Hành trạng Và Ý Nghĩa
Lịch Sử Của de Rhodes
Phạm Hồng Lam
Chặng cuối cuộc đời ở Ba-tư (1655-1660)
Bài sai đi Ba-tư chứ không phải trở lại Việt Nam hẳn là nỗi thất vọng lớn sau cùng (và có lẽ là lớn nhất) trong cuộc đời ông.
Sau cuộc hành trình kéo dài một năm, de Rhodes đã cùng với ba đồng
nghiệp cùng dòng cuối cùng đã tới Isfahan, thủ đô của Ba-tư. Ở đây đã có
một nhà nhỏ của dòng Tên lập từ 1625. Trong nhà có linh mục Aimé
Chezaud từ Lyon là kẻ sáng lập nhà và một thầy.
De Rhodes trở thành bề trên lãnh đạo cộng đoàn. Ông hăng say lao vào địa
bàn hoạt động mới. Nhưng không còn thích ứng được với môi trường mới.
Về mặt ngôn ngữ thì còn tạm, Sau hai năm rưỡi, với 64 tuổi đời, ông đã
có thể dùng tiếng Ba-tư để giảng và giải tội. Rồi ông tìm cách truyền
đạo cho tín hữu hồi giáo. Nhưng ông đã không thành công với những phương
pháp phủ đầu như ở Việt Nam. Ông chỉ rửa tội được cho các trẻ em đang
nằm chờ chết trong một cơn dịch bệnh. Hơn nữa, trí óc ông vẫn luôn hướng
về chuyện trở lại Việt Nam. Dù sao, vào cuối đời, ông đã mãn nguyện,
khi thấy Giáo Tông mới A-lê-xăng-đrô VII cất nhắc Pallu và de la Motte
lên làm đại diện tông toà vào năm 1658, và như thế ước mơ có giám mục
của ông đã thành tựu.
Từ tháng 9.1660 ông có triệu chứng đau dạ dày. Giữa tháng 10 trở đi có
thêm xuất huyết, có lẽ do ung thư dạ dày hay đường ruột. Ông phải liệt
giường, chẳng ăn uống gì được nữa. Sau khi nhận đủ các phép bí tích, ông
an nghỉ vào chiều tối ngày 5.11.1660, thọ 67 tuổi, và chấm dứt cuộc đời
như „một ngọn nến leo lét dần“.
Trong đám tang của ông (tại nghĩa địa chung cho Ki-tô hữu) có đủ đại
diện các dòng tu tại Isfahan ngoài dòng Tên: dòng An-tịnh (Augustiner),
Anh Em Hèn Mọn (Kapuziner), Ka-mê-lô. Đông đảo các thương gia âu châu:
Anh, Pháp, Hoà-lan, Bồ đang hiện diện ở Isfahan cũng đến, đấy là chưa
nói tới sự có mặt của nhiều tín hữu armenien. Nhờ bia viết bằng chữ
La-tinh, nên mộ của ông đã được tìm thấy vào năm 1959.
Hành trạng và ý nghĩa lịch sử
Mục tiêu chính của de Rhodes là phong chức linh mục cho người bản xứ, để
họ tiếp tục trao ban bí tích và hướng dẫn cộng đoàn khi thừa sai phải
vắng mặt. 8 năm sau khi ông mất, mục tiêu đó mới được hiện thực. Năm
1668 ở Ayuthia giám mục Lambert de la Motte phong chức linh mục cho 4 kẻ
giảng việt nam đầu tiên. Cho đến cuối thế kỉ 17 có tất cả 26 kẻ giảng
được phong chức, đa số là người Đàng Ngoài, vì so với dân số toàn quốc,
Đàng Ngoài có số dân trội hơn Đàng Trong nhiều. Họ được huấn luyện ở
Ayuthia, sau đó cả trong các chủng viện bí mật tại Việt Nam. Việc phong
chức cho họ, vốn là đỉnh điểm của công trình để đời của de Rhodes, đã bị
những người dòng Tên như Tissanier và Fuciti chỉ trích thậm tệ. Họ chê
việc huấn luyện hời hợt: nhất là các tân chức đã không biết tiếng
La-tinh và cũng không đọc đúng ngay các lời nguyện thánh lễ hoặc các
công thức bí tích, vì thế theo họ không biết các bí tích có thành sự
không. Quả thật, các tân chức việt nam đã phải chờ nhiều tháng sau khi
phong mới có thể dâng thánh lễ bằng tiếng La-tinh.
