Học Thuyết Xã Hội Công Giáo

Một Cái Nhìn Mới

Về Học Thuyết

Xã Hội Công Giáo


Hervé Carrier, S.J.
Bản dịch

Nguyễn Đăng Trúc


Tập sách nầy cố đưa ra một cái nhìn mới về học thuyết xã hội của Giáo hội cũng như về vai trò mà Giáo hội được gọi để chu toàn trong thời buổi hôm nay. Chúng ta sẽ thấy rằng ảnh hưởng ngày nay của tư tưởng xã hội công giáo là kết quả của một chuỗi kinh nghiệm lâu dài: kinh nghiệm qua lịch sử về các mối quan hệ giữa Giáo hội với các xã hội.



Hội đồng Giáo hoàng
"Công lý và Hoà bình"

Một Cái Nhìn Mới
Về Học Thuyết
Xã Hội Công Giáo


Hervé Carrier, S.J.

Bản dịch

 Nguyễn Đăng Trúc



Quyển I

Học Thuyết Xã Hội
Của Giáo Hội

Các Nguồn Phát Sinh

Và ý Nghĩa Hiện Nay


Bộ sách Muối Đất


Định Hướng tùng thư
13 G rue de l’ILL
67116 Reichstett - France

2000


Dẫn nhập

Hai mươi lăm năm vừa qua, tư tưởng và hoạt động của người công giáo trong lãnh vực xã hội đã ghi nhận một bước phát triển khả quan. Giáo hội được xem là một trong những định chế đáng nể trọng nhất qua những nổ lực dấn thân hiệu quả và uy tín nhằm cổ võ hoà bình, công lý, nhân quyền, thăng tiến văn hoá và xã hội. Công đồng Vaticanô II và các vị Giáo hoàng vào thời đại hôm nay đã thành công chuyển sứ điệp Phúc âm thành một toàn bộ những nguyên lý đạo đức và định hướng tinh thần để hướng dẫn những sinh hoạt của xã hội ngày nay. Giáo hội và xã hội đã đi đến một phương thức đối thoại mới, có nền tảng sâu xa hơn, mang lại lợi ích chung cho đức tin Kitô giáo cũng như các nền văn hoá hiện đại.
Kinh nghiệm mới mẻ nầy còn tạo nên uy tín và hiệu quả cho tiếng nói của Giáo hội, khi Giáo hội lên tiếng đòi hỏi cần có một xã hội công bằng và nhân đạo cho tất cả mọi người. Kinh nghiệm đó cũng cống hiến một sự kiện có tầm vóc quan trọng đặc biệt trong cuộc sống Giáo hội: Giáo hội càng cảm thấy mình hiện diện trung thực hơn mỗi khi đồng hoá mình vào công cuộc giải phóng và thăng tiến mọi người nam  nữ.
Trong bối cảnh rộng rãi nầy - vừa có tính cách giáo hội vừa văn hoá -, chúng ta sẽ lượng định ý nghĩa của Học thuyết Xã hội Công giáo. Học thuyết đó không phải là một sinh hoạt thứ yếu, nhưng diễn tả hùng hồn về sự hiện diện tích cực và cứu độ của Giáo hội ở giữa các xã hội con người.
Tập sách nầy cố đưa ra một cái nhìn mới về học thuyết xã hội của Giáo hội cũng như về vai trò mà Giáo hội được gọi để chu toàn trong thời buổi hôm nay. Chúng ta sẽ thấy rằng ảnh hưởng ngày nay của tư tưởng xã hội công giáo là kết quả của một chuỗi kinh nghiệm lâu dài: kinh nghiệm qua lịch sử về các mối quan hệ giữa Giáo hội với các xã hội.
Để nắm bắt được giáo huấn của Giáo hội về xã hội, chúng ta sẽ dừng lại ở vài câu hỏi chính: Giáo huấn ấy phát sinh từ nguồn gốc nào? Nó liên hệ đến cuộc sống của Giáo hội và các xã hội như thế nào? Nó có ý nghĩa gì cho các xã hội ngày nay? Chúng ta sẽ đề cập đến các câu hỏi ấy qua hai lối tiếp cận bổ sung cho nhau.
Trước hết, là tiến trình hình thành qua lịch sử và lối diễn tả ngày nay của Học thuyết Xã hội Công giáo (Quyển I).
Sau đó chúng ta sẽ phân tích và bình luận một số tài liệu được chọn lựa của các vị Giáo hoàng kể từ Đức Lêô XIII đến Đức Gioan Phaolô II; các tài liệu nầy sẽ nêu r õ lên ý nghĩa về Học thuyết Xã hội của Giáo hội (Quyển II).
Chúng tôi cống hiến những trang nầy nhằm giúp độc giả có được những nét chính yếu để đi vào việc nghiên cứu về sau. Và cầu mong hai lối tiếp cận ấy - một cái nhìn có tính cách lịch sử và một nổ lực phân tích các tài liệu - sẽ giúp độc giả hiểu rõ hơn về tiến trình phát triển của Học thuyết Xã hội Công giáo và công việc phục vụ đặc loại mà Giáo hội được gọi để chu toàn trong thời đại của chúng ta.


I

Quan điểm của một
định chế có kinh nghiệm


Một lối tiếp cận mới về Học thuyết Xã hội Công giáo đang được áp dụng rộng rãi. Người ta truy cứu lại học thuyết đó trong khung cảnh của toàn bộ sứ mạng giáo huấn của Giáo hội từ lúc khởi thuỷ, và dưới ánh sáng của kinh nghiệm về cuộc sống xã hội, chất chứa qua bao thế kỷ. Đó là lý do tại sao tư tưởng xã hội  của một định chế đầy kinh nghiệm như Giáo hội được dư luận dân chúng cũng như các nhà chuyên môn lưu ý. Người ta lại càng để tâm hơn nữa  vể quan điểm đặc loại của Giáo hội khi Giáo hội lên tiếng trong lãnh vực xã hội.

I.1. Học thuyết Xã hội Công giáo là gì,
     và cái gì không phải là nó
Ngày nay, bản tính riêng của Học thuyết Xã hội Công giáo đã được minh định và chức năng của nó được hiểu rõ hơn. Quan điểm đặc loại của giáo thuyết xã hội thiết yếu là quan điểm của nền thần học đạo đức áp dụng vào các vấn đề xã hội. Việc minh định như thế rất quan trọng: nó cho thấy ngay cái không phải là học thuyết ấy và loại bỏ được những ngộ nhận và quan niệm sai lạc về các ý định thật sự của Giáo hội khi Giáo hội dấn thân vào các vấn đề xã hội.
Vào thời chúng ta, những ai cập nhật vấn đề thường hiểu được rằng Giáo thuyết Xã hội Công giáo không thể nào so sánh với một lập trường ý hệ nào đó, như nhận xét không kiểm chứng của một số người trong quá khứ. Một cách khách quan, ngày nay Giáo thuyết Xã hội của Giáo hội không được hiểu như là một ý hệ, một lý thuyết xã hội, cũng không phải là một bản phóng họa tóm lược dự án riêng cho một hệ thống kinh tế hoặc xã hội, hay một lối vận dụng quyền lực một cách kín đáo hoặc biện minh cho các quyền lợi đã sở đắc; cũng không phải là một ước mơ được lý tưởng hoá hay một bộ sách đạo đức  luân lý trừu tượng dùng cho các tập thể con người. Giáo thuyết nầy cấu tạo nên "một loại riêng của nó". Nó diễn tả suy tư của Giáo hội về các thực tại xã hội trong thời đại chúng ta qua việc thẩm định các thực tại xã hội đó chiếu theo ánh sáng của Phúc âm, và đề nghị những nguyên tắc chỉ dẫn nếp sinh hoạt thực tiễn nơi xã hội nầy. Từ nền tảng ấy, giáo thuyết xã hội là một lối áp dụng của thần học, và đặc biệt là thần học luân lý, vào các vấn đề đạo đức mà xã hội con người thắc mắc.
Học thuyết nầy vừa được thần học hứng khởi vừa dựa  trên thực tế của xã hội, vì nó đề nghị một quan điểm sống theo tinh thần Kitô giáo trong những hoàn cảnh xã hội khác nhau từng được nghiên cứu nhờ khả năng suy tư của lý trí và các ngành khoa học nhân văn. Đây là một dịch vụ Giáo hội cống hiến cho những ai đang xây dựng xã hội: "Bằng cách ấy (Giáo hội) tìm cách hướng dẫn con người, để họ dựa vào suy tư của lý trí và thành quả của các ngành khoa học nhân văn, đáp trả ơn gọi của mình là mang lấy trách nhiệm xây dựng xã hội trần thế" [1].
Vì thế, qui ghép Học thuyết Xã hội của Giáo hội như một giải pháp thứ ba giữa thuyết Mác-xít và chủ nghĩa tư bản, làm như Giáo hội xướng lên một loại ý hệ mới thay thế để kiến tạo một hệ thống kinh tế hoặc chính trị, đó là một lối suy nghĩ sai lầm. Giáo hội không đề nghị một ý hệ nào, một hệ thống xã hội, kinh tế, chính trị nào bất kỳ. Sự việc đó không nằm trong  khung hoạt động, cũng như khả năng của Giáo hội. Vai trò đặc loại của Giáo hội là kiến giải giá trị đạo đức của các sinh hoạt xã hội và cống hiến những nguyên tắc chỉ dẫn ăn khớp với cái nhìn của Phúc âm về nhân phẩm. Quan điểm ấy đã từng được Đức Gioan Phaolô II diễn tả rõ ràng: "Học thuyết Xã hội của Giáo hội không phải là "con đường thứ ba" giữa chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa tập thể Mác-xít, cũng không phải một giải pháp nào đó bất kỳ trong các giải pháp ít triệt để hơn: nó cấu thành một loại riêng của nó. Nó không phải là một ý hệ, nhưng là một lối diễn tả chính xác những kết quả của một nổ lực suy tư hướng đến các thực tại phức tạp của nhân sinh trong xã hội và trong bối cảnh quốc tế, dưới ánh sáng đức tin và truyền thống của Giáo hội. Mục đích chính của nó là kiến giải các thực tại nầy, xét xem chúng thích hợp hay cách biệt với những đường hướng của lời dạy trong Phúc âm về con người và về ơn gọi trần thế và siêu nhiên của nhân loại; như thế Học thuyết Xã hội của Giáo hội có mục đích là định hướng cách sống theo Kitô giáo. Nên nó không đi vào lãnh vực của ý hệ, nhưng thuộc lãnh vực của thần học và đặc biệt là thần học luân lý" [2].

I. 2. Một kinh nghiệm thu thập dần hồi
Một lý do khác giải thích sự lưu ý đối với học thuyết xã hội của Giáo hội, là ngày nay người ta đang xem nó như một tiến trình đang phát triển mạnh mẽ hơn là một bộ luật bất động về các mẫu mực xã hội nhất định. Nhìn dưới khía cạnh nầy, giáo huấn Giáo hội được hiểu như một nổ lực chậm rãì, cẩn trọng, nhưng ngày càng phát triển sâu rộng nhằm thấu hiểu và đồng hành một cách siêu nhiên với kinh nghiệm xã hội của gia đình nhân loại. Học thuyết đó không phải thuần lý thuyết; nó hết sứ thực tiễn bởi lẽ nó có thể áp dụng cho những hoàn cảnh lịch sử kế tiếp nhau và thích ứng với một tiến trình canh tân trường kỳ; thật thế, suy tư Kitô gìáo cập nhật các hoàn cảnh đổi thay  và gợi lên những thách đố đạo đức của những xã hội khác nhau. Đó là những lý do khiến Giáo hội mời gọi chúng ta  truy tìm tư tưởng xã hội Kitô giáo, xuyên qua tiến trình phát triển của nó trong những hoàn cảnh luôn luôn mới mẻ, được tài bồi qua các thế kỷ từng chạm trán với các vấn đề đạo đức và siêu nhiên của các xã hội trong nhiều nền văn hoá và nhiều thời đại khác nhau.
Những vấn đề khẩn trương mà thời đại chúng ta phải đương đầu đòi hỏi Kitô hữu phải xét kỹ lương tâm mình và dấn thân. Đó là điều mà Thượng Hội đồng Giám mục năm 1985 đã nêu lên: "Thật thế, ngày nay khắp mọi nơi trên thế giới, chúng ta chứng kiến đà gia tăng của nạn đói, áp bức và bất công, chiến tranh hoành hành trên nhiều vùng khác nhau kéo theo bao đau khổ, trong lúc đó nạn khủng bố và bạo động dưới muôn vàn hình thức thể diễn nơi nơi. Sự kiện nầy buộc chúng ta phải có một lối suy tư thần học mới và sâu xa hơn để kiến giải các dấu chỉ ấy dưới ánh sáng của Phúc âm". Thượng Hội đồng kết luận rằng chúng ta phải hiểu rõ hơn về bản chất của "Học thuyết Xã hội của Giáo hội đối với nổ lực thăng tiến con người trong những hoàn cảnh luôn luôn mới mẽ" [3] và đem ra thực hành.

I.3. Một tiến trình phát triển
Lời kêu gọi thích đáng nầy thúc đẩy chúng ta nghiên cứu lại Giáo thuyết Xã hội của Giáo hội như một tiến trình triển nở liên tục, tương hợp với kinh nghiệm của các thế hệ Kitô hữu đã từng dấn thân tìm hiểu các trách nhiệm của chính mình ở giữa lòng các xã hội rất khác nhau qua các thế kỷ. Quan điểm đó đáng được lặp lại lần nữa vì nhiều người vẫn có khuynh hướng xem Học thuyết Xã hội của Giáo hội như một toàn bộ các luật lệ cứng nhắc, bất động.
Chúng ta nhớ lại thời gian các năm 60 và 70 đã có một cuộc tranh luận, trong một số môi trường sinh hoạt của người công giáo, về "Học thuyết Xã hội của Giáo hội", ý nghĩa, tầm quan trọng hiện thời và ngay cả sự hiện hữu của nó. Một số người phê bình nêu lên rằng ''học thuyết'' ấy chả có gì đáng kể, chẳng qua đó cũng là một lối phát biểu có tính cách ý thức hệ đối đầu với những ý thức hệ có giá trị thực tiễn hơn như xã hội chủ nghĩa hoặc thuyết cộng sản. Một số người khác lại xem giáo huấn xã hội của Giáo hội như một bộ sách tổng hợp các thông điệp các Giáo hoàng, mà đem ra trích dẫn thì cũng chẳng gìúp ích gì mấy trong việc tìm hiểu vai trò của Giáo hội trong các xã hội tân kỳ.
Nhưng nay hoàn cảnh đã chuyển hướng rõ rệt, dần hồi, qua việc tiếp nhận và hiểu rõ hơn về sứ điệp của công đồng Vaticano II. Những cố gắng không ngừng của Đức Phaolô VI và Gioan-Phaolô II cũng có tính cách quyết định: các Ngài đã đóng góp thật nhiều trong việc cập nhật giáo huấn của Giáo hội vào các vấn đề thiết yếu mà xã hội đương thời đã đối đầu: công lý, nhân quyền, tự do, giải phóng, phát triển, hòa binh, môi sinh, bảo vệ gia đình, giới lao động, các người bị áp bức, các nhóm người thiểu số, các trách nhiệm của các hội đoàn, các quốc gia, các cơ quan quốc tế.
Giờ đây người ta hiểu được rằng giáo huấn của Giáo hội thể hiện một ''mối ưu tư ngày càng lớn'' và luôn là một tiến trình mở rộng. Sự kiện đó có nghĩa là, điều gì Giáo hội ngày nay xác quyết, liên quan đến những mối quan hệ của mình với các xã hội và các nhóm, không phải chỉ phát xuất từ những lối diễn dịch trừu tượng, nhưng đúng hơn, nó phản ảnh một kinh nghiệm suy tư và hành động thu thập qua nhiều khung cảnh xã hội luôn diễn tiến một cách linh động. Kinh nghiệm đó khởi phát từ thời nguyên thủy của Giáo hội, một Giáo hội luôn luôn lưu ý đến những đổi thay của xã hội xảy đến trong lịch sử, cho đến thời đại hiện nay.
Những trang sách này sẽ nêu lên một cái nhìn tổng hợp về kinh nghiệm phong phú và linh động đó của Giáo hội, của những nỗ lực áp dụng các nguyên tắc của Phúc âm vào các thực tại của các xã hội đang biến đổi, nhờ vào lối suy tư Kytô giáo và công trình tìm hiểu dựa trên lý trí.





