-Abiodh và Saint Maximin ở Algérie và phục vụ cho những
người nghèo khổ trong vùng sa mạc Sahara ở phiá nam nước
Algérie. Tháng 11 năm 1956, ông đã nhận áo dòng Tiểu Đệ trước
mặt Đức Cha De Provenchère, Linh mục Voillaume và một số các
Soeurs dòng Tiểu Muội.
Đến năm 1957, ông trở về Việt Nam phục vụ cho người nghèo với
nghề lao động chân tay như đạp xích lô, thợ mộc, thợ hồ v.v. tại
Sài Gòn, Lâm Đồng và cuối cùng về Cần Thơ sống tại Bình Thủy.
Cuối tháng 11 năm 1960, ông được Toà Thánh Vatican bổ nhiệm làm
Giám Mục Điạ Phận Cần Thơ dù rằng ông đã cố gắng từ chối vinh dự
này, chỉ muốn được ở lại làm một người “Tiểu Đệ” mà thôi.
Trong bút ký ghi ngày 8 tháng 12 năm 1960, Linh mục Nguyễn Kim
Điền viết như sau:
“Chân thành mà nói, tôi khổ tâm mà không thể hiểu nổi. Đại
diện Toà Thánh nói rằng tôi không có thể khước từ. Tôi xin chấp
nhận sứ mệnh này như lời mời đón nhận Thánh Giá...”
Giám mục Phi-lip-phê Nguyễn Kim Điền là người Việt Nam đầu tiên
gia nhập Dòng Tiểu Đệ và ông cũng là vị linh mục đầu tiên của
dòng này trên toàn thế giới đã được thụ phong giám mục và sau đó
là tổng giám mục.
Sau lần đó, lâu lâu Đức Cha lại cho mời tôi đến Toà Giám mục nói
chuyện. Có lần tôi hỏi Ngài:
-Thưa Đức Cha, tại sao đang là một vị
linh mục, làm giáo sư và giám đốc một đại chủng viện lớn ở Sài
Gòn mà Đức Cha lại bỏ tất cả để tình nguyện gia nhập một dòng tu
khổ hạnh tương đối là mới mẻ, ở mãi tận bên Phi Châu và Việt Nam
rất ít người biết đến?
Ngài nhìn tôi mỉm cười rồi trả lời:
-Tôi có hoài bão được phục vụ cho Thiên Chúa
nhưng mà cũng có tâm nguyện được phục vụ cho những người nghèo
khổ và được chia xẻ với họ những sự khốn khó trên đời. Khi đọc
được những tư tưởng của Cha de Foucauld thì tôi nhận chân ra
rằng đây là con đường mà Thiên Chúa đã chọn cho tôi, do đó mà
tôi đã tình nguyện sang Phi Châu để gia nhập dòng Tiểu Đệ. Tôi
muốn phục vụ cho người nghèo khổ...
Rồi Đức Cha hỏi lại tôi:
-Anh không phải là người miền Nam, tại sao anh
lại về dạy học ở tận xứ Cần Thơ này?
Tôi trả lời:
-Thưa Đức Cha, do một sự tình cờ mà vào
mùa Xuân năm 1953, con theo một người bạn về thăm Tây Đô và do
đó mà rất có cảm tình với miền Tây. Khi đi dạy học, con nghĩ
rằng trước đó, cả miền Tây tức là toàn miền Hậu Giang chỉ có
mỗi một trường trung học mà thôi và như vậy thì những người trẻ
tuổi ở vùng này cần đến giáo sư nhiều hơn là những nơi khác.
Con nghĩ rằng sau mười năm chiến tranh, người
nông dân có nhu cầu phải cho con cái của họ có được một nền học
vấn mà họ chưa hề được hưởng, con nghĩ rằng một trong những con
đường giúp cho người dân thoát được cảnh nghèo đói là học vấn,
có học thì mới được mở mang trí tuệ để tìm cho cá nhân của họ và
giúp cho đồng bào của họ có được một cuộc sống tốt đẹp hơn về
vật chất, về kinh tế, về xã hội cũng như là tinh thần...Do đó mà
con đã chọn nơi này với ý nguyện giúp cho những người trẻ tuổi
xuất thân từ những gia đình nông dân chân lấm tay bùn...
Đức Cha nhìn tôi rồi nói với một giọng đầy cảm tình:
-Tôi cũng nhận thấy điều đó qua những
lời phát biểu của anh trong thời gian được gần gũi các anh và do
đó mà tôi rất có cảm tình với anh. Tôi thấy rằng dù không cùng
đi theo một con đường nhưng chúng ta đều cũng có cùng chung một
mục đích, đó là phục vụ cho những người nghèo khổ, phục vụ cho
những người thiếu học vấn, phục vụ cho những ngưòi kém may
mắn...
Lần sau cùng tôi được gặp Đức Cha là lần tôi đến thăm để từ biệt
Ngài trước khi lên đường nhập ngũ. Lúc đó vào khoảng năm 1963,
vụ Phật giáo vưà bùng nổ tại miền Trung và đang lan ra tại Sài
Gòn, tuy nhiên tại miền Tây thì vẫn còn yên tĩnh. Đức Cha hỏi ý
kiến tôi về vụ này thì tôi thưa rằng tôn giáo là một lãnh vực mà
chính quyền bất cứ tại quốc gia nào cũng đều không nên xâm phạm
đến vì trong lãnh vực tôn giáo, chính quyền bao giời cũng sẽ gặp
nhiều điều bất lợi hơn là có lợi.
Đức Cha hỏi tôi:
-Anh có nghĩ rằng trong cương vị một giám mục cai
qủan điạ phận Cần Thơ, tôi đã có hành động nào chống lại hoặc
làm mất cảm tình với bên Phật giáo hay không?