Nhưng đấy là một vấn đề nền tảng, mà cách đó nửa thế kỉ Roma đã có được
một giải quyết can đảm, nhưng giờ đây thì không còn sự sẵn sàng đó nữa.
Số là, khi tính chuyện thành lập một hàng giáo sĩ bản xứ tại Trung-hoa,
dòng Tên đã nghĩ tới tầng lớp nho sĩ lớn tuổi nhiều uy tín tại đây.
Những người này sẵn vốn kiến thức học vấn, nhưng tuổi đã lớn, không còn
thời gian sang Ma-cao hay tới một nơi nào đó, để được huấn luyện đầy đủ
lâu dài nữa. Như vậy, lối giải quyết là để họ ban bí tích và dâng lễ
bằng tiếng quan thoại, lại nữa thứ ngôn ngữ văn hoá này xem ra cũng sánh
được như tiếng La-tinh ở phương Tây. Và quả thật, Giáo Tông Phao-lô V
qua sắc chỉ „Romanae Sedis Antistes” năm 1615 đã đồng ý cho dâng lễ bằng
tiếng quan thoại. Nhưng thảm hại thay, quyết định này đã không bao giờ
được thi hành. Trong giai đoạn đầu, các bề trên dòng Tên ở Ma-cao đã
không chuyển tiếp sắc chỉ, vì muốn các tân chức tương lai của Trung-hoa
sẽ sang huấn luyện tại trường của họ ở đó. Bước vào hậu bán thế kỉ, khi
dòng Tên và các thừa sai của Bộ Truyền Giáo muốn quay trở lại sắc chỉ
đó, thì Roma không còn rộng rãi như xưa. Giờ đây người ta bắt các ứng
sinh phải học một ít La-tinh cơ bản, đủ để đọc đúng thôi, không cần
hiểu. Nhưng nếu như thế, thì các nước truyền giáo chẳng bao giờ có được
một tầng lớp giáo sĩ ngang bằng các thừa sai ngoại quốc về phương diện
học vấn.
Nhưng ngoài điểm phê bình này, còn một điều không thể quên, là sự cấp
bách của tình thế. Các thừa sai ngoại quốc, như de Rhodes nhận thấy, gần
như chẳng bao giờ được ở lâu trong xứ, họ luôn bị trục xuất. Các kẻ
giảng bản xứ thì hăng say, sẵn sàng hi sinh và làm được nhiều điều tuyệt
diệu. Chỉ việc là họ không thể dâng lễ và trao các bí tích. Và nhìn
chung, các linh mục bản xứ đâu có thua kém gì các đồng nghiệp thừa sai,
như nhận xét sau đây của một tác giả vô danh vào khảng năm 1700:
“Khi
tôi ở Đàng Ngoài, nhiều cộng đoàn ki-tô hữu xin giám mục của chúng ta
gởi linh mục bản xứ tới với họ. Họ muốn có linh mục bản xứ hơn các thừa
sai dòng hoặc triều đang có mặt tại đây, không phải vì họ không kính
trọng hay vô ơn đối với những người đã từ rất xa tới để giúp họ, nhưng
vì họ cảm thấy dễ hiểu và dễ được nâng đỡ hơn với các linh mục bản xứ.
Những người này cùng bản chất và trí tuệ như họ, nói tiếng nói của họ và
dễ lẩn trốn hơn những khi bị bách hại… Đó là thứ các thừa sai ngoại
quốc không có được… Đó là những linh mục tốt, không thể thiếu cho cuộc
truyền giáo; họ được giáo dân mến thương và kính trọng, gắn bó với Toà
Thánh và rất tuân phục các đại diện tông toà… Họ không phải là những
nhân cách ngoại hạng, nhưng đời sống và đức độ của họ thì không chê vào
đâu được. Họ hăng hái và siêng năng việc Chúa. Tôi tin rằng, một người
họ làm việc bằng hai người ngoại quốc cộng lại”.
