LỄ PHỤC SINH Ở HOA KỲ
Xuân Vũ TRẦN ĐÌNH NGỌC
Lễ
Phục Sinh ở Hoa Kỳ cũng đồng thời bắt đầu mùa Xuân (cuối tháng Ba),
thời tiết ấm áp, tuyết tan dần, đường freeway không còn đá đóng quánh
với mặt đường làm xe, nếu thắng gấp, bị quay ngang lủi xuống hố hoặc gây
tai nạn.
Những bộ quần áo ấm mùa Đông đã biến mất nhường chỗ cho những sơ-mi, quần, váy đầm, robe, mặc cho mùa Xuân và mùa hè.
Riêng
đám trai tráng, họ không ưa những bộ quần áo len dạ, áo ấm, quần dầy
như các ông già mà chỉ sơ-mi, có khi lại chơi cụt tay, cho thấy nổi bắp
thịt (ra cái điều ta khoẻ đây), mới là thời thượng. Các cô gái cũng
tương tự. Không cô nào muốn cuộn mãi vào người các thứ áo len, áo dạ, nó
làm cho người to phềnh ra, eo co giấu kín đi hết, mất thẩm mĩ!
Lễ Phục Sinh (Easter) ở Hoa Kỳ với người Công giáo có gì? Đó là câu hỏi bạn muốn tôi trả lời?
Cũng
giản dị thôi! Người Công giáo Hoa Kỳ không có ngắm đứng, không có đóng
đinh, táng xác Chúa như người Việt Nam mình. Vậy họ làm gì?
Ngày
chay họ cũng ăn chay. Họ giữ chay kĩ lưỡng lắm chứ không hời hợt như
một số người Việt Nam. Có nhiều người Việt, ăn đầy đủ ba bữa suốt năm
nhưng nếu gặp ngày ăn chay, la như cháy nhà, cái bao tử hơi ngót một
chút không chịu được!
Người
Hoa Kỳ không ngắm đứng nhưng họ đọc Bible, tức sách Phúc âm, những sách
viết về cuộc tử nạn của Chúa hay những sách tương tự để gíúp họ nhớ đến
cuộc đời của đấng Christ. Sau đó, họ vào tòa giải tội để thú nhận lỗi
lầm và ăn năn với Chúa, qua vị Linh mục đại diện cho Chúa (giới trẻ hơi
ít).
Người
Hoa Kỳ có ngày Good Friday (thứ sáu lành tức thứ sáu tuần thánh, Chúa
chịu nạn). Các công sở vì phải giữ sự công bình với các tôn giáo khác,
không cho nhân viên nghỉ ăn lương nhưng các hãng, xưởng, công ti tư, nếu
chủ nhân là người có niềm tin vào Đức Kitô, thì họ hoan hỉ cho nhân
viên các cấp nghỉ ngày hôm đó, có lương.
Người
Hoa Kỳ không có thói quen đi viếng xác Chúa tại các nhà thờ ngày thứ
bảy tuần thánh khi Chúa được táng trong hang đá. Ngày Chúa Nhật Phục
Sinh là ngày quan trọng đối với họ. Thường cả gia đình đến nhà thờ dự
lễ. Lễ tất, họ có tiệc trà cho mọi người trong giáo xứ. Thứ bánh ngọt
được ăn nhiều nhất là đâu-nất (donut), thứ nước pha nhiều nhất là cà-phê
(Đa số người Mỹ uống cà-phê không đường). Trẻ con người lớn mặc sức mà
ăn, khỏi trả tiền bạc gì. (Họ có quĩ nhưng kế toán phân minh, không ai
giở trò tham lam, keo bẩn.)
Họ
rất hiếu khách, người Việt nếu bớt thì giờ vào chào hỏi cha xứ, chuyện
trò với mọi người quen thuộc thì cũng dự tiệc đâu-nất cà phê. Cà phê
đâu-nất để sẵn đó, cứ tự động bỏ vào đĩa giấy, rót vào li giấy mà ăn,
uống. Xong việc bỏ rác vào thùng rác, cái quan trọng.
Việc
khác cũng quan trọng: chuyện trò. Ho rất thích chuyện trò với chúng ta
khi biết chúng ta từ một nước vùng Đông nam Á chạy tị nạn chính trị tới.
Người Hoa Kỳ “long trọng hoá” những bữa ăn tối (dinner), dù là lễ Phục Sinh hay lễ Giáng Sinh.
