Mekong:
'Việt Nam sai lầm từ 1995'?
Bác sỹ Ngô Thế Vinh,
Trả lời một báo Việt Nam, bác sỹ Ngô Thế Vinh, tác giả các cuốn sách
nghiên cứu về dòng Mekong, nói năm 1995, chính phủ Việt Nam đã phạm
một sai lầm chiến lược về ngoại giao liên quan đến dòng sông này.
Trong bài phỏng vấn đăng trên trang Người Đô Thị hôm 15/05/2016, ông Ngô Thế Vinh nói:
"Đại diện Việt Nam đặt bút ký vào Hiệp định Mekong 1995 là Ngoại trưởng
Nguyễn Mạnh Cầm với chấp nhận một thay đổi cơ bản trong hiệp ước mới:
thay vì như trước, mỗi hội viên trong Ủy ban sông Mekong (1957) có quyền
phủ quyết bất cứ một dự án nào bị coi là có ảnh hưởng tác hại tới dòng
chính sông Mekong, nay theo nội quy mới (1995), không một quốc gia nào
có quyền phủ quyết."
Đập Cảnh Hồng do Trung Quốc xây ở thượng nguồn Mekong
"Phát biểu trong Hội nghị Mekong 1999 tại Nam California (Mỹ), chúng tôi
nhận định đây là khởi điểm một bước sai lầm chiến lược của Việt Nam, vì
là quốc gia ở cuối nguồn."
Chính sách của Việt Nam kể từ đó liên quan đến sông Mekong là bị động
và mất cảnh giác, theo ý kiến ông Ngô Thế Vinh từ Hoa Kỳ:
"Rõ ràng Việt Nam đã mất cảnh giác và thiếu chuẩn bị trong cuộc chiến
môi sinh “không tuyên chiến” của Trung Quốc. Lời kêu gọi Trung Quốc xả
nước từ hồ chứa Vân Nam để cứu hạn cho ĐBSCL đã nói lên tình thế bị động
của Việt Nam. Lẽ ra giới lãnh đạo phải tiên liệu nguy cơ này từ nhiều
năm trước."
"Nay lại thêm 9 dự án đập dòng chính hạ lưu của Lào và 2 của Campuchia
sẽ khiến bài toán cứu nguy ĐBSCL khó khăn và phức tạp hơn nhiều, mà Việt
Nam thì chưa có một chiến lược đối phó."
Nhà hoạt động môi trường, tác giả hai cuốn 'Cửu Long cạn dòng, Biển
Đông dậy sóng' và 'Mekong - dòng sông nghẽn mạch', cũng nhận định về
sáng kiến Lan Thương - Mekong của Trung Quốc gần đây:
"Nay nếu có mở ra thêm khối Hợp tác Lancang - Mekong thì đó cũng chỉ là
một bước chiến lược của Trung Quốc, tạo cho mình một hình ảnh hữu nghị
nhưng thực tế là nhằm tăng cường ảnh hưởng đưa tới khống chế toàn bộ lưu
vực sông Mekong."
"Trung Quốc sẵn có khả năng kỹ thuật, có nguồn tài chính hầu như vô hạn,
Bắc Kinh thừa sức để gạt ảnh hưởng của Hoa Kỳ và Nhật Bản ra khỏi lưu
vực sông Mekong, cũng như họ đã đánh sập thế thượng phong của Đệ thất
hạm đội Hoa Kỳ trên Biển Đông bằng các đảo chiếm của Việt Nam rồi mở
rộng xây dựng căn cứ quân sự trên đó."
Ông cũng giải thích vì sao Trung Quốc không tham gia Ủy hội sông Mekong mà nay lại đặt ra khối Lan Thương - Mekong:
"Từ 1995, Trung Quốc chọn đứng ngoài Ủy hội Sông Mekong chỉ gồm 4 nước
hạ lưu: Thái Lan, Lào, Campuchia, Việt Nam. Tới nay với 6 con đập dòng
chính, về tổng thể, Trung Quốc đã hoàn tất kế hoạch thủy điện trên khúc
sông Mekong 2.200km của họ."
"Tương lai khối Hợp tác Lancang - Mekong ra sao, vẫn tùy thuộc thiện chí rất đáng ngờ của Trung Quốc", bác sỹ Ngô Thế Vinh nói.
Theo báo Nhân Dân từ Việt Nam, hôm 23/3/2016, tại Tam Á, Hải Nam, Trung
Quốc đã diễn ra Hội nghị cấp cao hợp tác Lan Thương - Mekong lần 1.
Người dẫn đầu đoàn Việt Nam, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã phát
biểu ý kiến tại hội nghị, "nhấn mạnh, hợp tác Mekong - Lan Thương có
thể đóng vai trò quan trọng trong thúc đẩy phát triển bền vững tại tiểu
vùng Mekong".
Ông Phạm Bình Minh cũng nói hợp tác này sẽ "củng cố quan hệ láng giềng
tốt đẹp giữa sáu nước, hỗ trợ các nước thực hiện Chương trình nghị sự
2030 và làm sâu sắc hơn quan hệ đối tác chiến lược ASEAN - Trung Quốc".
Gần đây hơn, trong cuộc trả lời phỏng vấn trên trang Southeast Asia -
Globe (03/05/2016) Giáo sư Marvin Ott từ trường Johns Hopkins ở Hoa Kỳ
nói:
"Các con đập trên dòng Mekong có ý nghĩa chiến lược vì chúng cho phép
Trung Quốc quyền lực quyết định sự sống hay cái chết với các nền kinh tế
ở hạ nguồn trên cả vùng Đông Nam Á lục địa."
Ngay từ năm 2000, bác sỹ Ngô Thế Vinh đã cảnh báo dòng Mekong sẽ cạn
nước nhưng lúc đó, các ý kiến này chỉ được đăng tải rộng rãi trên các
báo chí tiếng Việt ở nước ngoài.
Trang web của VOA giới thiệu ông Ngô Thế Vinh là người từng tốt nghiệp y
khoa Sài Gòn, chủ bút báo sinh viên Tình thương...hiện sống tại Hoa Kỳ
và là bác sĩ điều trị tại một bệnh viện nam California.
Ông cũng đăng các bút ký qua những chuyến đi thăm các khúc sông thượng
nguồn từ Vân Nam, Lào, Thái, Cam Bốt xuống tới Đồng bằng sông Cửu Long
về môi sinh và phát triển lưu vực sông Mekong.
Nguon: http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam/2016/05/160516_vn_mekong_strategic_mistake