CHIẾN TRANH MẠNG
Nguyễn Mạnh Trí
- TỔNG QUÁT
- CHIẾN TRANH MẠNG
- MẶT TRẬN XÂM NHẬP MẠNG (HACKING)
- MẶT TRẬN KHUYNH ĐẢO MẠNG (FAKE NEWS)
- MẶT TRẬN CÔ LẬP, NGĂN CHẶN, THAY ĐỔI THÔNG TIN MẠNG (DISTRIBUTED DENIAL OF SERVICE ATTACK - DDOS)
- ĐẠI NẠN PHÁT TÁN TIN GIẢ
- KẾT LUẬN
TỔNG QUÁT
- Chiến tranh kinh tế & thương mãi.
- Chiến tranh quân sự.
- Chiến tranh điện tử.
- Chiến tranh mạng.
- Chiến tranh vũ trụ.
Chiến tranh kinh tế & thương mãi có thể xem như khởi đầu từ thập niên
1970 khi các đại công ty Hoa Kỳ và Liên Âu tràn ngập đầu tư vào Trung Quốc, lợi
dụng giá nhân công rẻ mạt tại Hoa Lục. Chỉ trong 4 thập niên, Trung Quốc đã trở
thành nền kinh tế thứ hai trên thế giới và đã dùng đủ mọi cách để sao chép kỹ
thuật và công nghệ cao của các nước Tây phương và Nga Sô. Tổng số chênh lệch
mậu dịch giữa Hoa Kỳ- Trung Quốc trong năm 2017 là $375 tỷ USD, nghiêng về phía
Trung Quốc. Hãng tin Bloomberg dẫn một báo cáo của Ngân hàng Trung ương Trung
Quốc (PBoC) ngày 7/1/2018 cho biết, kho dự trữ ngoại hối lớn nhất thế giới tăng
20.7 tỷ USD trong tháng cuối của năm 2017, đạt mức 3.14 nghìn tỷ USD. Cả năm, dự
trữ ngoại hối của Trung Quốc tăng thêm được 129 tỷ USD. Nước Mỹ trong 4 thập
niên qua, vì quyền lợi của các tập đoàn kinh tế, đã giúp cho Trung Quốc lên
được vị trí có thể cạnh tranh với Hoa Kỳ về mọi phương diện. Chính quyền Tổng
thống Mỹ Donald Trump cuối năm 2017 đã công bố Chiến lược an ninh quốc gia mới
kể từ khi ông D.Trump lên nắm quyền. Chiến lược này là sự kết hợp chặt chẽ 4
lợi ích cốt lõi, bao gồm: Bảo vệ đất nước và người dân Mỹ; thúc đẩy phát triển
thịnh vượng; thúc đẩy hòa bình thông qua sức mạnh và tăng cường ảnh hưởng của
Mỹ. Về mặt buôn bán với Trung Quốc, ông Trump chỉ trích tình trạng “một chiều
và không công bằng” trong mối quan hệ mậu dịch giữa Mỹ và Trung Quốc. Tuy
nhiên, ông Trump không phiền trách Trung Quốc, nói rằng ông không đổ lỗi cho
quốc gia này vì các hành động kiếm lợi từ nước Mỹ trước đây. Chiến tranh kinh
tế & thương mãi giữa Hoa Kỳ và hầu hết các nước trên thế giới mà bắt đầu là
Trung Quốc xem như đã khởi sự.
Trên lãnh vực Quốc phòng, ngày 19/1/2018, bộ trưởng Quốc Phòng Jim Mattis đã
công bố Chiến lược Quốc phòng mới của Mỹ, xem Trung Quốc và Nga là hai mối đe
dọa chính đang thách thức an ninh và thịnh vượng của Hoa Kỳ. Đây là Chiến lược
Quốc phòng đầu tiên kể từ khi ông Donald Trump lên nhậm chức tổng thống Hoa Kỳ
cách đây đúng một năm. Khi trình bày chiến lược quốc phòng mới này, bộ trưởng
Mattis tuyên bố: “Chúng ta đang đối đầu với mối đe dọa ngày càng tăng từ những
cường quốc xét lại như Trung Quốc và Nga, những nước đang tìm cách thiết lập
một thế giới theo mô hình độc đoán của họ, tiếp tục dùng quyền phủ quyết để bác
bỏ những quyết định về kinh tế, ngoại giao và an ninh của những quốc gia khác”.
Bên cạnh việc tăng cường các cơ cấu liên minh và đối tác với Mỹ, ông Mattis cam
kết sẽ hiện đại hóa quân đội Hoa Kỳ để ngăn chận xung đột theo đúng lời kêu gọi
của tổng thống Trump là “duy trì hòa bình thông qua sức mạnh”. Ông Mattis cảnh
báo là lợi thế của quân đội Mỹ đang không ngừng giảm đi trong mọi lĩnh vực, nên
cần có thêm những phương tiện để hiện đại hóa. Theo bản tóm tắt (mà công chúng
có thể đọc được) của Chiến lược Quốc phòng 2018, bộ Quốc phòng Mỹ dự báo là
“Trung Quốc sẽ tiếp tục chương trình hiện đại hóa quân sự để làm bá chủ vùng Ấn
Độ-Thái Bình Dương trong ngắn hạn và đẩy lui Hoa Kỳ để giành thế áp đảo trên toàn
cầu trong tương lai”. Bản tóm tắt này còn ghi nhận: “Trung Quốc là một đối thủ
chiến lược dùng vũ khí kinh tế để hăm dọa các nước láng giềng, trong khi tiếp
tục quân sự hóa các thực thể trên Biển Đông”.
