Hiệp Định Paris 1973

Hãy tỉnh thức! 

Hiệp Định Paris 1973
Nguyễn Quang

Hãy còn đó: “Quyền tự quyết của nhân dân miền Nam Việt Nam là thiêng liêng bất khả xâm phạm và phải được các nước tôn trọng.”
Hiệp Định Paris 1973 chính là đầu mối bức tử chế độ miền Nam Tự Do: Hoa Kỳ phản bội đồng minh, nhóm phản chiến Sài Gòn phá hoại, thành phần thứ 3 làm lợi cho Cộng Sản. Hiệp Định Paris 1973 đã lót đường cho quân Bắc Việt xâm nhập, tập trung quân, tích trữ hậu cần, đặt Bộ chỉ huy, mở chiến dịch tổng tiến công thôn tính miền Nam tháng 4 năm 1975.

Dự thảo khung của Hiệp Định là: "Quân đội Mỹ và các đồng minh nước ngoài phải rút khỏi Việt Nam, Quân đội Nhân dân Việt Nam được ở lại miền Nam Việt Nam, chính quyền của Tổng thống Thiệu được quyền tồn tại trong một giải pháp hòa bình, trao trả tù binh không điều kiện trong vòng 60 ngày.
Chương 2 HĐ ghi: Ngừng bắn trên toàn Việt Nam sẽ bắt đầu từ 27 tháng 1 năm 1973: với tất cả các đơn vị quân sự ở nguyên vị trí. Mọi tranh chấp về quyền kiểm soát lãnh thổ sẽ được giải quyết bởi Ủy ban quân sự liên hợp giữa hai lực lượng của Việt Nam Cộng hòa và Việt Cộng. Trong vòng 60 ngày, sẽ có cuộc rút lui hoàn toàn của quân đội Mỹ và đồng minh cùng các nhân viên quân sự Mỹ ra khỏi Việt Nam Cộng hòa.
 
Hiệp định Paris là hiệp định được Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Hoa Kỳ soạn thảo để đảm bảo cho việc Hoa Kỳ ra khỏi chiến tranh. Đối với Hoa Kỳ đây là cách họ ra khỏi cuộc chiến mệt mỏi này một cách chính đáng. Đối với Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Mặt trận Dân tộc Giải phóng thì hiệp định này là bước thứ nhất trong hai bước để đi đến thắng lợi cuối cùng. Đối với Việt Nam Cộng hòa thì hiệp định này là một tai ương lớn đối với chính thể của họ và đặt sự tồn tại của Việt Nam Cộng hòa trước một nguy hiểm trong một tương lai gần.
(Trích dẫn nguồn Wikipedia)
Hơn 10 quốc gia trong đó có đủ 5 thành viên thường trực Hội đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc đã ký vào một định ước quốc tế để bảo đảm cho việc thi hành Hiệp định Paris 1973 được tôn trọng.
Song trên bình diện thực tiễn, nạn nhân chiến tranh phải hứng chịu bao hậu quả khôn lường như những lo toan của người miền Nam trước đó, có bao giờ Việt cộng tôn trọng vào sự ký kết bất cứ Hiệp ước nào và thực tế phe miền Nam phải tháo chạy sau đó.
Ngày 1/4/1975, văn phòng DAO được lệnh tiến hành kế hoạch di tản sang Mỹ khoảng 35.000 người Việt Nam có liên hệ mật thiết với Mỹ trong cuộc chiến. Do tình hình thúc đẩy, nhịp độ công tác di tản tăng từ 12 giờ mỗi ngày lên 24 giờ mỗi ngày kể từ 3/4/1975. Ngày 1/4/1975, tính bí mật của kế hoạch bị đổ vỡ với tai nạn của chiếc C-5A Galaxy chở mấy trăm trẻ em mồ côi Việt Nam di tản sang Mỹ rơi xuống ngay sau khi vừa cất cánh, tăng thêm màu ảm đạm cho cái tang chung của cả một miền Nam mắc nạn và gây hoang mang rất nhiều trong mọi tầng lớp dân chúng. 
Tại miền Trung Việt Nam, sự tàn sát dân lành trên tỉnh lộ 7: một biểu hiện của hội chứng gia đình trong chiến tranh. 
Con đường 14 nối liền Pleiku với Ban Mê Thuột đã bị cắt đứt nên phải dùng đường số 7 nối liền Pleiku với Phú Bổn và Tuy Hoà. Nhưng khốn nỗi vì phải xuyên qua một địa hình hiểm trở và vì bị bỏ hoang lâu ngày, trong khi đó hai Sư đoàn 10 và 320 của địch đang gờm sẵn, thoái lộ 7 biến thành một tử lộ. Không chỉ riêng đối với người lính chiến Quân Đoàn II mà còn đối với cả những thường dân và bầu đoàn thê tử đi theo họ (khoảng 450.000 người). 
Con số khổng lồ này nói lên một thực trạng tâm lý của người Việt Nam có từ ngàn đời, đó là tình cảm đại gia đình sống chết với nhau ở trong bất cứ tình huống nào nhưng lại trở thành vật cản trong những cuộc điều binh. Nó càng tăng cao khi thú dữ xuất hiện quanh nhà mỗi đêm, ở đây là sự hoảng loạn do nỗi kinh hoàng cộng sản sẽ trả thù – hình ảnh nấm mồ tập thể tại Huế năm 1968 vẫn chưa phai trong tâm tư người dân Nam Việt Nam, cuộc rút quân thành một cuộc di tản lếch thếch lê thê giữa những tiếng khóc trẻ em xen lẫn tiếng kêu lạc bầy đàn, một thứ hỗn mang não nùng, kỳ dị.

