Thi Sĩ Và Nàng Thơ

Thi Sĩ 

Và Nàng Thơ
Đỗ Bình

Cuối thế kỷ trước có một thi sĩ tặng tôi tập thơ đẹp cả ý lẫn lời, đây là những bài thơ tình nửa hư nửa thật dẫn người đọc bước vào một thế giới mộng mị nơi đó có hai mảnh hồn đầy lãng mạn giữa thi sĩ và nàng thơ đã đắm đuối qua thơ văn nên bị  cuốn vào cơn lốc tình, họ đắm say chia nhau ăn «trái cấm» tình yêu, dù cả hai đều đã có gia đình!
Theo những dấu chân tình lãng mạn trong thơ tôi cảm thấy lòng xao xuyến thương cho cuộc tình muộn màn, ngang trái, rất tha thiết nhưng trái đạo! Lời thơ chọn lọc, nhẹ nhàng cất lên từ đáy tim bằng ngôn ngữ thật thà để diễn tả tâm trạng của kẻ đang yêu nên không dùng sáo ngữ tán tình yêu như loài bướm lượn cành hoa. Thi sĩ đắm hồn như loài ong đang hút nhụy, mật ngọt của tình yêu đầy màu sắc, bồng bềnh tạo không gian trng thơ mờ ảo. Tôi chưa hề quen biết người trong thơ nhưng lại thương cảm cho nàng qua cách diễn đạt tài tình của thi sĩ, phải chăng nàng cũng làm thơ nên đã yêu thi sĩ ?


 Vì cảm hồn thơ tôi đã trân trọng giới thiệu thi tập với các bạn văn nghệ ở Paris, và có ngỏ  lời nhờ vài người bạn là nhạc sĩ phổ nhạc giúp vì hiếm gặp được những bài thơ tình hay và độc đáo như thế. Nhưng thuở ấy những trận bút chiến hãi hùng trên văn đàn mà tác giả là khuôn mặt nổi do đó đã làm ngại ngần những tâm hồn đồng cảm! Mang thi tập về nhà lòng tôi cứ bâng khuâng chẳng biết làm sao để những vần thơ hay này được nương cánh nhạc bay cao lan toả đến công chúng, tôi tin những ca kúc có lời thơ ý nhạc hay sẽ làm lòng người thổn thức mãi. 


Thơ phổ nhạc là muốn đem thêm chút nghệ thuật âm thanh vào trong thơ làm nổi bật hình ảnh sắc màu, ý thơ, tính nhạc để hát bài thơ theo nhiều giai đi
ệu trầm bổng. Một bài thơ phổ thành ca khúc hoàn hảo rất khó, bài thơ được phổ sẽ không bị cắt câu chữ làm mất hình ảnh, hụt ý nghĩa của tứ thơ. Nhưng đâu phải bài thơ nào cũng chuẩn, cũng có hình ảnh, tính nhạc! Có những bài thơ câu chữ thừa, hoặc trùng ý, trùng nghĩa, do đó nhạc sĩ cần phải cắt xén câu chữ, sắp xếp lại cấu trúc giai điệu để hình nốt vút theo từng cung bậc của ngữ nghĩa thành tác phẩm. 


Những ca khúc VN hay thường có nét độc đáo, riêng biệt, ca từ hay mang ý đẹp. Trong số những bài thơ phổ nhạc có những bài ngôn ngữ, tứ thơ bình thường nhưng được người nhạc sĩ có tài phổ  sẽ làm tăng giá trị bài thơ trở thành ca khúc hay vì nhạc sĩ đã đi vàơ hồn thơ tính nhạc của bài thơ để phổ; Nhưng cũng không ít những bài thơ rất hay bị phổ vội, thiếu chất nghệ thuật làm giảm giá trị bài thơ!


Trong kho tàng văn học nghệ thuật Việt Nam có nhiều nghệ sĩ chỉ cần sáng tác một vài bài thơ, ít nhạc phẩm đã để cho đời những áng thơ hay những giai điệu tuyệt vời: Thi sĩ Vũ Đình Liên, Thi sĩ T.T.K.H, thi sĩ Hữu Loan, Thi sĩ Linh Phương…, phía âm nhạc: Nhạc sĩ Đặng Thế Phong, Đoàn Chuẩn& Từ Linh, Nguyễn Văn Khánh, Lê Hoàng Long, Hiếu Nghĩa, Dzũng Chinh..vv….Họ là những nhạc sĩ sáng tác thực tài mà trời đã ban cho một năng khiếu âm nhạc đặc biệt để thẩm thấu những nét độc đáo của âm thanh kết thành giai điệu đẹp.

 Họ không cần vận dụng những lý thuyết hàn lâm quá phức tạp trong âm nhạc để dàn trải khi chỉ sáng tác một ca khúc, những điều kiện đó trời đã cho họ những ưu điểm từ trong vô thức có một giác quan rất bén nhạy về âm nhạc nên đã chứa sẵn lý thuyết âm nhạc trong cảm hứng khi sáng tác. Đối với những nhạc sĩ đã sáng tác hàng trăm ca khúc và có nhiều bài hay, họ là người có tài, tâm hồn phải thật đam mê âm nhạc mới làm nổi nhiều nhạc phẩm hay, nếu không chỉ là số lượng dù viết hàng trăm ca khúc, trăm bài thơ mà người đời cũng chẳng biết đến hoặc nghe qua rồi quên! 