Như vậy, sự đối đầu về kinh tế & thương mãi cũng như quân sự giữa Hoa Kỳ
và các đồng minh đối với Nga Sô-Trung Quốc xem như được định hình. Trong khuôn
khổ bài viết này, tác giả chỉ tập trung vào Chiến tranh mạng. Lãnh vực chiến
tranh điện tử, chiến tranh vũ trụ sẽ được đề cập trong các bài khác. Chiến tranh
nguyên tử cũng không được đề cập.
CHIẾN TRANH MẠNG
Các trận chiến trong cuộc chiến tranh thế giới thứ 3 sẽ diễn ra trên không,
trên bộ, trên biển và trên mạng Internet. Tiến sĩ Peter Singer – một
chiến lược gia tại tổ chức nghiên cứu New Ameria, đồng thời là đồng tác giả
cuốn tiểu thuyết Ghost Fleet, nói với Business Insider: “Chúng ta đã quen với
việc cuộc chiến này chỉ gói gọn trong một địa hạt. Nhưng giờ đây chiến tranh có
các địa hạt mới chưa từng có trước đó, là không gian vũ trụ và không gian
mạng”. Trong tương lai, chiến tranh thế giới được dự báo nếu xảy ra sẽ diễn ra
trên nhiều lĩnh vực, với trọng điểm là tác chiến thông tin và không gian mạng.
Singer giải thích rằng các quốc gia có thể thực hiện 4 việc trong không gian
mạng: Thu thập, đánh cắp, ngăn chặn và thay đổi thông tin. Và, những thứ này
hiện nay đã và đang diễn ra rồi, chỉ là ở quy mô chưa đủ để coi là một cuộc
chiến tranh mạng toàn cầu. Tiến sĩ Singer nói tiếp: “Cuộc xung đột trên mạng
trong tương lai sẽ liên quan đến những thứ đó. Một sự tổng hợp nhiều thứ”.
Đầu tư của các cường quốc cho lĩnh vực này đã tăng rất mạnh trong những năm
qua. Nếu như năm 2013, Mỹ đổ 3.9 tỉ USD vào chiến tranh mạng thì năm 2014 tăng
lên 4.7 tỉ USD và năm 2015 là 5.1 tỉ USD. Để đối phó với Trung Quốc, Bộ Tư lệnh
tác chiến Mạng được thành lập năm 2010, hiện trực thuộc Bộ Chỉ huy Chiến lược
Mỹ (STRATCOM), cơ quan chịu trách nhiệm giám sát các hoạt động vũ trụ quân sự,
vũ khí hạt nhân và phòng thủ tên lửa. Ngày 16/8/2016, Bộ Tư lệnh tác chiến mạng
Mỹ (US CYBER COMMAND) tách khỏi Cơ quan An ninh Quốc gia (NSA), trở thành
một bộ tư lệnh trực thuộc UNIFIED COMMAND PLAN tương đương với các phân
nhánh tác chiến của Quân đội Mỹ như Bộ Chỉ huy Trung tâm (CENTCOM) hoặc Bộ Chỉ
huy Thái Bình Dương (PACOM) v.v... Ngân sách chắc chắn nhiều hơn số tiền 5.1 tỷ
USD nói trên.
Trong khi đó, dù không công bố ngân sách nhưng theo dự đoán Nga cũng chi ra
hàng chục tỷ USD. Do có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, Nga Sô đang sở hữu đội quân tác
chiến mạng vô cùng hùng hậu. Ngoài đông đảo đội ngũ tin tặc do chính phủ hậu
thuẫn, Nga đã thành lập những đội quân chiến binh mạng rất thiện chiến. Điển
hình trong số này là Đội quân mạng Chiều thứ 5 (Russia 5th-Dimension Cyber Army),
thành lập năm 2007 với ngân sách hoạt động hàng năm ước tính lên đến 40 tỷ USD.
Tiếp đến là Trung tâm An ninh Thông tin, hay còn gọi là Đơn vị Quân sự 64829,
có nhiệm vụ giám sát và bảo vệ mạng lưới Internet của Nga. Tiếp đến là Trung
tâm giám sát truyền thông điện tử và Trung tâm quản trị An ninh Thông tin chịu
trách nhiệm đánh chặn, giải mã và xử lý các thông tin liên lạc điện tử. Ngoài
ra, năm 2013, Tổng thống Putin còn ký Sắc lệnh số 31 về việc thiết lập hệ thống
phát hiện, cảnh báo và khắc phục hậu quả của các cuộc tấn công mạng nhằm vào cơ
sở hạ tầng thông tin nước Nga.
Còn Trung Quốc, tất nhiên là theo truyền thống không công bố thông tin. Ngay
từ năm 2010, sách trắng của Trung Quốc đã đề cập tới chiến tranh mạng và đánh
giá cao vai trò của hình thức chiến tranh này. Ngày 1/1/2016, Quân Ủy trung
ương Trung Quốc đã chính thức thành lập lực lượng tác chiến mạng với danh hiệu
Lực lượng Hỗ trợ Chiến lược (SSF) – theo South China Morning Post.