Còn nữa: nhờ có những cuộc phong chức này, Việt Nam đã có được một bước
đi trước so với tất cả các nước truyền giáo khác trong việc hình thành
một hàng giáo phẩm bản xứ, và sự vượt trội này kéo dài mãi cho tới trong
thế kỉ 20. Chỉ ở Việt Nam số lượng linh mục bản xứ từ thế kỉ 18 đã vượt
hơn số thừa sai ngoại quốc. Nhờ đó, nước này đã có thể kinh qua giai
đoạn „khát nước” (1770-1830) của thời Khai Sáng nhẹ nhàng hơn các nước
khác. Đó là giai đoạn hết viện trợ thừa sai, trong đó đặc biệt vụ giải
tán dòng Tên bởi Giáo Tông Clê-men-tô XIV vào năm 1773 gây ra hậu quả
thê thảm nơi các miền truyền giáo hơn là ở Châu Âu. Người ta phỏng đoán
năm 1820, khi tình hình truyền giáo trên thế giới ở trong tình trạng
thoái trào nhất, số lượng thừa sai ở các quốc gia phi châu và á châu còn
lại vào khoảng 300 vị. Bên cạnh đó có thêm khoảng 300 linh mục bản xứ,
trong đó Việt Nam chiếm 180, nghĩa là hơn một nửa tổng số. Cùng lúc đó,
số thừa sai có mặt tại Việt Nam khoảng 60, một nửa là thừa sai Paris,
một nửa là tu sĩ dòng Đa-minh. Ngoài ra còn có khoảng 1000 kẻ giảng và
1500 chị Mến Thánh Giá. Trong lúc toàn Trung-hoa có khoảng 200 linh mục,
trong đó 90 người bản xứ. Như vậy, chỉ Việt Nam có một lượng linh mục
bản xứ chiếm đa số, và lượng này chiếm hơn một nửa tổng số linh mục bản
xứ trong toàn Á Châu. (Ở Phi Châu nỗ lực phong chức linh mục bản xứ đã
không thành trong những bước đầu sau năm 1500 và cho tới mãi tới nửa sau
thế kỉ 19 vẫn chưa có một linh mục bản xứ nào). Như vậy có thể nói, mục
tiêu chính xây dựng hàng giáo phẩm bản xứ trong các nước truyền giáo do
Bộ Truyền Giáo với vị bộ trưởng đầu tiên Ingoli đưa ra chỉ thành công
sớm nhất ở Việt Nam. Trong các nước khác, như Trung-hoa chẳng hạn, mức
thành công rất ít, Ấn-độ còn ít hơn.
Nhưng chính đó có thể xem là công trạng to lớn của de Rhodes. Không có
sự thúc bách và dấn thân của ông ở Roma và Paris, có lẽ đã không có các
đại diện tông toà và các thừa sai Pháp ở Việt Nam. Sự dấn thân của ông
rốt cuộc đã đưa tới những tranh chấp nặng nề với các thừa sai dòng Tên
đang làm việc ở đó và đang chịu sự chi phối của bảo hộ Bồ. Bi kịch này
đã thuộc vào lịch sử. Nếu như ông được trở lại Việt Nam hay trở thành
giám mục, ông đã có thể tránh được hay làm giảm bớt được các tranh chấp
đó không, điều này khó trả lời. Song về lâu về dài, nếu đã không có được
đội ngũ linh mục bản xứ, Việt Nam đã không thể vượt qua được giai đoạn
Khai Sáng và nhất là qua được các đợt truy diệt Đạo đầy máu và nước mắt
trong thế kỉ 18 và nhất là trong thế kỉ 19.