II


Giáo hội và Xã hội
Ảnh hưởng hổ tương


Trước hết,  phải nhìn nhận rằng Giáo hội không phải chỉ biết  ''giáo huấn'' các xã hội, nhưng cũng ''học hỏi'' một cái gì nơi các xã hội ấy. Thật thế, quan hệ giữa Giáo hội và Xã hội tương ứng với một tiến trình ảnh hưởng hổ tương và tác động lên nhau. Một mặt, các xã hội nối tiếp nhau đã để lại dấu vết rõ rệt trong Giáo hội xét như một thực thể xã hội. Giáo hội đã ghi khắc những nét đa biệt xuyên qua những đổi thay của các nền văn hóa trong lịch sử, tiến trình phát triển của các ngành khoa học, nghệ thuật và các kỹ thuật sản xuất và truyền thông. Những thay đổi bên trong xã hội như thế, một phần do chính Giáo hội chi phối, đã đem lại cho người Kytô hữu cũng như những người không phải là Kytô hữu những quan điểm mới về hữu thể con người trong khung cảnh tổ chức cuộc sống vật chất và xã hội. Trong khuôn khổ này, mặc dầu ngay từ khởi thủy Giáo hội luôn ý thức về bản sắc cá biệt nơi nền tảng của mình, thì xuyên qua nhiều thế kỷ, Giáo hội ấy cũng đã chứng kiến những đổi thay nơi thân thể bên ngoài, nên việc phân biệt giữa Giáo hội của các thời kỳ khởi thủy, với Giáo hội thời trung cổ và Giáo hội thời tân kỳ là việc làm chính đáng.
Mặt khác, nếu nhìn ảnh hưởng của Giáo hội trên xã hội, thì rất dễ thấy tác động của Kytô giáo trên nhiều cấp độ khác nhau. Trước hết, Giáo hội đã đào luyện cảm thức đạo đức tập thể và nếp sống xã hội qua nhiều thế kỷ bằng cách cổ suý các giá trị cốt lõi về công bằng và bác ái. Giáo hội còn ảnh hưởng trên các xã hội do các hoạt động bác ái từ thiện và dấn thân xã hội của các Kytô hữu. Cuối cùng, một cấp độ khác nữa, đó là giáo thuyết xã hội được Giáo hội trình bày rõ ràng, càng ngày càng gia tăng tầm quan trọng qua các thế kỷ, tạo nên một phương thế ảnh hưởng riêng trên nề nếp và cơ cấu sinh hoạt trong xã hội .
Ở đây chúng  tôi sẽ xét đến một số kiểu mẫu tác động xã hội hỗ tương có tính cách đặc trưng đã từng phát triển làm đổi thay các xã hội khác nhau. Chúng sẽ minh chứng cho thấy quan điểm, tư tưởng và giáo huấn của Kytô giáo đã ảnh hưởng sâu rộng trên các thực tại xã hội.





III

 Tình Huynh đệ phổ quát
Tác động của một ý tưởng


Ít có ý tưởng nào trong lịch sử đã từng gây tác động sâu đậm trên xã hội hơn là ý niệm Kytô giáo về tình huynh đệ phổ quát. Ý tưởng này xuất hiện dần hồi trong Cựu ước, khởi từ giáo huấn của các Tiên tri; các vị này đã tuyên dương công bình và lòng thương xót là những giá trị cốt lõi của các tương quan xã hội. Một nếp cư xử đầy tình huynh đệ phổ quát và lòng trắc ẩn đã khai sinh từ từ với xác tín là không thể từ chối giúp đỡ cho kẻ khác, nhất là cho người nghèo, người ngoại quốc, người góa bụa, mồ côi hoặc kẻ đang đau khổ. Trong Tân ước, các ý niệm về công bình và lòng trắc ẩn được biểu hiện một cách phong phú, sâu, rộng hơn. Yêu thương và bác ái đã trở thành chuẩn mực của các tương quan xã hội. Không phải chỉ yêu bạn mình hay dân riêng của mình, nhưng còn phải yêu thương người ngoại quốc, kẻ thù và người bắt bớ mình. Tình yêu không có một hạn chế nào nại lý do chủng tộc, hoàn cảnh xã hội, phái tính : ''Không còn là Do thái hay Hy lạp, không còn là nô lệ hay người tự do, không còn là nam hay nữ, vì tất cả anh chị em đều làm nên một trong Chúa Giêsu Kitô '' (Ga. 3,28). Chính Thiên Chúa là chuẩn mực của tình huynh đệ này. Tất cả mọi người phải thương yêu nhau như Thiên Chúa đã yêu mọi người, như Đức Giêsu đã dạy chúng ta điều đó : ''Như ta đã yêu các con, thì các con phải thương yêu nhau'' (Gioan 13, 34 ).
Giáo hội thời khai sinh đã truyền bá ý tưởng mới mẻ về tình huynh đệ nầy trong các xã hội mà Giáo hội tiếp xúc. Một tác giả vô danh sống vào thế kỷ thứ II đã viết một bức thư cho một người có tên là Diognète, và giải thích cho người ấy biết các Kytô hữu đã tham gia tích cực vào tất cả các sinh hoạt của đời sống xã hội, và đức tin của họ có thể biến đổi thế giới : ''Những Kytô hữu không khác gì các người khác do nguồn gốc xứ sở, tiếng nói, cách ăn mặc cả ... Họ không nói loại tiếng nào khác thường, cách sống của họ không có gì đặc biệt ... Họ thích ứng với các phong tục địa phương về y phục, thức ăn và cách sống; đồng thời lại biểu lộ những luật lệ khác lạ và hết sức nghịch thường của xứ sở thiêng liêng của họ .... Họ yêu mọi người và mọi người lại bắt bớ họ.... Nói tóm, linh hồn trong thân xác thể nào, thì Kytô hữu ở trong thế giới như thế... Kytô hữu như những kẻ bị giam giữ trong nhà tù của thế giới : nhưng kỳ thực chính họ duy trì thế giới'' [4]. Các Kytô hữu đầu tiên đã xác tín rằng đức tin và cách sống của họ có thể thay đổi xã hội. Họ tự xem là ''linh hồn của thế giới''. Đấy là một nguyên tắc căn bản nhất để thay đổi xã hội.

III.1. Các tác giả Kytô giáo đầu tiên
Các Giáo phụ đã đào sâu và minh giải giáo điều đó và đã áp dụng vào các hoàn cảnh cụ thể. Clêmentê Alexandria, Basiliô Cả, Grêgôriô thành Nazianzê, Grêgôriô thành Nixê, Gioan Kim khẩu, Ambrôxiô thành Milanô, Augustinô đã đóng góp vào công việc xây dựng một nền giáo huấn xã hội dựa trên Phúc âm. Các bài viết và bài giảng của các Ngài đã đưa tất cả các khía cạnh của đời sống cá nhân, xã hội và chính trị thấm nhuần tinh thần Kytô giáo. Họ là những tác giả bảo vệ một cách uy dũng cho những người nghèo và kẻ bị áp bức. Thánh Gioan  Kim khẩu mạnh mẽ nhắc nhở người giàu có rằng họ phạm tội trộm cắp nếu họ không dùng của cải mình có để mang lại lợi ích cho mọi người, vì tài vật trong vũ trụ được tạo dựng khởi thủy được cống hiến cho mọi người. Những nhà tư tưởng lớn nầy chu toàn phận vụ mình một cách tuyệt vời khi thức tỉnh tâm thức của người đương thời để họ tiếp nhận những ý tưởng của Phúc âm. Họ là những vị tiên phong mở ra một lối tư duy mới và khai sáng một nền nhân bản Kytô giáo, sẽ gây ảnh hưởng sâu đậm trong tất cả các lãnh vực của đời sống xã hội. Nhờ kinh nghiệm sống, Kytô hữu biết được phương cách rao truyền Tin Mừng cho toàn bộ sinh hoạt văn hóa.
Thánh Augustinô diễn tả hùng hồn về ý thức xã hội của Giáo hội, khi Ngài nhắc cho giới cai trị thời của Ngài biết đến ảnh hưởng của Phúc âm trên xã hội : ''Ngài thử tìm cho ra những công dân tốt hơn những kẻ được đào tạo theo giáo thuyết của Đức Kitô; họ là những người lính, người chồng, người vợ, con trai, con gái, chủ , tớ, vua, quan,người đóng thuế, quan viên giữ quốc khố, họ tốt hơn vì tất cả đều thấm nhập những đức tính tuyệt vời do giáo thuyết  Kytô giáo hun đúc, và chúng ta thử xem người ta còn có thể cho rằng Giáo hội làm trở ngại lợi ích của quốc gia nữa hay không!'' [5].

III.2 . Truyền bá một nền đạo lý Kytô giáo
Việc truyền bá Kytô giáo chung quanh Địa trung hải, đặc biệt trong suốt thời đại Constantinô, và sau đó vào thời trung cổ, gắn liền với sự thấm nhập nền đạo lý Kytô giáo vào trong tất cả các lãnh vực của cuộc sống xã hội : hôn nhân, gia đình, giáo dục, cách cai trị, thương mãi và cuộc sống kinh tế. Các giá trị Kytô giáo ảnh hưởng sâu đậm đến việc điều hành công lý, lề lối phán quyết và soi dẫn nhiều bộ luật quan trọng như Bộ Summa Rei Publicae  hoặc Bộ luật của Giustianô (529), Decretum của Gratianô (khoảng năm 1140), các Giáo lệnh tập của Grêgôriô IX (hoàn thành năm 1338). Trong các nghề nghiệp, buôn bán trao đổi và chức phận khác nhau, giáo huấn Kytô giáo soi dẫn các vấn đề liên quan đến khế ước, lương bổng, vay mượn, tiền lời và giá cả. Trong các ngành nghệ thuật, kiến trúc ,văn chương và kịch nghệ, các đề tài tôn giáo chiếm vị thế quan trọng. Những vấn đề  quốc tế và các vấn nạn như chiến tranh và hòa bình được nhìn dưới một nhãn quan Kytô giáo.
Có thể nói được rằng ảnh hưởng lớn nhất mà Giáo hội tác động trên xã hội là sự thấm nhập của các quy luật đạo lý vào các tiến trình sinh hoạt xã hội. Khi rao giảng đức chính trực, tình yêu thương người bên cạnh, trung tín trong hôn nhân, tận tụy trong giáo dục, ngay thẳng trong các khế ước, phục vụ công ích trong chức phận và việc làm của mình, Giáo hội thành công trong việc cải hóa tác phong và cơ cấu xã hội, xây dựng một lục địa Âu châu có nền văn hóa Kytô giáo. Đây là một công trình có tầm vóc lịch sử quan trọng, vì Âu châu như được gọi để đóng một vai trò quyết định trong việc truyền bá Kytô giáo qua các thời đại [6].
Đến gần cuối thời trung cổ, người ta chứng kiến một sự phát triển quan trọng trong các sinh hoạt kinh tế, sản xuất và thương mại cũng như mậu dịch quốc tế. Sự kiện đó đi kèm với việc xuất hiện các ngân hàng, chuyển vốn, và một mức độ di động dân chúng linh hoạt hơn bất cứ lúc nào xuyên qua trào lưu đô thị hóa dồn dập. Những phương thức điều hành mới trong lãnh vực kinh tế, xã hội và chính trị đòi hỏi một lối thiết định các quy luật đạo đức mới. Người ta thực sự cần đề cập đến các vấn đề xã hội - kinh tế một cách có hệ thống hơn.





IV

 Lần đâu tiên giáo huấn về
xã hội được xếp thành hệ thống


Các nhà thần học và các nhà tư tưởng bắt đầu suy tư có hệ thống về kinh nghiệm và giáo huấn đạo đức của Giáo hội trong khuôn khổ xã hội mới nầy. Suốt thời kỳ ấy, các nhà thần học, các tác giả về đạo đức  học và giáo luật đã đóng góp rất nhiều cho tư tưởng xã hội công giáo. Chỉ nêu lên một vài đóng góp tượng trưng của họ để thấy  rõ sự kiện nầy. Chúng ta lưu ý rằng Thánh Tôma Aquinô (1225-1274) là một trong những bực thầy đầu tiên luận giải các vấn đề đạo đức xã hội một cách có hệ thống, đặc biệt qua bộ Summa Theologia, trong đó ngài bàn đến các vấn đề Công lý (II, II, Q. 57-78) và Pháp Luật (I, II, Q. 90-108)

IV.1. Các dòng tu
Nhiều tu sĩ đã là những nhà quan sát tinh tế về hoàn cảnh xạ hội mới và đề nghị một nền thần học luân lý thích ứng với thời đại của họ. Tu sĩ dòng Đa Minh Thánh Antonin de Florence (1389-1459) viết cuốn Summa Moralis luận giải các vấn đề xã hội một các hết sức độc đáo đến độ kinh tế gia Joseph . Schumpeter xem  ngài "như là người đầu tiên có được cái nhìn bao quát về tiến trình kinh tế dưới những khía cạnh chính yếu của nó" [7]. Thánh Antonin de Florence nằm trong truyền thống của những nhà luân lý học đã mang lại một quan điểm mới và những giải pháp mới cho các vấn đề đạo đức - kinh tế của thời đại mình [8]. Các tu sĩ dòng Phanxicô có trường phái những nhà luân lý học riêng, trong đó có những  vị nổi bật như Pietri Olivi và cuốn Tractatus de Emptione (khoảng năm 1290)  đào sâu vấn đề đạo đức - kinh tế, Ricardo Alessandro   d 'Alexandrie và cuốn khảo luận De Usuris (1303), Thánh Bernardin de Sienne (1380-1444) với nhiều tác phẩm và bài giảng[9]Ï
Bên cạnh các tu sĩ Phanxicô, các tu sĩ Đa Minh và Dòng Tên đóng một vai trò quan trọng trong việc hình thành nền thần học luân lý áp dụng cho đời sống xã hội và chính trị. Họ còn gây nên một tác động lớn thúc đẩy tiến bộ xã hội do chính lối sống, cách làm việc tổ chức cộng đoàn. Léon Monlin đã cho thấy lý do tại sao các Dòng tu đã chuẩn bị cho các nguyên tắc dân chủ xuất hiện tại Âu châu xuyên qua lề lối điều hành các nhà dòng [10]Ï. Các Hiến pháp của các nhà dòng ấy ngày nay còn được giới chuyên môn về khoa học  chính trị nghiên cứu. Léon Monlin nhận xét rằng tổ chức dòng Đa Minh như ''một nhà thờ lớn về luật hiến pháp''. Các tu sĩ Dòng Tên, qua linh đạo và các cơ sở giáo dục của mình, cũng đã phát triển một lề lối đào tạo nêu cao tinh thần phục vụ, khám phá và xướng xuất hành động, là những giá trị thúc đẩy công cuộc canh tân văn hóa và truyền bá tinh thần Kytô giáo.
Nhiều tài liệu xã hội của các vị Giáo hoàng bắt đầu đề cập đến những vấn đề như mua bán nô lệ đang xuất hiện ở Âu châu và đã bị Đức Piô II (1462) lên án là ''magnum scelus'' (đại ác). Các Ngài cũng thường nói về các vấn đề cho vay ăn lời ( Đức Calistô III, 1455; Đức Lêo X,1515). Còn Đức Phaolô III  qua bức tông thư Veritas Ipsa (1537) đã mạnh dạn bênh vực phẩm giá con người của các nhóm dân địa phương đang bị quyền lực bành trướng thực dân tại Thế giới mới đe dọa.

