Nhà
Đỏ Vô Thần
Nguyễn Quang
Tại sao một ủy viên Bộ chính trị như Đinh La Thăng,
khi bị tù tội trước Tòa ‘Xin đối xử với bị cáo như số phận một con người’.
Chúng ta hãy cùng nhau quay lại một trong những nơi giam giữ khắc nghiệt dưới
chế độ cộng sản tại Việt Nam:
Nhà Đỏ.
Nhà Đỏ đó là tên các tù nhân đặt cho nhà kỷ luật nổi
tiếng tại trại Xuân Phước, A 20, Tuy Hòa, Tỉnh Phú Yên. Ở đây nó mang hình ảnh chung
của các nhà kỷ luật, kiên giam dưới chế độ cộng sản Việt Nam.
Có Thánh lễ cầu an tha tội, xá tội vong nhân, nhưng
nơi đây chỉ có sự ghép tội và dẫn đến cái chết: con người bị buộc tội từ trong
tư tưởng, chứ không hà tất phải có bằng chứng đầy đủ mới buộc tội.
Lễ ghép tội: thường bắt đầu bằng nghi thức tù nhân bị
cột chéo tay ngược về phía sau thân cây khá lớn trong tư thế đứng. Các cơ của
vòng ngực cùng xương sườn bị kéo ngược giãn ra khi chiếc còng số tám buộc chặt
hai cổ tay tréo nhau gộp lại, tất nhiên phải có sự phụ trợ của tù tự giác, mới
khiến hai cổ tay khít lại với nhau, theo nhiều người, có vài ký giả từng qua lễ
ghép tội cùng kể lại: nước mắt nước mũi tù nhân nào cũng tràn ra dẫy dụa. Màn
đầu kết thúc, cho dù có tội hay không có tội, đối với bất cứ ai cũng phải trải
qua trước khi bước vào Nhà đỏ .
Ngoài ra, theo lời các tù nhân xây cất Nhà đỏ truyền
lại, họ được lệnh đổ muối thật nhiều dưới nền, nên về khuya cái lạnh giữa rừng
khiến Nhà đỏ trở nên rất lạnh và khi thời tiết oi bức cũng trở nên rất nóng như
thiêu đốt.
Đặc biệt ở đây, đó là giờ tử thần, lúc mặt trời sắp
lặn dần, rồi khuất núi, cũng là lúc chuẩn bị điểm danh. Khi có tiếng gọi từ
ngoài cửa đầy sự ngang ngược hỗn láo, tất cả dù già trẻ lớn bé đều là thằng,
tên nầy, tên nọ... là ngụy, phản quốc.v.v.. rồi có tiếng đáp lại đầy sợ hãi từ
bên trong, giây phút nầy là khoảnh khắc hồi họp nhất trong ngày, các tù nhân có
thể bị lôi ra và bị đánh đập tàn nhẫn về đủ mọi lý do để con người phải đến cái
chết.
Đêm càng về khuya, sương muối đổ vào phòng giam qua
các cửa thông gió, khiến quần áo người tù bị cùm bên trong cũng ướt sũng, chỉ
có thể ngồi khum người và áo phải kéo lên khỏi đầu để làm mùng tránh muỗi,
chúng bay thành đàn vo ve như bầy ong giữa rừng. Việc tắm giặt hầu như không có
ở thế giới nầy, nơi cửa ngõ của sự chết.
Những con người từng trải qua nhà đỏ.