Người nghệ sĩ dù có bị người đời vô tình quên tên tác giả hay “cố tình quên” thì họ vẫn cống hiến cho đời những sáng tác bằng cả tâm hồn, mà tâm hồn nào hướng về nghệ thuật cũng tuyệt vời! Ngoảnh lại thấy thời gian trôi rất nhanh mà đời người lại quá ngắn ngủi, phải chăng chỉ có tình yêu mới đáng qúy nên hồn tôi dạt dào cảm xúc với tâm hồn lãng mạn của thi nhân và nàng thơ, nên đã viết thành bài thơ:Chỉ Là Mơ . Khó diễn tả cảm giác trong tôi, có lẽ tôi đã qua thời tâm hồn đầy ắp những cảm xúc sướt mướt của thơ tình!

  “Thơ thẩn vì đóa hoa thiếu nắng
Khép mi, cho lòng đỡ ngất ngây

Bỗng dưng, ta thấy đời im lặng
Như mất nửa hồn theo áng mây!
nếu lỡ đã say mà quên lối?
Thì đành ôm chút mộng hờ thôi.
Tình chỉ là mơ, sao bối rối?
Quay đi …hồn vướng mãi nụ cười!“
(Chỉ Là Mơ)

 
 Hôm ấy có người bạn ở Đan Mạch đến thăm và ở chơi với tôi. Chúng tôi tổ chức chiều họp bạn văn nghệ quy tụ nhiều khuôn mặt văn nghệ sĩ Paris, trong chương trình tôi đem bài thơ ra đọc, bằng hữu hiện diện đều có tuổi nhưng ai cũng thích bài thơ tình lãng mạn đó. Khi các b
ằng hữu của tôi ra về ông bạn tôi mới nói cho tbiết chuyện tình trong thơ mà tôi làm tặng cho thi sĩ phương xa, tác giả không viết hư cấu mà là chuyện thật! Tôi ngỡ ngàng, và chợt nghĩ có lẽ họ đang chống nhau trên lãnh vực văn bút nên khắt khe chăng? 

Và Tôi tự nhủ: Ở trên đời có nhiều điều nhìn thấy cũng chưa chắc đúng, huống chi chỉ là  nghe đồn!  Làm sao có thể hiểu hết sự bí ẩn trong tâm hồn con người, nhất là tâm hồn đa cảm của thi nhân biết đâu là bến bờ ? Ông bạn phương xa của tôi là một người nổi tiếng, anh ấy đa tài, là một nhà giáo, nhà biên khảo, nhà báo chuyên nghiệp đã thành danh từ đầu thập niên 50 của thế kỷ trước, anh nhìn đời rất thực tế và nghiêm khắc không thơ thẩn mơ mộng như tôi! Ngòi bút của anh sắc hơn gươm đao nên dễ làm bật máu người khác, các bạn quanh tôi đều nể trọng kiến thức uyên bác và tài năng sáng tác của anh nhưng chẳng ai dám lại gần vì ngần ngại cây bút lạnh toát không nhận ra được bạn thù! 

 
Gần hai mươi năm sau trong một lần họp bạn văn nghệ ở Paris, có người yêu cầu tôi đọc bài thơ cũ, để đẹp lòng người bạn tôi đã đọc trong khán phòng ấm cúng, yên lặng. Bỗng một giọng trầm buồn của một nhà biên khảo nổi tiếng anh cho biết có quen tác giả thi tập và người trong thơ, thi sĩ thì mãi thả hồn theo mây bay để làm thơ quên thực tại! Còn nàng thơ lại rất yêu thơ văn, thích sống bằng mộng tưởng nên đã vô tình làm đổ vỡ chuyện gia đình!

 Có gì tồn tại mãi với thời gian mà không phai theo năm tháng? Cuộc tình trong thơ dù hư cấu hay chuyện thật thì cũng qua đi nhưng dòng cảm xúc của thi nhân là thật, nỗi cô đơn vẫn góp cho đời những áng thơ hay. Thời gian rôi qua mau người đời có thể đã quên thi sĩ, hương tình xưa cũng đã bay xa. Chỉ còn những vần thơ say đắm trên trang sách cũ, người đời sau yêu thơ đọc lại những vần thơ xưa chắc bùi ngùi thương cảm nỗi lòng thi nhân?
Chẳng có hạnh phúc nào vĩnh cửu, còn tình yêu vẫn là đề tài muôn thuở, cái thú của người làm thơ, ở đó thi nhân tìm được chỗ trú ngụ để tâm hồn thăng hoa phút giây. Cuộc tình nào mà không qua đi nhưng thơ đâu có tội tình, nhà thơ dù có muốn quên nàng thơ nhưng hồn thi nhân vẫn vướng mãi nụ cười xưa. Tình yêu là những khoảng diễm tuyệt trước khi tan biến thì vẫn giúp cho thi nhân có thêm nguồn cảm hứng dệt cho đời những áng thơ tình muôn sắc. 


Đỗ Bình