Tôi trả lời:
-Thưa Đức Cha, với người khác thì con không rõ,
tuy nhiên đối với con, một người đã từng từ bỏ chức vụ giám đốc
chủng viện tại Sài Gòn để tình nguyện sang Phi Châu xin gia
nhập vào Dòng Tiểu Đệ như Đức Cha thì không thể nào lại có tư
tưởng kỳ thị tôn giáo cả..
Hơn nưã trong mấy năm nay, Đức Cha chỉ biết đóng
vai trò của một vị chủ chiên tại miền Hậu Giang, Đức Cha tránh
không hề giao thiệp với chính quyền từ trung ương đến điạ
phương, Đức Cha luôn luôn hoà đồng với các tôn giáo khác do đó
đã chiếm được cảm tình của mọi người, mọi tôn giáo ở vùng này.
Miền Tây là điạ bàn của Phật Giáo Hoà Hảo nhưng con không nghe
họ chỉ trích gì về Đức Cha, trái lại là đằng khác.
Đức Cha nhìn tôi mỉm cười, ông không nói gì tuy nhiên tôi cũng
nhìn thấy trên gương mặt của ông thoáng hiện vẻ ưu tư. Khi tôi
xin kiếu từ, Đức Cha ân cần dặn dò tôi:
-Sau này khi nào có dịp thì anh phải
nhớ đến thăm tôi nghe!
Tôi vào quân đội rồi sau cuộc đảo chánh ngày 1 tháng 11 năm
1963, Đức Cha cũng rời Cần Thơ ra Huế nhận chức Giám Qủan Tổng
Giáo Phận Huế thay cho Tổng Giám mục Ngô Đình Thục. Huế thuộc
Vùng I Chiến Thuật nhưng trong suốt thời gian tại ngũ, tôi chưa
hề có dịp được phục vụ tại Vùng I, do đó chưa từng có dịp gặp
lại Đức Cha Điền cho đến ngày hôm đó.
Ngày hôm sau, y như lời hẹn, tôi đến Toà Tổng Giám Mục Huế thăm
Đức Cha Nguyễn Kim Điền. Ngài đón tiếp tôi với một sự chân tình,
với sự thân mật mà Ngài đã dành cho tôi như trên mười năm về
trước. Ngài trách tôi đã không tìm đến thăm Ngài thì tôi viện cớ
rằng tôi ít có dịp ra miền Trung, vả lại mỗi lần ra Huế, tôi chỉ
ở lại có vài ngày và không dám đến thăm vì sợ làm phiền Đức Cha.
Ông nhìn tôi rồi nghiêm mặt nói:
-Này ông giáo sư! Đối với ông thì bao giờ tôi
cũng là Anh Điền ở Cần Thơ như ngày xưa. Đừng có bao giờ nghĩ
như vậy vì bao giờ tôi cũng nhớ đến Cần Thơ, bao giờ tôi cũng
nhớ đến các anh, bao giờ tôi cũng muốn gặp lại các anh...
Đức Cha hỏi tôi về cuộc đời của tôi trong quân đội thì tôi thưa
với Ngài rằng tôi được giải ngũ vào năm 1967 rồi lại bị tái ngũ
sau Tết Mậu Thân và hiện giờ đang phục vụ tại một cơ quan ở Sài
Gòn. Ông hỏi thăm tôi về Cần Thơ, về những người bạn cũ của tôi
thì tôi thưa rằng từ ngày đi lính tôi cũng ít có dịp trở về Tây
Đô và cũng ít có dịp gặp lại những người bạn cũ, chỉ nghe nói mà
thôi. Ông hỏi về những người ông còn nhớ như Luật sư Nguyễn Văn
Anh thì tôi cho biết Luật sư Anh lúc đó đang làm đại sứ Việt Nam
Cộng Hoà tại Thụy Sĩ, ông hỏi về anh Đàm Quang Đôn thì tôi cho
biết anh Đôn đắc cử vào Quốc Hội Lập Hiến và hiện đang hành nghề
luật sư ở Cần Thơ, ông hỏi về Bác sĩ Ngô Văn Hiếu thì tôi cho
biết Bác Sĩ Hiếu cũng đã đắc cử vào Quốc Hội...
Đột nhiên Đức Cha hỏi tôi:
-Hôm qua sau khi anh đi rồi thì tôi gặp Ôn Thích
Mật Nguyện và được Ôn cho biết anh là Phật tử và là đệ tử của
một vị cao tăng ở Huế. Vậy mà lâu nay anh không hề cho tôi biết
anh là Phật tử cả.
Tôi thưa với Đức Cha:
-Thưa Đức Tổng, mẹ con là một Phật tử vì khi còn
trẻ, bà tình nguyện đến hầu hạ săn sóc cho Cụ Phan Bội Châu ở
Bến Ngự, kế cạnh chùa Từ Đàm, do đó bà có dịp được quen biết với
nhiều vị tăng ni lui tới viếng thăm, đàm luận với Cụ Phan. Sau
này mẹ con xin quy y và cả gia đình đã được một vị hoà thượng
bạn của Cụ Phan đỡ đầu. Tuy cả gia đình theo đạo Phật nhưng
riêng con thì chỉ là loại non-pratiquant mà thôi. Vì con trưởng
thành tại miền Nam cho nên có quan niệm rất cởi mở, bạn bè của
con có người theo Công Giáo, có người theo Phật giáo, có người
theo Tin Lành, có người theo Cao Đài và cũng có người theo Hoà
Hảo v.v., tuy nhiên chúng con không bao giời phê bình hay thảo
luận về bất cứ một tôn giáo nào.