Các tài liệu quân sự cho thấy SSF trong Quân đội Nhân dân Trung Quốc (PLA)
được chia thành nhiều tổng cục khác nhau. Tổng cục 3, hay còn gọi là 3PLA, có
tới 100,000 tin tặc được đào tạo phục vụ chiến tranh mạng và tình báo mạng.
Nhóm này hầu hết là các chuyên gia được đào tạo bài bản, rất giỏi về tấn công
mạng, công nghệ thông tin, bẻ khóa (code-breaking) và ngoại ngữ. Ngoài ra, SSF
còn có thêm 2 tổng cục nữa là Tổng cục 4 (4PLA), là nơi tập hợp các sĩ quan
tình báo điện tử quân sự (military electronic intelligence) và dịch vụ tác
chiến điện tử (electronic warfare service) cùng Tổng cục 2 (2PLA) là những tình
báo quân sự và gián điệp truyền thống. Cũng như Nga, Trung Quốc sử dụng lực
lượng đông đảo các tin tặc do chính phủ hậu thuẫn, chưa kể đến hàng loạt các
đơn vị chuyên biệt khác. Điển hình là "Cục Đảm bảo Thông tin" thuộc
Bộ Tổng Tham mưu PLA, đóng vai trò như một cơ quan chỉ huy tập trung cho chiến
tranh thông tin và có trách nhiệm điều phối các hoạt động mạng cho Quân giải
phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA). Đơn vị 61398 và đơn vị 61486, vốn nổi tiếng
với các vụ tấn công và đột nhập vào hệ thống mạng an ninh của Mỹ trực thuộc
Tổng cục 3 - bộ phận chuyên phụ trách các vấn đề về gián điệp không gian mạng
và tình báo các tín hiệu. Đơn vị 61398 của quân đội Trung Quốc là đơn vị chiến tranh mạng
của Quân đội của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa để thi hành
các hoạt động gián điệp và phá hoại các hệ thống máy tính, chủ yếu là ở Hoa Kỳ.
Một báo cáo của công ty bảo mật máy tính Mandiant nói rằng đơn vị 61398 được
cho là hoạt động thuộc Cục 2 của Bộ tổng tham mưu Quân đội giải phóng Nhân dân.
Có bằng chứng là nó bao gồm, hoặc là chính nó, một thực thể, Mandiant gọi là
APT1, một phần của mối đe dọa cao cấp dai dẳng đã tấn công một loạt các tập
đoàn và các tổ chức chính phủ trên khắp thế giới ít nhất là từ năm 2006. APT1
được mô tả là gồm có bốn mạng lớn ở Thượng Hải, hai trong số đó phục vụ khu vực
Tân Phố Đông. Nó là một trong số hơn 20 nhóm APT có nguồn gốc từ Trung Quốc.
Ngay những nước nhỏ như Việt Nam
thì ngày 8/1/2018, Chính phủ và Bộ Quốc phòng cũng công bố thành lập Bộ Tư lệnh
Tác chiến không gian mạng với quân số lên đến 10,000 người. Báo chí Tây phương
bắt đầu nói về hoạt động của Hacker Việt Nam.
CHIẾN TRANH MẠNG
Chiến tranh mạng (Cyberwarfare) có thể chia làm 3 lãnh vực: Mặt trận xâm
nhập mạng (Hacking), Mặt trận khuynh đảo mạng (Fake news) và Mặt trận cô
lập, ngăn chặn, thay đổi thông tin mạng (Distributed Denial Of Service
Attack - DDoS).
Mặt trận xâm nhập mạng (Hacking): Chiến tranh thông tin hay chiến
tranh mạng là việc áp dụng công nghệ thông tin ở mức độ cao trong các mặt
hoạt động chỉ huy - quản lý, tình
báo, điều khiển, chiến tranh điện tử, kinh tế, tâm lý, xã hội,... là một
loại hình tác chiến phổ biến trong chiến tranh hiện đại; đó là tổng hợp những
hoạt động và biện pháp nhằm tung tin gây rối loạn, tác động vào các cơ cấu ra
quyết định; nhằm làm cho đối phương có các hành động sai lầm hay có các quyết
định vô hại có lợi cho ta, đồng thời ngăn cản hoạt động thu thập, xử lý thông
tin của đối phương. Mục đích của chiến tranh thông tin là kiểm soát, điều
khiển, tác động lên các quyết định và làm suy giảm hoặc phá huỷ các hệ thống
thông tin của đối phương trong khi bảo vệ các hệ thống của mình và đồng minh chống
lại những hành động như vậy. Mục tiêu tấn công của chiến tranh thông tin là các
cơ sở hạ tầng thông tin (quân sự, tài chính, ngân hàng, mạng máy tính quốc
gia,...). Phần mềm Virus có thể làm cho hệ thống vũ khí của
đối phương bị mất điều khiển, và cũng có thể phá hoại cơ sở hạ tầng kinh tế của
quốc gia, làm cho nền kinh tế rối loạn, hay làm tắc nghẽn mạng thông tin. Hacker là thành
phần nguy hiểm nhất trong công nghệ thông tin. Hacker tập trung vào việc đánh
cắp các bí mật quân sự; sử dụng virus tấn công các hệ thống máy tính làm cho hệ
thống này bị tê liệt không thể đưa ra các quyết định đúng.