IV.2. Các bậc thầy
Thế kỷ XVI đánh giá đỉnh cao của tư tưởng xã hội Công giáo. Francisco de Vitoria (1480-1546), Domingo do Soto (1494-1560), Rohberto Bellarmin (1542-1621) và Francisco Suarez (1548-1617) viết nhiều khảo luận trở thành cổ điển trong các lãnh vực về  công lý, luật pháp, tương quan Giáo hội - quốc gia và trật tự quốc tế. Tên tuổi họ rất quen thuộc với giới chuyên môn ngày nay trong  các ngành khoa học chính trị và luật pháp quốc tế [11].
Các bậc Thầy trên đây tạo ảnh hưởng nơi các tác giả khác sau này, cho đến cuối thế kỷ XVIII. Một trong những tác giả đó là Galiani Ferdiando (1728-1787); vị này được xem như nhà nghiên cứu kinh tế đầu tiên có tầm vóc Âu châu. Trong lịch sử của các ngành khoa học kinh tế, mọi người nhìn nhận rằng các nhà luân lý học này đã kết tạo nên những ý niệm đầu tiên xây dựng nền tảng cho nền kinh tế tân kỳ: vốn, lời, thị trường, giá đúng, giá trị, lợi ích, giao hoán tiền tệ, các rủi ro và tiền huê hồng. Đi đôi với những phân tích các sinh hoạt kinh tế, họ đã đưa ra những nguyên tắc đạo đức xây dựng một nếp đạo đức nghề nghiệp độc đáo liên quan đến những tầng lớp xã hội mới như các đại, tiểu thương gia, chủ thầu, các chủ ngân hàng và tất cả những ai có một vai trò điều hành cuộc sống xã hội - kinh tế.
 Vào thế kỷ XVII, các nhà giảng thuyết thời danh như Bossuet và Thánh Vincent de Paul đã gây ảnh hưởng rất nhiều trên nếp sống xã hội ; cũng như vị giáo sư thần học nổi tiếng ở Alcala, Jean de Saint Thomas.
Vào thế kỷ XVIII, Giáo hoàng Bênêdictô XV bàn đến các vấn đề chủng tộc (Immensa Pastorum 1741) và bênh vực ''những người nghèo có quyền tự nhiên để có được những gì thiết yếu cho cuộc sống của mình'' (Acerbi Plani, 1742). Ngài cũng nhắc đến việc cho vay ăn lời (Vix pernevit, 1745) và nêu lại các quyền của những người nghèo (Ex Commissione Nobis 1751).

IV.3. Xã hội mẫu mực
Chúng ta có thể nêu lên được tư tưởng xã hội phát xuất từ quan niệm Kytô giáo thời bấy giờ. Xã hội mẫu mực được các tác giả Kytô giáo chủ truơng dựa trên một số giá trị cốt lõi.
a- Nhân vị và phẩm giá siêu nhiên, sự tự do, trách nhiệm;
b- Gia đình là tế bào nền tảng của xã hội;
c- Tinh thần liên đới giữa các công dân, thúc đẩy họ lưu ý đến công ích xã hội  và đặc biệt đối với người nghèo;
d- Quyền tư hữu, một nguyên tắc phải thích ứng với của cải vật chất đã được tạo dựng cho mọi người nên cần phải được phân phối cho mọi người.
e- Các nguyên tắc về công bình, bình đẳng và trách nhiệm áp dụng cho tất cả mọi thành phần trong sinh hoạt kinh tế;
f- Giá trị lao động phải được nhìn dưới các khía cạnh xã hội và cá nhân, và phẩm giá của
người lao động phải được quí trọng hơn là sản phẩm do họ tạo ra;
g- Trách nhiệm đạo đức của các nhà lãnh đạo dân sự, (tương ứng với) uy quyền của họ dựa trên những nền tảng thần học và triết học;
h- Nỗ lực tìm kiếm tình huynh đệ phổ quát và hòa bình, xuyên qua một trật tự quốc tế công bình.






V

 Giáo hội đối diện với
cuộc cách mạng kỹ nghệ


Cuối thế kỷ XVIII, trào lưu kỹ nghệ hóa xuất phát, đi kèm với việc áp dụng chủ nghĩa tự do kinh tế, đã làm cho các giá trị cổ truyền lung lay. Nhiều cuộc điều tra trong thế kỷ XIX [12] cho thấy từng loạt công nhân đổ dồn về các thành phố để làm việc trong những điều kiện tồi tệ; đàn ông, đàn bà, trẻ em đều cam chịu hoàn cảnh này; họ được tuyển vào làm việc nhưng không có một hợp đồng nào bảo đảm; lao động liên tục hơn 14 giờ mỗi ngày hoặc còn hơn thế nữa, và với một  đồng lương bất chừng và chết đói. Tình cảnh bất công của giới lao động thúc đẩy Kytô hữu trong các nước trên đường kỹ nghệ hóa lúc bấy giờ suy nghĩ và hành động.
Giáo hội Công giáo cố gắng đương đầu với các vấn đề mới, từ việc trợ giúp và hành động trực tiếp đến nỗ lực xây dựng các chuẩn mực đạo lý thích ứng với nhu cầu của nền kinh tế mới. Giáo hội trực tiếp dấn thân giúp đỡ người túng thiếu, tổ chức các bệnh viện cho kẻ khốn cùng, các trường học cho người nghèo, thăm viếng các gia đình của giới lao động. Ở Ý, Thánh Gioan Boscô sáng lập dòng Salésiens, được biết đến qua hệ thống tổ chức giáo dục và công tác từ thiện của họ; và Thánh Giuse Cottolengo thì xây dựng Hội La Piccola Casa ở Turinô ; ở Pháp, chân phước Frédéric Ozanam sáng lập Hội Thánh Vinh Sơn năm 1833. Những hoạt động bác ái này, cũng như các bệnh viện của các Nữ tu, các trường học phục vụ trẻ em nghèo do các Sư huynh tổ chức đều rất phổ biến. Một số kỹ nghệ gia Kytô hữu từng có kế hoạch giúp đỡ nhân công của họ tại chỗ, như Léon Harmel ở Pháp, bằng cách sống với họ và tổ chức cho họ thành từng ủy ban tham gia vào việc điều hành cơ sở. Một số người khác có tinh thần trách nhiệm lại tổ chức các câu lạc bộ, trong đó các kỹ nghệ gia và giới lao động cố gắng bàn thảo các vấn đề mới theo quan điểm Kytô giáo. Trong khuôn khổ này, tại Pháp phải kể đến l 'oeuvre des Cercles, là một điển hình ; sinh hoạt này do các cán bộ của phong trào xã hội Công giáo thời khai sinh của tổ chức, như Albert de Mun và Charles la Tour du Pin.








VI


Một tư tưởng xã hội
cho thời đại mới


Đồng thời với nỗ lực dấn thân ở giữa những người nghèo trong các họ đạo, bệnh viện, viện từ thiện và trường học, người Công giáo hoàn thành dần dần một bộ học thuyết độc đáo nhằm tìm hiểu các vấn đề mới của xã hội và đề nghị những giải pháp thích hợp với những quan điểm của Phúc âm. Ở Pháp, Villeneuve de Bargemont viết một biên khảo về Economie polique et vie chrétienne (Kinh tế chính trị và cuộc sống Kytô giáo) năm 1834. Ở Ý, Luigi Tapparelle d 'Azeglio (1793-1862) cộng tác với la Civiltà Cattolica xuất bản năm tập sách về Luật tự nhiên và một tập sách về các nguyên lý triết học của kinh tế chính trị. Cũng tại Ý, cần nêu lên sự nghiệp của Giuseppe Toniolo, vị sáng lập tập san ''la Rivista Internazionale di Scienze Sociali'' năm 1893.
Ở Đức, Đức Cha Wilhelm E. von Ketteler (1811-1877), Giám Mục của địa phận Mayence, được xem như một trong những nhà trí thức tiên phong chính yếu của phong trào xã hội Công giáo ; một phong trào phát triển mạnh mẽ sau 1870 khắp Âu châu. Đức Cha Ketteler đã cho xuất bản một nghiên cứu về các vấn đề của giới lao động, năm 1864, với tựa đề : Die Arbeiterfrage und das Christentum ; tài liệu này tạo tiếng vang quốc tế. Đóng góp của Giám mục Ketteler cho tư tưởng xã hội Công giáo rất to lớn, nhất là Ngài đã liên kết được suy tư Kytô giáo, phân tích xã hội, phê bình hệ thống kỹ nghệ mới thành một tổng hợp, và còn nêu lên một lời kêu gọi phải tích cực dấn thân vào sinh hoạt và tổ chức chính trị. Sau này, Giáo hoàng Lêô XIII đã nói về Giám mục này như sau : ''Vị tiền nhiệm cao cả của chúng ta, chúng ta học nhiều điều ở nơi Ngài'' [13]. Tại Áo, Karl von Vongelsang (1818-1898), một đồ đệ của Đức Cha Ketteler, đã tạo được ảnh hưởng sâu rộng qua các tác phẩm Vaterland (1875) và Monatsschrift fĂr Christliche Sozialreform (1879).
Ở Pháp, nhà kinh tế học Charles Perrin và Đức Cha Freppel đứng đầu một phong trào xã hội rất năng động. Ở Bỉ, Đức Cha Doutreloux và vị cộng tác viên của Ngài, Linh mục Pottier, đã tổ chức Hội nghị các tổ chức xã hội Công giáo từ 1866 đến 1890. Ở Tây ban nha, triết gia Jaime Balmes đáng được lưu ý.

Các Giám Mục dấn thân xã hội
Ở Thụy sĩ, Hồng y Mermillod; ở Anh Hồng y Manning; ở Hoa kỳ Hồng Y Gibbons và Giám mục Ireland; ở Úc Hồng Y Moran là những thí dụ của nhiều vị Giám mục trong thế kỷ XIX đã từng nỗ lực tìm kiếm một giải pháp cho điều mà thời ấy gọi là vấn đề xã hội. Bên cạnh những vị vừa nêu tên, có lẽ cần phải ghi nhận một số lớn các Giám mục ở Pháp, Bỉ, Đức, Ý, Tây ban nha, Anh và Hoa kỳ đã dần hồi dấn thân tích cực vào vấn đề xã hội của thời họ qua bài giảng cũng như cả hành động của họ. Linh mục Phaolô Droulers đã nghiên cứu tỉ mỉ lập trường xã hội của các Giám mục Pháp vào thế kỷ XIX và cho thấy rõ ràng về việc các Giám mục Pháp đã dấn thân hết sức tích cực : tố giác bất công, bảo vệ người nghèo và kêu gọi xây dựng một trật tự xã hội công bằng và nhân đạo hơn. Nhiều năm trước khi Bản Tuyên ngôn Cộng sản (1848) ra đời - (ở đây người ta đánh giá sai cho rằng bản văn này là lời kêu gọi đầu tiên để thay đổi xã hội trong thời đại tân kỳ) - một số lượng to lớn các thư mục vụ, sứ điệp và bài giảng Mùa chay đã được các Giám mục Pháp viết ra [14]. Dù các nhà kỹ nghệ và chính quyền làm lơ không nghe, nhưng sứ điệp xã hội của các Giám mục vẫn còn là một chứng cớ về nỗ lực của các Ngài.





VII


Các tổ chức xã hội Công giáo



Hoạt động xã hội của người Công giáo mang nhiều hình thức khác nhau, và kinh nghiệm phong phú ấy được thúc đẩy bởi tinh thần Phúc âm, xây dựng nên nền tảng hướng đến bước trưởng thành của giáo thuyết sau này. Một trong những người tiên phong là Linh mục người Đức tên Adolf Kolping, vị sáng lập một hiệp hội của các người thợ trẻ Gesellenverein, vào năm 1879 đã có được 525 cơ sở qui tụ đến 70.000 hội viên. Cũng cần phải nhắc đến nhiều mẫu sinh hoạt khác : thành lập các công đoàn Công giáo, trước hết tại Bỉ sau 1886, tiếp đó là Thụy sĩ, Đức, và sau đó là Pháp ; sự xuất hiện các Đảng dân chủ Kytô giáo tại Áo, Đức, Bỉ, Pháp, Thụy sĩ, Hòa lan; tổ chức các Hợp tác xã và các hiệp hội thanh niên lao động, thợ thủ công, nông dân; tổ chức các Hội nghị Công giáo ở Bỉ, Đức, Ý, Áo, Hòa lan. Tất cả các hình thức hoạt động này là phương cách biểu lộ nỗ lực dấn thân của người Công giáo cho công tác xã hội phục vụ cho người nghèo.
Ở Anh và Hoa kỳ, các công đoàn Công giáo hoặc các đảng Công giáo không bao giờ thu đạt kết quả; nhưng trong các nước này, nhiều nỗ lực đúng đắn đã được thực hiện nhằm giúp đỡ giới lao động Công giáo, thúc đẩy họ tham gia các hiệp hội không mang nhãn hiệu tôn giáo; và họ cũng được các Giám mục và giới giáo sĩ lo lắng cho phần thiêng liêng qua nhiều tổ chức và chương trình đào tạo khác nhau về lãnh vực xã hội và tinh thần dành cho thợ thuyền.
Một cái nhìn sơ lược như thế hẳn cần thêm nhiều giải thích và chi tiết khác nữa; nhưng tôi nghĩ là cái nhìn ấy cũng đáp ứng được mục tiêu chính của biên khảo này, đó là phác họa tiến trình trưởng thành chậm và kiên trì của tư tưởng xã hội Công giáo. Đã hẳn là công cuộc dấn thân xã hội của người Công giáo thường bước từng bước mò mẫm, đôi khi còn gặp sai lầm trong nỗ lực khai phá một cách khó khăn những vấn đề mới do cuộc cách mạng kỹ nghệ đặt ra. Việc phân tích của họ cũng thường dẫn đến những cái nhìn dị biệt và những giải pháp đối chọi, tùy theo những lối giải thích khác nhau về các thực tại kinh tế mới mẻ và tùy theo việc đánh giá các xã hội và chế độ truyền thống. Tuy vậy công việc phân tích ở phần trên xác minh một nỗ lực to lớn về phía người Công giáo nóng lòng muốn mang lại một giải đáp Kytô giáo cho các vấn đề của thời đại mới. Kinh nghiệm phong phú và phức tạp này của người Công giáo sống trong một thời buổi khó khăn và nóng bỏng đã được nghiên cứu khá kỹ lưỡng trong nhiều nước khác nhau [15]. Thời đã chín mùi để cần có một lối phân giải hậu sự và một giáo huấn có hệ thống đầy đủ hơn.