Rồi Đức Cha quay sang chuyện khác:
-À, hôm qua Ôn Mật Nguyện cũng còn cho
tôi biết chính anh là người đã khuyên Đại Tá S. không nên ra làm
tỉnh trưởng Thưà Thiên. Tôi nghe nói ông S. là người rất tốt,
ngoài này cả hai bên Phật giáo và Công giáo đều rất có cảm tình,
nhất là phiá bên Công giáo, tại sao anh lại khuyên ông ta như
vậy?
Tôi cười khổ, phân trần:
-Thưa Đức Tổng, chuyện ông Đại Tá S. từ chối
không nhận ra Huế làm tỉnh trưởng là quyết định của ông ấy chứ
con có trách nhiệm gì đâu? Sự thật thì khi nghe tin sẽ được chỉ
định làm tỉnh trưởng, ông ấy có hỏi ý kiến con và con đã phân
tách những yếu tố lợi và hại để ông ấy quyết định: tuy ông là
người Công giáo nhưng ông nội của ông là Phật tử, lại là bạn rất
thân với Hoà Thượng Thích Đôn Hậu, do đó mà bên Phật giáo rất có
cảm tình với ông; người ông thay thế là Đại Tá Lê Văn Thân, một
sĩ quan theo Thiên Chúa giáo và là người miền Bắc nhưng lại vô
cùng khôn khéo cho nên rất được lòng bên Phật giáo và giới sinh
viên trẻ; vợ của Đại Tá S. lại có liên hệ họ hàng rất gần với
gia đình cố Tổng Thống Ngô Đình Diệm và nhất là yếu tố khi Đại
Tá S. từ Hoa Kỳ trở về Việt Nam vào cuối tháng 10 năm 1963, ông
ra Huế thăm gia đình đúng vào lúc cuộc đảo chánh xẩy ra, chính
ông là người đã đưa ông Ngô Đình Cẩn từ Phủ Cam đến Dòng Chúa
Cứu Thế để tỵ nạn...
Sau khi đưa ra những yếu tố đó, con có nói với
Đại Tá S. rằng khi bình yên vô sự thì chẳng có sao, nhưng khi có
một vài sự trục trặc nào đó, liệu sinh viên Huế có để yên cho
Đại Tá S. về liên hệ của ông với gia đình Tổng Thống Ngô Đình
Diệm hay không? Liệu ông có tránh khỏi việc bị lên án là “Cần
Lao ác ôn” hay không? Ngoài ra, Huế là điạ bàn hoạt động của
nhiều đảng phái chính trị, liệu ông có đủ khả năng và kinh
nghiệm để làm vưà lòng tất cả các đảng phái đó hay không?
Về phương diện binh nghiệp, Tổng Thống Nguyễn
Văn Thiệu tốt nghiệp khoá 1 trường Sĩ Quan Huế, Đại Tá S. tốt
nghiệp khoá 2; khi Trung Tá Nguyễn Văn Thiệu làm Chỉ Huy Trưởng
trường Võ Bị Quốc Gia Đà Lạt thì Thiếu Tá S. làm Chỉ Huy Phó;
khi sang Hoa Kỳ thay thế cho Trung Tá Cao Văn Viên làm Tùy Viên
Quân Lực thì ông S. cũng đã mang cấp bậc Trung Tá, bây giờ ông
Cao Văn Viên làm Đại Tướng còn ông S. thì chỉ mới có Đại Tá, như
vậy thì đi giữ chức vụ tỉnh trưởng có lợi gì hay không cho cuộc
đời binh nghiệp, nhất là ông biết rất rõ rằng ông sẽ không bao
giờ được cử vào chức vụ tư lệnh sư đoàn để lên tướng?
Thưa Đức Tổng, sự thật thì con chỉ có đưa ra
những yếu tố như vậy và từ chối không đi làm tỉnh trưởng là
quyết định của Đại Tá S. Cách đây hai hôm, con có được Ôn Thích
Mật Nguyện kêu lên chùa để hỏi về chuyện này và bị Ôn la cho một
trận. Ôn nói rằng con là người Phật giáo mà lại đi “hại” Phật
giáo vì đã khuyên Đại Tá S. không nên đi làm tỉnh trưởng Huế.
Con cũng đã giải thích mọi sự như vậy cho Ôn nghe và sau đó thì
Ôn đã thông cảm rồi.
Bây giờ Đức Tổng lại hỏi thì con cũng xin trình
bày như vậy, quyết định từ chối không đi làm tỉnh trưởng hoàn
toàn là do Đại Tá S. quyết định.
Đức Cha suy nghĩ một hồi rồi nói với tôi:
-Thật ra thì ở ngoài này ai nấy cũng đều rầt mừng
khi nghe tin Đại Tá S. được đề cử thay thế Đại tá Thân làm tỉnh
trưởng vì ông S. là người nổi tiếng là đạo đức và trong sạch, do
đó khi nghe tin ông từ chối thì ai cũng thất vọng cả. Bây giờ
nghe anh nói thì tôi mới biết có những nguyên nhân bên trong như
vậy và tôi cũng thông cảm với ông Đại tá S. vì quyết định như
vậy thật là sáng suốt.
(Sau khi từ chối không nhận chức tỉnh trưởng Thưà Thiên, Đại Tá
S. được bổ nhiệm làm Tùy Viên Quân Lực tại London và hiện nay
đang làm Thầy Sáu tức là Phó Tế tại London, Anh Quốc.)
Sau một hồi chuyện vãn, bỗng Đức Cha quay sang hỏi tôi về một
vấn đề khác:
-Anh ở Sài Gòn chắc là biết nhiều về tình hình
chính trị. Ở đây rất gần giới tuyến, điều người dân ở đây lo
ngại nhất là liệu Cộng sản có xua quân tấn công vào miền Nam qua
vỹ tuyến 17 hay không?