Trong 3 cường quốc trên thế giới thì Trung Quốc là nước năng nổ nhất trong
việc phát triển đội ngũ hacker lớn nhất thế giới. Có 2
lý do chính giải thích hành động của Trung Quốc.
Đầu tiên là đẩy nhanh việc công nghiệp hóa. Thế
giới đang sử dụng rất nhiều hàng "made in China" nhưng chủ yếu là đi gia
công cho các công ty nước ngoài. Trung Quốc rất muốn tự sáng tạo và trên thực
tế, chính phủ nước này đã chi tiêu cho nghiên cứu và phát triển thứ hai thế
giới. Mục tiêu của họ đến năm 2020 là trở thành "quốc gia sáng tạo",
và đến 2050 là "quốc gia quyền lực về khoa học trên toàn cầu". Hiện
tại, họ có rất nhiều nhà khoa học hàng đầu và số
lượng báo cáo khoa học & công nghệ nước này xuất bản trên các tạp chí
mỗi năm chỉ đứng sau Mỹ. Nhưng Bắc Kinh không hài lòng với những con số
này. Các nhà lãnh đạo Trung Quốc xem quyền tự chủ công nghệ là quan trọng đối
với an ninh kinh tế và quốc gia. Vậy nên, bên cạnh tự phát triển, họ còn
"đi tắt" bằng các hoạt động đánh cắp sở hữu trí tuệ, phát minh từ các
quốc gia khác. Tất nhiên, chính phủ nước này chưa bao giờ thừa nhận mình đi ăn
cắp của người khác.
Điều thứ hai còn quan trọng hơn
nhiều, đó là "thực thi quyền lực và chủ quyền không gian mạng". Đây
là tham vọng cực lớn mà người đứng đầu Cục Quản lý không gian ảo của Trung
Quốc, Lu Wei, đang hướng tới. Trước khi ông này nhậm chức, các hoạt động gián
điệp "chỉ phục vụ cho việc đẩy nhanh phát triển nền kinh tế quốc gia",
nhưng sau đó, chiến lược thay đổi. Việc thay đổi xảy ra từ khi Bắc Kinh cảm
thấy các nước phương Tây đang dùng Internet như một công cụ dân chủ hóa. Trong
khi chính quyền Obama muốn tạo nên thế giới Internet mở, miễn phí và toàn cầu
thì Trung Quốc lại khá nhạy cảm với điều này. Họ đã kiểm soát chúng bằng Great
Firewall, chặn Google, Gmail, Facebook… và coi hành động của Mỹ là "âm mưu
chính trị trắng trợn". Khi đã kiểm soát thành công Internet trong nước với
hơn 650 triệu người sử dụng, Trung Quốc bắt đầu thực hiện các cuộc tấn công
ngoài biên giới. Họ có hẳn những
đội quân Internet tinh nhuệ, được huấn luyện hết sức bài bản, sẵn sàng
"dằn mặt" kẻ nào trái ý, cũng như đánh cắp dữ liệu mật để "nắm
đằng chuôi" trong các cuộc đàm phán.
Từ năm 2000, Hacker Trung Quốc và Nga Sô liên
tục tấn công vào các cơ sở của Hoa Kỳ và các quốc gia tranh chấp chủ quyền mà
nặng nhất là Việt Nam.
Đơn vị 61398 trong những năm gần đây bị cho là chịu trách nhiệm những vụ dọ
thám những hệ thống máy tính của chính phủ Mỹ, quân đội Mỹ (trong đó có Bộ Quốc
phòng, NASA) và cũng nhiều lần tại các máy tính của các công ty truyền thông
lớn (ví dụ: New York Times, Wall Street Journal) đã bị hack. Ngoài ra các doanh
nghiệp kinh doanh quan trọng (như General Motors) cũng bị dọ thám. Kể từ năm
2004, công ty an ninh mạng Mandiant của Mỹ đã bắt tay vào truy tìm nguồn gốc
của các vụ tấn công mạng trên khắp thế giới. Kết quả là ít nhất 140 công ty mà
phần lớn tại Mỹ bao gồm Google, DuPont, Apple, Thời báo New York, tờ Bưu điện
Washington, cùng máy tính của các chuyên gia, công ty luật, nhóm hoạt động nhân
quyền và đại sứ quán nước ngoài đã bị chính hacker Trung Quốc tấn công đánh cắp
dữ liệu. Năm 2015, các hacker Trung Quốc đã đánh sập server của Cục Quản lý Nhân sự
Hoa Kỳ và lấy đi thông tin cá nhân của hơn 4 triệu nhân viên liên bang. Sự việc
này được coi là cột mốc đánh dấu việc Trung Quốc đang tỏ ra trên cơ đối với Hoa
Kỳ trong cuộc chiến công nghệ thông tin và tình báo. Tháng 7/2016, một ngày
trước khi Tòa Trọng tài Thường trực ra phán quyết về vụ kiện Biển Đông, tàu sân
bay Mỹ Ronald Reagan đang hoạt động ở khu vực Biển Đông đã bị tấn công nhằm thu
thập thông tin tối mật.