VIII


Khúc ngoặt của Thông điệp
Tân sự - Rerum Novarum


Trong bối cảnh này, thông điệp của Giáo hoàng Léo XIII, Tân sự (Rerum Novarum - 1891) là một biến cố lịch sử. Lần đầu tiên một tài liệu của Giáo hoàng cống hiến một cái nhìn bao quát về các vấn đề xã hội đương thời, và cố nêu lên những nguyên lý tạo giải pháp , đối diện với hoàn cảnh cụ thể, đặc biệt của giới lao động. Thông điệp Rerum Novarum tượng trưng cho một lối mới để đề cập vấn đề, vì Giáo hội sử dụng đường lối đối thoại để trực tiếp lên tiếng nói với tất cả các thành phần liên hệ trong thế giới kỷ nghệ còn mới mẽ, và không quên nhắc nhở cho giới cầm quyền dân sự ý thức và trách nhiệm của họ. Trước đó, một nhóm chuyên gia quốc tế đã đóng góp ý kiến trong việc hình thành bản văn Rerum Novarum ; những nghiên cứu của họ qui tập những kết quả của nhiều năm suy tư và hoạt động Công giáo.
Đức Léo XIII lưu ý toàn thế giới về tình cảnh khốn cùng của biết bao người nam, nữ, trẻ em, và đề nghị một giải pháp cần đến sự tham gia đồng bộ của Giáo hội, nhà nước và các hiệp hội độc lập. Ngài viết : ''Cần phải gấp rút tìm ra những phương thức cứu chữa cần thiết trước cảnh khốn cùng và nghèo đói đang đè nặng một cách quá ư bất công phần lớn giai cấp lao động'' (số 3). Ngài đã xác quyết rằng Giáo hội có quyền uy đạo đức để cổ súy công bằng ; nhà nước có phận vụ bảo vệ các người lao động bằng luật pháp và bênh vực quyền của các hiệp hội. Vai trò của nhà nước là một vai trò bổ trợ. Các hiệp hội do thợ và chủ cùng liên đới hay đứng riêng để thành lập, là phương thế riêng để thăng tiến các quyền lợi của tất cả các thành phần và đặc biệt là quyền lợi của người nghèo.
Rerum Novarum mạnh mẽ chỉ trích và lên án các lạm dụng của tư bản chủ nghĩa tự do cũng như các ảo tưởng của chủ nghĩa xã hội đương thời. Tài liệu này của Đức Léo XIII được xem là một khúc ngoặc đối với học thuyết xã hội của Giáo hội. Dostoievski, trong lối văn phóng đại đã viết là Giáo hội lúc ấy gần với chủ nghĩa xã hội. Tầm quan trọng lịch sử của Rerum Novarum được xác minh qua sự kiện lễ mừng kỷ niệm văn kiện này đuợc tổ chức đều đặn từ dạo đó.
Trong cuốn II tiếp tập sách này, chúng ta sẽ gặp lại nhiều lời tuyên bố của các đấng kế vị Đức Lêô XIII, nhắc lại những lợi ích to lớn phát xuất từ Rerum Novarum về mặt giáo huấn cũng như tác động về các sáng kiến xã hội của người Công giáo. Lấy thí dụ điển hình nơi kinh nghiệm của Marie - Louise Rochebillard (1860-1936) ; thôi thúc bởi sứ điệp của Rerum Novarum, bà sáng lập công đoàn phụ nữ đầu tiên và rất có ảnh hưởng tại Pháp [16].
Suốt trong triều đại của Giáo hoàng kéo dài 25 năm, Đức Lêô XIII đã ban hành nhiều tài liệu khác nhau về vấn đề xã hội - chính trị : Quod Apostolici Muneris (1878) về thuyết xã hội, Diuturnum (1881) về chính quyền dân sự, Immortale Dei (1885)  về các mối tương quan giữa Giáo hội và nhà nước, Libertas Praestantissimum (1888) về tự do con người và chủ thuyết tự do, Sapientiae Christianae (1890) quan niệm Công giáo về tư cách công dân. Mặc dầu các tài liệu này bàn đến các vấn đề cá biệt vào thế kỷ XIX, nhưng những nguyên tắc chỉ dẫn của chúng đã kiện toàn giáo huấn của xã hội Công giáo và chuẩn bị cho việc hình thành các bản văn khác, nhất là tại công đồng Vaticanô II [17].
Trong tất cả các tài liệu của Giáo hoàng Lêô XIII, thông điệp Rerum Novarum được xem là một khúc ngoặc thật sự có tính cách lịch sử. Thông điệp này thể hiện một bước chuyển tiếp trong giáo huấn xã hội của Giáo hội. Dẫu vậy, tầm quan trọng của thông điệp ấy không có nghĩa rằng nó là một bước khởi đầu trong lịch sử : nó là kết quả của một kinh nghiệm kéo dài , về tư tưởng, hoạt động  cũng như giáo huấn, như ta đã từng thấy ở các chương trước đây. Chẳng hạn, chúng ta cũng nên nhớ rằng công đồng Vaticanô I (1869-1870) trước đó đã chuẩn bị cho ra một tài liệu về ''các vấn đề xã hội'', nhưng các phiên họp bị gián đoạn vì Roma lúc ấy bị thất thủ [18].
Sự kiện ấy không hề giảm bớt giá trị của thông điệp Rerum Novarum. Trái lại, nó càng làm nổi bật nét phong phú và giá trị thực tiễn của nội dung bản văn này. Giá trị và tính cách độc đáo của thông điệp luôn luôn được mọi người công nhận. Mãi cho đến nay, Rerum Novarum vẫn là điểm qui chiếu để tiến hành các giáo huấn xã hội Công giáo [19].




IX


Giáo huấn xã hội
sau ''Rerum Novarum''


Sau Đức Lêô XIII, Giáo hội chính thức đã công bố một loạt tài liệu xã hội, thông điệp, tông huấn, tông thư, các bản tuyên ngôn hoặc sứ điệp [20]. Chúng ta sẽ lược qua các tài liệu quan trọng nhất, nhưng  trước hết chúng tôi muốn nhấn mạnh phần mới lạ mà các bản văn này đóng góp vào giáo huấn của Giáo hội. Dẫu tập sách này có giới hạn, không thể nào phân tích cặn kẽ các bản văn, thì nó cũng đáp ứng được ý muốn của chúng tôi là cho thấy sự phát triển của giáo huấn xã hội đã phải đương đầu với các thách đố của xã hội tân kỳ như thế nào.
Bốn mươi năm sau Rerum Novarum, Đức Piô XI công bố thông điệp Quadragesimo Anno (1931) ; Đức Giáo hoàng đã dùng thông điệp này để khai triển học thuyết xã hội đối đầu với những vấn đề quan trọng lúc bấy giờ : tình trạng tập trung kinh tế, nạn thất nghiệp, sự can thiệp của nhà nước, vai trò của các công đoàn, đặc tính cá nhân và xã hội của quyền tư hữu, ảo tưởng của cuộc đấu tranh giai cấp và việc lạm dụng của chế độ chuyên chế của nhà nước. Đức Giáo hoàng quả quyết rằng việc tái lập trật tự xã hội đòi hỏi có sự hợp tác hài hòa giữa tất cả các giai cấp trong bầu khí công bằng và bác ái. Sau khi nhấn mạnh đến nguyên tắc bổ trợ, có thể giúp cho mỗi cấp độ của xã hội có thể tự giải quyết lấy các vấn đề của mình, Đức Piô XI biện minh cho sự can thiệp của nhà nước trong lãnh vực kinh tế, một cách thận trọng nhưng khẳng quyết. Sự kiện đó còn đi trước học thuyết của John Maynard Keynes [21] từng ảnh hưởng sâu rộng trong các cơ cấu quốc gia về sinh hoạt kinh tế, khi tác giả này nêu lên sự chính đáng của vai trò các chính phủ trong các lãnh vực xã hội - kinh tế.
Nhiều nhân vật đương thời, đặc biệt là Albert Thomas, Giám đốc văn phòng lao động quốc tế, Franklin Roosevelt ở Hoa kỳ và nhà kinh tế học Đức Werner Sombart, hoan nghênh thông điệp Quadragesimo Anno này .
Đức Piô XI cũng viết nhiều thông điệp hoặc tài liệu khác [22] nữa liên quan đến những vấn đề xã hội chính trị khác nhau : Ubi Arcano (1922) về hòa bình, Divini Illius Magistri (1929) về giáo dục, Casti Connubii (1939) về gia đình, Non abbiamo Bisogno (1931) về chế độ phát xít, Mit brennende Sorge (1939) về quốc xã, Divini Redemptoris (1937) về chủ thuyết cộng sản.
Vào ngày Lễ Hiện Xuống năm 1941, nhân dịp mừng kỷ niệm 50 năm Rerum Novarum, Giáo hoàng Piô XII đọc một bài diễn văn quan trọng . Trong Đệ II Thế chiến trong nhiều dịp lên tiếng, Ngài kêu gọi hãy tìm một nền hoà bình trong danh dự và nêu lên các nguyên tắc tái thiết một thế giới công bằng và liên đới. Đức Piô XII không công bố một thông điệp nào về xã hội, nhưng bức thư đầu tiên của Ngài Summi Pontificatus (1939) là một bản phân tích tỉ mĩ về tình hình thế giới nhìn theo quan điểm Kitô giáo. Nhiều bài diễn văn lớn của Ngài còn được trích dẫn như những đóng góp quan trọng cho giáo huấn xã hội  của Giáo hội. Người ta nhấn mạnh đến nội dung đặc biệt của các sứ điệp Gìáng sinh (từ 1939 đến 1957); chúng tạo nên một toàn bộ về học thuyết xã hội thực sự.
Để mừng kỷ niệm 70 năm Rerum Novarum, Giáo hoàng Gioan XXIII công bố Thông điệp Mater et Magistra (1961), trong đó giáo huấn của các vị tiền nhiệm được xác quyết lại, nhưng nó còn đề cập đến những khía cạnh mới mẽ và quan trọng. Đặc bìệt là vai trò sáng kiến của các cộng đồng và tư nhân, sự qui hướng về tình trạng xã hội hoá hiểu theo nghĩa tăng cường tính liên đới và trách nhiệm hỗ tương, đồng lương xứng hợp của giới lao động và vai trò của họ trong cơ cấu các xí nghiệp, các khía cạnh xã hội  và kinh tế của phát triển, ý nghĩa của quyền tư hữu trong thời đại tân kỳ, và vai trò ngày càng lớn của phụ nữ trong xã hội. Thông điệp Mater et Magistra phân tích chu đáo những mối căng thẳng nơi thế giới tân kỳ: giữa khu nông nghiệp và khu kỹ nghệ, giữa các vùng, các nước phát triển không đều, giữa tình trạng gia tăng dân số và tài nguyên trong vùng hoặc ở cấp độ toàn cầu, gìữa phong trào đòi quốc gia độc lập và sự hợp tác cần thiết của quốc tế. Theo Thông điệp nầy, tất cả những vấn đề quá ư phức tạp ấy đòi hỏi phải có những giải pháp biết tôn trọng đầy đủ phẩm giá, tự do, trách nhiệm đạo đức và các khát vọng siêu nhiên của con người. Và đối với vấn đề đó, công bằng và bác ái là sức mạnh thúc đẩy nổ lực của mỗi người nam nữ thiện chí.
Nhân dịp 80 năm kỷ niệm Rerum Novarum, Giáo hoàng Phaolô VI công bố một Thông điệp quan trọng Octogesima Advenniens (1971), trong đó tự do của nhân vị được xác quyết đối đầu với nhà nước và các đảng phái chính trị. Tài liệu nầy cũng đề cập đến những diễn tiến thực hiện các ý hệ về xã hội và chính trị, đặc biệt là chủ nghĩa Mác-xít và chủ trương thực nghiệm, cũng như những ảo tưởng mà các thuyết nầy đề xướng. Tài liệu đó cống hiến những gợi ý thực tiễn để suy xét và đánh giá các phong trào xã hội - chính trị.





X



Lao động, then chốt
của vấn đề  xã hội


Kỷ niệm 90 năm Rerum Novarum, Đức Gioan Phaolô II viết Thông điệp Laborem Exercens (1981) trình bày độc đáo các vấn đề  xã hội trong thời tân kỳ. Thông điệp khởi từ tiền đề chính nêu lên "Lao động là vấn đề xã hội then chốt" (số 3), và đánh giá ý nghĩa của lao động đối với con người theo ánh sáng của sách Sáng thế, phân biệt rõ ràng một bên là khía cạnh vật thể của lao động (sự thực hiện) và bên kia là khía cạnh chủ thể (chính người lao động với nhân phẩm, trách nhiệm và quyền lợi của đương sự). Nếu người ta biết áp dụng và tôn trọng lối phân biệt này trong tất cả các lãnh vực của kinh tế, thì nỗ lực đó chắc hẳn sẽ đóng góp rất nhiều vào việc làm cho đời sống xã hội nhân đạo hơn. Tiếp đó thông điệp đề cập tỉ mỉ đến sự xung đột giữa lao động và tư bản trong giai đoạn hiện nay của lịch sử, rồi vấn đề phức tạp của các quyền của giới lao động trong khung cảnh tổng quát hơn của nhân quyền, và trong mối tương quan với các giới chủ ''trực tiếp'' và ''gián tiếp''. Thông điệp còn phân tích những vấn đề mới mẽ của thời hiện đại phát xuất từ những hình thức trả lương rất độc đáo và sinh hoạt của các công đoàn. Nó không quên đề cập đến phẩm giá của lao động nông nghiệp, của giới lao động tàn tật và di cư. Sau hết, thông điệp đề xuất những yếu tố thuộc lãnh vực siêu nhiên của lao động.