Tôi thưa với Ngài rằng hiện nay cả bốn phe Hoa Kỳ, Việt Nam Cộng
Hoà, Cộng sản Bắc Việt và Mặt Trận Giải Phóng miền Nam đang tham
gia hoà đàm tại Paris. Cộng sản nắm được một lợi điểm chiến
lược, đó là ai cũng biết Hoa Kỳ đã quyết định rút quân từ năm
1969 và quân số Hoa Kỳ tại miền Nam càng ngày càng giảm, họ đang
giao hết gánh nặng chiến tranh cho Việt Nam qua chương trình
Việt Nam hoá chiến tranh. Chỉ trong vòng hai năm, Nixon đã rút
từ trên nưả triệu quân xuống còn có khoảng 150,000 và như vậy
thì Cộng sản Bắc Việt đã thấy rõ là Hoa Kỳ đang thay đổi chính
sách, từ đương đầu trực tiếp trên chiến trường với Cộng sản, họ
đã để cho VNCH thay thế vai trò đó và họ chỉ còn chú trọng đến
giải pháp thương thuyết tại Paris mà thôi, điều đó có nghiã là
rất có thể các lực lượng Hoa Kỳ sẽ không can thiệp nếu Cộng sản
mở các cuộc tấn công tại miền Nam.
Nếu Cộng sản tin tưởng vào sự tính toán đó thì rất có thể họ sẽ
mở một cuộc tấn công đại quy mô qua vỹ tuyến thứ 17 và trong
trường hợp đó, nếu không có sự can thiệp của Hoa Kỳ thì lực
lượng Việt Nam Cộng Hoà tại vùng giới tuyến khó mà đương đầu nổi
vơiù sự tấn công của Cộng sản.
Đức Cha Điền hỏi tôi rằng nếu giả thử Cộng sản chiếm được Huế
thì họ sẽ đối xử với người Công giáo, với những người lãnh đạo
Công giáo như thế nào? Tôi trả lời rằng đối với Cộng sản thì tất
cả mọi tổ chức tôn giáo tại miền Nam, bất cứ là Phật giáo, Công
giáo, Tin Lành, Cao Đài hay Hoà Hảo, tất cả đều bị họ xem như là
những thành phần thù nghịch và phản động, họ sẽ tìm mọi biện
pháp để kiểm soát rất gắt gao. Bản chất của chủ nghiã Cộng sản
là không chấp nhận tín ngưỡng cho nên họ sẽ tìm cách tiêu diệt
mọi tín ngưỡng và nếu chưa làm được thì họ để cho những tổ chức
ngoại vi như là Mặt Trận Tổ Quốc cũng như là đưa cán bộ vào để
nắm quyền kiểm soát những tín ngưỡng này và đồng thời họ cũng sẽ
tìm cách thanh toán những nhà lãnh đạo tôn giáo có uy tín
Riêng đối với Thiên Chúa giáo La Mã thì Cộng sản đã có nhiều
kinh nghiệm tại các nước Đông Âu sau Đệ Nhị Thế chiến: lúc ban
đầu, họ đàn áp Thiên Chúa giáo, nhất là các vị lãnh đạo nhưng
sau một thời gian thì họ không đối đầu với cá nhân các vị giám
mục và linh mục nưã mà nói chuyện trực tiếp với Vatican. Tôi nêu
ra với Đức Cha trường hợp hai vị hồng y: Hồng Y Stephan
Wyszynski, Tổng Giám Mục Varsovie, Ba Lan bị Cộng sản bắt
giam từ năm 1953 đến năm 1956 và Hồng Y Joseph Mindszenty,
Tổng Giám Mục Giáo Hội Hung Gia Lợi (Archbishop of Esztergom) đã
bị Cộng sản bắt giam vào năm 1948 và bị đưa ra toà về những tội
như phản quốc, âm mưu chống nhà nước Hung Gia Lợi. Trong phiên
toà này, Hồng Y Mindszenty đã tuyên bố hoàn toàn phủ nhận tội
trạng và yêu cầu giáo dân không nên tin vào những lời khai trong
bản cáo trạng vì những lời khai này đã bị công an mật vụ Cộng
sản ép buộc phải ký trong những cuộc tra tấn dã man. Sau cuộc
Cách mạng tháng 10 năm 1956, nghe theo lời khuyên của Thủ Tướng
Imre Nagy, trước khi ông bị mật vụ Liên Xô xử tử, Đức Hồng Y
Mindszenty xin vào tỵ nạn trong toà đại sứ Hoa Kỳ ở Budapest
trong 15 năm trời. (Đến năm 1971, Đức Hồng Y mới được chính phủ
Cộng sản Hung cho phép sang sống tại Vienna, thủ đô nước Áo.)
Đó là chính sách của Cộng sản đối với Giáo Hội Công Giáo thời
Stalin và sau này thì có phần cởi mở hơn, tuy nhiên không rõ
những người Cộng sản Việt Nam sẽ theo chiều hướng nào.
Đức Cha ngạc nhiên hỏi tôi: “Sao anh không phải là người Công
Giáo mà lại biết nhiều như vậy về hai vị hồng y này?” Tôi
thưa với Đức Cha rằng tôi đang làm công việc về nghiên cứu cho
nên mới được biết một vài chuyện ở bên Đông Âu như vậy.
Đức Cha Điền lặng lẽ nhìn tôi rồi nói bằng một giọng kiên quyết:
-Là người được Đức Thánh Cha trao cho nhiệm vụ
Tổng Giám Mục Tổng Giáo Phận Huế, trong trường hợp Cộng sản
chiếm được thành phố này thì tôi sẽ ở lại với giáo dân vì tôi là
“người chủ chăn” của họ. Một trong ba châm ngôn của Dòng Tiểu Đệ
là Vâng Lời và tôi sẽ vâng theo những lời dạy của Toà Thánh, đó
là phải sống bên cạnh giáo dân để hướng dẫn giáo dân trong những
cơn nguy biến.