Trong các quốc gia ASEAN, Việt Nam là quốc gia bị Hacker Trung
Quốc tấn công nhiều nhất. Theo thống kê của Trung tâm ứng cứu khẩn cấp máy tính
Việt Nam (VNCERT), mỗi năm có đến hàng ngàn trang mạng bị tin tặc tấn công,
trong đó có hàng trăm trang tên miền gov.vn của các cơ quan nhà nước. Trong năm
2016 có gần 7,000 trang hoặc cổng thông tin điện tử bị tấn công và hơn 134 ngàn
sự cố an ninh mạng, tăng gấp 4 lần so với năm trước đó. Ngày 29/7/2016, các sân
bay tại Việt Nam 2016 bị các tin tặc (hacker) tấn công vào một số màn hình hiển
thị thông tin chuyến bay tại khu vực làm thủ tục chuyến bay của các Sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất, Nội Bài, Đà Nẵng và sân bay Phú Quốc. Năm 2017, công ty
an ninh mạng FireEye có trụ sở tại Hoa Kỳ cho biết máy tính của các viên chức
thương mại và ngoại giao Việt Nam đang là mục tiêu tấn công dồn dập của tin tặc
Trung Quốc và giả định rằng các tin tặc Trung Quốc này được nhà nước Trung Quốc
hậu thuẫn.
Hình màn ảnh thông tin phi trường bị
hack
Tuy nhiên, với sự bành trướng ngày càng lớn của Trung Quốc, theo CS
Monitor, không khó để tưởng tượng ra một cuộc chiến tranh mạng ở
quy mô tầm thế giới trong tương lai. Ở đó, Trung Quốc sẽ phải chống lại các
nước phương Tây cũng như những quốc gia mà hacker của họ đã tấn công.
Mặt trận khuynh đảo mạng (Fake news): Khác với Mặt trận xâm nhập mạng
mà Trung Quốc được nêu là thủ phạm chính thì Chiến tranh khuynh đảo mạng
bắt đầu được nêu lên về sự cáo buộc về sự liên lạc của Ủy ban tranh cử của Tổng
thống Trump với Nga trong lúc tranh cử. Sau gần 1 năm điều tra, ngày 16/2, công
tố viên đặc biệt của Bộ Tư pháp Hoa Kỳ vào hôm thứ Sáu công bố cáo trạng chống
lại một tổ chức chuyên tung tin đồn nhảm của Nga, trong đó cáo buộc 13 cá nhân
và 3 công ty Nga liên can đến âm mưu can thiệp vào bầu cử Mỹ 2016. Công ty
Internet Research Agency – IRA (Nghiên cứu Mạng trực tuyến) có trụ sở tại St.
Petersburg, Nga, bị nêu đích danh trong cáo trạng là trung tâm của nỗ lực đánh
lừa đầy tham vọng, kéo dân Mỹ vào vòng tuyên truyền của chính phủ Nga nhằm thúc
đẩy cư tri bỏ phiếu cho ứng cử viên Donald Trump và quay lưng lại với bà
Hillary Clinton. Cáo trạng cáo buộc một số nghi can người Nga đã liên lạc với
những cộng sự trong ban vận động tranh cử của ông Trump, tuy nhiên những người
Mỹ này không biết mình đang bị lôi kéo. Tổ chức này có "mục đích chiến
lược là gây ra những bất đồng trong chính trị Mỹ". Cáo trạng này nói thêm,
các bị can được cho là đã đóng giả làm người Mỹ và điều hành các trang mạng xã
hội được thiết kế để thu hút người dân Mỹ nhằm phát tán thông tin giả.
Bản cáo trạng của công tố viên đặc biệt Robert Mueller ngày 16/2 hé lộ nhân
vật bị Mỹ nghi chịu trách nhiệm cho việc "Nga can thiệp bầu cử tổng
thống" năm 2016. Đó là nhà tài phiệt người Nga có tên là Yevgeniy
Prigozhin. Theo cáo trạng, Mỹ đã phát hiện "dấu vết" của ông
Prigozhin trong cả ba trong số các chiến dịch nhạy cảm nhất, mà họ nghi là do
Tổng thống Nga Vladimir Putin chỉ đạo, gồm: Can thiệp bầu cử tổng thống Mỹ
2016, hỗ trợ phe ly khai ở miền Đông Ukraine; và hỗ trợ năng lực quân sự cho
chính phủ Syria của tổng thống Bashar al-Assad. Theo cáo trạng của Mueller
buộc tội 13 cá nhân người Nga, ông Prigozhin được cho là nhà tài trợ chính của
Cơ quan Nghiên cứu Internet (IRA), một "trang trại" ở St. Petersburg
chuyên đăng tải thông tin có lợi cho phía Nga trên các mạng xã hội. Cáo trạng
cho rằng, thông qua nhiều công ty con được đặt biệt danh là
"Concord", nhà tài phiệt đã "chi những khoản tiền lớn" để
hỗ trợ "cuộc chiến thông tin" chống lại Mỹ.
