Những cạm bẫy khi lắng nghe

Những cạm bẫy  

khi lắng nghe
TS Nguyễn Văn Thành
Cạm bẫy trong thái độ và ngôn ngữ của người chia sẻ, diễn tả, cũng như cạm bẫy có mặt trong người lắng nghe , đồng cảm. Thế nhưng nguyên nhân sâu xa đẻ ra bao nhiêu vấn đề rắc rối ấy là tâm trạng lo buồn và khổ đau đang trấn áp người nầy cũng như người kia. Ý thức được trọng tâm của vấn đề, chúng ta sẽ ngày ngày tinh tấn tôi luyện kỹ năng hóa giải xúc động và tình cảm, vừa khi nó xuất hiện.

Tuy nhiên, như Phân tâm học đã thường nhắc nhở cho chúng ta, xúc động và tình cảm là sào huyệt của vô thức và dồn nén. Và vô thức không bao giờ hoạt động giữa ánh sáng ban ngày. Nó "nghinh đông kích tây". Nó thường "đánh du kích". Nó sử dụng "hỏa mù". Cho nên nội dung sứ điệp của người phát tin luôn luôn bị bóp méo, xuyên tạc dưới nhiều hình thức khác nhau, khi nó đến trong tâm tưởng của người nhận tin. Nhận biết điều nầy, chúng ta còn có thêm cơ may nâng cao chất lượng thức tỉnh. Thể theo chiều hướng ấy, tôi sẽ khảo sát trong phần một ba hình thức xuyên tạc khác nhau. Trong phần hai tiếp theo, tôi đưa ra một vài thể thức đề phòng.
 