Trong bưã cơm trưa thân mật sau hơn mười năm cách biệt, Đức Cha
đã dành cho tôi sự ưu ái và cảm tình như thưở nào ở Cần Thơ và
khi từ biệt Ngài bắt tôi phải cho Ngài điạ chỉ cùng số điện
thoại để Ngài liên lạc mỗi khi vào Sài Gòn. Ngài cũng bắt tôi
phải hưá là khi nào có dịp ra Huế thì phải đến thăm Ngài.
Vào khoảng năm 1974, một hôm tôi nhận được điện thoại của Ngài
mời tôi ngày hôm sau đến gặp Ngài ở Toà Tổng Giám Mục Sài Gòn
trên đường Phan Đình Phùng. Sau khi chào hỏi, thấy tôi cứ nhìn
Ngài chăm chú, Đức Cha bèn hỏi tôi:
-Tôi có gì lạ mà anh cứ nhìn chăm chú
như vậy?
Tôi thưa với Ngài:
-Thưa Đức Tổng, con muốn xem Đức Tổng “đỏ” cở
nào?
Ngài cười lớn hỏi lại tôi:
-À! Vậy là anh cũng có nghe mấy ông nhà
báo ở bên Rô-ma gọi tôi là vị “Giám mục Đỏ” phải không?
Năm đó Đức Tổng Giám Mục Nguyễn Kim Điền sang La Mã tham dự
Thượng Hội Đồng Giám Mục Thế Giới và khi được một số ký giả
ngoại quốc hỏi rằng “Có dư luận nói rằng Cộng sản Bắc Việt sẽ
chiếm trọn miền Nam, Ngài nghĩ sao về Cộng sản Việt Nam?”
thì Ngài trả lời rằng: “Là giám mục Công giáo, tôi không bao
giờ chấp nhận chủ nghiã Cộng sản, nhưng người Cộng sản Việt Nam
cũng là người anh em của tôi.” Vì trả lời như vậy cho nên có
một số ký giả ở Rô-ma đã gọi Ngài là “Vị Tổng Giám mục Đỏ.”
Tôi không nhớ báo chí Sài Gòn có đăng tin đó hay
không nhưng tôi có được đọc tin đó do hãng thông tấn Reuters
đăng trên télétype (viễn ấn) cho nên được biết chuyện này.
Đức Cha Điền hỏi tôi:
-Anh nghĩ sao khi tôi
nói rằng “...người Cộng sản Việt Nam cũng là anh em của tôi”?
Tôi trả lời:
-Thưa Đức Tổng, người dân miền Nam chúng ta tuy
chống lại Cộng sản nhưng chúng ta vẫn xem những người miền Bắc,
kể cả những người Cộng sản, đều là người Việt Nam, tức là đều là
anh em với nhau cả. Đức Tổng nói như vậy thì chẳng có gì là
không đúng.
Tuy nhiên, vấn đề là ở chỗ người Cộng sản miền
Bắc có xem người miền Nam chúng ta, nhất là những người Công
giáo miền Nam, là anh em của họ hay không? Vào năm 1946, gần một
năm sau khi Cộng sản Việt Minh giết nhà cách mạng Tạ Thu Thâu
tại Qủang Ngãi, khi bị những người trí thức Pháp và Việt Nam
chất vấn tại Paris về việc Tạ Thu Thâu bị thủ tiêu thì ông Hồ
Chí Minh đã trả lời như thế này:
“Tạ Thu Thâu là một người yêu nước, tôi đã khóc
về cái chết của ông ta. Tuy nhiên, tất cả những ai không đi theo
đường lối do chúng tôi đã hoạch định thì chúng tôi cần phải tiêu
diệt.”
Vậy thì đối với người Cộng sản, họ không có anh
em với những người không đứng chung một hàng ngũ với họ, do đó
khi Đức Tổng nói rằng “là giám mục Công giáo, tôi không chấp
nhận chủ nghiã Cộng sản”tức là không theo đường lối của họ thì
làm sao mà họ lại xem Đức Tổng và những tín đồ Công giáo là anh
em của họ được?
Đức Cha Điền suy nghĩ một hồi rồi nói với tôi:
-Anh còn nhớ cách đây mấy năm tôi có nói với anh
rằng nếu Việt Cộng chiếm thành phố Huế thì tôi sẽ ở lại với giáo
dân vì sứ mạng của tôi là bảo vệ cho giáo dân, là chia xẻ mọi
nổi đau thương khổ hận của họ. Toà Thánh đã ra lệnh cho các linh
mục và giám mục là phải luôn luôn làm nhiệm vụ chăn dắt con
chiên dù trong bất cứ hoàn cảnh nào thì tôi luôn luôn vâng lệnh
của Toà Thánh, tôi sẽ ở lại với giáo dân, dù họ có xem tôi không
phải là anh em thì tôi vẫn sẽ ở lại để thi hành nhiệm vụ và
trách nhiệm do giáo hội giao phó.
À, nhân tiện tôi cũng cám ơn anh đã đề cập đến
hai vị Hồng Y
Stephan Wyszynski, Tổng Giám Mục Varsovie, và
Hồng Y Joseph Mindszenty, Tổng Giám Mục Giáo Hội Hung Gia Lợi.
Trong thời gian ở Rô-ma, tôi đã có cơ hội tìm hiểu về cuộc đời
của hai ngài và nhờ đó đã có được một khái niệm về chính sách
của Cộng sản đối với giáo hội Công Giáo tại Đông Âu.