Điều đáng ngạc nhiên là trong nổ lực khuynh đảo của Nga, họ lại có 2 thành
phần đồng minh bất ngờ: đó là các đại công ty truyền thông của Mỹ và không ít
dân chúng Hoa Kỳ. Theo điều tra của một viện nghiên cứu về báo chí, tại Oxford,
Anh Quốc, tại 26 quốc gia phát triển, 44% người sử dụng Facebook hàng tuần coi
mạng nay là nơi tìm kiếm tin tức. Mức độ như vậy là vượt xa Youtube (19%), hay
Twitter (10%). Đối với lứa trẻ, từ 18 đến 24 tuổi, Facebook còn là phương tiện
thông tin chính, qua mặt cả truyền hình. Các đại công ty này, vì quyền lợi tài
chánh đã trở thành đồng minh của Nga, phá hoại hệ thống dân chủ và chính trị
của quốc gia mình. Công ty Facebook và mạng trao đổi hình ảnh Instagram được
các đặc công tin học Nga tận dụng để gây ảnh hưởng trên kết quả cuộc bầu cử Mỹ
năm 2016. Trong bản cáo trạng dài 37 trang của Bộ Tư pháp Mỹ, người ta thấy tên
Facebook và Instagram được nhắc tới 41 lần, Twitter được gọi tên 9 lần, Youtube
một lần, và công ty trả tiền trên mạng PayPall được nhắc tới 11 lần; theo The
Wall Street Journal, một nhật báo ủng hộ đảng Cộng Hòa. Facebook có hai tỷ
người sử dụng trên thế giới, đã từng bị mang tiếng vì để cho những gian thương
bán súng cho những người không có giấy phép dùng súng, có khi còn cho người ta
đem cảnh đang giết người chiếu ngay trên mạng cho công chúng coi. Công ty
Facebook kiếm tiền nhờ quảng cáo trên mạng khi có nhiều người vào coi các bài
và hình ảnh. Tháng Chín năm 2017, công ty này đã thú nhận đã thu được tiền
quảng cáo trên từ tổ chức Internet Research Agency (IRA), một cơ quan của tình
báo Nga ở St. Peterburg khi họ mua quảng cáo trên mạng. Facebook cho biết các
tài liệu, hình ảnh bịa đặt và xuyên tạc của Internet Research Agency đã được
đưa tới mắt 150 triệu người Mỹ nhờ mạng xã hội và Instagram. Các đặc công tuyên
truyền của Nga đã dùng những tên người Mỹ giả mạo và các nhân dạng có thật bị
ăn cắp để dựng lên các danh mục (accounts) trong Facebook và Instagram, truyền
đi các thông điệp và hình ảnh với mục đích reo rắc nghi ngờ, gây xung đột và tổ
chức những cuộc biểu tình trong cuộc vận động tranh cử tổng thống hai năm trước
đây. Từ năm 2015, theo bản cáo trạng, người Nga bắt đầu trả tiền để quảng cáo
trên Facebook và Twitter nhắm vào các đám dân Mỹ rõ rệt chứ không nhắm vào tất
cả. Những “nhóm” do họ dựng lên đã dùng tên giả, số an sinh xã hội giả hoặc mua
từ những người ăn cắp, để trả tiền cho những quảng cáo này qua mạng PayPal.
Một số không ít dân chúng Mỹ, việc đọc “Fake news” hằng ngày đã trở thành
một thói quen tai hại. Cộng đồng người Việt tại hải ngoại, nhất là những người
lớn tuổi, cũng không phải là ngoại lệ. Hàng ngày, những tin tức về Việt Nam
trên You Tube hầu như chẳng có tin tức nào trung thực.
Mặt trận cô lập, ngăn chặn, thay đổi thông tin mạng: Trong khi đó,
khái niệm cô lập giống như việc ngăn chặn thông tin – hay nói cụ thể hơn chính
là tấn công từ chối dịch vụ đánh sập website (Distributed Denial of
Service attack -DDoS) hoặc phá hủy các dịch vụ trên web. Còn thay
đổi thông tin giống như việc phát động tấn công mạng gây ra thiệt hại nghiêm
trọng trên thực tế. Ví dụ sống động nhất chính là sâu Stuxnet, được Mỹ và Israel sử dụng để tấn công hệ thống hạt nhân của
Iran.
Stuxnet đã xóa sổ một lượng lớn máy ly tâm của Iran
và theo như lời cựu ngoại trưởng Hillary Clinton, nó đã làm chậm chương trình
phát triển hạt nhân của Iran
tới vài năm.
ĐẠI NẠN PHÁT TÁN TIN GIẢ
Đang từ là vũ khí chiến lược của các cường quốc Hoa Kỳ, Nga Sô, Trung Quốc,
Fake news đang trở thành một vấn nạn của thế giới. Đó là một thế giới mà những
hoang tin có thể dẫn đến các thảm kịch trong đời sống dễ dàng lan truyền với
tốc độ chóng mặt từ người này sang người khác thông qua các phần mềm chat hoặc
các mạng xã hội. Fake news thậm chí thu hút sự quan tâm nhiều hơn thông tin
chính thống: Một nghiên cứu của BuzzFeed phát hiện ra rằng Fake news thu hút
được 8.7 triệu lượt tương tác trong 3 tháng cuối của chiến dịch vận động tranh
cử tổng thống Mỹ trong khi tin tức của các nguồn tin báo chí lừng danh như New
York Times, Washington Post và CNN chỉ có 7.3 triệu lượt
chia sẻ, bình luận.