Một mục tiêu đường dài khác của Bộ Truyền Giáo có đề cập trong huấn thị
năm 1659 gởi cho de la Motte và Pallu là xây dựng một hàng giám mục bản
xứ. Mục tiêu này đã không thực hiện được mãi cho tới thế kỉ 20. Người ta
vẫn nuôi những mong muốn đó, song đã không thực hiện được vì nhiều lí
do khác nhau. Một là vì việc đào tạo thần học còn quá thô sơ nơi hàng
linh mục bản xứ, không đủ để làm giám mục. Hơn nữa, vì các xung đột dai
dẳng giữa các đại diện tông toà với Bảo Hộ và nhất là với các dòng tu.
Trong tình thế đó, một giám mục bản xứ sẽ rơi vào vị thế rất yếu và có
thể phải chuốc lấy đủ thứ tiên kiến và dị nghị. Sau khi phong chức cho
ba giám mục ấn-độ và một giám mục trung-hoa, Bộ Truyền Giáo đã phải đình
chỉ mọi dự tính tiếp, cho đến vào những năm 1920’ Giáo Tông Pi-ô XI mới
cho phong trở lại. Chỉ đến năm 1933, Pi-ô XI mới đặt giám mục việt nam
đầu tiên, giám mục Nguyễn Bá Tòng của giáo phận Phát Diệm cho tới 1948.
Như vậy, công trạng lịch sử đầu tiên của de Rhodes là việc đặt nền cho
hàng giáo phẩm việt nam. Không có ông, cơ cấu này đã không hiện diện sớm
và nhất là đã không có được số đông. Nhưng thành công này phải được
liên kết với hai công trình khác, một do ông trực tiếp lập và một do ông
gợi cảm hứng. Công trình đầu là Hội Kẻ Giảng. Đây là kho chứa cũng như
nền gốc; không có nó, hàng giáo phẩm bản xứ có lẽ khó mà hình thành.
Tinh thần dấn thân và sẵn sàng hi sinh đã tiềm sẵn nơi người Việt, nhưng
Hội Kẻ Giảng đã nâng cấp phẩm chất cho chúng về trình độ thiêng liêng,
và rồi chúng được các nhà truyền giáo dòng Tên đúc khuôn và đồng hành
nâng đỡ. Trình độ đó đã giúp cho các linh mục việt nam có được một phẩm
chất tinh thần và tông đồ vượt xa trình độ trung bình nơi những thừa sai
các dòng ngoại quốc thời đó. Dĩ nhiên, họ không được huấn luyện thần
học theo những chuẩn mực tây phương hậu Công Đồng Trento. Song bù lại,
họ thích hợp hơn trong môi trường văn hoá và tri thức bản xứ. Việc xây
dựng Hội Kẻ Giảng diễn ra trong sự xúc tác giữa các yếu tố bản xứ lẫn
sáng kiến, tổ chức và điều hành của de Rhodes. Chính Hội cũng là một
hình thái căn bản của „thích ứng”; nó chẳng bao giờ chỉ là một sản phẩm
„từ trên“ đưa xuống, song là sự hoà nhập trong nhau giữa những phát
triển tự nhiên và những suy nghĩ có bài bản. Như chúng ta đã thấy, đó là
những hình thái của „cuộc sống chung“, vốn bắt nguồn từ các cộng đoàn
phật giáo, nay được ki-tô giáo hoá. Đó là những người trẻ quây quần
chung quanh de Rhodes; họ bước theo ông, coi ông như „người thầy chung“
và rồi tiếp nhận từ ông một nội quy sống chung.