Sau một hồi chuyện vãn, Đức Cha nói với tôi:
-Này anh giáo sư, sao
anh lại dấu tôi hai chuyện: một là anh không cho tôi biết anh
đang làm việc ở đâu, hai là anh không nói cho tôi biết anh là
bạn của Linh Mục Raymond de Jaegher!
Tôi thưa với Đức Cha:
-Thưa Đức Tổng, về chuyện công việc thì con quan
niệm rằng là một quân nhân, con không có quyền chọn lưạ, con
phải phục vụ bất cứ đơn vị hay cơ quan nào mà quân đội chỉ định
mà thôi. Sở dĩ con không trình với Đức Tổng nơi con làm việc là
vì con biết Đức Tổng không có mấy cảm tình với ông “sếp” của
con, do đó muốn giữ cho mối liên hệ với Đức Tổng thân tình và
tốt đẹp mãi mãi như xưa cho nên con đã không nói, không nói vì
Đức Tổng không hỏi đến chứ không phải là dấu Đức Tổng.
Còn chuyện Cha De Jaegher thì con không nói vì
nếu tự dưng nói ra thì chẳng hoá ra rằng con khoe với Đức Tổng
về sự quen biết này hay sao?
Đức Cha Điền nói với tôi:
-Tôi rất thích bản tính khiêm tốn của anh, nếu
Đức Tổng Sài Gòn không nói ra thì tôi có biết gì đâu! Đức Tổng
Sài Gòn nói với tôi rằng Cha De Jaegher rất thích anh và khen
ngợi anh nhiều lắm. Đức Tổng Sài Gòn cũng rất có cảm tình với
anh.
Kể ra thì cũng thật là lạ lùng, một người không
phải là Công giáo như anh mà lại quen biết thân tình với cả hai
vị tổng giám mục Huế và Sài Gòn cùng với một linh mục nổi tiếng
người Mỹ nưã! Sao anh lại quen Cha De Jaegher?
Tôi thưa với Ngài:
-Cha Raymond de Jaegher là một nhân vật nổi
tiếng, tác giả nhiều cuốn sách trong đó có hai cuốn rất nổi
tiếng tại Việt Nam, đó là “Kẻ Nội Thù” (The Ennemy Within) và
cuốn “Vệ Binh Đỏ” (Red Guards). Truớc năm 1963, Ngài là cố vấn
về Cộng sản cho Tổng Thống Ngô Đình Diệm và Tổng Thống Tưởng
Giới Thạch, một người nổi tiếng như vậy thì làm sao mà con có
tham vọng được quen biết?
Nhân dịp tham dự một hội nghị ở Đài Bắc, con được
giới thiệu với Cha Jaegher rồi sau đó, Việt Nam Cộng Hoà được ủy
nhiệm phụ trách một nguyệt san bằng Anh ngữ mà hồi Đệ Nhất Cộng
Hoà do chính Cha Jaegher làm chủ nhiệm. Con là người được chỉ
định phụ trách phần bài vở của nguyệt san đó, cho nên về sau,
mỗi lần Cha Jaegher sang Sài Gòn, Ngài thường trú ngụ tại Toà
Tổng Giám Mục và liên lạc với con về công việc, do đó mà trở nên
thân tình. Con được may mắn quen biết với Đức Tổng Sài Gòn cũng
là nhờ sự giới thiệu của Cha de Jaegher.
Đức Cha Điền quay sang hỏi tôi về chuyện khác:
-Anh đến thăm tôi như thế này, nếu “ông sếp” của
anh mà biết được thì anh có ngại gì không?
Tôi không ngần ngại trả lời:
-Thưa Đức Tổng, con được
quen biết với Đức Tổng cả chục năm trước khi về làm việc dưới
quyền “ông sếp”, bởi vậy nếu ngại thì con đã không đến và nay
con đã đến thì chẳng có e ngại gì cả.
Vào thời gian đó có một bản tuyên ngôn chống tham
nhũng do một số linh mục ký tên được phổ biến tại Sài Gòn và
nhân dịp gặp Đức Tổng Giám Mục, tôi mạo muội hỏi Ngài:
-Nhân tiện con xin được phép hỏi Đức Tổng về một
vấn đề thời sự có liên quan đến Giáo Hội Công giáo Việt Nam.
Con đã được đọc Bản Tuyên Ngôn Chống Tham Nhũng
Và Tệ Đoan Xã Hội của Hàng Linh Mục Việt Nam công bố tại nhà thờ
Tân Sa Châu ngày 18 tháng 6 năm 1974, do 301 vị linh mục ký tên.
Con không thấy tên của hai Đức Tổng trên bản tuyên ngôn này, tuy
nhiên nhân dịp được gặp Đức Tổng, con xin phép hỏi: Đức Tổng có
được hỏi ý kiến về Bản Tuyên Ngôn này hay không?
Sau một hồi trầm ngâm, Đức Cha hỏi lại tôi:
-Anh có nghĩ rằng tôi ủng hộ Bản Tuyên ngôn này?
Tôi trả lời:
-Thưa Đức Tổng, trong bản tuyên ngôn này không có
tên hai vị Tổng Giám Mục Sài Gòn và Huế, tuy nhiên theo chỗ con
biết thì các vị linh mục này đã dưạ vào tinh thần của Lá Thư
Chung Của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam ngày 29 tháng 9 năm 1973 và
Bản Tuyên Ngôn Của Hội Đồng Giám Mục ngày 10 tháng 1 năm 1974.