Con người ấy đã điên: nguyên là một đoàn viên thanh
niên cộng sản, phản đối thật mạnh mẽ về những sai trái của chế độ, anh bị kiên
giam lâu dài, nên hậu quả nhiều lúc hoảng loạn vừa đi cầu và ăn luôn, hoặc bôi
đầy người... chạy khắp trại giam không tấm áo che thân. Trong cơn hoảng loạn như
thế, anh càng bị đánh đập nặng thêm, bị lôi đi khắp toàn trại đến điểm cuối
cùng là trở lại nhà kiên giam. Miệng luôn lảm nhảm, mỗi khi phát âm lớn lên đó
là những lời than oán chế độ, khi thì thầm không ai nghe rõ gì cả. Khuôn mặt
của thanh niên đoàn viên nầy xương xương vì có lẽ sự thiếu thốn đã kéo dài
không chỉ vài ngày mà nhiều năm, con mắt sáng mở to như dí vào mỗi ai đã từng
gặp anh những khát vọng chưa thực hiện được... Việt cộng thì dùng giáo mác đâm
thẳng vào người khác, còn nếu có súng, xe tăng là của Nga, Tàu mà hết thảy nạn
nhân là người Việt, máu phun tung toé, còn người Mỹ chỉ để lại những hố bom to
tướng, họ từ xa bắn hoặc ném xuống và không còn dấu tích gì ngoài vũng nước sâu
xanh còn lại... ai văn minh hơn?
Một sinh viên mang án chung thân khác, người luôn đấu
tranh không mệt mỏi trong tù về dân sinh, dân quyền, anh trở nên bất bình
thường từ từ rồi điên loạn, tất nhiên sinh viên trẻ nầy đã bị đánh rất nhiều:
anh đã nhảy xuống giếng tự tử, may mắn được cứu sống, đã đập đầu vào tường, treo
cổ... lần cuối cùng khi được chuyển vào đội hậu cần làm nhà bếp, anh đã nhảy
vào chảo nước đang sôi và ra đi vĩnh viễn. Anh đã để lại lá thư tuyệt mạng với
những đòi hỏi về dân sinh, dân quyền. Anh là một sinh viên Quốc Gia Hành Chánh
và có lẽ không một ai cùng Trường không nhớ về hình ảnh của Anh Nguyễn Văn
Bình.
Có một Linh mục Dòng Đồng Công rất hiền từ, khiêm tốn,
chưa ngoài năm mươi, cũng điên từ từ và điên thật. Ai cũng thương mến người về
lòng bác ái đã thể hiện khi còn tỉnh táo - Linh mục Liên.
Sau một thời gian ngắn ở tại Nhà đỏ, khuôn mặt người
nào cũng sưng phù lên và cả bàn chân cũng vậy, họ trầm mặc, ít nói và sau đó là
việc chuyển đến bệnh xá để gần nhà xác hơn.
Nhưng “vật cùng tất biến”, có những người bị kiên giam
nhiều lần song vẫn không chết - Các đạo sĩ, họ biết rõ không tránh khỏi kiên
giam, nên xem các phòng giam nhỏ nơi đây như là nơi tịnh cốc, nhập thất và tu
luyện. Các tù nhân này lúc ra ngoài ngồi đâu họ cũng trong tư thế toạ thiền, và
một số người lúc nào cái đầu cũng gật gật. Họ ăn chay và làm điều thiện, cũng
có kẻ nói tiên tri bói toán.
Khi con người quay lưng 180 độ, đó là một sĩ quan trẻ
rất hăng say trong cuộc đấu tranh chống bất công trong tù, thuộc nhóm trẻ bất
khuất ở trại giam, về sau thất vọng trước những lời hứa suông của các lãnh tụ
trong tù, nhất là về nhân cách chính trị của các vị nầy. Tù nhân “một trăm tám
mươi độ” đã khai báo hết tất cả các hoạt động bí mật trong tù, khiến không biết
bao nhiêu người đã phải vào kiên giam. Hậu quả đã diễn ra phiên toà lưu động để
xét xử các âm mưu trong tù như làm thơ, ngâm nga chống chế độ, kể cả các phát
biểu được ghi nhận chống phá cách mạng đều bị kiên giam. Nhà Đỏ vào thời điểm
này đều đông nghẹt.