XI

Bảo vệ hòa bình
và liên đới trên thế giới


Trong thời tân kỳ, các vị Giáo hoàng đã đóng một vai trò quan trọng trong việc cổ võ và bảo vệ hòa bình. Đức Bênêdictô XV ngõ lời an ủi những chiến binh năm 1915 và nhắc nhở những vị lãnh đạo của các quốc gia lâm chiến (1.8.1917). Sau đó, Ngài cho công bố thông điệp Pacem Dei (1920). Như chúng ta đã có dịp nhấn mạnh trước đây, Đức Piô XII đã gửi những sứ điệp đặc biệt mùa Giáng Sinh, nhất là trong thời Đệ nhị thế chiến. Đức Gioan XXIII viết thông điệp Pacem in Terris (1963) gây chấn động dư luận, đặc biệt tại Liên hợp quốc. Đây là thông điệp đầu tiên không những gửi cho người Công giáo, mà còn gửi đến ''tất cả những người thiện chí''. Nhà lãnh đạo Sô viết Khrouchtchev từng tuyên bố trong tờ Izvestia là ông ta đã đọc thông điệp ấy ''một cách thích thú, vì Đức Gioan XXIII lắng nghe được tiếng nói của lẽ phải''. Và đây cũng là lần đầu, một vị lãnh đạo Sô viết biết khen Giáo hoàng! Thông điệp nầy tạo nên một biến cố quan trọng và gây chú ý đến giáo huấn của Giáo hội về hòa bình.
Năm 1968, Đức Phaolô VI thiết lập ngày Hòa bình thế giới sẽ được cử hành hàng năm vào ngày 1 tháng giêng. Các sứ điệp hoà bình do các Đức Giáo hoàng công bố hàng năm được dư luận lắng nghe, trong Giáo hội, các vị hữu trách của các quốc gia cũng như trong quảng đại quần chúng. Ngày nay, các Giáo hoàng được đồng hóa với chính nghĩa hòa bình và nhân quyền, và 119 quốc gia đặt đại diện ngoại giao bên cạnh Tòa thánh; đó là dấu hiệu cho thấy các nước đã xem trọng sứ mệnh đặc biệt của chức vụ Giáo hoàng trong thời đại tân kỳ. Và để nhấn mạnh hơn nữa sự tha thiết của Giáo hội đối với các vấn đề liên quan đến công lý, hòa bình, phát triển và nhân quyền, Đức Phaolô VI đã tạo lập một Bộ đặc biệt của Tòa thánh năm 1967, ngày nay có tên là Hội Đồng Giáo hoàng ''Công lý và Hòa bình''






XII


Cần chuyên tâm suy xét


Cho đến đây, lối trình bày của tập sách này cho thấy diễn tiến của giáo huấn xã hội của Giáo hội gắn liền với kinh nghiệm và suy tư của nhiều thế hệ Kytô hữu tiếp nối nhau. Một kinh nghiệm cởi mở, luôn thức tỉnh và lưu tâm đến những vấn đề biến chuyển mới của xã hội qua các thời kỳ. Kytô hữu xác tín rằng ánh sáng Phúc âm sẽ đóng góp vào nỗ lực định hướng các xã hội tân kỳ như đã từng thực hiện trong quá khứ. Trong các xã hội đang đổi thay nhanh chóng, mọi người lại cảm thấy cần chuyên tâm nghiên cứu về lãnh vực xã hội và đạo đức.
Khả năng suy tư và dấn thân của người Công giáo trong các vấn đề phức tạp của các xã hội hiện thời làm cho giáo huấn xã hội của Giáo hội thêm dồi dào. Những phân tích chính xác và truy cứu của Kytô giáo đã đem lại những nguyên tắc hướng dẫn mới liên quan đến các vấn đề thời thượng như chiến tranh nguyên tử, nợ quốc tế, xung đột Đông-Tây và các quan hệ Nam-Bắc, các phong trào giải phóng, tỵ nạn, bảo vệ môi sinh, thất nghiệp phát sinh do yếu tố kỹ thuật, kỳ thị chủng tộc, các cộng đồng thiểu số, vị thế của giới trẻ và phụ nữ.
Những thí dụ nầy rõ rệt chứng minh rằng Giáo hội đặc biệt lưu tâm đến những vấn đề đạo đức mới mẽ trong gia đình nhân loại. Như đã có lần nói qua, mục tiêu của chúng tôi ở đây không phải đưa ra một bản phân tích toàn bộ về học thuyết xã hội hiện nay của Giáo hội. Việc nầy cần nghiên cứu kỹ lưỡng hơn, và nhiều tác giả đã thực hiện một số tổng hợp như thế, như trong phần thư mục có gợi ý. Phần chúng tôi, mục tiêu chúng tôi nhắm đến ngay từ đầu là lượng định lại khuôn khổ lịch sử và tín lý giáo huấn xã hội của Giáo hội. Công việc đó sẽ giúp chúng ta có một bí quyết giải thích để thấu hiểu được tầm quan trọng của giáo huấn ấy trong thời buổi bây giờ, và nắm bắt được ý định và tinh thần của Giáo hội khi Giáo hội đề cập đến các vấn đề xã hội ngày nay.
Chúng ta giờ đây sẽ chú tâm vào một số những  nội dung nổi bật nhất vừa mới được nêu lên trong giáo huấn xã hội của Giáo hội. Phần lớn các nội dung này trực tiếp liên hệ dến tình trạng quốc tế hóa của rất nhiều vấn đề  xã hội: những vấn đề chiến tranh và hòa bình, nhân quyền, mối liên lập toàn vũ và liên đới, bảo vệ môi sinh. Trong khuôn khổ đó, vấn đề cốt lõi nhất và tiêu biểu nhất là vấn đề bao gồm hết toàn công cuộc phát triển.







XIII


Vấn đề cốt lõi của
công cuộc phát triển con người


Từ nay, hẳn nhiên mọi người đã ý thức rằng ''vấn đề xã hội'' có một chiều kích quốc tế. Điểm quy chiếu không còn là quốc gia, nhưng là gia đình nhân loại trong toàn bộ của nó. Dĩ nhiên, nghèo đói và bất công liên lụy nhiều quốc gia hoặc cộng đồng riêng lẻ, nhưng ngày nay chúng ta nhận thấy rõ hơn về mối lệ thuộc gắn bó giữa tất cả mọi người trên thế giới và trách nhiệm chung của mọi người đối với công cuộc phát triển các dân tộc. Trong nhãn quan nầy, hai thông điệp của Đức Phaolô VI và Đức Gioan Phaolô  II về phát triển  đáng được đặc biệt lưu ý.
Năm 1967, Đức Phaolô VI công bố thông điệp Phát triển các dân tộc- Populorum Progressio, đề cập đến tình hình mới của một thế giới có nét đặc biệt là tình trạng quốc tế hóa của các vấn đề kinh tế. Tăng gia lợi tức mà thôi chưa đủ, còn phải xét xem công cuộc phát triển dưới mọi khía cạnh phẩm và lượng. Phát triển toàn diện mang một ý nghĩa cao hơn là tăng triển thuần kinh tế; nó còn phải quy chiếu vào sự thăng tiến các nhân vị nhìn trong các chiều kích văn hóa và tinh thần, và phải đem lại sự phát triển cho mọi người. Căn cơ của tình trạng bất công mà bao nhiêu người phải chịu đựng là do nơi tình trạng kém phát triển về mặt đạo đức của những người có thể và phải tham gia vào việc giải quyết các vấn đề này. Thông điệp trình bày nhiều phương thế phát huy liên đới thế giới, xuyên qua viện trợ và hợp tác quốc tế, nhằm đạt đến mục tiêu kêu gọi trách nhiệm của mọi người về hoàn cảnh của những kẻ khác mình, và thực thi ''công cuộc phát triển của con người toàn diện và của mọi người''. Một câu nói then chốt nơi bản văn của Đức Phaolô VI đặc biệt gây lưu ý dư luận thế giới: ''Phát triển là tên gọi mới của hòa bình'' (số 76).
Hai mươi năm sau bức thông điệp Populorum Progressio của Đức  Phaolô VI, Đức Gioan Phaolô II nhấn mạnh lại nền tảng vững chắc của quan niệm phát triển biết tôn trọng chiều kích văn hóa và tinh thần trong bước tiến của nhân loại, qua thông điệp Vấn đề xã hội - Sollicitudo Rei Socialis (1987). Nhãn quan quốc tế vẫn được tiếp tục nhấn mạnh. ''Học thuyết xã hội của Giáo hội có bổn phận phải mở ra để đi vào một chiều kích quốc tế, ngày hôm nay còn khẩn thiết hơn cả trong quá khứ'' (số 42).
Trong 20 năm qua những việc phải làm để tiến hành công cuộc phát triển vẫn không ngừng gia tăng; và tình trạng thế giới ngày càng thê thảm vả khẩn trương. Ngày nay nạn nghèo đói gia trọng hơn nữa và lan rộng ra nhiều nơi trên toàn cầu. Vận tốc đổi thay trong nếp sinh hoạt xã hội làm cho các nố bất công giữa người và người càng gia trọng. Đức Gioan Phaolô II đã sử dụng thành ngữ ''sống vô vọng'' nhiều lần nhằm mô tả thảm trạng của con người trong cảnh khốn cùng tận tiệt. Chúng ta cần xét lại loại nghèo khổ nào đày đọa bao anh chị em chúng ta, và những tình cảnh liên lụy với thảm trạng này. Có loại thiếu thốn vật chất, hoặc không có được những gì cần thiết nhất để sống còn, sự kiện đó dồn cuộc sống con người đến mức độ không còn gọi là người. Tuy thế, cũng còn có một loạn nghèo khổ tạo ra do việc dùng bạo lực vi phạm hay không nhìn nhận các quyền sơ đẳng và tự do xã hội, văn hoá và tôn giáo; đây là một loại nghèo khổ hết sức gia trọng và có thể tạo thương tâm hơn cả nghèo khổ vật chất. Do đó, các vấn nạn về phát triển không phải chỉ liên lụy đến các xứ thuộc thế giới Đệ Tam, nhưng bất cứ ở nước nào có những con người nam, nữ đang bị ức áp về mặt vật chất, văn hóa và tinh thần. Chủ quyền và bản sắc văn hóa của mọi dân tộc là những mục tiêu nền tảng của công cuộc thăng tiến con người. Mặc dù có sự chọn lựa ưu tiên để thể hiện tình yêu đối với người nghèo khổ đặc biệt hướng đến thế giới Đệ Tam, nhưng chúng ta đừng quên một số người đông đảo đang bị áp bức vì thiếu thốn về mặt kinh tế và văn hóa, và bị khinh thị ngay tại các xứ giàu có. Công cuộc phát triển liên quan đến tất cả mọi người nghèo khổ trên thế giới.
Những hình thức nghèo khổ ngày nay càng trở thành gay gắt vì mọi người đều bị đưa vào những mối tương trang căng thẳng không chịu nổi giữa các khối ý hệ Đông và Tây.Tình trạng đó tạo ra một vận hành vô nhân to lớn phân chia thế giới, buộc mỗi bên phải dồn bao tài nguyên vĩ đại cho các chương trình ''phòng thủ'' quân sự; hậu quả thực tế là gia đình nhân loại không có đủ phương tiện cần thiết để đẩy mạnh công cuộc phát triển cho mọi người.

 

Những căn do về tình trạng

kém phát triển về mặt đạo đức


Phân tích hết sức thực tế các hình thức kém phát triển hiện nay sẽ giúp chúng ta nhận ra rằng các nguồn căn của những hình thức nghèo khổ khác nhau nơi thời đại chúng ta nằm trong các yếu tố chính trị, và kỳ cùng, là do một căn bịnh đạo đức vì lỗi phạm và thiếu sót của nhiều người. Đức Giáo hoàng nói đến các ''cơ cấu tội lỗi''. Tất cả chúng ta được kêu gọi để hoán cải một cách sâu xa về đời sống cộng đồng; mọi người, nam nữ đều được gọi để đại độ xét lại lối sống  của mình trước hoàn cảnh đau thương của từng khối dân chúng và tình trạng kém phát triển mà thế giới ngày nay gánh chịu. Nội dung sâu xa của phát triển cũng như tình cảnh gia trọng mà thế giới phải đương đầu dấy lên một thách đố: thách đố phát triển thách đố ấy được tiếp nhận qua lời mời gọi thực thi liên đới của mọi người; liên đới là một thực tế linh hoạt duy nhất thể hiện sự tiến bộ chân thực dựa trên nền tảng của bản tính con người. Liên đới là nội dung then chốt của phát triển. Nhiều lối nói nhấn mạnh đến tầm quan trọng của liên đới: '' Liên đới là một nhân đức Kytô giáo, không còn nghi ngở gì cả''. Hòa bình là ''hoa trái của liên đới, opus solidaritatis pax'' (các số 39-40). Nếu chúng ta chỉ truy tìm các mục tiêu kinh tế hoặc tích lũy các tài vật, chúng ta sẽ phản lại những trách vụ chân thật của phát triển.
Kytô hữu xác tín rằng ánh sáng Phúc âm sẽ đổi thay các nền văn hóa ưu thắng hiện nay, đang tạo một bức chắn kỳ cục ngăn cản các đường lối tiến hành công cuộc phát triển và đe dọa tương lai của con người trên thế giới. Chúng ta cần loại bỏ nền văn hoá tiêu thụ, các ý hệ hoặc một lối nhẫn nhục thụ động trước những khổ đau và nghèo túng của từng khối người. Thay vào đó, chúng ta kêu gọi đi xây dựng một nền văn hoá liên đới và dấn thân cụ thể phục vụ lợi ích của toàn gia đình nhân loại. Những ai đóng góp xây dựng hoà bình và công lý sẽ không thất vọng Phúc âm sẽ thấm nhuần những tâm hồn lên đường xây dựng văn hoá hy vọng, một nền văn hoá tạo điều kiện thiết yếu để giải phóng mọi hình thức áp bức, vật chất, chính trị cũng như tinh thần.








XIV


Ý thức xã hội hiện diện
trong mọi lãnh vực


Một bước phát triển khác nơi ý thức của Giáo hội đó là việc nhận ra yếu tố xã hội của các vấn đề ngày nay; lối nhìn đó đi vào tất cả các khía cạnh của tư tưởng Công giáo. Công đồng Vaticanô II rõ ràng là đã thích ứng với lối nhìn này khi cổ súy một cuộc đối thọai mới giữa đức tin Kytô giáo và thế giới ngày nay. Thí dụ điển hình tìm thấy ngay nơi bản văn tổng hợp giáo huấn xã hội của Giáo hội Công giáo, đó là Hiến chế Gaudium et Spes, về ''Giáo hội trong thế giới ngày nay'' (1965); qua chín chương, Hiến chế ấy đề cập các vấn đề sau đây: nhân phẩm, cộng đồng nhân loại, cuộc sống con người trong vũ trụ, vai trò của Giáo hội trong thế giới ngày nay, phẩm giá của hôn nhân và gia đình, sinh hoạt văn hóa, phát triển các dân tộc, định hướng cuộc sống xã hội - kinh tế, cộng đồng chính trị, bảo vệ hòa bình và xây dựng cộng đồng quốc tế.
Vaticanô II đã đóng góp rất nhiều cho sự tiến trìển của tư tưởng xã hội Công giáo, điều mà các nhà bình luận lại quên. Thật thế, Vaticanô II có thể xem là một khúc ngoặt, vì, suốt công đồng, các vấn đề mới mẻ đã được nghiên cứu theo đúng phương pháp dưới góc cạnh tổng quát và qui kết nhiều lãnh vực; nhiều giải đáp thần học mới đã hình thành đáp ứng những nhu cầu của các xã hội con người. Trong cuốn II, chúng tôi sẽ chọn lọc một số bản văn của Công đồng để xác minh sự kiện nầy.
Người Công giáo dần hồi cảm thấy được những nhu cầu xã hội và ý thức hơn về trách nhiệm của mình trước một thế giới đang tìm kiếm công lý. Trong hầu hết các bản văn quan trọng nhất mà các Đức Giáo hoàng viết ra, các vấn đề hoà bình, công lý và giải phóng thường được đề cập, ngay cả khi đề tài nêu lên không minh nhiên có tính cách "xã hội". Chẳng hạn, trong Thông điệp  Evangelii Nuntiandi (1975) về các vấn đề truyền giảng Phúc âm, Đức Phaolô VI dành một đoạn dài nói đến công lý và giải phóng. "Các dân tộc cố gắng hết sức lực để chống trả và vượt qua tất cả những gì bức bách họ phải đứng ra bên lề cuộc sống: như đói khát, bệnh tật kinh niên, mù chữ, nghèo túng, bất công trong các mối tương quan quốc tế và đặc biệt là trong mậu dịch, những tình cảnh của hình thái tân thực dân kinh tế và văn hoá lắm lúc cũng khắc nghiệt không kém chế độ thực dân chính trị cũ. Các Giám mục đã từng nhắc lại rằng Giáo hội có bổn phận loan báo công cuộc giải phóng cho từng triệu người, mà nhiều người trong đó là con cái của chính họ; Giáo hội có bổn phận hỗ trợ cho công việc giải phóng đó xảy đến, làm chứng cho nỗ lực giải phóng nầy, thúc đẩy cho việc giải phóng được chung toàn. Công việc đó không phải nằm ngoài sứ mang truyền bá Phúc âm" [23].
Phần lớn các tài liệu và diễn từ của Đức Gioan Phaolô II phản ảnh một ý thức tương tự, không ngừng quan tâm đến các nhu cầu xã hội và những khát vọng của con người ngày nay . Có thể nêu lên nhiều thí dụ về sự kiện nầy  nơi các Tông thư và Thông điệp của Ngài. Bắt đầu bằng Thông điệp Redemptor Hominis (1979), Ngài nói đến những đe dọa của văn minh duy vật và các khát vọng hiện nay hướng về một nền phát triển đứng đắn (các số 15-17); Dives in Misericordia (1980) nêu lên lòng nhân hậu của Thiên Chúa và nổ lực tìm kiếm công lý trong thế giới (các số 12, 14); Familiaris Consortio (1981) về gia đình Kitô giáo, phân tích những mối liên hệ của gia đinh trên toàn cuộc sống xã hội; nó phản ảnh nhiều khía cạnh xã hội của Humanae Vitae (1967), là thông điệp của Đức Phaolô VI về gia đình. Và Reconciliatio et Paenitentia (1984) là một lời mời gọi thống hối, lưu ý đến những tội lỗi có tính cách xã hội tiêu biểu của thời đại chúng ta (số 16), Dominum et Vivificantem (1986) về Chúa Thánh Thần, tố giác thuyết duy vật vô thần như một trong những tội gia trọng chống lại Thánh Thần (số 56); Redemptoris Mater (1987) về Đức Trinh Nữ, trình bày Mẹ Maria như một mẫu mực chiếu soi cho những ai nổ lực tiến hành công cuộc giải phóng xã hội và yêu thương đặc biệt kẻ nghèo khổ (số 37); Mulieris Dignitatem (1988) về phẩm giá người phụ nữ, bàn đến việc thăng tiến giới nầy và vai trò của họ trong Giáo hội và xã hội.