Lễ
Giáng Sinh bao giờ họ cũng nướng gà tây (turkey), lễ Phục Sinh cũng có
gia đình nướng gà tây vì gà tây có bán ở các siêu thị quanh năm nhưng
nhiều nhất vẫn là “ham” tức jambon, đùi heo ướp mặn, ăn chung với bánh
mì, khoai nướng, có thêm gà rô-ti, sà lát, xúc xích, ba-tê v.v...Lễ
Giáng sinh họ có bánh pudding (theo kiểu Anh) nhưng Phục sinh họ có các
thứ bánh mua tại tiệm hoặc làm lấy, nguyên liệu từ vườn nhà như zuchini
squash, một loại dưa vỏ xanh, thịt mềm, lấy thịt này xay ra trộn với bột
làm bánh, thêm gia vị và đường, va-ni, đem nướng trong lò cho chín vàng
gọi là zuchini bread, khá ngon, người viết bài này thường thích ăn.
Quả
pumpkin tức bí ngô, tháng 10 năm ngoái còn dư nhiều bỏ vào freezer, nay
lấy ra làm bánh pumpkin bread ăn cũng ngon mà lại trừ được chứng đau
màng óc (năm ngoái có người trồng được quả bí ngô nặng gần 1,000
pounds).
Khi
muốn ăn những thứ khác, người Hoa Kỳ vào các Mall hay các Super Market
mua kẹo lạc, kẹo chocolat, kẹo hạt điều (cashew), kem (ice cream) cake
(bánh sinh nhật) hoặc rất nhiều thứ kẹo bánh khác.
Phải
nói những ai thích ăn uống thì nên ở Hoa Kỳ vì Hoa Kỳ có rất nhiều thức
ăn từ thịt, cá, khoai, đậu, bánh trái, bánh mì, quả trái...thứ nào cũng
dồi dào. Một thí dụ: Năm 2006, Hoa Kỳ sản xuất 1 tỉ rưỡi pound khoai
lang (sweet potatoes, 1 pound= gần nửa kí).
Có
những bữa tiệc cưới của người Việt ăn một nửa, đổ đi một nửa vào thùng
rác vì cô dâu, chú rể muốn lấy le nên đã đặt (order) quá nhiều món, 10
người một bàn ăn không xuể, nhất là mấy ông bà cao niên sợ đường, sợ mỡ,
đưa về sau bữa tiệc thì không muốn cầm, thế là bồi bàn cứ tương vào
thùng rác cho tiện việc. Mà những món ăn ấy nào có rẻ. Cá sốt chua ngọt,
chim cút rôti, gà hấp cải bẹ xanh, cơm chiên, mì xào v.v.. có ít cũng
phải 300-350 đô la một bàn 10 người.
***
Ngày
lễ Phục Sinh người ta thường uống rượu vang trong các bữa ăn tối
(dinner). Sau cơm tối, nhiều gia đình rủ nhau đi xem ci-nê, những phim
“Who was Jesus?” (Đức Kitô là ai? ) “The Ten Commandments” (Mười điều
răn), Titanic (tầu Titanic) v.v...Những năm sau này, trên TV cũng có
những phim vừa nói, xem ở nhà khỏi tốn tiền nhưng Quảng cáo làm phiền vì
chúng xen vào giữa phim, xem sốt ruột.
Nhớ
năm 1976, lễ Phục Sinh, lúc tôi ở Hoa Kỳ mới được 6 tháng, đã có việc
làm là thư kí Thủ Kho của một Công Ti Giấy ở thành phố Memphis, tiểu
bang Tennessee (toàn giấy nên chẳng ăn được đâu) công việc kế toán xuất
nhập giấy tuy bận rộn nhưng hợp sức vì bắp thịt tôi không khá lắm mà ở
tiểu bang nông nghiệp này, người ta toàn sống nhờ bắp thịt. Tôi là giáo
sư Toán ở Sàigòn nhưng phải cố gắng lắm qua hai kì interview do hai ông
Mỹ phỏng vấn (rất nhiều người nộp đơn cho 1 chỗ) mới chớp được cái job
Thủ kho Kế toán này từ hai ông Mỹ già về hưu.
Biết
họ đã mướn để làm Thủ Kho, đêm nằm cứ mừng thầm không ngủ được, có lẽ
còn mừng hơn ngày 29-8-1971 khi nghe tòa Tỉnh trưởng Gia Định thông báo
tôi đã đắc cử Dân biểu đơn vị I Gia Định.