Khi chính khách không còn nhận ra chính mình: chính
khách thời hay tuyên bố, và đây là lời tuyên bố của một Luật sư trong tù: -Ở
nhà có cha mẹ, ở đây có cán bộ; rồi lúc nằm kiên giam gặp lại một quản giáo cũ,
ông đã thốt lên: - Hay quá gặp lại thầy cũ. Luật sư Nguyễn Khắc. Các tù nhân
chỉ trích việc thỏa hiệp với cán bộ, ông nói “Tôi chủ trương đối thoại, cứu
người”.
Sự sợ hãi quá mức ở kiên giam Nhà Đỏ, khiến nhiều trí
thức như ông không còn biết mình là ai nữa, nỗi ám ảnh về cái chết, những lo
toan sẽ mất mọi thứ dù đã bị mất mát rất nhiều rồi, và trong tù những món hời
nhưng thật quí: nào cái lon gô để nấu nướng, ít cá khô, lương khô... cái bình
đựng nước cùng vài bộ quần áo tù... bên cạnh các tham vọng ẩn kín về quyền lực
của con người. Ông cũng bị tên tù “một trăm tám mươi độ” tố cáo, bị kiên giam
đến gần chết mới được thả ra.
Nhưng cũng có Luật sư bất khuất vô cùng, đó là Ông Lý
Văn Hiệp, nguyên Thủ lãnh Luật sư Đoàn miền Trung, Cụ bị kiên giam lâu dài
nhưng về nhà mới chết.
Xác ở đây nhưng hồn ở miền cực lạc: nhóm tù nhân thuộc
loại nầy không ít, họ co rút người trong cô độc, miệng luôn lẩm nhẩm, ngồi kiểu
thiền và luôn nói chuyện với “thần thánh”, các tù nhân gọi họ là những người ở
cõi trên. Họ lý giải: xác ở đây nhưng hồn ở miền cực lạc, cuộc sống hằng ngày
của chúng ta ở đây chỉ là hình ảnh của cuộc sống thực ở nơi hư vô nào đó mà
thôi. Các tù nhân dạng nầy thường đã bị đánh đập rất nhiều trong lúc chấp cung.
Họ chống lại việc làm điều ác, nhưng không tin có định luật nhân quả.
Người ta cũng chứng kiến: những con người vì tha nhân
mà có những hành động khác thường như họ sẵn sàng tạo ra các nguyên cớ để được
vào nhà kỷ luật hầu mang thuốc chữa bệnh cho anh em bị kiên giam lâu ngày, như
giả đánh nhau ngay giữa sân trại giam, tất nhiên trước mắt giám thị phải đưa cả
hai vào nhà kỷ luật rồi sẽ phân xử sau, lợi dụng sự sơ hở trong khoảnh khắc
nầy, các tù nhân đã giấu thuốc men trong người khi vào đến được nhà kỷ luật là
trao ngay... Các hình thức khác như hái dừa trộm, ăn cắp hoa màu... thường phải
qua thủ tục lập biên bản, nên có hơi chậm khi anh em đang cần cấp cứu cấp thời.
Họ là những người luôn tổ chức cho các tù nhân khác nâng cao trình độ, việc học
trong tù là điều lén lút, song hầu như ai cũng muốn học, nhất là ngoại ngữ nếu
bị cấm ngặt quá thời học toán, vì sự phát hiện có bằng chứng dù là một chữ
tiếng Anh, Pháp, Đức trong túi cũng sẽ bị kỷ luật ít ra bảy ngày.
Họ là những người thuộc nhóm trẻ đấu tranh đòi quyền
sống và được đối xử cho ra con người. Những việc làm của họ thường trong âm
thầm và bí mật nhưng nó là sợi dây liên kết về tinh thần trong trại giam, nó là
dấu chỉ của niềm tin và hy vọng vì nơi tận cùng của thế giới nầy: con người vẫn
còn lòng trắc ẩn, biết yêu thương đồng loại và sẵn sàng hy sinh chính mạng sống
của mình. Những anh em rất trẻ nầy, không người nào không mang các dấu ấn đầy
thương tích cả về thân xác và tinh thần. Theo thời gian không biết bây giờ các
bạn ở đâu, song những ai đã từng qua trại Thung lũng tử thần, bị kiên giam, kỷ
luật và được nâng cao trình độ chắc không bao giờ quên vì sự quý chuộng công lý
và dấn thân của họ.