Điều khó khăn nhất là khả năng phân biệt được tin thất thiệt với tin đứng
đắn của đại đa số dân chúng cũng như giới trẻ, sinh viên. Theo đài NPR, các nhà
nghiên cứu phân khoa Giáo Dục trường Stanford bỏ ra hơn một năm trời để lượng
định khả năng của sinh viên học sinh trên khắp Hoa Kỳ đánh giá về các nguồn
thông tin. Học sinh trung học và sinh viên đại học ở 12 tiểu bang được yêu cầu
lượng định những thông tin thu thập được qua tweet, các bài viết và các lời
bình, và phúc đáp của 7,800 sinh viên và học sinh được thu thập. Các nhà nghiên
cứu “kinh ngạc” khi có quá nhiều em không lượng định được tính trung thực từ
các nguồn thông tin. Hơn 80% học sinh trung học tin rằng những “nội dung được
bảo trợ” là những thông tin có thật, điều cho thấy họ thật sự không hiểu ý
nghĩa của “nội dung được bảo trợ”. Các nhà nghiên cứu viết: “Nhiều người cho
rằng vì giới trẻ bị ảnh hưởng của truyền thông xã hội nên những gì họ tìm thấy
được ở đó đều được họ đánh giá như nhau, nhưng nghiên cứu của chúng tôi cho
thấy kết quả ngược lại.” Nghiên cứu nhận thấy giới trẻ dễ cả tin các nguồn
thông tin mà không cần phải có chứng cớ hoặc nguồn trích dẫn.
Hình giả hoa phóng xạ Fukushima
Trong nhiều ngày gần đây, Facebook đang đón nhận nhiều làn sóng phản ứng dữ
dội từ người dân Mỹ trước vấn đề liên quan tới kiểm duyệt các thông tin giả mạo,
không có thật - mà theo nhận định của nhiều người là có những tác động nhất
định tới kết quả của cuộc bầu cử tổng thống mới diễn ra gần đây. Bị lên án vì
góp phần phổ biến “Fake news”, có lợi cho Donald Trump trong thời gian tranh cử
tổng thống Mỹ, Facebook đã phải thiết lập chế độ kiểm chứng thông tin tại Hoa
Kỳ. Sau các thí điểm tại Mỹ và Đức, đến lượt Facebook cộng tác với 9 phương
tiện truyền thông Pháp – trong đó có Libération – để giúp người sử dụng định
hướng được đâu là những thông tin đáng ngờ. Sau khi một thông tin bị người sử
dụng nghi ngờ là giả mạo, chỉ cần hai phương tiện truyền thông xác nhận,
Facebook sẽ ghi rõ đây là “tin đáng ngờ”, để các Facebooker
thận trọng. Facebook đã phải nhượng bộ Trung Quốc trước đòi hỏi phải đặt máy
chủ tại nước này. Việt Nam
cũng đang đòi hỏi tương tự.
Cuối tháng 12/2017, tại Trường Kinh doanh Stanford (Mỹ), Chamath
Palihapitiya - nhân sự cấp cao từng làm việc tại Facebook - gây chú ý
khi khuyên mọi người từ bỏ mạng xã hội để sống tốt hơn. Chamath hối tiếc vì đã
từng có thời gian chung tay phát triển Facebook, thứ mà ông cho rằng đang
"xé nát cuộc sống". Cách đây ít ngày, Facebook thông báo sẽ ưu
tiên hiển thị nội dung từ bạn bè, người thân và những nguồn "thiết
thực", "bổ ích" hơn trên News Feed của người dùng. Động thái này
là một đòn giáng mạnh mẽ đến các fanpage, các công ty truyền thông, publisher
đang sống nhờ vào Facebook. Lý do mà mạng xã hội lớn nhất hành tinh đưa ra cho
sự thay đổi này chính là giúp hàng tỷ người dùng kết nối và trao đổi thông tin
tốt hơn, thay vì chết ngập trong những bài đăng quảng cáo hoặc nội dung liên
quan đến các thương hiệu. Việc ưu tiên hiển thị những nội dung mà người dùng
đang bàn luận, quan tâm, cũng đặt ra thách thức mới cho Facebook. Mạng xã hội
này cần có những bộ lọc nội dung phù hợp cho từng đối tượng người dùng và giữ
nó không đi quá giới hạn. Việc Mark Zuckerberg "sửa sai"
Facebook không chỉ để cứu lấy mạng xã hội này, mà còn là tự bảo vệ chính mình.
Trong bài phỏng vấn mới nhất với New York Times, Zuckerberg thổ
lộ rằng rất muốn hai người con của mình là Max và August khi lớn lên sẽ cảm
thấy điều mà cha chúng tạo ra có ích cho thế giới.
KẾT LUẬN
Với những tiết lộ đã nói trong bài này về chiến
tranh mạng thì tầm quan trọng của sự cáo buộc về sự liên lạc của Ủy ban tranh
cử của Tổng thống Trump với Nga trong lúc tranh cử xem như khá rõ ràng. Bộ
Ngoại Giao Mỹ hôm 26/2 loan báo việc tiến hành chương trình trị giá $40 triệu
USD nhằm chống lại các kế hoạch của Nga can dự vào bầu cử giữa khóa ở Mỹ năm
2018. Vấn đề còn lại là quyền hạn và trách nhiệm của các nước trên mạng, thúc
đẩy các hành vi mang tính xây dựng, trách nhiệm và tăng cường hợp tác tập trung
vào những nguy cơ và thách thức chung trên mạng, từ đó bảo đảm công nghệ thông
tin, gồm có mạng chỉ được sử dụng cho lợi ích xã hội và phát triển kinh tế và
thịnh vượng của nhân dân, với mục tiêu duy trì ổn định và an ninh quốc tế tránh
một cuộc đối đầu chiến tranh trên mạng.