Những chiều kích văn hoá của công lý

Tất cả những thí dụ nầy làm sáng tỏ nội dung chúng ta trình bày: Giáo huấn Xã hội của Giáo hội bám rễ sâu rtrong thần học, trong nổ lực truyền bá Phúc âm và trong toàn bộ cuộc sống siêu nhiên của Giáo hội. Sự kiện đó giúp chúng ta hiểu rõ hơn tại sao giải pháp cho các "vấn đề xã hội" kỳ cùng phải tìm kiếm tận trong lương tâm con người, cá nhân cũng như tập thể. Thực thi công bình xã hội luôn lệ thuộc vào văn hoá của một xã hội. Vì thế, khi dấn thân thực sự vào các sinh hoạt văn hoá, người công giáo đóng góp kiến hiệu vào sự thăng tiến của văn hoá và công bằng: "Con người ngày nay  và đặc biệt là người công giáo phải nghiêm chỉnh xét đến những điều kiện xây dựng nền tảng cho phát triển các dân tộc. Càng ngày nguời ta càng nhận rõ là tiến bộ văn hoá mật thiết liên hệ đến việc xây dựng một thế giới công bằng và huynh đệ hơn" [24].
Quan điểm mới nầy được Đức Gioan Phaolô II trình bày rõ ràng nơi một trong những bài diễn văn quan trọng nhất về Văn hoá, đó là diễn văn ngài đọc ở Paris, tại trụ sở Unesco năm 1980. Đây là một bài thuyết minh hùng hồn cổ suý việc sử dụng toàn lực trí khôn của con người nhằm bênh vực Con người chống lại những đe dọa của chiến tranh và áp bức, nhằm bảo vệ chủ quyền và sự phát triển toàn diện của các nước.
"Tương lai con người và thế giới đang bị đe dọa, đe dọa đến tận gốc rễ". Ngài nói rằng tương lai chúng ta tuỳ thuộc vào một nổ lực canh tân lại nền văn hoá đạo đức. "Vâng, tương lai con người tuỳ thuộc vào văn hoá! Vâng hoà bình thế giới tùy thuộc vào sự ưu thắng của tinh thần! Vâng, tưởng lai hoà bình của nhân loại tuỳ thuộc lòng yêu thương" [25].
Để cổ suý công lý trên thế giới, người Công giáo ngày nay ý thức được  rõ hơn họ phải am tường  những gía trị đang thịnh hành, các cung cách xã hội đang tạo ra áp bức, bất công, oan ức và đói khổ. Dấn thân xã hội  có nghĩa là cổ võ các mẫu mực văn hoá. Giáo hội có một vai trò phải chu toàn trong việc phúc âm hoá các nền văn hoá và xây dựng một xã hội nhân đạo hơn. Ảnh hưởng của Giáo hội phải thấm nhập lương tâm con người và văn hoá của mỗi xã hội. Đó là vai trò quan trọng nhất mà Giáo hội đang thực hiện và vai trò nầy ngày nay càng được nhiều người nhìn nhận hơn nữa.






XV


Một ý niệm phong phú
hơn về nhân quyền


Trong ngót thế kỷ vừa qua, Toà thánh xứng danh là tiếng nói của mọi người trong nổ lực bảo vệ nhân quyền[26]. Dư luận công chúng nhận rõ Giáo hội là một tổ chức tích cực hành động cho công lý xã hội và bảo vệ tình huynh đệ nhân loại. Các vị Giáo hoàng và Giám mục thời đại tân kỳ đã tỏ ra là những chiến sĩ uy dũng bênh vực cho phẩm giá con người. Bài diễn từ nổi danh của Đức Giáo hoàng Piô XII vào dịp Giáng sinh 1942 đã đem lại một cái nhìn bao quát về nhân quyền và các nguyên tắc của một trật tự xã hội công bằng. Giáo hội đã luôn bênh vực các quyền cá nhân, gia đình và xã hội, mặc dù lối dùng chữ "nhân quyền" chỉ mới được sử dụng dần dần qua thời gian gần đây. Thành ngữ "nhân quyền" nầy thật ra đã được giải thích từ lúc đầu theo khuôn khổ của cách mạng và bài xích Kitô giáo [27]. Nhiều người Công giáo đã từng ngại ngùng để hoàn toàn đồng ý với Bản Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền (1948), vì họ tiếc rằng bản văn ấy không nhìn nhận những quyền căn bản của Thiên Chúa.
Nhưng điểm đáng lưu ý là Giáo hội nhân tiện xác quyết lại quan điểm của mình và quan niệm thần học về nhân quyền . Quan niệm nầy nêu lên lập trường minh bạch, chủ trương việc tuyên dương nhân quyền phải tránh mọi hình thức bài trừ tôn giáo. Vaticanô II đã trình bày thái độ hiện nay của Giáo hội như sau: "Vì thế, do bởi Phúc âm đã được trao phó cho mình, Giáo hội tuyên dương nhân quyền, nhìn nhận và đánh giá cao nổ lực tích cực của thời đại chúng ta đang mạnh dạn cổ suý nhân quyền  khắp nơi. Phong trào đó cần thấm nhuần tinh thần Phúc âm và tránh tiêm nhiễm mọi ý kiến về lối tự chủ sai lạc" [28].
Trong Thông điệp Pacem in Terris (số 140) năm 1963, Đức Giáo hoàng Gioan XXIII đã công khai nhìn nhận giá trị nển tảng của Bản Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền, đã trình bày và giải thích chi tiết về quan niệm Kitô giáo trong vấn đề nhân quyền -, ở phần đầu bản Thông điệp [29]. Biến cố quan trọng nầy được Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II kỷ niệm lại 20 năm sau khi Ngài tuyên bố về Đức Gioan XXIII như thế nầy: "Ngài nói lên sự đồng ý của Giáo hội với phần thiết yếu của bản văn và xem đó là một hiến chương thực sự phục vụ lợi ích cho mọi người, trước hết là những người đang ở vào hoàn cảnh ngặt nghèo và đang bị đe dọa hơn cả" [30].
Giáo hội cũng đã đóng góp một cách hữu hiệu vào việc giải thích Tuyên ngôn Nhân quyền như một tiến trình liên tục và luôn luôn thăng tiến. Ngày 02.10.1979 trong diễn văn đọc tại Liên Hiệp quốc, ở Nữu Ước, Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã nhìn nhận bước tiến đáng ca ngợi nầy của văn hoá ngày hôm nay.
"Bản Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền và các cơ sở tài phán cấp quốc tế cũng như quốc gia cố gắng tạo nên một ý thức chung về phẩm giá con người, trong một phong trào mà ai cũng mong ước ngày càng phát triển một cách liên tục. Tôi xin nêu lên một số trong những quyền quan trọng nhất được mọi người nhìn nhận".
Sau khi nhắc đến những quyền nền tảng thuộc cuộc sống tín lý, trí năng, tinh thần, văn hoá, xã hội và tôn giáo, Đức Giáo hoàng kết luận:
"Bất cứ lúc nào, bất cứ ở đâu các quyền đều qui chiếu vào nơi con người, nơi chiều kích trọn vẹn của nhân tính" [31].
Đối với Giáo hội, việc bảo vệ nhân quyền và phẩm giá văn hoá con người trực tiếp liên hệ đến sứ mạng siêu nhiên của mình. Ngày 08.10.1988, trước toà án Âu châu và trước Ủy ban Nhân quyền ở Strasbourg Đức Gioan Phaolô II xác quyết điều đó: "Trong khung cảnh long trọng nầy, tôi chỉ có thể xác quyết lại rằng Giáo hội tha thiết với các vấn đề liên hệ đến nhân quyền  và tự do: Việc dấn thân của Giáo hội trong lãnh vực nầy hoàn toàn ăn khớp với sứ mạng đạo đức và tôn giáo của mình. Giáo hội mạnh mẽ bênh vực nhân quyền vì xem các quyền ấy là môt yếu tố cần thiết của bổn phận phải nhìn nhận phẩm giá của nhân vị được tạo dựng theo hình ảnh của Thiên Chúa và được cứu chuộc bởi Chúa Kitô" [32].
Từ Đức Lêô XIII, ý thức xã hội  của người Công giáo rõ ràng là đã tiến triển ở mọi cấp trong Giáo hội. Mặt khác, Giáo hội được thế giới đánh giá là thẩm quyền đạo đức cao nhất hành động cho hòa bình, công lý và tinh huynh đệ nhân loại. Nhưng, trước tinh trạng phức tạp và thử thách mới của xã hội hiện nay, người Công giáo được mời gọi để mãi luôn suy tư và tham gia hơn nữa vào cảnh vực xã hội.






XVI


Dấn thân vào
các lãnh vực xã hội


Có nhiều dấu chứng khác cho thấy Giáo hội ngày càng tha thiết với các vấn đề xã hội. Chúng ta đã nhấn mạnh đến sự kiện Công đồng Vaticanô II đã mạnh mẽ cổ suý đường hướng nầy.
Chúng ta cũng nêu lên những lần lên tiếng liên tiếp liên quan đến các vấn đề xã hội  suốt trong các kỳ Thượng Hội đồng Giám mục, kể từ ngày định chế nầy được thiết lập năm 1969. Thượng Hội đồng năm 1971 lấy chủ đề "Công lý trên thế giới" đã nhấn mạnh đến các mối liên hệ chặt chẽ giữa cổ suý cho công lý và rao truyền Phúc âm. Thượng Hội đồng đặc biệt quan trọng để nêu lên mối tương quan nầy, đã từng quả quyết: "Sứ mạng rao giảng Phúc âm ngày nay buộc phải dấn thân hết sức mình cho công cuộc giải phóng toàn diện con người". Đức Phaolô VI sau đó giải thích xác tín ấy, viết rằng: "Giữa rao giảng Phúc âm và thăng tiến con người - Phát triển, giải phóng - thực ra có những mối liên hệ sâu xa" [33]  Thượng Hội đồng Giám mục năm 1985 đáng lưu ý vì dành để kỷ niệm 20 năm Công đồng Vaticanô II. Nó xác nhận lại một cách Ímạnh mẽ rằng Hiến chế Gaudium et Spes còn mang đầy ý nghĩa và kêu gọi người Công giáo đào sâu tầm quan trọng hiện nay của học thuyết xã hội cùa Giáo hội, như chúng ta đã nêu lên trên đây.
Các tài liệu đặc loại do các Bộ của Toà thánh phổ biến cũng cống hiến một lối nhin cập nhật hơn nữa. Đặc biệt là hai Huấn thị về các vấn đề Gìải phóng được Thánh bộ Đức tin [34] phổ biến năm 1984 và 1986. Cũng có thể nêu các tài liệu do Hội đồng Giào hoàng "Công lý và Hòa bình" phổ biến: về Nợ Quốc tế (1986), về Nhà ở (1987), về Chủ nghĩa chủng tộc (1989). Tài liệu của Toà thánh do Hội đồng Giáo hoàng về Gia đình soạn Hiến chương về các quyền của gia đình (1983). Năm 1988, Thánh bộ Giáo dục Công giáo cho phổ biến tài liệu Những định hướng để học và dạy học thuyết xã hội  của Giáo hội trong việc đào tạo linh mục.
Mặt khác, nhiều Bộ khác của Toà thánh, kể cả Phủ Quốc vụ khanh, đều tham gia tích cực vào các cuộc họp đại kết và quốc tế, thảo luận đến vấn đề phát triển và cổ suý cho công lý. Sự hợp tác như thế đuợc Hội đồng Giáo hoàng về Hiệp nhất Kitô hữu, Hội đồng Giáo hoàng về Giáo dân và Hội đồng Giáo hoàng về Văn hoá tiến hành đều đặn. Trong những lần họp nầy, các vị đại diện của Toà thánh đã đưa ra những lời tuyên bố chính thức trình bày những áp dụng giáo huấn của Giáo hội và các vấn đề trên thế giới.
Cuộc cải cách Giáo triều Rôma mới đây đã lưu ý đến Học thuyết về Giáo hội của Công đồng Vaticanô II nhằm mục đích làm cho Giáo hội đáp ứng một cách thích hợp hơn với những nhu cầu tinh thần và xã hội của thời đại chúng ta. Đức Gioan Phaolô II nói rõ ý định của Ngài: "Tôi nhất quyết cố sức làm sao tiến hành việc nầy để cơ cấu và sinh hoạt của Giáo triều luôn thích ứng với Học thuyết về Giáo hội của Công đồng Vaticanô II, nghĩa là phải thật sự đi sát với việc hoàn thành các mục đích mục vụ của cơ cấu Giáo triều; đồng thời đáp ứng được các nhu cầu của sinh hoạt bên ngoài của Giáo hội và của Xã hội dân sự" [35].