Hàng ngàn chiếc quân xa, thiết vận xa, xe đò chở khách bị dồn cục trên suốt một đoạn đuờng dài 8 kilômét trước một chiếc cầu rêu phong, gẫy đổ, nằm ở cửa ngõ phía tây thị xã Hậu Bổn. Hàng chục ngàn cỗ súng cộng sản gườm sẵn trên những điểm cao hai bên đường xối xả nhả đạn xuống mục tiêu là nửa triệu sinh linh mắc nạn, không phân biệt quân dân, nam nữ, già trẻ, biến đoàn người di tản tan xác trong khoảnh khắc với một bãi tha ma máu và nước mắt.
Tổng kết về con đường tử lộ số 7 như sau: 75% của 45.000 quân rút lui bị tử trận hay mất tích; 60% của 450.000 thường dân di tản bị sát hại. Một con số đọc qua thì nhanh nhưng hậu quả của nó sẽ hằn sâu vết đau thương mãi mãi trên dân tộc này.
Theo triết gia Hegel: lịch sử nhân loại chỉ là một “núi sọ” hay “một thung lũng đầy xương khô” và “những thời kỳ hạnh phúc chỉ là những trang giấy trắng”.
Khát vọng hòa bình và cố gắng của các dân tộc để giải quyết những xung đột bằng đối thoại vẫn phải lùi bước trước bạo lực và lý lẽ của kẻ mạnh! Từ sau thế chiến thứ hai chấm dứt đến nay máu vẫn chảy với gần 200 cuộc chiến tranh địa phương, nhất là cuộc chiến hủy diệt tại Syria.
Con người được quan niệm như một hữu thể tự do, có trách nhiệm góp phần kiến tạo trật tự xã hội. Song rất may các kho vũ khí của các cường quốc vẫn chưa sử dụng hết, có thể nói nhờ vậy mà nhân loại chưa giẫy chết vì con người đã vượt quá sự kiềm chế với các thứ tôn giáo và chủ nghĩa cực đoan.
Cuối tháng 2/1972 Nixon đến Bắc Kinh, trong thông cáo chung nêu rõ: “Cả hai bên đều không mưu cầu bá quyền và đều phản đối bất cứ nước nào hay tập đoàn nào cố gắng thiết lập bá quyền đó ở khu vực Á Châu”.
Ba tháng sau, Nixon đến Mạc Tư Khoa gặp Breznhev: Hai nước cam kết giảm bớt sự xung đột đi đến loại trừ hoàn toàn nguy cơ xung đột vũ trang, hai bên đã ký một thỏa ước lịch sử về “hạn chế vũ khí tấn công chiến lưọc” (SALT tức Strategic Arms Limitation Treaty).
Bước sang vấn đề Việt Nam, Kissinger cho Chu Ân Lai biết “Hoa Kỳ thật tâm muốn chấm dứt cuộc chiến này nên đã mở đầu thương thuyết với Hà Nội từ 1967.”
Năm 1972, Kissinger nói với Chu Ân Lai: “Chúng tôi không tính đến chuyện tiêu diệt Hà Nội, và ngay cả chuyện thắng Hà Nội cũng không được chúng tôi tính đến nữa. Nếu có thể sống với một Chính phủ cộng sản ở Trung Quốc thì chúng tôi cũng có thể chấp nhận Chính phủ cộng sản ở Đông Dương…”.
Kissinger kết luận “Chúng tôi muốn chấm dứt chiến tranh VN, cách giải quyết nhanh nhất là ngưng bắn, rút quân và trao đổi tù binh. Các việc khác để cho tương lai quyết định, nếu cần chúng tôi có thể tuyên bố trung lập đối với các biến chuyển chính trị sau này, và chúng tôi sẽ thuyết phục Nam VN cam kết giữ chính sách đối ngoại trung lập”. 
Hiệp định Paris, nó là con đẻ của Kissinger và Lê Đức Thọ, sau những lần đi đêm về ngoại giao của hai nhân vật này. 
Ý nghĩ Hiệp Định Paris 1973 là văn kiện bán đứng Miền Nam cho Cộng Sản và Hoa Kỳ phản bội đã in đậm vào tâm khảm của người dân miền Nam từ đó.
 