Sang
đất nước người, nghề ngỗng không có, tiếng Anh tiếng U chưa thạo, lạ
nước lạ cái, phong tục tập quán không biết, xe cộ chưa có (nhà thờ cho
cái xe bự tổ chảng, già lão quá, uống xăng hơn uống nước đá lạnh), nhà
cửa bỏ lại hết, vợ con bỏ lại VN quá nửa, buồn nẫu ruột ra, được cái
“dáp” vững, vừa sức, không mừng sao được?
Tôi
nhớ lúc đó vàng lá 9999 chỉ có 110 đô la/lạng. Lương tôi không khá lắm
(khoảng 7 đôla /giờ) vì mới làm (lương tối thiểu lúc đó là 2đôla75/giờ,
xăng 45 cents/galông) nhưng mỗi tháng, ăn tiêu rồi tôi còn để ra được 5
lạng vàng. Cũng không tệ phải không bạn? Căn áp-pác-mân 3 phòng ngủ tôi
mướn mỗi tháng phải trả 300 cả điện, nước, gas. Ngày còn dạy học ở
Sàigòn, mấy lớp luyện thi Tú Tài II, học trò mỗi lớp cả trăm hai, trăm
ba ấy vậy mà chả thế nào để dư ra được lạng vàng. Nay làm vừa sức, lại
có dư như vậy, lúc đó tôi nghĩ chẳng bao lâu sẽ khá. Nhưng rồi cũng vào
túi các ông chủ tầu chở các con tôi sang đảo hết, chuyến đi được, chuyến
bị lừa!
Tôi
vẫn nhớ ông Chủ tịch Hội đồng Giáo Xứ Xanh En, ông Richard D. Turner,
đang là Kỹ sư cơ khí, đã sang Âu châu dự thế chiến II, một đại ân nhân
của tôi, ông không phải là sponsor của tôi và hai thằng con tôi với anh
bạn nhưng ngay từ buổi lễ Chúa Nhật đầu tiên tôi đi nhà thờ St Ann, ông
đã tìm gặp và yên ủi, giúp đỡ tôi hết mình.
Ông
bảo bà vợ, đang là Y tá, đọc vào tape rồi tặng cho tôi để tôi học Anh
ngữ tại nhà. Những ngày thứ bảy, chủ nhật, ông mời tôi đến nhà đàm đạo,
tôi không biết người Mỹ gọi cái đó bằng tên gì thì cứ hỏi, người Mỹ muốn
diễn tả ý nghĩ đó bằng cách nào thì cứ nói. Hai ông bà sẵn sàng giúp.
Nhờ
vốn liếng Anh ngữ xưa kia ở Sàigòn tôi đã học và đã đi dạy từ lớp 11
trở xuống, tôi chỉ cần nghe cho tinh (vì nghe rất khó) và phát âm cho
trúng nữa là đi làm được.
Vào
sở, tôi phải giao dịch với những người đến giao giấy, những cuồng giấy
khổng lồ, rồi giao thành phẩm là tập vở học sinh cho những người đến
lãnh đem ra xe truck chở đi, tôi phải nói suốt buổi, lại ra lệnh cho
những anh Mỹ trắng, Mỹ đen lái xe forklift chất giấy vào kho, mang giấy
ra kẻ hàng v.v...có nghĩa tôi phải sử dụng ngôn ngữ cả buổi làm (tôi làm
cas 2 từ 3 giờ chiều đến 12 giờ nửa đêm, có 1 giờ ăn lunch và 2 lần
nghỉ 15 phút break).
Gia
đình tôi dạo đó còn kẹt lại Sàigòn, cần tiền (ai chả cần tiền) nên tôi
phải đi làm thêm một job part time nữa vào buổi sáng. Tuổi lớn (tôi tới
Hoa Kỳ đã ở tuổi tứ tuần) chỉ ngủ được từ 1 giờ đến 8:30 sáng. Dậy lo vệ
sinh, xong ăn uống chút đỉnh, 9:45 giờ tôi có mặt ở một tiệm bán Hải
sản chín cho khách ăn trưa.
Công
việc của tôi cũng nhàn. Hễ anh Mỹ trao cho tôi cái order thí dụ 3 phần
catfish, hay 2 phần sò (oyster), hay 2 phần tôm (shrimp) chẳng hạn thì
tôi lấy các thứ ấy ngay trong tủ lạnh bỏ vào cái giỏ như cái súc bánh
phở, đặt nó xuống chảo dầu đầy đang sôi, ấn cái chuông, đi lấy đĩa giấy
để sẵn đó, khi chuông reng, (khoảng 3 phút sau) tôi nhấc cái “súc bánh”
lên, đổ cá, tôm hay sò trong đó vào cái đĩa giấy đã có một cái napkin
thấm bớt mỡ, lùa cái đĩa lại phía anh Mỹ. Hắn đón lấy đọc to con số để
người khách lại lấy đem ra bàn.