Công trình thứ hai là Viện Truyền Giáo Paris hay „Hội Thừa Sai Paris“
(MEP). Không có công trình này thì cũng khó mà hình thành được hàng giáo
phẩm bản xứ. Hội Thừa Sai Paris không phải là sản phẩm trực tiếp của de
Rhodes, nhưng do ông gợi ý, bằng cách gây hứng khởi truyền giáo nơi các
hội đoàn chung quanh linh mục Bagot ở Paris. Ở đây ta phải hiểu rằng,
Bộ Truyền Giáo cho tới lúc đó vẫn chỉ là một „cơ quan“ (bộ máy), dù nó
đã đưa ra những sáng kiến quan trọng vượt thời gian. Bộ máy này không
sánh được với một phong trào tinh thần hay như một dòng tu. Kinh nghiệm
lịch sử cho thấy, những sáng kiến cải cách đầy viễn kiến thuần tuý do
„từ trên“ đưa xuống, dù là từ giáo tông, từ các công đồng hay từ các bộ,
thường rơi vào quên lãng, nếu chúng không kết hợp với một phong trào
nào đó và được nó chuyển đi tiếp. Ở đây trong trường hợp này, đã chẳng
có dòng tu cổ điển nào sẵn sàng đảm nhận công tác, ngay cả dòng Anh Em
Hèn Mọn và dòng Cát-minh là những đơn vị mới có mặt trong lãnh vực
truyền giáo. Chỉ với Viện Truyền Giáo Paris Bộ mới có được một cộng đoàn
linh mục truyền giáo đứng dưới sự điều động của mình với nhiệm vụ chính
là xây dựng một hàng giáo sĩ triều bản xứ. Không có Viện này, hẳn các
thành công vốn manh mún đã trở nên manh mún hơn. Nếu không có nó và
không có những bước đầu hàng giáo sĩ bản xứ do nó tạo nên, cuộc truyền
giáo có thể đã tan hoang và đã không có được „mùa xuân truyền giáo“ mới
trong thế kỉ 19. Mặt trái của Viện Truyền Giáo này là đặc tính „thuần
Pháp“. Trong khi cố gắng thoát ra khỏi ràng buộc của các thế lực bảo hộ
bồ và tây-ba-nha, thì Bộ giờ đây lại ít nhiều rơi vào lệ thuộc tài chánh
và nhân sự của Pháp. Làm sao để có thể tránh được sự tuỳ thuộc mới này,
điểm này cũng thật khó mà trả lời. Nhất là sau khi dòng Tên bị giải tán
năm 1773, Hội Thừa Sai Paris tiếp nhận toàn bộ công tác truyền giáo của
dòng. Và cho tới trong thế kỉ 20 hầu như chỉ có một mình Hội này phụ
trách việc truyền giáo ở Việt Nam (cũng như ở Lào, Xiêm, Căm-bốt), ở Hàn
Quốc với cộng đoàn ki-tô giáo mới lập và ở Nhật (từ khi nước này mở
cửa).
Các công lao to lớn khác của de Rhodes, như chúng ta đã thấy, là cuốn
Phép Giảng cũng như phương pháp giáo lí của ông trình bày trong đó và
chữ Quốc Ngữ. Sách Phép Giảng có hình thức và lối trình bày cá biệt; nó
không theo khuôn mẫu các sách giáo lí âu châu thời hậu công đồng Trento.
Ít ra, việc mở đầu với câu hỏi về cuộc „sống đời đời“ hay về „trường
sinh“, việc ứng dụng ba tương giao căn bản của Khổng Giáo (Quân-Sư-Phụ)
và việc nhân cách hoá „Ông Trời“ thành một Thiên Chúa cá vị đã cho thấy
de Rhodes có một giao cảm nhạy bén với lối tư duy của người Việt. Giao
cảm này cũng thấy được từ lối lí luận đặc biệt dùng hình ảnh thay cho
các khái niệm trừu tượng của ông. Lại nữa, khác với đồng nghiệp Matteo
Ricci bên Trung-hoa vốn dựa trên văn chương cổ điển và lối suy nghĩ của
tầng lớp có học để trình bày giáo lí, de Rhodes trái lại sử dụng những
cấu trúc căn bản á đông và như vậy rất hợp với lối tư duy người Việt. Và
trong các cuộc tranh luận, khi không nắm được vấn đề, ông khôn khéo
nhường lời lại cho các kẻ giảng của mình.