Miền Bắc nêu ra nghĩa vụ dân tộc, thống nhất đất nước, thực chất là để bành trướng khối Cộng sản, còn miền Nam chiến đấu vì lý tưởng dân chủ tự do. Đối với cộng sản, đây là cuộc “kháng chiến trường kỳ”, Trung Cộng quyết tâm “đánh Mỹ đến người Việt Nam cuối cùng”, còn Lê Duẫn thì nói: “Ta đánh Mỹ là đánh cho Liên Xô, đánh cho Trung Quốc”
Tuy nhiên vẫn còn đó, phần còn lại của Hiệp Định Paris 1973 về việc tôn trọng nhân quyền, các quyền tự do và quyền tự quyết của nhân dân VN chưa được thi hành. Đó là con đường duy nhất giúp đất nước thoát khỏi những chế độ độc tài và phát triển.
Điều 9 của HĐ Paris 1973 nguyên văn như sau: “Chính phủ Hoa Kỳ và Chính phủ Việt-nam Dân chủ Cộng hòa cam kết tôn trọng những nguyên tắc thực hiện quyền tự quyết của nhân dân miền Nam Việt Nam:
a) Quyền tự quyết của nhân dân miền Nam Việt Nam là thiêng liêng bất khả xâm phạm và phải được các nước tôn trọng.
b) Nhân dân miền Nam Việt Nam tự quyết định tương lai chính trị miền Nam thông qua tổng tuyển cử thực sự tự do và dân chủ có giám sát quốc tế.
c) Các nước ngoài sẽ không được áp đặt bất cứ xu hướng chính trị hoặc cá nhân nào đối với nhân dân miền Nam Việt Nam”. 
Người dân Việt Nam vẫn trong hoài vọng, không phải hoang tưởng để nghĩ rằng rồi sẽ có một ngày Hiệp Định Paris được thi hành, nhưng quyền dân tộc tự quyết chính là quyền bất khả xâm phạm và nhân loại vẫn luôn đi về phía trước trong niềm tin và hy vọng được tự do chọn lựa chế độ qua lá phiếu của công dân.
Nguyễn Quang Hồng Nhân