Những
buổi trưa khá đông, tôi phải tay năm tay mười mới kịp, khi nào tôi làm
không xuể vì lượng khách du lịch đến đột ngột thì anh manager cho thêm
một cô Mỹ phụ.
Chính
tại cái vụ phụ giúp này mà lắm rắc rối. Cô Dawn (Đon), Mỹ trắng, xinh
ơi là xinh, trắng ơi là trắng, nhỏ nhỏ như con gái Việt, tóc đen, mắt
to, mới hơn hai chục, người CG, có bà mẹ, sau buổi phụ cho tôi lần đầu,
cô cứ đòi ông manager cho cô phụ với tôi miết, cô còn đòi đến thăm tôi ở
cái áp-pác-mân ba phòng ngủ giáo xứ Xanh- En mướn cho tôi!
(Lúc tôi rời Memphis đi Cali, 4-1978, cô khóc sưng cả mắt. Nhưng thôi đang lễ lậy,chuyện đó sẽ nói sau.)
Tôi
làm việc đến 2 giờ kém 15 thì kiếm hem-bơ-gơ và khoai chiên ngồi ăn.
Bữa trưa ấy, chủ tiệm đãi, khỏi tiền bạc gì. Hai giờ rưỡi là tôi lái xe
đi làm ca chiều ở hãng giấy, đi chung với anh bạn, tuần tôi lái, tuần
anh ta lái.
Lại
nói Lễ Phục Sinh năm 1976, ông bà Richard Turner mời tôi, hai đứa con
trai tôi và anh bạn xưa là Trung tá ở Quảng Trị đến ăn mừng lễ.
Việc
phụng vụ tại thánh đường đã xong, có cả tiếp tân cà phê, đâu nất. Chiều
hôm đó, tôi lái xe đưa gia đình tôi (anh bạn và hai đứa con) đến nhà
ông bà Turner.
Ông
xếp chỗ cho tôi ngồi kế ông, bên kia là bà vợ ông, rồi đến anh bạn của
tôi và con tôi, các con ông, một bàn dài gần hai chục người.
Ông
bảo mọi người im lặng rồi cầu nguyện thật sốt sắng, xin Chúa ban thực
phẩm hàng ngày. Sau đó, thằng con trai ông đi rót rượu vang trắng. Hôm
nay chúng tôi có món cá lưỡi trâu (halibut) sốt chua ngọt, lại có sò
hến, ham, split pea, một thứ đậu nấu, khoai nướng quệt bơ, bánh mì;
tráng miệng có zuchini bread do bà Turner cắt dưa từ vườn nhà làm và
cam, táo, nho.
Tôi
thật cảm động khi hai ông bà Turner đối xử với gia đình tôi như thế khi
biết rằng ông không có hảo cảm với giống da đen. Ông Barrack Obama sắp
ra đây, khó lòng mà có hai phiếu của hai ông bà Turner, tôi nói điều đó
không nghi ngờ.
Lễ
Phục Sinh, người Mỹ còn dùng thì giờ để đi du lịch. Đã không thiếu
người Mỹ sang Jerusalem dự lễ Phục Sinh cũng như sang Bethlehem dự lễ
Giáng Sinh. Người Việt hải ngoại ngày nay làm ăn khá giả, nhiều người
cũng đi du lịch sang tận Do Thái, người Công giáo đến các thánh tích nơi
Chúa sinh ra và chịu nạn; rồi nhiều người còn đi Rome, Paris, Nga, Đông
Âu, Liên Âu, Á châu và về Việt Nam.
Ở
California, quận Orange, ngày lễ Phục Sinh người ta thường cho trẻ em
đi chơi một ngày trong Disneyland được mệnh danh là “The happiest place
on Earth” Nơi vui sướng nhất trên địa cầu.
Người
ta có nhiều trò chơi cho trẻ em và người lớn ở trong Disneyland. Tả
không thể đủ và không hay, chỉ đến coi tận mắt là hay nhất. Nhưng tôi
biết, nhiều bà con ta, làm sao có cơ hội đến được Disneyland?
Ấy
vậy mà, nhiều người có cơ hội lại không thích Disneyland. Họ lái xe đi
Las Vegas, nơi đó có đỏ đen, có ăn thua, sát phạt. Chắc chắn nó không
phải là “The happiest place on Earth!”
Chúc quí bạn thật vui trong lễ Chúa sống lại.
Xuân Vũ TRẦN ĐÌNH NGỌC