4.1- Những hình thức xuyên tạc
Nội dung sứ điệp gửi đi và nhận được từ người chia sẻ đến người lắng nghe thường bị bóp méo, bằng ba cách khác nhau:
Cách thứ nhất : Có bé xé ra to
Theo thuyết cấu trúc được P. Senge trình bày một cách rõ ràng và cụ thể trong các tác phẩm của mình, nội dung sứ điệp phải được xem như một tổng thể rộng lớn (24). Tổng thể nầy bao gồm nhiều thành tố khác nhau. Như những con cờ tướng đang vận chuyển từ vị trí nầy đến vị trí khác trên một bàn cờ tướng. Trong những con cờ: tướng, sĩ, tượng, xe, pháo, mã, tốt, con nào quan trọng nhất? Không nắm vững vị trí chiến lược và chiến thuật của một con cờ trên toàn diện bàn cờ, làm sao tôi có thể xác định giá trị hiện tại của nó? Khi con tốt đã qua sông, nhất là đang lại gần vòng cơ doanh của con tướng, nó sẽ làm cho toàn thể bàn cờ chấn động.
Người chơi cờ vụng về chỉ biết xê dịch xe, pháo, mã, và không biết chuyển binh những con tốt của mình, chẳng bao lâu xe, pháo, mã đều bị tê liệt hay là dậm chân tại chỗ.
Khi nghe một người chia sẽ, tôi làm thinh. Nhưng đầu não tôi làm việc như khi chơi cờ tướng. Vừa rồi đây, một bạn thân kể cho tôi nghe mình bị người nầy, người kia bịa đặt những mẩu chuyện tình cảm để tạo khó khăn và bôi nhọ mình. Sau hơn nữa giờ lắng nghe, tôi chỉ đưa ra một câu hỏi nhỏ:
"Em nói về ông A... Trong tập thể, ông A có ảnh hưởng gì?"
Dần dần, bạn tôi cho tôi hay ông A đã quá 60 tuổi, sống cô đơn, ít được ai lắng nghe. Ông A  muốn tạo quan hệ, nhưng quan hệ nào cũng không đi đến đâu.
Thì ra ông A  muốn tạo ra cho mình một hình ảnh quan trọng. Nếu bạn tôi quan trọng hóa tin đồn ông A muốn tung ra, bạn tôi đã bắt đầu đóng góp cho kế hoạch của ông A. Tôi dùng từ "kế hoạch". Không chỉnh! Nhưng hiểu được vô thức có thể tác oai, tác quái đến độ nào, chúng ta có thể chịu đựng được lối nói nầy.
Nói tóm lại, "có bé xé ra to" có nghĩa là chúng ta quan trọng hóa một diều không mấy quan trọng. Tách rời một thành tố khỏi bao nhiêu thành tố khác, chúng ta sẽ nâng cao nó lên hàng tổng thể. Đó là cơ chế của hình thức xuyên tạc thứ nhất còn được gọi là "cường điệu" hay là quan trọng hóa".
Cách thức thứ hai: San bằng
Khi chúng ta chỉ dùng một lỗ tai để nghe và lỗ tai kia làm chuyện khác, chúng ta không thể đặt lên hàng đầu cái gì là ưu tiên số một. Lý do là vì không có ưu tiên gì cả. Mọi cái đều giống nhau, bởi vì chúng ta chỉ ghi nhận tiếng động bên tai. Và nội dung của sứ điệp thoát khỏi tần số hiểu biết của chúng ta. Nói một cách rõ ràng, chúng ta không lắng nghe. Chúng ta không đồng cảm vì chúng ta không có cảm tình gì cả với người đối diện.
Để hiểu được tại sao có hiện tượng san bằng nầy, chúng ta hãy khảo sát cơ chế lắng nghe và học tập nơi một đứa bé (25) :
Một sứ điệp, muốn được ghi nhận, cần ở giữa hai cường độ khác nhau.
Cường độ thứ nhất ở mức tối thiểu còn được gọi là Ngưỡng sơ khởi.
Bao lâu cường độ của sứ điệp chưa đạt ngưỡng sơ khởi, sứ điệp ấy không có điều kiện để thu hút và gây chú ý.
Hồi tôi còn bé, Mẹ tôi thường trách tôi: "Sao mầy nghe tao như điếc vậy?" Hôm nay, với hơn 30 năm trong ngành tâm lý và sư phạm, tôi còn bỡ ngỡ kinh hoàng tự hỏi làm sao một bà mẹ quê mùa, mộc mạc trong một thôn xóm Việt Nam có thể có nhận xét tâm lý tinh vi và mô tả chính xác như vậy ?
Hẳn thực, "nghe như điếc" là cách nghe của một đứa bé trước khi đạt ngưỡng sơ khởi. Nó chưa có tầm độ sở thích đầy đủ cho nên nó nghe mà vẫn không nghe. Nói một cách chính xác, nó nghe tiếng động nhưng nó không hiểu ý nghĩa của một câu nói.
Làm việc lâu ngày với trẻ em khuyết tật tâm thần, tôi mới ý thức được về hiện tượng tâm lý nầy. Để đánh thức chú ý và sở thích của các trẻ em nầy, tôi vừa vận dụng thị, thính và xúc giác cùng một lượt.
Chính vì lý do "ngưỡng sơ khởi", chúng ta phải khảo sát nhiều điều kiện cùng một lúc khi lắng nghe:
- mức độ thiện cảm giữa người nghe và kẻ nói,
- mức độ thu hút của đề tài,
- tình trạng sinh lý hóa của người lắng nghe,
- động cơ nào đang thúc đẩy chúng ta lắng nghe.
Cách thức thứ ba: tẩy xóa
Một ngưỡng thứ hai cần được khảo sát là ngưỡng khổ đau.
Khi cường độ của tiếng nói hay tiếng động vượt mức tối đa, vì lý do sống còn, trẻ em có phản ứng tự vệ, xa lánh. Các trẻ em sơ sinh đã biết ngoảnh nhìn nơi khác. Các em cử động tay chân, dường như muốn bịt tai lại. Hay là hét la lên, để át tiếng động khó chịu.
Trên đây, tôi đã đề cập đến hiện tượng nầy:
Một, khi người phụ nữ khổ đau, họ muốn nói nhiều về mình và không còn tiếp thu những lời lẽ chứng minh , suy luận, suy lý nơi kẻ khác. Nhu cầu cơ bản của họ, ở trong tình trạng nầy, là được lắng nghe bằng hai tai hoàn toàn thinh lặng.
Hai, khi người đàn ông khổ đau, họ không muốn trang trải, trình bày như người phụ nữ. Họ có nhiều chọn lựa khác nhau: thinh lặng ngồi nhìn mây bay, lửa cháy trong lò. Tìm một công việc ưa thích, một thú tiêu khiển sở trường, một "hobby" trong tiếng Anh. Hay là họ rủ bạn bè chơi cờ, đánh bài, đấu thể thao...
Bao nhiêu điều ấy là những hình thức tắm gội, đổi mới hàn gắn lại vết thương.
Nếu phải ngồi lắng nghe, ở giữa tình trạng khổ đau, não bộ hay là hệ thần kinh trung ương chỉ làm công việc tẩy xóa hay là thanh lọc, thay vì ghi nhận, phân tích, tổng hợp, suy diễn.
Càng ngày các khoa học gia nghiên cứu về não bộ càng chia sẻ cho chúng ta nhiều tin tức mới lạ và hấp dẫn về thể thức sinh hoạt của hệ thần kinh trung ương (26).
Theo lời hướng dẫn của J. LeDoux, những tin tức thâu lượm từ các vùng giác quan đều tập trung về một cấu trúc ở thân não, mang tên là Đồi thị  (Thalamus). Từ trung ương tiếp thu Đồi thị, tin tức được phân phối để đi theo hai con đường khác nhau. Tin tức khẩn trương được tức khắc chuyển thẳng đến cấu trúc Hạnh Nhân (Amygdala), thuộc não bộ hệ viền (Limbic). Bao nhiêu tin tức khác được phân phát cho các thùy chuyên môn thuộc tân vỏ não (Néo-cortex). Thùy trán (Lobe frontal) sẽ dựa vào tin tức từ bốn phương gửi về, để phát đi những chỉ thị tư duy, suy luận.
Trung ương báo động là cấu trúc Hạnh nhân (Amygdala) dựa vào những tin tức khẩn trương để phát thẳng những chỉ thị cấp thời, không cần lệnh phê duyệt của các thùy thuộc bộ tham mưu trung ương của tân vỏ não.
Hạnh nhân là trung ương báo động của đời sống tình cảm và xúc động. Khi có lệnh khẩn cấp phát đi từ đây, thì mọi đường dây phát lệnh khác phải tạm thời ngưng hoãn, tê liệt.
Tất cả những gì chúng ta đã trình bày về cơ chế tẩy xóa đều thích ứng một cách kỳ diệu với lời giải thích của các nhà nghiên cứu về não bộ.
Một cách đặc biệt, như chúng ta đã nhận định, suy luận hay tranh biện với một ai đang khổ đau tràn ngập, là một hình thức "đàn gảy tai trâu". Hẳn thực, khi cấu trúc Hạnh nhân (Amygdala) - trung ương báo động của đời sống tình cảm - phát ra mệnh lệnh khẩn trương, mọi cơ cấu tư duy thuộc các thùy của tân vỏ não đều bị vô hiệu hóa. Tâm lý và khoa học về não bộ trùng hợp một cách lạ lùng và kỳ vĩ (27) .