Chữ Quốc Ngữ vốn là sản phẩm chung của các thừa sai và kẻ giảng bản xứ,
nhưng de Rhodes là người đã định hình cấu trúc sau cùng cho nó, đây quả
là một công trình bậc thầy về ngữ học. Sở dĩ thứ chữ này trong thế kỉ 20
đã trở thành ngôn ngữ chính thức của quốc gia là nhờ sự tác động của
nhiều diễn tiến rất khác nhau trong thời hiện đại. Nhưng kì cùng ra, có
được như vậy là nhờ văn hoá việt, vốn là một „văn hoá biên lề“, không tự
quy (autozentriert) như văn hoá trung-hoa. Và vì thế thứ chữ này đã đáp
ứng được các nhu cầu dân tộc, khi một mặt nó là nhịp cầu nối với thế
giới phương tây và mặt khác nó thoả mãn được những sắc thái cá biệt của
tiếng nói người bản xứ. Đấy cũng là những yếu tố đã giúp cho cuộc truyền
giáo nơi đây có được những thành công khá lớn.
Điều quan trọng cần nhớ ở đây là thời gian hoạt động của de Rhodes ở
Việt Nam chưa đầy 9 năm. Song không phải là một thời gian liên tục, mà
bị ngắt quãng 6 lần, có lần lên tới 10 năm. Không riêng gì ông, hầu hết
các thừa sai khác ở Việt Nam trước và sau ông cũng không có được sự yên
ổn lâu dài trong công tác. Vài so sánh: Ricci sống ở Trung-hoa 27 năm,
từ 1583 tới 1610 là năm ông mất; de Nobili 39 năm (1606-1645) trong vùng
truyền giáo Madurai ở nam Ấn-độ. Đối lại với thời gian ngắn ngủi, de
Rhodes có một khả năng giao cảm lạ lùng, đồng thời với một lối giao tiếp
dễ dàng và một lực hút rất lớn. Ông có lối giao tiếp trực tiếp với
người nghe, chẳng hạn như lần tiếp xúc ở Cửa Bạng, khi con thuyền của Bồ
vừa cặp bến, chưa bước xuống đất liền. Chính điểm này giúp ông tạo được
những thành công với người Việt, mà hầu như chẳng có nơi nào có được
như thế.
Dĩ nhiên một nhân vật như thế cũng có những hạn chế về cá tính và con
người. Bartoli cho hay, de Rhodes là người nhiệt thành tông đồ và kiên
trì, nhưng lại ít khi đắn đo về những hệ quả của việc làm: ông làm ào
ào, chỉ quan tâm tới hiện tại, chẳng nghĩ tới hậu quả lâu dài. Đấy là
khuyết điểm không thể phủ nhận. Không phải tất cả mọi sáng kiến của ông
đều đã được suy tính cẩn thận (mà những nhân vật lớn từng tạo ra chuyển
động cũng đâu có khác?). Ông là một thừa sai liều lĩnh, đấy cũng là lí
do khiến ông bị lưu đày và phải nằm chờ ở Ma-cao suốt 10 năm. Nhưng ta
không thể kết án về sự cứng đầu trong nhận thức và quan điểm của ông.
Ông cũng luôn là người biết vâng lời và chịu sửa sai. Và trước hệ quả
lâu dài do các công trình của ông, trong một mức độ nào đó ta không thể
không xếp ông vào hàng những nhân vật có công lớn trong lãnh vực „hội
nhập“ truyền giáo, như Ricci hay Nobili. Ông không nỗ lực đưa Ki-tô giáo
thấm nhập vào nền „văn hoá cao“ của giai tầng ưu tuyển. Nhưng ông đã
đánh thức những sáng kiến bản xứ và đã ưu tiên huy động các cộng đoàn
ki-tô giáo. Các thừa sai có thể đến rồi đi; nhưng công cuộc truyền giáo
vẫn liên tục phát triển, chứ không sụp đổ. Là vì đó là công trình của
các Ki-tô hữu việt nam cũng như của những người nhiều ảnh hưởng khác (kể
cả phụ nữ), họ đã đặt tương lai đức tin ki-tô giáo của đất nước trên
vai của chính mình. Và đó có lẽ là công trạng lớn nhất của de Rhodes:
ông đã mở đầu và đồng hành với một công trình, công trình này chẳng lệ
thuộc vào cá nhân ông và rốt cuộc cũng không lệ thuộc vào các thừa sai
dòng Tên, nó đã không đứng vững hay sụp đổ theo ông. Và cũng vì thế mà
cuộc truyền giáo ở Việt Nam thành công hơn ở các quốc gia á đông khác.