Một Thủ lĩnh giới trẻ trong cuộc đấu tranh tại nhà tù,
đó là anh Trần Minh Tuấn, người bạn trẻ này xuất thân từ làng quê của anh hùng
áo vải Nguyễn Huệ. Nếu viết về tấm gương quả cảm, chí khí của người bạn này sẽ
là một tác phẩm. Sau nhiều năm tháng vất vả trên đường tỵ nạn, nghe nói anh đã
định cư được ở Mỹ hay Canada?
Chưa thấy ai viết về anh, hôm nay có mấy dòng nhớ về Anh.
Người viết còn nhớ nhiều nhân vật, nay còn sống, trong
đó có một bạn trẻ vừa là chủ trương và “Tổng Biên tập” của tờ báo trong tù. Anh
bị kiên giam thường xuyên ngay tại Thung Lũng Tử Thần. Khi đến trại Xuân Phước,
bạn được chuyền tay một tờ báo mini bằng nửa lòng bàn tay, nội dung với những
món ăn tinh thần vô giá cho các tù nhân. Ký giả Vũ Ánh với sự cộng tác của Nhà
văn Đỗ Văn Phúc và nhiều tù nhân.
Và, các vị chân tu khả kính: Cha Bề trên Dòng Tên
Nguyễn Công Đoan, Trần Đình Thủ Dòng Đồng Công thì hầu như giúp đỡ gần hết
những người khó nghèo mà Người gặp, còn Cha Trần Văn Nguyện mỗi khi thăm nuôi,
lúc mang vào là chia hết ngay cho anh em nghèo khổ không có gia đình đến thăm
viếng, rồi sau đó ăn bánh xe lịch sử, tức bánh bột khoai mì đen. Ngày ra khỏi
trại, Người đi chân không, đôi dép được gửi lại cho ai đó bớt khổ, nơi trại
Thung Lũng Tử Thần chân của phần lớn các tù nhân đều bị nứt nẻ vì mỗi khi ra
khỏi trại bắt buộc phải đi chân không, dù là lên rừng đốn củi hay khai hoang.
Người để lại
gương bất khuất đấu tranh vì tự do, nhân quyền cho giới trẻ có Thầy Ba, tức Hòa
Thượng Thích Thiện Minh, Thầy nằm nhà đỏ khá lâu nhưng thoát chết, còn Linh mục
Nguyễn Luân rất trẻ bị hành hạ chết ngay trong Nhà Đỏ như Linh mục Nguyễn Văn
Vàng.
Nạn nhân kinh
hoàng sau tiếng kẻng điểm danh mỗi chiều, có Linh mục Nguyễn Quang Minh, vụ Nhà
thờ Vinh Sơn, Sài Gòn, người bị lôi ra bị đánh hộc máu chết vì tội ở tù mà còn
giữ bánh lễ. Đối với các bạn tù Xuân Phước, mỗi Thứ Năm Tuần Thánh hầu như anh
em đều nhớ cái chết bi thảm của Ngài.
Khắp các trại
giam, dù trong điều kiện nghiệt ngã, tù nhân vẫn giữ Kinh Thánh hay viết tay
Kinh Phật, anh em Cao Đài, Hòa Hào thường viết về Sấm Truyền… Tất cả đều xé ra
từng mảnh nhỏ và chuyền tay nhau trong niềm tin và hy vọng “Thượng Đế luôn dẫn
dắt chúng con trên con đường công chính”.
Nguyễn Quang
Hồng Nhân.