XVII


Một vai trò đặc loại
trong lãnh vực xã hội


Sau phần mô tả trên, chúng ta cần suy nghĩ sâu hơn nữa về sứ mạng giáo huấn của Giáo hội trong lãnh vực xã hội. Muốn hiểu rõ vai trò chính xác của Giáo hội trong lãnh vực xã hội, cần phải minh định rõ thẩm quyền riêng của Giáo quyền. Chúng ta có thể thấy rằng vai trò đó vừa hạn chế lại vừa đi sâu vào bất cứ đâu. Những giới hạn được ấn định bởi sứ mạng đặc loại của Giáo hội trong trần thế. Thật thế, Giáo hội không thể nại đến một thẩm quyền đặc biệt nào liên quan đến trật tự xã hội, kinh tế, chính trị hoặc kỷ thuật. Vai trò của Giáo hội thiết yếu là tôn giáo. Công đồng Vaticanô II đã nêu lên lý do nền tảng của vai trò ấy: "Sứ mạng riêng mà Đức Kitô đã trao phó cho Giáo hội Ngài không phải thuộc trật tự chính trị, kinh tế hay xã hội: Mục tiêu Ngài định nơi Giáo hội thuộc trật tự tôn giáo" [36]. Nội dung đó được thể hiện qua truyền thống Giáo hội: Đức Piô XI nhắc lại thế nầy: "Đừng quên mục tiêu của Giáo hội là rao giảng Phúc âm, chứ không phải tạo văn minh. Nếu Giáo hội góp sức vào công cuộc kiến tạo văn minh, đó là phải xuyên qua sức mạnh rao giảng Phúc âm" [37].
Có nhiều phương cách hành động để ảnh hưởng trên xã hội: chẳng hạn xuyên qua hành động chính trị, xây dựng luật pháp, các phong trào giải phóng, các quyết định của các chính quyền, những lựa chọn về kinh tế, các dự án ý hệ, các nhóm có quyền lợì khác nhau. Hành động đặc loại của Giáo hội thiết yếu thuộc bản chất tôn giáo và đạo đức. Giáo hội không đề xuất một hệ thống chính trị, xã hội hoặc kinh tế nào đặc biệt. Giáo hội không nhằm áp đặt quan điểm riêng của mình về xã hội, xét về mặt trần thế.
Ảnh hưởng của Giáo hội đi sâu vào một cấp độ cao sâu hơn nhiều trong thực tại xã hội. Nó soi sáng lương tâm cá nhân và tập thể. Nó đưa Phúc âm thật sự đi vào đạo lý ảnh hưởng đến toàn bộ cuộc sống xã hội. Khi tuyên dương Phúc âm, Giáo hội bảo vệ các nền tảng thực sự của nhân phẩm và thân phận cao cả siêu phàm của mọi người nam-nữ. Giáo hội loan báo rằng Đức Giêsu Kitô là Đấng Cứu độ, người của mọi chân lý, công bằng và yêu thương. Qua lịch sử, không một lối giảng dạy nào có được một tác động tận căn trên các xã hội như thế khi các xã hội nầy  biết thấm nhập nguyên tắc về tình huynh đệ Kitô giáo.
Đó là lý do tại sao vai trò của Giáo hội có nét đặc loại, là siêu nhiên và đạo đức. Việc đó không có nghĩa là vai trò ấy trừu tượng. Trái lại, nó kêu gọi ta áp dụng một cách cụ thể vào xã hội. Người công giáo do đức tin của mình thôi thúc, và tất cả những người thiện tâm, thiện chí được cổ suý để sử dụng tất cả các phương tiện của các ngành khoa học nhân văn, nhằm phát hiện những khía cạnh mới của các thực tại  xã hội - kinh tế, đang tạo ra những vấn đề mới về mặt đạo đức. Giáo hội không nhân danh các thẩm quyền về kỷ thuật hoặc sử dụng các đòn phép chính trị bất chừng nào để ảnh hưởng trên xã hội. Nhưng Giáo hội  nhất mực tìm cách phát triển các nguyên tắc  công bình và nhân phẩm cho mọi người nơi cuộc sống  xã hội . Như Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II từng phát  biểu, "Giáo hội không có một thẩm quyền trực tiếp nào để đề xuất các giải pháp kỷ thuật thuộc bản chất kinh tế - chính trị; tuy vậy, Giáo hội  kêu gọi phải luôn xét lại tất cả các chế độ cho thích hợp với tiêu chuẩn của phẩm giá con người" [38].
Nguời công giáo, hành động với tư cách cá nhân hay từng nhóm riêng, sẽ phải đối đầu với những quan điểm bất chừng và những lựa chọn chính trị khác nhau; và thông thường những đổi thay chính đáng có thể xảy ra. Người  công giáo sẽ tìm được nơi giáo huấn của Giáo hội những nguyên tắc hướng dẫn cho hành động và những hình thức dấn thân tự do của họ. Họ có thể khác biệt nhau trong những chọn lựa và dự án của họ. Trong lãnh vực bao la của sinh hoạt chính trị trần thế, họ phải hành động như những Kitô hữu, nhưng tránh nói rằng họ hành động nhân danh Giáo hội. Việc tham gia tự do của một người trong các chọn lựa về sinh hoạt  xã hội cụ thể không thể được xem là lập trường chính của Giáo hội . Gaudium et Spes đã nêu lên một cách rất rõ rệt qui tắc nầy: "Thường thường, quan điểm kitô giáo thúc đẩy họ chọn giải pháp nầy hay giải pháp khác, tuỳ hoàn cảnh. Nhưng những tín đồ khác  cũng thành tâm không kém có thể phán đoán một cách khác, sự việc như thế thường xảy ra và là điều chính đáng. Nếu xảy ra việc nhiều người cứ gán bừa các ý kiến của người nầy  hoặc người khác với sứ điệp Phúc âm, dẫn người được nêu lên không muốn chút nào, thì nên nhớ rằng trong trường hợp như thế không ai có quyền nhất mưc nại đến quyền uy của Giáo hội để bàu chữa cho ý kiến của mình" [39]. Ï Học thuyết  xã hội  của Giáo hội định hướng và thúc đẩy  người công giáo dấn thân vào trần thế, nhưng họ còn phải sáng tạo và can đảm chọn lựa tự do để tiếp cận những đổi thay chính trị có thể thực hiện một cách chính đáng trên quan điểm đạo đức.





XVIII


Những hình thức mới
về Hành động và Giáo huấn



Như chúng ta đã nhận xét, ngoài các tài liệu chính thức của Giáo triều Rôma, các Đức Giáo hoàng cũng đã lên tiếng qua nhiều diễn từ, công du, thăm viếng ở Liên Hiệp quốc (Đức Phaolô VI, năm 1965, Đức Gioan Phaolô II, năm 1979), tại Unesco (Đức Gioan Phaolô II năm 1980), ở Văn phòng Lao động Quốc tế (Đức Phaolô VI, năm 1969 và Đức Gioan Phaolô II năm 1982), ở Hội đồng Liên Hiệp quốc (Đức Gioan Phaolô II năm 1988).
Tuy vậy, vai trò của Giáo hoàng không phải là một vai trò bao gồm toàn bộ hành động của Giáo hội  cho công lý, phát triển và hoà bình. Các giám mục trong mỗi nước, đặc biệt là sau Rerum Novarum, đã ý thức nhiều hơn về trách nhiệm của họ; đặc biệt ngày nay trong các xứ đang phát triển, các ngài là chứng nhân cụ thể đưa tinh thần Phúc âm vào  xã hội. Bên cạnh, các linh mục, tu sĩ nam - nữ, vô số giáo dân trên khắp thế giới đang chu toàn trách nhiệm dấn thân tích cực của họ trong môi trường họ sống và làm việc.
Các hội đồng giám mục càng ngày càng lưu ý đến các vấn đề  xã hội  - kinh tế xét về khía cạnh đạo đức. Các tài liệu của các cuộc họp ở Medellin (1968) và Puebla (1979) do tất cả các giám mục Châu Mỹ La tinh soạn thảo, cho ta một thí dụ trong muôn ngày sự kiện khác. Trong các bản văn nầy , vai trò của Giáo hội  trong một  xã hội đang thay đổi được nghiên cứu kỹ lưỡng, đặc biệt đề cập đến vấn đề phát triển, tiến bộ văn hoá, tham gia vào các cuộc sống  xã hội , phê bình các ý hệ, biệt đãi người nghèo và giới trẻ, và các dự án giải phóng mà Kitô hữu có thể chấp nhận được và đáng dấn thân.
Mười năm gần đây, nhiều hội đồng giám mục, như ở Pháp, Đức, Tây Ban nha, Hoa Kỳ, Canada, đã phổ biến các bức thư về các vấn đề quan trọng như chiến tranh nguyên tử và hoà bình, trách nhiệm kinh tế, nạn nghèo đói mới, phát triển, kỳ thị chủng tộc, người tị nạn, thất nghiệp, vai trò phụ nữ. Một số trong những tài liệu nầy  là kết quả của những công trình nghiên cứu và tham khảo rộng rãi. Đôi khi, chúng phản ảnh những đề nghị để kiện toàn các chương trình chính trị. Các bản văn như thế được dư luận tiếp nhận như một đóng góp của Giáo hội  và một cuộc đối thoại bổ ích.
Khi nói đến tư tưởng  xã hội  của Giáo hội , ta phải biết phân biệt một bên là học thuyết xã hội, gắn liền với sứ mạng thiết yếu và rao truyền Phúc âm của Giáo hội , và bên kia là những lời tuyên bố tuỳ trường hợp của các giám mục về những vấn đề cá biệt để đối đầu với những hoàn cảnh cụ thể như đói khổ, bất công, thất nghiệp, và kêu gọi hành động.
Ngày nay, Giáo hội  được trang bị đầy đủ hơn để đề cập đến các vấn đề  xã hội  của thời đại chúng ta.
Các vấn đề nầy được nghiên cứ thấu đáo nhờ các chuyên gia trong các ngành khoa học  xã hội . Phương pháp tiếp cận chúng có tính cách liên-ngành, nghĩa là phải được nhìn theo quan điểm thần học, nhưng vừa dựa trên các ngành khoa học thực nghiệm và luật tự nhiên. Nhờ thế, người không phải là kitô hữu cũng có thể chấp nhận được lập trường của Giáo hội. Và, cũng vì thế nhiều thông điệp gần đây không những gửi đến các giám mục và tín hữu, mà còn gửi đến "tất cả những người nam - nữ thiện tâm, thiện chí". Ta có thể nói rằng từ nay Giáo hội công giáo  có được một Corpus hoặc một bộ tài liệu về học thuyết xã hội, mặc dù Corpus nầy không phải là một bộ khảo luận hoàn toàn đầy đủ và hoàn tất một cách dứt điểm. Giáo huấn  xã hội nầy, bắt nguồn từ Kinh thánh và nghiên cứu dựa trên trí khôn con người, được tài bồi qua truyền thống lâu dài, vẫn luôn mở ra với một thế giới đang đổi thay. Việc trình bày có hệ thống về học thuyết nầy đã được phổ biến và được giảng dạy cho nhiều cấp độ giáo dục khác nhau trong các đại học. Nó đề cập đến tất cả các vấn đề mà các ngành khoa học  xã hội  tân thời nêu lên, như  xã hội  học và các ngành khoa học kinh tế và chính trị, đồng thời truy nguyên nguồn gốc làm phát xuất các vấn đề đạo đức.