Là vì nơi đây một vị thừa sai liều lĩnh đã gặp một dân tộc dấn thân,
liều lĩnh và gan dạ tới chết. Sự trao đổi may mắn và mối liên kết của
hai phía đã tạo nên điều lạ lùng.
Có hai thất vọng lớn trong cuộc đời de Rhodes. Thất vọng thứ nhất, là
ông không được trở lại Việt Nam. Thất vọng thứ hai, là ông không được đổ
máu tử vì đạo như lòng mong ước. Mong ước này ngay từ đầu luôn gắn liền
với ước mơ truyền giáo. Điều này không có nghĩa, như ta đã thấy, là ông
hành động một cách bất cẩn và đã không lẩn trốn khi có thể. Sống trong
truyền thống ki-tô giáo cổ, ông hiểu rằng, ơn tử đạo không dành cho
những kẻ kiêu căng phách lối và đó là một hồng ân chứ không phải do ý
muốn của con người. Và ông cũng luôn dạy cho bổn đạo mình điều đó. Nhưng
ông tha thiết nhận được ơn này như là mũ triều thiên của cuộc đời
truyền giáo. Vì không được, ông đâm ra ngờ vực chính mình và nghĩ rằng
vì mình quá tội lỗi. Mà cũng bởi thế, nên ông đặt hết tin tưởng nơi
những kẻ đã nhận được ơn phúc đó, đặc biệt nơi chú kẻ giảng mình là
An-rê.
Ông vừa thiếu can đảm vừa thiếu cơ hội. Nhưng cho mãi tới trong thế kỉ
18, chỉ có bổn đạo và nhất là những kẻ giảng của ông bị bách hại và bị
giết, còn các thừa sai ngoại quốc thì không: họ cứ bị trục xuất đi trục
xuất lại (như chính số phận của de Rhodes) và ngay cả bị tuyên án tử,
nhưng án này chưa bao giờ được thi hành. Là bởi vì các thừa sai có quá
nhiều liên hệ với việc thương mại của người Bồ, và các nhà chúa thì lại
mong muốn có những thương mại này. Chỉ tới năm 1723 mới có những thừa
sai tử đạo ở Đàng Ngoài, năm 1745 cũng có một số tu sĩ dòng đa-minh bị
giết (dòng Đa-minh vào truyền giáo từ năm 1711).
Giáo Hội việt nam, hơn bất cứ giáo hội nào khác, là một Giáo Hội của
những kẻ tử vì đạo. Trong suốt thế kỉ 18, trên cả hai miền Nam và Bắc
đều diễn ra những cuộc bắt đạo, chỉ xen kẽ những thời gian yên bình ngắn
ngủi. Sau khi Gia Long thống nhất hai miền vào năm 1802, Ki-tô giáo
được tạm dung trong hai chục năm. Nhưng rồi lại tiếp tục những cơn bách
hại, mà đỉnh điểm là từ 1855 tới 1862 dưới thời Tự Đức: nhiều làng ki-tô
giáo bị thiêu rụi, những kẻ sống sót phải chạy trốn vào rừng hoặc lên
núi. Các cuộc bách hại chỉ chấm dứt sau khi người Pháp đánh chiếm toàn
cõi Việt Nam. Cuộc tiến chiếm bắt đầu từ vùng đồng bằng sông Cửu Long
vào năm 1858 cho đến khi sát nhập được miền Bắc vào năm 1885. Năm 1988,
117 vị tử đạo trong thế kỉ 18 và 19 được Giáo Tông Gio-an Phao-lô II đưa
lên bàn thánh. Đó chỉ là những vị mà người ta biết rõ về cuộc đời và
cái chết. Có lẽ chỉ khoảng một phần ngàn Ki-tô hữu bị giết vì đức tin.
Tổng số cụ thể ước chừng từ 100 tới 130 ngàn vị, một số lượng tử đạo
chưa một quốc gia nào khác và chưa có một cuộc bắt đạo xưa nay nào đạt
tới.
* Alexandre de Rhodes và Giáo Hội việt nam (Bài V)