Cả hai vị Tổng Giám Mục cùng với tất cả các vị giám mục khác đều
có ký tên vào trong hai bản văn này. Như vậy thì một cách gián
tiếp, các vị lãnh đạo Giáo Hội Công Giáo Việt Nam coi như là đã
đồng ý với tinh thần của bản tuyên ngôn của 301 vị linh mục?
Đức Tổng hỏi lại tôi:
-Bây giờ tôi hỏi anh: Lá Thư Chung và Bản Tuyên
Ngôn của Hội Đồng Giám Mục có mang lại ảnh hưởng nào không?
Tôi trả lời:
-Thưa Đức Tổng, cả hai bản văn này được phổ biến
rất là hạn chế vì ít được báo chí đăng tãi, do đó có rất ít
người biết đến, kể cả một số linh mục nổi tiếng như L.M. Hùynh
Văn Nghi (sau này là giám mục) cũng không hề được biết. Tuy
nhiên, có dư luận nói rằng việc Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu cải
tổ chính phủ, thay thế bốn vị tổng trưởng cũng như là giáng cấp
một số sĩ quan cao cấp trong đó có cả hai vị tướng tư lệnh Vùng
4 và Vùng 2 gần đây, một phần là do hậu qủa của hai bản bản
tuyên ngôn này. Như vậy thì hai bản tuyên ngôn của Hội Đồng Giám
Mục cũng đã mang lại kết qủa tốt vì cuộc cải tổ của Tổng Thống
Thiệu, tuy chỉ là cải tổ nhỏ giọt, nhưng cũng được nhiều giới
hoan nghênh.
Đức Tổng hỏi tôi:
-Tôi biết anh rất tôn trọng nguyên tắc “phân
quyền giưã nhà nước và giáo hội” nhưng trong trường hợp hai bản
tuyên ngôn này, anh có nghĩ rằng Giáo Hội Công Giáo Việt Nam,
trong đó có tôi, đã vi phạm vào nguyên tắc này hay không?
Tôi thưa:
-Thưa Đức Tổng, ngày xưa con vẫn lớn tiếng chỉ
trích Giám Mục Ngô Đình Thục vì ông đã lạm dụng vị thế quốc
trưởng của Tổng Thống Ngô Đình Diệm để làm những điều có lợi cho
riêng cá nhân của ông.
Đức Tổng cũng biết người xưa thường nói “Quốc gia
hưng vong, thất phu hữu trách”. Sau Hiệp Định Paris, tình trạng
chính trị, kinh tế và nhất là quân sự càng ngày càng suy sụp tại
miền Nam và do đó, tất cả mọi công dân đều phải có trách nhiệm
nói lên tiếng nói của mình để chính quyền phải sưả sai những sai
lầm, khuyết điểm ngõ hầu cải thiện chế độ để giữ nước và cứu
nước. Con nghĩ rằng những bậc tu hành, dù thuộc bất cứ tôn giáo
nào, trước hết họ cũng là công dân của nước Việt Nam Cộng Hoà và
do đó họ có bổn phận phải nói lên tiếng nói của họ để cứu nước.
Họ lên tiếng vì quyền lợi của đất nước, vì quyền lợi của toàn
dân chứ không phải vì quyền lợi của cá nhân họ, do đó con không
nghĩ rằng các vị giám mục và linh mục đã vi phạm vào nguyên tắc
“phân quyền giưã nhà nước và giáo hội.”
Đức Tổng Giám Mục kết luận:
-Tôi nghĩ rằng anh cũng cùng một chí hướng với
tôi và rất cám ơn anh đã thông cảm với tôi trong hoàn cảnh khó
xử này: dù là Tổng Giám Mục nhưng trước hết tôi là một người
công dân Việt Nam.
Tôi xin anh đọc lại đoạn kết lụân trong Lời Tuyên
Bố trong buổi họp báo hồi tháng 6 năm 1974 để hiểu rõ hơn về lập
trường của cá nhân tôi.”
Về sau tôi tìm đọc lại Bản Tuyên Ngôn của 301 vị
linh mục ngày 18 tháng 6 năm 1974 tại Nhà Thờ Tân Sa Châu thì
đoạn kết nguyên văn như sau:
“...Hiến pháp Việt Nam Cộng Hoà đã long trọng
công nhận khi ghi vào Điều I Khoản 2 như sau: “Chủ quyền Quốc
gia thuộc về toàn dân.”
“Mặc dầu thế, chúng tôi không muốn gây xáo trộn,
bởi quốc gia đã chịu qúa nhiều xáo trộn. Chúng tôi chỉ muốn lên
tiếng cảnh tỉnh vì sự sống còn của dân tộc để chính quyền kịp
thời sưả sai, thay đổi hoàn toàn chính sách và nhân sự hầu tránh
sụp đổ trước khi qúa muộn. Nếu không chịu sưả sai để cho đất
nước này lâm vào cảnh mạt vong thì chắc chắn Quân Dân không chịu
cúi đầu cam chịu làm vật hy sinh mãi mãi cho một thiểu số tham
nhũng không còn biết đến Dân Tộc và Tổ Quốc là gì nưã. Khi ấy,
cùng tất biến, những gì phải xẩy ra sẽ xẩy ra, ngoài ý muốn của
chúng tôi, bởi lẽ như Thánh Thomas d’Aquin đã nói:
“Chính Quyền Đã Phản Nghịch!”