Kết luận


Tóm lại, người ta phải nhìn nhận ảnh hưởng có tính cách quyết định và tác động trên lịch suủ của đoạn Phúc âm Mát-thêu 25, 31-46. Đoạn Phúc âm nầy đã truyền bá niềm xác tín rằng bác ái đối với người đói, khát, người ngoại quốc, người trần truồng không có áo che thân, người chịu tù đày là một cử chỉ yêu thương chính Chúa. Mặc dù hậu quả đoạn Phúc âm không thể lượng định được chính xác, nhưng niền tin vào giá trị tối thượng của bác ái đã làm đổi thay những mối liên hệ giữa con người với nhau, và vẫn mãi còn là một trong những phương thế mạnh mẽ nhất của Giáo hội nhằm gây hưng phấn đạo đức và siêu nhiên nơi các cộng đồng con người.
Qua hành động bác ái và  xã hội, Giáo hội tạo một ảnh hưởng đáng kể trên cuộc sống của các  xã hội. Các hình thức hành động rất đa diện: dấn thân cá nhân, giúp đỡ người túng thiếu, hành động bác ái từ thiện và đặc biệt là các hoạt động của các tổ chức do Giáo hội sáng lập, như bệnh viện, nhà mồ côi, các dưỡng đường, trường học cho người nghèo, các dự án công đồng. Trong các xứ đang phát triển, các hình thức hành động bác ái và xã hội như thế mang nhiều ý nghĩa. Trong các xứ kỷ nghệ hoá cũng vậy, những hoạt động nầy còn giữ lại giá trị toàn bộ của chúng, và bất cứ ở đâu các sinh hoạt nầy còn tồn tại, thì còn chứng kiến được những nhân chứng tận tụy theo tinh thần kitô giáo. Các nước tiến bộ đã nới rộng các hình thức trợ giúp bằng sáng kiến tạo nên những hệ thống phục vụ công cộng như bệnh viện, trường học, tổ chức cứu tế, và các hệ thống chính thức về dịch vụ  xã hội . Nhưng Giáo hội vẫn cố gắng thường xuyên nhắc nhỡ những ai đang làm việc và dấn thân trong các ngành cứu trợ bác ái của các tổ chức trần thế, ý thức rằng giúp đõ người ta phải luôn được xem là một cử chỉ thân thiện bè bạn và yêu thương.
Giái huấn về mặt xã hội cũng tượng trưng cho một hình thức dấn thân kitô giáo có ý nghĩa, và, như chúng ta đã thấy, đó là mối lo lắng thường xuyên của Giáo hội đối với xã hội. Từ thời các Gìáo phụ, phải đương đầu với các vấn đề của thời đại của họ, đến thời đại chúng ta, các Giáo hoàng tiếp tục đưa ra một giáo huấn  xã hội thích ứng với các hoàn cảnh ngày nay, Giáo hội  tuần tự xây dựng toàn bộ các nguyên tắc, một bộ học thuyết liên quan đến các vấn đề nền tảng như: nhân phẩm, vai trò gia đình, phận vụ nhà nước, các khía cạnh  xã hội của quyền tư hữu, các nguyên tắc về lao động và kỷ nghệ, các điều kiện cho hoà bình, liên đói và phát triển. Nếu các vấn đề xã hội - kinh tế đã chiếm một chỗ đặc biệt trong học thuyết  xã hội  của Giáo hội, thì cũng đừng xem nhẹ giáo huấn và các vấn đề quan trọng khác đối với  xã hội, chẳng hạn như: Gia đình, hôn nhân, giáo dục, phát triển văn hoá cho mọi người, các quyền lợi và bổn phận của người công dân, trách nhiệm của quốc gia và vai trò của cộng đồng quốc tế. Từ nay, mọi vấn đề  xã hội được nhìn nhận theo một nhãn quan rộng rãi hơn, có thể nói là bao quát.
Kể từ thời mà thông điệp Rerum Novarum của Đức Giáo hoàng Lêô XIII (1891) được phổ biến, và đúng là một biến cố lịch sử thật sự, nhiều tiến bộ đáng kể đã được thực hiện liên quan đến phương pháp và lối tiếp cận của giáo huấn  xã hội của Giáo hội. Trước hết, việc phân tích các hoàn cảnh  xã hội đã biết tận dụng những thành quả của các phương pháp mới trong các ngành khoa học  xã hội áp dụng vào các thực tại phức tạp, như tính tương thuộc của kinh tế và kỷ nghệ, tình trạng bất công từ cơ cấu, các tiến trình phát triển, các mối quan hệ quốc tế và những xung đột ý thức hệ. Trong quá khứ, Giáo hội có thói quen tố giác các cá nhân vì lối hành xử bất công của họ: các vị vua, nhà làm luật, các sở hữu chủ, các người làm chủ các công xưởng. Ngày nay, không những phải nhìn thấy trách nhiệm của các cá nhân, nhưng còn phải lưu ý trách nhiệm chung của cộng đồng, cũng như những rối loạn từ cơ cấu tạo nên bất công, bạo lực và bóc lột tập thể. Sự kiện đó đòi hỏi các nhà  xã hội  học và các nhà luân lý học tiếp cận các vấn đề một cách mới mẽ hơn.
Hơn thế nữa, trong một thế giới đa nguyên, Giáo hội đã nhìn nhận một cách rõ rệt hơn về sự tự trị chính đáng của các thực tại chính trị và kinh tế. Vào thời Trung cổ và trong suốt thế kỷ XVIII, Giáo hội đã cố gắng kitô giáo  xã hội và tìm cách giữ lại hình thái đó. Bây giờ, Giáo hội nổ lực đề xướng các nguyên tắc suy nghĩ và các mẫu mực cư xử trong cuộc sống  xã hội , phát sinh từ tư tưởng kitô giáo, nhưng dựa trên những nhận xét vừa triết học vừa do kinh nghiệm thực tế.
Với lối hành xử như vậy, Giáo hội có thể trình bày giáo huấn của mình với mọi người nam - nữ thành tâm thiện chí. Nhờ thế Giáo hội  nới rộng tác động giáo huấn của mình và tạo được một uy thế đáng kể trong lãnh vực nhân quyền, thương thảo quốc tế, hoà bình và phát triển con người.
Và đồng thời giáo huấn ấy cũng đạt được một chiều kích đại kết lớn lao hơn. Ngoài ra, giáo huấn nhấn mạnh đến tầm quan trọng của công việc hợp tác giữa các tôn giáo để xây dựng một thế giới công bằng và hoà bình. Nó luôn mở ra với tất cả những lý tưởng  xã hội  thích ứng với nổ lực thăng tiến con người tự do trong những cộng đồng  xã hội  tự do.
Trong một  xã hội  phức tạp và đa nguyên, Giáo hội đề nghị những nguyên tắc đạo đức, và hy vọng rằng những cộng đồng kitô hữu sẽ là trung gian tìm kiếm những giải pháp cụ thể áp dụng cho những thực tại  xã hội  địa phương. Lối tìếp cận khôn ngoan và thực tế nầy, được Đức Giáo hoàng Phaolô VI diễn tả rất tinh tế như sau:
"Đối diện với những hoàn cảnh đa biệt như thế nầy, chúng tôi khó mà phát biểu một lối nói duy nhất cũng như đề xuất một giải pháp có giá trị tổng quát. Đấy không phải tham vọng của chúng tôi, và cũng không phải là sứ mệnh của chúng tôi. Chính các cộng đồng kitô giáo có phận vụ phân tích hoàn cảnh rìêng của nước mình một cách khách quan, nhìn hoàn cảnh ấy dưới ánh sáng của các lời chất chứa chân lý trường cửu của Phúc âm, rút tỉa những nguyên tắc suy tư, mẫu mực phán đoán và chỉ dẫn hành động nơi học thuyết  xã hội của Giáo hội từng được hình thành suốt tiến trình lịch sử và đặc biệt là trong kỷ nguyên kỷ nghệ nầy" [40].
Ngày nay người ta chân nhận rõ rệt rằng giáo huấn Giáo hội thiết yếu hướng đến hành động và phải luôn mở rộng tiếp cận những vấn đề mới phát xuất từ những hoàn cảnh  xã hội luôn đổi thay. Lối suy nghĩ mới nầy đem lại cho giáo huấn Giáo hội một đặc tính linh động cần phải nhấn mạnh:
"Giáo huấn nầy thiết yếu hướng đến hành động, phát triển cùng nhịp với những đổi thay của lịch sử. Vì thế, dù dựa trên nhuũng nguyên tắc luôn có giá trị vững bền, thì cũng có những phán đoán bất tất. Giáo huấn ấy không phải là một hệ thống đóng kín, nhưng luôn mở ra với các vấn đề mới mẽ không ngừng xảy đến; nó cần đến sự đóng góp của tất cả những đoàn sủng, kinh nghiệm và khả năng khác nhau" [41].
Cái nhìn tổng lược trong cuốn sách nầy cho thấy rõ rằng Giáo hội, do từ nơi sứ mệnh riêng của mình, không thể không tim hiểu và ảnh hưởng sâu xa vào các  xã hội mà Giáo hội hiện diện trong đó một cách tích cực. Ý thức và sự biểu lộ về trách nhiệm của Giáo hội  trong xã hội được gọi là "học thuyết  xã hội công giáo". Nếu chữ học thuyết gặp một số khó khăn về tên gọi, do những lời chỉ trích phát xuất từ các tiền kiến ý thức hệ, thì không ai có thể chối cãi rằng trong thực tế Giáo hội  đã giáo huấn và còn mãi giáo huấn để  xã hội con người đi theo ánh sáng Phúc âm và lương tri. Kinh nghiệm tích luỹ nầy  được tài bồi dần hồi như một thứ đạo đức xã hội và phải được mỗi thế hệ kitô hữu bảo trì, nó "cần đến sự đóng góp của tất cả những đoàn sủng, kinh nghiệm và khả năng khác nhau". Tóm lại, học thuyết  xã hội  của Giáo hội gắn liền với ơn gọi của mình là đi và giáo huấn tất cả các dân tộc cho đến ngày tận thế.
Trong cuốn II, chúng ta sẽ truy cứu các tài liệu chính yếu, để thấy rõ phương thức tiến hành giáo huấn xã hội công giáo. Với quan điểm bổ sung ấy, chúng ta sẽ xác minh sự phát triển linh động của học thuyết  xã hội công giáo và bản chất đặc loại của giáo huấn nầy.


____________


[1] GIOAN PHAOLÔ II, Thông điệp Sollicitudo Rei Socialis, số 1.
[2] GIOAN PHAOLÔ II, Thông điệp Sollicitudo Rei Socialis, số 41, trong cuốn II bộ nầy, chúng ta sẽ thấy tư tưởng các Giáo hoàng về bản chất học thuyết xã hội của Giáo hội đã diễn tả thành văn tuần tự như thế nào
[3] Thượng Hội đồng Giám mục năm 1965, Bản đúc kết
[4] Thư gửi Diognète số 5: P.G., 2, 1173. Xem dẫn nhập, bản dịch và bình giải của Henri Irénée Marrou, xb. lần 2, Paris, Cerf, 1965.
[5] Epist. 138, 5 "Ad Marcellinum", ch. 2, 05.
[6] GIOAN PHAOLÔ II đã nhắc lại vai trò lịch sử của cộng đờng Kitô giáo Âu châu. Ngày 8.10.1988, tại Strasbourg, Ngài tuyên bố trước Quốc hội Âu châu rằng: "Gần 20 thế kỷ, Kitô giáo đã đóng góp vào việc xây dựng một quan niệm vế thế giới và con người, và vũ trụ quan, nhân sinh quan đó còn là một gia sản nền tảng đến hôm nay , vượt lên trên những chia rẽ, những yéu hèn, ngay cả bỏ quên từ phía chính người Kitô hữu... Trong nhiều thế kỷ, Âu châu đã đóng một vai trò lớn lao nơi những phần còn lạì của thế giới. Phải nhận rằng không phải lúc nào Âu châu cũng cống hiến phần cao đẹp nhất của mình khi gặp gỡ các văn minh khác, nhưng không ai có thể chối cãi rằng Âu châu đã chia sẻ cho mọi người nhiều giá trị mà nó đã tài bồi qua nhiều năm tháng. Con cái của Âu châu đã đóng góp một phần thiết yếu trong việc quảng bá sứ điệp Kìtô giáo.

[7] J. A. Schumpeter, History of Economic Analysis, New York, 1954, tr. 95.
8  G. Rinaldi, L 'apprezzamento etico - sociale dell 'attivitị commerciale nel più eminente Moralợsta Dominicano del Quattrocento: S. Antonino di Firenze, Pinerolo, 1959.
9 O. Bazzichi, "La Proprietả secondo tre pensatori Francescani del Medioevo: Pietro di Giovanni Olivi, Guglielmo Ockham e Alvaro Pelagio" , trong Rivista di Politica Economica V, 1985, serie III.




[10] Lé éo Moulin, Le Monde vivant des religieux, Paris, Calmann- Lévy, 1964.
[11]Ï Xem Victoria et Suarez, Contrìbution des théologiens au droit international moderne (nhiều tác giả), Paris (Hiệp hội quốc tế Vitoria, Suarez), 1939.

[12] Xem các công trình nghiên cứu của L-R. Villermé ở Pháp (1840) và của
    Fr. Engels ở Anh (1845)

[13] G. Goyau, Ketteler, Paris, 1908.
[14] PAUL DROULERS, Action pastorale et problèmes sociaux sous la Monarchie de Juillet, chez Monseigneur d'Astros, Paris, 1954. Cùng tác giả" Des évêques parlent de la question ouvrière en France avant 1848 "Revue de l 'Action populaire, 1947 (4.1961)  các trang 442-460; và P. Droulers"L  'Épiscopat devant  la question ouvrière en France sous la Monarchie de Juillet", trong Revue Historique, 229 (1963), các trang 335 - 362.

[15] Đây là những tác phẩm tuyển chọn về phong trào xã hội Công giáo trong các nước Âu châu suốt trong thời kỳ này : J.B. Duroselle, les débuts du catholicisme social en France ( 1822 - 1870 ), Paris 1951; H.Rollet, L'action sociale des catholiques en France ( 1871 - 1901 ), Paris, 1947; E.Ritter, die Katholische - soziale Bewegung Deutschland im Neunzehnten Jahrhundert  und der Volksverein , Cologne. 1954; các bản dịch ra tiếng Ý: Il movimento catholice - sociale in Germania del XIX secolo e il Volksverein; S.H.Sholl, 150 anni di movimento operaio cattolico nell 'Europa centro occidentale (1879-1939), Padoue, 1962; A.Gambasin, Il movimento sociale nell 'Opera dei Congressi , Roma, Univesité Pontificale Grégorienne , 1958; R. Aubert, '' Aux origines de la doctrine sociale catholique '', trong les dossiers de l 'action sociale cathoklique, Bruxelles, tháng 4-1966; xem J.Joblin và F. Duchini ở chú thích 19 và 20 dưới đây

[16] ALPHONSE BREGOU "Une ''catholique sociale'' Marie - Louise Rochebillard", la pensée catholique, 238 ( tháng 1 và 2.1989), các trang 40 - 61.

[17] Etienne Gilson, The Church Speaks to the Modern World. The Social Teachings of Leo XIII . xb, chú thích và dẫn nhập của E. Gilson, New York 1954
[18] Các dự án của Vaticanô I về các '' Vấn đề xã hội '' đã được Paolo Petruzzi nghiên cứu kỹ lưỡng, Chiessa e società civile al Concilio Vaticano I , Roma. PUG. 1984.
[19] Xem Joseph Joblin "Doctrine et action sociale: réflexion sur l 'évolution du mouvement social chrétien avant et après Rerum Novarum '' , trong De Rerum Novarum à Laborem Exercens '': vers l 'an 2000, Roma, HĐGM Công lý và Hòa bình , 1982, các trang 89-114 ( với một thư mục phong phú ); nhiều nhà chuyên môn đã đóng góp vào tuyển tập này, nhấn mạnh ảnh hưởng của Rerum Novarum  trên tư tưởng và hành động xã hội hiện nay tại nhiều quốc gia; cũng xem Georges Jarlot, Doctrìne sociale et Histoire, Roma, PUG, 1964
[20] Xem Francesca Duchini "Insegnamento sociale della Chiesa e problematica economia: da Leone XIII a Pio XII", trong A. Bausola và nhiều tác giả, L 'insegnamento sociale della Chiesa, Milanô, Vita et  Pensiers, 1988, các trang 54-88.
[21] Keynes J. M. Keynes, The General Theory of Employment Interes and Money, Luân đôn 1936

[22] Xem T.P. Mc Laughlin, The Church and the Reconstruction of the Modern World. The Social Encyclicals of Pope Pius XI, New York, Image Books, 1975 (gồm 11 thông điệp với phần dẫn nhập).

[23] PHAOLÔâ VI, Evangelìi Nuntiandi (1975) số 30.

[24] GIOAN PHAOLÔ II, Thư thành lập HĐGH về Văn hoá, 20.5.1982; AAS 74 (1983), các trang 683-688. Về vấn đề nầy xem "The Links between Culture, Justice and Peace", ch. 4, trong H. Carrier, Gospel Message and Human Culture. From Leo XIII to John Paul II. Pittsburgh (Penn.), Duquesne University Press. 1989.

[25] GIOAN PHAOLÔ II, diễn văn tại Unesco 2.6.1980
[26] Franco Biffi. "Les droits de l 'homme dans le magistère des Papes du XXe siècle" trong FIUC, Droits de l 'homme: approche chrétienne, Roma, Herde, 1984, các trang 152-197.
[27] J. JOBLIN có một tài liệu hữu ích cho vấn đề phừc tạp nầy: "La Chiesa e i dìritti umani: quadro storico e prospettive future" trong La Civiltà Cattolica, 3334 (20.5.1989) các trang 326-341. Cũng nên xem Paul Ladrière "La révolution Fran?aise dans la doctrine politique des Papes de la fin du XVIIIe à la moitié du XXe siècle" Archives de Sciences Sosiales des Religions, 66 (tháng 7 - tháng 9. 1988) các trang 87-112.

[28] Gaudium et Spes, số 41
[29] Nên đọc ở chương số 144 của Pacem in Terris, các câu nầy: "Không phải chúng tôi không biết rằng một số điểm trong bản Tuyên ngôn nầy đã dấy lên nhiều chống đối và tạo ra nhiều dè dặt chính đáng. Tuy vậy, chúng tôi xem bản Tuyên ngôn đó như một bước tiến đến việc thiết lập một tổ chức pháp lý chính trị của cộng đồng thế giới. Bản Tuyên ngôn ấy long trọng nhìn nhận phẩm giá của tất cả mọi người không phân biệt; nó xác nhận cho mỗi cá nhân các quyền của họ về nổ lực tìm kiếm chân lý một cách tự do, tuân theo các mực thước của đạo lý, thực thi các bổn phận của công lý, đòi hỏi những điều kiện sống xứng hợp với nhân phẩm, cũng như các quyền khác gắn liền với các quyền nầy".

[30] GIOAN PHAOLÔ II, Diễn văn tại Ủy ban Âu châu và Toà án Nhân
     quyền Âu châu.
[31] GIOAN PHAOLÔ II, Diễn văn tại Đại Hội đồng Liên Hiệp quốc
[32] Evangelii Nuntiandi số 31.
[33] Thánh bộ Đức tin, Huấn thị về Thần học Giải phóng, 6.6.1984, Huấn thị về Giải phóng, 22.3.1986.
[34] Thánh bộ Đức tin, Huấn thị về Thần học Giải phóng, 6.6.1984, Huấn thị về Giải phóng, 22.3.1986.

[35] GIOAN PHAOLÔ  II, Tông huấn Pastor Bonus (1988), Dẫn nhập số 13.
[36] Trích Gaudium et Spes, số 42.
[37] Trích Gaudium et Spes, số 58.
[38] GIOAN PHAOLÔ II, Diễn văn ngày 3.4.1982, trong Tổng lược từ "Rerum Novarum" đến "Laborem Exercens" xem chú thích 19 trên đây.

[39] Gaudium et Spes, số 43.

[40] PHAOLÔ  VI, Octogesima Adveniens (1971) số 4.
[41] Thánh Bộ Đức tin, Huấn thị về Giải phóng 22.3.1986, số 72