4.2. Những thể thức đề phòng
Xuyên qua bao nhiêu tin tức do tâm lý và khoa học não bộ cung ứng, chúng ta có thể rút ra nhiều nguyên tắc hành động. Những nguyên lý này một đàng hướng dẫn và soi sáng chúng ta trong vấn đề phát huy kỹ năng lắng nghe. Đàng khác, dựa vào cơ sở vững chắc ấy, chúng ta có cơ may phát giác hoặc đề phòng những nhiễu loạn trong công việc tiếp xúc và trao đổi hàng ngày của chúng ta.
Nguyên lý thứ nhất: Lắng nghe là một tiến trình sinh hoạt tâm lý bao gồm rất nhiều động tác khác nhau. Tiến trình này bắt nguồn từ một tư cách làm người. Cho nên chất lượng của nó tùy thuộc vào một lối nhìn về con người mà chúng ta muốn lắng nghe. Hiện tại, tôi có lối nhìn nào?
Nguyên lý thứ hai: Dựa vào lối nhìn, chúng ta cần xác định từ đầu mục đích tối hậu của lắng nghe. Trong trường hợp cụ thể, tôi lắng nghe để làm gì?
Nguyên tắc thứ ba: Chính lúc tôi lắng nghe, tôi cần quyết định: bây giờ, ưu tiên một tôi đặt lên hàng đầu là gì: im lặng hoàn toàn, phản ảnh, đặt câu hỏi nới rộng, đồng cảm, động viên, gây ý thức, hóa giải tình cảm hay là nuôi dưỡng quan hệ...?
Nguyên tắc thứ bốn: Nếu ưu tiên môt là lắng nghe, phải chăng tôi đang tìm hiểu và chứng minh cho người đang nói là họ được lắng nghe, không bị bóp méo, xuyên tạc?
Nguyên tắc thứ năm: Nếu ưu tiên một là nuôi dưỡng quan hệ hài hòa, tốt đẹp, tôi phải làm gì khi người trước mặt dùng lời lẽ có vẽ chỉ trích, công kích, tố cáo?
Nếu tôi ý thức có những tình cảm tiêu cực như nhàm chán, bực bội... đang bắt đầu có mặt trong tôi, tôi phải hành động như thế nào?
Nguyên tắc thứ sáu: Nếu người khác đang cần tôi về mặt tâm linh, phải chăng tôi biết rõ điều họ cần là gì?
Tôi có gì để cho?
Và tôi nhận lại những gì cụ thể, tích cực?
Trường hợp tôi cảm thấy mình thua thiệt, mất mát...tôi phải tức khắc quyết định và chọn lựa gì? Thế nào?
Nguyên tắc thứ bảy: Sáu nguyên tắc trên đây có liên hệ đến sáu kỹ năng khác nhau của lắng nghe. Chỗ nào tôi đã nhuần nhuyễn? Chỗ nào tôi còn vụng về, cần tôi luyện hơn nữa?
Nếu chúng ta có thể trả lời được cho mình bảy loại câu hỏi trên đây, chúng ta đang có khả lực đề phòng và đối kháng trong con người của chúng ta. Nói cách khác, chúng ta đang biết lắng nghe. Một vài vấp váp, lầm lỡ còn có thể xảy ra...Nhưng đó là những bài học để củng cố những gì chúng ta đã đặt nền móng.
 
*
*        *