Sau lần đó, đến khoảng tháng 3 năm 1975, chỉ vài ngày sau khi
Cộng sản tấn công Ban Mê Thuột, tôi nhận được điện thoại của Đức
Tổng Giám Mục mời tôi đến gặp ông. Ngài nói với tôi:
-Tôi muốn gặp anh vì tôi đang tìm mọi
cách trở về Huế ngay. Ai cũng biết là chẳng sớm thì muộn, Cộng
sản Bắc Việt sẽ tấn công vào Vùng I và trong trường hợp đó,
chính anh trước đây cũng đã nói với tôi rằng chúng ta không đủ
sức giữ Huế. Tôi phải trở về Huế trước khi thành phố này bị thất
thủ vì như tôi đã nói với anh trước đây, tôi muốn cho giáo dân
thấy rằng giáo hội luôn luôn ở bên cạnh họ, luôn luôn bảo vệ đời
sống tinh thần của họ và luôn luôn chia xẻ với họ mọi nổi thống
khổ của họ...Là người chủ chăn, tôi có nhiệm vụ phải thi hành sứ
mạng mà Giáo Hội giao phó cho tôi, đó là sống chết với con
chiên.
Tôi muốn gặp anh là để từ giã một người bạn cũ đã
từng quen biết nhau hơn mười mấy năm trời, người mà tôi đã dành
nhiều cảm tình và sự qúy mến từ ngày còn ở Cần Thơ...
Tôi nhìn Đức Cha Điền, nghẹn ngào vì xúc động. Một lúc sau, tôi
ngập ngừng thưa với Ngài:
-Thưa Đức Tổng, con muốn xin Đức Tổng
ban cho con một đặc ân.
Ngài nhìn tôi với vẻ ngạc nhiên rồi hỏi lại:
-Xưa nay có bao giờ anh xin tôi một ân
huệ nào đâu?
Tôi nhìn Ngài rồi nói:
-Con là người ngoại đạo nhưng muốn xin Đức Tổng
ban cho một ân huệ, đó là cho con được phép hôn nhẫn của Đức
Tổng!
Đức Tổng Giám Mục Nguyễn Kim Điền nhìn tôi thật lâu rồi đưa tay
ra, tôi qùy xuống hôn lên chiếc nhẫn giám mục của Ngài lần đầu
tiên trong đời. Tôi cố dằn cơn xúc động nhưng tự dưng mắt tôi
rưng rưng và nghẹn ngào nói với Ngài:
-Thưa Đức Tổng, được Đức Tổng dành cho
nhiều sự ưu ái trong bao nhiêu năm qua là một điều vô cùng vinh
dự cho một người thầy giáo nhỏ bé ở xứ Cần Thơ xa xưa và con xin
Đức Tổng nhận nơi đây lòng biết ơn chân thành của con.
Con chỉ biết cầu chúc cho Đức Tổng được nhiều sức
khoẻ và hồng ân của Thiên Chúa để hoàn thành sứ mạng của Giáo
Hội giao phó trong những ngày khó khăn sắp tới...
Đó là lần cuối tôi gặp Đức Tổng Giám Mục Nguyễn Kim Điền.
Tôi viết bài này theo lời yêu cầu của một số bạn bè và cựu học
sinh của tôi ở Cần Thơ vì tất cả chúng tôi, mọi người ai ai cũng
đều kính mến vị giám mục tiên khởi của giáo phận Cần Thơ, một
con người mà tất cả mọi người dân Cần Thơ không phân biệt tôn
giáo đều yêu mến và kính trọng.
Tôi viết bài này với những hoài niệm vô cùng trân qúy về một
thời xưa cũ cách đây đúng nưả thế kỷ, tình cờ may mắn được quen
biết với một người “lao động” đạp xe ba bánh, một người “lao
động” làm thợ hồ ở Tây Đô rồi sau đó trở thành một vị giám
mục, rồi tổng giám mục của Giáo Hội Công Giáo Việt Nam. Ông đã
sống trọn với châm ngôn của Dòng Tiểu Đệ mà ông gọi là “Dòng
hèn mọn”, đó là sự nghèo khó, sự thanh khiết và sự
vâng lời.
Đức Tổng Giám Mục Nguyễn Kim Điền đã sống trọn cuộc đời với sự
nghèo khó, sống với sự thanh khiết và sống với sự vâng lời đối
với Giáo Hội.
Đức Tổng Giám Mục Nguyễn Kim Điền đã từ giã cõi đời trong sự
nghèo khó, từ giã cõi đời trong sự thanh khiết của một bậc chân
tu và đã từ giã cõi đời trong sự vâng lời và đã hoàn thành sứ
mạng mà Giáo Hội đã giao phó: vị Chủ Chăn phải sống chết với Con
Chiên.
Đức Tổng Giám Mục Nguyễn Kim Điền đã từng tuyên bố rằng “Là
giám mục Công giáo, tôi không bao giờ chấp nhận chủ nghiã Cộng
sản, nhưng người Cộng sản Việt Nam cũng là người anh em của tôi,”
nhưng Cộng sản Việt Nam sau năm 1975 lại không xem Ngài là anh
em, họ xem Ngài là kẻ “phản động” và hậu qủa là Ngài đã
bị họ đầu độc chết tại Sài Gòn vào ngày 8 tháng 6 năm 1988.
Ngài đã được Đức Giáo Hoàng John Paul II phong tặng danh hiệu “Vị
Giám Mục Uy Dũng.”
Đối với Giáo Hội Công Giáo Việt Nam, Đức Tổng Giám Mục Phi-lip-phê
Nguyễn Kim Điền không những chỉ là một vị Giám Mục Uy Dũng mà
còn là một vị Thánh Tử Đạo.
Đối với người Miền Nam, Đức Tổng Giám Mục Nguyễn Kim Điền lại là
một vị Anh Hùng vì với tư cách là một công dân Việt Nam, Ngài đã
không kể đến sự an nguy của bản thân khi dám công khai đứng lên
chống lại bạo quyền Cộng sản để đòi hỏi cho toàn thể nhân dân
Miền Nam Việt Nam có được quyền Tự Do Tín Ngưỡng và Quyền Làm
Người.