THAM KHẢO
1. Unified combatant command - From Wikipedia, the free encyclopedia
2. Cyberwarfare - From Wikipedia, the free encyclopedia
3. Chiến tranh thông tin - Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
1. Unified combatant command - From Wikipedia, the free encyclopedia
2. Cyberwarfare - From Wikipedia, the free encyclopedia
3. Chiến tranh thông tin - Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
4. Bài viết “Chiến tranh mạng - nguy cơ về một cuộc Thế chiến 3.0” trên mạng
Zing.VN ngày 21/8/2016.
5. Bài viết “Chiến tranh thế giới” trong tương lai sẽ như thế nào?” trên mạng VOV.VN ngày 17/8/2016.
6. Bài viết “Vì sao hacker Trung Quốc tấn công Mỹ? trên mạng Genk.VN ngày 4/3/2013.
7. Bài viết “Tại sao hacker Trung Quốc gây hấn toàn thế giới” trên mạng VNE.VN ngày 1/8/2016.
8. Bài viết “Đơn vị 61398 của quân đội Trung Quốc - Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
9. Bài viết “Gián điệp mạng Trung Quốc mở rộng tấn công Việt Nam” trên đài RFA ngày 31/8/2017.
10. Bài viết “Bộ Tư lệnh Tác chiến không gian mạng: Bản sao của… Trung Quốc??” trên mạng VOV.VN ngày 9/1/2018.
11. Bài viết “Tin giả : Vấn đề thực của Facebook” trên đài RFI ngày 13/3/2017.
12. Bài viết “Nga thích dùng Facebook xoay chuyển lá phiếu dân Mỹ” trên mạng Người Việt Online ngày 19/2/2018.
13. Bài viết “Cuộc chiến chống fake news và trách nhiệm xã hội của báo chí” trên mạng Baonga.com ngày 27/2/2017.
14. Bài viết “Nhiều sinh viên Mỹ không phân biệt được tin thật và giả” trên mạng Baonga.com ngày 24/11/2016.
15. Bài viết “Mark Zuckerberg đang cố cứu Facebook và chính mình” trên mạng Baonga.com ngày 27/2/2017.
16. Bài viết “ Hai năm bầm dập của Mark Zuckerberg và cuộc chiến sống còn với Facebook: Đốm lửa chờ bùng cháy ” trên mạng Cafef.VN ngày 27/2/2018.
17. Bài viết “Giới công nghệ và học giả chung tay chống tin tức giả” trên mạng TTXVN/Vietnam+ ngày 3/4/2017.
18. Bài viết “Chiến tranh mạng – mối đe dọa nghiêm trọng tới hòa bình và an ninh toàn cầu” trên mạng Cục An toàn Thông tin VN ngày 4/12/2015.
5. Bài viết “Chiến tranh thế giới” trong tương lai sẽ như thế nào?” trên mạng VOV.VN ngày 17/8/2016.
6. Bài viết “Vì sao hacker Trung Quốc tấn công Mỹ? trên mạng Genk.VN ngày 4/3/2013.
7. Bài viết “Tại sao hacker Trung Quốc gây hấn toàn thế giới” trên mạng VNE.VN ngày 1/8/2016.
8. Bài viết “Đơn vị 61398 của quân đội Trung Quốc - Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
9. Bài viết “Gián điệp mạng Trung Quốc mở rộng tấn công Việt Nam” trên đài RFA ngày 31/8/2017.
10. Bài viết “Bộ Tư lệnh Tác chiến không gian mạng: Bản sao của… Trung Quốc??” trên mạng VOV.VN ngày 9/1/2018.
11. Bài viết “Tin giả : Vấn đề thực của Facebook” trên đài RFI ngày 13/3/2017.
12. Bài viết “Nga thích dùng Facebook xoay chuyển lá phiếu dân Mỹ” trên mạng Người Việt Online ngày 19/2/2018.
13. Bài viết “Cuộc chiến chống fake news và trách nhiệm xã hội của báo chí” trên mạng Baonga.com ngày 27/2/2017.
14. Bài viết “Nhiều sinh viên Mỹ không phân biệt được tin thật và giả” trên mạng Baonga.com ngày 24/11/2016.
15. Bài viết “Mark Zuckerberg đang cố cứu Facebook và chính mình” trên mạng Baonga.com ngày 27/2/2017.
16. Bài viết “ Hai năm bầm dập của Mark Zuckerberg và cuộc chiến sống còn với Facebook: Đốm lửa chờ bùng cháy ” trên mạng Cafef.VN ngày 27/2/2018.
17. Bài viết “Giới công nghệ và học giả chung tay chống tin tức giả” trên mạng TTXVN/Vietnam+ ngày 3/4/2017.
18. Bài viết “Chiến tranh mạng – mối đe dọa nghiêm trọng tới hòa bình và an ninh toàn cầu” trên mạng Cục An toàn Thông tin VN ngày 4/12/2015.
File: NMT-030118-QT-Chiến
tranh mạng.doc
Nếu không đọc được các bài viết
này trên Vietbao Online, độc giả có thể vào Google đánh "Nguyễn
Mạnh Trí", click "Nguyễn Mạnh Trí-Các bài viết-Vietbao", click
"https://vietbao.com/author/post2917/nmt"
và chọn bài muốn đọc.
Nguyễn Mạnh Trí
E-Mail: prototri2012@yahoo.com
Tu chỉnh: 1 tháng 3, 2018